Vở kịch kết thúc nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong đầu nhiều người. Một số nữ sinh không thể ngừng khóc: “Ai mà nhẫn tâm viết ra kịch bản buồn như vậy? Tớ cứ tưởng kết cục sẽ có hậu.”
“Huhu tớ không tin vào tình yêu nữa.”
Hải Yến hỏi Minh Đức xem Gia Bảo đâu. Cậu thờ ơ đáp: “Chắc đi tán gái rồi.”
Cô nàng nhìn đám nữ sinh: “Mấy người kia tâm hồn mong manh dễ vỡ ghê, chỉ là một vở kịch thôi mà.”
“Minh Đức, cậu nghĩ con người và yêu tinh có thể yêu nhau không?”
Cậu chàng vừa đi vừa khoanh tay trước ngực, mặt ngẫm nghĩ: “Có chứ, nếu muốn thì đâu ai cấm cản được, cậu xem Elemental chưa?”
“Tớ xem rồi.”
Hải Yến bỗng nhận ra một chuyện vô cùng quan trọng: “Chết, tụi mình mải đi bỏ quên Nhật An với Cẩm Anh thì phải.”
Minh Đức không quan tâm tiếp tục sải bước: “Bọn họ còn mải thu đồ, tụi mình cứ đi trước.”
Lúc xuống bậc sân khấu Cẩm Anh sơ ý bước hụt, giờ thì cô bị trẹo chân đang ngồi một chỗ. Cẩm Anh ngẫm trước giờ mọi thứ đến với cô đều không hề dễ dàng, cô luôn lo hôm nay khởi đầu tốt như vậy sẽ có vấn đề. Quả nhiên đầu xuôi đuôi kẹt, may thay mọi người đi về nên không để ý.
Nhật An từ đâu quay lại: “Tớ trả hết trang phục cho các thầy cô rồi đấy.”
Cậu nhìn chân cô, quay người khuỵu lưng xuống: “Lên đây tớ cõng cậu ra lán xe.”
Cẩm Anh rụt rè ôm lấy cổ Nhật An. Bờ vai thiếu niên vững chãi, cô ngửi được thoảng thoảng mùi bột giặt trên người cậu.
“Giờ sao, tớ chở cậu qua trạm y tế nhé.”
Cẩm Anh ngồi trên yên xe sau của cậu thắc mắc: “Thế còn xe đạp của tớ?”
“Cứ để đó tớ nói mấy lời với bảo vệ, đằng nào cậu cũng khoá xe rồi.”
Trải qua một lần mất xe Cẩm Anh cực kỳ phản đối: “Có bảo vệ đầy người vẫn mất xe như thường, tớ không chịu.”
Nhật An không dài dòng dứt khoát đạp tới trạm y tế. Cẩm Anh hơi bất ngờ vì hành động này, tay bám chặt áo cậu.
“Yên tâm, nếu mất tớ đền cho cậu xe mới, bổn thiếu gia giàu lắm.”
Cẩm Anh ngồi đằng sau khẽ mỉm cười.
Chân của Cẩm Anh được giải quyết xong xuôi nhưng cô vẫn phải đi tập tễnh. Cô đành để xe ở trường một hôm, ít ra an toàn hơn để ngoài đường.
“Phiền cậu quá.”
Thiếu niên dùng lực trên bàn đạp làm bánh xe chuyển động đều đều.
“Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, tớ hiểu đạo lý này, cậu không cần ngại.”
Sao cô cảm thấy càng ngày Nhật An càng văn vở thế nhỉ?
Trên đường cô chủ động bắt chuyện với cậu: “Cậu thấy vở kịch thế nào?”
Tuy chơi game nhưng tai Nhật An vẫn nghe hiểu toàn bộ câu chuyện. Thiếu niên phun ra hai chữ: “Sến rện.”
Cô phản bác: “Tớ thấy hay mà, cậu không biết cảm nhận gì hết.”
“Vở kịch đó chỉ để qua mắt mấy đứa con gái các cậu thôi. Nếu tớ viết thì sẽ khác.”
Cẩm Anh hiếu kì: “Nói tớ nghe cậu định sửa kịch bản như thế nào đi.”
“Cậu đoán xem.”
“…” Ai mà biết trong đầu cậu chứa gì.
Cô nài nỉ: “Nói tớ nghe với.”
“Một ngày nào đó cậu sẽ biết.”
Cẩm Anh không hiểu ẩn ý trong câu nói của Nhật An lắm, nhưng nếu cậu không muốn nói cô cũng không gặng hỏi. Nhưng cô phải công nhận hôm nay người đóng nhân vật chính yêu tinh diễn quá tốt, thậm chí mai sau có thể tính đến làm diễn viên.
Nhật An đưa cô về tận cửa nhà, bố cô trông thấy vội chạy ra.
“Cháu chào bác.”
Ông Nhân nhìn hai đứa vẻ khó hiểu, Cẩm Anh liền giải thích.
“Hôm nay có hoạt động ở trường, con không cẩn thận nên bị ngã trẹo chân, cậu ấy đưa con về.”
Ông vỡ lẽ: “Vậy hả, cháu tên gì, vào nhà chơi.”
Nhật An ngượng ngùng xoa tóc: “Cháu là Nhật An học cùng lớp với Cẩm Anh ạ.”
Bố cô vẫn hồ hởi: “Nhà cháu xa không, vào đây uống cốc nước rồi về cũng được.”
Nhật An không nghĩ tới sẽ gặp bố mẹ Cẩm Anh trong hoàn cảnh này. Cẩm Anh nhảy lò cò vào trong nhà, tay vẫy vẫy gọi cậu. Bà Giang nấu bếp thấy khách thì dừng tay đi pha trà.
Mẹ cô bê trà đặt xuống bàn sau đó rót cho mỗi người một chén.
“Uống đi cháu.”
Bà nhìn sang Cẩm Anh tỏ ý trách móc: “Con bé này không lúc nào làm người khác yên tâm được, phiền cháu quá.”
Cậu cười gượng: “Không phiền đâu ạ, nhà cháu ngay gần đây mà.”
Ông Nhân nhấp ngụm nước: “Trường mấy đứa hôm nay có hoạt động gì thế?”
Trò chuyện được một lúc, bố mẹ Cẩm Anh có ý mời Nhật An ở lại ăn cơm nhưng cậu khéo léo từ chối. Sau khi cậu về cô bị bố mẹ hỏi dồn dập.
“Thằng bé nhà ở đâu vậy con?”
“Hình như cậu ấy sống cùng họ hàng trong khu B.” Cái này Cẩm Anh đoán mò chứ cô chưa hề hỏi cậu.
Bà Giang khó hiểu: “Vậy bố mẹ thằng bé đâu?”
Cẩm Anh thở dài tựa người vào thành ghế, đầu ngẩng lên trần nhà: “Sao con biết được?”
Cô nghĩ lại rồi ngồi dậy nhìn bố mẹ mình: “Không phải bây giờ con đang là người bị thương à, bố mẹ cứ hỏi hoàn cảnh nhà người ta là có ý gì?”
Bà Giang chép miệng: “Con với chả cái, bố mẹ hỏi tí thì đã sao, đụng đến lỗ chân lông của con à?”
Ông Nhân dẹp chuyện này sang một bên: “Thôi cả nhà vào ăn cơm.”
Trong bữa ăn bà Giang nhắc Cẩm Anh: “Mai mẹ có việc con nhớ chở em đi học đấy.”
“Chân con còn đau.” Mới đó mà mẹ đã quên rồi sao?
“Để bố chở.”
Ông Nhân gắp miếng thịt bỏ vào bát: “Tôi bảo bà nhiều lần rồi, lúc nào rỗi thì tập cho cái Quỳnh Anh đi xe, ai lại học lớp 3 mà vẫn chưa biết đi xe đạp.”
Bà tỏ vẻ khó chịu: “Ông cứ quan trọng hóa vấn đề, dần dần ai chả đi được xe, cứ nhìn Cẩm Anh mà xem.”
Cẩm Anh yên lặng dùng đũa lăn qua lăn lại quả trứng trong bát mà không có ý định ăn. Thực ra ngày xưa bố cô giúp cô một phần còn cô tự tập là chính, đôi khi tập cùng mấy đứa trẻ hàng xóm, chẳng qua mẹ chưa hề để ý.