Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới

Chương 1-3



Bụng mẹ tôi ngày càng to ra. Trong một lần đi mua sắm, tôi đã đòi và có được một con búp bê nhựa màu hồng có đôi môi mỏng đỏ thẫm và đôi mắt xanh đậm mà mỗi khi nhắm lại, những lúc nó được đặt nằm ngửa, sẽ tạo nên tiếng lách cách dứt khoát như thể chúng là những ô cửa sổ thu nhỏ. Tôi ngờ rằng bố mẹ tôi đã bàn luận về con búp bê. Tôi ngờ rằng họ cho là nó sẽ giúp tôi đương đầu với cảm giác bị ra rìa của tôi. Mẹ tôi dạy tôi cách quấn tã và tắm cho nó trong bồn rửa bát. Ngay cả bố tôi cũng tỏ ra thích thú với vẻ hồng hào của nó. Một hôm ông hỏi tôi ngay trước bữa tối: “Đứa bé thế nào?,” tôi nhấc thân hình cứng ngắc của nó ra khỏi bồn.

“Ổn ạ,” tôi nói. Nước rỉ ra từ những khớp nối của con búp bê. Mái tóc màu lưu huỳnh của nó, mọc lên từ mạng lưới những cái lỗ được đục vào da đầu, tỏa ra mùi của một cái áo len ướt.

“Đứa bé ngoan thế,” bố tôi nói, và lấy một ngón tay lớn vỗ vỗ vào bên má cao su rắn chắc của nó. Tôi thấy xúc động. Thì ra ông cũng yêu nó.

“Vâng,” tôi nói, quấn vật vô tri đó trong một cái khăn trắng dày dặn.

Bố tôi ngồi bệt xuống, phát ra một làn gió nhẹ quyện lẫn với mùi của ông. “Jonathan này?” Ông nói.

“Dạ.”

“Con biết là con trai thường không chơi búp bê, đúng không?”

“Dạ, vâng ạ.”

“Đây là em bé của con,” ông nói, “và con chơi với nó ở nhà thì được. Nhưng nếu con khoe nó với những đứa con trai khác, chúng có thể không hiểu. Vì vậy con chỉ nên chơi với nó ở đây thôi. Nghe không?”

“Vâng.”

“Tốt.” Ông vỗ vỗ lên tay tôi. “Nhớ chưa? Chỉ chơi với nó trong nhà thôi nhé!”

“Vâng,” tôi đáp. Khi tôi đứng đó, nhỏ bé trước ông, ôm con búp bê được quấn tã, tôi cảm thấy nỗi nhục nhã thực sự đầu tiên của mình. Tôi nhận ra một khuyết điểm sâu sắc trong mình, sự ngu ngốc. Tất nhiên tôi biết con búp bê chỉ là một thứ đồ chơi, và là một thứ đồ chơi đáng xấu hổ. Một thứ đồ chơi không thích hợp. Vậy sao tôi lại để cho bản thân có khuynh hướng tin vào những điều ngược lại?

“Con không sao chứ?” Ông hỏi.

“Vâng ạ.”

“Tốt. Thôi, bố phải đi đây. Con trông nhà nhé.”

“Bố ơi?”

“Gì vậy?”

“Mẹ không muốn có em bé đâu,” tôi nói.

“Chắc chắn là mẹ muốn chứ.”

“Không. Mẹ bảo con thế mà.”

“Jonathan, con yêu, mẹ và bố đều rất vui khi có em bé. Còn con không vui sao?”

“Mẹ không thích có em bé,” tôi nói. “Mẹ đã bảo con thế mà. Mẹ nói bố muốn có nó, nhưng mẹ thì không.”

Tôi nhìn vào khuôn mặt khổng lồ của ông, và có thể thấy lời tôi nói đã phần nào tác động đến ông. Đôi mắt ông sáng lên, đám mao mạch trải trên mũi và má ông nổi đỏ và rõ nét hơn trên nước da hơi tái.

“Không đúng đâu, con trai ạ,” ông nói. “Đôi khi mẹ nói những điều mà mẹ không định nói. Tin bố đi, mẹ cũng vui vì có em bé như bố và con vậy.”

Tôi không nói gì.

“Thôi, bố muộn rồi,” ông nói. “Hãy tin bố. Con sẽ có một em gái hoặc một em trai, và chúng ta đều yêu quý cô bé đó. Hay cậu bé đó. Con sẽ là một người anh cả. Mọi chuyện sẽ rất tuyệt đấy.”

Một lúc sau, ông nói thêm: “Hãy để ý mọi chuyện khi bố vắng nhà, nghe không?” Ông giơ ngón tay cái hình thìa lên vuốt ve má tôi, rồi đi.

Đêm đó tôi tỉnh giấc vì tiếng cãi cọ văng vẳng phát ra đằng sau cánh cửa phòng ngủ của họ ở cuối hành lang. Giọng họ rít lên. Tôi nằm chờ đợi – điều gì cũng không rõ nữa? Tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, và đến tận bây giờ vẫn không biết liệu có phải tôi đã mơ thấy tiếng cãi cọ đó hay không. Đôi khi vẫn thật khó để phân biệt chuyện gì đã thực sự xảy ra với chuyện gì tưởng như đã xảy ra.

Khi mẹ tôi sinh em bé vào một tối tháng Mười hai, tôi phải ở lại nhà với bà Heidegger, bà lão hàng xóm. Bà là một bà lão đa nghi, có đôi mắt mờ đục và luôn lo rằng tóc mình sẽ biến thành một mảng muối tiêu xác xơ, thưa thớt, qua đó người ta có thể nhìn thấy cả lớp da đầu hồng hồng.

Khi tôi nhìn bố mẹ cùng nhau lái xe đi, bà Heidegger đứng sau tôi, người bà thoang thoảng mùi nước hoa hồng héo. Khi chiếc xe đi khuất, tôi bảo bà: “Thật ra mẹ cháu sẽ không sinh em bé đâu.”

“Không à?” Bà dịu dàng hỏi lại, không biết phải nói chuyện với trẻ con như thế nào khi chúng bất chợt phát ngôn ra những điều kì lạ.

“Mẹ cháu không muốn,” tôi nói.

“Ôi, thôi nào, rồi cháu sẽ yêu em bé thôi, cháu yêu ạ,” bà Heidegger nói. “Hãy chờ xem. Khi bố mẹ cháu mang nó về, cháu sẽ thấy. Nó sẽ là đứa bé đáng yêu nhất mà cháu có thể tưởng tượng ra.”

“Mẹ cháu không thích có em bé,” tôi nói. “Chúng cháu không muốn có nó.”

Lúc đó, mặt bà Heidegger tội nghiệp tím tái lại, và bà bỏ vào bếp để lo liệu bữa tối với một âm thanh như tiếng giấy lụa sột soạt. Bà nấu món gì đó thật mềm và nhừ, món mà một đứa trẻ thích đồ ăn thanh đạm như tôi cực kì thích.

Bố tôi gọi về từ bệnh viện lúc quá nửa đêm. Bà Heidegger và tôi cùng với lấy cái điện thoại một lúc. Bà trả lời và đứng thẳng trong chiếc áo choàng tắm màu xanh, gật gật cái đầu già nua. Tôi có thể nhận ra điều gì đó không ổn qua đôi mắt bà, lúc đó rưng rưng và long lanh như băng đóng trên sông ngay trước khi tan hết, khi nó chỉ còn đang nấn ná thêm một vài khoảnh khắc trên làn nước màu nâu lấp lánh.

Đứa bé sẽ được tả lại cho tôi như là một tấm vé bị hủy, hay một chiếc bánh bị lấy ra khỏi lò quá sớm. Chỉ khi trưởng thành tôi mới lắp ghép lại được sự thực về việc đứa bé bị nhau thai quấn quanh cổ và mẹ tôi bị mất nhiều máu vì biến chứng khi sinh. Mẹ tôi chết ngất đi trong gần một phút, và thật kì diệu là bà đã tỉnh lại. Phần lớn dạ con của bà đã bị nạo. Đứa bé, là con gái, chỉ kịp kêu lên oe oe một lần dưới ánh đèn huỳnh quang trong phòng hộ sinh.

Tôi cho rằng bố tôi không có tâm trạng nào để nói chuyện với tôi. Ông đã kể chuyện đó với bà Heidegger. Bà đặt điện thoại xuống và đứng trước tôi với một vẻ bối rối, sợ hãi khiến tôi tưởng như chính chúng tôi đang phải đón chào cái chết. Tôi biết điều gì đó kinh khủng đã xảy ra.

Bà nói lí nhí: “Ôi, những con người tội nghiệp. Ôi, cháu là một cậu bé tội nghiệp.”

Dù tôi không biết đích xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng tôi biết đây là một dịp phải tỏ ra đau buồn. Tôi thử mang cảm giác buồn khôn nguôi, nhưng thực sự tôi thấy hào hứng và khá hài lòng vì có cơ hội diễn rất đạt trong một tình huống xấu như thế này.

“Thôi nào, đừng buồn nữa, cháu yêu,” bà Heidegger nói. Giọng bà mang vẻ khiếp sợ thực sự, run rẩy và lúng búng như đang súc đầy miệng nước. Tôi thử dẫn bà đến một cái ghế và ngạc nhiên khi thấy bà tuân theo tôi. Tôi chạy vào bếp và lấy cho bà một cốc nước, vì tôi nghĩ rằng đó là thứ mà người ta thường đưa cho ai đó đang trong trạng thái xúc động.

“Cháu đừng lo, bà sẽ ở bên cháu,” bà nói khi tôi bưng ra khay nước và đặt lên mép bàn. Bà định kéo tôi vào lòng nhưng tôi không thích ngồi ở đó. Tôi vẫn đứng bên chân bà. Bà vuốt ve tóc tôi, còn tôi xoa những khớp xương đầu gối gầy gò ẩn dưới lớp vải flannel của bà.

Bà thẫn thờ nói, gần như nghi ngờ: “Ôi, cô ấy rất khỏe mạnh cơ mà. Trông cô ấy hoàn toàn khỏe mạnh cơ mà.”

Tôi bạo gan nắm lấy bàn tay già nua, khẳng khiu, yếu ớt của bà.

“Ôi, thằng bé tội nghiệp,” bà nói. “Cháu đừng lo gì cả, có bà đây rồi.”

Tôi vẫn đứng bên chân bà, nắm lấy bàn tay xương xẩu của bà. Bà mỉm cười với tôi. Trong nụ cười đó có chút vui vẻ nào không? Có lẽ là không, tôi ngờ rằng mình đã tưởng tượng ra nó. Tôi nhẹ nhàng xoa tay bà. Chúng tôi giữ nguyên tư thế đó trong một lúc, đầu cúi xuống, bất động và hơi thỏa mãn, như một cặp phụ nữ lỡ thì đã biết cách tìm kiếm sự khuây khỏa trong nỗi sầu khổ sâu sắc của cõi đời này.

Hơn một tuần sau mẹ tôi về nhà, dè dặt và khá nhút nhát. Cả bà và bố tôi đều nhìn quanh căn nhà như thể nó là mới với họ, như thể họ đã được hứa hẹn một thứ gì đó lớn hơn. Khi mẹ tôi vắng nhà, bà Heidegger đã tạo ra một mùi riêng của bà, thứ mùi trộn lẫn giữa mùi hoa hồng ướt đẫm và mùi thức ăn không quen thuộc. Bà siết chặt tay bố mẹ tôi rồi lịch thiệp và vội vã rời đi. Có lẽ bà đã được ngầm báo rằng, vào bất cứ lúc nào ngôi nhà cũng có thể bốc cháy.

Sau khi bà đi, bố mẹ tôi đều quỳ xuống và ôm lấy tôi. Họ vây quanh tôi, gần như che lấp tôi bằng cơ thể và thứ mùi trong lành quen thuộc của họ.

Bố tôi khóc. Trước đây ông chưa bao giờ nhỏ một giọt nước mắt trước mặt tôi, vậy mà giờ đây ông òa lên nức nở, họng bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào như thanh âm phát ra từ cây đàn ống. Tôi thử đặt tay lên cẳng tay ông. Ông không hất nó ra, cũng không mắng tôi. Đám lông hoe vàng của ông dựng lên lộn xộn giữa những ngón tay tôi.

“Không sao đâu,” tôi thì thầm, dù tôi không cho rằng ông có thể nghe thấy lời tôi qua tiếng khóc của ông. “Không sao đâu,” tôi lặp lại, giọng lớn hơn. Ông không nhận được bất cứ sự an ủi rõ rệt nào từ những lời trấn an của tôi.

Tôi liếc sang mẹ tôi. Bà không khóc. Khuôn mặt bà trắng bệch và vô cảm. Có lẽ bà là một thể xác trống rỗng, đang chết lặng chờ đợi được thổi hồn vào. Nhưng khi cảm thấy ánh mắt tôi đang nhìn mình, bà đã gắng sức kéo tôi vào lòng, với vẻ mộng du. Cái ôm của bà khiến tôi bất ngờ, và tôi tuột tay khỏi người bố tôi. Khi mẹ tôi ấn mặt tôi sát vào những nếp gấp trên chiếc áo choàng của bà, tôi hoàn toàn không còn nhìn thấy bố tôi nữa. Tôi thấy mình bị kéo vào sâu trong chiếc áo choàng của mẹ tôi. Nó che kín mũi và tai tôi. Tiếng khóc của bố tôi trở nên nghèn nghẹn và xa vắng khi tôi bị ép sát hơn vào người mẹ tôi, xuyên qua lớp vỏ ngoài lạnh lẽo tiến vào cõi lòng thoảng hương quen thuộc. Tôi kháng cự một lúc, cố quay lại bên bố tôi, nhưng bà quá mạnh mẽ. Tôi biến mất. Tôi rời bỏ bố tôi và dấn thân vào nỗi sầu muộn dữ dội hơn của mẹ tôi.

Sau đó, mẹ tôi ít khi muốn ra khỏi nhà hơn bao giờ hết. Đôi lúc vào buổi sáng, bà cho tôi lên giường nằm với bà và giữ tôi lại đó, để đọc sách hay xem ti vi, cho đến tận giữa buổi chiều. Chúng tôi cùng kể chuyện và chơi trò chơi. Tôi tin rằng tôi biết chúng tôi đang cùng nhau làm gì trong suốt những ngày dài ru rú trong nhà đó. Chúng tôi đang tập luyện cho thời điểm khi bố tôi không còn ở với chúng tôi nữa, khi chỉ còn lại mỗi hai mẹ con tôi.

Để làm cho mẹ tôi cười, tôi thường bắt chước người khác, dù tôi không thích đóng giả làm bà Heidegger nữa. Tôi quyết định giả làm mẹ mình, và đôi khi khiến bà cười phá lên. Tôi thường quàng khăn và đội mũ của bà, nhái theo ngữ điệu vùng New Orleans trong giọng nói của bà, nó đã bị tôi biến đổi thành một chất giọng nửa miền Nam, nửa quận Bronx[3]. “Con đang nghĩ gì thế?” Tôi dài giọng. “Con yêu, kể chuyện cho mẹ nghe đi.”

[3] Một trong năm quận của thành phố New York.

Bà luôn cười đến chảy cả nước mắt. “Con yêu,” bà thường nói, “con thật có năng khiếu. Con nghĩ sao nếu bố mẹ đưa con lên sân khấu, để con có thể chăm sóc bà mẹ già cả của con khi bà lú lẫn?”

Cuối cùng chúng tôi cũng dậy, bà vội vã mặc quần áo, chuẩn bị nấu nướng và lau dọn với sự nghiêm túc của một nghệ sĩ.

Bố tôi không còn xoa bóp vai bà khi ông về nhà vào buổi tối. Ông không còn đặt những nụ hôn thật kêu và cường điệu lên trán hay đầu mũi bà. Ông không thể. Một tấm lá chắn đã mọc lên quanh bà, trong suốt và rắn như thủy tinh. Tôi có thể nhận thấy nó dựng lên khi ông về nhà, những thứ mùi của thế giới bên ngoài vẫn bám đầy trên áo choàng của ông. Khi lá chắn được dựng lên, trông mẹ tôi không có gì khác – khuôn mặt bà vẫn lanh lợi và hơi xúc động, những động tác của bà vẫn chính xác như một bác sĩ phẫu thuật khi bà dọn bữa tối hoàn hảo mà bà đã nấu – nhưng không ai chạm được vào bà. Chúng tôi biết thế, cả bố tôi và tôi, với cảm giác hoàn toàn chắc chắn không sao giải thích nổi. Mẹ tôi có năng lực đặc biệt. Chúng tôi ăn tối (tay nghề nấu nướng của mẹ ngày càng được nâng cao, bà đã đạt tới những tầm cao mới phức tạp hơn), nói chuyện phiếm, và bố tôi gửi một nụ hôn gió về phía chúng tôi khi ông lại sắp sửa ra ngoài làm việc.

Một đêm cuối xuân, tôi bị đánh thức bởi một trận cãi cọ thực sự. Bố mẹ tôi ở dưới nhà. Ngay cả khi tức giận họ vẫn có nói nhỏ, vì thế chỉ có vài từ hoặc cụm từ rời rạc văng vẳng vọng lên phòng tôi. Kết quả là nghe tiếng hai người như đang gào thét bên trong một cái bao tải lớn. Tôi nghe thấy bố tôi nói, “sự trừng phạt,” và, gần một phút sau, mẹ tôi đáp lại, “thứ mà anh muốn… thứ đó… ích kỉ.”

Tôi nằm trong bóng tối, lắng nghe. Ngay sau đó, tôi nghe tiếng bước chân, – của bố tôi – leo lên gác. Tôi cho rằng ông sẽ đi vào phòng tôi, và tôi giả vờ đã ngủ thật ngoan, đầu tôi đặt giữa gối và đôi môi tôi hé mở. Nhưng bố tôi không đến với tôi. Ông vào phòng của họ. Tôi chỉ nghe thấy tiếng ông đi vào đó, rồi chẳng nghe được gì nữa.

Nhiều phút trôi qua. Mẹ tôi không đi theo ông. Ngôi nhà thật tĩnh mịch, ngập tràn một sự thinh lặng lạnh lẽo, giá buốt, ngay cả khi đám lá cây tử đinh hương và sơn thù du khẽ cọ vào những ô kính cửa sổ. Tôi cẩn thận nằm trên giường, không chắc mình nên và được phép làm gì vào một đêm như thế này. Tôi nghĩ tôi sẽ ngủ tiếp, nhưng không tài nào chợp mắt được.

Cuối cùng, tôi ra khỏi giường và đi dọc hành lang đến phòng bố mẹ tôi. Cửa mở he hé. Ánh đèn ngủ của họ – thứ ánh sáng nửa vàng nửa hồng được nhuộm màu bởi chao đèn bằng giấy da – lơ lửng trong cảnh tranh tối tranh sáng của hành lang. Tôi có thể nghe tiếng mẹ tôi bóc vỏ quả hồ đào trong phòng bếp, một chuỗi những tiếng răng rắc nhịp nhàng vang lên rõ rệt.

Bố tôi nằm chếch trên chiếc giường đôi, trong một vẻ buông xuôi lịch sự, gần như trang nghiêm. Ông quay mặt vào tường, trên đó treo bức tranh vẽ một con phố Paris màu ngọc lam, không có người, được lồng trong khung bằng bạc. Một cánh tay vắt ra ngoài mép đệm, những ngón tay lớn đung đưa với vẻ quái gở. Lồng ngực ông nhô lên hạ xuống theo nhịp đều đặn của giấc ngủ.

Tôi đứng ở cửa một lúc suy ngẫm về vị thế của mình. Tôi đã mong ông nghe thấy tôi, ngẩng lên và chợt lo lắng về việc đã làm tôi thức giấc. Khi ông vẫn giữ nguyên tư thế trên giường, tôi lặng lẽ bước vào phòng. Đó là lúc tôi phải nói, nhưng tôi không biết nói gì. Tôi nghĩ chỉ riêng sự xuất hiện của tôi cũng đã là động lực cho một điều gì đó xảy ra tiếp theo. Tôi nhìn quanh phòng. Đồ trang điểm và nước hoa của mẹ tôi được xếp trên một cái khay xà cừ, và được đặt trên một cái tủ com-mốt. Một chiếc gương hình họa tiết hình hoa trên giấy dán tường phía đối diện. Tay không, chẳng có món lễ vật nào, tôi mò đến bên giường và thận trọng chạm vào khuỷu tay bố tôi.

Ông ngẩng đầu lên và nhìn tôi như thể ông không nhận ra; tôi như thể chúng tôi đã từng gặp nhau một lần, lâu lắm rồi, và giờ ông đang cố nhớ tên tôi. Khuôn mặt ông suýt nữa làm tim tôi ngừng đập. Trong một thoáng, có vẻ như cuối cùng ông đã rời bỏ chúng tôi; người cha trong ông đã rút lui và thay thế cho nó chỉ là một người đàn ông, to lớn như một chiếc ô tô nhưng ngây dại và ngô nghê như một đứa trẻ, dám làm bất cứ điều gì. Tôi đột nhiên đứng ngây ra trước sự xa lạ mới mẻ của ông, mỉm cười ngượng nghịu trong bộ pyjama màu vàng.

Rồi ông sực tỉnh. Ông lấy lại vẻ mặt bình thường và nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi. “Này,” ông khẽ nói. “Con đang làm gì thế?”

Tôi nhún vai. Thậm chí cho đến nay, khi đã là người lớn, tôi cũng không thể nhớ nổi có khi nào mình không ngừng lại và cân nhắc trước khi nói ra sự thật không.

Đáng lẽ ông nên nhấc tôi lên giường cùng ông. Động tác đó có thể đã cứu thoát cả hai chúng tôi, ít nhất là trong thời điểm đó. Tôi nhức nhối vì nó. Tôi sẽ cho đi tất cả mọi thứ mà tôi nghĩ là mình có, trong những tưởng tượng phong phú nhất của mình, để được kéo lên giường cùng ông và được ông ôm, như lúc bầu trời nổ tung trên đầu chúng tôi vào ngày mồng Bốn tháng Bảy. Nhưng có lẽ ông đã xấu hổ vì bị bắt gặp khi đang cãi cọ. Giờ đây ông là người đàn ông đã làm con trai tỉnh giấc vì quát mắng vợ, và rồi thả mình nằm vắt chéo trên giường như một cô thiếu nữ đang đau khổ. Có thể ông còn khoác lên mình những hình ảnh khác nữa, nhưng hình ảnh này vẫn sẽ mãi gắn liền với ông.

“Đi ngủ tiếp đi,” ông nói, giọng cáu kỉnh hơn ông định. Tôi cho rằng ông đã hi vọng là tình huống này vẫn có thể được tháo gỡ. Nếu ông hành động đủ mạnh mẽ, chúng tôi có thể quay ngược về thời điểm trước đó và dệt lại giấc ngủ của tôi. Sáng hôm sau tôi sẽ thức dậy với những giấc mơ không nhớ rõ.

Tôi không nghe lời ông. Tôi chỉ muốn được an ủi ông. Bố tôi yêu cầu tôi quay trở lại giường và tôi trở nên bướng bỉnh và bực tức. Tôi chực khóc, khiến sự kiên nhẫn của ông bị kéo căng ra. Tôi muốn ông cần đến sự có mặt của tôi. Tôi cần biết rằng nhờ sự tốt bụng và kiên nhẫn của tôi, tôi sẽ chiến thắng trong cuộc thi đấu dai dẳng để có được tình yêu của ông.

“Jonathan,” ông nói. “Jonathan, đi thôi.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.