Chương thứ bốn mươi bốn
…
Trên đường trở về, Trì Yến không biết phải làm sao mới tốt. Vừa nhìn thấy mặt Kleist là không thể thốt thành lời được. Trước giờ y chưa từng yêu đương chứ nói gì có “bạn trai”.
Hai người đàn ông yêu nhau phải làm thế nào?
Y từng thấy Benedik ở chung với tình nhân nam của hắn ta, trông hai người bọn họ tự nhiên như bạn bè thân thiết vậy.
Đợi khi đặt chân về tới lãnh địa của mình, rốt cuộc Trì Yến mới tìm lại được cảm giác tự nhiên khi ở chung với Kleist.
“Tôi phải về phòng tắm rửa sạch sẽ cái đã.” Trì Yến ngáp một cái.
Kleist cũng mỉm cười hỏi: “Muốn tắm chung không?”
Trì Yến nghiêm túc nói: “Tôi còn chưa trưởng thành đó! Trong đầu anh nghĩ gì vậy?”
Kleist hơi mờ mịt: “Tôi có nghĩ gì đâu.”
Đâu phải bọn họ chưa từng tắm chung, mỗi người một thùng gỗ, có gì không đúng hả?
Trì Yến dùng lời lẽ chính đáng nói: “Dù thế nào thì cũng phải đợi đến khi tôi đủ mười tám tuổi.”
Kleist không hiểu: “Mười sáu đã trưởng thành rồi.”
Trì Yến chau mày: “Anh còn nói anh có nghĩ gì đâu? Kleist, không ngờ trông anh sáng sủa* thế này mà lại là loại người như vậy đó.”
(*Gốc là nùng mi đại nhãn: mày rậm mắt to ý chỉ những người có tinh thần, có sức sống.)
Để ngăn Trì Yến nói tiếp, Kleist chỉ đành hùa theo lời Trì Yến: “Mười tám thì mười tám, nghe em cả.”
Lúc này Trì Yến mới thành thật ngậm miệng.
Tuy rằng tuổi tâm lý của y đã thành niên, nhưng lúc ở thế giới khác thì y mới mười tám tuổi, chỉ vừa bước ra khỏi cánh cổng cấp ba. Thời còn trên ghế nhà trường, không chơi game thì đi học, hoàn cảnh tiếp xúc cũng khá đơn thuần.
Y là con nhà khá giả, cha mẹ ngọt ngào hạnh phúc. Tuy không phải quá giàu nhưng cũng không nghèo, nên có đều có, bạn bè cũng không ít.
Sau khi xuyên qua, y ở Thánh viện mấy năm.
Hoàn cảnh Thánh viện càng khép kín, người ở đó rất thân thiện, cộng thêm “mị lực” đặc biệt của Trì Yến, từ đó đến nay y chưa từng tiếp xúc với mặt đen tối nào.
Nếu thức ăn khét* cũng gọi là đen tối vậy thì coi như đã từng tiếp xúc.
(*Gốc là hắc ám liệu lý: xuất phát từ manga “Tiểu đầu bếp cung đình” ý chỉ đồ ăn của phản diện giới đầu bếp bóng tối làm. Sau này còn chỉ những thứ khó ăn như thức ăn bạn gái làm, thức ăn ở cantin,… Giống mấy món đậu hủ lướt ván, ngô luộc bóng đêm bên Việt Nam, link bài viết)
Bởi vậy tuy nói Trì Yến hơn hai mươi mấy nồi bánh chưng nhưng tuổi tâm lý cũng không lớn lắm.
Trì Yến vừa bước qua cổng thì quản gia đã ra đón, chuyến đi lần này mất gần năm ngày, phần lớn thời gian đều ở trên đường. Quản gia ở tòa thành lo lắng không yên, bởi vậy vừa thấy Trì Yến, ông kiềm chế hành lễ xong liền kích động đánh giá y một lượt từ trên xuống dưới.
Đánh giá xong, ông sắp xếp bọn người hầu chuẩn bị nước tắm, sau đó dò hỏi Trì Yến về chuyến đi lần này xem có vui vẻ hay không.
Trì Yến ăn ngay nói thật vì dù sao trước mặt quản gia, y không cần nói dối: “Không vui như tôi nghĩ, với lại trên đường rất nhiều sâu, cắn đỏ người tôi luôn.”
Quản gia nhíu mày, đau lòng muốn chết: “Nếu lần sau mời tiếp thì ngài không cần đi nữa.”
Cơ mà lúc về Trì Yến có nghe được một tin tốt, đó là mấy ngày nay trong sông rất nhiều cá, chắc do sắp đến mùa sinh sản. Cá trong sông có khi chỉ cần dùng một cái giỏ cũng bắt được cả sọt, nhưng vấn đề duy nhất là bảo quản thế nào, thịt loại cá này protein cao, dưới thời tiết này rất dễ bị hư thối.
Muối Trì Yến mua về chỉ đủ ăn hằng ngày, đâu có nhiều nhặn gì để mà ướp khô được, quá lãng phí.
Nhưng không thể trơ mắt nhìn cá hư thối, nếu có cách bảo quản, khéo sau này người ở lãnh địa sẽ có thêm một phần đồ ăn, trên bàn cơm cũng nhiều thức ăn hơn.
Hình như có thể hun khói.
Trì Yến suy nghĩ nửa ngày, rốt cuộc nghĩ ra biện pháp giải quyết.
“Làm ruốc cá đi.” Trì Yến nói với quản gia.
Quản gia mờ mịt, ngay cả ruốc ông cũng chưa từng nghe.
Trước khi xuyên qua, ruốc Trì Yến mua ở siêu thị hầu hết là ruốc lợn với ruốc bò, ruốc cá thì chỉ có mẹ y làm ở nhà nên y biết cách làm món này.
Ngoài kỹ thuật, yêu cầu về dụng cụ cũng không cao.
Trì Yến gọi Anna tới, người ngoài nghề bắt đầu chỉ cho người trong nghề.
“Ướp cá với chút muối và hương liệu, sau đó bỏ lên nồi hấp, không hấp chín quá, bỏ hết xương và xé cá thành sợi nhỏ, phơi khô rồi bỏ vào chảo rang.” Trì Yến nói, “Đừng để lửa lớn, rang từ từ để không bị cháy, lúc rang bỏ thêm hương liệu, rang khô là xong.”
Để được lâu, dai dai thơm thơm, lúc trước khi ăn cháo thì Trì Yến luôn rắc thêm chút ruốc cá lên, một muỗng cháo đầy ruốc, hạnh phúc quá thể.
Vì Trì Yến không thích hương liệu nên trong bếp còn khá nhiều, vả lại rang một nồi ruốc cháo cũng không cần nhiều hương liệu quá.
Vấn đề duy nhất chính là tay nghề của Anna.
“Khi mới bắt đầu, cô khoan hãy bỏ hương liệu, chờ lúc rang hẵng bỏ.” Trì Yến dặn dò.
Anna vừa hưng phấn vừa sợ hãi, hưng phấn vì đây là nghề mới. Sau này dù Trì Yến không cần cô, cô cũng có thể dựa vào nghề này để no bụng, sợ hãi là vì cô lo rằng mình làm không tốt.
Trì Yến an ủi: “Đừng lo lắng, cá nhiều lắm, cô luyện thêm là được.”
Dưới sự cổ vũ của Trì Yến, Anna bắt đầu hành trình gian khổ rang ruốc từ sáng đến tối, cá bắt được trong dịp này sẽ dùng để làm cá hun khói hoặc ăn luôn.
Hiếm khi bữa ăn của nô lệ có thịt. Cá ở đây da đen, chất thịt không được mềm nhưng chỉ có một cọng xương, không sợ bị hóc.
Trì Yến lấy làm lạ bèn hỏi quản gia: “Nếu năm nào cũng có, vậy trước kia xử lý thế nào?”
Quản gia: “Mấy Lãnh chúa trước không thích ăn cá nên không sai người đi bắt.”
Mấy Lãnh chúa trước thích ăn thịt gà, thịt bò. Người thích cá tuy hiếm nhưng dù sao cũng là Lãnh chúa, chỉ cần bỏ tiền là mua được, họ không có tính tự giác của người nghèo như Trì Yến, sẽ không tiết kiệm.
Mất gần cả tuần không biết thất bại bao nhiêu lần cuối cùng cũng làm được ruốc cá. Lần này, cô bỏ hương liệu rất vừa phải, ăn vào không thấy mùi kỳ lạ nữa mà càng nhai càng ngon.
Anna làm ra ruốc cá được khen thưởng, tất cả ruốc cô làm hôm đầu tiên đều thuộc về cô.
Đó là lượng ruốc rất khổng lồ, cô làm từ sáng đến tối, đầy cả một thùng.
Đêm hôm đó, Anna đem nguyên thùng ruốc về nhà. Cô đã đón cha mẹ đến đây từ lâu, vì công việc của cô rất có thể diện nên cha mẹ cô chỉ thuê một mảnh đất nhỏ, trồng katuo và một ít lúa trên đó.
Khi thu thuế thì sẽ dùng tiền công của Anna để chi trả.
Cho nên ở lãnh địa, nhà của Anna được xem như sống tốt nhất.
Lúc Anna về thì trời đã tối, lãnh địa có đốt mấy cây đuốc chiếu sáng nên không sợ bị ngã, ruốc tuy nhiều nhưng không nặng, cô dùng một tay cũng nhấc được, vững vàng bước trên đường.
“Anna!” Lúc này người hầu phải về nhà, sau khi thấy Anna thì nhiệt tình chào hỏi.
Anna chính là người được Lãnh chúa yêu thích nhất hiện giờ! Nếu có quan hệ tốt với cô, không chừng sau này sẽ được chia đồ tốt mà ngài Lãnh chúa ăn thừa!
Anna đáp lại sau đó vội vã trở về nhà, cha mẹ cô tới rất sớm nên phòng của bọn họ được xây ở nơi không tồi. Anna không có anh chị em, mẹ cô chỉ sinh một mình cô, bà cũng là một nữ đầu bếp.
Sau khi gả cho một dân thường, quản gia đuổi bà ra khỏi tòa thành để thân thích của mình thay thế.
Thuế năm nào cũng tăng, một gia đình bình thường thì không thể chèo chống nổi. Anna có cơ hội làm việc cho quý tộc là nhờ dì giới thiệu cho mẹ cô, nhưng bà đã dành cơ hội này cho con gái của mình.
Mấy năm nay, gia đình họ toàn dựa vào thu nhập của Anna mới miễn cưỡng chống đỡ được tiền thuế. Còn thu hoạch ở ruộng chỉ tạm đủ no bụng.
Sau khi gõ cửa, cha Anna bèn mở cửa cho cô.
“Mau đi vào, mẹ con nấu canh rau dại cho con này.”
Gần đây, Anna về nhà càng ngày càng muộn, lúc nào cũng trong tình trạng đói meo. Người trong nhà đau lòng nên chuẩn bị bữa khuya cho cô. Tuy bữa khuya chỉ là mấy thứ không tốn tiền như rau dại và katuo, nhưng đối với Anna thì đây chính là động lực để cô chăm chỉ làm việc.
“Con làm được ruốc cá rồi ạ.” Anna vui mừng nói với cha mẹ, trước mặt họ, cô không giấu được niềm tự hào của mình.
Sau đó cô để thùng gỗ lên bàn, cả thùng đầy ruốc cá, vì thêm hương liệu nên ruốc cá có màu hơi đỏ, mùi hương tỏa ra bay vào mũi.
Cha Anna ngơ ngác: “Ruốc cá là cái gì?”
Ông biết dạo này Anna bận như vậy là do làm món mới theo yêu cầu của ngài Lãnh chúa, nhưng ông chưa nghe Anna nói cụ thể.
Mẹ Anna bưng canh rau dại ra, bên trong ngoài rau thì còn có mấy miếng katuo vừa đủ Anna ăn no, không nhiều không ít. Sau khi mẹ cô mất công việc đầu bếp, cả người nhanh chóng già đi, trông còn già hơn chồng mình mười mấy tuổi.
“Anna.” Mái tóc người mẹ khô vàng, mặt đầy nếp nhăn, mí mắt rũ xuống trông dữ dằn cứng nhắc, không dễ ở chung. Nhưng khi bà nhìn con gái, nụ cười lại hoàn toàn khác biệt.
Anna vội chạy tới ôm lấy mẹ mình: “Con mang ruốc cá về đây!”
Người mẹ hưng phấn: “Con nói với ngài ấy chưa?”
Bà mới chỉ nhìn thấy Lãnh chúa từ xa, chưa từng nói chuyện với đối phương, đối với vị bề trên vô cùng trẻ tuổi này, bà vừa vui mừng vì sự nhân từ và hào phóng của đối phương, lại vừa sợ hãi sự nhân từ hào phóng này sẽ ép vỡ ngài ấy.
Anna kéo tay mẹ, để bà thấy thùng gỗ mình để trên bàn. Ruốc cá bên trong rất đẹp, còn tỏa ra mùi thơm của hương liệu, cô bỏ hương liệu không nhiều nhưng thế này là vừa đủ rồi.
“Lãnh chúa nói đây là phần thưởng cho con.” Mặt Anna đỏ bừng, lúc trước dù làm tốt cỡ nào cũng không được thưởng, lâu dần cô không còn chí tiến thủ nữa, chẳng bao giờ muốn thay đổi. Với lại Lãnh chúa trước đây không yêu cầu gì về hương vị của thức ăn, vì vậy tay nghề của cô cứ mãi như vậy.
Giờ Lãnh chúa mới chịu để cô làm mấy món ngon mà chỉ ngài ấy mới biết, hơn nữa còn vì cô làm được mà thưởng cho cô. Anna cảm thấy đời này không còn khoảnh khắc nào hạnh phúc hơn hiện tại.
Lồng ngực cũng cảm thấy ấm áp.
Mẹ Anna đưa tay bốc một ít ruốc bỏ vào miệng. Vừa thơm vừa dai, nhưng cũng rất mềm, cảm giác thịt tan trên đầu lưỡi, không hề có mùi tanh của cá. Càng nhai càng ngon, mẹ Anna nhắm mắt hưởng thụ. Đã lâu bà chưa được thưởng thức món ăn nào như vậy, từ khi bà không còn làm việc cho quý tộc, mỗi ngày bà phải bôn ba vì cuộc sống, có thể no bụng đã rất may mắn, huống hồ là thưởng thức món ngon.
Hương liệu khử được mùi cá rất ít, Lãnh chúa trước kia mà bà hầu hạ không bao giờ ăn cá, không khử được mùi tanh. Dù là thịt cũng không ăn, dân thường không có sự đồng ý của Lãnh chúa thì không được bắt cá, nô lệ lại càng bị cấm cản.
Lãnh chúa tuyệt đối không nghĩ tới việc hạ lệnh cho dân thường bắt cá.
Nếu dân thường lén bắt cá, kết cục rất thê thảm. Dưới tình huống Lãnh chúa không cho phép, lén săn bắt xem như là ăn cắp. Dù ăn cắp mấy thứ nhỏ nhất, như hái một cây nấm cũng bị chặt tay.
Khi họ còn sống được, sẽ không ai bí quá hóa liều. Chỉ có người sống không nổi nữa mới lựa chọn mạo hiểm kiếm ăn rồi có nguy cơ bị chặt tay mất mạng.
Mẹ Anna hít sâu một hơi, nước mắt chảy xuống từ khóe mắt: “Ngài ấy rất tốt bụng.”
Mà ngài còn nhỏ như vậy.
Anna đưa tay lau nước mắt cho mẹ, cô cười nói: “Cuộc sống bây giờ tốt hơn trước nhiều rồi.”
“Chỉ cần ngài ấy ở đây, chúng ta sẽ luôn có được cuộc sống như hiện giờ.”
Tốc độ làm ruốc của một mình Anna rất có hạn, dẫu sao không có máy móc mà chỉ dựa vào sức người, phải rang liên tục để không bị cháy, phải duy trì lửa nhỏ. Dù có người hầu canh lửa nhưng bản thân đầu bếp cũng phải luôn chú ý.
Tuy Anna làm rất tốt, nhưng Trì Yến vẫn thấy tốc độ hơi chậm, dù sao cá rất nhanh cháy.
Mùa sinh sản sắp qua, nhân dịp này làm thêm nhiều ruốc và cá hun khói, mùa thu với mùa đông sẽ có nhiều thức ăn hơn.
Biết mẹ Anna trước đây cũng là đầu bếp, Trì Yến bèn nói Anna dẫn mẹ cô đến nhà bếp. Chẳng qua không thể tính thành công việc chính thức, chỉ là mấy hôm nay bận nên mời tới phụ, đây chỉ là công việc ngắn hạn trả lương theo ngày.
Cứ như vậy, hai người phụ nữ nhà Anna đều ăn cơm nhà nước, ruộng đất trong nhà có cha Anna trông coi, đất không nhiều nên một người đủ rồi.
Sau khi chờ Trì Yến rảnh rỗi, Kleist và Trì Yến mới cùng nhau ăn tối.
Thật ra còn có hai bóng đèn siêu to khổng lồ lại không hề tự giác là Carl và Albert.
Nhưng trong mắt Kleist, đây đã là cùng nhau ăn tối rồi.
Món chính của bữa tối là bánh mì, đồ ăn kèm có cá hun khói và canh rau dại nấu với katuo. Cá hun khói được đặt trên đĩa nhỏ, rắc thêm chút gia vị, mùi vị khá ổn.
Vì dạo này ăn uống no đủ, Carl và Albert không ngấu nghiến như lúc trước nữa mà ăn chậm nhai kỹ, từ từ thưởng thức. Theo Trì Yến lâu nên giờ hai người rất kén, trước kia có ăn là được, bỏ nhiều hương liệu là được, bây giờ lại bắt đầu chú ý đến hương vị.
“My lord, tôi thấy ruốc ngon hơn cá hun khói!” Carl nghiêm túc nói.
Cá hun khói luôn có mùi như bị khét, với lại bị hun đen thui, vừa thấy đã không muốn ăn.
Tuy bỏ thêm gia vị cũng không tệ nhưng không thể nào so với ruốc cá.
Trì Yến không quen thói kén cá chọn canh của gã, y mất kiên nhẫn nói: “Thích thì ăn, không thích thì đổ, ở ngoài còn rất nhiều người đang đói.”
Carl: “…”
Gã im lặng cúi đầu.
Trì Yến ăn rất ngon miệng, lúc trước vì đầu bếp nấu quá dở nên y bị kén ăn, giờ tay nghề của đầu bếp lên trình nên y không còn chứng kén ăn này nữa. Ngoài không ăn nấm, còn lại đối với mấy thứ khác, trình độ tiếp nhận của y rất tốt.
Nhất là thịt, chỉ cần không dở đến mức người người oán giận, y ăn được tất. Tiếc là ở đây không có lợn béo, nếu có mỡ lợn với thịt ba chỉ, đó mới là cuộc sống thần tiên.
Giờ chỉ xem như thoát khỏi cảnh nghèo đói, cách khá giả rất xa đó!
Kleist yên lặng ăn cơm, dáng vẻ hắn ăn cơm rất tao nhã, có lẽ do hắn ảnh hưởng mà giờ Trì Yến ăn cơm cũng rất chú ý dáng vẻ. Nói sao cũng là Lãnh chúa, dù thế nào cũng không thể mất mặt.
Trì Yến thấy Kleist nhanh chóng buông đũa. Dưới sự dìu dắt của Trì Yến, trong lãnh địa ngoại trừ người không thể cầm đũa thì tất cả dụng cụ ăn uống đã đổi thành đũa. Đối với dân thường và nô lệ, dao nĩa đều là đồ xa xỉ phải dùng kim loại để làm, mua một bộ dao nĩa tốn không ít tiền. Vì thế, những người nghèo hầu như trực tiếp bốc ăn. Giờ có đũa, bẻ đại hai cành cây là dùng được, ăn cơm không sợ bỏng miệng. Lúc đầu hơi khó học, nhưng học xong thì thấy rất tiện lợi, chủ yếu là hời không tốn tiền.
Hơn nữa Lãnh chúa cũng dùng nên đã dẫn đến phong trào dùng đũa này.
Nhưng khác với mọi người, đũa của Trì Yến bằng bạc.
Bởi quản gia thật sự là người thích lải nhải.
“My lord, sao ngài lại dùng đũa gỗ như nô lệ và dân thường chứ? Việc này không phù hợp với thân phận cao quý của ngài! Ít nhất ngài nên có một đôi đũa vàng!”
Trì Yến: “Vàng tính dẻo, tôi cắn cong luôn thì sao?”
Quản gia kiên trì: “Vậy đổi thành bạc! My lord, không thể đổi nữa, đổi thành sắt thì lão còn mặt mũi nào để gặp người khác?”
Trì Yến bó tay, đành phải dùng đôi đũa bạc độc nhất vô nhị này.
Chờ Carl và Albert rời đi, Trì Yến mới về phòng ngủ, nhưng lần này không giống như trước, Kleist đi theo y vào phòng. Chỉ có quản gia bị nhốt ngoài cửa, hận không thể phá cửa xông vào.
Ông đứng đó giận dỗi một hồi, sau đó bưng cái ghế ngồi trước cửa phòng Trì Yến.
“Anh làm gì vậy? Tôi nghỉ ngơi một lát rồi sẽ đánh răng rửa mặt.” Trì Yến tựa vào giường, ngẩng đầu nhìn Kleist.
Y vẫn thấy hơi mất tự nhiên.
Kleist ngồi xuống cạnh giường: “Hôm nay chúng ta chưa nói chuyện đàng hoàng.”
Trì Yến mất tự nhiên quay đầu: “Không phải đang nói hả?”
Kleist thở dài: “Giờ em đã bắt đầu chán ghét tôi rồi phải không?”
Trì Yến lập tức nói: “Tuyệt đối không có!”
Kleist cúi đầu, từ góc độ của Trì Yến, trông Kleist vô cùng đáng thương. Lông mi hắn khẽ run, dường như đang đau lòng ủ rũ cực độ.
Trì Yến vội dỗ dành: “Sao vậy? Anh đừng buồn, chỉ là tôi bận quá. Anh xem, không phải giờ tôi đang nói chuyện với anh sao?”
Kleist khẽ nói: “Tôi tưởng em hối hận.”
Trì Yến vội vỗ ngực cam đoan: “Tuyệt đối không có.”
Kleist vừa săn được lợn rừng vừa biết nướng thịt, còn xinh đẹp như vậy, quả thật là người bạn trai đốt đuốc cũng khó tìm.
“Tôi… tôi chỉ hơi không quen.” Trì Yến nhỏ giọng nói, “Tôi không biết nên ở chung với anh thế nào.”
Lần đầu trong đời có bạn trai, phải cho y thời gian để thích ứng chứ?
Kleist giơ tay, vô cùng dịu dàng vuốt ve hai má của Trì Yến. Trì Yến bị hắn vuốt mà nổi hết cả da gà. Nhưng y sợ đẩy ra lại làm tổn thương hắn, chỉ đành run rẩy để Kleist vuốt.
Kleist: “Tôi chỉ hy vọng em sống thật vui vẻ.”
Trì Yến quả quyết: “Vui vẻ! Rất vui vẻ! Tôi cực kỳ vui vẻ!”
Trì Yến bỗng nói: “Nếu không có việc gì làm, ngày mai anh có thể dẫn người vào rừng săn thú, săn được lợn rừng thì tốt quá.”
Kleist hơi sững sờ, bó tay nói: “Ngoài lợn, em còn nghĩ được thứ gì khác không?”
Trì Yến lấy làm lạ: “Chẳng lẽ anh không muốn ăn thịt lợn?”
Kleist nghĩ chắc chỉ có Trì Yến mới cố chấp với thịt lợn như vậy.
Hơn nữa lợn rừng khả ngộ bất khả cầu*, hầu như chỉ sống ở sâu trong rừng, rất ít khi gặp chúng ra ngoài hoạt động, lần trước săn được là nhờ Kleist may mắn.
(*Khả ngộ bất khả cầu: Những điều tốt đẹp phải chờ đợi, nếu của mình thì chỉ cần cố gắng nắm bắt thời cơ sẽ đạt được, không phải của mình lấy được thì cũng sẽ mất đi.)
Chỉ là nếu Trì Yến muốn ăn, hắn cũng đành nói: “Được, mai tôi dẫn em ra ngoài.”
Nụ cười trên mặt Trì Yến tự nhiên hơn nhiều: “Tôi biết anh là người tốt nhất mà.”
Kleist bỗng thu lại nụ cười, chăm chú nhìn Trì Yến.
Trì Yến hoảng sợ, cẩn thận hơn: “Sao vậy?”
Kleist: “Em đáp ứng tôi, chẳng lẽ chỉ vì tôi biết săn lợn rừng?”
Trì Yến: “Không thể nào!”
Vẻ mặt Kleist tốt hơn chút xíu.
Trì Yến nói thêm: “Nhiều người biết săn lợn như vậy, lẽ nào ai tôi cũng thích? Chỉ có anh vừa biết săn lợn vừa xinh đẹp, tốt tính, lại thông minh hiểu chuyện, lại nhiều…”
Trì Yến kể hết đủ loại ưu điểm của Kleist, cuối cùng tổng kết: “Dĩ nhiên, biết săn lợn cũng giúp anh tăng thêm mị lực.”
Kleist không còn lời nào để chống đỡ, chỉ thở dài nói: “Nếu tôi săn được lợn rừng, tôi được thưởng cái gì?”
Trì Yến: “Anh muốn cái gì?”
Lần này Kleist nói thẳng: “Ngủ chung.”
Trì Yến cũng nhanh chóng đáp: “Không được.”
Kleist nhíu mày.
Trì Yến giải thích: “Chúng ta đã là người… người yêu rồi, ngủ chung rất nguy hiểm.”
Kleist hiểu ý Trì Yến, thấy vẻ mặt y thật sự muốn từ chối, hắn cũng không yêu cầu gì nữa, chỉ nói: “Vậy được rồi.”
Trì Yến nhẹ nhàng thở ra, nếu Kleist dùng gương mặt này yêu cầu lần nữa, dám chắc y không thể giữ vững lập trường nổi nữa.
Làm một người đàn ông cưng vợ, thật khó mà!
Trì Yến nghĩ nếu cứ tiếp tục như vậy, có lẽ đến cái nịt y cũng không còn.
“Vậy tôi có được thưởng cái khác không?” Kleist nhìn vào mắt Trì Yến.
Trì Yến bị ánh mắt đối phương mê hoặc: “Anh nói đi.”
Kleist tới gần Trì Yến, khẽ nói vào tai Trì Yến một câu.
Trì Yến đỏ bừng hai má.
“Có được không?” Kleist cười tít mắt hỏi.
Trì Yến cúi đầu, nhỏ giọng nói: “Tôi… tôi sẽ cân nhắc.”
“Yêu cầu này của anh hơi quá đáng rồi đó.” Trì Yến lẩm bẩm.
Kleist: “Vậy thế nào mới gọi là không quá đáng?”
Hắn mỉm cười: “Không cần gấp, từ từ suy nghĩ, đợi em nghĩ xong tôi sẽ đi săn lợn.”
Nói xong, Kleist tiêu sái xoay người rời khỏi phòng Trì Yến.
Để lại Trì Yến la hét sau lưng: “Kleist! Anh học hư rồi!”
Hết chương thứ bốn mươi bốn