Tô Tứ mới đưa Dẫn Đăng về nhà hôm qua, nên trở thành đối tượng được hỏi chính của Miên tỷ. Hắn ta bị Miên tỷ ghì hai vai mà lắc đến chóng cả mặt, nhưng vẫn không quên đổi sang giọng nữ: “Dẫn Đăng lại lạc mất?”
“Ban ngày ta hỏi con bé, con bé chỉ nói đêm qua mơ thấy A Lộ, A Lộ khóc rất tức tưởi.”
Nàng ta càng nói càng nghẹn ngào: “Ta chỉ coi như con bé tức cảnh sinh tình, ai ngờ đến tối chưa ngủ được bao lâu con bé đã biến mất… Ta và cha con bé đã khóa cửa cẩn thận rồi cơ mà… Cô cậu thật sự không thấy sao?”
Tô Tứ lắc đầu.
Miên tỷ trông rất tiều tụy, tóc tai bù xù cả lên. Nàng ta đứng đờ đẫn một hồi rồi nói: “Cha con bé đã nhờ người đi tìm khắp nơi, vậy thì ta, ta đi mời Thần nữ đại nhân. Nhỡ Dẫn Đăng chạy ra ngoài thôn, rồi lại lạc đường…”
Miên tỷ càng nói càng run bởi sợ chính suy nghĩ của mình.
Diêm Thanh khoác áo ngoài: “Đừng nghĩ linh tinh vội, chúng ta cũng đi tìm giúp tỷ. Dẫn Đăng nhỏ người, hẳn chưa chạy quá xa đâu.”
Bên ngoài rối ren như vậy thì đêm nay không thể giở trò mộng du được rồi. Chậm chạp xuống giường, thở dài đầy cam chịu.
Thời Kính Chi đã mặc xong đồng phục môn phái, lại xách lá cờ thuốc đến bệnh tan: “A Từ, chúng ta cũng đi tìm.”
Người trong thôn vừa lùng sục vừa hò hét hồi lâu. Tin tốt là không có dấu chân phía ngoài thôn. Nhưng tin xấu là, tìm khắp trong mà vẫn không thấy Dẫn Đăng đâu.
Thần nữ được mời tới, nàng ta vẫn giữ nguyên dáng vẻ áo quần lướt thướt, tóc tai chỉnh tề. Sau khi nghe qua lời kể của người dân, vẻ mặt Thần nữ ánh lên chút sầu bi: “Có thể cô bé đã vào cấm địa rồi.”
“Không phải bên ngoài cấm địa có A Hỏa canh chừng sao?” Miên tỷ quỳ ngồi xuống đất, giọng thê lương. “Con bé còn nhỏ, sao có thể qua được mắt khuyển yêu? Trong cấm địa còn có người áo trắng, thế nào thì cũng phải có dấu hiệu gì đó chứ…”
Thần nữ có vẻ không hài lòng: “Chuyện này kỳ lạ, phải điều tra cho thật kỹ.”
“Tôi muốn vào.” Miên tỷ ửng đỏ vành mắt, “Thần nữ đại nhân, xin hãy cho tôi vào tìm con bé.”
“A Miên, ngươi biết luật mà. Không có ai thành tiên thì người dân không được vào cấm địa. Nếu gặp phải thần linh trong cấm địa ắt sẽ phải chết. Dẫn Đăng tuy nhỏ, nhưng phá luật thì vẫn là phá luật, ta cũng không thể giúp ngươi.”
Miên tỷ cười thảm thiết: “Vậy thì tôi thành tiên, các người hãy đưa tang ngay lập tức. Dẫn Đăng tuổi nhỏ, lại chưa mất tích bao lâu, chắc chắn con bé còn sống. Tìm con bé giúp ta đi, cầu xin các người tìm con bé giúp ta với…”
Nói đoạn Miên tỷ lao vụt về phía thân cây phía trước, toan tự vẫn.
Doãn Từ nhanh tay giữ được nàng ta, rồi bỗng nghĩ ra một cách.
“Thần nữ đại nhân, mấy ngày trước ta có nói chuyện với người tên Bạch Vĩ, hắn nói hắn muốn vào cấm địa tích góp tiên duyên.”
Thần nữ rốt cuộc nhìn sang phía y: “Như vậy thì?”
“Bạch Vĩ không có tiên duyên, như ta vậy. Tuy nhiên nghe nói lúc theo bà vào cấm địa, hắn cũng không dẫn theo người nào đã ‘thành tiên’… Dám hỏi Thần nữ đại nhân, sau khi tiến vào cấm địa, hắn hoạt động được bình thường trong bao lâu?”
Nghe ra ý tứ của Doãn Từ, Thời Kính Chi tức thì bùng nổ: “A Từ, chúng về trở về rồi lại nói!”
“Sư tôn, thời gian không đợi người.” Doãn Từ bày tỏ vẻ chính nghĩa. “Thần nữ đại nhân, ‘Không có ai thành tiên thì người dân không được vào cấm địa’, vậy người ngoài thôn thì sao? Thần tiên chưa từng che chở cho ta, vậy hẳn cũng không có tư cách gì trừng phạt ta chứ?”
Thời Kính Chi bị đồ đệ làm cho tức ngất- nghe xem y đang nói khỉ gì kìa. Xét theo lẽ thường, khách cũng nên nể mặt chủ nhà đôi chút. Chứ một người xa lạ vào xới loạn nhà mình, thì có khác nào ngồi lên cổ mình đâu.
Nào ngờ Thần nữ cũng thật sự trầm ngâm chốc lát, rồi lại thật sự đồng ý với lời nói bậy kia: “Tiên duyên mỏng thì chẳng khác kiến hôi, quả thực sẽ không khiến thần tiên chú ý. Nếu ngươi hành động nhanh thì có lẽ có thể thử xem.”
Doãn Từ gật đầu vui vẻ, lần đầu tiên thấy ả ta vừa mắt.
Thời Kính Chi không phải thánh nhân, hắn không cho rằng mạng của Dẫn Đăng lại đáng giá hơn mạng đồ đệ nhà mình. Hắn khàn giọng đe dọa: “Vi sư không cho phép!”
Đầu kia, Miên tỷ đã ngã bệt xuống đất. Một mặt nàng hy vọng Doãn Từ sẽ đưa con gái mình thoát ra, một mặt lại thấu cảm với cơn khủng hoảng của Thời Kính Chi. Bạt ngàn cảm xúc trào lên và mắc nghẹn trong cổ họng Miên tỷ, nàng không nói được lời nào. Cha Dẫn Đăng rốt cuộc chạy tới. Hắn ta ngơ ngác mà ôm lấy vợ mình, miệng lẩm bẩm không ngừng như đang cầu nguyện.
Em gái Dẫn Đăng nằm trong lòng cha. Như cảm nhận được gì, cô bé đột nhiên khóc òa lên và giãy giụa kịch liệt, tiếng khóc đặc biệt thê lương.
Bầu không khí trở nên căng thẳng.
Thời Kính Chi cảm thấy tay chân tê cứng. Lý trí cho hắn biết, nếu hắn ngăn Doãn Từ bây giờ thì hành động của phái Khô Sơn về sau sẽ ngày càng bị hạn chế. Chẳng qua dị tượng của Bạch Vĩ và thái độ kỳ lạ của Thần nữ lại chứng minh chuyến này đi Doãn Từ sẽ lành ít dữ nhiều.
Mà dưới đáy lòng hắn, thứ cảm xúc không tên đang vỡ ra một lần nữa, tựa một lời nguyền không thể vùng thoát khỏi.
Nó len lỏi vào tận cùng tủy não hắn, như suốt hơn hai mươi năm trong quá khứ, để rồi thì thầm với hắn rằng- chúng sinh đều khổ, thấy mà không có ắt sinh tham, có mà mất đi sinh đố kỵ. Phàm phu tục tử còn có mất có được, còn ngươi, vạn sự bất thành, vạn điều bất đạt.
Ngươi không hận sao?
Ngươi nhìn đi, gia đình Dẫn Đăng mới hoảng sợ và đáng thương làm sao, chúng đang nhìn Doãn Từ bằng ánh mắt trông ngóng. Chúng đã coi “con gái sống được đến ngày mai” là chuyện đương nhiên, nên mới không thể nào chấp nhận được sự thật. Ngạo mạn biết bao.
Cái thứ là “chuyện đương nhiên” ấy đã khiến chúng dồn trách nhiệm lên cả tính mạng Doãn Từ.
Rõ ràng Doãn Từ là đồ đệ của hắn, là vật sở hữu của hắn, là “ràng buộc trần duyên” mà hắn dốc lòng bồi dưỡng. Làm sao chúng dám.
Cảm xúc ấy giống như cơn đói cồn cào sau bảy ngày không ăn, nó nhen nhóm một ngọn lửa rét lạnh bên trong lồng ngực hắn. Hắn phải xé nát, phải cướp đoạt một thứ gì đó, thì mới có thể nhấn chìm được nó.
Thời Kính Chi từng nghĩ nó là tâm ma, nhưng nó lại xuất hiện từ quá sớm. Khi hắn vừa mới hiểu chuyện, nó đã làm bạn bên cạnh hắn rồi. Trẻ thơ còn chẳng thấu mưu cầu của nhân gian, thì làm sao có thể sinh ra vòng xoáy du͙ƈ vọиɠ ngổn ngang như thế.
May thay bất luận cảm xúc này có bị kích động đến đâu chăng nữa, Thời Kính Chi cũng đều đã quen rồi. Hắn biết phải khống chế con thú dữ ấy ra sao, để nó không xổng chuồng gây họa cho người khác.
Ví dụ như bóp vỡ du͙ƈ vọиɠ mãnh liệt này, và biến nó thành lửa giận.
Có lẽ bởi Thời Kính Chi đã im lặng quá lâu, nên ánh mắt của toàn bộ người dân đều đang dồn về phía hắn. Lồng ngực hắn phập phồng mỗi lúc một thêm mãnh liệt, phẫn nộ đốt cháy hai mắt hắn. Dưới lớp trang phục chưởng môn tầm thường, hắn lại chậm rãi toát ra uy thế vô hình, cảm giác áp bách của uy thế này còn mạnh hơn của Thần nữ.
Doãn Từ không thể không ngừng khoái trá.
Bộ dạng cẩn thận và căng thẳng của Thời Kính Chi thường ngày khiến cho chính Doãn Từ mới là kẻ mất cảnh giác, chỉ coi hắn như một con hồ ly cỡ lớn quấn người mà mình nuôi, dù đã biết lai lịch hắn bất thường. Mà lần mất kiểm soát dưới quỷ mộ, y cũng chỉ xem như là tính cách sư phụ nhà mình hơi rắc rối, hơi điên chút mà thôi.
Cứ như vậy càng diễn càng say, Doãn Từ hài lòng về mọi mặt.
… Cho đến giờ khắc này.
Nhắc mới nhớ, đây là lần đầu y thấy Thời Kính Chi tản uy thế khi tỉnh táo.
Vai lưng Doãn Từ hơi căng ra, y bắt đầu thật sự cảnh giác. Không phải Doãn Từ chưa từng gặp kẻ mạnh chân chính, Thời Kính Chi so ra vẫn chưa thấm vào đâu. Chẳng qua thứ khí thế toát ra khi một người nghiêm túc có thể thể hiện được nhiều điều đến từ bản chất của họ.
Cùng một cường độ áp bức, chùa Kiến Trần sẽ cho ra phần nhiều là cảm giác đôn hậu, phái Thái Hành mang tới cảm giác thanh bạch; còn ma giáo thì hoặc là âm u hoặc là vặn vẹo. Năm xưa y từng giao đấu vài trận cùng Diêm Bất Độ, khí thế mà Diêm Bất Độ phóng ra cũng không ngoại lệ.
Nhưng Thời Kính Chi lại khác.
Doãn Từ chưa từng gặp loại áp chế này. Nó gần như trống rỗng, rỗng đến mức tinh thuần- không có ác ý, hơi non nớt, song có thể xé tan, nghiền nát hết thảy thành bùn một cách không thể nghi ngờ.
Bốn chữ “thiên địa bất nhân” vô cớ vụt lên trong tâm trí Doãn Từ.
Đối mặt với sư phụ gà mờ mình tình cờ vớ được này, đây là lần đầu y có cảm xúc gần như “kiêng nể”.
Sắc mặt âm u, Thời Kính Chi đứng hồi lâu tại chỗ, rồi bỗng đi về phía Thần nữ.
Người dân bình thường chỉ có thể phân biệt được khí thế mạnh và yếu, nhưng hiển nhiên Thần nữ nhận ra điểm bất thường của đối phương. Biểu cảm thương xót chúng sinh của nàng ta không còn nữa, thay vào đó là vài phần thận trọng.
Thời Kính Chi đứng trước mặt nàng ta: “Ngươi có thể vào cấm địa một mình.”
“… Đúng.”
“Tiên duyên mỏng tựa như thể kiến hôi. Vậy tiên duyên đủ dày, thì có thể ngang hàng hay không?”
Thần nữ hơi đanh mặt: “Người phàm sao có thể sánh với chân tiên, nhưng quả thực là thần tiên sẽ coi ngươi thành thuộc hạ như ta, do đó sẽ không ra tay tùy tiện.”
Thời Kính Chi nhận được câu trả lời mong muốn: “Vậy ta sẽ đi vào cùng với đồ đệ của ta, ngươi bảo con khuyển yêu đó tránh ra đi. Trước tiên ta cần dặn dò mấy câu với người của ta trước đã, sẽ quay lại rất nhanh thôi.”
Đoạn hắn túm cổ áo Doãn Từ mà kéo y qua chỗ Tô Tứ Diêm Thanh. Hai vị này giờ mới hoàn hồn, hiện đang trợn mắt nhìn Thời Kính Chi như nhìn một con gấu chó trồng cây chuối.
“Chuyện đã đến nước này, ta sẽ xuống với A Từ, Thần nữ nhất định sẽ canh chừng bên ngoài.” Thời Kính Chi nói ngắn gọn, “Các ngươi thừa cơ tìm ra nơi ở của Thần nữ và xem có manh mối gì không.”
Diêm Thanh sửng sốt: “Nhưng chúng ta…”
Thời Kính Chi ngắt lời: “Nắm bắt cơ hội đi. Tra được đến đâu hay đến đấy, rõ rồi chứ? Dù các ngươi chỉ thấy được cái cửa sổ thì cũng phải nhớ hết hoa văn cho ta.”
Sau đó hắn lại kéo Doãn Từ một cái, nghiến răng: “Đợi xong xuôi hết thảy, xem ta xử lý ngươi thế nào.”
Tên hồ ly này giận thật rồi, còn biết hung dữ nữa.
Không phải sợ chết sao? Rõ ràng cứ đợi bên ngoài là được kia mà. Doãn Từ không thể phân rõ mức độ ưu tiên của từng sự việc trong tâm trí Thời Kính Chi, suy luận của hắn cứ như học từ chó ra vậy.
Ý trời trêu ngươi, y vốn chỉ định túm một tấm chắn đầu óc đơn giản. Ai ngờ tấm chắn lắc mình, hóa thành gông cùm đeo trên cổ, làm Doãn Từ thấy không được khoan thai cho lắm.
Thời gông cùm không hề nể nang, hắn nghiêm túc nói: “Ta hỏi ngươi một lần nữa, ngươi chắc chắn muốn đi?”
“Phải.” Doãn Từ sống hơn ba trăm năm đã chán sắp mọc rêu luôn rồi, làm sao có thể bỏ qua cửa tử ngay tầm mắt.
“Được, chúng ta đi.”
“Sư tôn không nhất thiết phải đi.”
“Ngươi còn biết ta là sư phụ ngươi cơ à? Miên tỷ còn có thể tự vẫn vì Dẫn Đăng, ta lại không sánh bằng một người đàn bà mỏng manh sao?”
Doãn Từ xuýt xoa, không đáp. Lời nói của hắn đang có khuynh hướng “một ngày làm thầy cả đời làm cha” đầy sai lệch. Y quyết định giả ngu mà đổi đề tài: “Cũng không phải chúng ta chưa vào bao giờ. Lần này không có Thần nữ quấy nhiễu, biết đâu lại tìm được cả Bạch Vĩ luôn.”
Thời Kính Chi đáp y bằng lỗ mũi: “Hừ.”
Doãn Từ ngoan ngoãn câm miệng.
Khuyển yêu tránh qua một bên, phía trong cổng cây đen nhánh như một chiếc miệng không răng khổng lồ.
Doãn Từ không khỏi nhắc: “Sư tôn hãy nghĩ lại đi. Giờ ngài quay về vẫn còn kịp…”
Thời Kính Chi: “Hừ.”
Giận rồi, thế này là giận thật rồi.
… Thôi được rồi, cứ vào xem rồi tùy cơ ứng biến.
*
Cùng lúc đó, tại Dịch đô.
Dung vương Hứa Cảnh Minh trở về kinh thành, song việc đầu tiên gã làm không phải là trình Phật châu. Thời Kính Chi đã nhìn thấu gã- nắm quá ít Phật châu trong tay làm gã ngại ngần đến tranh công trước mặt Thánh thượng.
Vậy nên gã tạm giao địa đồ cho Quốc sư.
Tuy rằng Thánh thượng không ưa nhánh Quốc sư, nhưng hai đời Quốc sư liên tiếp đều chưa từng gây ra việc gì sơ suất. Quốc sư đời trước vốn là nguyên lão kỳ cực, mà quốc sư đời này lại là đại đệ tử được chọn mặt gửi vàng của quốc sư đời trước, nên rất có phong thái của một bậc thánh nhân.
Quốc sư Giang Hữu Nhạc có tướng tá nho nhã thoát tục, thoạt trông mới chừng ba mươi, song trên thực tế đã ngoài sáu mươi tuổi. Hắn ta cất Phật châu, nét mặt không gợn sóng.
Hứa Cảnh Minh cúi đầu: “Tai Họa kia nhận một đồ đệ cùng truy tìm bảo vật của Diêm Bất Độ. Chúng ta phải chiếm được bảo vật trước, không chỉ vì Thánh thượng mà còn để trừ họa thay Đại Duẫn ta.”
Giang Hữu Nhạc bình đạm nói: “Hắn nhận một đồ đệ chưa chắc đã là việc xấu.”
“Chưa chắc? Hắn là tai ương lật nước, sao có thể biết điều dễ dàng cho được. Mạng hắn chỉ còn đúng một năm, vậy mà lại cất lòng khai tông lập phái, ắt phải giấu mưu đồ gì.”
Giang Hữu Nhạc cười: “Bản chất của người này là cố chấp, thêm ràng buộc nghĩa là thêm gông xiềng. Việc nào cũng một khối hai mặt, chớ nên kết luận vội vàng.”
“Kim thượng… Không, đại ca đã bị hắn lừa, chẳng lẽ ngài cũng bị hắn lừa thêm nữa?”
Giang Hữu Nhạc không đáp, chỉ mỉm cười và tiếp tục đọc sách.
Hứa Cảnh Minh giận không trút đi đâu được, gã cảm giác mình đã phải hao tâm tổn sức quá nhiều vì Đại Duẫn. Người bên trên đều cho rằng bản thân lên nắm quyền rồi thì không còn gì phải lo lắng hết, hoàn toàn không hiểu được chỗ kinh khủng của Thời Kính Chi.
Có câu nhìn thời ba tuổi mà trông lúc già, chỉ cần họ ướm câu nói đó lên vị huynh trưởng quái vật của gã là tuyệt đối sẽ không coi nhẹ hắn như bây giờ.
Tuy nhiên không đáng ngạc nhiên, Hứa Cảnh Minh thầm oán, chắc chắn họ chưa từng quan sát tỉ mỉ con quái vật kia.
Là con út của tiên đế, số phận đã định cho Hứa Cảnh Minh một cuộc sống an nhàn thong thả. Các huynh trưởng của gã bận rộn cả ngày, trong khi gã lại thể nhược nhiều bệnh tật, thế nên cũng nghiễm nhiên trở thành ma vương phá đời. Ngoại trừ học thuộc lòng đống sách tẻ nhạt ra thì thời gian còn lại Hứa Cảnh Minh đều dùng để trộm gà trộm chó và chơi bời lêu lổng.
Gã từng rất tò mò về Thời Kính Chi.
Với gã, Thời Kính Chi là một con nhện độc sặc sỡ. Hứa Cảnh Minh vừa ghê sợ vừa không kiềm được lòng muốn đi nhìn tận mắt.
Thời Kính Chi bị phụ hoàng của gã nuôi tận chốn thâm cung, và bị rập khuôn bởi hằng hà sa số những quy định ngặt nghèo. Hứa Cảnh Minh không nhớ hết chuyện thời thơ ấu, chỉ ấn tượng với hai điều trong đó:
Tất cả người kế cận Thời Kính Chi, bất luận chức vị, đều phải bị thay một lần mỗi tháng và không được phép lặp lại. Đồ ăn thức uống của hắn không được quá tệ, nhưng cũng nhất định không được quá tốt. Dù cho Thời Kính Chi có thích hay không thì cũng phải đổi món hàng ngày.
Hứa Cảnh Minh biết chuyện này là bởi thị nữ mà gã yêu thích đã đến trực một tháng chỗ Thời Kính Chi. Sau khi trở lại thị nữ này điên điên dại dại, hỏi đã xảy ra chuyện gì thì nàng ta không nói.
Số lượng tôi tớ trong cung có hạn, nên để đáp ứng yêu cầu thay người liên tục, nơi ở của Thời Kính Chi cơ bản không thể có nhiều người. Phát huy tinh thần nghé không sợ cọp, Hứa Cảnh Minh tự chạy vào điều tra.
Gã còn cố tình bắt thị nữ che cho mình vì e ngại Thời Kính Chi phát hiện.
Ngày ấy Thời Kính Chi bao nhiêu tuổi? Bảy? Hay là tám?
Hắn ngồi trước bàn đá, dùng bữa một cách ngay ngắn và nền nã. Đồ ăn thanh đạm, Thời Kính Chi cũng chỉ ăn hương ăn hoa với lượng cơm không nhiều, không thấy có gì khác lạ.
Cho đến khi thị nữ dọn bữa chính và bưng lót dạ lên.
Bánh lót dạ là công thức mới ra của ngự thiện phòng. Nó không được chế biến từ nguyên liệu quý hiếm, nhưng hương thơm tản ra nghe vị tan giòn và vừa miệng, ngay cả Hứa Cảnh Minh lúc ăn cũng ăn thêm mấy đĩa. Thời Kính Chi nhìn chằm chằm món bánh xa lạ, rồi bỗng khoát tay cho thị nữ rời đi.
Ban đầu, Thời Kính Chi không động vào số bánh.
Hắn chỉ nhìn, như thể đó là món đồ duy nhất giữa đất trời. Hứa Cảnh Minh lượn lờ một canh giờ, quay lại vẫn thấy Thời Kính Chi nhìn chúng không nhúc nhích. Ánh mắt hắn chỉ có du͙ƈ vọиɠ điên cuồng như một thường dân sắp chết đói đứng bên một buổi tiệc rượu.
Rõ ràng vừa mới dùng cơm, không thể đến mức phải trưng ra bộ mặt như thế. Chẳng lẽ hắn điên rồi?
Hay số bánh nọ là của ngon vật lạ trân quý nhân gian, mà lưỡi gã lưỡi trâu không nếm ra được cái hay cái đẹp của nó?
Ngay khi Hứa Cảnh Minh suy nghĩ linh tinh, Thời Kính Chi rốt cuộc nhúc nhích- hắn chộp từng nắm bánh lớn mà nhồi vào miệng như một con quỷ đói. Hắn ăn điên cuồng đến mức suýt cắn đứt ngón tay, bàn tay hắn đầm đìa máu chảy.
Chỉ trong chớp mắt đĩa bánh đầy ụ đã chỉ còn một chiếc.
Nhưng Thời Kính Chi lại đột nhiên dừng phắt lại với vẻ mặt cứng đờ. Hắn lấy ra một chiếc gậy trúc ngắn.
Đây là dụng cụ trừng phạt trong cung, trên gậy trúc có khắc thuật pháp nhằm không để lại vết thương nhưng sẽ gây đau đớn vô ngần.
Hứa Cảnh Minh tận mắt chứng kiến hắn nâng cao gậy trúc, rồi vụt lên tay mình không hề do dự. Một giây sau, Thời Kính Chi đau đến mức ngã nhào khỏi ghế và nằm co quắp dưới mặt đất.
Một kẻ cộc đầu thôi đã phải để thị nữ thổi nửa canh giờ như Hứa Cảnh Minh nào đã chứng kiến cảnh tượng thế này. Gã sợ dựng tóc gáy, vội vàng chạy trốn.
Không phải không có đồ ăn, không phải chết đói, sao phải dữ dằn như đến vậy! Đại ca nói đúng, Thời Kính Chi bẩm sinh đã bị điên.
Mấy ngày sau đó, để chắc chắn những gì mình gặp không phải ảo giác, Hứa Cảnh Minh lại chạy đến xem trộm. Trời mới đổ mưa, Thời Kính Chi đi đâu không biết, chỉ có miếng bánh kia vẫn ở nguyên chỗ cũ không ai dọn dẹp. Thời tiết nóng bức, nó lại bị mưa hắt ướt, nên nay đã hóa thành rác rưởi thối rữa.
Lại qua mấy tháng, trong cung cử hành yến hội. Thời Kính Chi ngồi yên lặng trong góc, cử chỉ ăn uống nho nhã lễ độ. Bất luận người ta bưng lên loại bánh trái nào, hắn cũng chỉ nếm thử đôi ba miếng mà không buồn cả nhìn lâu, còn khắc chế hơn các hoàng tử khác.
Du͙ƈ vọиɠ điên cuồng ngày xưa như chỉ là ảo giác.
Hay cho một tên bịp bợm.
Lừa dối mọi người hơn hai mươi năm, cuối cùng Thời Kính Chi cũng khiến Hoàng đế đại ca buông lỏng mà thả tên nghiệt chướng “hành động gần giống người thường” như hắn về rừng.
Hứa Cảnh Minh càng nghĩ càng giận, gã bực bội đứng lên thi lễ với Giang Hữu Nhạc, toan rời đi.
Ai ngờ gã vừa quay lưng, Giang Hữu Nhạc đã lại bình thản lên tiếng.
“Điện hạ không cần phẫn nộ, lòng ta hiểu rõ… Chuyện người nọ nhận đồ đệ không tính là bất lợi với ngài hay ta. Chẳng qua đối với người trở thành ‘đồ đệ’ ấy thì chuyện này lại chẳng khác nào tự chuốc lấy tai họa.”
Giang Hữu Nhạc khép sách rồi nhắm mắt than dài.
“Vũng dục vô biên và cõi trần muôn trượng dồn vào xáƈ ŧɦịŧ một người, thì phàm phu tục tử làm sao chế trụ được. Chung quy là gần không nổi, mà trốn cũng không xong.”
“Không biết là ‘sư phụ’ sẽ nhập ma trước, hay chính ‘đồ đệ’ sẽ lạc bước si cuồng.”
_______________
Tác giả có lời:
Doãn Từ: Cảm ơn đã hỏi, nhưng không phải phàm phu tục tử.
Tuy nhiên Doãn ma đầu đã thật sự rước về một mối phiền phức lớn. Thời hồ ly đúng là ngọt, chẳng qua không ngốc cũng không bạch (?) mà thôi.