Tôi là nữ phụ truyện cứu rỗi.
Khi biết được rằng mình sẽ mất sạch tài sản, thậm chí hẹo vì đỡ d.a.o cho nam chính trong tương lai, tôi đã thức tỉnh.
Hiện tại nam chính mới mười tám tuổi, mặt câng câng, giọng điệu đầy chán ghét:
“Đừng mơ đến chuyện tôi nhận bất cứ thứ gì từ cô.”
“Được thôi.”
Tôi lập tức giật lại chìa khóa và thẻ ngân hàng, đối mặt với ánh mắt kinh ngạc của anh ta, vẫy tay chào:
“Bai bai nha.”
1
Sau giờ tập thể dục giữa giờ, Hứa Văn Kính hùng hổ chặn tôi lại, ném một chùm chìa khóa và thẻ ngân hàng xuống trước mặt tôi:
“Tôi đã nói rồi, tôi sẽ không nhận bất cứ thứ gì từ cô.”
Anh ta ngừng lại một chút, lạnh lùng nói thêm:
“Và đừng lãng phí thời gian lên tôi, tôi sẽ không bao giờ thích cô đâu.”
Tôi đứng dưới bậc thang, ngẩng đầu nhìn anh ta với vẻ mặt khó hiểu.
Tôi không thể hiểu nổi, Hứa Văn Kính nghèo đến mức không có tiền ăn, mỗi ngày còn phải chạy hơn hai mươi cây số để chăm sóc mẹ đang ốm, tại sao anh ta lại không chịu nhận chiếc xe và thẻ tôi tặng?
Cũng như tôi không hiểu được, tôi từng tiếp xúc với bao chàng trai vừa đẹp trai vừa xuất sắc hơn anh ta gấp bội, vậy mà tại sao tôi lại cứ khăng khăng bám lấy anh ta, để rồi trở thành ‘con chó l.i.ế.m chân’ của Hứa Văn Kính, người mà toàn bộ trường số 3 đều khinh thường?
Những suy nghĩ kỳ quặc đó vừa xuất hiện liền bị một sức mạnh vô hình nào đó ép xuống.
Ngay sau đó, giống như một con robot đã được lập trình sẵn, tôi cắn môi đầy hèn mọn và lấy lòng, nhặt chìa khóa và thẻ ngân hàng lên, cẩn thận đưa đến trước mặt anh ta:
“A Kính, tôi không phải đang cho anh, chỉ là tôi thương anh thôi.”
Trong mắt Hứa Văn Kính tràn đầy sự chán ghét: “Sự thương hại của cô khiến tôi thật sự buồn nôn.”
Anh ta đột ngột giơ tay đẩy tôi một cái, tôi không đứng vững, liền lăn xuống cầu thang.
Cơn chóng mặt dữ dội ập đến.
Trong đầu tôi bỗng xuất hiện thêm một đoạn ký ức.
2
Tôi chính xác là nữ phụ trong truyện cứu rỗi học đường.
Hóa ra tôi chỉ là một nhân vật phụ trong truyện.
Người mà Hứa Văn Kính thực sự yêu, là ánh trăng sáng thuở thanh xuân của anh ta… Thẩm Mộ Đình.
Thế nhưng nửa năm sau, mẹ của Hứa Văn Kính qua đời, anh ta thi trượt đại học.
Dưới áp lực chồng chất, anh ta chấp nhận đến bên tôi, nhận sự tài trợ của gia đình tôi để đi du học.
Tôi nghĩ đó là một khởi đầu mới, nhưng với anh ta, đó chỉ là sự sỉ nhục.
Trong suốt năm năm bên nhau, anh ta hầu như chưa từng đối xử tốt với tôi.
Sau này, anh ta trở về nước, cùng những người bạn quen ở nước ngoài âm mưu phá hủy công ty của tôi, chiếm đoạt tài sản gia đình tôi.
Khi kẻ thù tìm đến tận cửa, anh ta không chút do dự che chắn cho Thẩm Mộ Đình, để mặc tôi ngã gục trong vũng máu.
Hình ảnh cuối cùng trong ký ức của tôi là cảnh tôi ôm lấy lồng ngực, tuyệt vọng ngã xuống, còn Hứa Văn Kính ôm lấy Thẩm Mộ Đình đang chỉ hơi hoảng sợ, quay lưng bỏ đi.
Ánh mắt lạnh lùng của anh ta ở tuổi hai mươi lăm chồng lên ánh nhìn đầy khinh bỉ của anh ta lúc mười tám tuổi.
Tôi đứng đó, đờ đẫn nhìn anh ta nửa phút.
Hứa Văn Kính chỉ hơi bối rối trong thoáng chốc.
Nhưng khi tiếng chuông vào lớp vang lên, bước chân anh ta thoáng khựng lại, sau đó không chút do dự quay đầu, nói lạnh lùng: “Nếu không muốn bị trễ giờ, thì cứ tiếp tục nằm đó giả c.h.ế.t đi. Đừng tưởng làm vậy thì tôi sẽ thương xót cô.”
Đầu óc tôi lập tức tỉnh táo. Tôi khàn giọng gọi: “Đợi đã.”
Hứa Văn Kính dừng lại, nhưng không quay đầu, giọng đầy mất kiên nhẫn:
“Gì nữa? Tôi chỉ đẩy cô một cái, cũng đâu c.h.ế.t được. Đừng nói là cô muốn tôi cõng cô?”
Trong lúc anh ta nói, tôi đã vịn vào tường, bước đến trước mặt anh ta.
Sau đó, trước ánh mắt sửng sốt của anh ta, tôi thò tay vào túi áo đồng phục của anh ta, cướp lại chìa khóa xe và thẻ ngân hàng, quay lưng rời đi không thèm ngoảnh đầu:
“Bai bai nha.”
Đồ ngốc nghèo kiết xác.
Không ngờ chứ gì?
Bà đây thức tỉnh rồi!
Tên nghèo mạt rệp này, ai thích giúp thì cứ giúp đi!
3
Sau giờ tan học buổi chiều, tôi bước lên xe gia đình cử đến đón mình.
Chú tài xế vẫn chưa lập tức lái đi.
Tôi đang băn khoăn không biết ông ấy đang đợi gì, thì một bóng dáng gầy gò đi ngang qua.
Chú tài xế lập tức hạ cửa sổ, vẫy tay gọi:
“Cậu Hứa, không lên xe sao?”
Ánh mắt khinh miệt của Hứa Văn Kính xuyên qua lớp kính xe dày, đập thẳng vào tôi.
Dường như lời nói buổi sáng của tôi, trong mắt anh ta chẳng khác nào một cô nàng đang giận dỗi trẻ con.
“Chú Chu.” Tôi bực bội lên tiếng: “Chú là tài xế nhà tôi hay tài xế của Hứa Văn Kính?”