Tôi Vô Tội

Chương 23: Mary Draper



Thưa Tòa – Luật sư bào chữa nói – Tôi có thể đề nghị Hội đồng xét xử thấy rằng, không có bằng chứng nào khẳng định bị cáo có tội, mặc dù cho đến lúc này chúng ta mới chỉ nghe các nhân chứng của bên buộc tội. Bên buộc tội cho rằng Elinor Carlisle lấy cắp lọ moóc-phin (mặc dù tất cả mọi người trong lâu đài đều có thể lấy lọ thuốc đó, chưa kể không có bằng chứng nào khẳng định lọ thuốc đó có trong lâu đài) và đã đầu độc Mary Gerrard. Người ta chỉ dựa vào phỏng đoán. Người ta cố tìm cho ra một động cơ, nhưng không thấy. Thật ra, thưa các vị thẩm phán, không làm gì có cái động cơ ấy. Người ta nói cả về cuộc đính hôn được hủy bỏ. Tôi xin hỏi các vị: Nếu như các cuộc đính hôn bị hủy bỏ đều dẫn người ta đến chỗ giết người, thì ngày nào trên đất nước ta cũng có vụ án mạng. Hơn nữa, xin Tòa lưu ý một điều, là cuộc đính hôn ở đây không xuất phát từ tình yêu mà chỉ do một kiểu thu xếp trong gia đình, một cuộc đính hôn lý trí. Tiểu thư Elinor Carlisle và ông Roddy Welman, cùng lớn lên bên nhau, đã có mối cảm tình sẵn với nhau và mối cảm tình đó dần dần thành tình thân ái gắn bó. Nhưng tôi sẵn sàng chứng minh để Tòa thấy, đấy chỉ là một mối tình nhè nhẹ.

(Ôi, Roddy… Roddy, một tình yêu nhè nhẹ!)

Chưa kể, cuộc đính hôn kia bị hủy bỏ không phải do ông Roddy Welman, mà do bị cáo. Xin Tòa đừng bỏ qua việc tiểu thư Elinor và ông Roddy đính hôn là để chiều phu nhân Laura Welman. Khi bà cụ qua đời, hai người thấy tình cảm giữa họ chưa đủ mạnh để đảm bảo hạnh phúc vợ chồng. Tuy nhiên, sau khi hủy cuộc đính hôn, hai người vẫn là bạn thân của nhau. Elinor Carlisle, được nhận thừa kế của bà cô, do lòng tốt, đã dự tính sẽ cấp cho Mary Gerrard một khoản tiền lớn… cho cô gái… mà tiểu thư tính sẽ giết!… Nghe mới vô lý làm sao!

Điểm khả nghi duy nhất là xung quanh hoàn cảnh diễn ra vụ nhiễm độc.

Bên buộc tội đưa ra:

Chỉ một mình Elinor Carlisle có khả năng giết Mary Gerrard.

Họ cố tìm cho ra một động cơ, nhưng như tôi đã trình bày trước tòa, họ không tìm thấy bất cứ một động cơ nào khả dĩ đẩy bị cáo đến giết người.

Vậy thì phải chăng chỉ một mình Elinor Carlisle có khả năng giết Mary Gerrard? Không. Rất có thể cô Mary Gerrard tự tử. Cũng rất có thể một kẻ nào đó mà chúng ta chưa biết lọt vào lâu đài, cho thuốc độc vào những khoanh bánh mì, trong lúc Elinor Carlisle ra trạm bảo vệ. Hơn nữa kẻ đó giết Mary và có động cơ để làm việc đó. Không một quan tòa nào trên thế giới lại tán thành kết Elinor Carlisle vào tội giết người chỉ vì một nghi ngờ, chưa kể nghi ngờ này lẽ ra phải dành cho một kẻ có động cơ hẳn hoi, đủ để y giết Mary Gerrard. Tôi đã mời đến đây những nhân chứng để chứng minh cho tòa thấy là một trong các nhân chứng của bên buộc tội đã khai dối trá, làm trái với lời thề trước tòa là khai đúng sự thật. Trước tiên, tôi mời bị cáo kể, để tòa thấy những lời buộc tội bà ta ít có giá trị đến mức nào”.

II

Sau khi thề không nói sai sự thật, Elinor trả lời rất khẽ những câu hỏi của luật sư Bulmer. Luật sư đề nghị nàng nói to lên.

Bằng giọng dịu dàng và khích lệ, ông đưa ra những câu hỏi mà nàng đã chuẩn bị sẵn câu trả lời.

– Bà có yêu ông Roddy không?

– Có, yêu nhiều. Tôi coi anh ấy là người anh… là anh họ.

– Bà đính hôn với ông Roddy Welman là do muốn kết hôn với một người bà đã cảm mến từ khi còn nhỏ tuổi… Nhưng đấy người ta không gọi là tình yêu?

(Tình yêu? Ôi. Roddy!..)

– Không phải thế… Hai chúng tôi hiểu nhau rất rõ…

– Sau khi phu nhân Welman qua đời, giữa hai người có một mối bất hòa nhỏ đúng thế không?

– Đúng.

– Nguyên nhân mối bất hòa?

– Một phần là vấn đề tiền bạc.

– Tiền bạc?

– Đúng thế. Anh Roddy áy náy, anh ấy sợ mọi người cho rằng anh ấy lấy tôi vì tiền.

– Cuộc đính hôn đã bị hủy bỏ phải chăng vì Mary Gerrard?

– Anh Roddy mê cô ấy, nhưng tôi tin rằng đấy chỉ là một sự mê muội nhất thời.

– Nếu ông Roddy Welman yêu Mary thật sự, bà có đau khố không?

– Không, tôi chỉ nghĩ rằng cuộc hôn nhân đó không cân xứng, có vậy thôi.

– Thưa bà Elinor Carlisle, bà có lấy lọ moóc-phin trong vali bà y tá Hopkins hôm 28 tháng Sáu không?

– Không.

– Có lúc nào bà có thuốc moóc-phin trong tay không?

– Chưa bao giờ.

– Trước khi phu nhân chết, bà có biết là phu nhân chưa viết di chúc không?

– Không. Thậm chí đến lúc tôi biết, tôi rất ngạc nhiên.

– Bà có tin rằng đêm 28 tháng Sáu, trước khi chết, phu nhân đã cố trăng trối lại cho bà không?

– Lúc đó, tôi lại hiểu rằng trong di chúc, cô tôi chưa kịp đưa vào điều khoản về quyền lợi của Mary, cho nên trước khi qua đời, cô tôi muốn thêm vào điều khoản ấy.

– Và chính vì muốn tuân theo ý nguyện của phu nhân mà bà đã quyết định chia cho Mary Gerrard một khoản tiền lớn?

– Đúng thế. Tôi muốn theo đúng ý nguyện cuối cùng của cô tôi, đồng thời tôi cũng xuất phát từ lòng biết ơn Mary đã rất tốt với cô tôi.

– Ngày 26 tháng Bảy, có đúng là ngày bà từ London về thị trấn Maidensford và nghỉ ở khách sạn Huy hiệu Hoàng gia không?

– Đúng.

– Để làm gì?

– Có người tậu lâu đài và muốn tôi giao nhà sớm, cho nên tôi phải về để kiểm lại đồ đạc của cô tôi và xử lý những đồ đạc ấy.

– Ngày 27 tháng Bảy, trên đường đến lâu đài Hunterbury, bà có ghé vào cửa hàng mua thức ăn không?

– Có. Tôi nghĩ rằng buổi trưa nên ăn tạm thứ gì đó trong lâu đài hơn là về thị trấn ăn.

– Vậy là bà đến lâu đài Hunterbury thu dọn đồ đạc của phu nhân Welman?

– Đúng thế.

– Rồi sau đó?

– Tôi xuống bếp để chuẩn bị vài khoanh bánh mì kẹp thức ăn. Rồi tôi ra trạm bảo vệ ngoài cổng lâu đài mời bà y tá Hopkins cùng Mary vào lâu đài ăn với tôi.

– Để làm gì?

– Để họ khỏi phải về làng ăn giữa lúc trời nắng gay gắt.

– Tóm lại, đấy là một hành động tốt bụng và tự nhiên của bà. Hai người kia có nhận lời chứ?

– Có. Họ theo tôi vào tận lâu đài.

– Những khoanh bánh mì kẹp thức ăn lúc đó nằm ở đâu?

– Tôi để trên một chiếc đĩa trong bếp.

– Cửa sổ có mở không?

– Có.

– Lúc bà đi vắng, bất cứ ai có thể vào được chứ?

– Tất nhiên.

– Nếu có kẻ nào nấp bên ngoài theo dõi bà lúc bà cắt bánh mì, y có thể nghĩ sao?

– Y thấy tôi chuẩn bị một bữa ăn nhẹ.

– Kẻ đó liệu có đoán được là bà sẽ mời người khác đến ăn cùng không?

– Không. Bởi chỉ khi thấy thức ăn quá nhiều, tôi mới nảy ý nghĩ rủ thêm người vào ăn.

– Giả sử có kẻ lọt vào bếp trong lúc bà đi vắng, và cho moóc-phin vào một khoanh bánh mì, có khả năng hắn tính giết bà không?

– Chắc chắn là như thế.

– Lúc bà quay vào lâu đài thì như thế nào?

– Chúng tôi vào phòng khách nhỏ. Tôi sang bếp lấy đĩa thức ăn và mời hai người kia.

– Bà có uống thức gì không?

– Tôi có uống nước thường. Có bia trên bàn, nhưng bà Hopkins và cô Mary chỉ uống trà. Bà Hopkins sang bếp để đun nước pha trà. Bà ta bưng khay trà ra phòng khách nhỏ rồi cùng Mary uống.

– Bà có uống không?

– Không.

– Cả bà Hopkins cùng cô Mary cùng uống trà phải không?

– Đúng.

– Sau đó thì sao?

– Sau đó bà Hopkins vào bếp tắt bếp ga.

– Còn lại trong phòng khách nhỏ chỉ có bà và cô Mary?

– Đúng thế.

– Sau đấy?

– Vài phút sau, tôi đem khay, đĩa bánh mì đem xuống bếp. Bà Hopkins đang ở đó. Tôi với bà cùng rửa đĩa bát.

– Phải chăng lúc đó bà Hopkins xắn cổ tay áo lên?

– Đúng thế, bà ấy rửa, còn tôi lau khô.

– Và bà nhìn thấy trên cổ tay bà Hopkins có rớm máu?

– Đúng thế, tôi liền nhắc để bà thấy.

– Bà Hopkins trả lời thế nào?

– Là bà bị gai hoa hồng đâm vào và lát nữa bà ấy sẽ nhể ra.

– Thái độ của bà Hopkins lúc đó thế nào?

– Bà có vẻ rất khó chịu vì nóng bức. Mặt đẫm mồ hôi và có màu sắc lạ.

– Sau đấy thì sao?

Bà Hopkins theo tôi lên phòng ngủ của cô tôi giúp tôi soạn áo quần trong các tủ.

– Bà và bà Hopkins xuống nhà khi nào?

– Sau đấy khoảng một tiếng đồng hồ.

– Bà thấy Mary Gerrard đang ở trong phòng khách nhỏ?

– Cô ấy ngồi trong chiếc ghế bành, thở rất khó khăn, có vẻ bị hôn mê. Theo lời khuyên của bà Hopkins tôi gọi điện thoại cho bác sĩ, và ông ấy đến trước khi Mary tắt thở vài phút.

Luạt sư ngửa đầu, làm bộ điệu như diễn viên sân khâu, trịnh trọng hỏi:

– Bà Elinor Carlisle, có phải bà giết Mary Gerrard không?

(Coi chừng! Đầu ngẩng cao và mắt nhìn thẳng!)

– Không phải.

III

Sau đó luật sư Bulmer đọc bản bào chữa. Tim Elinor đập mạnh đến mức làm nàng thấy đau. Lúc này nàng cảm thấy một kẻ thù độc ác nào đó đè nàng xuống và nàng không còn sức chống đỡ. Vậy là hết! Còn đâu nữa những câu hỏi mà nàng đã biết trước cách trả lời. Tuy nhiên viên chánh án hỏi nàng bằng một giọng dịu dàng:

– Như bà đã khai, bà đã đính hôn với ông Roddy Welman, đúng thế không?

– Đúng.

– Bà yêu ông ấy chứ?

– Rất yêu.

– Bà có yêu ông Roddy Welman đến mức căm ghét cô Mary Gerrard không?

– Không. (Nàng nói chữ “không” chưa đủ mạnh chăng?)

Viên công tố hỏi bằng giọng đe dọa:

– Tôi yêu cầu bà trả lời một cách rõ ràng, là bà có ý định giết cô Mary để ông Roddy Welman trở lại với bà không?

– Tất nhiên là không. (Bà phải trả lời bằng giọng mệt mỏi, chán chường, nếu được như thế thì tốt nhất.)

Các câu hỏi tiếp theo nhau như trong một giấc mơ, một giấc mơ hãi hùng…

Liên tục vang đến tai nàng các câu hỏi khủng khiếp, nặng nề, làm tổn thương phẩm giá nàng… Một số câu nàng đoán được từ trước, nhiều câu khác nàng bị bất ngờ.

Nàng cố nhớ vai kịch của nàng. Chưa bao giờ nàng nói ra miệng: “Đúng, tôi căm giận cô ta… Tôi muốn cô ta chết… Đúng, trong khi cắt bánh mì ra từng khoanh, tôi đã nghĩ đến lúc nhìn thấy cô ta chết…”

Nàng phải giữ được tỉnh táo và trả lời càng ngắn gọn và bằng giọng lạnh lùng càng tốt. Nàng phải chiến đấu trên từng bước đi…

Cuối cùng, thế xong… Con người khủng khiếp có cái mũi Do Thái kia ngồi xuống. Giọng ngọt ngào luật sư Bulmer đưa ra thêm vài câu hỏi nữa.

Những câu hỏi đơn giản, dịu dàng, cốt để xóa ấn tượng nặng nề sau cuộc thẩm vấn của viên công tố vừa rồi.

Bây giờ Elinor Carlisle lại đứng trước vành móng ngựa và nhìn các thẩm phán…

IV

Roddy, Roddy đứng đó, mắt chốc chốc lại chớp, và anh ấy đang tự rủa thầm bản thân. Nàng cảm thấy anh giống như một ảo ảnh.

Thật ra, nàng thấy mọi thứ xung quanh nàng đều là ảo ảnh… Mình cũng không còn là Elinor Carlisle nữa mà là “bị cáo”. Mình không còn chỗ nào bấu víu nữa!

(Họa chăng chỉ còn khuôn mặt của bác sĩ Lord với những chấm tàn nhang đỏ và vẻ mặt cực kỳ thản nhiên).

“Ông luật sư Bulmer đang hỏi đến đâu rồi nhỉ?”

– Xin ông cho biết tình cảm của Elinor Carlisle đối với ông.

Roddy trả lời giọng chính xác:

– Elinor rất gắn bó với tôi, nhưng có lẽ cô ấy không yêu tôi tha thiết.

– Ông có hài lòng về cuộc đính hôn không?

– Hoàn toàn hài lòng. Hai chúng tôi có rất nhiều điểm giống nhau.

– Thưa ông Welman, xin ông cho Tòa biết nguyên nhân khiến cuộc đính hôn bị hủy bỏ.

– Sau khi thím tôi, phu nhân Welman qua đời, hai chúng tôi nghĩ lại. Tôi rất không muốn kết hôn với một phụ nữ giàu có, trong khi bản thân tôi không có lấy một xu trong túi. Thật ra cuộc đính hôn của hai chúng tôi được hủy bỏ do cả hai bên và khiến cho cả hai đều nhẹ nhõm.

– Xin ông cho Tòa biết tình cảm thật của ông đối với Mary Gerrard.

(Ôi, Roddy, tội nghiệp Roddy, màn kịch này chắc làm anh ta khó chịu lắm!)

– Tôi thấy cô ấy rất đẹp.

– Ông yêu cô ấy chứ?

– Một chút…

– Lần cuối cùng ông gặp cô ấy là bao giờ?

– Hình như ngày 5 hoặc 6 gì đó, tháng Bảy.

Luật sư Bulmer nói:

– Theo tôi được biết thì sau ngày đó ông còn gặp Mary Gerrard, có đúng không?

– Không. Sau ngày đó tôi ra nước ngoài… Tôi du lịch Venise và Dalmatie.

– Ông trở về Anh hôm nào?

– Khi nhận được điện, tôi về ngay… Ngày 1 tháng Tám.

– Vậy là ngày 27 tháng Bảy ông chưa có mặt ở nước Anh?

– Đúng thế.

– Xin nhắc ông là ông đã thề nói đúng sự thật. Trong hộ chiếu của ông có ghi ông về nước Anh ngày 25 tháng Bảy, và tối 27 ông mới đi, có đúng như thế không?

Giọng viên luật sư Bulmer đầy vẻ đe nẹt. Elinor cau mày và trí óc nàng đột nhiên tỉnh táọo. Tại sao luật sư của nàng lại hành hạ một nhân chứng của ông ta?

Roddy tái mặt, im lặng bối rối một lát, rồi anh ta cố gắng trấn tĩnh để trả lời:

– Đúng như thế.

– Và ông đã đến gặp cô Mary Gerrard tại căn hộ của cô ấy tại London?

– Đúng thế.

– Ông đã ngỏ lời cầu hôn với cô ấy?

-… Đúng thế.

– Cô Mary Gerrard trả lời ông thế nào?

– Cô ấy từ chối.

– Ông không giầu chứ?

– Không.

– Thậm chí hình như ông nợ nần rất nhiều.

– Chuyện ấy liên quan gì đến ai đâu?

– Ông không biết, cô Elinor Carlisle viết di chúc cho ông hưởng thừa kế toàn bộ gia tài của cô ấy hay sao?

– Bây giờ tôi mới biết đấy!

– Sáng ngày 27 tháng Bảy ông có mặt ở thị trấn Maidensford không?

– Không.

Luật sư Bulmer ngồi xuống.

Luật sư bên nguyên nói:

– Ông cho rằng bị cáo không yêu ông tha thiết?

– Tôi nghĩ là như thế.

– Ông có phải là người lịch thiệp với phụ nữ không?

– Tôi không hiểu câu ông hỏi.

– Nếu một người phụ nữ yêu ông tha thiết và ông không yêu lại, ông có thấy bổn phận của ông là phải giấu tình cảm thật của ông không?

– Không.

Luật sư bên nguyên mỉm cười ngồi xuống.

– Cảm ơn.

V

– Ông Alfred Wargrave, ông là chuyên gia trồng vườn và ông cư trú ở Emsworth, quận Berks, đúng không?

– Đúng.

– Ngày 20 tháng Mười, ông có đến Maidensford để xem xét cây hoa hồng leo trồng trước trạm bảo vệ lâu đài Hunterbury phải không?

– Vâng.

– Ông vui lòng miêu tả cây hồng leo ấy cho Tòa nghe.

– Đấy là giống hồng leo, còn gọi là tầm xuân hoặc “Zephirine Drouhin”, có hoa màu hồng nhạt và tỏa mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu, và cây hồng này không có gai.

– Có thể bị gai cây hồng loại này đâm không?

– Không thể. Bởi giống hồng này làm gì có gai?

Nhà trồng vườn bước ra ngoài.

VI

– Ông là James Littledale, nhà hóa chất, làm việc cho hãng hóa chất Jenkins Halw phải không?

– Đúng thế.

– Xin ông cho biết mẩu giấy này là thế nào, được không?

Người ta đưa ông mẩu giấy nhãn.

– Đây là một mảnh trong giấy nhãn của hãng chúng tôi.

– Nhãn thứ gì?

– Nhãn dán trên lọ thuốc apomorphin một phần hai mươi gam.

– Chứ không phải nhãn thuốc moóc-phin?

– Hai thứ khác nhau. Đây là nhãn thuốc “apomorphin”.

– Ông có thể chứng minh?

– Chữ “m” trong mẩu nhãn này viết thường, có nghĩa không phải chữ đầu. Nếu là morphin thì chữ “m” phải viết hoa: Morphin. Nhưng ở đây, chữ “m” nằm giữa nên không viết hoa, bởi nó nằm giữa tên thuốc: “Apomorphin”.

– Xin ông cho biết tác dụng dược lý của chất “apomorphin”.

– “Apomorphin” là chế từ morphin nhưng lại dùng để chống lại tác dụng của morphin. Nó là thuốc gây nôn mạnh nhất hiện nay. Cách dùng là tiêm dưới da.

– Nếu một người nhận vào cơ thể một lượng moóc-phin chết người, sau đó tiêm dưới da một liều apomorphin thì hiện tượng sẽ thế nào?

– Thì gần như ngay lập tức sẽ nôn thốc nôn tháo và chất moóc-phin cùng với mọi thức ăn chứa trong dạ dầy sẽ bị đẩy ra đường miệng hết.

– Nếu hai người cùng ăn hoặc uống chất có lượng moóc-phin chết người, nhưng một người tiêm dưới da chất apomorphin thì sẽ nôn tháo và thoát chết còn người kia không tiêm sẽ chết đúng như vậy không?

– Đúng thế.

– Sau khi đã nôn mửa ra rồi, có phục hồi sức khỏe như cũ được không?

– Lại như cũ, không để lại di chứng gì.

– Ông có đem theo một số nhãn tương tự không?

– Có.

Nhà hóa chất đưa một xấp nhãn cho viên thư ký Tòa để người này chuyển cho các thẩm phán.

Náo động dưới chỗ công chúng ngồi xem. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu im lặng.

VII

– Bà là Amelia Sedley, địa chỉ cư trú 17 phố Charles, quận Boonamba, bang Auckland, nước New Zealand phải không?

– Vâng.

– Bà biết bà Draper?

– Vâng, từ hai mươi năm nay.

– Bà biết tên người con gái của bà Draper?

– Biết. Chính tôi đã dự đám cưới của chị ấy. Tên thời con gái của chị ấy là Mary Riley.

– Sinh tại New Zealand?

– Không. Chị ấy là người Anh, từ Anh sang.

– Bà có mặt trong phòng xét xử này từ đầu phiên tòa chứ?

– Vâng.

– Bà có nhận thấy bà Mary Riley… hoặc Mary Draper ấy trong phòng này không?

– Có.

– Ở chỗ nào?

– Trên ghế nhân chứng.

– Bà ta làm nhân chứng dưới cái tên gì?

– Hopkins… Jessie Hopkins.

– Và bà khẳng định Hopkins chính là Mary Riley hoặc Mary Draper, người bà đã quen từ hai mươi năm nay?

– Tôi hoàn toàn khẳng định.

Tiếng ồn ào trong phòng xử án.

– Không kể từ ngày hôm nay, lần gần đây nhất bà gặp Mary Draper là bao giờ?

– Cách đây năm năm, sau đó Mary Draper về Anh.

Công tố viên đứng lên, bối rối nói:

– Bà Sedley, có lẽ bà nhầm đấy.

– Tôi hoàn toàn không lầm.

– Có thể hai người giống nhau quá.

– Tôi biết rất rõ Mary Draper.

– Bà Hopkins là một y tá có bằng cấp hẳn hoi.

– Mary Draper trước khi cưới cũng là y tá bệnh viện.

– Bà có biết là bà đang buộc tội một mhân chứng của bên buộc tội không?

– Tôi cam đoan điều tôi khai là đúng sự thật.

VIII

– Ông Edward Marshall, ông đã sống một số năm tại New Zealand, và hiện giờ ông cư trú tại số 14 phố Wren, thị trấn Deptford. Đúng thế không?

– Đúng thế.

– Ông biết Mary Draper chứ?

– Thời gian sống ở New Zealand, tôi có biết chị ta.

– Hôm nay ông có nhìn thấy bà Mary Draper ấy trong phòng xử án này không?

– Có. Chị ta được mọi người gọi là Hopkins nhưng tên thật chị ta chính là Mary Draper.

Chủ tọa phiên tòa ngẩng đầu lên nói:

– Tôi thấy cần mời nhân chứng Jessie Hopkins đứng lên trả lời.

Im lặng. Có tiếng xì xào.

– Thưa Chủ tọa, Jessie Hopkis đã trốn ra khỏi phòng xử án cách đây vài phút.

IX

– Xin mời ông Hercule Poirot!

Poirot đứng dậy, bước lên trước mặt hội đồng xét xử. Tuyên thệ, rồi xoăn ria mép đứng đợi, hơi nghiêng đầu sang một bên. Ông từ chối không khai tên thật, địa chỉ và nghề nghiệp.

– Ông Poirot, ông nhận ra tài liệu này không?

– Tất nhiên là nhận ra.

– Làm sao tài liệu này lại lọt được vào tay ông?

– Bà y tá Hopkins đưa cho tôi.

Luật sư Bulmer nói với Chủ tọa phiên tòa:

– Thưa ông chủ tọa, nếu ông cho phép, tôi xin đọc to lên, sau đó sẽ chuyển đến các vị thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.