Tôi Vô Tội

Chương 1: Cặp anh em họ



Elinor Carlisle, bà bị kết tội giết cô Mary Gerrard ngày 27 tháng Bảy năm nay. Bà nhận có tội hay không có tội?

Elinor đứng thẳng người, đầu hơi cúi. Đó là một phụ nữ trẻ, kiều diễm với những đường nét thanh tú và mái tóc dầy đen nhánh. Hàng lông mày thành một nét mảnh giản dị nằm bên trên cặp mắt xanh biếc.

Không khí đột nhiên lặng lẽ… một sự lặng lẽ ngột ngạt.

Edwin Bulmer, luật sư của bị cáo, cảm thấy hoảng sợ. Thân chủ của ông định nhận tội chăng? Cô ta đã mất hết sự tự chủ rồi.

Elinor hé miệng, nói khẽ:

– Tôi không có tội.

Luật sư của bà lại ngồi xuống, rồi ông ta lấy khăn tay ra lau mồ hôi trán: vậy là được!

Đến lượt ông công tố Attenbury đứng lên đọc lời buộc tội.

– Thưa Hội đồng xét xử, ngày 27 tháng Bảy, vào ba giờ rưỡi chiều, nạn nhân – cô Mary Gerrard – đã chết trong lâu đài Hunterbury, quận Maidensford…

Giọng nói từ tốn và đĩnh đạc của ông thuật lại các sự kiện. Elinor, tâm thần như mê muội chỉ nghe lọt vào tai những mẩu rời rạc của bản liệt kê từng sự việc mạch lạc và chính xác…

– Vụ án này rất đơn giản… Tòa chỉ còn cần tìm ra động cơ… ngoài bị cáo ra, không một ai khác có lý do gì để giết cô Mary Gerrard. Nạn nhân là một thiếu nữ lành hiền… mọi người đều mến… không có bất cứ một người nào thù ghét…

Mary… Mary Gerrard! Sao lúc này, tất cả nhưng chuyện đó trở nên xa vời đến như vậy? Mọi chuyện như chỉ trong một giấc ngủ mê.

– “Tôi xin lưu ý Tòa đến hai vấn đề sau đây:

1) Bị cáo bằng cách nào bỏ được thuốc độc cho nạn nhân?

2) Động cơ bà ta là gì?

Tôi xin Tòa mời các nhân chứng đến Tòa hỏi và tìm ra động cơ của tội ác này…

Còn về việc giết cô Mary Gerrard thì tôi xin nhắc lại là ngoài bị cáo ra, không ai khác có khả năng giết nạn nhân…”

Elinor cảm thấy mọi thứ xung quanh mờ đi và nàng chỉ còn nghe văng vẳng vài mẩu câu nói thỉnh thoảng lọt vào tai nàng như từ nơi nào xa lắc:

“… Khoanh bánh mì cặp thức ăn… bơ… căn nhà không có ai…”

Những mẩu câu kia như những mũi kim châm vào khối óc mụ mẫm của nàng.

Phiên Tòa! Những khuôn mặt! Những dãy khuôn mặt! Trong số khuôn mặt đó có một bộ mặt có hàng ria mép rậm và cặp mắt ranh mãnh. Thám tử tư vấn Hercule Poirot, đầu nghiêng sang một bên, đăm chiêu chăm chú nhìn bị cáo.

Elinor thầm nghĩ: “Hẳn ông ta đang nghĩ xem tại sao mình lại làm như vậy… ông ta đang cố đoán xem lúc ấy mình suy nghĩ thế nào…”

Nghĩ thế nào ư?… Một chi tiết nhỏ… Một cảm giác xao xuyến… khuôn mặt của Roddy… khuôn mặt thân yêu có chiếc mũi nhỏ nhắn và cái miệng thanh tú… Ôi, Roddy! Vẫn là chàng, là Roddy… hình ảnh chàng trai thúc đẩy tâm trí nàng, đưa nàng trở lại cái thời xa xăm ấy… khi nàng ở Hunterbury, dưới bóng những cây phúc bồn tử, bên bờ dòng suối. Roddy… Roddy… Roddy…

Rồi những khuôn mặt khác! Chị y tá O’Brien cặp môi lúc nào cũng hé mở, nét mặt tươi tắn, điểm những chấm tàn nhang. Bà y tá lạnh lùng Hopkins, điệu bộ trưởng giả. Rồi Peter Lord… ông bác sĩ tốt bụng, biết điều và… nhân hậu biết bao! Vậy là nàng thua cuộc rồi chăng! Đúng, thế là mình đành chịu thua cuộc! Tất cả mọi người khác đều hồi hộp chờ Tòa tuyên án, vậy mà nàng, nhân vật chính trong vụ án này thì lại dửng dưng.

Bị kết tội giết người, Elinor vẫn điềm tĩnh, thản nhiên. Đột nhiên làn sương mù bao phủ trí óc nàng tan biến hết! Elinor lại thấy mình đứng trước hội đồng xét xử…

Còn công chúng…

Những người đến dự phiên tòa, họ dướn người lên phía trước, mắt giương to, chăm chú nhìn Elinor một cách vừa tò mò vừa ghê tởm, trong khi tai họ lắng nghe lời kết tội của viên công tố vóc cao gầy và có cái mũi Do Thái kia.

– Tất cả những chứng cứ trong vụ án này đều rõ ràng, không phải hồ nghi gì nữa. Đến đây tôi xin tóm tắt tất cả những gì tôi đã trình bày từ đầu đến giờ…

Elinor thầm nghĩ:

“Từ đầu… Từ đầu ư? Từ ngày mình nhận được lá thư bỉ ổi kia chứ! Phải bắt đầu từ lúc đó mới đúng là từ đầu…”

Một bức thư nặc danh!

Elinor nhìn tờ giấy mở rộng trong tay. Trong cuộc đời chưa bao giờ nàng nhìn thấy một lá thư lạ lùng như thế này. Nàng thấy một cảm giác khó chịu. Thư viết bằng thứ văn đầy lỗi chính tả, chữ viết thì nguệch ngoạc như gà bới, trên một tờ giấy màu hồng rẻ tiền. Thư viết:

Tôi chỉ muốn báo cô bết.

Tôi khôn nói được tên ả, nhưng tôi bết ả đan lấy lòng bà cô của cô, và nếu cô khôn cẩn thận thì cô sẽ mất quền thờ kế gia tài cở bà cụ. Bọn trẻ thờ nay ranh ma lắm còn mấy bà già thì ưa nịnh, hễ đớ nào nịnh giỏi là bà cụ cho hết. Cho nên tôi ngĩ cô nên về ngai để xem ra sao. Bởi nếu cô và cậu bạn cô không được hưởng số tài sản kia thì thật chẳng công bằng tý nào. Ả ta mồm rất giẻo và bà cụ thì ưa nịnh, cô sẽ mất khoản thờ kế như chơi.

Một người rất mong cô hạnh phúc.

Elinor vẫn chăm chú nhìn lá thư, cặp lông mày nàng nhíu lại. Đúng lúc đó cửa mở, chị hầu phòng bước vào, báo tin có ông Roddy đến. Liền sau đó, Roddy bước vào.

Roddy! Mỗi lần nhìn thấy chàng, Elinor cảm thấy bùng lên trong nàng một niềm sung sướng vô bờ. Tuy nhiên, nàng hiểu là nàng phải tự kiềm chế. Elinor thấy rõ ràng tuy Roddy yêu nàng, nhưng tình cảm của chàng đối với nàng không mãnh liệt như của nàng đối với chàng. Mới nhìn thấy chàng, tim nàng đã rộn lên. Lạ thật, một chàng trai bình thường như vậy mà sao làm nàng si mê đến mức độ ấy? Chỉ riêng sự có mặt của Roddy đã làm nàng như chóng cả mặt. Và khi nghe chàng nói, nàng thấy nước mắt nàng chỉ chực trào ra. Tình yêu đúng là một cái gì kỳ diệu… hoàn toàn không phải là thứ khiến người ta đau khổ…

Tốt nhất là phải làm ra vẻ thản nhiên, hờ hững. Đàn ông họ không trọng những phụ nữ… bồng bột, tỏ ra quá tha thiết đối với họ. Dù sao thì Roddy cũng không phải là người biết nhìn thấy tấm lòng thành thực của người khác.

– Chào anh Roddy! – Nàng nhẹ nhàng nói.

– Chào em yêu! Sao trông em hôm nay có vẻ nghiêm nghị thế? Giấy gì vậy? Hóa đơn đòi tiền à?

Elinor lắc đầu.

– Anh đã tưởng… Lúc này là mùa hè, mùa ma quỷ nhảy múa trong các cánh rừng, cũng là mùa đám chủ hiệu buôn thi nhau moi tiền khách hàng!

– Ghê tởm quá, anh ạ! Một lá thư nặc danh!

Roddy trợn mắt. Khuôn mặt đáng yêu của anh ta bỗng đanh lại. Anh ta nhăn mặt:

– Em nói đùa?…

– Đúng là tồi tệ! – Elinor nhắc lại.

Nàng đi về phía bàn viết:

– Tốt nhất là em nên xé đi, đúng không, anh?

Nàng sắp sửa xé tờ giấy… Lẽ ra nàng nên xé nó ngay rồi thôi, không nghĩ ngợi gì nữa. Nhưng lúc đó nàng lại cảm thấy như thế phũ phàng quá.

Đột nhiên Elinor thay đổi ý kiến. Nàng nói:

– Mà anh cũng thử đọc xem. Sau đó em hãy đốt cũng được. Thư đụng đến cô Laura của mình.

Roddy trợn mặt lần nữa:

– Cô Laura?

Anh ta cầm lấy tờ giấy đọc, rồi trán cau lại, anh ta trả lại cho Elinor, nói:

– Đúng thế. Mảnh giấy lộn này đốt đi là đúng. Người đời sao mà tồi tệ đến như vậy!

– Chắc một chị hầu phòng nào của cô viết. Anh nghĩ sao?

– Có thể.

Roddy ngập ngừng một chút rồi nói:

– Anh đang nghĩ, lá thư này ám chỉ ai nhỉ?

Elinor suy nghĩ rồi nói:

– Hẳn là Mary.

– Mary là ai? Roddy hỏi, cố tỏ ra không nhớ ra cô ta.

– Con gái bác bảo vệ lâu đài. Tưởng anh phải nhớ nó chứ? Hồi ấy nó còn bé. Cô Laura rất yêu nó và rất quan tâm đến nó. Cô đã tạo điều kiện để nó được học hành. Cô còn thuê cả gia sư để dạy nó đánh piano và học tiếng Pháp nữa chứ.

– A, anh nhớ ra rồi – Roddy nói – Bây giờ thì anh nhớ ra con bé ấy rồi. Gầy còm, tóc vàng… Đúng không nhỉ?

– Đúng thế – Elinor gật đầu – Đã mấy năm nay anh không gặp nó, kể từ cái vụ hè ba mẹ anh đi du lịch ở nước ngoài và anh về nghỉ ở lâu đài cô Laura. Em thì về đấy thăm cô luôn. Anh nhớ không, lần ấy Mary đang học bên Đức, nhưng chúng mình đã xin cô cho người sang tận đó đón nó về để nó chơi với chúng mình. Hồi đó cả mấy chúng mình đều còn trẻ con.

– Bây giờ cô Mary ấy ra sao? – Roddy hỏi.

– Lớn và rất đẹp. Nó học được cách đi đứng, nói năng quý phái và trình độ học vấn cũng rất khá. Bây giờ thì không ai có thể ngờ nó là con gái bác bảo vệ Gerrerd nữa.

– Nghĩa là cô Mary ấy đã thành một tiểu thư thực thụ?

– Chính thế! Và em có cảm giác sự biến đổi ấy làm cho không khí trong nhà bác bảo vệ đâm lục đục. Bác gái đã mất nhiều năm nay, còn Mary thì xung khắc với bố. Bác Gerrard luôn miệng mắng nó là đứa mất gốc.

Roddy lộ vẻ bực tức:

– Nhiều người cứ tưởng cho học hành là tốt, thật ra nhiều khi càng học nhiều càng tai hại.

– Từ ngày cô Laura bị tai biến mạch máu não đến giờ, Mary suốt ngày ở bên cạnh cô, đọc sách báo cho cô khuây khỏa.

– Sao chị y tá không làm luôn cái việc ấy mà phải nhờ cô ta?

Elinor mỉm cười:

– Giọng đọc của chị O’Brien khó nghe khủng khiếp. Em thấy cô Laura thích Mary đọc hơn chị y tá là điều dễ hiểu.

Roddy đi đi lại lại vài bước trong căn phòng rồi nói:

– Anh thấy chúng ta nên về thăm cô Laura một cái.

Elinor cau mặt:

– Chỉ vì chuyện đó?

– Không hẳn vì chuyện đó. Nhưng anh nói thật. Lá thư nặc danh kia đúng là tồi tệ, nhưng trong đó cũng có một phần nào sự thật. Cô Laura đang ốm nặng…

– Điều ấy thì quá rõ rồi.

Roddy mỉm một nụ cười duyên dáng với cô em họ… đồng thời thú nhận chỗ yếu của bản chất mọi con người:

– Phải công nhận chuyện tiền nong hết sức quan trọng đối với… hai chúng ta, Elinor ạ.

– Tất nhiên rồi, Elinor thừa nhận ngay.

Roddy lấy giọng nghiêm trang nói:

– Anh nói thế này em đừng cho anh là tham lam. Nhưng rất nhiều lần cô Laura đã nói rằng cô chỉ còn anh với em là người thân thích. Em gọi cô ấy bằng cô ruột, còn anh thì gọi cô ấy bằng thím, chú ấy là chú ruột của anh. Cô Laura đã bao nhiêu lần nói lộ ra rằng cô ấy mà mất đi thì toàn bộ gia tài của cô ấy sẽ thuộc về em… đúng ra thì thuộc về anh và em. Mà gia tài cô ấy để lại đâu phải là nhỏ!

– Đúng thế. – Elinor gật đầu, dáng đăm chiêu.

– Nguyên tòa lâu đài Hunterbury đã trị giá bao nhiêu tiền rồi. Chú Henry anh khi lấy cô Laura đã rất giàu, vậy mà sau khi cha em mất, cô Laura lại được thừa kế cả một gia tài kếch xù của ông bà nội em. Nếu chúng mình để gia tài ấy lọt vào tay những kẻ ranh ma nào đó thì thật uổng.

Elinor không đáp, chỉ thở dài một tiếng.

Roddy nói tiếp:

– Anh thì rất yêu em, nhưng anh biết em chưa thật tin cậy và còn dè dặt đối với anh…

Elinor vội vã ngắt lời:

– Không phải như thế đâu!

– Elmor! Anh yêu em biết chừng nào!

Roddy hôn nhẹ vào má cô gái trẻ rồi nói tiếp:

– Tất nhiên cô Laura biết tình cảm của hai chúng ta đối với cô, mặc dù chúng ta rất ít về thăm. Nhưng dù sao ta cũng nên về thăm cô một cái, em nghĩ sao?

– Em cũng có lúc đã nghĩ như thế…

– Nghĩa là em cũng thấy chúng mình đã quá lâu không về thăm cô Laura chứ gì? Anh nghĩ cô đau ốm như vậy mà hai tháng rồi chúng mình không về thăm là chưa làm tròn bổn phận. Tuy chị y tá O’Brien chăm sóc cô rất chu đáo, nhưng dù sao…

– Vậy là lá thứ tồi tệ kia đã có tác dụng: thúc chúng mình về để giữ số gia tài kia…

– Cái chính là thăm cô. Anh e cô không còn sống được bao lâu nữa.

Roddy bật que diêm, đưa lại gần tờ giấy.

– Không biết ai là người viết lá thư nặc danh này? Kể ra thì chuyện ấy chẳng có gì quan trọng… Dù sao nó cũng nhắc chúng mình quan tâm đến một việc không phải là nhỏ. Anh còn nhớ câu chuyện cậu Jim Partington bạn anh, có lần kể với anh. Mẹ cậu ta sống ở Riviera, lúc gần mất bà cụ được một bác sĩ trẻ người Italia chăm sóc. Chẳng biết thằng cha bác sĩ tán tỉnh thế nào mà bà cụ mê, thế là để lại chúc thư cho y thừa kế toàn bộ tài sản, không dành lại cho con cái lấy một xu. Jim cùng mấy cô em gái tìm cách hủy bản chúc thư kia nhưng không xong, thế là đành chịu mất trắng.

Elinor cãi:

– Cô Laura cũng rất quý ông bác sĩ đang chăm sóc cho cô, nhưng không đến nỗi như thế. vả lại trong thư ái., chỉ một phụ nữ, một cô gái thì đúng hơn. Hẳn là muốn nói đến Mary.

– Vậy là em đồng ý ta về thăm cô Laura chứ?

II

Chị y tá O’Brien vội vã ra khỏi phòng ngủ của phu nhân Laura Welman để về phòng mình. Chị vừa đi vừa nói với người phụ nữ đi sau:

– Tôi đã đặt siêu nước để pha cho bà ấm trà.

Bà y tá Hopkins đáp:

– Thế thì còn gì bằng. Không có thứ gì tuyệt vời ĩ ác này bằng một cốc trà nóng.

Bà là y tá ở ngoài, được gia đình thuê, chỉ đến đây chăm sóc bệnh nhân giúp chị O’Brien vào những giờ nhất định.

Vừa cho nước vào siêu và châm lửa vào bếp ga, chị y tá O’Brien vừa nói:

– Tôi để sẵn ở đây không thiếu thứ gì: siêu, ấm, tách và đường… Thêm nữa, bác Edna mỗi ngày hai lần đem sữa tươi đến đây. Bà cần thứ gì, không phải mất công bấm chuông gọi. Cái bếp ga này tốt lắm, chỉ loáng một cái là nước sôi.

O’Brien là một phụ nữ cao lớn, tóc hung đỏ, hàm răng trắng bóng và mặt rất nhiều tàn nhang, Chị có nụ cười đặc biệt dễ mến. O’Brien trạc gần ba mươi tuổi. Còn bà y tá Hopkins thì chỉ đến vào các buổi sáng, thay khăn trải giường rồi rửa mặt mũi cho bệnh nhân đang bị liệt. Bà ta ở tuổi trung niên, ăn mặc xuềnh xoàng nhưng rất năng nổ, hoạt bát.

– Đúng là trong lâu đài này mọi thứ đầy đủ thật. – Hopkins công nhận.

– Nhưng trang bị không được hiện đại mấy. Không có hệ thông sưởi trung tâm, cho nên cứ phải đốt lò sưởi tất cả các phòng. Được cái mấy đứa hầu phòng chăm chỉ. Cho nên mọi việc đâu vào đấy.

Bà y tá Hopkins nhăn mặt nói:

– Tôi thì lại thấy đám người làm ở đây trông rất chối mắt, chẳng biết làm ăn gì cả.

– Con Mary đáng yêu đấy chứ. Nếu không có nó thì tôí chưa biết bà chủ sẽ buồn đến đâu. Chẳng thế, cứ hễ con Mary đi đâu là bà cụ lại hỏi và bắt đi tìm nó về cho bà.

Bà ỷr tá Hopkins nhận xét:

– Cô Mary thật tội nghiệp. Bị bố hành hạ đến khổ…

– Lão ta chẳng bao giờ nói với con cái được một câu tình cảm, chị y tá O’Brien nói. Nước reo rồi. Nước sôi là tôi rót ngay vào ấm cho bà.

Lát sau hai nữ y tá ngồi nhấm nháp nước trà nóng trong phòng của chị O’Brien, liền bên cạnh phòng của bệnh nhân.

– Cô Elinor và cậu Roddy sắp về đây thăm bà chủ đấy. Vừa nhận được điện báo sáng nay.

– Hẳn nào tôi thấy bà chủ có vẻ xúc động. Hình như đã lâu bà cụ không được nhìn thấy hai cháu, phải không nhỉ? – Bà Hopkins hỏi.

– Hơn hai tháng rồi. Cậu Roddy ấy rất đáng yêu, chỉ phải cái hơi kiêu kỳ một chút.

– Tôi đã nhìn thấy ảnh cô cháu gái bà chủ in trên tờ báo Tatle, cùng với một cô nữa, chắc là bạn, hai cô đứng ở Newmarket, bà y tá Hopkins nói.

– Tiểu thư Elinor rất nổi tiếng ở London đấy, bao giờ cũng biết cách ăn mặc! Bà thấy trong ảnh, cô chủ nhà này có quả là đẹp không?

Hopkins bĩu môi:

– Mấy cô tiểu thư ấy thì xấu cũng thành đẹp, chỉ cần biết cách khéo léo đắp đủ các thứ son phấn lên mặt thôi. Theo tôi thì tiểu thư cháu bà chủ thua xa cô Mary ở đây.

Chị y tá O’Brien nén để khỏi cãi lại:

– Có thể bà nói đúng, nhưng Mary làm sao có được dáng vẻ phúc hậu như tiểu thư Elinor.

Rồi chị lảng sang câu chuyện khác, thì thầm:

– Đêm hôm qua có chuyện rất lạ. Tôi có lệ cứ khoảng hai giờ sáng vào xem bà chủ ngủ có yên giấc không, thì ai ngờ đêm qua tôi vào, thấy bà cụ vẫn thức, nhưng chắc đang mơ màng, bởi nhìn thấy tôi, bà cụ nói ngay: “Đưa tôi tấm ảnh! Đưa tôi tấm ảnh!”. Tôi bèn bảo: “Vâng, thưa bà chủ! Nhưng bây giờ đã khuya, để sáng mai được không ạ?”. Bà cụ trả lời: “Không, tôi muốn xem ngay bây giờ”. Tôi bèn hỏi: “Tấm ảnh nào ạ? Có phải ảnh cậu Roddy không, thưa bà chủ?”. Bà cụ trả lời: “Không phải ảnh Roddy, mà ảnh ông Lewis”. Tôi thấy bà cựa quậy, bèn đỡ bà chủ dậy. Bà cụ nghiêng người, mở chiếc hộp ngay cạnh đầu giường, lấy ra một chiếc chìa khóa nhỏ đưa tôi, ý bảo mở ngăn kéo bàn đêm. Tôi mở ra thì thấy một tấm ảnh to lồng trong khung kính bằng bạc. Hình một người đàn ông rất đẹp trai. Góc ảnh ghi tên ông ta: Lewis. Tấm ảnh lâu ngày đã hơi ố vàng. Tôi đưa cho bà chủ. Bà chủ ngắm nghía một lúc lâu rồi lẩm bẩm: “Lewis… Lewis…” Rồi bà cụ thở dài đưa trả lại cho tôi để tôi cất vào ngăn kéo như cũ. Sau đó thế nào, bà có biết không? Lúc tôi cất xong, quay mặt lại thì bà chủ đã ngủ thiếp đi lúc nào rồi, trông lành hiền như đứa trẻ con.

– Đấy là chồng bà cụ à? – Bà y tá Hopkins hỏi.

– Không. Sáng nay tôi làm ra vẻ tình cờ hỏi bà quản gia Bishop xem tên của ông Welman là gì, thì bà ta bảo là Henry. Còn ông trong ảnh tên là Lewis.

Hai người phụ nữ đưa mắt nhìn nhau. Cánh mũi bà y tá Hopkins phập phồng thích thú. Bà ta nói, vẻ đăm chiêu:

– Lewis… Lewis… Sao tôi không nhớ trong khu vực quanh đây có ai tên như thế nhỉ?

– Chuyện xảy ra chắc chắn phải từ lâu lắm rồi, bà Hopkins thân mến ạ.

– Chắc chắn là như thế. Vả lại tôi về đây mới được hai năm… Dù sao tôi cũng ngạc nhiên đấy…

O’Brien ngắt lời người phụ nữ đồng nghiệp lớn tuổi:

– Trong ảnh, trông ông Lewis này đẹp lắm. Dáng như sĩ quan kỵ binh ấy.

Bà y tá Hopkins nhấm nháp ly trà:

– Chuyện ly kỳ đấy!

Chi O’Brien đầu óc mơ màng, nói:

– Rất có thể ngày xưa bà chủ và ông Lewis ấy yêu nhau, nhưng một người cha ác nghiệt đã chia rẽ mối tình thơ mộng của họ…

Bà Hopkins buông một tiếng thở dài não nuột:

– Rất có thể ông Lewis ấy đã tử trận trong Đại Chiến.

III

Lúc bà y tá Hopkins uống trà xong, vừạ ra khỏi cửa lâu đài để ra cổng về nhà thì Mary Gerrard chạy ra, đuổi theo gọi:

– Bà Hopkins, bà cho cháu đi theo vào làng được không ạ?

– Tất nhiên là được, cô Mary thân mến.

Vừa thở hổn hển cô gái trẻ vừa nói lúng búng:

– Cháu rất muốn thổ lộ tâm sự với bà, thưa bà Hopkins. Cháu đang có chuyện rất buồn!

Bà y tá nhìn cô gái trẻ bằng cặp mắt hiền hậu.

Tuổi hai mươi mốt, Mary có một sắc đẹp gần như hư ảo của một bông hoa hồng dại: cổ thon, dài, làn tóc vàng óng, nét mặt hết sức thanh tú cộng thêm với cặp mắt xanh biếc sâu thẳm.

– Chuyện buồn thế nào, Mary?

– Cháu thấy thời gian cứ trôi đi mà cháu thì chưa có nghề ngỗng gì ổn định cả.

Bà y tá Hopkins lạnh lùng đáp:

– Cô đã lo cho tương lại làm gì vội?

– Đúng thế, nhưng cháu cảm thấy tương lai của cháu bấp bênh quá! Bà chủ rất tốt với cháu, đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho cháu ăn học. Nhưng bây giờ cháu thấy đã đến lúc phải lo chuyện kiếm sống, mà trong tay cháu chẳng có lấy một nghề nào cho hẳn hoi.

Bà y tá gật đầu vẻ thông cảm.

Mary nói tiếp:

– Nếu cháu cứ tiếp tục rong chơi thế này, cháu sẽ quên hết những gì cháu đã học được. Cháu đã tính đưa chuyện này ra với bà chủ, nhưng… khó nói quá. Bà chủ không chịu hiểu cho cháu mà cứ bảo cháu còn trẻ, còn nhiều thời gian để lo đến chuyện nghề nghiệp.

– Cô nên nhớ phu nhân Welman hiện nay đang là một bà già đau ốm. – Bà y tá Hopkins nói.

Mary đỏ mặt ấp úng:

– Cháu biết chứ. Kể ra clạáu không nên đem những chuyện đó ra để làm bà chủ phải nghĩ ngợi. Nhưng bản thân cháu rất lo lắng, và lại còn cha cháu nữa. Cha cháu suốt ngày chửi mắng cháu, bảo cháu là “đồ tiểu thư vô tích sự”! Nhưng cháu có đòi hỏi gì đâu? Cháu chỉ muốn đi làm.

– Tôi cũng tin là như thế.

– Chưa kể, bây giờ muốn học một nghề, dù nghề tầm thường đến đâu cũng rất tốn kém. Hiện nay cháu biết tiếng Đức khá tốt, nhưng cháu lại thích làm nghề y tá bệnh viện. Cháu rất thích việc chăm sóc bệnh nhân.

Bà y tá nói toạc ra ngay:

– Cô nên biết rằng làm y tá phải có sức khỏe như trâu mới được.

– Cháu rất khỏe! Nghề đó cháu rất thích. Dì cháu, tức là em eủa mẹ cháu, hiện nay đang ở New Zealand, cũng là y tá. Cháu có máu y tá trong người đấy, bà Hopkins ạ.

– Y tá phải làm cả việc xoa bóp nữa đấy, cô biết không? Cô có thích trẻ con không? Hay cô làm nghề trông trẻ. Lương sống được lắm đấy. Trông trẻ hoặc nghề y tá xoa bóp.

– Nhưng học nghề y tá tốn kém lắm phải không, thưa bà? Cháu hy vọng… Nhưng như thế cháu tham quá… Bà chủ Welman đã ban cho cháu bao nhiêu ân huệ rồi!

– Cô nói vớ vẩn! Theo tôi, bà cụ phải có trách nhiệm với cô. Bà cụ đã cho cô học hành đến như thế này, vậy mà lại chẳng cho cô có được một thứ nghề kiếm sống thì không được. Cô không thích nghề dạy học ư?

– Cháu sợ cháu không làm được nghề ấy.

– Mà không phải ai cũng làm giáo viên được thật. Mary tôi khuyên cô hãy kiên nhẫn chờ đợi ít lâu, Mary ạ. Như lúc nãy tôi đã nói với cô đấy, bà cụ Welman có bổn phận phải giúp cô bước vào đời. Mà tôi tin chắc bà cụ cũng muốn như thế. Nhưng tôi phải nói để cô thấy một sự thật: bà chủ yêu cô đến mức không muốn rời cô.

Cô gái trẻ thở dài:

– Có đúng như thế không, thưa bà Hopkins?

– Tôi cam đoan là đúng. Bà cụ lúc này đang liệt nửa người, và không có ai bên cạnh để bà khuây khỏa. Bà cụ đang rất sung sướng có bên cạnh bà cụ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp và ngoan ngoãn như cô. Có cô bên cạnh, bà cụ đỡ thấy khổ sở trong cô đơn.

– Nếu nhận xét của bà là đúng thì cháu yên tâm được phần nào. Thú thật với bà là cháu vô cùng yêu quý bà chủ Welman! Bà chủ đã rất tốt với cháu và cháu sẵn sàng làm bất cứ điều gì chỉ cốt để bà chủ vui lòng.

– Thế thì tốt nhất là cô cứ sống như thế này và đừng băn khoăn gì hết. Sẽ không phải chờ lâu nữa đâu.

– Bà định nói là…

Cô gái trẻ hoảng hốt ngước mắt nhìn bà y tá.

Bà Hopkins giải thích:

– Đúng là bà cụ phục hồi nhanh đến mức không ngờ, nhưng đấy chỉ là nhất thời. Sau đây bà cụ sẽ lại bị một cú tai biến thứ hai, rồi cú thứ ba. Tôi quá biết căn bệnh này rồi. Cô chỉ cần chịu khó chờ đợi ít lâu nữa thôi, cô Mary thân mến. Nếu cô khuây khỏa được cho bà cụ tội nghiệp này trong những ngày cuối cùng thì tức là cô đã làm được một việc hết sức đáng quý đấy, Còn mọi chuyện khác cô hãy tạm gác lại đã.

– Cảm ơn bà đã cho cháu những lời khuyên quý báu, thưa bà Hopkins.

– Kìa, Mary, ông bố cô đã ra khỏi hang… và tôi xem vẻ mặt ông ta không được tươi tỉnh cho lắm đâu.

Hai người phụ nữ đã ra gần đến cổng sắt của lâu đài. Một ông già lưng còng đang vất vả đi xuống bậc thang của trạm bảo vệ.

Bà y tá vui vẻ chào:

– Chào ông Gerrard!

Ông già lầu bầu câu gì đó nghe không rõ.

– Trời đẹp đấy chứ, phải không ông Gerrard? – Bà y tá cố tình hỏi.

Bác già bảo vệ lâu đài gắt:

– Bà thấy đẹp, chứ tôi thì không. Cái bệnh đau lưng làm tôi đang khốn khổ đây này.

Bà y tá Hopkins an ủi:

– Tại thời tiết thay đổi tuần trước đấy. Mai trời nắng lên, ông sẽ hết đau lưng thôi.

Gerrard càu nhàu:

– Các bà y tá… y hệt nhau, chỉ toàn an ủi suông, không cần biết người ốm đau đớn ra sao! Vậy mà con Mary nhà tôi cũng muốn chui vào cái nghề y tá của bà đấy. Tôi tưỏng nó tìm được công việc gì khấm khá hơn kia chứ? Nó học bao nhiêu thứ, nào tiếng Đức, tiếng Pháp, âm nhạc rồi đủ các thứ trong cái trường nội trú kia và trong những chuyến du học ở ngoại quốc ấy.

Mary cãi:

– Nghề y tá là nghề con thích nhất.

– Thích ư? Mày thì chỉ thích ngồi ườn ra, không làm gì hết. Thứ mày thích nhất là uốn éo làm ra vẻ tiểu thư khuê các, có vậy thôi. Đồ vô tích sự!

Mary hét lên, mắt đã rơm rớm:

– Không phải! Cha nói không đúng! Cha không được quyền nói như thế!

Bà y tá Hopkins xoa dịu cơn giận giữ của ông già bảo vệ:

– Sáng nay chắc trong người ông đang khó chịu, thưa ông Gerrard? Hẳn thế, bởi ông nói mà không nghĩ. Cô Mary đâu phải người lười biếng. Và ông không thấy con gái ông đáng yêu biết chừng nào hay sao?

Gerrard bĩu môi nhìn con gái:

– Bây giờ nó đâu còn là con tôi nữa?… Bây giờ nó biết tiếng Pháp, biết lịch sự, biết cách ăn nói đi đứng kiểu cách. Hừm!

Gerrard quay lưng bước lên phòng bảo vệ.

Nước mắt rơm rớm, Mary nói:

– Bà thấy chưa, thưa bà Hopkins, cháu khổ sở biết chừng nào! Cha cháu vô lý quá. Đúng ra chưa bao giờ cha cháu yêu cháu… ngày cả thời cháu còn bé. Hồi còn mẹ cháu, mẹ cháu vẫn thường xuyên phải bênh che cho cháu đấy chứ.

Bà y tá Hopkins dịu dàng an ủi:

– Thôi, đừng nghĩ quẩn. Đấy là Chúa thử thách cô đấy, Mary. Nhưng thôi, tôi đang vội. Sáng nay tôi có bao nhiêu bệnh nhân phải đến chăm sóc.

Nhìn theo bóng bà y tá đi xa dần, Mary thầm nghĩ không ai muốn thật sư giúp đỡ mình. Tuy tốt bụng nhưng bà y tá Hopkins kia chỉ đưa ra toàn những câu an ủi chung chung.

Tuyệt vọng, Mary tự hỏi:

– Mình phải làm thế nào bây giờ?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.