Tôi Vô Tội

Chương 5: Di chúc của những cô gái trẻ



Bà y tá Hopkins nói, giọng rất xúc động:

– Phu nhân Welman được hưởng một lễ mai táng tuyệt đẹp.

Chị đồng nghiệp O’Brien tán thành:

– Đúng thế. Bao nhiêu là hoa! Đẹp nhất là vòng hoa huệ trắng tinh và hình cây thánh giá ghép bằng hoa trà… Đẹp thật!

Bà Hopkins thở dài, tay cầm chiếc bánh bơ. Hai nữ y tá đang ngồi trong quán giải khát “Xanh”.

Bà Hopkins lại nói:

– Tiểu thư Elinor hào phóng quá, tặng tôi cả một món quà đắt tiền, mà tôi có công gì đáng để tiểu thư tặng đâu?

Chi O’Brien gật đầu:

– Cô chủ xưa nay tính rộng rãi. Sao tôi ghét những kẻ bủn xỉn đến thế.

– Dù sao tiểu thư Elinor cũng được thừa kế một gia tài kếch xù.

Chị y tá O’Brien nói:

– Tôi đang nghĩ…

Những chị lại thôi không nói nữa. Thấy vậy bà Hopkins giục:

– Chị nghĩ sao, O’Brien?

– Tôi đang lấy làm lạ, tại sao phu nhân Welman không để lại chúc thư?

– Đúng là bà cụ đã sơ suất. Tôi nghĩ phải bắt tất cả mọi người để lại ý nguyện cuối cùng. Không thì sau khi họ qua đời, sẽ sinh ra lắm chuyện rắc rối giữa các thân nhân còn sống.

– Theo bà thì nếu phu nhân kịp viết chúc thư bà cụ sẽ chia gia tài như thế nào?

– Tôi có thể đoán được…

– Bà đoán thế nào, bà Hopkins?

– Tôi tin chắc bà cụ sẽ dành một khoản cho con Mary… con gái bác bảo vệ Gerrard ấy.

– Bà nói đúng – Chị O’Brien gật đầu. Rồi chị nói thêm – Hình như tôi đã kể bà nghe về nỗi day dứt của phu nhân Welman cái buổi tối hôm tiểu thư Elinor đến ấy? Trong lúc bác sĩ Lord cố trấn an bà cụ, và tiểu thư Elinor thì cầm tay bà cụ…

Rồi chị y tá sôi nổi kể theo trí tưởng tượng phong phú của chị:

-… Phu nhân đòi cho mời ngay ông công chứng đến để thảo di chúc. Rồi bà cụ thều thào “Mary, Mary…” Tiểu thư Elinor bèn hỏi “Cô muốn nói đến Mary phải không ạ?” Rồi tiểu thư hứa với bà cụ là sẽ không quên phần của con Mary.

– Có đúng là đã xảy ra như thế không? – Bà Hopkins hỏi lại, vẻ hoài nghi.

Chị y tá O’Brien quả quyết:

– Tôi thề là đúng như thế. Tôi cam đoan rằng nếu phu nhân Welman sống thêm được ít ngày nữa, chắc chắn bản di chúc của bà cụ sẽ làm cho mọi người phải sửng sốt. Có khi bà cụ cho con Mary Gerrard toàn bộ gia tài không biết chừng!

– Theo tôi thì bà cụ không thể đến mức ấy được. Vì không ai muốn sau khi qua đời để lại nỗi phiền muộn cho những người trong gia đình.

Chị O’Brien cãi:

– Có nhiều kiểu gia đình lắm, chẳng gia đình nào giống gia đình nào.

– Chị nói thế là ý làm sao?

Chị y tá O’Brien nói:

– Tôi không có tính thóc mách vào đời tư người khác. Và tôi cũng không muốn nói về người đã chết.

– Chị nói đúng. Người đã chết rồi, ta chẳng nên bàn đến.

Hopkins vừa nói, vừa rót trà vào tách. Chị y tá O’Brien hỏi:

– A, cái lọ moóc-phin hôm ấy, sau về nhà bà có tìm thấy không?

Bà Hopkins lắc đầu:

– Không. Đâm tôi cứ nghĩ chẳng lẽ ai lại lấy lọ thuốc đó của tôi? Hay nếu không thì không biết lọ moóc-phin ấy bây giờ ra sao? Tôi cố nhớ lại, thì quả là tôi đã đặt nó trên mặt lò sưởi. Tôi hay có thói quen đó, mỗi khi khóa ngăn kéo tủ ở nhà tôi. Rất có thể ống thuốc lăn xuống, rơi đúng vào giỏ đựng giấy lộn. Và lúc tôi đổ rác, tôi đổ luôn cả ống thuốc ấy vào sọt rác.

Bà ta ngưng lại một lát rồi nói tiếp:

– Chắc chỉ như thế thôi. Bởi sau đấy tôi không thấy lọ thuốc đâu nữa.

– Tôi sợ bà để cái va-li thuốc ở nhà nào khác, chứ không phải trong gian tiền sảnh ở lâu đài Hunterbury thì mới ngại. Nhưng như thế này thì chắc bà đoán đúng đấy. Lọ thuốc lăn xuống giỏ giấy lộn là có lý nhất.

Bà Hopkins kết luận:

– Không thể có khả năng nào khác. Trừ phi…

Bà ngừng lại giữa câu nói.

Chị y tá O’Brien gật đầu, một cái gật đầu hơn vội vã quá mức.

– Theo tôi, bà chẳng nên nghĩ ngợi thêm về lọ thuốc ấy nữa.

– Tôi nghĩ làm gì?

II

Vẻ mặt nghiêm trang trong bộ tang phục, Elinor đang ngồi trước bàn giấy đồ sộ của phu nhân Welman, trong phòng thư viên của lâu đài. Xung quanh nàng rất nhiều tập hồ sơ tài liệu. Nàng vừa tiếp xong lần lượt các gia nhân trong lâu đài và bà quản gia Bishop. Bây giờ đến lượt Mary Gerrard. Cô bước vào, dáng ngại.

– Thưa, tiểu thư cho gọi cháu?

– Đúng thế, Mary. Cô ngồi xuống đây.

Mary ngồi xuống chiếc nệm Elinor chỉ cho cô. Ánh sáng chiếu vào làm nổi bật khuôn mặt trinh bạch tuyệt đẹp và mái tóc vàng óng của cô gái trẻ.

Elinor úp bàn tay lên mặt, qua những kẽ ngón tay xòe rộng, quan sát những đường nét của cô gái trẻ. Nàng nói bằng giọng dịu dàng của một người trên nói với kẻ dưới:

– Như cô đã biết, trước khi mất, phu nhân Laura Welman rất quan tâm đến cô, Mary.

Mary khẽ đáp:

– Bà chủ Welman bao giờ cũng rất tốt đối với cháu.

Elinor nói tiếp, thái độ lạnh lùng và lơ đãng:

– Nếu cô tôi có đủ thời gian để viết di chúc, chắc chắn bà đã ghi vào đó nhiều khoản tiền tặng cho mọi người. Nhưng vì cô tôi chưa kịp viết di chúc, nên trách nhiệm đó rơi vào tôi. Tôi đã hỏi ý kiến ông công chứng Seddon, và đã cùng với ông thảo ra bảng chia phần cho những người đã giúp việc trong lâu đài, tùy theo thời gian phục vụ của mỗi người.

Nàng ngừng một chút rồi nói tiếp:

– Tất nhiên, trường hợp Mary không nằm trong phạm vi đó. Mary là trường hợp đặc biệt.

Elinor hy vọng những câu nói của mình những mũi tên đâm vào cô gái, nhưng trên khuôn mặt Mary không lộ ra một biểu hiện nào. Cô chỉ lặng lẽ chờ đợi.

– Tuy tối hôm đó cô tôi nói năng rất khó khăn, nhưng vẫn làm cho chúng tôi hiểu được ý nguyện của bà. Cô tôi muốn đưa vào di chúc một điều khoản bảo đảm tương lai cuộc đời cho Mary.

– Bà chủ phúc hậu quá. – Mary chỉ điềm tĩnh đáp lại như thế.

Đột nhiên Elinor thông báo:

– Sau khi mọi thủ tục hoàn tất, tôi sẽ chia cho Mary hai ngàn bảng để cô toàn quyền sử dụng.

Mary đỏ bừng mặt:

– Hai ngàn bảng! Cháu không biết phải cảm ơn cô chủ như thế nào… Cô chủ rộng lượng quá.

– Đây không phải tôi rộng lượng. Và tôi yêu cầu ta không nói đến chuyện này thêm nữa.

Mặt Mary đỏ ửng:

– Cô chủ không biết khoản tiền lớn đó sẽ giúp ích cháu đến mức nào đâu.

– Nếu vậy tôi rất mừng.

Elinor nhìn đi chỗ khác, cố gắng nói thêm:

– Mary cho tôi biết dự định của cô được không?

– Được chứ ạ! – Mary vội vã nói – Cháu sẽ xin theo học một lớp xoa bóp trị liệu, theo lời bà Hopkins khuyên cháu.

– Tôi thấy cô tính như thế là rất tốt và tôi sẽ nhờ ông Seddon tiến hành một số thủ tục cần thiết, để cô nhận trước một khoản, càng sớm càng tốt.

– Cháu rất biết ơn cô chủ, thưa tiểu thư Elinor.

– Tôi chỉ làm theo đúng ý nguyện của cô tôi, phu nhân Welman. – Nàng nói.

Rồi nàng ngập ngừng nói tiếp:

– Tôi nghĩ tôi không còn gì để nói với cô nữa.

Thái độ “mời ra” đột ngột và dứt khoát đó làm tổn thương trái tim nhạy cảm của Mary. Cô đứng lên, điềm tĩnh nói:

– Cảm ơn tiểu thư nhiều.

Rồi bước ra ngoài.

Elinor ngồi bất động, mắt đăm chiêu nhìn thẳng phía trước, vẻ mặt nàng hết sức khó hiểu. Không ai có thể đoán được dòng ý nghĩ của Elinor lúc này. Nàng ngồi như thế khá lâu…

III

Elinor đi tìm Roddy. Nàng thấy anh trong phòng khách nhỏ. Roddy đứng trước cửa sổ, nhìn ra hoa viên. Thấy chân người bước vào, anh giật mình quay lại.

Elinor nói:

– Vậy là em đã chia cho tất cả mọi người. Bà quản gia Bishop năm trăm bảng, bà ấy làm ở lâu đài đã rất lâu! Một trăm cho chị nấu bếp. Năm chục cho Milly và năm chục cho Olive. Hai mươi nhăm cho Stephens, bác làm vườn chính. Chỉ còn bác bảo vệ Gerrard em đang băn khoăn đôi chút. Có lẽ nên tặng bác ta một khoản tiền hưu.

Nàng ngừng lại một chút rồi sôi nổi nói:

– Em dành lại hai ngàn bảng cho Mary Gerrard. Anh thấy đủ làm vừa lòng hương hồn cô Laura chưa? Em cảm thấy ngần ấy là hợp lý.

Roddy đáp, không nhìn cô em họ:

– Thế là công bằng. Bao giờ em cũng xử sự hợp lý, Elinor.

Nói xong, anh lại quay ra cửa sổ.

Elinor nín thở một lúc nữa dè dặt nói:

– Còn việc này nữa: em muốn… một điều công bằng thôi… đó là anh nhận phần của anh, Roddy.

Roddy quay phắt lại, cặp mắt lóe lên ánh giận dữ. Thấy vậy, Elinor nói tiếp:

– Nghe em nói đã, Roddy! Số tiền ngày xưa của chú ruột anh… sau khi ông mất đã chuyển sang cho vợ, cô Laura em. Số tiền đó bây giờ chuyển sang cho anh là hợp lý. Em tin rằng cô Laura cũng đã tính sẽ đưa cho một điều khoản như thế vào chúc thư. Bây giờ cô đã mất, em làm việc đó thay cô. Nếu em nhận phần của cô Laura thì anh phả nhận phần của chú Henri. Em không thể để anh thiệt chỉ vì cô Laura không kịp làm chúc thư. Cho nên anh nhận là rất đúng.

Khuôn mặt tinh tế của Roddy tái đi:

– Dù sao anh cũng hoàn toàn không muốn thành một kẻ thô bỉ, nếu anh nhận số tiền đó của em.

– Anh phải nhớ rằng đấy không phải tiền của em. Đấy là tiền chú Henri của anh, và anh hưởng là đúng.

– Anh không nhận tiền của em! – Roddy hét lên.

– Đấy không phải tiền của em!

– Theo luật pháp thì đây là tiền của em. Đối với anh là như thế. Anh xin em, ta nên nhìn vấn đề theo góc độ thực tế. Anh không muốn chịu ơn em một xu! Và em cũng đừng đóng vai Bà Tiên Phúc Hậu đối với anh!

– Roddy! – Elinor phản đối.

Roddy làm một cử chỉ xin lỗi:

– Xin lỗi, Elinor. Vừa rồi anh nói mà không nghĩ. Anh đang trong tâm trạng bối rối.

Anh quay đi, tránh cặp mắt của Elinor, tay vê sợi dây kéo rèm.

Rồi giọng lơ đãng, Roddy nói:

– Em biết Mary định dùng số tiền đó làm gì không?

– Cô ta định theo học lớp xoa bóp trị liệu. Cô ta nói với em như vậy.

– Ra thế!

Im lặng. Elinor ngửa đầu ra phía sau, nói giọng như ra lệnh:

– Roddy, anh hãy nghe em nói.

Roddy nhìn có em họ, hơi ngạc nhiên:

– Em nói đi, Elinor.

– Em rất muốn anh nghe theo lời em sắp khuyên.

– Em khuyên anh thế nào?

– Anh đang tự do, đúng thế không? Anh có thể đi du lịch bất cứ nơi nào anh thích, đúng thế không?

– Đúng thế.

– Nếu vậy anh hãy khai thác khả năng ấy! Hãy đi nơi nào đó ở nước ngoài… khoảng ba tháng chẳng hạn. Anh hãy đi một mình. Làm quen với những người bạn mới và ngắm phong cảnh. Em nói thẳng suy nghĩ của em. Lúc này đây, anh tin rằng anh yêu Mary. Có thể là anh thành thực với bản thân mình. Nhưng lúc này chưa phải lúc để anh ngỏ lời với Mary. Anh thừa biết như thế. Cuộc đính hôn giữa anh và em đã được hủy bỏ hoàn toàn. Lúc này anh chưa bị hứa hôn nào ràng buộc. Anh hãy đi như một người hoàn toàn tự do. Rồi sau đây ba tháng, trở về, anh sẽ quyết định. Khi đó anh sế biết rõ anh yêu Mary là tình yêu thật sự hay chỉ là một si mê nhất thời. Và nếu trong thời gian thử thách trên, anh thấy rõ đấy là tình cảm của mình, khi trở về anh hãy ngỏ lời cầu hồn cô ta. Lúc đó chắc cô ta sẽ không khước từ.

Roddy bước đến gần cô em họ, cầm tay nàng, xúc động nói:

– Elinor, em đúng là một con người đáng khâm phục. Em luôn giữ được sự tỉnh táo, cách suy nghĩ minh bạch và hoàn toàn lành mạnh. Không ai hoàn hảo như em. Được, anh sẽ làm theo lời em khuyên. Anh sẽ lên đường sớm, tâm trí thảnh thơi, để kiểm nghiệm xem có phải anh đã yêu thật sự chưa hay đó chỉ là một sự lố bịch. Elinor, em nên biết anh rất biết ơn em. Em hết sức tốt với anh.

Đột nhiên anh hôn lên má nàng, rồi bước nhanh ra khỏi phòng.

Có lẽ Roddy đã làm đúng, khi anh không ngoái lại nhìn Elinor.

IV

Hai ngày sau, Mary báo cho bà y tá Hopkins biết mong ước của cô đã thành hiện thực.

Người phụ nữ trung niên, đầu óc thực dụng, lộ vẻ mừng rỡ:

– Cô may mắn đấy, Mary! Tất nhiên bà vụ Welman muốn cho cô tiền, nhưng vì bà cụ không viết vào di chúc, cho nên mọi lời hứa của bà cụ đều không có giá trị. Lẽ ra cô không được hưởng đồng nào ấy chứ.

– Tiểu thư Elinor kể cháu nghe rằng buổi tối hôm phu nhân Welman sắp mất, cụ có dặn tiểu thư là phải giúp đỡ cháu.

Bà y tá trung niên bĩu môi:

– Có thể là như thế, nhưng nếu là người khác thì mấy ai đã nhớ đến lời căn dặn kiêu ấy? Tôi nói cô biết, tôi đã chứng kiến vô số trường hợp như tôi vừa kể rồi. Bên giường hấp hối của cha mẹ, các con đều thề sống thề chết sẽ thực hiện đúng ý nguyện của cha mẹ, nhưng chín phần mười trường hợp họ phớt lờ đi. Bản chất con người là thế, chẳng ai khác ai. Họ chỉ chịu bỏ tiền trong túi ra khi nào bị luật pháp buộc họ phải bỏ. Tôi nhắc lại, cô em thân mến ạ, là cô gặp may hiếm có đấy. Tiểu thư Elinor: quả là một người hiếm có trên cõi đời này.

– Tuy nhiên, cháu cảm thấy tiểu thư dường như không ưa cháu.

– Tiểu thư có nhiều lý do chính đáng để không ưa cô – Bà y tá Hopkins nói – Cô đừng giả bộ ngây thơ nữa. Cô thừa biết cậu Roddy mê từ ít lâu nay.

Mary đỏ mặt. Bà y tá Hopkins nói tiếp:

– Cậu Roddy mê cô như điếu đổ, chuyện ấy rõ như ban ngày. Còn cô, cô có đáp lại tình yêu của cậu ấy không, Mary?

Cô gái trả ngập ngừng rồi nói:

– Cháu… Có lẽ không. Cháu chỉ thấy cậu ấy rất dễ mến.

– Hừm! Tôi thì không mê được thứ đàn ông như thế. Điệu bộ… lắm tự ái… Khó tính khó nết. Nói; chung, bọn đàn ông, kể cả những gã khá nhất,! cũng không đáng giá một xu. Cho nên, tôi khuyên cô đừng vội, Mary. Xinh đẹp nhứ cô, chọn đâu chẳng được chồng. Hôm trước, có lần chị O’Brien còn nhận xét với tôi là cô có thể đóng phim được ấy chứ. Tôi cũng nghe nói điện ảnh họ rất thích chọn những cô gái tóc vàng đóng phim.

Mary hơi chau mày:

– Thưa bà Hopkins, cháu phải đối xử thế nào với cha cháu cho phải?

– Tuyệt đối không được cho ông ấy một xu. Bà cụ Welman cho cô số tiền kia không phải để cô đưa hết cho lão. Tôi cho rằng nếu không có cô thì bà cụ tống cổ lão ta ra khỏi lâu đài từ lâu rồi. Khó tìm được ai lười hơn lão Gerrard cha cô.

– Cháu vẫn cứ lấy làm lạ, sao có trong tay gia tài lớn đến như thế mà trước khi chết, phu nhân Welman không để lại di chúc.

Bà Hopkins lắc đầu:

– Con người hay như thế lắm. Cứ lần lần lữa lữa mãi, thế là lúc muốn làm thì không làm được nữa.

– Cháu vẫn rất lấy làm lạ. – Mary nói.

– Như cô chẳng hạn, cô đã nghĩ đến thảo di chúc của cô chưa?

Mary ngạc nhiên nhìn bà y tá trung niên:

– Cháu ấy ư? Chưa.

– Vậy mà cô đã hai mươi mốt tuổi rồi đấy.

– Nhưng cháu có tài sản gì đâu mà làm di chúc?… Bây giờ cháu mới bắt đầu có tiền.

– Đúng thế. Mà số tiền của cô đâu có ít?

– Nhưng đã vội gì mà phải làm di chúc?

– Ấy đấy! – Bà y tá Hopkins reo lên – Thì người khác cũng thế. Tuy cô còn trẻ và lại khỏe mạnh, nhưng đã biết thế nào? Lỡ cô bị ô-tô cán lúc sang ngang đường thì sao?

Mary bật cười:

– Bây giờ cháu làm chúc thư thì đúng là nực cười.

– Chẳng có gì đáng buồn cười hết. Mà rất đơn giản thôi. Cô chỉ cần ta Bưu điện mua mẫu về, và làm đúng như thế. Nào, cô ra đó ngay bây giờ đi.

Thế là lát sau, trong ngôi nhà nho nhỏ của bà y tá Hopkins, hai người đặt bản mẫu lên bàn, cùng bàn bạc các điều khoản chính. Bà y tá Hopkins có vẻ rất thích thú. Bà nói vui rằng một bản di chúc còn giá trị hơn một bản khai tử.

– Thế nếu cháu không làm di chúc thì ai sẽ hưởng tài sản của cháu?

– Cha cô, tất nhiên rồi. – Bà Hopkins nói.

– Cháu sẽ không để lại thứ gì cho cha cháu hết. Cháu muốn người hưởng thừa kế của cháu sẽ là bà dì của cháu hiện ở New Zealand.

Bà Hopkins nói đùa:

– Nếu cô để lại số tiền của cô cho ông Gerrard, ông cụ cũng chẳng hưởng được bao lâu, vì xem chừng lão sắp tịch rồi.

Chuyện đó Mary đã nghe bà y tá trung niên nói nhiều lần quá nên cũng chẳng lấy gì làm xúc động.

– Nhưng cháu lại không biết địa chỉ của dì cháu. Lâu lắm rồi, cháu chẳng nhận được tin tức của dì.

– Điều ấy không quan trọng! Cái chính là cô biết tên bà ấy.

– Mary. Mẹ cháu lấy tên dì cháu đặt cho cháu mà. Đúng rồi, Mary Riley.

– Thế là đủ. Cô hãy viết vào di chúc là cô để lại toàn bộ tài sản, tiền bạc cho bà Mary Riley, em gái của bà Elisa Gerrard, ở làng Hunterbury, quận Maindensford.

Mary cắm cúi viết. Viết xong, đột nhiên cô giật mình. Một bóng người đang đứng ngoài cửa sổ, che khuất ánh sáng chiếu vào. Mary ngẩng lên, thấy Elinor đứng ngoài đó từ bao giờ và đang nhìn cô.

– Mary, làm gì mà mải mê thế? Viết gì đấy?

Bà y tá Hopkins cười vang, nói:

– Mary viết di chúc.

– Di chúc?

Elinor cố cười theo:

– Làm gì có chuyện ấy, phải không Mary? Bà nói đùa…

Rồi vẫn cười vang, Elinor đi khuất.

Bà Hopkins trợn mắt:

– Quái lạ! Cô nàng Elinor nói lạ chưa?

Elinor chỉ đi được vài bước thì thấy một bàn tay của ai đi phía sau nắm cánh tay nàng, giữ lại. Nàng quay đầu nhìn, thấy bác sĩ Lord đang nhăn vầng trán nhìn thẳng vào mắt nàng.

– Tiểu thư Elinor cười gì thế?

– Chính tôi cũng chẳng biết tôi cười vì nguyên do gì.

– Thế thì hơi lạ đấy.

Elinor đỏ mặt, lúng búng nói:

– Có lẽ hôm nay tôi… thế nào ấy. Lúc nãy đi ngang bên ngoài nhà bà Hopkins, nhìn vào cửa sổ tôi bắt gặp Mary đang viết di chúc. Thấy thế tôi bật cười, chẳng hiểu vì lẽ gì tôi lại cười.

– Có chuyện ấy thật à?

– Kể ra tôi cười như thế là lố bịch. Tôi công nhận. Nhưng… tôi bỗng thấy thần kinh bị kích động.

– Để tôi kê đơn cho cô một liều thuốc an thần nhé?

– Không cần đâu. Cảm ơn bác sĩ.

– Nhưng đó là cách điều trị tốt nhất cho những ai cố che giấu, không chịu để lộ ra nỗi đau khổ của mình.

– Tôi không đau khổ gì hết. – Elinor nói.

– Tiểu thư giấu tôi, tiểu thư Elinor.

– Quả là tâm trí tôi lúc này không được bình thường, nhưng không phải là đau khổ đâu.

– Thôi được, tôi tin tiểu thư. Ta nói sang chuyện khác. Tiểu thư có định ở đây lâu nữa không?

– Mai tôi đi rồi.

– Nghĩa là tiểu thư sẽ không sống ở lâu đài Hunterbury?

Elinor lắc đầu, đáp:

– Không… không bao giờ! Chắc chắn tôi sẽ bán dinh cơ này đi nếu có người trả một cái giá phải chăng.

– Tôi hiểu…

– Bây giờ tôi phải xin lỗi bác sĩ. Tôi cần về nhà.

Elinor đưa bàn tay ra cho bác sĩ Lord. Bác sĩ nắm bàn tay nàng một lúc, nghiêm trang nói:

– Tiểu thư Elinor, cô có thể thô lộ với tôi ý nghĩ của cô lúc nãy, trong khi cô cười ra tiếng không?

Elinor rụt mạnh lại bàn tay:

– Ông muốn tôi nghĩ gì lúc đó?

– Chính đấy là điều tôi rất muốn biết. – Bác sĩ Lord nói, giọng đượm một chút u sầu.

Elinor bực dọc nói:

– Vì tôi thấy việc kia là trò lố bịch.

– Việc cô Mary thảo di chúc? Tôi lại thấy việc ấy hết sức bình thường, cẩn thận như thế sẽ tránh được nhiều phiền toái về sau… tất nhiên nếu nội dung của nó không gây ra những phiền toái khác.

– Tất nhiên rồi… Tất cả mọi người, ai cũng nên làm di chúc. Thật ra chuyện đó chưa phải là thứ làm tôi buồn cười.

Bác sĩ Lord nói:

– Như trường hợp phu nhân Welman, lẽ ra phu nhân nên để lại di chúc.

– Đúng thế. – Elinor cảm thấy mặt mình nóng bừng.

– Còn tiểu thư? – Đột nhiên bác sĩ hỏi.

– Tôi ấy ư?

– Chính thế. Tiểu thư! Chính tiểu thư vừa nói rằng ai cũng nên viết trước chúc thư đấy thôi? Tiểu thư đã thảo chúc thư chưa?

Elinor chăm chú nhìn ông bác sĩ rồi lại phá lên cười:

– Bác sĩ nói rất đúng, chính tôi chưa hề bao giờ nghĩ đến chuyện ấy đấy. Về mặt này thì tôi lại giống cô Laura của tôi rồi. Vậy thì, thưa ông bác sĩ, lát nữa về đến nhà, tôi sẽ viết thư cho ông công chứng Seddon để ông ấy giúp tôi làm cái việc đó.

– Tôi rất tán thành thái độ tỉnh táo đó của tiểu thư. – Bác sĩ Lord gật đầu.

V

Trong phòng thư viện, Elinor vừa viết xong lá thư gửi ông công chứng của nàng:

Ông Seddon thân mến,

Tôi rất mong ông thảo cho tôi bản di chúc. Thảo xong, xin ông gửi đến tôi để tôi ký. Nội dung đơn giản thôi. Tôi muốn người thừa kế toàn bộ tài sản của tôi sẽ là ông Roderick Welman.

Cảm ơn ông.

Elinor Carlisle

Nàng nhìn đồng hồ. Sắp đến giờ có người đem thư từ ra bưu điện.

Nàng mở ngăn kéo bàn giấy, rồi chợt nhớ sáng nay nàng đã dùng nốt cái tem thư cuối cùng. Nhưng nàng còn tem để trong phòng ngủ.

Elinor lên thang gác lấy tem xong, quay xuống để trở lại phòng thư viện. Bước vào, nàng thấy Roddy đang đứng bên cạnh cửa sổ. Anh nói:

– Vậy là sáng mai ta về London, sắp phải chia tay với lâu đài Hunterbury đáng yêu. Dù sao chúng ta cũng đã được hưởng nhiều ngày sung sướng ở đây!

– Em rao bán lâu đài này không làm anh buồn chứ?

– Không, không! Theo anh thì làm thế là rất đúng.

Họ im lặng. Elinor cầm lá thư, đọc lại lần nữa rồi cho vào phong bì, dán lại.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.