Nửa canh giờ trước, dưới cấm địa.
“Muốn ta giả làm thần tiên?” Doãn Từ có hơi bất ngờ.
“Phải, ta sẽ nói đồ đệ đã chết bên dưới. Trước kia ngươi ngụy trang quá thật nên khó giải thích với người ngoài, chẳng bằng bỏ thẳng luôn đi.”
Thời Kính Chi hồi sức chốc lát rồi chuẩn bị đi phóng hỏa khắp nơi.
“Dĩ nhiên, ngươi cũng không cần diễn tuồng gì hết, giả vờ hôn mê là được. Ta có thể lấy cớ ‘cứu chữa thần linh’ để đóng cửa không tiếp khách. Bọn họ có niềm tin mù quáng vào thứ gọi là tiên duyên, trong khi khuôn mặt của ngươi đã thừa sức thuyết phục, nên tạm thời sẽ không nghi ngờ.”
Cũng là một cách, Doãn Từ thầm nghĩ.
Tình cảm của người dân dành cho thần nữ không thể biến mất ngay lập tức, do đó bất luận họ giải thích thế nào, việc “Thần nữ mất cả tro cốt” cũng sẽ làm dậy nghi vấn trong lòng bọn họ. Chẳng thà dứt khoát dựng lên một vị thần mới nhằm ổn định lòng dân trước đã. Có Dẫn Đăng làm chứng, kế hoạch hoang đường này có vẻ sẽ thật sự ổn thỏa.
Sau một đêm giao tranh loạn lạc, dù hai người nín nhịn nghìn điều muốn nói, nhưng vẫn hiểu ý nhau mà tạm chưa bày tỏ ra ngoài. Họ im lặng sửa soạn một phen nhằm trông cho ra người ra ngợm, rồi lại kéo Dẫn Đăng nằm ngất bên dưới lên.
Kế hoạch chính thức bắt đầu.
Ở dưới cấm địa hồi lâu, nay được lên mặt đất, không khí tươi đến mức khiến người rơi lệ.
Người ta có câu đánh một tiếng trống, dũng khí tăng lên, đánh hai tiếng trống, dũng khí suy giảm, đánh ba tiếng trống, dũng khí không còn. Tính cả thời điểm trước lúc cấm địa nổ tung thì đấy chính xác là câu để chỉ Thời Kính Chi trong suốt chặng vừa rồi. Trong khi đồ đệ lại có thể trạng bền chắc, không nhẹ chút nào. Thời Kính Chi mệt đến độ hai chân run lẩy bẩy, còn phải giả thần giả quỷ mà trưng ra điệu bộ cao nhân.
Doãn Từ cũng không khá khẩm hơn là mấy.
Y nhắm mắt giả làm thần tiên gặp nạn hôn mê bất tỉnh. Trái tim y nảy lên nảy xuống theo từng bước lảo đảo của Thời Kính Chi, chỉ sợ sư phụ gà mờ ngã chổng vó rồi lại đè lên người mình, tiện xé tan tành kế hoạch ngay trước mặt người dân.
Đối chiến với thần nữ Doãn Từ còn không hồi hộp như thế.
May là Thời Kính Chi vừa can trường, vừa may mắn. Hắn chưa đi được bao lâu thì Diêm Thanh vọt tới.
Diêm Thanh cau mày với Doãn Từ “xa lạ”, nhưng không hỏi câu nào. Thời Kính Chi thở phào nhẹ nhõm rồi đổi bế thành dìu, hai người một trái một phải đỡ Doãn Từ về nhà.
Tô Tứ im lặng theo sau và chặn những người dân muốn tiến lên truy hỏi. Được cái phần lớn người dân đều chưa kịp hoàn hồn nên cứ thế bị bỏ lại đằng sau trong ngơ ngác.
Vừa vào nhà là Thời Kính Chi tức thì mềm nhũn. Ngã phịch xuống sàn, hắn lăn ra ngủ không biết trời đất trăng sao là gì. Doãn Từ định đứng lên, song phát hiện tay áo bị Thời Kính Chi siết chặt cứng.
Bên kia, Diêm Thanh muốn gỡ cột cờ ra giúp Thời Kính Chi để rồi cũng được cảm nhận một phen độ vững của móng vuốt hồ ly- Thời Kính Chi ngủ say như chết, nhưng đồ cần nắm ắt sẽ chẳng quên.
Sau chốc lát trầm ngâm, Doãn Từ quyết định ngoan ngoãn nằm xuống một bên, ngủ cùng.
Trải qua đêm dài giao chiến, y cũng hao không ít sức, giờ cứ bổ sung trước thì hơn.
Diêm Thanh, Tô Tứ: “…”
Tô Tứ dùng mũi chân chọc chọc Doãn Từ: “Không đúng, ngươi là ai đấy?”
Doãn Từ trở mình: “Đại đệ tử phái Khô Sơn.”
Tô Tứ: “… Tam Tử, ta đã bảo ngươi môn phái này tà môn rồi mà. Chưa kể đến chuyện đổi mặt, thì ngươi nhìn bề ngoài hai thầy trò này đi, có ai trông giống người bình thường không?”
Ánh mắt Diêm Thanh đảo đi đảo lại khắp người cặp thầy trò nằm kia, cuối cùng dừng trên khuôn mặt Tô Tứ. Cậu ta yên lặng, hồi lâu mới thở dài lặng lẽ: “Phụ một tay đi, đưa họ vào trong cái đã.”
Hai thầy trò ngủ thẳng một giấc từ sáng sớm đến hoàng hôn.
Thời Kính Chi đoán không sai, cái danh “sứ giả Thần quân” của hắn đã ngăn chặn được người dân ghé qua làm phiền. Dẫn Đăng trở thành nhân chứng duy nhất, mọi người liền kết đoàn kết đội đến nhà Miên tỷ truy xét xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Trải qua cú sốc nặng nề, cô bé chỉ nói rằng việc “thành tiên” thật sự là dối trá và không tiết lộ gì thêm, khiến mọi người cũng không biết làm sao.
Hôm ấy tạm thời trôi qua trong yên bình.
Khi tỉnh lại, Doãn Từ không thấy Thời Kính Chi đâu. Chỉ có Diêm Thanh đang nhìn y chằm chằm với chữ “kinh hoàng” trên má phải và “sao lại có thể như vậy” trên má trái.
Doãn Từ không tốt tính đến độ đi giải thích cho từng người, y hỏi thẳng điểm chính: “Sư tôn đâu?”
“Thời chưởng môn đang ở gian trong cùng phía sau nhà, ngài ấy dặn khi nào huynh tỉnh thì đến gặp ngài ấy.”
Đến lúc rồi đấy, bọn họ không tránh khỏi phải tán gẫu lâu dài về chuyện xảy ra dưới cấm địa. Sau khi ôn đi ôn lại lời thoại trong lòng, Doãn Từ thong thả khởi hành.
Gian phòng ở sân sau không lớn, cửa khép hờ. Mùi thuốc nồng nặc trộn lẫn hơi thở hung tàn ập ngay vào mặt Doãn Từ.
Thời Kính Chi muốn tính sổ với y đấy hả? Không sao, gặp chiêu nào y cản chiêu đấy.
Chẳng qua nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng đến lúc thấy rõ tình cảnh trong phòng, Doãn Từ vẫn cứng đờ ngoài cửa.
Trong căn phòng nọ đặt tấm bình phong, sau tấm bình phong đặt một thùng xâm xấp nước tắm, trong thùng đổ đầy nước thuốc màu sắc đáng sợ. Thời Kính Chi rõ ràng đã tắm qua, tóc còn hơi ướt.
Thấy Doãn Từ bước vào, Thời Kính Chi thong dong như nước. Hắn vừa tản ra lệ khí ngút trời, vừa giơ bàn chà lên trước mặt đồ đệ.
Doãn Từ ngoảnh mặt rời đi.
Thời Kính Chi phất tay áo, hai đường chân khí bắn ra đóng sầm cửa lại: “Doãn Từ, lại đây.”
Ấy, gọi cả họ tên luôn rồi. Doãn Từ quay đầu, không buồn diễn đồ đệ ngoan ngoãn nữa: “Làm sao, sư tôn muốn giao chiêu hay thế nào?”
Thời Kính Chi hung hãn: “Ta phải nói chuyện với ngươi.”
“Vậy người buông bàn chà xuống đã.”
“Ngươi ngần ngại thì mặc đồ sạch xuống nước cũng được. Ngươi ngã xuống hồ, dù sao ta cũng phải kiểm tra thương tích cho ngươi.” Thời Kính Chi huơ bàn chà, huơ ra được cả khí thế của hung khí thời thượng cổ.
Thôi được rồi, chạy trời không khỏi nắng, chà thì chà, chẳng lẽ Thời Kính Chi lại lột được da của y ra chắc. Doãn Từ chỉ giữ lại quần rồi ở trần vào thùng nước tắm.
Sự thật chứng minh, Thời Kính Chi không có ý lột da, nhưng sức mạnh hắn dùng thì không khác gì cho lắm-
Không mất bao lâu, Doãn Từ đã phải nghiến răng nghiến lợi: “Sư tôn, đừng chà nữa, ta thật sự chỉ mặc một chiếc Áo Da Quỷ mà thôi.”
Y rất mực nghi ngờ Thời Kính Chi đang mượn thời cơ dạy dỗ mình, bởi da thật của y cũng sắp bị chải bong ra khỏi người. Lại nói, dù có còn Áo Da Quỷ ở đây thì sư phụ y cũng có thể chà nát nó.
Thời Kính Chi vén mi: “À, ra là thứ đấy tên Áo Da Quỷ, tiện lợi ghê đấy. Lần trước gặp ngươi dưới quỷ mộ vi sư còn tưởng gặp ma quỷ thật kìa.”
Sau đó hắn ngừng bàn chà: “Ngươi thật sự tên ‘Doãn Từ’? Rốt cuộc ngươi là ai?”
Quay đầu nhìn vẻ mặt gằm gằm của Thời Kính Chi, Doãn Từ lập tức phun ra lời nói dối đã được biên soạn trước.
“Ta là chắt trai của Túc Chấp giáo Xích Câu, thật sự tên là Doãn Từ. Kinh mạch của nhà họ Túc bị thiếu sót bẩm sinh nên không thể rèn nội lực, cũng không muốn dính dáng đến chuyện giang hồ. Năm xưa cụ cố thay tên đổi họ vào ở ẩn trong rừng, chỉ truyền cho con cháu độc một món pháp bảo và một bộ kiếm pháp…”
Thời Kính Chi: “Áo Da Quỷ, kiếm pháp Tảo Cốt?”
“Phải. Vẻ ngoài ta trời sinh khác lạ, cụ nội bảo ta mặc Áo Da Quỷ để tránh gây chú ý.”
“Vì sao nói dối ta?”
Doãn Từ thật thà: “Vì thích.”
Thời Kính Chi chải cho y một nhát: “Lừa ta dưới quỷ mộ cũng là vì thích?”
“Vì ta muốn sư tôn là người thế nào. Tình huống của nhà họ Túc vốn đặc thù, về sau ta lại theo người dài lâu nên chắc chắn sẽ phải thăm dò chút ít. Sư tôn nói nhận ta không phải chỉ gom bừa, nhưng ta đâu thể tin ngay cho được. Dưới quỷ mộ đã đắc tội nhiều rồi, chẳng qua ta không ngờ… Shhh, nhẹ chút!”
“Không ngờ ta điên như vậy, đúng không.” Thời Kính Chi cụp mắt.
Doãn Từ ngẩn ra, đây là lần đầu Thời Kính Chi chủ động nói chuyện này với y.
“Ngươi cũng đã giãi bày rồi, chuyện gì cũng phải có qua có lại. Vi sư có tâm bệnh, thi thoản sẽ mất khống chế. Sau này hành tẩu giang hồ mong ngươi hãy khoan dung… Lần lừa sư phụ này ta phạt ngươi nửa năm tiền tiêu vặt.”
Doãn Từ: “…”
Tin tốt, Thời Kính Chi không tống y ra khỏi phái Khô Sơn.
Tin xấu, y miễn phí luôn rồi.
Cũng may Doãn Từ chỉ mất tập trung trong nháy mắt rồi lại kiên cường bám trụ đề tài, không bị Thời hồ ly đánh lạc hướng: “Tâm bệnh?”
Là “tâm bệnh” có thể nổi điên chỉ vì một người nửa xa lạ, hay là “tâm bệnh” có thể nhanh chóng bình tĩnh mà tru diệt thần nữ? Mãi mới có cơ hội biết rõ tính hợp lý như quỷ trong hành động của Thời Kính Chi, thì sao y dễ dàng bỏ qua cho được.
Thời Kính Chi khựng lại, ánh mắt u ám dưới cấm địa lại toát ra.
Hiện giờ bốn phía tĩnh mịch, Doãn Từ mới nhận ra ý tứ đằng sau ánh mắt này- không phải gìn giữ, cũng không phải quyến luyến, chỉ có sự đánh giá đơn thuần.
Có lẽ bởi biết đồ đệ thật sự không có nội lực, nên thái độ của Thời Kính Chi cũng không còn dè chừng như hồi mới ra ngoài quỷ mộ. Khí thế của sư phụ y giống như một ngọn cỏ dại liều mạng, vô luận thứ ngáng chân nó có là đá hay là bùn, thì chỉ cần còn một khe hở là nó còn có thể oai dũng lớn lên, mưu đồ sánh vai với thiên địa.
Mà bản thân y một khi đã chấp nhận tiến vào thùng nước tắm, trở thành một phần trong cuộc trò chuyện lần này, thì tất phải chấp nhận đi theo con đường của hắn. Hắn biết mình muốn tiếp tục ở lại, như vậy thì thầy phải cho ra thầy, mà trò cũng phải cho ra trò.
“Sư tôn, tâm bệnh là gì?” Thấy Thời Kính Chi hồi lâu không trả lời, Doãn Từ đặt câu hỏi lần nữa.
Thời Kính Chi thở dài: “A Từ, ngươi đã từng nghe nói đến ‘nghiện vật’ bao giờ chưa?”
“Nghiện vật?”
“Người bình thường sẽ nghiện rượu nghiện bài, vi sư thì nghiện vật, nghĩa là vô cùng cố chấp với vật thuộc về bản thân mình. Vật ở đây là tất cả mọi thứ bất luận là tài sản, vũ khí hay đồ đệ, trong đó thứ ta khó bỏ nhất chính là tính mạng của bản thân ta.”
“Người bình thường cũng không muốn chết.”
“Sự sống đối với người bình thường giống như rượu ngon với người mê rượu. Nhưng ‘người mê rượu’ và ‘kẻ nát rượu’ nhìn chung vẫn khác biệt. Rượu có ngon đến đâu mà trút độc vào thì người thường cũng sẽ không động đến, nhưng kẻ nát rượu thì chưa chắc… Tóm lại, một khi bị kích động, ta cũng khó kiểm soát tốt cảm xúc ấy.”
Doãn Từ thất thần, mặc cho sư phụ cọ rửa bả vai mình.
Câu trả lời của Thời Kính Chi có thể giải thích được cho thái độ với đồ đệ và cả với thần nữ của hắn. Nhưng Doãn Từ vẫn cứ có cảm giác sai sai- Thời Kính Chi giải thích quá lưu loát, lưu loát đến độ như đã được chuẩn bị từ đầu.
Hơn nữa, phiêu bạt thế gian suốt ba trăm năm mà Doãn Từ chưa từng nghe nói đến loại nghiện nào quái đản đến thế. Chỉ e “nghiện vật” cũng tương tự như “thân phận chắt trai” của y, thật giả lẫn lộn, khó mà phân biệt đúng sai.
Hai người họ không phải bạn bè chí cốt vào sinh ra tử, thế nên chưa có khả năng thoái thác hoàn toàn những bí mật cỡ này.
Tuy nhiên vậy đã đủ tốt rồi, cả hai người đều có thể thả ra chút ít bản tính qua vài mẩu sự thật trong câu chuyện giả dối. Con hồ ly này vẫn có tác dụng với y, tương lai còn dài, ai vạch trần ai trước vẫn là một bí ẩn.
Do đó y tóm gọn lại: “Nghĩa là khi ta chết, sư tôn sẽ nổi điên. Khi phát hiện manh mối sống tiếp, sư tôn sẽ nổi điên. Sư tôn, bệnh điên của người đặc biệt đấy.”
Thời Kính Chi hừ lạnh, dồn thêm sức lên bàn chà.
Doãn Từ mỉm cười: “Hơn nữa ta là người sống, không phải đồ vật, sư tôn không cần mù quáng cố chấp.”
Thời Kính Chi nghe vậy ngừng bàn chà, nét mặt bắt đầu trở nên quái dị. Thấy rõ thái độ của hắn, Doãn Từ đã tê rần da đầu trong thoáng chốc.
Biểu cảm của Thời Kính Chi không phải “ngươi nói lời hoang đường gì vậy”, mà là “có cả chuyện này nữa hả, giờ vi sư mới biết đấy”.
Ngồi trong bồn nước nóng mà Doãn Từ lại rùng mình khắp dọc sống lưng.
Nghiện vật.
Hết thảy chăm sóc, giận dữ, điên cuồng và theo sát của Thời Kính Chi đối với y, bỗng có một cách giải thích khác.
Tựa như món quà đầu tiên mà đứa trẻ nhận được, đứa bé sẽ cẩn thận ôm nó vào lòng, một khi món quà bị mất hoặc bị hư hao, tất nhiên đứa trẻ sẽ buồn giận đan xen. Nay tróc được lớp vỏ ngoài của nó, phát hiện nhân bên trong thú vị hơn đã nghĩ, đứa bé nhất định phải điều tra cho thật rõ.
Nó có thể làm hại đến ta không? Phải chơi nó thế nào mới khiến ta vui vẻ nhất? Nó có còn bí mật nào khác không?
Bất kể ra sao, nó cũng là vật của ta.
Những thân thiết và quan tâm trước kia của Thời Kính Chi, giờ phút này hồi tưởng lại, đều như bị phủ thêm một tấm màng mỏng, nhưng cũng lại không có gì hợp lý hơn thế nữa.
… Nhà họ Thời ở Dịch đô chó má, gia đình bình thường không thể nuôi ra một đứa trẻ dạng này.
Dẫu có bị ngược đãi từ nhỏ đến lớn thì một kẻ bình thường cũng sẽ có nhận thức về “hành xử giữa người với người”, dù là những nhận thức căm hận và biến chất đi chăng nữa. Nhưng xét thái độ của Thời Kính Chi, thì ngay cả vấn đề cơ bản nhất này hắn cũng rất mơ màng.
Xuất thân của hắn, nhất định có vấn đề.
Doãn Từ xoay hẳn người đối mặt với Thời Kính Chi. Thời Kính Chi vẫn giữ nguyên biểu cảm mù mờ quái đản như đang cố nhớ lại thứ gì, chuyên chú đến mức mặc cho bàn chà trong tay nhỏ tanh tách nước.
Doãn Từ níu lấy lọn tóc buông xõa của Thời Kính Chi và kéo hắn đến gần mình. Đây là lần đầu y tập trung toàn bộ khả năng chú ý của mình để nhìn thẳng vào khuôn mặt yêu diễm quá độ kia.
Cho tới giờ, Doãn Từ vẫn luôn cho mình ở chiếu trên. Y biết Thời Kính Chi khá đặc biệt, nhưng lại chưa bao giờ nghiêm túc quan sát hắn. Dẫu sao cũng chỉ là thú vui nhất thời. Sư phụ của y bình thường đều hoạt bát vui vẻ, cùng lắm là thi thoảng nổi điên, chưa có gì để khiến y đặc biệt chú ý.
Nhưng kẻ bơi giỏi ắt chết vì đuối nước, đến cuối cùng y lại nhìn lầm.
Xuyên thấu qua cặp con ngươi màu hổ phách của Thời Kính Chi, Doãn Từ đã không thể tìm thấy “trái tim người” hoàn chỉnh.
Đáy mắt hắn chỉ có những mảnh vỡ la liệt. Hắn có đủ vui giận buồn đau, nhưng những cảm xúc này trong hắn lại ở trạng thái nguyên thủy như của một đứa trẻ sơ sinh thay vì của một người lớn bình thường.
Nỗi cố chấp của hắn với sự sống, giống như cơn khát của thực vật hơn là tình cảm thông thường.
… Xem ra mình phải chỉnh sửa kế hoạch một chút, Doãn Từ thầm nghĩ.
Với y bây giờ, Thời Kính Chi không còn là một trò chơi vui đơn giản, sư phụ của y cất giấu quá nhiều bí mật, cũng ẩn chứa vô số cơ duyên. Y muốn kết hợp những mảnh vỡ ấy để rồi tỉ mỉ nhìn xem, rốt cuộc có thứ gì bên trong lớp vỏ bọc này.
“A Từ?” Thời Kính Chi chà đồ đệ như chà trâu cả buổi, thấy Doãn Từ thật sự chỉ còn một lớp da nên nhìn chung hắn đã nguôi cơn giận. Nay bị đồ đệ nhìn chằm chằm, đáy lòng hắn tức thì căng thẳng, sợ mình đã quá tay chà thẳng ra lòng phản nghịch của Doãn Từ.
Doãn Từ chậm rãi mỉm cười, rồi buông tóc Thời Kính Chi: “Một người trưởng thành như ta có thể tự chăm sóc cho mình. Lửa giận hại gan, sư tôn vẫn nên bớt phát điên đi thì hơn.”
Nét mặt Thời Kính Chi thoáng giãn ra: “Vi sư…”
Hắn không thể nói hết câu.
Có vẻ là do Thời Kính Chi chà đồ đệ quá lâu nên Diêm Thanh rốt cuộc không đợi được thêm nữa mà gõ cửa vội vàng: “Chưởng môn, ta có điều muốn bàn liên quan đến thần nữ. Chúng ta đã tìm ra chỗ ở của ả ta, và phát hiện ra một số vật… quái đản.”
Thời Kính Chi lập tức bị thu hút: “Vật quái đản?”
“Phải, hình như Diêm Bất Độ đã đến nơi này.”
_________
Tác giả có lời:
Doãn ma đầu: Ta cởi chiếc mặt nạ này thì vẫn có thể đeo lại chiếc khác.
Đây gọi là, gọi là lấy lùi làm tiến (?)