Trước kỳ thi đại học hai tháng, tất cả trở nên căng thẳng khẩn trương. Nhà trường đóng cửa, không cho ai vào thăm. Quỳnh không gặp được ai, kể cả Trác. Mọi người cắm đầu vào học, ôm giấc mơ cuộc sống trong trường đại học và ra sức phấn đấu. Quỳnh quyết định thi vào trường S. Bởi đó là trường chú Dật Hán đã học, cũng bởi vì đó là ngôi trường đầy chất nghệ thuật. Quỳnh đăng ký khoa văn ở đó. Nghĩ tới sắp được đến học ở trường cũ của chú Dật Hán, cô cảm thấy phấn chấn.
Nhưng thời gian đó, tâm lý của Ưu Di lại không tốt. Cô biết mình học kém, trường S thì chắc chắn không vào nổi. Nghĩ tới sắp phải chia tay Quỳnh, cô buồn:
– Quỳnh ơi, mình biết ấy sau này nhất định sẽ là một người nổi tiếng, không biết khi đó ấy còn nhớ mình không?
– Cái gì mà nhớ không nhớ? Bọn mình phải ở bên nhau, vĩnh viễn không chia lìa. Quỳnh nói.
– Mình chẳng có gì đặc biệt. Chẳng qua là gặp nhau khi ấy đang khốn khó. Sau này ấy sẽ có nhiều bạn bè, lúc đó mình sẽ ra đi.
Quỳnh vẫn luôn nhớ lời nói của Ưu Di vào lúc xuân hạ giao mùa ấy. Về sau nhớ lại ánh mắt lấp lánh của Ưu Di khi nói vậy, Quỳnh nghĩ cô ấy thực sự là một phù thuỷ biết trước tương lai.
Mùa hè nóng nực đến cùng đợt thi đại học khốc liệt. Quỳnh cảm nhận từng cơn bổi hổi pha lẫn rạo rực. Cô tự nhủ, mình sắp trở về. Nhưng thi xong, Quỳnh vẫn chưa về nhà mà ở lại trường, khắc khoải chờ đợi kết quả thi. Cô thậm chí không hề nghĩ rằng mình sẽ thi hỏng. Không hiểu vì cớ gì, cô tin chắc rằng mình đã bước lên con đường ngày một tươi đẹp hơn, đã có tư thế để cất cánh. Và sự thật đã chứng minh điều đó. Quỳnh thi đỗ vào trường đại học S.
Ưu Di không ngạc nhiên hay buồn bã cho lắm về sự trượt đại học của mình. Cô bảo rằng điều đó với cô không hề quan trọng. Cô chỉ muốn Quỳnh luôn nhớ, luôn sát cánh cùng cô là đủ.
“Ấy vĩnh viễn không được quên mình đấy!” Ưu Di nhấn mạnh. Lần này Quỳnh không cười nữa, cô nhìn Ưu Di một cách trang trọng. Cô biết Ưu Di thật đáng quý, có ân tình sâu nặng với mình. Quỳnh nghĩ dù thế nào chăng nữa, cả cuộc đời này sẽ không bao giờ xa Ưu Di.
Cuối cùng đã đến lúc trở về, đến lúc gặp ông, đến lúc tìm lại tình yêu của ông. Sớm hôm ấy, Quỳnh lại đứng trước tấm kính màu nâu ở khu nhà văn phòng. Tấm kính đó có ý nghĩa khác thường đối với Quỳnh. Cô vẫn còn nhớ lần đầu tiên cô đến nơi này, nó đã làm cô chấn động tâm can, dường như nó đã đưa Quỳnh đến hang cùng của tuyệt vọng. Nhưng cũng chính vì đã đứng ở nơi đây, Quỳnh đã ra lệnh cho gương mặt trong kính phải hoàn hảo hơn lên. Những giây phút đó tưởng như đã ở một thế giới khác.
Quỳnh chuẩn bị lên đường, bỗng cảm thấy bối rối. Cô phân vân chọn quần áo để mặc. Phải ăn mặc thế nào khi ra mắt Dật Hán lần này? Ưu Di à Ưu Di, bạn bảo mình nên mặc áo gì đây? Tóc mình để kiểu gì?
Buổi chiều, hai đứa bày tất cả áo quần ra giường, thẩm duyệt từng chiếc một. Quỳnh định chọn màu sắc lạnh một chút, mang lại cảm giác bình tĩnh. Vì thế cô chọn một chiếc sơ mi màu tím sẫm. Trên nền áo là những hoa văn chìm – hình những bông hồng. Cổ áo đứng, miệng cổ và tay áo đều có voan. Lớp voan mềm rũ ôm lấy áo như những sợi tơ kẹo bông. Chiếc áo thắt eo, mặc vào như công chúa nước Pháp. Quỳnh mặc nó với chiếc đầm lửng bằng lụa có muôn vàn sợi tơ màu bạc và nhiều giải lụa khâu rút ở phía trên, thả xuống những vòng cung mềm, mang phong cách Trung thế kỷ. Quỳnh chọn đôi tất ngắn màu trắng xanh có diềm ren cùng màu, đi với đôi giày đen mũi tròn. Đôi giày được đánh bóng loáng, phản chiếu ánh sáng lấp lánh. Ưu Di giúp Quỳnh buộc tóc. Cô rẽ phần tóc ngoài ra hai bên, tết thành những bím tóc mảnh rồi thả ra sau lưng lẫn trên nền tóc bên dưới rồi dùng cặp tóc có nơ hình bướm cố định chúng lại. Quỳnh đứng trước gương. Cô gái trong gương ăn mặc xinh đẹp, phảng phất hương vị của thời gian xa xôi. Trông hơi buồn cười. Nhưng cô quả thật là xinh đẹp. Áo váy, giày, tóc đều dệt nên một lớp ngoài sang trọng. Cô đã hoá thân thành một cô gái đủ sức đóng vai một công chúa quý tộc. Quỳnh nắm chặt nếp váy, như sợ tất cả chúng bỗng biến mất.
Ưu Di đánh phấn màu tường vi nhàn nhạt và son môi không màu cho Quỳnh. Cô bảo Quỳnh cực kỳ giống một búp bê đắt tiền ở những cửa hiệu bán quà cao cấp.
Quỳnh chuẩn bị xuất phát. Trở về nhà, gặp ông ấy. Đã rất lâu rồi cô không gặp ông, bởi vì bận thi cử nên cũng không thư từ gì.
Ưu Di tiễn Quỳnh lên xe công cộng để về nhà. Hai đứa có rất nhiều thứ muốn nói, nhưng chúng bỗng có vẻ rườm rà, thừa thãi. Ưu Di chỉ giúp Quỳnh kéo lại chỗ áo hơi bị nhăn, nhìn vào mắt Quỳnh bảo:
– Cố lên nhé!
Quỳnh gật mạnh. Xe chuyển bánh. Quỳnh nhìn qua cửa thấy Ưu Di bé nhỏ, mặc bộ váy liền thân màu xanh nhạt, đang ra sức vẫy tay với cô.
Quỳnh đi chuyến xe công cộng sáng sớm đầu tiên rời khỏi trường. Gần ba năm, cô không rời xa chốn này. Đây là chiến hào tốt nhát, là doanh trại của cô. Quỳnh như một chiến sĩ đanh gánh vác sứ mệnh quan trọng, ngày đêm tập luyện đổ người, xạ kích.v.v…tại đây. Tại đây cô bị thương, cô bình phục, đã rèn luyện trở nên kiên cường, dũng cảm. Ba năm, cô đã rèn luyện trở thành một chiến sĩ thực sự chưa? Cô đã trang bị đầy đủ vũ khí để bước ra chiến trường chưa? Ngồi ở hàng ghế lắc lư phía cuối xe, Quỳnh nhô đầu ra ngắm ngọn đồi thâm thấp ở phía ngoài. Đang giữa mùa hè, hoa hướng dương nở rực rỡ. Quỳnh bỗng nhận ra rất nhiều loại cây trồng với Ưu Di trước đây đều mọc lên, có thạch lựu, có trúc đào. Rất lâu không ra đấy, đã thành ra cả một vườn cây đủ loại rồi. Chúng có nhớ không nhỉ, những cô gái đầy mơ ước đã trồng hoa ở nơi đây? Chúng có nhớ sự vô tư vô lự của hai cô gái dắt tay nhau chạy trên gò. Còn sân vận động, còn vườn cây góc trường nữa. Tạm biệt, tạm biệt. Quỳnh cuối cùng đã về nhà.
Cuối cùng Quỳnh đã trở lại trước nhà số 3 phố Đào Lý. Cô phấn khởi xen lẫn luống cuống, đứng trước cửa. Cô lại nhìn thấy cây tường vi bám đầy cổng. Năm nay, tường vi mọc tốt lạ thường. Cổng không khoá, cô bước vào trong. Lại nhìn thấy vườn hoa của chú Dật Hán, nhưng có hơi khác với tưởng tượng của cô. Chú Dật Hán đã nói muốn thi với cô, nên hoa hướng dương được chăm sóc đặc biệt sẽ mọc sum suê, nở rực rỡ mới đúng. Cây thạch lựu tới lúc kết trái, đáng lí phải treo đầy như những chiếc đèn lồng nhỏ. Thế mà, trong vườn chẳng có mấy sắc màu. Đám cây trúc đào tàn úa ngay giữa mùa hè rực rỡ. Những bông hoa ủ rũ còn cố giữ chút sắc hồng như đang cố gắng đợi chủ nhân của chúng quay về, bù đắp cho chúng dòng nước mà chúng phải chịu khát suốt mùa này. Cây thạch lựu như vừa trải qua một trận cướp phá, gầy guộc nép vào góc vườn. Trong vườn chỉ có cỏ mọc thật cao, hung hăng vươn ra tứ phía đầy hoang dã.
Quỳnh kinh ngạc. Sự điêu tàn ở đây khiến cô không tin mình đã trở về nhà số 3 phố Đào Lý. Nơi đây đã từng thật sum suê tươi tốt cơ mà. Quỳnh bước tới trước ngôi nhà trắng nhỏ. Chú voi con ơi, lâu lắm rồi, mày có khoẻ không? Quỳnh bấm chuông. Trong lòng hết sức hồi hộp. Không biết có phải là chú Dật Hán sẽ ra mở cửa không nhỉ? Chú nhìn thấy mình sẽ tỏ ra thế nào? Quỳnh hồi hộp, kiểm tra mình từ đầu đến chân một lần nữa: áo quần có ngay ngắn không, đầu tóc có gọn gàng không, miệng có phải đang mỉm cười tươi tắn không. Thế nhưng, đợi mãi vẫn không có ai ra mở cửa. Quỳnh quay lại nhìn, xe của Mạn không có nhà. Cô hơi thất vọng, tiếp tục nhấn chuông, rồi gọi Trác “Trác ơi!”. Lại phải một lúc lâu sau mới có người ra mở cửa. Cô nhìn thấy Trác.
Trác đang mặc áo ở nhà màu xanh mực, hai tay dính đầy bùn. Có lẽ cậu ta đang nặn tượng. Trông cậu có vẻ mệt mỏi, nhất định là bị ốm. Khi Trác ốm, người thể nào cũng lạnh ngắt, chỉ cần lại gần đã có thể cảm thấy. Tóc Trác lâu rồi không cắt, che cả một bên mắt. Con mắt còn lại nhìn với vẻ chậm chạp, tư lự. Một lúc cậu mới nhận ra Quỳnh đang đứng ngoài cửa. Trác ôm chầm lấy Quỳnh, nhưng rất thận trọng, hai khuỷu tay kẹp lấy hai vai Quỳnh, hai tay không dám làm bẩn áo mới của cô. Trác kêu lên:
– Chị nhỏ!
Quả thật Trác đang rất lạnh, đến mức xót xa, chẳng khác gì nhiệt độ của một khối thạch cao. Điều đó khác với những ưu buồn hằng ngày của cậu. Quỳnh nhìn với qua vai Trác vào phòng khách, chỉ thấy một lớp bụi thời gian đã phủ lên mọi vật từ lâu rồi, ghế bành, thảm nền, giàn hifi, tất cả đều vậy. Còn bình hoa cổ cao đang cắm một bông Calla Lily đã ngả màu nâu xám, chắc chắn chỉ cần chạm nhẹ chúng sẽ rơi xuống lả tả. Quỳnh bước vào phòng khách. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng, khi về nhà lại là một khung cảnh như thế.