Quỳnh đi trong hành lang lạnh lẽo của bệnh viện, lên cầu thang, rẽ ngoặt, lại lên cầu thang. Người phụ nữ có khuôn mặt tái nhợt, trong bộ đồ đen tuyền, đeo cặp kính đen, to đến mức khoa trương này đã là nữ nhà văn nổi tiếng trẻ tuổi nhất. Cô được mời sang giảng bài ở một đại học ở Ý, bởi không lâu trước đây, sách của cô được xuất bản tại Ý, đã tạo nên tiếng vang lớn ở đó. Nhưng trong buổi chiều mùa đông này, không ai biết cô lặng lẽ đến bệnh viện, đi thẳng lên tầng ba. Hành lang hết sức tăm tối, cô bước đi, bước đi chợt trào nước mắt. Cô nghĩ, tại sao mình lại sợ hãi đến vậy, em bé của vì lý do gì mà không dám nhìn người đời? Cô lên cầu thang, trong lòng liên tục nói lời vĩnh biệt với đứa bé. Cô đã quyết tâm như vậy, nên không cầu xin sự tha thứ của nó.
Sắp Tết, trong bệnh viện chỉ có vài bệnh nhân, một số phòng đã khoá cửa từ đầu giờ. Ngoài trời tuyết đang rơi, trong nhà như càng đen, càng lạnh hơn.
Quỳnh trông trên dãy ghế băng ở trước phòng khám khoa sản trên tầng ba có một khuôn mặt rất quen. Quỳnh sững người, lặng lẽ quan sát người đó. Chính là Mạn. Bà mẹ Mạn của cô. Trông Mạn giống một thị dân nghèo nhếch nhác, mặc chiếc áo khoác lông vịt màu lục trơn, đôi giày đế phẳng màu đen đã bục vết keo dán. Trong ấn tượng của mình, có lẽ đây là lần đầu Quỳnh thấy Mạn đi giày đế bằng. Mạn trở nên thô kệch, chiếc cằm nhọn đã biến mất, trên lớp da nhũn nhão là những vết ban màu nâu. Quỳnh bấy giờ mới nhớ ra trên đời này mình vẫn còn một người ruột thịt.
Quỳnh không hiểu tại sao mình lại có thể gặp Mạn giữa chốn này. Kinh nghiệm tổng kết của cô là Mạn luôn xuất hiện ở những nơi cô gặp xui xẻo, mất mát, cùng quẫn. Có lẽ lần này cũng vậy. Cô định quay lưng bỏ đi, lúc khác lại đến khám. Nhưng cô vẫn nhìn Mạn, rồi bỗng cảm thấy, giờ phút này, trong mắt Mạn ánh lên sự dịu dàng, hiền hậu. Đôi mắt đó không còn hung dữ, sắc nhọn như trước. Sự dịu dàng của tình mẹ con trong mắt Mạn kéo Quỳnh lại gần bà, thậm chí không để tâm đến việc có thể mình sẽ gặp những điều trắc trở.
Mạn không nhận ra cô, cho đến khi Quỳnh bỏ kính đen ra. Hai người nhìn nhau trong hành lang tối tăm của bệnh viện. Họ nhìn nhau. Quỳnh mặc áo khoác dài xám, bốt cao với màu xanh thẫm phối với màu hồng đào. Tóc cô bây giờ đã rất dài, dài hơn cả tóc Mạn trước đây. Son môi của cô đỏ sắc, trên người cô toả ra hương thơm của nước hoa cao cấp. Mạn ngắm Quỳnh, cô gái này thật đẹp, thật giống mình trước kia.
– Mẹ ốm à? Quỳnh hỏi. Cô vốn không thèm đếm xỉa đến bà, nhưng bộ dạng của Mạn thực sự khiến cô thấy xót xa.
– Không, mẹ đang có thai. Mạn trả lời, giọng điệu bình thản.
– Á… Hôm nay… làm phẫu thuật phải không ạ? Quỳnh kinh ngạc hỏi tiếp – cô và mẹ lại làm phẫu thuật cùng ngày.
– Không, đến khám thôi, mẹ muốn có đứa trẻ. Mạn lại bình thản đáp. Quỳnh dường như không tin vào tai mình. Người phụ nữ bốn mươi tuổi trước mặt cô là người từ khi sinh ra đã luôn oán hận, căm ghét cô. Một người mẹ căm ghét mọi đứa con, giờ đây muốn có đứa bé.
– Vì sao? Quỳnh hỏi.
Mạn ngẩng mặt lên nhìn Quỳnh, chậm rãi nói:
– Đến độ tuổi như mẹ, con tự nhiên sẽ hiểu đứa con quan trọng đến mức nào. Với con, mẹ đã thất bại, giữa hai người không có tình yêu. Điều đó đã không thể bù đắp. Mẹ cũng không hy vọng con sẽ đối xử tốt với mẹ. Không có tình yêu mà chỉ là sự hiếu thuận, đó chính là mẹ nợ con quá nhiều. Mẹ không muốn vậy. Vì thế mẹ muốn làm lại từ đầu, cố gắng sinh hạ và nuôi dưỡng một đứa con. Con đã rất thành công hôm nay, nhưng mẹ chưa hề giúp đỡ con, con cũng không thực hiện giấc mơ của mẹ. Vì vậy, sự thành công đó không liên quan đến mẹ. Sau này mẹ sẽ tận lòng dạy dỗ đứa trẻ, nó sẽ biến giấc mơ của mẹ thành hiện thực. Lúc đó, mẹ sẽ tìm thấy niềm an ủi.
Mạn nói xong, lại ngẩng mặt nhìn Quỳnh mỉm cười. Người phụ nữ kiêu hãnh, dù lâm vào tình cảnh khó khăn, vẫn không cúi mình cầu xin gì ở con gái. Bà cũng không tùy tiện giơ tay, bà ta tin mình vẫn còn thời gian và tình yêu để trao đổi.
Mạn đã bán tin tức về Tùng Vy, được một khoản tiền không nhiều, nhưng rồi lại bị một gã đàn ông cặp kè khác lừa lấy mất. Đúng trong lúc cùng quẫn, bà bỗng phát hiện ra mình có thai. Điều khiến bản thân bà không tin chính mình là cảm giác ấm áp triền miên đang sưởi ấm khắp người bà. Mạn cảm thấy trong bụng mình là một đứa trẻ đầy sức sống, đang dùng thân nhiệt vỗ về an ủi bà. Ông trời cuối cùng đã cứu vớt Mạn, cho bà một niềm hy vọng.
Lời của Mạn khiến Quỳnh suy nghĩ rất nhiều, đồng thời cũng thấy ớn lạnh. Quỳnh đặt tay lên bụng mình một cách vô thức. Thời khắc này, cô thực sự hoang mang, cô đã từng muốn từ chối sinh mạng nhỏ bé này, bởi vì trách nhiệm phía trước quá nặng nề. Nếu cô không đủ tình yêu và hy sinh bảo vệ nó, khiến nó thất vọng với cuộc đời, thì chẳng bằng đừng bắt nó phải đến với đời. Nhưng lúc này, khi cô nhìn thấy người mẹ đã luống tuổi của mình đang nâng niu sự sống bằng lòng dũng cảm của tình mẫu tử, Quỳnh bỗng cảm thấy bao nhiêu cái gọi là suy nghĩ đắn đo kia bất quá chỉ là mượn cớ trốn tránh.
Quỳnh đối diện với người mẹ mà cô từng căm ghét nhất giữa hành lang âm u của bệnh viện, lòng ngổn ngang trăm mối. Cô không biết mình nên quyết định thế nào.
Người phụ nữ ngẩng mặt nhìn con gái mình. Bà dĩ nhiên nhìn thấy nỗi đau buồn, khổ sở ẩn chứa trong ánh mắt cô. Bà hiểu Quỳnh đến làm gì. Bỗng nhiên bà cảm thấy thời gian như quay lại. Con gái chính mình là mình trước đây. Nó đứng về phía mình của hai mươi mấy năm trước. Bà cảm thấy mình đang trở lại với quá khứ, bà đang chọn lựa lại từ đầu.
Cô gái nhìn mẹ. Cô cảm thấy mặt bà nghiêm trang, và vẫn thoáng nét kiêu hãnh, tự tin. Tất cả thật giống với nhiều năm trước, phía trước cô là một thiếu phụ như cánh chim khổng tước rực rỡ. Cô bỗng thấy, có lẽ đây chính là điều Trầm Hoà đã nói – thời gian thật ghê gớm. Thời gian trôi thật nhanh, những hận, những sầu của người phụ nữ này đã bị san bằng. Lúc này đây, bà lại lên đường, gọn gàng, ngay ngắn.