Mọi người đã đi hết, cả các cô cô hầu hạ Phó thị, chỉ mình Thanh Lê quỳ trong tuyết lạnh. Thế nhưng Thanh Lê không thể đứng dậy. Đại phu nhân đã nói phải quỳ ở đây mười hai canh giờ, vậy thì y phải quỳ đủ, không thể thiếu, thậm chí còn phải quỳ đến khi Đại phu nhân nhớ ra y, cho phép y đứng dậy thì mới có thể đứng dậy.
Quỳ hơn hai khắc, chân Thanh Lê đã ngập trong tuyết, đêm giao thừa thời tiết rất lạnh, tuyết rơi dày, mới một chốc đã ngập đến chân, phủ kín hai đầu gối của Thanh Lê. Quần áo y vốn mỏng hơn bình thường, không chống cự nổi khí lạnh nhập thể, hai chân đã không còn tri giác, đầu óc choáng váng.
Tuyết rất trắng, làm mắt Thanh Lê mờ mịt không nhìn thấy rõ. Thanh Lê ngẩng mặt lên trời, bông tuyết rơi vào mắt y, Thanh Lê chớp chớp mắt, đầu lại rũ xuống. Hai tay y đã tê buốt cùng cực, y vỗ mạnh má mình, hy vọng bản thân không ngất xỉu.
Nếu ngất ở đây, có lẽ mạng cũng không còn. Thanh Lê nghĩ tới những gia nô lẳng lặng chết đi như con sâu cái kiến, không ai quan tâm, không ai tưởng đến. Vài nén bạc đã mua được kẻ hầu, trong mắt của chủ nhân, chết một cái thay một cái, tính mạng còn không đáng giá bằng chén canh nóng bồi bổ mỗi ngày.
Thanh Lê bị hàng xuống hàng nô tài hạ đẳng, nếu y ngất đi, ngày mai người ta đến sân Đại phu nhân cào tuyết sẽ phát hiện ra y, rồi y sẽ bị kéo xác vứt đi vào bãi tha ma đi… nghĩ đến thật không cam lòng, khóe mắt Thanh Lê rơi xuống một giọt lệ.
Đột nhiên Thanh Lê nhớ đến chuyện rất lâu về trước, lúc đó y khoảng ba, bốn tuổi, ngày hôm đó cũng có tuyết rơi nhiều như thế, mẫu thân đưa cho y một túi bánh bao hấp, từng cái nho nhỏ xinh xinh dỗ y; Thanh Lê nín khóc cầm túi lấy từng cái bánh ăn, ăn đến cái cuối cùng thì đã nguội, y ngước mắt lên tìm thì không thấy mẫu thân đâu nữa. Phụ mẫu gửi y đến một thôn trang nuôi hộ, bên cạnh chỉ còn một bà vú. Thanh Lê ở đó ít lâu, rồi lại bị gửi đi nơi khác, bà vú cũng bệnh rồi mất. Lúc đó y vẫn còn nhỏ, nhiều chuyện không nhớ được, chỉ duy nhất kí ức về túi bánh bao nhỏ nóng hổi dần nguội lạnh trong trời tuyết là vẫn in sâu trong đầu.
Thanh Lê thật muốn ăn chút gì đó, uống chút gì đó để sưởi ấm. Y sợ mình không kiên trì được lâu nữa. Thanh Lê lại nghĩ tới tiểu viện nhỏ nơi mình đã sống gần một năm nay, tiểu viện có ổ chăn ấm áp, cảm thấy nếu bây giờ có người mang lửa đến đặt bên cạnh, y cũng không thể cảm nhận nữa, tay chân y như không còn của chính mình.
Thanh Lê kiên trì thật lâu, y cũng không biết bây giờ đã là giờ gì, bầu trời phương bắc khi tuyết rơi vẫn luôn âm u đầy mây, đã nhiều ngày không thấy mặt trời. Ngước mặt lên chỉ trông thấy một mảng xám xịt. Thanh Lê nghĩ mình không thể tiếp tục quỳ nữa, cả người y đã cứng còng, chỉ một chút nữa thôi sẽ không kiên trì được mà ngã nhào, hoặc bị đông cứng thành tượng băng.
Trong đầu y đột nhiên hiện lên một dáng người cao lớn, gương mặt tuấn mỹ phi phàm thi thoảng hiện lên nét cười.
Này, tiếu nhược xuân hòa cảnh minh, ba lan bất kinh, ngạn chỉ đinh lan, úc úc thanh thanh.
(Này, nét cười như mùa xuân yên ả, sóng gió bất kinh, chỉ bờ lan bãi, xanh xanh một màu.)
Thanh Lê nhớ đến gương mặt với đôi mắt nhắm khi say ngủ của hắn, khi hắn gối đầu lên chân mình, hắn ít nói nhưng ôn hòa, đối xử với mình thật tốt. Vi lão gia là người đối với mình tốt nhất, thưởng thức ăn ngon, thưởng mình bạc. Cuộc sống một năm qua trong Vi trạch là dễ chịu nhất trong những năm tháng ngắn ngủi của đời y.
Đã hơn hai tháng mười ngày rồi không còn tin tức gì nữa, có lẽ lão gia đã quên mất mình, quên mất, có một người, nhớ mãi không quên hắn.
Thật là vô tích sự lại ngu xuẩn không ai bằng, mơ tưởng viển vông những gì không có thật. Một bông tuyết đọng lại trên đôi mi đã trắng buốt bởi băng, nếu còn khóc, đôi mắt sợ là phải mù. Thanh Lê không muốn chính mình khi chết đi còn không nhìn thấy gì, vĩnh viễn làm một cô hồn dã quỷ không thấy Minh lộ để đi đầu thai.
Thanh Lê nghĩ mình cũng sắp chết rồi, thôi thì phóng túng một lần, không cố kỵ mà thỏa sức nhớ tới Vi Bắc Lâu, nhớ từng cái liếc mắt chau mày, càng nghĩ trong lòng càng đau đớn, nhưng có một cảm giác nóng ấm thình thịch chảy giữa tim, vừa kỳ diệu, vừa thống khổ, làm y hoang mang đến không biết làm sao.
Không biết đến lúc y không còn nữa rồi, liệu lão gia sẽ nhớ đến y không, sẽ vì Quân Nhi mà buông một tiếng thở dài?
Không biết qua bao lâu, tầm mắt Thanh Lê mờ dần, rồi y không nhìn thấy gì nữa.
Vi Bắc Lâu chiều hôm đó mới về nhà. Triều thần đều được nghỉ Tết vào hai mươi tám tháng Chạp, nghỉ liên tục mười ngày, nhưng Vi Bắc Lâu phải làm việc đến tận ba mươi Tết. Đông quốc đổi quốc chủ, có rất nhiều thứ cần suy tính. Vi Bắc Lâu liên lạc hai lần với Chung Nhuế, y tỏ ý mọi sự đều trong tầm kiểm soát, Úc vương đã thành công đăng cơ, đặt hiệu là Vĩnh Úc; Chung Nhuế được phong làm Quý phi, hiện tại ở Đông quốc có địa vị không thấp. Hiện tại Đông quốc đang chấn chỉnh triều cương, Úc đế tìm cách thâu tóm lại binh quyền, lấy dã tâm này thì có lẽ không bao lâu sau sẽ nắm vững Đông quốc trong lòng bàn tay.
Úc đế này ngoài mặt là huyết thống hoàng tộc nhưng mẫu phi địa vị thấp kém lại mất sớm, trong việc tranh trữ không có nhiều cơ hội, bị các hoàng tử khác ép đi đến đất phong, trên đường đi thì bị ám sát bỏ mạng. Huynh đệ Chung gia thời điểm đó liền thay mận đổi đào, đổi một đứa trẻ mồ côi vào vị trí của Úc vương. Đứa trẻ ấy cũng không chịu thua kém, dưới sự dạy dỗ của Chung Yến, Chung Nhuế, lớn lên thông tuệ, cao lớn phi thường, binh pháp học một hiểu mười, có tài dụng binh như thần. Được vài năm thì Chung Yến đi đến Bình Châu trà trộn vào Quảng Vương phủ, chỉ còn Chung Nhuế ở lại đất phong. Đến lúc Vi Bắc Lâu nhận được thư tín thì biết y đã gả cho hài tử kia làm trắc phi rồi.
Đối với lựa chọn của Chung Nhuế, Vi Bắc Lâu không ngăn cản, chỉ cần y trung tâm một lòng, thực hiện đúng nhiệm vụ hắn giao, thì mọi chuyện đều không đáng nhắc tới. Chung Yến biết được đệ đệ đã gả đi, còn gả cho hùng đệ tử hắn dạy dỗ mấy năm thì nghiến răng nghiến lợi, quả thực hận không thể lập tức bay đến đất phong để đánh chết tên đó. Thế nhưng trước giờ Chung Nhuế vốn làm việc có chừng mực, nói không chừng là lấy thân phận giả làm trắc phi để dễ bề hành động.
Về vấn đề Đông quốc, Vi Bắc Lâu cũng hỗ trợ một phần không nhỏ trong việc tập lương, chiêu binh cho Úc Vương, dù sao thì đất phong của Úc Vương quả thật cằn cỗi, dân chúng còn mọi rợ sống theo bộ lạc, bản làng, là vùng đất khá hoang sơ. Lúc Úc Vương đến là bộ dáng không xong như thế, Vi Bắc Lâu quả thật tốn rất nhiều tâm huyết, tài lực để trợ giúp hắn mưu đoạt cơ đồ. Vì thế nên vài năm gần đầy Vi Bắc Lâu quả thực không đủ để tâm để chấn chỉnh Trần quốc, tạo điều kiện cho mấy con sâu mọt nhảy nhót, bòn rút của công. Nửa năm vừa qua Vi Bắc Lâu vừa ra mấy chính sách trọng thương, tạm thời bù vào lỗ hổng quốc khố, thế nhưng chỉ trị được ngọn mà không trị được gốc, mùa màng thất bát, bách tính đói khổ, sang năm lại phải tiêu tốn thêm nhiều công sức lo nghĩ.
Đợi đến qua mùa xuân, thời tiết tốt hơn, băng tuyết tan, Đông quốc đã chấn chỉnh ổn định, Vi Bắc Lâu định sẽ cho sứ giả sang thăm, nối lại mối quan hệ Đông-Trần. Về sau có thể thông thương, mở rộng thương mại, quả thật sẽ cải biên tình hình hai nước. Dãy núi Thiên Hạc tuy dài ngàn dặm, nhưng nếu đi theo con đường ngắn mà Chung Yến từng đi thì chỉ mất hơn một tháng. Nếu thật được như thế, có thể mua một số lượng lương thực lớn, nhưng để làm được còn cần xây đường, bắc cầu…
Lã, Tấn hai nước tuy không lớn mạnh đến đơn phương đàn áp được, nhưng nhiều năm qua tình thế vẫn ổn định hơn Trần quốc, Trần quốc vì thiên tai mà liên tiếp thất thu. Lã, Tấn đã sớm thèm thuồng miếng bánh ngọt này rồi, hiệp ước hai mươi năm… Vi Bắc Lâu cười nhạt, tuyệt đối không đến được hai mươi năm; Lã, Tấn nhất định sẽ phát động chiến tranh với Trần quốc.
Thiên hạ rộn ràng, đều tới vì lợi, thiên hạ rối ren, đều đi vì lợi.
Đến mùa xuân phải lập tức mở khoa cử, lại chiêu mộ nhân tài trong dân gian, Vi Bắc Lâu đã ra chỉ thị đầu tiên cho Vệ Thi, viết một phần cáo chiếu, để mang đến khắp nơi trong thiên hạ, cầu hiền nhược khát, duy tài thị cử, phần chiếu này, là để cầu hiền.
Lẽ ra Vi Bắc Lâu còn phải đến Mộ Dung phủ một chuyến nữa, gặp mặt cháu trai của Mộ Dung Ninh, vừa mới đến kinh thành, nghe Mộ Dung Ninh nói cũng là người học phú ngũ xa, Vi Bắc Lâu có chút hứng thú, nghe qua có vẻ khá xứng đôi với nữ nhi nhà mình.
Thế nhưng không hiểu vì sao hắn luôn thấy tâm trạng bất an, phê duyệt tấu sớ cũng qua loa không tập trung được, cuối cùng Vi Bắc Lâu không định đi nữa, hắn phiền muộn dẹp bỏ tấu chương qua một bên rồi đứng dậy ra khỏi Nội các.
Bình thường hắn rất hay làm việc qua đêm ở đây, tuy rằng Hoàng cung không cho phép thần tử ở lại nhưng Nội các vốn nằm ở tiền triều, cách khá xa hậu cung, có cả một thiên điện cho đại thần Nội các thảo luận qua đêm nghỉ lại, Vi Bắc Lâu vì quốc sự lo lắng ngày đêm cần mẫn, hôm nay ba mươi tết hắn hiếm khi bỏ về sớm, các đại thần khác một phen thở phào, vài người cũng thu thập chuẩn bị về nhà đón giao thừa.
Quốc yến đã sớm dùng mấy ngày trước, ăn giao thừa là việc gia đình, Hoàng cung không đãi tiệc quần thần, chỉ đãi gia yến cung phi. Năm nay Hoàng Hậu chấp chưởng hậu cung, lấy lí do cần kiệm quốc khố mà không mở tiệc lớn xa hoa phung phí, các thần tử không liên quan thì về nhà đón tết tại gia.
Vi Bắc Lâu về đến Vi trạch thì nghe thấy trước cửa viện có tiếng khóc nức nở.