Sau hôm chú hai đến thăm, cả nhà tôi bị áp giải đến kinh thành.
Chúng tôi bị nhốt vào những cái cũi đặt trên xe ngựa, sáu người một cũi, chỉ đủ chỗ để ngồi, không thể trở mình hay cục cựa gì. Tôi còn trẻ nhưng lắm khi còn tưởng chừng mình không chịu đựng nổi, lại càng thương cha mẹ già xương cốt đã yếu còn gặp cảnh truân chuyên. Ban ngày nắng cháy da, ban đêm khí lạnh bao trùm. Chúng tôi ngồi trong cũi, bất phân nam nữ, ôm lấy nhau sưởi ấm. Đường đến Thăng Long còn xa, vậy mà mấy người đã đổ bệnh. Quan binh cũng chẳng buồn lo thuốc men, mỗi ngày cấp cho vài cái bánh hoặc vài củ khoai cùng một ít nước uống đã là may mắn lắm rồi.
Điều kiện nhà giam tại Thăng Long so với Diễn Châu càng vô cùng tồi tệ. Gương mặt cha mỗi lúc một xanh xao, sức khỏe ngày một kém. Mẹ tôi từ lúc nào đã quên đi mọi giận dỗi, ôm lấy cha vào lòng, muốn khóc cũng không dám khóc thành tiếng. Chưa đầy một tháng mà cha tôi già hơn cả chục tuổi, mẹ từ một phu nhân giàu có ngày nào giờ mang thêm vẻ mặt đầy khắc khổ. Còn bản thân tôi… tôi không có gương soi, chẳng biết mình hiện giờ ra sao… chỉ là đôi lúc đưa tay lên chạm mặt, phát hiện mặt mày mình thô ráp, mụn nổi vài nơi. Tôi thở dài, trước nay luôn ước mơ mình xinh đẹp, không ngờ rằng đến khi chết lại thành ra xấu xí thế này!
Bây giờ bên ngoài đang là tháng mười hai, nhà giam vốn ẩm thấp cũng trở nên lạnh tê tái người. Còn chưa đầy tháng nữa là đến Tết rồi. Không biết gia đình tôi còn có cơ hội đón năm mới hay không?
Chúng tôi bị nhốt ở kinh thành độ một tuần thì Tự Khải cũng được đưa đến đây. Hôm đó cả nhà đang còn ngủ, tiếng dây xích leng keng khiến chúng tôi giật mình tỉnh giấc. Tự Khải bị hai tên lính lôi vào, mạng sống gần như mất một nửa. Trên người anh đầy những vết cực hình tra khảo, vết thương chằng chịt, máu me túa ra ướt hết thân người. Mẹ tôi ôm lấy con trai gào khóc nức nở. Tôi cũng không chịu nổi nữa, ôm lấy cha nấc lên từng hồi.
Đến chiều Tự Khải mới tỉnh. Vừa nhìn thấy cha mẹ, anh đã cố gắng ngồi dậy, dập đầu: “Cha mẹ, là con bất hiếu.”
Cha tôi đến lúc này mới lên tiếng: “Chuyện này là con gây ra, hay con chịu hàm oan?”
Tự Khải cúi đầu, hai bàn tay nắm chặt lại, khó khăn đáp lời: “Là con bất hiếu!”
Cha tôi gần như không trụ nổi nữa, loạng choạng cầm lấy song sắt của nhà lao: “Là lỗi của ta… sinh con ra mà không biết dạy, tất cả là lỗi của lão già này.”
Bao nhiêu hy vọng của chúng tôi dường như sụp đổ. Cha tôi phát bệnh nặng, mẹ cũng không gượng nổi nữa. Hằng ngày cả hai nằm dật dựa chốn thiên lao chờ đợi án tử hình. Tự Khải thì cũng hay mê man, nhiều lần rên rỉ vì những vết thương trên người. Tôi kêu gào khản cả giọng, hy vọng quan binh nghe thấy, cho chúng tôi một ít thuốc dù biết kết quả cũng chẳng được gì. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bất lực và vô vọng như lúc này, nhìn những người thương yêu của mình đau đớn mà tôi lại chẳng làm gì được. Cứ thà cho chúng tôi một lần chết đi, vẫn tốt hơn như hiện giờ.
Tôi nghe mấy tên lính nói chuyện với nhau, gia đình tôi sẽ bị chém đầu, trước khi tháng giêng đến…
Khi con người ta còn sống, còn hy vọng về một tương lai tốt đẹp thì vẫn còn cảm nhận được sự cực khổ. Nhưng khi biết trước mai đây mình sẽ chết, mọi khó khăn uất hận hôm nay, bỗng chốc tan biến vào hư vô.
Chỉ là tôi không muốn gia đình tôi trước khi chết còn nặng nề nhau.
“Cha, mẹ, anh à… chúng ta đừng buồn phiền nữa. Ít nhất bây giờ gia đình mình cũng được ở bên nhau. Còn bao nhiêu ngày thì chúng ta có thể cố gắng vui vẻ bấy nhiêu ngày mà.”
Mẹ nghe tôi nói, cũng gật đầu đồng ý rồi khuyên cha: “Đúng đó ông à, ông đừng giận con nữa. Mấy ngày nữa cả nhà bị chém đầu rồi, con chúng ta chúng ta không thương thì để ai thương bây giờ. Con làm sai lỗi ở cha mẹ, mình tự trách mình chứ đừng trách con.”
Tự Khải không dám xin cha mẹ tha thứ. Nhưng có lẽ nhìn thấy anh chịu đau đớn như vậy, cha tôi cũng không thể sắt đá hơn được nữa. Cuối cùng, cha chấp nhận bỏ qua.
“Chỉ cần con không hối hận với những gì mình đã làm thì cha cũng không nặng lòng nữa.”
Mẹ ôm lấy tôi khóc nức nở, nhưng nước mắt không phải là đau buồn. Những ngày tháng cuối cùng trong thiên lao ấy, cha mẹ kể lại tất cả chuyện khi Tự Khải và tôi còn nhỏ, nghịch ngợm ra sao, đáng yêu thế nào. Trong số đó, tôi ngượng nhất là khi mẹ nhắc lại năm tôi lên bốn, một lần tình cờ trông thấy Tự Khải đi tè, liền chạy vào khóc với mẹ.
“Mẹ ơi, con bị thiếu rồi.”
Mẹ tôi lúc đó chỉ vừa độ trung niên, bế tôi lên, lo lắng hỏi: “Con thiếu cái gì?”
Tôi tức tưởi phân trần: “Con thấy trên người Tự Khải có một cái vòi, nước phun ra từ đó. Tại sao con lại không có?”
Mẹ nghe tôi nói không khỏi bật cười, giải thích: “À, vì khi mẹ mang thai anh con, Mụ bà nặn cho anh cái vòi đó. Đến phiên con thì Mụ lại quên, nên con không có.”
Tôi vẫn không cam tâm, dùng dằng: “Con không chịu. Hay mẹ lấy đất sét, nặn cho con thêm một cái vòi như Tự Khải đi.”
Mẹ tôi khi ấy đã cười rất nhiều, còn tôi thì không hiểu tại sao mẹ có thể cười nhiều đến như vậy. Rồi sau đó, tôi cũng không có cái vòi như mình mong muốn, và Tự Khải cũng không lần nào để tôi bắt gặp anh hớ hênh nữa. Bây giờ nghe mẹ kể lại, cả tôi và Tự Khải đều đỏ mặt ngượng ngùng.
“Thì ra là em nhìn trộm anh, báo hại lần đó anh bị mẹ mắng một trận, uất ức lắm nhưng chẳng biết tại sao.” Tự Khải liếc xéo tôi.
Tôi lập tức chống chế: “Bản thân anh hớ hênh còn đổ lỗi cho em sao?”
“Cô cứng miệng lắm, thế bây giờ có còn muốn cái vòi ấy không, để tôi gắn cho cô.”
Tự Khải quặp một tay vào cổ tôi khiến tôi suýt chút nghẹt thở. Tôi vung tay loạn xạ, vô tình chạm trúng vết thương anh làm anh kêu lên. Tôi lo lắng cúi đầu nhìn chỗ anh dùng tay che lại, nào ngờ mới đưa mặt đến gần đã bị anh thuận tiện véo mũi một cái, đau thấu trời.
Cha mẹ thấy chúng tôi đùa giỡn với nhau, đáy mắt ươn ướt nhưng môi lại nở nụ cười.
Mấy tên cai ngục thấy gia đình tôi như thế, khinh bỉ lên tiếng: “Sắp chết cả lũ không lo, ở đó còn đùa giỡn.”
Chúng tôi để ngoài tai những lời ấy, bởi lẽ, có lo cũng đâu thoát khỏi nạn tai này. Ít nhất, khi vĩnh biệt cuộc sống này, chúng tôi vẫn ở bên nhau.
Thời gian đếm ngược.
Tôi ngồi nhìn cha mẹ ngủ, hơi thở nặng nề, vô tình nước mắt cứ thế tuôn rơi. Nếu nói tôi không buồn, không đau, không hối tiếc thì đó chỉ là lời nói dối.
Tôi nhớ Nam, nhớ anh ấy rất nhiều. Từ khi bản thân rơi vào tình trạng thế này, chưa có đêm nào tôi thôi nghĩ về anh. Tôi muốn gặp anh một lần sau cuối, nhưng e là có lẽ đến khi tôi nhắm mắt, điều đó cũng không thể xảy ra. Mọi nhớ nhung tôi cam nhận hết, mong sao chuyện trước đây Nam vĩnh viễn đừng nhớ lại, nếu không sẽ rất đau lòng.
Nước mắt từ đâu, sao lã chã rơi lên tay tôi?
Chợt có một bàn tay đặt lên vai, tôi giật mình quay lại, Tự Khải nhìn tôi xót xa: “Anh xin lỗi!”
Tôi lau nước mắt: “Tự Khải à, tại sao?”
Tự Khải ngồi dựa vào song sắt nhà giam, đối mặt với tôi, trả lời: “Một lần tình cờ anh thấy cô ấy khóc. Lúc đó, chẳng hiểu sao anh có cảm giác rất lạ, chỉ muốn bảo vệ người con gái trước mặt mình… Cũng chính điều này liên lụy đến cha mẹ và em. Anh xin lỗi, thật sự xin lỗi Chân à!”
Tự Khải cũng khóc. Tôi đưa tay lên lau nước mắt cho anh, nhưng thực ra ống tay áo tôi nãy giờ cũng đã ướt đẫm nước mắt của chính mình. Tôi không trách Tự Khải và tôi nghĩ bản thân mình cũng không có tư cách trách móc anh ấy. Biết đâu sự việc đi đến nông nổi này, một phần cũng là do tôi.
Tôi nhìn xuyên qua song sắt, nơi vách tường lâu năm đã ngả màu, từng mảng bám với đủ hình thù khiến người ta rợn người, mỉm cười: “Em hiểu cảm giác ấy. Cảm giác trên đời này, chỉ cần gặp được người trái tim mình thật sự thuộc về, coi như cuộc sống mình đã thật sự viên mãn!”
Người từ giã cuộc đời khi tuổi đời còn trẻ phải chăng là bất hạnh. Người sống đến đầu bạc răng long có chăng thật sự hạnh phúc?
Con người ta, hơn thua nhau không phải của cải, không phải dương thọ mà chỉ là sự bình yên và ấm áp tận sâu tâm hồn.
Chỉ cần gặp được đúng người, dù tồn tại một ngày thôi, cũng đủ để mãn nguyện rồi…
*
* *
Cả nhà tôi bị đưa ra pháp trường vào một ngày giữa tháng chạp. Bộ đồ tù mỏng manh không che chắn được từng cơn gió thổi vào người như cắt lấy thịt da. Đi chung với chúng tôi còn có hơn mười mấy người khác, đều là tử tù, gương mặt ai nấy đều mang vẻ chết chóc thê lương.
Tôi đã nghĩ mình có thể bình thản đón nhận mọi thứ xảy ra nhưng chuyện lại không đơn giản như vậy. Pháp trường ngày hôm đó ngoài phạm nhân chúng tôi, còn có binh lính, có mấy vị quan tôi chưa từng biết. Đằng xa, tôi có thể thấy Lý Đạo Thành và Ngô Thường Kiệt. Lý Đạo Thành nhìn tôi bằng một ánh mắt vô cảm còn Ngô Thường Kiệt thì vẫn ung dung phe phẩy quạt như thể việc chứng kiến những sinh mạng lìa đời vốn dĩ chẳng có gì lớn lao. Cả hai người họ đều là thuộc hạ thân cận của thái tử, nếu họ ở đây, vậy thái tử chẳng lẽ cũng ở nơi đây?
Tôi cố gắng quay đầu tìm kiếm một bóng hình quen thuộc. Nhưng tất cả chỉ là những ký ức nhạt nhòa.
Từng người, từng người đầu rơi xuống đất. Tiết đông băng giá càng lạnh lẽo bội phần. Máu từ thi thể tràn ra, đỏ thẫm một vùng. Cả thân người tôi run rẩy, một cỗ buồn nôn tràn lên, muốn ói hết ra ngoài.
Mẹ tôi ở kế bên sợ hãi đến mức ngất đi.
Cứ thế gia đình tôi cùng ba người nữa bị áp giải lên phía trước, hai chân quỳ mọp, đầu kế cạnh lưỡi đao.
Vị quan ngồi trên cao ngạo nghễ đọc một bài dài định tội chúng tôi. Những gì ông ta đọc, dài lắm, đến mức tôi không nhớ rõ cụ thể là gì. Chỉ biết, đến cuối cùng chúng tôi phải chết, và phải biết ơn hoàng thượng vì đã ban cái chết cho mình!
Theo đúng quy tắc chúng tôi sẽ dập đầu khấu tạ thánh ân của hoàng thượng. Nhưng mọi chuyện chưa kịp diễn ra tôi đã thấy vó ngựa hối hả đến gần. Trên lưng ngựa, bóng hình quen thuộc, nhưng lại chẳng phải hình bóng mà tôi ngóng chờ.
Lý Nhật Trung đưa thánh chỉ cho vị quan phán tội chúng tôi khi nãy. Chẳng biết thánh chỉ ghi nội dung gì, chỉ là chúng tôi được tạm ngưng hành quyết.
Chúng tôi nhìn nhau đầy hồi hộp. Chẳng lẽ Tự Khải được giải oan?
Tất cả lại bị áp giải vào nhà lao. Lúc đi ngang, Nhật Trung đã nhìn tôi bằng một ánh mắt rất buồn. Ánh mắt đó, cứ như có thể nhấn chìm lấy mọi thứ trên đời này vào bể bi thương tận sâu trong đáy lòng anh.
“Ta sẽ bảo vệ em!”
Lời nói bay theo gió. Tôi mỉm cười cho cơn gió lướt qua mình…
*
* *
Chúng tôi mang theo hy vọng về một sự giải thoát cho đến khi về đến nhà lao. Mấy tên cai ngục bảo rằng, hôm nay ngày kị, không thể giết quá bảy người. Bọn họ nói rằng, gia đình tôi may mắn không nằm trong tốp đầu tiên, nên việc hành quyết dời lại hôm sau.
Đây không phải đặc ân. Theo tôi, đó chính là ông trời trêu người. Cứ thà để chúng tôi một lần chết đi, có phải sẽ đỡ ai oán hơn lúc này chăng? Ngày cuối cùng đó, trôi qua thật sự rất dài. Cả nhà tôi không ai nói với ai lời nào nữa, chỉ ngồi chờ, im lặng, nghe từng nhịp thời gian trôi.
Ngày hôm sau rốt cuộc cũng đến. Cơ thể mệt nhoài khiến chúng khiến chúng tôi đón nhận cái chết một cách vô cảm hơn.
Khung cảnh cũng chẳng khác hôm qua là mấy. Vẫn vị quan mập mạp ngồi trên cao kia, vẫn là Lý Đạo Thành nhưng không có Ngô Thường Kiệt. Tôi vẫn dõi mắt kiếm tìm dù biết trước anh ta không lí nào lại có mặt ở đây.
Thời gian quá ngọ, mặt trời nghiêng hẳn về một phía. Pháp trường bất giác rung động vì sự xuất hiện của một người. Tôi hồi hộp nhìn về hướng ấy, người đàn ông cao lớn với áo mão uy nghi. Tim tôi rung lên một nhịp, đôi mắt nheo lại, lệ rơi xuống. Đến giờ tôi mới biết cố nhìn vầng dương lại chói mắt đến như vậy. Anh ta như bầu trời cao vời vợi, tôi như mặt đất nhỏ nhoi, giữa chúng tôi chỉ là hai đường thẳng song song chứ làm gì có nơi giao nhau như người ta thường diễn tả một nơi mang tên gọi “Chân trời”.
Chỉ có tôi nhìn anh, còn anh, chẳng một lần liếc mắt về phía tôi.
Lý Nhật Trung vẫn có mặt ở đây. Anh tiễn đưa một người bạn xuống suối vàng hay chính tôi đang tiễn đưa một mối tình đầu?
Đầu Tự Khải nhanh chóng rơi xuống đất. Mẹ và tôi gào khóc thê lương.
Đến lúc cha tôi chết đi, mẹ đã không thể nào chịu đựng được nữa rồi.
Tôi là người cuối cùng bị hành quyết. Cảm giác nhìn người thân chết trước mắt mình nhưng bản thân lại không làm gì được, bất lực vô cùng. Môi tôi bị chính mình cắn đến rướm máu, tâm can trống rỗng, không còn nhận thức được điều gì nữa.
Bên tai tôi, văng vẳng tiếng gọi của Lý Nhật Trung.
Tôi đưa đôi mắt ướt nhòa nhìn về phía ấy, nhưng sao chỉ có thể thu được hình bóng của một người.
Duyên ba sinh một lần gặp gỡ
Đoạn ân tình đành dứt từ đây
Trách ai đem đến nợ này
Tình chưa kịp tỏ – đọa đày tâm can!
“Nam – được gặp anh, là niềm hạnh phúc nhất của đời em.”
Tôi nghe lưỡi đao đang múa may quay cuồng trong tiếng gió. Một chút nữa thôi tôi sẽ thực sự về với gia đình.
Vĩnh biệt!