Chương thứ mười bốn
…
Trì Yến không ngờ lại đông như vậy, khiến y hoài nghi có phải mình đã đưa ra một quyết định sai lầm không? Nhóm người hầu lần lượt dẫn cha mẹ mình đến, nhiều người còn đưa cả anh chị em tới đây, một người kéo theo bốn năm người.
Trì Yến vốn nghĩ một người chỉ mang theo hai người là cha mẹ quay về thôi, bây giờ nhân số đã gấp hai ba lần so với dự tính. Đông thế này thì không thể nào cùng nhau chen chúc trong tòa thành, cho dù Trì Yến bằng lòng thì quản gia và hai gã kỵ sĩ kia cũng nhất định không chịu.
“Để họ ở lại lều cỏ trước, nhân lúc mấy nay chưa mưa thì xây nhà cho xong.” Trì Yến nói: “Xây lớn một chút để nhiều người ở, chờ sang năm rồi xây thêm.”
Mấy người này đến lãnh thổ của y thì chính là người của y, đều phải nghe theo mệnh lệnh. Trì Yến để người hầu nấu cháo cho bọn họ, mỗi ngày một bát. Y biết người hầu thế nào cũng nhịn ăn nhịn uống để chừa cho người nhà của mình, cho nên không chuẩn bị nhiều, đợi sau khi họ có thể khai hoang trồng trọt, Trì Yến sẽ mặc kệ, chỉ cần mỗi năm thu thuế một lần. Chỗ y nhiều người, thì cũng phải đóng thuế cho Thánh viện nhiều hơn.
Đây là lý do vì sao nhiều quý tộc muốn người trong lãnh địa của mình là nô lệ, chứ không phải dân thường. Bởi vì nô lệ là vật sở hữu của quý tộc, tương đương với đồ vật nên không cần nộp thuế, nhưng dân thường thì cần. Cho nên nhiều dân thường không nộp nổi thuế, thì sẽ biến thành nô lệ của Lãnh chúa.
Đây là bức dân làm nô nhưng cũng chỉ là mặt tối của xã hội, Thánh viện không quan tâm, bọn Quan viên cũng mặc kệ. Vì vậy những chuyện này cứ thế tiếp diễn.
Dân thường đến đây đều không phàn nàn, phải biết rằng lúc họ ở trong thành thì ngay cả cháo cũng không có mà ăn. Mỗi ngày một bát cháo, người thân trong tòa thành còn mang bánh mì đen cho bọn họ, vậy thì còn có gì mà không hài lòng? Nhưng chuyện khiến họ bất ngờ hơn là, nô lệ ở đây được ăn một ngày hai bữa, thỉnh thoảng còn có thể ăn bánh mì đen.
Cuộc sống còn tốt hơn đại đa số dân thường.
“Nô lệ làm tốt là được ăn bánh mì.” Abel ăn cháo cùng người nhà, đây là phần hôm nay cậu ta chừa lại, để buổi tối đem tới lều cỏ ăn với gia đình. Cậu đã quen với sự thống trị của Lãnh chúa mới, không thấy sai chỗ nào: “Như vậy họ mới chăm chỉ làm việc.”
Lãnh chúa trước đây không cho nô lệ ăn nhiều, mỗi ngày một bát cháo ít ỏi, các nô lệ sẽ luôn tìm mọi cách để trốn việc. Lãnh chúa hiện giờ cho họ ăn nhiều hơn, nô lệ không còn lười biếng, Abel không biết rốt cuộc là tại sao, chỉ biết đây là chuyện tốt.
“Ngài ấy vừa nhân từ vừa vô cùng sáng suốt.” Abel nói với người nhà chắc như đinh đóng cột: “Chờ nhà xây xong, chúng ta được giao đất thì sẽ được ăn no.”
Người trong nhà đều rất vui, một vị Lãnh chúa tốt với nô lệ như vậy thì chắc không đối xử tệ bạc với bọn họ. Bọn họ hy vọng Lãnh chúa là người mềm lòng, thế thì cuộc sống của họ mới dễ dàng hơn.
Đối với Trì Yến mà nói, gần đây tin tốt nhất là sau vô số lần thất bại thì cuối cùng đã rèn được thép.
Là do Địa tinh làm ra, hơn nữa miễn cưỡng xem như là một đứa trẻ trên mặt có vết sẹo. Trì Yến không dám để người thường làm việc này, cũng không cho bọn người hầu và kỵ sĩ biết, chỉ có thể chọn vài người từ mỗi chủng tộc, sau đó để họ ở trong phòng kín rèn thép.
Có lẽ Carl và Albert đã đoán ra được gì đó, nhưng họ biểu hiện rất bình thường, thậm chí chưa từng hỏi đến.
Trì Yến thở phào nhẹ nhõm, đồng thời đề phòng bọn họ.
Cứ tiếp tục như vậy, Trì Yến nghĩ chắc mình sẽ mắc chứng hoang tưởng bị hại.
—— Luôn có điêu dân muốn hãm hại trẫm.
Tuy loại thép này thô hơn thép hiện đại nhưng vẫn tốt hơn sắt, tiến bộ lớn lắm rồi, hơn nữa đã hao tốn rất nhiều nhân lực. Đầu tiên đem gang nung trong than, đợi lò nguội rồi lấy ra, lại tiếp tục bỏ vào lửa than, thổi than để loại bớt tạp chất tăng hàm lượng cacbon. Sau nhiều lần rèn đúc mới ra được thép.
Nói thì đơn giản nhưng thao tác thực tế rất phiền phức.
Dù sao không có máy móc, không có kinh nghiệm nên thành công không chỉ nhờ vào cố gắng mà còn dựa vào vận may.
Về phần nguyên liệu dệt vải, Trì Yến từ Kleist biết được rằng, bông hiện tại không gọi bông mà là hoa mây, vải dệt ra chỉ đưa đến cho Vương thất và Thánh viện. Quần áo dân thường mặc được làm từ một loại thực vật, bóc lớp vỏ bên ngoài se phần ruột thành sợi rồi dệt thành quần áo.
Loại này bền hơn vải bông, khó hư hại, nhưng do kỹ thuật dệt bây giờ có hạn, vải thương nhân bán rất thưa và dễ bị hỏng. Hơn nữa ở đây không có công cụ để kéo sợi, mà dùng sức người từng chút một se thành sợi.
Cho nên vải vóc đắt cực kỳ, đắt đến mức khiến người ta líu lưỡi.
Trước đó đi chơi ở nông thôn Trì Yến đã từng nhìn thấy máy kéo sợi, bà lão đó còn để y xem thử, nhưng bà không dùng gai mà dùng bông, dùng máy kéo thành sợi là có thể lấy đi dệt vải. Bà lão nói với y, lúc mới xây dựng đất nước có người còn dùng máy kéo này, sau này cuộc sống tốt hơn thì không còn dùng nữa.
Nhờ phúc của bà lão, Trì Yến vẫn nhớ được cách vận hành của máy kéo sợi.
Loại máy này đạp bằng chân, nguyên lý giống với máy may, bánh xe gỗ sẽ chuyển động theo tần số của bàn đạp, mọi người chỉ cần điều chỉnh độ dày mỏng của sợi. Chế tạo không khó, cũng không có yêu cầu gì quá cao.
Như thế, thép xuất hiện, máy kéo sợi với máy dệt cũng có thể làm được, vấn đề duy nhất là đi đâu để tìm sợi gai.
Bông thì Trì Yến không dám nghĩ đến, thứ này ngay cả thương nhân trong đầu chỉ toàn là tiền còn không dám bán, y cũng chẳng dám trồng loại cây này trên lãnh thổ của mình.
Sợi gai thì không sao, vì ngoài kéo sợi dệt vải thì gai còn ăn được. Rễ cây gai có thể làm thực phẩm, dùng ủ rượu làm đường, vỏ thì làm giấy, ngâm xong thì lấy ra sợi mà dệt.
Mấy kiến thức này là do Trì Yến học được trong giờ lịch sử, trong mấy môn văn hóa, y có hứng thú với tiết sử nhất, thích nhất là lịch sử cổ đại còn ghét nhất là lịch sử hiện đại.
Sau khi nghe Kleist nói về thực vật, một lát đã nghĩ đến sợi gai. Thứ này toàn thân đều là báu vật, ăn được dùng được, hơn nữa còn làm được giấy! Nhưng Trì Yến không cho Kleist biết chuyện làm giấy, chỉ nói ngoài dệt vải thì có thể ủ rượu làm đường.
Khi Kleist nghe thấy việc này, lập tức nói: “Đây là thứ tốt.”
Trì Yến hơi nhụt chí: “Dù tốt nhưng tôi biết tìm hạt giống ở đâu?”
Tuy y không rõ trên lãnh địa của mình trồng rau cỏ gì, nhưng y biết phàm là đồ ăn được đều có người ăn thử. Nếu có gai, thì tại sao lại không lấy giống mà trồng?
Kleist cười nói: “Cậu cho rằng ai cũng biết nó hữu dụng như thế à?”
Thứ này không đáng giá, nhưng lúc trước khi Kleist vào thành mua gang đã mua được giống.
“Tôi biết cậu nhất định dùng tới.” Ánh mắt như nước của Kleist nhìn Trì Yến, hắn muốn xem trong đầu y rốt cuộc còn chứa bao nhiêu thứ.
Trì Yến sửng sốt, hưng phấn ôm lấy Kleist.
“Anh giỏi quá!” Trì Yến nắm lấy tay hắn, y rất cần sự giúp đỡ của Kleist, một mình y chắc chắn có rất nhiều việc không thể nghĩ được, cần một trợ thủ bổ khuyết cho nhau.
Khóe miệng Kleist mang theo ý cười, bỗng nhiên hắn rút tay lại, hành lễ đúng chuẩn của quý tộc với Trì Yến.
“Vì ngài mà cống hiến sức lực là vinh hạnh của tôi.”
Trì Yến cười rạng rỡ, y không chút để ý hình tượng mà chống hông, tự đắc nói: “Chúng ta sẽ đặt bước chân đầu tiên vào thế giới mới.”
Sau đó bỏ lại gương mặt ngơ ngác của Kleist, chạy tới phòng rèn.
Căn phòng này lớn hơn mấy phòng khác, dùng đá xếp thành bức tường cao, cửa vừa đóng thì chỉ còn nghe được âm thanh chứ không biết bên trong đang làm gì.
Trì Yến vừa đi vào, các nô lệ vội vàng quỳ rạp xuống, bỏ cả công việc đang làm dở.
Trì Yến thấy Địa tinh đã rèn thành công thép.
Nô lệ không có tên, nhưng nếu có trưởng bối thì sẽ được trưởng bối đặt tên hiệu, nhưng tên hiệu thì rất kỳ lạ, như Thạch Đầu (Tảng Đá), Mộc Đầu (Gỗ) gì đó, toàn mấy tên mà không ai đặt.
Địa tinh này không có tên, khi Trì Yến hỏi hiệu nó là gì thì đầu nó cúi sát xuống đất, không dám cho Trì Yến thấy vết sẹo trên mặt, run rẩy nói mình là Đại Hà (Sông Lớn), là Hà trong Hà Thủy (Nước Sông).
Nó còn nói, mẹ từng kể rằng quê nó có một con sông lớn.
Trì Yến khen ngợi nó, còn ban thưởng cho nó trước mặt tất cả nô lệ. Vì nó là người đầu tiên rèn được thép, thay vì bánh mì đen thì mỗi ngày nó sẽ được ăn bánh mì trắng, ba bát cháo. Trì Yến còn thưởng cho nó một bộ quần áo, chờ người hầu làm xong sẽ đem đến cho nó.
Dù sao trong tòa thành vẫn còn vải, tuy không phải vải bông nhưng có thể dùng vải thô làm để làm quần áo cũng là chuyện vô cùng xa xỉ rồi.
Tất cả nô lệ đều choáng váng, kể cả Đại Hà, nó quỳ xuống mà nước mắt chảy dài.
Nó làm việc không ngừng không nghỉ chính là muốn sớm làm được thép, nó sợ Lãnh chúa ghét bỏ Địa tinh bọn nó. Hy vọng có thể dựa vào nỗ lực của bản thân để nhận được một ít hảo cảm của ngài. Nhưng thật không ngờ nó còn được thưởng nhiều đồ như vậy, một ngày ba bát cháo, còn được bánh mì trắng! Nó có thể để mẹ nó được ăn bánh mì thơm mềm rồi!
Nó không dám khóc thành tiếng, mà chỉ lặng lẽ rơi nước mắt.
Trì Yến không ở lại lâu, y ở lại thì mấy nô lệ sẽ không được tự nhiên mà lo lắng sợ hãi, không chuyên tâm làm việc. Vì thế y cổ vũ vài câu, thông báo cho họ một chuyện tốt rồi đi khỏi.
Đó là chỉ cần nô lệ cố gắng làm việc, không lười biếng, năm sau mấy nô lệ tham gia rèn thép sẽ được tự do. Chuyện tốt trên trời rơi xuống khiến nô lệ tưởng là mình đang mơ.
Sau khi Trì Yến rời đi, Đại Hà mới cùng mọi người đứng dậy. Tất cả nô lệ đang nhìn nó bằng ánh mắt hâm mộ, giống như nó trở thành một người khác biệt.
Đại Hà đến tuổi này cũng chưa từng hưng phấn tự hào như hôm nay. Tuy từ nhỏ đã là nô lệ, nhưng nó không muốn suốt đời làm nô lệ. Nó phải cố gắng hơn người khác, phải ngày càng hữu dụng, trung thành với Lãnh chúa. Chỉ thế thì mẹ con nó mới có cuộc sống tốt hơn.
Mới được gần ngài ấy hơn.
Hết chương thứ mười bốn