Hai thầy trò đánh thức Diêm Thanh rồi mới ra khỏi đống phế tích. Bốn người vừa ló mặt ra ngoài đã bị người dân vây chật cứng.
Để kiểm tra độ thật giả của gốc song sinh, có người đã thử đổ rượu vào lọ máu của mình. Kết quả là người này lập tức đổ rầm xuống đất, mùi rượu bốc lên nồng nặc khắp người.
Bằng chứng sống trước mắt, lại thêm nhân chứng là Miên tỷ và Dẫn Đăng, Thời Kính Chi phải khuyên nhủ tận tình cả đêm thì mới khiến người dân an tâm được.
Khi ồn ào lắng lại cũng là lúc ánh sáng mặt trời rải xuống.
Chỉ mong được chuồn sớm nên Thời hồ ly đã ném ngay củ khoai nóng đến chỗ Diêm Thanh. Sau một hồi tích cực tâng bốc, hắn đã khiến người dân đã đồng loạt chú ý đến sự kiện “Diêm Thanh cứu lọ máu của dân làng”. Diêm Thanh tội nghiệp quen sống rụt rè, làm sao có kinh nghiệm đối phó với kiểu chiến trận này, thế là cậu ta bị những lời cảm ơn rối rít của người dân hun cho mặt mày đỏ lựng, sắp trùng màu với mặt trời ban sớm.
Vừa chưa từng nghe tới tiếng xấu của Diêm Bất Độ vừa bị Thời Kính Chi xoay mòng mòng, người dân thôn Nguyên Tiên tấn công Diêm Thanh tới tấp. Không đỡ được, Diêm Thanh đành phải kéo Tô Tứ ra làm lá chắn. Tô Tứ lại là tên lõi đời vật lộn lâu năm giữa giang hồ nên cũng hóa nhập vai nhanh như cắt, bắt đầu khoác lác lừa phỉnh người dân.
Thời Kính Chi lập tức thừa cơ kéo đồ đệ chạy biến.
Hai người chạy thẳng đến chỗ cây yêu bên cấm địa.
Họ không tìm thấy tin tức về Diêm Bất Độ trong phòng ngủ của thần nữ. Căn cứ vào sổ ghi chép, Diêm Bất Độ bị người dân căm ghét vì phá hoại cây yêu. Mà cây yêu vẫn còn ở nơi này, vậy thì nó cũng chính là đầu mối duy nhất.
Không có người lạ, Thời Kính Chi lại rũ bỏ lớp vỏ bọc tiên nhân. Hắn xắn tay áo và bò loạn trên cây. Doãn Từ cũng phải mất mặt thay, mũi chân khẽ nhón, y nhảy đến ôm sư phụ nhà mình lên những cành cao nhất.
Thời Kính Chi không buồn che giấu lòng hâm mộ trong ánh mắt: “Khinh công của A Từ tốt quá, dạy ta.”
Doãn Từ không muốn hắn chết nên cũng ôm lòng dạy bảo một phen. Nhưng hai người còn vướng cái danh thầy trò, Thời Kính Chi có bằng lòng học không thì chưa biết được. Ai ngờ y còn chưa mở miệng mà Thời Kính Chi đã chủ động bày tỏ rồi.
Doãn Từ hỏi vẻ buồn cười: “Sư tôn, có phải người mới nên gọi ta là sư tôn không?”
Thời Kính Chi nhướng mày, hùng hồn nói: “Người ta nói thầy là người truyền đạo, dạy dỗ và làm sáng tỏ mối nghi hoặc cho trò. Dù không thể dạy dỗ thì vi sư vẫn có thể truyền đạo và giải mối nghi hoặc cơ mà. Chưa kể người ta còn có câu ‘chẳng ngại học kẻ dưới’…”
Doãn Từ muốn đạp hồ ly xuống đất nhưng may mà kiềm chế được.
“Truyền đạo, làm sáng tỏ nghi ngờ?” Y trêu chọc.
Thời Kính Chi nhìn y, thái độ nhởn nhơ dần dần biến mất: “Phải, truyền đạo và làm sáng tỏ nghi ngờ.”
Doãn Từ cũng không cười nữa.
Nét mặt của Thời Kính Chi làm y lại nhớ đến câu nói “không phụ lòng ngươi” của hắn.
Dưới quỷ mộ, Thời Kính Chi cũng từng nói “sẽ không phụ lòng ngươi”. Lúc ấy Doãn Từ chỉ cho rằng lòng chân thành vô cớ của hắn rất đáng nghi ngờ, nghe giống như Thời Kính Chi tự nhủ với chính mình hơn.
Mà khi phong trận gần tàn, tình cảm trong lời nói của Thời Kính Chi đã nhạt phai đi, nhưng chính điều này đã khiến câu nói đến gần hơn với một lời cam kết.
Hai người đứng vững vàng trên chiếc cây yêu rộng thênh thang. Mùi khét dưới cấm địa trộn lẫn hương tươi ngát của lá xanh lại có thể khiến người ta ngửi ra loáng thoáng hương châm trên đàn tế.
Lần mở miệng tiếp theo Doãn Từ đã hoàn toàn rũ bỏ vẻ vui đùa, trí tò mò trong y đã thật sự bị khêu lên: “Sư tôn nghĩ ta có mối nghi hoặc gì cần đến người ngoài gỡ rối?”
“Vi sư giỏi nhìn người. Thất tình lục dục của người phàm bảy phần viết trên mặt, ba phần chảy vào hành động. Ta nhận Diêm Thanh vì viết hắn thanh tâm quả dục. Ta giữ Tô Tứ vì hiểu tuy hắn chấp chới giữa đường lằn thiện ác, nhưng hắn vẫn tôn trọng tình nghĩa giữa con người.”
Thời Kính Chi bước lên mấy bước, trông cũng khá có khí chất của một người làm sư phụ.
“A Từ, ta vẫn tin ngươi là người chính trực, nhưng sao ngươi có thể không cần bất cứ thứ gì trên đời này đây?”
Doãn Từ cảm thấy căng thẳng, lần này không phải vì khí thế “thiên địa bất nhân” của Thời Kính Chi, mà là bởi giọng điệu chân thành của hắn đã đâm thẳng vào đáy lòng y, để rồi thoáng chốc làm lòng y đau âm ỉ.
Đau mà không bệnh, đau vì trăm năm bãi bể nương dâu, vì yêu hận tình thù đan xen rối loạn. Y đã không thể tìm ra một nguyện vọng nào ngoại trừ muốn chết.
“Có lẽ chỉ là vì nhàm chán. Ta thì lại hâm mộ sư tôn, bản thân vô phương cứu chữa nhưng vẫn có thể kiếm được không ít chuyện vui.”
Doãn Từ nói với vẻ châm chọc mà Thời Kính Chi lại bật cười. Sau đó hắn bò lên nhánh cây cao hơn rồi hùng hổ ngoắc ngoắc tay với Doãn Từ: “A Từ, lên đây.”
Doãn Từ: “…” Giờ y mới phát hiện sư phụ gà mờ của y hoàn toàn có thiên phú trên phương diện làm y nghẹn họng.
Hắn không chỉ lập dị bẩm sinh, mà mức khó hiểu của hắn cũng phải thuộc hàng trăm năm khó gặp. Cành cây vừa hẹp vừa cong, mình mà đi lên thì cả hai người đều chỉ có thể đu cây như khỉ. Tâm bệnh của Thời Kính Chi cuối cùng cũng lan đến tận đầu rồi hả?
“Đi lên.” Thời Kính Chi lại ngoắc tay.
“Không.”
“Đây là lệnh của sư phụ.”
Doãn Từ hít sâu một hơi rồi vẫn nghe theo. Y nhẹ nhàng đứng trên đầu cành như những cánh chim mà không cần phải làm lười ôm cây giống như sư phụ.
Cành cây gánh oằn mình trọng lượng của hai người, trông vô cùng nguy hiểm.
“Được rồi, mệnh lệnh tiếp theo là gì nào?” Doãn Từ chọc chọc Thời Kính Chi đang bám cành cây.
Thời Kính Chi cong khóe mắt: “Lần này rời đi A Từ sẽ không trở lại thôn Nguyên Tiên nữa đúng không? Dù có trở lại, thì cũng sẽ không lên vị trí này.”
“Vậy thì?”
“Nếu ta không dẫn ngươi đi thì ‘nơi này’ sẽ trở thành một nơi chốn mà cả đời ngươi không bao giờ đặt chân tới. Dù ngươi có thể sống trăm năm thì điều này cũng sẽ không thay đổi.”
Thời Kính Chi dè dặt đổi tư thế rồi ngồi nghiêng ngả trên cây.
“Không thấy thú vị sao? Góc nhỏ này dù đã gần ngay trước mắt, nhưng phần lớn mọi người đều đã coi nó thành thói quen. Có điều dù cảnh vật từ đây tầm thường đến đâu thì nó cũng là có một không hai trên đời.”
Nắng ban mai mới nhú dát ánh kim lên rực trời như lửa. Thời Kính Chi nhìn mặt trời đằng xa mà vui vẻ bộc bạch tâm tình.
Không biết vì sao, tàn bạo mơ hồ trong tâm trí Doãn Từ bỗng nhiên tan rã. Nhìn chằm chằm Thời Kính Chi, y chợt thấy thoáng đau lòng.
Có những kẻ sở hữu tài năng như vậy, một loại tài năng có thể giúp họ dù sa lầy vào vực sâu vạn trượng, thì cũng có thể tìm kiếm những mảnh vỡ hy vọng ở nơi tận cùng tăm tối ấy. Doãn Từ vừa căm thù tính cách ngây thơ này vừa muốn nâng nó lên cao, cao hơn nữa, ngăn cho nó không bị ngã xuống bùn quá sớm.
Cứ như thể làm vậy thì bản thân y cũng có thể nương nhờ tia sáng của đối phương mà sống đỡ trầy trật hơn đôi chút.
Doãn Từ ngồi xuống cạnh Thời Kính Chi sau hồi dài lặng lẽ.
Thời Kính Chi nói giọng hồ hởi hơn: “Ai cũng bảo Diêm Bất Độ đã có được thị nhục trước khi mất tích, mà hắn thì vừa khéo đã ghé qua nơi này. Ở đây có cả linh dược trị bách bệnh lẫn lời đồn thổi về thần tiên, nói không liên quan đến thị nhục thì khá là khó tin.”
Doãn Từ chỉ nhìn hắn: “Ừ.”
“Hơn nữa từ khi đến đây ta chưa hề hộc máu, mạch tượng thì lại tương tự người dân thôn. Bệnh lạ của ta chắc chắn có dính dáng đến thần tiên nơi này. Pháp trận cổ xưa, công dụng của tượng thịt, vết tích của chân tiên. Vô số câu hỏi chưa có lời giải đáp sẽ đảm bảo cho ngươi được vui vẻ nếu tiếp tục theo ta… Chưa biết chừng đi lâu rồi, ngươi lại phát hiện ra nguyện vọng của mình.”
“Ừ.”
Thật ra y muốn kim hỏa của Thời Kính Chi, tuy nhiên mượn kim hỏa thiêu người thì cần Thời Kính Chi hợp tác, nên chuyện này không thể vội vàng.
Thời Kính Chi không biết suy nghĩ của đồ đệ, hắn tiếp tục huyên thuyên: “Sao nào, vậy có tính là làm sáng tỏ nghi hoặc cho… Ôi chao!”
Trọng tâm không vững khiến hắn trượt mông. Khoảnh khắc Thời Kính Chi suýt thì ngã xuống, Doãn Từ thuận tay ôm được sư phụ, y thở dài: “Tạm coi là có đi, cũng được một trong một trăm nghi hoặc.”
“A Từ, đừng nhúc nhích.”
“Làm sao?”
“Ta mượn kiếm Điếu Ảnh.”
Lơ lửng giữa không trung là Thời hồ ly đang dùng kiếm hướng vỏ cây. Lớp vỏ khô nứt và nhăn nhúm bị lột bỏ, để lộ ra một dòng chữ to cứng cáp-
[Thấy à? Thấy thì đi mà tìm đám lừa trọc.]
Thời Kính Chi, Doãn Từ: “…”
Thời Kính Chi: “Là chữ của Diêm Bất Độ, cùng nét với chữ dưới quỷ mộ.” Chẳng qua giọng điệu có vẻ mất kiên nhẫn chứ không hề nhã nhặn.
Doãn Từ: “Chùa Kiến Trần ngụ ở Vĩnh Thịnh phía tây. Từ Lăng giáo đến Vĩnh Thịnh thì đi qua nơi này cũng không lạ.”
Phát hiện manh mối mới, cảm giác đau xót mờ nhạt nhất thời trong giọng Doãn Từ lại tan biến và trở nên nghiêm nghị như thường.
Thời Kính Chi ngộ ra: “Nếu hỏi môn phái nào không cần thị nhục nhất thì chẳng phải là chùa Kiến Trần đó sao. Hết lần này đến lần khác tạo manh mối liên quan đến chùa Kiến Trần, gã Diêm Bất Độ này đúng thật là… chậc.”
Ngay sau đó hắn lại phấn chấn: “Đúng là một mũi tên trúng hai đích, vừa khéo ta có chuyện cần đến chùa Kiến Trần một chuyến. Chúng ta nghĩ dưỡng sức mấy bữa rồi tiếp tục lên đường.”
Hai người liền xuống mặt đất và đứng trước cánh cổng cây. Dương hỏa sót lại vẫn đang âm ỉ cháy, mùi khét bốc lên từng đợt từ phía dưới. Xoay người nhìn chốc lát, Thời Kính Chi chợt vô cớ nói: “Vốn dĩ Bạch Vĩ không cần phải chết.”
Doãn Từ dừng bước.
“Hắn nói sẽ không dễ dàng từ bỏ mạng mình, vậy mà vẫn nhảy vào bãi thịt. Dù hắn có tính làm vậy để bảo vệ Dẫn Đăng thì lúc quyết định ban đầu hắn cũng không chắc được mình sẽ tỉnh táo được trong bao lâu nữa.
“Có lẽ hắn chỉ đơn giản là bất lực khi thấy vợ mình đau đớn mà thôi.” Doãn Từ bình tĩnh đáp.
Y đã gặp rất nhiều người như vậy. Có điều trạng thái của Thời Kính Chi không bình thường, nên Doãn Từ cũng không mong đợi sư phụ y có thể thấu cảm được.
Quả nhiên, Thời Kính Chi lắc đầu: “Nếu ta là hắn, ta tuyệt đối sẽ không khinh suất như vậy.”
Dứt lời hắn không nhìn cấm địa thêm nữa, chỉ quay đầu đi thẳng. Nhưng Doãn Từ vẫn nhìn cánh cổng cây mà chưa vội đuổi theo.
Y lại nghĩ đến giấc mơ quái lạ lần ấy.
Nỗi đau đớn tan tành có lẽ đã được tượng thịt truyền ra trong vô thức. Không biết sau một hồi lửa cháy rực trời, liệu những tiếng khóc ấy có tan biến được không?
Mà bản thân đã mất đi khuôn mặt loài người trong mộng, lại là thứ quái quỷ gì?
Thời Kính Chi nói không sai, con đường trước mắt càng đi càng âm u và quái đản, quả thực sẽ không nhàm chán chút nào.
Mấy ngày sau đó, người trong thôn Nguyên Tiên lặng lẽ thu dọn đồ đạc rồi lũ lượt kéo đến lối cầu vào. Mỗi người trong số họ đều lấy lọ máu của riêng mình, gói ghém kỹ càng và treo trước ngực như bảo vật.
Dẫn Đăng vẫn bị phế một tay, cô bé dùng tay còn lại dắt khuyển yêu, vừa đi vừa lưu luyến nhìn trở lại.
“Sao phải chuyển nhà ạ?”
“Thượng tiên nói chúng ta phải mau chóng rời khỏi đây và kết nối quan hệ với những người ngoài núi. Như vậy dù kẻ xấu có đến báo thù thì cũng không dám liều mình quá độ.” Miên tỷ ngồi xổm xuống dỗ dành cô bé.
“Nhưng tỷ tỷ chỉ đi có ba ngày là đã chết ở ngoài rồi.” Dẫn Đăng chưa hiểu được những chuyện to tát, chỉ riêng việc đánh đồng “thành tiên” và “chết” đã đủ lấy mất toàn bộ sức lực của em.
“Không sao, có cha mẹ ở bên con.”
“Vậy con còn được gặp tỷ tỷ chứ?”
Dẫn Đăng ngẩng đầu với đôi mắt sưng vù.
“Hôm qua con mơ thấy tỷ tỷ, tỷ ấy vẫy tay với con. Có phải con không được gặp lại tỷ tỷ nữa không ạ?”
Miên tỷ không trả lời, nàng chỉ bế đứa con lên lưng chó rồi khẽ xoa đầu cô bé.
“Đi nào.” Miên tỷ nói, “Thôn Tức ở rất gần thôn ta, chúng ta chuyển đến đó, nếu muốn gặp con thì A Lộ vẫn sẽ tìm được con.”
“Vâng ạ!”
Bốn người phái Khô Sơn đi đầu, trong đó Tô Tứ vẫn ôm Bạch gia đã rụng không ít lông- cũng may nó có trực giác siêu phàm nên mới giữ được mạng dưới trận đao gió. Tuy nhiên nó bị xén cơ man là lông vũ, cũng gọi là ăn đủ.
Họ chung quy cũng phải rời đi.
Bỏ lại hoa tươi và gió ấm, mọi người sử dụng nghi thức tổ truyền, im lặng chui qua hầm cầu, rồi bước ra từ thần điện. Tuyết bay lả tả trên ngọn núi hoang vu, cảnh vật chẳng khác ngày ghé đến.
Bốn người phái Khô Sơn tạm biệt mọi người ngay khi vừa ra khỏi. Diêm Thanh có vẻ còn quyến luyến, cứ chốc chốc lại ngoảnh cổ lại nhìn, suýt thì bị Tô Tứ siết cổ kéo đi. Còn hai thầy trò phải cố nhịn run rẩy, không ai mặc áo choàng để trông sao cho áo trắng tung bay ngút trời tiên khí.
Chờ đến lúc vượt xa ngoài tầm mắt người dân, Thời Kính Chi còn đỡ, chứ Doãn Từ đã tím tái cả môi.
Thời Kính Chi dùng áo bông bao lấy đồ đệ rồi thở ra hơi sương trắng muốt: “Chết tiệt, ta quên mất ngoài này đang là mùa đông.”
“Lát nãy ta thấy một nam một nữ vẫy tay với chúng ta phía bìa rừng.” Diêm Thanh xoa xoa cái mũi đỏ ửng. “Không phải người thôn Nguyên Tiên đi cả rồi à?”
Tô Tứ dửng dưng: “Chắc ngươi hoa mắt thôi.”
“… Cũng có thể.”
“Suỵt, đừng nói mấy thứ mê tín đấy nữa.” Thời chưởng môn đứng ngồi không yên, “Tóm lại ta phải tìm thứ gì đựng linh dược trước khi xuống núi đã. Rét trời đông đất, vỏ ngọc cũng nứt đến nơi rồi.”
Nói đoạn hắn lấy miếng phỉ thúy linh dược trong ngực ra cẩn thận kiểm tra…
Ngay sau đó là một tiếng kêu thống thiết.
Chất lỏng bên trong đã hóa thành màu vàng đục, phỉ thúy bỗng chốc hóa cục bùn mắc cạn. Thời chưởng môn giận điếng người, kêu gào đến độ hộc cả máu.
Mộng ảo đã tan, hết thảy về như cũ.
Doãn Từ cảm thông vuốt lưng trấn an sư phụ. Nhưng thứ về như cũ không chỉ có sư phụ của y…
Lửa tín hiệu của Lăng giáo bỗng bay vút lên cách đó không xa, rồi nổ tan thành một màn sương mù đỏ.
Thời Kính Chi quệt máu, giọng rầu rĩ: “… Diêm Thanh này, người nhà ngươi đến đấy.”
Lối ứng xử của người Lăng giáo quả là nhọn hoắt như kim, xem ra Trịnh Phụng Đao quyết tâm lùng bắt họ về kê chân giường rồi. Giờ đã có thêm Tô Tứ, vừa khéo kê đủ bốn chân.
Thôi được, vậy thì đành chạy.
Doãn Từ xách sư phụ, Tô Tứ kéo Diêm Thanh. Hai người khinh công tốt hơn đạp xuống nệm tuyết và mau chóng chuồn đi.
Chí ít chùa Kiến Trần cũng là một đích đến an toàn. Hy vọng Diêm Bất Độ sẽ thật sự giấu manh mối ở đó, mà không phải chỉ chơi xỏ một phen bằng cái khúc mắc quái đản với hòa thượng của gã.