Nhiều ngày bận rộn thu xếp mọi thứ để chuẩn bị lên đường, lại thêm ca trực lại lệch nhau, cứ tôi trực đêm thì Minh Kiên lại làm ngày, và nếu tôi làm ngày, Minh Kiên lại có ca trực đêm. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ kịp gọi điện hỏi thăm nhau đôi ba câu kiểu như hôm nay như thế nào, ăn uống ra sao, và nhớ chuẩn bị những gì cho chuyến công tác sắp tới. Theo lịch trình, Minh Kiên nằm trong danh sách đầu tiên ra Bắc chống dịch, còn tôi sẽ đi sau đó mấy ngày. Nhớ lại lần trước khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tại bệnh viện dã chiến, tính ra cũng đã gần một năm. Lúc đó thật không thể ngờ mối quan hệ này lại được đẩy đi xa như bây giờ. Nghĩ lại, có lẽ là định mệnh, nếu không thì trong biển người bao la này, làm sao chúng tôi có thể gặp lại nhau sau ngần ấy năm. Và nếu như vậy, việc tôi và Thế Vinh đến bên nhau rồi lại chia xa, phải chăng cũng là do định mệnh, nếu không thì làm sao có kết quả ngày hôm nay giữa tôi và Minh Kiên. Mối quan hệ giữa ba chúng tôi không biết nên gọi là gì, và liệu rằng giữa Minh Kiên và Thế Vinh có chút xíu gì đó dính liếu với nhau hay không, đó vẫn là một câu hỏi lớn luôn ở trong đầu tôi. Bởi vì kiểu gì mà lại có hai con người giống nhau như đúc như vậy kia chứ.
Đoàn y bác sĩ tập trung đông đúc trong khuôn viên bệnh viện, nhìn những chiếc xe nối dài nhau mà lòng tôi hừng hực lửa, tôi cũng muốn đi lắm rồi, ngay lúc này. Bé Na và Ku Tin con của bác sĩ Lan qua gần một năm đã trưởng thành hẳn. Nhớ đợt trước ngày chị Lan vác va li vào bệnh viện dã chiến, hai đứa nhỏ cứ chạy theo mẹ khóc tấm tức không rời, may lúc đó còn có bà ngoại bên cạnh an ủi động viên. Còn lần này, không còn bà nữa, hai đứa trẻ không rơi một giọt nước mắt nào, cứ luôn miệng bảo “mẹ hãy yên tâm, tụi con sẽ chăm sóc cho nhau thật tốt”, “mẹ hãy cứu thật nhiều người nhé, tụi con tự hào về mẹ”, “tụi con đợi mẹ về”, “không lâu nữa hết dịch, mẹ nhớ bù cho tụi con một chuyến đi biển nhé”. Ba mẹ con đã không rơi giọt nước mắt nào nữa, thay vào đó là nụ cười và bao nhiêu là hứa hẹn. Chồng chị Lan đứng bên cạnh luôn vỗ vai chị động viên và nhắc nhở chỉ phải cẩn thận, anh chính là hậu phương vững chắc nhất của chị. Nhìn gia đình chị, bất chợt tôi cũng muốn có một gia đình. Phía ngoài cổng, Minh Kiên đang kéo chiếc va li nhỏ gọn tiến vào, đôi môi tôi khẽ cười trong vô thức, người đó sẽ là gia đình của tôi. Và ngày trở về, tôi tin mình sẽ không còn đắn đo do dự nữa, tôi nhất định sẽ có một gia đình, và người đó nhất định sẽ là anh. Minh Kiên bước đến, ôm nhẹ tôi vào lòng, vỗ vỗ mấy cái lên vai tôi.
– Anh ra ngoài đó chờ em, em chỉ cần mang hành lý đơn giản thôi, những thứ khác anh đã chuẩn bị sẵn trong này rồi, đừng mang nhiều đồ rồi nặng nề lỉnh kỉnh.
Vừa nói anh vừa đá nhẹ vào chiếc va li dưới chân mình. Y tá Bình đang thút thít chia tay bạn trai cũng kịp để ý bọn tôi, cô ấy ghé vai sang trêu.
– Nhất chị San rồi, có bạn trai vừa tâm lý vừa chu đáo, kiểu này xong dịch hai anh chị dọn về chung nhà là rõ đẹp.
Tôi cười cười liếc nhìn anh rồi đưa mắt sang đáp với y tá Bình.
– Chuyện này còn cần em nhắc sao? Lo mà tranh thủ để dành tiền, ít nhất cũng một chỉ vàng bốn số biết chưa?
– Bác Kiên xem, chị ấy bây giờ không còn biết ngượng luôn rồi.
– Em lại sai rồi, cô ấy trước giờ chưa từng biết ngượng nha.
Minh Kiên đáp lời trêu ghẹo của y tá Bình, vừa nhìn tôi cười ranh mãnh.
– Em xem có phải anh rất hiểu em không?
Tôi nép vào vòng tay anh, cười tít mắt, mặc kệ cho những con người đang đứng trước mặt trêu ghẹo đủ đường.
– Thôi anh đi nha.
– Tới nơi nhớ gọi cho em.
Dòng xe từ từ lăn bánh, Minh Kiên và những người khác còn ló đầu ra cửa sổ vẫy tay chào. Tiếng trẻ con khóc vang trời, tiếng cổ vũ ủng hộ của những đồng nghiệp còn ở lại, tiếng người thân dặn dò với theo, mọi âm thanh hòa vào nhau làm một. Tôi chắc những cái gật đầu trên chuyến xe kia cũng không thể nào hiểu hết nỗi lòng của người ở lại. Họ chỉ gật đầu, mỉm cười để xua đi những lo lắng và nỗi buồn của sự chia xa.
Tiếng chuông điện thoại reo liên tục, một số lạ hoắc, tôi vốn không thường nhận những cuộc gọi từ người lạ, nhưng cuộc gọi này lại mang đến cho tôi quá nhiều bất an. Tôi do dự một lúc, đến khi quyết định nghe thì đầu bên kia đã tắt. Cũng là lúc chiếc xe cấp cứu vội vã tiếng vào khuôn viên bệnh viện. Tôi cất điện thoại vào túi, nhanh chân chạy đi tiếp nhận, tạm gác lại những cảm xúc của buổi chia tay hôm nay, và cũng tạm quên đi cuộc gọi lúc nãy.
Đến tối muộn, tôi nhận được tin nhắn của Minh Kiên, anh bảo tình hình ngoài đó đang rất căng thẳng, vừa đến nơi là phải bắt tay vào việc ngay nên không thể nào gọi điện trò chuyện với tôi được. Ừ thì tôi cũng đang mệt nhũng người ra, hôm nay bênh viện cũng rất nhiều bệnh nhân cấp cứu, mắt tôi bây giờ đang nhíu lại, cũng không còn tinh thần mà trò chuyện với anh. Tôi chỉ nghĩ đến chiếc giường êm ái, liền thả người xuống, nhắm mắt lại. Kiểu gì mà tôi lăn tới lăn lui cũng không thể nào chợp mắt được. Chơt nhớ đến cuộc gọi sáng nay, một linh tính nào đó khiến tôi phải cầm điện thoại lên lập tức dù cho đã hơn mười giờ đêm.
– Alo.
Tôi nhận ra giọng nói thều thào ở đầu dây bên kia.
– Là cô hả Thủy Tiên, cô không được khỏe sao? Giọng cô nghe yếu ớt quá.
– Tôi nghĩ mình không còn nhiều thời gian nữa. Trước lúc đi, tôi muốn chúng ta có thể gặp lại nhau được không?
– Được, đương nhiên là được, cô đang ở đâu? Mai tôi sẽ đến gặp cô.
– Nơi đầu tiên chúng ta gặp nhau.
Là nơi đầu tiên chúng tôi gặp nhau sao? Tại sao lại là nơi đó? Tôi tắt đèn, căn phòng tối om, tiếng kim đồng hồ tách tách trôi qua từng giây, thời gian như ngưng đọng, chỉ mong trời mau sáng, bởi vì đêm nay thật dài, mà tôi thì không còn chút cảm giác nào muốn ngủ nữa cả.
Lại là con hẻm quen thuộc, lại là những con người cũ, những cái vẫy tay chào hay những câu đùa giỡn trêu chọc. Từ ngày chia tay Thế Vinh, đây là lần thứ hai tôi quay lại nơi này, hai lần hai cảm giác khác hẳn. Dừng trước cửa nhà, tôi chợt mỉm cười khi thấy chiếc xe của Thủy Tiên dựng ngay phía trước, nơi cô ấy vẫn thường xuyên để mỗi khi đến đây, cũng là nơi tôi đã trút ấm ức mà chọt thủng bánh xe của cô ấy. Thời gian cũng chưa lâu lắm, nhưng tại sao lúc đó tôi lại trẻ con đến thế. Trên trời nhỏ xuống vài giọt mưa lên vai áo, vừa lúc cánh cửa được mở ra, Thủy Tiên với tay kéo lấy tay tôi, vừa mỉm cười.
– Cô định chọt lủng xe tôi nữa sao? Mau vào nhà, trời sắp mưa rồi đấy.
Tôi phì cười, không ngờ có một ngày tôi và Thủy Tiên có thể cười nói vui vẻ với nhau tại căn nhà này. Cuộc đời này đúng là không có gì là không thể xảy ra.
– Tôi nghĩ trời sắp mưa rồi, chúng ta nên lên gác ngồi trước còn hơn.
Tôi ngoảnh đầu nhìn ra phía bên ngoài trời vừa nói với Thủy Tiên, đáp lại tôi là cái gật đầu không chút do dự.
Chúng tôi ngồi trên gác mái, Thủy Tiên không chần chừ mà lấy ra một cái hộp cũ kỹ từ chiếc gương nhỏ đựng đồ nghề của Thế Vinh được đặt ở một góc tường.
– Tôi đến mượn một ít dụng cụ, Thế Vinh bảo anh ấy vẫn để nguyên chiếc gương ở đây, để khi nào tôi cần có thể đến lấy mà dùng. Vô tình tôi nhìn thấy chiếc hộp này. Tôi nghĩ nên cho cô xem nó.
Thủy Tiên đẩy chiếc hộp về phía tôi, tôi không vội mở ra ngay, bởi có thứ cảm giác kỳ lạ nào đó đang nghẹn ngay cổ họng, tim đập mỗi lúc một nhanh hơn, tôi không biết trong đó là gì, tôi chỉ đoán đó là một phần bí mật của anh mà trước giờ tôi muốn biết. Từng ngón tay run run chậm chạp chạm lấy chiếc hộp, bỗng nhiên hình ảnh chiếc áo cưới trắng toát hiện ra trong tâm trí và Minh Kiên thì đang đứng bên cạnh. Tôi dứt khoát rút tay lại trước sự ngỡ ngàng của Thủy Tiên.
– Tôi không muốn mở nó ra.
– Cô không muốn biết bí mật của Thế Vinh sao?
Tôi lắc đầu, có lẽ Thủy Tiên hiểu được phần nào quyết định của tôi, cô ấy đặt bàn tay gầy gò lên tay tôi rồi cười nhẹ.
Nhìn quanh căn phòng một hồi, cô ấy lại nói.
– Tôi không còn nhiều thời gian nữa.
Tôi biết, tôi nhìn ra dáng vẻ tiều tụy của Thủy Tiên sau lớp phấn trang điểm, nhìn ra bàn tay gầy guộc, cảm nhận được hơi thở yếu ớt và ánh mắt xa xăm buông xuôi mọi thứ trên đời. Tôi không nói gì, mà tôi cũng không biết nói gì để an ủi một người biết rằng mình sắp chết. Trời đổ mưa thật, mưa to đến nỗi chỉ một chút xíu thôi căn nhà đã bị ngập trong dòng nước đen xì. Chúng tôi nhìn nhau vừa ngao ngán vừa bật cười. Thủy Tiên kể tôi nghe về cuộc đời của cô ấy.
Thì ra Thủy Tiên vốn xuất thân là một tiểu thư giàu có, một rich kid thứ thiệt. Sau một thời gian ăn chơi hết mình, bỗng nhiên gia đình phá sản, bố mẹ ly hôn, cô ấy chới với giữa dòng nước xoáy mặc cho cuộc đời xô đẩy về mọi hướng, lao vào những cuộc tình chớp nhoáng không cần biết đến ngày mai. Thủy Tiên nói cô tìm đến Thế Vinh vào một ngày sầu đời nhất, muốn lưu lại kỉ niệm của một nỗi đau, để nhắc nhớ về những gì cô đã trải qua. Nhưng không ngờ, chính Thế Vinh lại là người kéo cô ra khỏi vùng nước xoáy, giúp cô khai thông đầu óc và cho cô thấy chút ánh sáng phía cuối con đường kia. Cô quyết định theo Thế Vinh học nghề, một phần vì phát hiện ra mình cũng có một chút năng khiếu, một phần vì cảm nhận được cuộc gặp gỡ với Thế Vinh như một nhân duyên mà ông trời ban cho cô giữa lúc mất hết hy vọng.
Lúc đó tôi nhìn ra màn mưa, khẽ cười, Thế Vinh đúng là một người đặc biệt, một cô gái không có gì như tôi, một cô gái tuyệt vọng như Thủy Tiên khi gặp anh rồi cũng không thể nào dứt ra được. Có lẽ đọc được suy nghĩ trong ánh mắt của tôi mà Thủy Tiên nói tiếp, cô khẳng định thứ tình cảm của cô dành cho Thế Vinh không phải là tình yêu. Cho đến lúc này, Thủy Tiên vẫn cố gắng để cho tôi hiểu về tình cảm của Thế Vinh. Thật ra thì tôi đã hiểu, nhưng mà tôi không muốn thừa nhận. Tôi thà chỉ nhớ về những buồn bã đau đớn để trưởng thành hơn, chính chắn hơn chứ không muốn mãi nghĩ về những điều tốt đẹp để rồi chìm ngập trong quá khứ mà buông bỏ hiện tại và tương lai. Nghe qua thì thật buồn cười nhưng triết lý tôi đúc kết được sao bao nhiêu năm một thân một mình lăn lộn với cuộc đời nhiều chông gai của tôi là như vậy. Để nhớ về quá khứ, tôi thà chọn đau thương.
Vài ngày sau đó Thủy Tiên mất, tôi nhận được tin từ một người thân của cô ấy, đến lúc chết, cô ấy vẫn muốn tôi nhận lấy chiếc hộp cũ kỹ hôm nọ. Nhìn chiếc hộp đặt ngay ngắn trên chiếc bàn nhỏ đặt cạnh khung cửa trên chiếc gác xép kỷ kiệm một thời. Bên ngoài thì trời vẫn cứ từng hồi rả rich. Tôi khẽ cười “Thủy Tiên à, cô thật kiên trì”, từng ngón tay tôi chầm chậm chạm vào chiếc hộp, phủi nhẹ đi lớp bụi mỏng còn bám lại. Điện thoại reo, là của Minh Kiên. Do dự một lúc tôi quyết định bắt máy. Thoạt đầu Minh Kiên có vẻ hơi ngạc nhiên khi thấy tôi đang ở một nơi xa lạ, nhưng rất nhanh, anh ấy liền nhoẽn miệng cười.
– Anh nhớ em quá.
– Anh không hỏi em đang ở đâu sao Minh Kiên?
– Anh chỉ quan tâm đến đôi mắt đang đỏ hoe của em thôi, có chuyện gì vậy Linh San?
Không hiểu sao tôi lại òa lên khóc nức nở, có thể là vì sự ra đi của Thủy Tiên, có thể là vì Thế Vinh, cũng có thể là vì Minh Kiên, vì mớ cảm xúc hỗn độn mà tôi không biết phải xử lý như thế nào. Minh Kiên không hỏi gì, anh chỉ lẳng lặng mà nhìn tôi khóc.
– Minh Kiên, một người bạn của em vừa mất, là Thủy Tiên, cô gái em từng gặp ở nhà của Thế Vinh, cô gái em từng rất ghét.
Mắt tôi nhòe đi, nhưng dường như tôi bắt gặp sự bàng hoàng trên sắc mặt của anh, anh không nói gì, vẫn đang chờ đợi tôi nói tiếp.
– Thủy tiên nhiễm HIV.
– Em nói sao?
Thật lạ, Minh Kiên không còn giữ được vẻ điềm tĩnh thường ngày nữa, trong mắt anh có chút hoang mang. Tôi gật đầu xác nhận với anh thêm lần nữa. Minh Kiên có một vài giây lặng đi.
– Em có phải đang lo cho Thế Vinh?
Tôi mở to mắt nhìn anh, Minh Kiên rốt cuộc là người như thế nào? Anh hỏi tôi vấn đề đó thật nhẹ nhàng làm sao, giọng điệu không chút ghen tuông, không chút hờn dỗi, mà đó chính là sự quan tâm chân thành mà anh đang dành cho tôi, là sự vỗ về cho những giọt nước mắt yếu đuối của tôi.
– Có phải em đang ở nhà của Thế Vinh?
– Làm sao anh biết?
– Em đang ngồi trên gác xép mà, em đã kể nhiều về căn nhà đó, anh có thể hình dung ra.
– Anh không giận em?
– Đừng nghĩ về anh, hãy nghĩ đến việc em đang muốn làm. Anh chờ gặp em ở ngoài này nhé.
Tôi mỉm cười gật đầu.
– Minh Kiên, cảm ơn anh.
Đặt điện thoại xuống, tôi hít một hơi thật sâu, trong lòng nhẹ đi rất nhiều, có lẽ vì luôn có một Minh Kiên thấu hiểu ở bên cạnh tôi. Chiếc hộp từ từ được mở ra. Trong đó chẳng có gì ngoài mấy bức hình cũ kỹ đã ngã màu. Mấy bức hình đó chỉ quanh đi quẩn lại hai người con trai, một người trong đó tôi nhận ra chính là Thế Vinh, lúc đó anh còn rất trẻ nhỉ, như một cậu thanh niên mới lớn, nhưng từng đường nét trên khuôn mặt thì không lẫn vào đâu được. Người đứng bên cạnh anh tôi thấy rất lạ, chưa từng gặp bao giờ, tôi không nghĩ họ là anh em, vì không có một nét nào giống nhau cả, người đó cũng không giống bạn bè, vì nhìn chững chạc hơn Thế Vinh rất nhiều. Tôi lật đi lật lại mấy bức ảnh rồi dừng lại ngay hai cái tên được ghi phía sau “Thế Vinh – Minh Kiên 2003”.
Tôi dụi mắt mấy cái, rồi nhìn lại lần nữa để khẳng định mình không bị hoa mắt mà nhìn nhầm. Là trùng hợp, chỉ là trùng hợp mà người đó có tên giống với Minh Kiên thôi, trên đời này có bao nhiêu người có tên giống nhau. Nhưng mà không đúng, có cái gì đó không đúng, Minh Kiên và Thế Vinh lại giống nhau như đúc, không thể nào lại có chuyện trùng hợp tới như vậy được. Nếu không phải là trùng hợp, vậy thì.. đầu óc tôi bắt đầu lộn xộn, tôi không sắp xếp được một chút logic nào, tôi có nên gọi cho Minh Kiên không? Tôi phải gọi, tôi không thể nào chịu đựng được với mớ hỗn tạp trong lòng mình lúc này. Đầu dây bên kia đổ chuông từng hồi, tim tôi đập mỗi lúc một nhanh hơn, cảm nhận được đôi tay mình đang run lên bần bật.
– Alo, chị San, bác Kiên đang cấp cứu, chị gọi sau nhé.
– À, ừm, chị biết rồi.
Mỗi một giây trôi qua với tôi dài như cả thế kỷ, chờ mãi vẫn không thấy Minh Kiên gọi lại. Thật kỳ lạ, mỗi lần thấy cuộc gọi của tôi anh đều gọi lại ngay, nhưng đã mấy tiếng trôi qua, có cấp cứu thì cũng phải xong từ lâu. Tôi muốn gọi cho anh, lại sợ anh đang bận quá nhiều bệnh nhân. Vậy là cả đêm tôi lăn qua lăn lại không tày nào chợp mắt được.