Trong Bóng Tối

Chương 27: Truy đuổi và chạy trốn (7)



Đàm Quảng Thắng nào ngờ được, cứu một người từ lòng sông tối đen chảy xiết thôi lại khiến chính mình dính vào một vụ án nghiêm trọng, ngay cả vụ án cũ đã kết thúc ba mươi năm trước cũng bị đào lên, vậy nên ông né tránh trốn chạy cả một đời, nhưng cuối cùng mới nhận ra lưới trời công bằng biết bao nhiêu.

Chuyện phải kể từ ba mươi năm về trước, khi ấy ông còn chưa phải là bác Đàm tóc bạc phơ khom lưng lam lũ, người xung quanh luôn gọi ông là anh Thắng, vì ông mang trên mình khí phách hào hùng trượng nghĩa, toát ra cái chất đại ca giang hồ.

Đàm Quảng Thắng rất tự hào với cái danh “anh Thắng” này, lúc nào cũng vui vẻ giúp đỡ người ta, đôi khi chỉ là giúp chuyện vặt vãnh nhưng có những lúc ôm cả những việc hệ trọng liên quan tới tính mạng vào người. Vợ ông từng úp mở chỉ trích nhiều lần, chê ông ngu ngốc thì ông cũng chỉ cười xòa cho qua, nói là làm thì có phúc hơn hưởng, sớm muộn gì cũng sẽ được phúc lớn đền đáp.

Đàm Quảng Thắng không chờ được “phúc lớn” của mình tới, thứ tìm tới ông là một đống anh em cùng làm công xin hỗ trợ, ai nấy đều khóc lóc nức nở nói là ông chủ họ Đàm ở nhà máy của bọn họ cố tình nợ lương, ông với mấy công nhân khác bị nợ tổng cộng một trăm ngàn, giờ muốn đi đòi lương nhưng không ai dám tiên phong mở đường.

Thực ra Đàm Quảng Thắng chỉ làm hộ hai ngày công ở chỗ đó, mặc dù còn chưa được quyết toán tiền nhưng không đến mức ảnh hưởng tới bữa ăn của ông. Nhưng Đàm Quảng Thắng nghe nói ông chủ Đàm đó tiêu hết hơn chục ngàn mỗi lần vào câu lạc bộ đêm, ấy thế mà lại cố tình không chịu trả một trăm nghìn đáng lý phải trả cho người ta này. Ông giận sôi máu, vỗ đùi đứng dậy rồi nói, cùng họ Đàm với anh thì để anh đòi!

Đàm Quảng Thắng dẫn theo nhóm công nhân đi đàm phán với ông chủ Đàm, ông không học hành gì nhưng được cái có tài ăn nói, ông thuyết phục những người làm công khác trong công ty của ông chủ Đàm kia đồng loạt đình công, cùng nhau tạo áp lực đòi lương với lãnh đạo.

Tình hình khó có thể dằn xuống một sớm một chiều, thấy Đàm Quảng Thắng là trụ cột duy nhất trong đám đó nên bên kia mới nghĩ ra trò hèn “bắt giặc phải bắt vua trước”. Lão cho người lan truyền tin phong thanh, ông chủ không trả tiền lương là vì có thù oán cá nhân với Đàm Quảng Thắng.

Đàm Quảng Thắng mãi mãi không thể quên được ngày hôm đó, ông kêu gọi những công nhân cùng bị nợ lương bao vây công ty của ông chủ Đàm, chặn cửa chắn đường, sau đó ông chỉ huy bọn họ giơ cao biểu ngữ, đi đầu hô khẩu hiệu. Ai mà ngờ bình thường ông chủ Đàm quen biết rộng rãi, bắt tay với cả đám bạn bè xã hội thượng vàng hạ cám. Sau đó một vài kẻ lao ra từ cổng lớn, bắt đầu đuổi đánh mọi người một cách đầy bạo lực.

Đàm Quảng Thắng có thể đánh nhau. Tuy vóc người thấp bé nhưng trước đây ông từng học võ, hay bị người ta trêu là nhìn ông đánh nhau giống Lý Tiểu Long. Tiếc là bên kia ỷ thế mạnh người đông, ông tả xung hữu đột đánh nhau với người ta nhưng rồi vẫn bị bắt lại. Ba gã đô con giữ chặt vai ông ép ông quỳ xuống, ông vẫn liều chết không làm theo.

Ông chủ Đàm tỏ ra tốt bụng, lão nói với mọi người không phải không muốn trả mà thật sự rất tức giận với nhân phẩm của họ Đàm kia, mấy người bắt gã quỳ, nếu gã chịu quỳ thì coi như ân oán chấm dứt, lão sẽ lập tức thanh toán một trăm ngàn cho mấy anh em.

Vào khoảnh khắc này, lời đồn đãi chỉ như đốm lửa nhỏ lập lòe đã bùng nổ như lửa lan khắp đồng, đám công nhân nóng lòng muốn về nhà ăn Tết nên nhao lên khuyên ông, bảo anh Thắng này, anh quỳ đi nhé, quỳ là tôi có thể về ăn Tết rồi.

Đàm Quảng Thắng bị túm chặt vẫn như một con sư tử uy phong, ai lại gần khuyên là ông nhổ nước bọt vào kẻ đó, ông không học hành gì nhiều nhưng cũng từng nghe một câu, dưới gối đàn ông có vàng, sao có thể tùy tiện quỳ xuống trước họ Đàm kia?

Một công nhân đánh bạo tiến lên, thô bạo bẻ cánh tay của Đàm Quảng Thắng, sau đó lại có một đám công nhân lần lượt đi tới thượng cẳng tay hạ cẳng chân với ông, trong số đó có cả cái tên đã từng đến khóc lóc cầu xin ông, gã cũng tát ông hai phát rất mạnh.

Bản thân Đàm Quảng Thắng không còn nhớ mình có quỳ hay không, ông vẫn luôn ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh ngắt đầy bi tráng, cho đến khi bị đánh đến ngất xỉu.

Đàm Quảng Thắng bị một đống người hành hung, nằm viện hai tháng nhưng không có bất cứ một tên công nhân nào đến thăm ông, sau khi về nhà thì thấy vợ không chịu nổi cái thói ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng của mình suốt mấy năm qua nên đã chạy theo người khác rồi.

Ông chủ Đàm có mối quan hệ rất rộng ở vùng này, Đàm Quảng Thắng còn chưa ra viện đã bị bên kia uy hiếp muốn ông cút cho nhanh, nếu không thì gặp lần nào đánh lần đó. Đàm Quảng Thắng hết cách, chỉ có thể lết đôi chân bị thương đi tha hương nơi khác.

Về sau ông mới phát hiện ra hình như chân mình bị bên dài bên ngắn, tuy bình thường không phát hiện ra, cũng không ảnh hưởng tới việc đi lại nhưng chuyện này vẫn gieo khúc mắc vào lòng Đàm Quảng Thắng. Ông càng nghĩ càng không hiểu nổi, giúp đỡ người ta cuối cùng lại khiến bản thân vừa bị thương trên người vừa bị thương trong lòng. Bị thương trên người chỉ là thứ yếu, quan trọng là ông cảm thấy con người thật sự ghê tởm.

Sau khi đã thất vọng với tính người, Đàm Quảng Thắng lại trải qua rất nhiều chuyện tồi tệ khi kiếm kế mưu sinh. Có đêm nào đó ông đột nhập vào một nhà xưởng ăn trộm tiền, ai ngờ bị con chó canh cổng đuổi theo suốt cả một con phố. Đùi bị cắn rách một miếng thịt, máu tươi chảy ra đầm đìa, ông loạng choạng bước đi, vừa chật vật vừa tuyệt vọng.

Chẳng biết đi được bao xa, Đàm Quảng Thắng tùy tiện gõ cửa một hộ gia đình, ông đã kiệt quệ, người không có nổi một đồng, định bụng xin một ngụm nước uống.

Người mở cửa là một người phụ nữ, ban đầu có vẻ chần chừ trước người đàn ông xa lạ, nhưng khi cô cúi đầu nhìn bên chân chảy máu và chiếc giày thủng thấy cả ngón chân thì lại động lòng trắc ẩn. Cô mở cửa rồi nói với ông, anh à, vào ngồi một lúc đi.

Tim Đàm Quảng Thắng chợt rung động, tha hương đất khách đã lâu, giờ lại nghe thấy giọng của quê hương mình.

“Anh ơi, anh uống trà đi.”

Đón một cốc trà lúa mạch nóng bỏng tay, Đàm Quảng Thắng chợt thấy có dòng nước ấm áp len lỏi trong lòng, ông như một khúc gỗ khô rang lâu năm, lại trở nên có sức sống nhờ dòng nước ấm này.

Người phụ nữ cưới chồng xa, đã nhiều năm chưa về lại quê nhà, vậy nên cũng cảm thấy rất gần gũi với giọng nói quê hương. Cô gần như không có lòng đề phòng với Đàm Quảng Thắng, ăn ngay nói thật: “Chồng tôi ra ngoài làm thêm rồi, trong nhà chỉ còn tôi với con gái.”

Trên bếp vẫn còn đồ ăn còn nấu dở, nói chuyện phiếm với Đàm Quảng Thắng đôi câu, hỏi quê hương thay đổi thế nào, sau đó cô ta xoay người đi vào trong bếp.

Nhà bếp và phòng khách được ngăn cách bởi một tấm rèm nền xanh nhạt điểm thêm hoa nhí, vừa mộc mạc vừa xinh xắn.

Láng máng có tiếng người phụ nữ phía sau tấm rèm, Đàm Quảng Thắng dỏng tai lên nghe lỏm.

“Tôi trông gã chắc chắn là vừa phạm tội rồi, để tôi báo cảnh sát trước, sau đó nghĩ cách giữ chân gã…”

Uỳnh một tiếng, dường như có thứ gì đó nổ tung trong đầu Đàm Quảng Thắng. Tay ông ta lạnh ngắt, cả người run lẩy bẩy, dòng máu vừa mới được hâm nóng đã hóa thành những vụn băng buốt giá nhất. Trong khoảnh khắc ấy, Đàm Quảng Thắng nhớ tới ông chủ Đàm huênh hoang vênh váo, nhớ tới người vợ chửi mình không có tương lai, nhớ tới gã công nhân vả vào miệng mình, người thiện lương thì ai cũng bắt nạt được, ông rút con dao gọt hoa quả ở đ ĩa trái cây ngoài phòng khách lên không chút do dự.

Người phụ nữ vừa vén rèm lên ra khỏi bếp thì Đàm Quảng Thắng đã nhào tới, lưỡi dao găm trắng lóa đâm lên đến khi rút ra đã nhuốm màu đỏ, ông đâm người nọ vài chục nhát một cách man rợ. Những oán hận mấy năm qua tích cóp lại rồi lên men chỉ chờ được thả xích, ông muốn xả hết ra.

Con gái của người phụ nữ vốn đang làm bài tập ở trên tầng, nghe thấy âm thanh lạ thì đi từ trên cầu thang xuống, con bé nhìn thấy mẹ mình nằm giữa vũng máu thì hét lên thất thanh.

Đàm Quảng Thắng đã giết người đến mức mụ mị đầu óc, hoặc là không làm chứ đã làm là phải làm đến cùng, ông xông tới bịt miệng con bé rồi cũng đâm hơn mười nhát dao.

Máu bắn lên khắp tấm rèm màu xanh nhạt. Sau khi giết hai mẹ con, Đàm Quảng Thắng cầm dao đi vào bếp, ông muốn nhìn xem ả đàn bà đó gọi điện báo tin cho chồng mình hay là đang lắm lời với người hàng xóm nào đó, ngờ đâu lại phát hiện ra một sự thật khiếp người.

“Sóng ngầm bắt đầu cuộn lên trong căn phòng, người phụ nữ hạ quyết tâm, bèn rón rén đi về hướng gã đàn ông mặt mày hung dữ đó…”

Đây là giọng của một người đàn ông vang lên từ đài phát thanh.

Ai có thể ngờ câu chuyện Tào Mạnh Đức giết Lã Bá Sa* lại có thể tái diễn vào ngàn năm sau đó, Đàm Quảng Thắng ngây người đứng chết trân tại chỗ.

Nồi canh xương sườn đang bốc khói nghi ngút trên bếp, bên cạnh bếp là một chiếc đài radio loại nhỏ. Người phụ nữ này có thói quen vừa nấu cơm vừa nghe đài, những lời mà ông nghe thấy khi nãy thực chất là “Chuyện của mọi nhà” trong radio.

Ông không biết người phụ nữ đó có thói quen vừa nghe chuyện vừa nấu cơm, ông quá nhạy cảm, nhạy cảm tới mức thậm chí còn không nghe thấy người phụ nữ trong câu chuyện nói bằng giọng phổ thông, không phải giọng quê mình.

Đàm Quảng Thắng đờ đẫn ra khỏi nhà bếp, ông nhìn thấy có vài mảnh sành của bát sứ rơi bên cạnh người phụ nữ đã ngã xuống sàn, ông đếm thử thì vừa khéo là ba bộ bát đũa.

Nước mắt lập tức chảy tràn trên gương mặt ông.

Người phụ nữ thiện lương ấy còn muốn giữ ông lại ăn một bữa cơm nóng hổi.

Nhưng ông đã gi3t chết tấm lòng thiện lương ấy mất rồi.

Đàm Quảng Thắng lau sạch dấu vân tay mình để lại, ăn trộm ít tiền và đồ trang sức của người phụ nữ, trang sức được đặt trong một hộp đựng bằng bạc, thoạt nhìn có vẻ lâu đời. Ông ta rời đi rất vội vàng, về sau mới biết được bản thân đã để lại một dấu chân máu qua tin tức trên báo.

Đáng nhẽ ra sau khi tiêu sạch tiền và bán trang sức lấy tiền mặt thì ông nên xử lý luôn hộp trang sức đó tránh sau này bị cảnh sát tra được. Nhưng Đàm Quảng Thắng lại không làm như thế, ma xui quỷ khiến thế nào mà ông ta luôn giấu hộp trang sức bên mình, dùng nó để nhắc nhở bản thân, muốn dùng hết những năm tháng sau này để bù đắp tội nghiệt của mình.

Vì tình cờ phát hiện ra chuyện chân dài chân ngắn, Đàm Quảng Thắng tự biết đế giày của mình có đặc thù về độ mòn rất dễ nhận ra. Khi nghe người ta nhắc đến “Chiến dịch săn lưới”, lại bóng gió hỏi thăm được từ Đào Long Dược thì ông biết dấu chân cũng có hình dáng riêng, nào là vết sứt, vết lồi, vết thương, vết lõm, có đôi khi còn chính xác hơn cả ADN. Trước đây lĩnh vực điều tra tội phạm không đặt nặng chuyện này, giờ quan tâm rồi thì chắc chắn nghi phạm không thể thoát được nữa.

Thậm chí ông còn từng thấy có đồng chí cảnh sát xuất hiện để điều tra dân tỉnh lẻ và những người có hành vi xấu trong khu nhà trọ vì vụ án giết cả gia đình kia, bọn họ đổ mực xuống đất rồi cho người ta đi qua đi lại thoải mái, dấu giày tròn méo thế nào nhìn thôi là biết ngay.

Từng câu từng chữ, từng sự kiện một đều làm ông kinh hồn táng đảm, ông đã chạy trốn hết nửa đời người, phản ứng đầu tiên vẫn là trốn tiếp.

Giờ đây, trong phòng thẩm vấn của cục điều tra hình sự, Đàm Quảng Thắng có thể trốn lại không trốn nữa, trái lại còn chủ động khai hết vụ án đã xảy ra từ ba mươi năm về trước kia.

Ông có người quen trong đội trọng án, là hai chàng trai rất tốt, họ đều khách sáo gọi ông là “bác Đàm”.

“Tôi biết với công nghệ hiện tại thì sớm muộn gì dấu chân đó cũng mang tới điềm gở, tôi đã định mau chóng rời đi, tôi sợ mấy người sẽ nghi ngờ nên mới nói con gái muốn đón mình qua…” Con gái là chuyện bịa. Toàn bộ tiền của ông đều đã được đem đi quyên góp, ngày nào cũng chỉ ăn bánh bao chay với muối, con gái nào chịu ở cùng ông, mà lấy đâu ra con gái.

Đào Long Dược hiếm khi lâm vào im lặng khi thẩm vấn người khác, những gì ông già khai ra đã vượt quá khả năng nhận thức của hắn.

Tạ Lam Sơn hỏi: “Tại sao bác lại ở bên bờ sông Phàn La vào đêm xảy ra vụ án?”

Khỏi cần nói cũng biết đáp án. Sông Phàn La là một bãi rác tự nhiên, Đàm Quảng Thắng thân là tội phạm bỏ trốn chắc chắn muốn chôn vùi bằng chứng của vụ án ngày xưa.

Quả nhiên Đàm Quảng Thắng đáp: “Tôi muốn vứt hộp trang sức kia, chỉ khi vứt ở chỗ đó mới mãi mãi không ai tìm được.”

Tạ Lam Sơn hỏi: “Sau đó bác đã thấy gì?”

Đàm Quảng Thắng nói ông có thể làm chứng, đêm đó ông đã thấy một chiếc Audi màu đỏ chạy tới bờ sông, ông biết vì logo xe có bốn vòng tròn. Có một thứ gì bị ném xuống sông, ông lập tức nhận ra đó là một người còn sống sờ sờ. Trong khi đó bên kia đã lên xe rồi nghênh ngang rời đi.

Đào Long Dược hỏi: “Còn nhớ biển số xe không?”

Đàm Quảng Thắng lắc đầu: “Trời tối lắm, khi đó chỉ thầm nghĩ phải cứu người nên không để ý chuyện khác.”

Đào Long Dược biết thừa còn cố hỏi: “Sao lúc đó không báo cảnh sát?”

Đàm Quảng Thắng giải thích: “Không thể giải thích rõ ràng được việc tại sao tôi tới bờ sông một mình lúc đêm hôm, chỉ sợ mấy người coi tôi là kẻ tình nghi, cũng bắt tôi để lại dấu chân.”

Đào Long Dược hỏi tiếp: “Vậy sao giờ lại tới?”

Đàm Quảng Thắng nhìn Tạ Lam Sơn rồi đáp: “Không nói rõ được, tôi đã suy nghĩ hai ngày, nghĩ đến việc suy cho cùng đó cũng là một mạng người. Đêm đó tôi nhảy xuống sông cứu cậu ta thì có khả năng tôi cũng bị chết đuối, nhưng tôi vẫn nhảy, vậy nên tôi mới quyết định tới đây.” Ông già lại liếc nhìn Tạ Lam Sơn rồi lắc đầu cười khổ, “Nếu để tôi nghĩ thêm hai ngày nữa chắc tôi sẽ không tới đâu.”

Tạ Lam Sơn cũng cảm thấy rất khiếp hãi, anh vẫn mơ hồ cảm giác được bác Đàm có một bí mật không thể nói với ai, nhưng anh không biết lại dính tới một vụ án cũ từ nhiều năm về trước, anh nghiêm nghị hỏi ông: “Bác có biết hậu quả khi thú nhận những chuyện này không?”

“Biết.” Đàm Quảng Thắng gật đầu, “Ăn một viên đạn, tôi biết chứ.”

Cái kết tới muộn ba mươi năm không mang tới nỗi sợ hãi mà là giải thoát. Ông nói cả đời này cũng không quên được ánh mắt trước khi chết của người phụ nữ kia, dù làm bao nhiêu chuyện tốt thì ông vẫn bàng hoàng tỉnh dậy giữa đêm khuya, trước mắt ông là cảnh người phụ nữ và con gái cô ta nằm trong vũng máu. Ông nói mình không đọc nhiều sách nhưng hồi bé từng nghe một câu chuyện tên là Người nông dân và con rắn*, hồi ấy ông tức đến nỗi người run bần bật, ông nào có ngờ một ngày kia bản thân lại biến thành con rắn vô sỉ ti tiện ấy.

*Vào một buổi sớm mùa đông một Bác nông phu ra đồng. Bác chợt thấy có một con rắn đang nằm dài trên mặt đất, lặng im và cứng đờ vì lạnh. Mặc dù biết rắn là loài nguy hiểm chết người, bác vẫn nhặt nó lên và ôm nó vào ngực bác để sưởi cho nó sống lại. Chẳng mấy chốc con rắn đã cựa quậy được, và khi nó đã tỉnh hẳn, nó liền cắn người đã có lòng tốt cứu lấy sinh mạng của nó. Cú táp hết sức nguy hiểm và Bác nông phu biết rằng mình sẽ chết. Khi bác trút hơi cuối cùng, bác nói với mọi người xung quanh: Hãy lấy cái chết của tôi làm bài học, đừng bao giờ thương hại những kẻ vô ơn.

“Qua ngần ấy năm nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ, người phụ nữ ấy gọi tôi là anh, dẫn một kẻ đến chó còn chê như tôi vào nhà trú tạm, người đó cho tôi uống trà nóng, còn muốn cho tôi ăn một bữa cơm no…” Đàm Quảng Thắng nói bằng giọng quê mình, ông của quá khứ sợ hãi lộ ra dấu vết nên ngay cả nói chuyện cũng nơm nớp lo âu.

Đàm Quảng Thắng nhìn xuyên qua bức tường vôi lạnh tanh của phòng thẩm vấn, sự hối hận vô tận chảy tràn trong đáy mắt ông, tựa như đang nhìn ngắm quê hương đã lâu không về.

Cuối cùng ông nói, tôi không phải người tốt. Kiếp sau tôi sẽ… cố gắng làm một người tốt.

Đàm Quảng Thắng chẳng quen biết gì Trương Ngọc Xuân, bằng chứng ông đưa ra khiến cục phó Lưu nóng lòng kết án không nói được lời nào nữa, rốt cuộc Trương Ngọc Xuân cũng tìm được ánh sáng cuối đường hầm.

“Một tội phạm giết người lẩn trốn hơn ba mươi năm lại chủ động tự thú để cứu một nghi phạm giết người, nghe sao mà như chuyện nghìn lẻ một đêm.” Đào Long Dược vẫn chưa ổn định lại sau những gì Đàm Quảng Thắng khai báo, hắn sửng sốt hồi lâu mới thở dài một tiếng.

“Đừng bao giờ coi thường chính chúng ta.” Tạ Lam Sơn nói, “Chẳng phải chúng ta vẫn luôn là giống loài vừa mâu thuẫn vừa kỳ lạ như thế hay sao, có thể vì chút lợi ích bé tẹo mà kẻ sống người chết, cũng có thể hối cải tỉnh ngộ, quay đầu là bờ.”

“Nếu Trương Ngọc Xuân đã có nhân chứng thì chứng tỏ Trương Ngọc Xuân không nói dối, trước khi cậu ta tới nhà họ Tùng, hung phạm đã trốn được hết camera theo dõi bằng thủ đoạn nào đó để ẩn nấp sẵn trong nhà rồi.” Đào Long Dược quay lại dặn dò Tiểu Lương và Đinh Ly, “Bên bờ sông Phàn La còn chưa được quy hoạch, camera vẫn chưa phủ hết các tuyến đường. Dù thế nào đi nữa thì cứ điều tra những người xung quanh Tùng Dĩnh xem ai đi xe Audi đỏ.”

Tạ Lam Sơn nói, có một cách trực tiếp hơn nữa. Anh nói xong thì ngẩng đầu nhìn về phía cửa phòng làm việc của tổ trọng án như có thần giao cách cảm, anh thấy một người đi từ ngoài vào thì khẽ mỉm cười.

Là Thẩm Lưu Phi.

“Sao hôm nay thầy Thẩm lại rảnh rỗi rồng đến nhà tôm thế này?” Đào Long Dược vẫn khó ở với Thẩm Lưu Phi, người này mồm thì ra rả mình là người Trung Quốc nhưng lại hành xử y như tụi Mỹ, giữ thái độ “chẳng liên quan tới tôi” trước một vụ án lớn nghiêm trọng, hết sức vô tổ chức vô kỷ luật.

“Tôi nhậm chức rồi.” Thẩm Lưu Phi vác bảng vẽ tới, y chẳng thèm liếc nhìn Đào Long Dược mà thay vào đó lại nói với Tạ Lam Sơn, “Thời gian tốt nhất để mô phỏng chân dung là trong ba ngày kể từ khi vụ án xảy ra, chúng ta đã chậm trễ rồi thì nhất định phải tranh thủ thời gian.”

Sau khi rời phòng thẩm vấn phạm nhân, Trương Ngọc Xuân ngồi một mình trong văn phòng, cậu ta được cho một cốc trà nóng, bắt đầu thuật lại những chuyện đã xảy ra sau khi mang đồ ăn tới nhà họ Tùng ngày hôm đó. Việc này thật sự rất khó khăn, chuyện đã qua khá lâu rồi, trí nhớ đã bị xáo trộn, hình ảnh cũng không được trọn vẹn nữa.

Giống như sửa chữa một món đồ cổ bị chôn từ rất lâu, Thẩm Lưu Phi thể hiện triệt để sự kiên nhẫn và chuyên nghiệp của mình, y hướng dẫn Trương Ngọc Xuân nhớ lại tình hình hôm đó, từ từ chắp nối lại rồi điều chỉnh, dần dần tái hiện lại trạng thái ban đầu.

“Lúc đó đèn tối lắm, người phụ nữ mở cửa cho tôi trùm khăn mặt trên đầu che che giấu giấu, lúc đó tôi tưởng bác gái mới tắm xong đi ra. Chị ta mời tôi vào ngồi, và vừa khéo tôi cũng muốn gặp cô Tùng…”

Sau gần ba tiếng, cuối cùng gương mặt của người phụ nữ đó cũng hiện ra một cách rõ ràng trên bảng vẽ…

Tạ Lam Sơn và Đào Long Dược đồng loạt thốt lên: “Tracy!”Hết chương 27.

*Tào Tháo (Tào Mạnh Đức) là một trong những nhân vật xuất hiện sớm nhất và được miêu tả kỹ nhất trong Tam quốc diễn nghĩa. Trong hồi bốn của tác phẩm, La Quán Trung viết, Tào Tháo sau khi ám sát hụt Đổng Trác, lập tức bỏ trốn khỏi kinh thành, đi đến Tiêu Quân thì bị quân canh phòng bắt được, đem nộp cho quan huyện là Trần Cung.

Trước mặt Trần Cung, Tào Tháo tỏ ra là người chính trực, muốn về quê tập hợp nhân tài, khởi binh giết Đổng Trác trừ họa cho nhà Hán. Trần Cung khâm phục, không những không đem Tào Tháo nộp cho Đổng Trác, còn tình nguyện từ chức quan huyện, theo phò tá Tào Tháo. Hai người đi đến Thành Cao, nương nhờ một người bà con của Tào Tháo là Lã Bá Sa và được tiếp đón nhiệt tình.

Khi Lã Bá Sa rời khỏi nhà mua rượu đãi khách, Tào Tháo sinh nghi, bèn cùng với Trần Cung giết cả nhà người đã có lòng tốt che chở cho mình. Giết người xong, Tào Tháo và Trần Cung mới phát hiện người nhà Lã Bá Sa bị oan, hối hận thì đã muộn. Tào Tháo gặp Lã Bá Sa trên đường bỏ chạy, ông ta lừa Lã Bá Sa quay lưng lại rồi chém không thương tiếc. Hành động này cho thấy bản chất đa nghi và thâm độc của nhân vật Tào Tháo trong tiểu thuyết của La Quán Trung.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.