Tôi Vô Tội

Chương 7: Vụ đầu độc



Sáng Thứ năm 27 tháng Bảy liền sau đó Elinor ra khỏi khách sạn nhỏ mang tên “Huy hiệu Hoàng gia”. Nàng ngắm nhìn đường phố chính cua thị trấn Maidensford từ đầu đến cuối.

Đột nhiên nàng reo lên mừng rỡ và sang ngang đường. Không còn hồ nghi gì nữa! Người phụ nữ to béo có dáng đi như đàn ông kia là người quen của nàng.

– Chào bà Bishop!

– Kìa, Tiểu thư Elinor! Tôi không biết cô chủ về đây. Nếu biết cô chủ về lâu đài Hunterbury, tôi đã đến đây để đón cô chủ. Cô chủ có đem theo đứa hầu gái nào ở London về không?

– Tôi không ở lâu dài. Tôi nghỉ ở khách sạn “Huy hiệu Hoàng gia”.

Bà quản gia Bishop nhìn sang bên kia đường phố, bĩu môi:

– Thôi, cũng được. Nghe bảo ở đấy sạch sẽ. Thức ăn cũng tàm tạm, nhưng như vậy chắc hắn cô chủ phải thích nghi với những cung cách của họ, phải không thưa cô chủ, Elinor?

Elinor cười đáp:

– Tôi chịu được. Vả lại chỉ vài ba ngày thôi. Giải quyết nốt vài việc của cô tôi và đóng một số đồ đạc chở về London là xong.

– Vậy là cô chủ dứt khoát bán lâu đài?

– Đúng thế, bán cho ông Somervell, ủy viên hội đồng mới của địa phương này. Tôi cũng tiếc lâu đài này sẽ bị biến thành khách sạn và cả hoa viên rộng lớn kia cũng bị chia nhỏ ra thành các lô.

Bà quản gia nhắm mắt lại, run rẩy:

– Nếu đúng là như thế thì tan nát hết.

– Đành vậy chứ biết làm sao? Một mình tôi ở sao hết? Mà bà Bishop này, trong các đồ đạc ở lâu đài, bà có thích đặc biệt thứ gì không, tôi muốn kỷ niệm cho bà một thứ nào đó bà thích.

Bà quản gia Bishop rạng rõ nét mặt đáp:

– Thưa tiểu thư Elinor, tôi rất cảm động thấy cô chủ quan tâm đến tôi. Nếu như thế này không phải là quá lạm dụng thì…

Bà quản gia ngừng nói, nhưng Elinor giục:

– Bà nói đi, bà thích thứ gì?

– Tôi từ lâu vẫn quý nhất chiếc bàn cổ phu nhân cho kê ngoài phòng khách. Cái bàn ấy đóng đẹp quá.

Elinor đã nhớ ra: đúng là chiếc bàn ấy đóng rất công phu.

– Vậy chiếc bàn ấy bà coi đã là của bà, bà Bishop! Bà còn thích thứ gì nữa không?

– Không, thưa cô chủ. Cô chủ cho tôi cái bàn ấy đã là quá rộng rãi rồi.

– Còn mấy cái ghế đi kèm với cái bàn ấy, bà có muốn lấy cả không?

Bà quản gia Bishop nhận thêm mấy ghế nệm nữa, rồi cảm ơn rối rít. Bà ta nói:

– Hiện nay tôi ở nhờ bà chị, cho nên nếu cô chủ cần tôi đến lâu đài hầu hạ, tôi xin đến ngay.

– Không, tôi không cần, cảm ơn bà Bishop. – Elinor nói, giọng có phần lạnh lùng.

Bà Bishop nói thêm:

– Không phiền gì tôi đâu, thưa cô chủ. Ngược lai tôi còn rất muốn được hầu hạ cô chủ vài ngày nữa. Bởi có lẽ chuyến này về lâu đài, cô chủ không vui vẻ gì, có tôi bên cạnh cô chủ cũng khuây khỏa được đôi phần.

– Cảm ơn bà Bishop. Tôi có một mình càng chóng hoàn thành công việc hơn.

– Tất nhiên là tùy cô chủ rồi…

Dừng lại một chút, bà quản gia ngày xưa nói:

– Con Mary cũng đang ở đây. Hôm qua làm lễ mai táng bác Gerrard. Nó ở nhà bà Hopkins, và hình như sáng nay cả hai đều về thu dọn ngôi nhà của bố nó trong lâu đài.

Elinor gật đầu:

– Tôi có biết, chính tôi nhắn cô ta về đem đồ đạc của bác Gerrard đi. Thiếu tá Somervell muốn tôi giao nhà càng sớm càng tốt.

– Tôi hiểu.

– Bây giờ tôi phải đi. Khi cho dọn các thứ tôi sẽ dặn người ta để lại chiếc bàn và mấy cái ghế nệm kia cho bà đến lấy.

Elinor nắm chặt tay bà quản gia Bishop rồi nàng đi.

Trên đường, nàng ghé vào hiệu bánh mua vài ổ bánh mì, sữa rồi lại ghé vào hiệu thực phẩm mua vài thứ để lát nữa kẹp vào bánh mì.

Chủ hiệu, ông Abbot thân chinh ra tiếp nàng:

– Chào tiểu thư Elinor Carlisle! Tiểu thư để tôi phục vụ cho. Tiểu thư thích thứ gì? Tôm, cá hồi, cá trích hay giăm bông và lưỡi?

Bác ta bày các thứ lên mặt quầy.

Elinor mỉm cười:

– Thứ gì cũng được. Ngày xưa người ta tránh kẹp cá vào bánh mì vì sợ bị đầu độc, đúng không nhỉ?

Bác chủ hiệu trợn mắt hoảng sợ:

– Tôi cam đoan với tiểu thư là hãng sản xuất loại cá đóng lọ này rất bảo đảm… Tiểu thư có thể yên tâm. Chưa bao giờ khách hàng phàn nàn về thức ăn của hiệu chúng tôi.

– Tốt. Vậy ông cho tôi hai lọ cá hồi chiên bơ. Cảm ơn.

II

Elinor vào hoa viên của dinh cơ Hunterbury theo lối cửa ngách. Thời tiết hôm nay giữ mùa hè tuyệt đẹp. Nàng đi ngang qua những luống hoa thơm ngát. Người phụ làm vườn tên là Horlick kính cẩn chào nàng. Anh ta được giữ lại để trông nom cây cối trong dinh cơ.

– Chào cô chủ. Tôi có nhận được thư của tiểu thư. Tôi đã mở sẵn cửa bên cạnh và mở cả một số cửa sổ trong lâu đài.

– Cảm ơn anh, Horlick.

Lúc nàng sắp bước đi, anh phụ làm vườn vội vã nói:

– Xin lỗi tiểu thư, tôi muốn xin cô chủ một việc…

Elinor ngoái đầu lại:

– Anh muốn gì?

– Có đúng là cô chủ đã bán lâu đài này rồi phải không?

– Phải.

– Tôi muốn thưa với cô chủ, xin cô chủ giới thiệu tôi với ông thiếu tá Somervell. Bởi chắc ông cũng cần thợ làm vườn…

– Được thôi, Horlick.

– Cảm ơn cô chủ. Nói thật với cô chủ là tôi rất tiếc thấy cô chủ bán cái dinh cơ tuyệt đẹp này. Một lần nữa, cảm ơn cô chủ.

Elinor đi tiếp vào trong.

Đột nhiên nàng thấy trào lên một nỗi uất hận. Lẽ ra nàng được sống trong cái dinh cơ tuyệt đẹp này, nàng và Roddy, cả hai đều rất yêu nó, dinh cơ Hunterbury này!… Hồi cha mẹ nàng còn sống, gia đình ở Ấn Độ, năm nào nàng cũng được về đây nghỉ hè. Đã bao nhiêu lần nàng chạy nhảy trong khu rừng, đùa giỡn bên dòng suối, hái từng bó hoa ôm đầy vòng tay và ăn những quả phúc bồn tử chín mọng màu đỏ sậm. Tiếp đó là mùa táo. Elinor thuộc cả những góc kín đáo trong rừng, đã bao nhiêu lần nàng trốn ra đó ngồi một mình đọc sách.

Đúng thế, nàng rất yêu dinh cơ Hunterbury này, và đinh ninh sẽ đến ngày được về ở hẳn đây. Cô Laura nàng hồi còn sống cũng hy vọng như thế và đã bao nhiêu lần bà nói bóng gió đến chuyện ấy.

“Elinor, có lẽ cháu đã dự tính sau này sẽ chặt hết những cây thủy tùng kia, bởi chúng u uất quá. Rồi cháu sẽ cho xây ở đây một bể phun nước…”

Cả Roddy. Anh ấy cũng đã từng mơ ước về đây sống. Có lẽ chính vì Roddy thích dinh cơ này mà Elinor yêu anh ta. Bởi Roddy cũng coi chuyện sau này về sống ở đây là điều không còn phải cân nhắc gì nữa. Vây mà bây giờ… nàng sắp bán tất cả, chỉ chuyển một số đồ đạc quý giá nhất về London!

Lẽ ra nàng phải đang sánh vai dạo chơi trong hoa viên này với Roddy, và cả hai cùng bàn cách tô điểm cho nó đẹp hơn lên. Nàng sẽ hạnh phúc biết bao nếu không xuất hiện con tóc vàng có nước da hồng hào man rợ kia!

Roddy đã biết gì về Mary? Chưa hề biết một chút gì! Anh ta có thật sự yêu nó không? Tất nhiên nó có rất nhiều ưu điểm. Nhưng Roddy đâu biết những ưu điểm ấy. Vẫn là câu chuyện muôn thuở… Lại một trò chơi khăm nữa của Tạo Hóa!

Thì chính Roddy đã chẳng nói rằng anh ta cảm thấy như bị “thôi miên”? Và chính anh ta cũng mong muốn được “tỉnh lại” đấy sao?

Nếu đột nhiên Mary chết, hẳn Roddy rồi sẽ lại tự an ủi… “Bây giờ anh mới hiểu, thì ra giữa anh và cô ta không có thứ gì chung cả…” Rất có thể Roddy còn nói thêm, giọng buồn buồn: “Dù sao, phải công nhận cô ấy có một sắc đẹp đầy quyến rũ…”

Và Roddy sẽ giữ vĩnh viễn trong lòng kỷ niệm êm đềm ấy… Kỷ niệm về một hình bóng tuyệt vời lướt qua trong cuộc đời anh.

Nếu một tai nạn xảy ra với Mary? Chắc chắn Roddy sẽ quay về với nàng… với Elinor… Nàng tin chắc chắn là như thế.

Nếu một tai nạn xảy đến với Mary Gerrard!…

Elinor đẩy cánh cửa. Đang từ ngoài trời nắng chói chang, nàng bước vào ánh mù mờ tối trong nhà. Nàng cảm thấy như có những bóng ma u uất nấp sẵn trong đó đang rình đón nàng.

Elinor đi qua gian tiền sảnh, rồi đẩy cánh cửa bọc da vào bếp. Một thứ mùi mốc meo ẩm thấp xộc vào mũi nàng. Nàng mở rộng cửa sổ, đặt mấy gói bánh mì, hộp bơ, lọ cá hồi, chai sữa tươi lên bàn, nghĩ:

– Mình ngốc quá, đã tính sẽ pha cà phê.

Elinor lục soát các hộp trên giá, một hộp còn ít trà, nhưng cà phê thì không còn.

“Đành vậy” nàng tự nhủ.

Nàng mở sẵn hai lọ thủy tinh đựng cá. Rồi nàng lên phòng của phu nhân Welman, bắt đầu mở các ngăn tủ, ngăn kéo, lựa ra những quần áo để đem đi. Lát sau trên sàn nhà chất thành đống áo quần, vải vóc…

III

Trong ngôi nhà nhỏ của người bảo vệ lâu đài, Mary Gerrard đưa mắt bối rối nhìn xung quanh. Hôm nay cô mới nhận thấy cuộc sống trước kia của mình tù túng đến mức nào.

Quá khứ nhận chìm cô xuống như một làn sóng. Mẹ cô kia thường khâu những bộ áo váy cho con búp bê của cô, nhưng cha cô thì lúc nào cùng cáu kỉnh, không lúc nào tươi mặt lên được. Cha cô ghét con gái, đúng thế, ông rất ghét Mary…

Đột nhiên cô hỏi bà y tá trung niên Hopkins:

– Trước khi chết, cha cháu có nhắc gì đến cháu không?

Để an ủi cô gái trẻ, bà Hopkins đáp:

– Không! Trước khi tắt thở hoàn toàn, ông bị hôn mê một tiếng đồng hồ có biết gì nữa đâu?

– Lẽ ra cháu phải về đây chăm nom cha cháu nhỉ? Dù sao đấy cũng là cha của cháu.

Bà Hopkins lúng túng đáp:

– Cô nghe tôi nói đây, Mary! Ông ấy là cha cô hay không là chuyện không quan trọng! Ngày nay, con cái ít quan tâm đến cha mẹ, và nhiều cha mẹ cũng chẳng buồn quan tâm đến các con. Cô giáo Lambert còn cho rằng đấy là chuyện bình thường. Theo ý cô ấy thì bây giờ gia đình hoàn toàn vô nghĩa, trẻ được nhà nước quan tâm, thế là đủ. Xã hội thực ra chỉ là một trại mồ côi lớn. Dù sao thì chúng ta chẳng nên tốn thời giờ tiếc nuôi quá khứ và thả hồn cho tình cảm. Ta hãy tiếp nhận cuộc đời đúng như nó đang diễn ra… và coi như không nhìn thấy các khiếm khuyết của nó.

– Bà nói đúng. – Mary nói – Nhưng rất có thể do cháu mà hai cha con cháu luôn luôn xung khắc.

– Cô nói vớ vẩn.

Mary lập tức không nói nữa, còn bà Hopkins thì bàn đến những công việc cụ thể.

– Cô định giải quyết các đồ gỗ này thế nào? Đem cất đâu hay bán?

– Cháu không biết nữa. Bà thấy nên thế nào?

Ngắm nghía số đồ đạc bằng cặp mắt xét nét, bà y tá trung niên nói:

– Một số còn tốt, cô có thể đem gửi tạm ở đâu đó để sau này đem kê vào căn hộ của cô trên London mà dùng. Số còn lại đem bán tất. Mấy ghế tựa này còn chắc lắm, cái bàn nữa… kiểu hơi cổ nhưng bằng gỗ gụ kia đấy. Tôi nghe người ta nói, sẽ đến lúc kiểu thời nữa hoàng Victoria lại thành mốt đấy. Vào địa vị cô thì tôi bỏ cái tủ này đi, cồng kềnh quá, tốn chỗ, kê vào phòng ngủ thì chật cả phòng.

Hai người phụ nữ cùng lên một bảng kê những thứ gì giữ lại, những thứ gì đem bán đi.

Mary nói:

– Ông công chứng Seddon ấy tốt với cháu quá, ứng trước cho cháu một khoản tiền đủ nộp học phí, để cháu có thể bắt đầu theo học lớp xoa bóp trị liệu và chi một số món cần thiết khác. Sau đây một tháng, cháu sẽ được nhận đầy đủ tất cả.

– Cô có thích cái nghề ấy không?

– Cháu hy vọng sẽ quen dần, nhưng quả thật thời gian đầu cháu rất vất vả. Tối nào về đến nhà cũng mệt bã người.

– Tôi cũng khác gì? Hồi mới thực tập trong bệnh viện Thánh Lục, tồi đã tưởng tượng không chịu nổi đủ ba năm. Nhưng rồi tôi vẫn theo được cho đến hết khóa học.

Trong khi soạn cố áo quần, họ tìm thấy một chiếc hộp nhỏ đựng đầy giấy tờ.

Mary nói:

– Có lẽ cháu phải học đọc lại từng tờ một xem có gì quan trọng không?

Hai người phụ nữ ngồi xuống bai bên bàn. Bà Hopkins nói:

– Tích làm gì lắm giấy tờ vớ vẩn thế này? Bao nhiêu mẩu báo cắt, thư từ cũ, đủ thứ vô tích sự!

Giở một tờ ta, Mary kêu lên:

– Đăng ký kết hôn của cha mẹ cháu, tạo SaintAlban, năm 1919. Nhưng sao lại thế này? Bà xem này, bà Hopkins…

Bà y tá quay lại, nhìn thấy nét băn khoăn trên khuôn mặt cô gái trẻ:

– Sao thế?

– Bà đọc thì thấy. Năm nay là 1939, cháu hai mươi mốt. Năm 1919, cháu đã được một năm tuổi. Như thế có nghĩa sau khi sinh cháu rồi, cha mẹ cháu mới làm lễ cưới…

Bà Hopkins cau mày nói:

– Thì có gì quan trọng đâu? Thời buổi ngày nay mà cô cũng băn khoăn những chuyện vặt vãnh ấy.

– Biết làm sao được, tính cháu đã như thế rồi.

Bà y tá gắt:

– Thiếu gì đôi quan hệ với nhau mãi rồi mới ra nhà thờ làm lễ thành hôn? Nhưng họ cưới nhau thế là tốt rồi, còn trách gì họ nữa?

Mary thở dài:

– Hẳn vì thế mà cha cháu ghét bỏ cháu. Rất có thể mẹ cháu đã buộc ông phải cưới.

Bà Hopkins ngập ngừng rồi cắn môi nói:

– Tôi không tin là có chuyện đó. Còn nếu cô đã băn khoăn như vậy thì tôi nói cho mà biết: cô không phải con ông Gerrard.

– Ôi, như thế thì mọi thứ đều có nguyên nhân của nó cả! Dù sao cháu biết điều đó cũng tốt. Trước kia cháu cứ tự trách bản thân là đã không yêu quý cha bây giờ thì cháu yên tâm. Nhưng sao bà biết được điều bí mật ấy?

– Trước khi mất, ông Gerrard tâm sự với tôi rất nhiều về chuyện đó. Tôi bảo ông đừng bô bô lên thế, nhưng ông ấy không chịu. Giá như cô không nhìn thấy tờ giấy này thì tôi chẳng nói ra với cô làm gì?

– Không biết cha thực của cháu là ai?

Bà y tá ngập ngừng, đã mở miệng định nói nhưng rồi lại thôi. Vừa lúc ấy có một bóng người đi ngang bên ngoài. Hai phụ nữ ngẩng đầu lên: người đang đứng ngoài cửa sổ chính là Elinor.

– Xin chào hai người. – Elinor nói.

– Chào tiểu thư Elinor – Bà y tá Hopkins nói – Hôm nay trời đẹp quá, phải không thưa tiểu thư?

Mary cũng nói.

– Chào tiểu thư Elinor.

– Tôi đã chuẩn bị bánh mì kẹp thức ăn. Hai người có muốn ăn bữa tạm với tôi không? Lúc này đã một giờ trưa, ăn tạm với tôi đỡ phải về làng. Tôi chuẩn bị thức ăn đủ cho ba người đấy.

Lộ vẻ mừng rõ, bà Hopkins đáp:

– Tiểu thư tốt quá. Đang mùa hè, đúng là không muốn dừng công việc để về làng chỉ để ăn. Lúc sáng tôi tưởng chỉ làm trong một buổi sáng là xong, ai ngờ mất cả buổi sáng mà vẫn chưa đây vào với đâu. Mà hôm nay tôi vẫn phải đi tua các bệnh nhân như thường lệ.

– Cảm ơn tiểu thư Elinor – Mary nói thêm – Tiểu thư quả là chu đáo.

Ba người phụ nữ đi vào lâu đài. Elinor vẫn để cửa mở. Họ đi vào gian tiền sảnh mát rượi. Mary khẽ rùng mình. Elinor nhìn cô gái, nói:

– Cô làm sao thế, Mary?

– Không sao đâu, cô chủ đừng lo. Chỉ là đang ngoài trời nóng, bước ngay vào đây thoạt đầu hơi lạnh.

– Buồn cười, sáng nay lúc mới bước chân vào đây, tôi cũng rùng mình như thế. – Elinor nói.

Bà y tá Hopkins nói vui:

– Khéo tiểu thư và cô Mary cho rằng lâu đài có ma? Riêng tôi thì chẳng thấy gì hết.

Elinor cười. Nàng đưa hai người phụ nữ kia vào phòng khách nhỏ bên phải cửa lớn. Các thanh gỗ cửa chớp đều được kéo lên và các cửa sổ đều mở toang. Không khí trong phòng vui tươi.

Elinor vào bếp, lấy khay thức ăn đem ra. Nàng đưa Mary một chiếc bánh mì kẹp sẵn thức ăn:

– Cầm lấy, Mary!

Mary bắt đầu ăn. Elinor nhìn cô gái ăn rồi cũng cắn chiếc bánh mì của nàng bằng hàm răng trắng bóng.

Nàng nín thở một chút rồi thở dài.

Vẻ đăm chiêu, nàng giữ chiếc đĩa thức ăn ngang tầm eo. Nhìn thấy bà Hopkins, miệng hé mở va cặp mắt đờ đẫn, nàng đỏ mặt, vội đưa bà ta chiếc đĩa đựng bánh mì kẹp thức ăn.

Rồi bản thân nàng cầm lên một chiếc, nói giọng nhận lỗi:

– Tôi định pha cà phê, nhưng quên không mua. Có bia trên bàn đấy, ai muốn uống thì mở.

Bà Hopkins nói:

– Biết thế tôi đem đi ít trà.

– Trong hộp đựng trà còn một ít đấy.

Bà Hopkins mừng rỡ:

– Nếu vậy tôi đi đun nước. Chắc tiểu thứ không mua sữa?

– Có. Kia kìa.

– Tốt lắm. – Bà Hopkins gật đâu rồi chạy nhanh xuống bếp.

Còn lại hai người, Elinor và Mary. Một nỗi ngượng ngùng len giữa họ. Elinor có vẻ phải cố gắng mới mở đầu câu chuyện được. Nàng đưa lưỡi liếm cặp môi khô khốc, nói:

– Công việc của Mary ở London tốt chứ?

Mary lúng túng đáp:

– Cháu không định nói ra… nhưng quả thật…

Thấy Elinor chăm chú nhìn mình, Mary cúi đầu xuống:

– Sao cô chủ nhìn cháu thế? Cô chủ thấy cháu khác đi nhiều lắm hay sao?

Đột nhiên Elinor đứng phắt dậy, quay nhìn ra cửa sổ:

– Không đâu! Mary thấy tôi nhìn cô à? Tôi xin lỗi… Tôi có tật mải suy nghĩ gì là mắt không nhúc nhích, có vậy thôi.

Bà Hopkins chỉ đứng lại bên ngoài, ngó vào khe cửa mở hé, nói vào:

– Tôi đặt siêu nước lên bếp ga rồi.

Rồi bà ta biến mất.

Elinor bỗng bật cười vang, nàng cười như điên như dại:

– “Polly!

Lấy nước đem đun!

Ta cùng uống trà!

Mọi người vui vẻ!”

Mary còn nhớ hồi nhỏ chúng ta cùng chơi cái trò đó không?

– Cháu nhớ chứ.

– Hồi chúng ta còn nhỏ – Elinor mơ màng nhắc lai – Đáng tiếc là chúng mình không thể quay lại cái thời đó được nữa, phải không Mary?

– Cô chủ muốn quay lại thời thơ ấu chăng?

Elinor đáp giọng dứt khoát:

– Đúng thế! Đúng thế!

Họ lại im lặng một lúc. Rồi Mary đỏ mặt nói:

– Tiểu thư Elinor, xin tiểu thư đừng nghĩ rằng…

Đang dở câu nói, Mary vội ngừng bặt. Cô thấy Elinor đã đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt cô, nói bằng giọng lạnh lùng như băng:

– Cô bảo tôi đừng nghĩ chuyện gì?

– Cháu quên mất là cháu định nói gì rồi. – Mary khẽ đáp.

Elinor lại trở về bình thường, như thể cơn nguy hiểm đã trôi qua.

Bà Hopkins vào, tay bưng khay đựng bình trà, chai sữa và ba chiếc tách.

Không hề nghi ngờ gì, bà ta nói to:

– Trà đây rồi!

Bà ta đặt khay xuống trước mặt Elinor. Nàng lắc đầu, nói:

– Cảm ơn, tôi không uống.

Nàng đẩy khay trà về phía Mary. Mary rót đầy hai tách. Bà Hopkins thở phào, thích thú:

– Trà đậm, ngon lắm!

Elinor đứng dậy, bước ra cửa sổ. Bà Hopkins cố nài:

– Tiểu thư nhất định không uống trà ư? Tiểu thư nên uống. Nước trà là thứ rất tốt đấy.

– Không, cảm ơn. – Elinor nói rất khẽ.

Bà Hopkins uống cạn tách trà, đặt xuống đĩa, nói:

– Tôi xuống bếp tắt lửa ở bếp ga. Lúc nãy tôi chưa tắt vì nghĩ có thể còn đun gì thêm nữa.

Bà ta ra khuất. Elinor quay mặt lại, giọng gần như khẩn khoản, nói:

– Mary, này…

– Tiểu thư bảo gì ạ? – Mary vội vã hỏi.

Ánh mắt Elinor dịu xuống. Nàng ngậm miệng. Vẻ khẩn khoản ban nãy đã biến mất và khuôn mặt nàng trở lại điềm tĩnh như trước.

– Không có gì hết! – Nàng đáp.

Không khí lặng lẽ ngột ngạt lại len vào giữa hai người phụ nữ trẻ.

Mary thầm nghĩ: “Sao hôm nay mọi thứ đều lạ lùng thế nào ấy?… Tưởng như có chuyện gì hệ trong vừa mới xảy ra xong”.

Elinor đã ra khỏi tư thế bất động. Nàng rời chỗ cửa sổ, đặt chiếc đĩa không vào khay trà.

– Cô chủ để cháu làm cho. – Mary vội nói.

– Không. Mary cứ ở đấy. Tôi làm được.

Đúng lúc bước qua ngưỡng cửa, Elinor ngoái đầu lại, thấy Mary đứng bên cửa sổ, nhan sắc rực rỡ, tràn trề sức sóng và tuổi thanh xuân.

IV

Lát sau, bà Hopkins đã theo Elinor lên phòng ngủ của phu nhân Welman để giúp nàng lựa ra những quần áo có thể cho các phụ nữ nghèo trong làng.

Nhìn vào cổ tay bà y tá trung niên, Elinor nói:

– Kìa! Bà bị cái gì đâm vào thế kia?

– Cái gai cây hoa hồng leo ngoài trạm bảo vệ đấy. Lát nữa tôi lấy kim lễ ra là xong.

“Hoa Hồng leo!” Bỗng nhiên bao kỷ niệm từ trong quá khứ trỗi hét cả dậy trong tâm trí Elinor… Buồn cười, đã có lần nàng nói vui với Roddy là mối quan hệ giữa hai người giống như giữa hai dòng vương tộc trong lịch sử nước Anh, được gọi là “Những cuộc chiến tranh giữa hai Bông Hồng”, hết đánh nhau lại giảng hòa, rồi lại đánh nhau, lại giảng hòa, không lúc nào dứt…

Nhìn đống quần áo xếp thành từng chồng, bà y tá thầm nghĩ, không biết trong khi lục lọi, tiểu thư Elinor có thấy tấm ảnh lồng trong khung kính bằng bạc của ông Lewis kia không? Rồi bà lại nghĩ: “Thật lạ lùng là hai lá thứ của mình và của chị y tá O’Brien cùng viết một ngày, cùng phát hiện ra chuyện bí mật về mối tình giữa phu nhân Welman và ông sĩ quan đẹp trai Lewis Ricroft! Một sự trùng hợp quái lạ! Rồi chị ta còn cho biết là cái hôm chị ta phát hiện ra tấm ảnh thì cũng đúng vào ngày mình được nghe bà quản gia Slattery kia kể lại câu chuyện về ông ta. Cuộc đời sao có lắm sự trùng hợp tưởng chừng như vô lý đến thế!”

Vừa làm, bà Hopkins vừa nói với Elinor:

– Tôi làm xong công việc này rồi sẽ cùng với con Mary ra ngôi nhà bảo vệ ngoài cổng lâu đài. Nó chỉ còn một việc ở đấy là soát lại một số giấy tờ của ông già Gerrard nữa thôi. Mà nó đâu rồi nhỉ? Hay nó đã quay ra ngoài đó một mình rồi?

– Lúc tôi lên đây, cô ấy vẫn còn ngồi lại dưới phòng khách nhỏ.

Bà Hopkins nhìn đồng hồ:

– Chắc bây giờ nó ra ngoài trạm rồi.

– Hẳn là thế, bởi bà với tôi lên trên này đã gần một tiếng đồng hồ còn gì?

Bà Hopkins bỗng giật mình, như có linh tính gì báo. Bà chạy vội xuống thang gác. Elinor cũng chạy theo.

Họ vào phòng khách nhỏ. Bà Hopkins thét lên:

– Nó làm sao thế kia? Ngủ, có lạ không?

Mary đang ngồi trong chiếc ghế bành rộng bên cửa sổ, tư thế hơi trùng xuống. Nghe rõ tiếng cô thở rất nặng nhọc.

Bà Hopkins bước đến, đặt nhẹ bàn tay lên vai cô gái trẻ:

– Dậy đi, Mary…

Chợt bà ta ngừng lại, cúi xuống quan sát cô gái, nhấc thử mi mắt cô ta. Sau đó bà lay Mary rất mạnh.

Rồi bà quay sang Elinor, hỏi, giọng hơi như đe dọa:

– Sao thế này?

– Tôi không biết gì hết. Cô ta bị cảm chăng?

– Điện thoại đâu? Tiểu thư gọi bác sĩ Lord đến đây ngay.

– Nhưng Mary làm sao? – Elinor hỏi.

– Tiểu thư không nhìn thấy à? Con Mary đang hấp hối!

Elinor hoảng hốt lùi lại, hỏi thêm:

– Hấp hối?

– Nó bị đầu độc… – Bà y tá Hopkins nói.

Cặp mắt nghi ngờ chĩa thẳng vào Elinor.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.