Thoát Bắc Giả

Chương 2: Thẻ cư trú



Suginami nằm phía tây Tokyo, là đô thị vệ tinh có môi trường tự nhiên phong phú.

Đi chuyến tàu tốc hành xuống tại ga Nishi–Ogikubo, rồi đi bộ chừng mười phút là có thể tới khu nhà trọ đơn sơ cao ba tầng.

Bây giờ đã hơn bảy giờ tối, mọi dấu vết của ban ngày nay chỉ còn lại vệt tím đậm vắt vẻo nơi chân trời.

Cô đi vào cửa hàng tiện lợi, dùng thẻ tín dụng mua bento rồi ngồi lên ghế cao ở đối diện đường chính, thong thả ăn hết hộp cơm. Trong lúc đấy, ánh mắt vẫn chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ, như dã thú đi săn, cảnh giác với từng người qua lại trên đường phố.

Nhân viên thu ngân là học sinh cấp ba ở trường học lân cận, tranh thủ thời gian ngoài giờ học mà đi làm thêm. Mấy tháng gần đây, ngày nào cậu ta trực ca tối cũng sẽ gặp bà chị văn phòng đi sớm về trễ này.

Không giống đại đa số dân trong vùng, cô gái này có dáng người cao gầy, cao gần 170 cm. Da trắng như con lai, tròng mắt lại đen như mực, lúc mỉm cười khóe miệng hơi nhếch lên, như gần như xa.

Cậu học sinh cấp ba thường hay đỏ mặt chào hỏi đối phương, nhưng chưa bao giờ có chú ý dư thừa nào.

Ăn bento xong, cô cho hộp cơm vào thùng rác, chọn vài thứ đồ dùng cá nhân rồi nhanh chóng ra khỏi cửa hàng tiện lợi. Vừa ra đến trước cửa, cô không quên cúi người chào bên quầy: “Vất vả rồi.”

“Chị đi đường cẩn thận ạ.” Cậu học sinh cấp ba đang suy nghĩ miên man vội vã đáp lễ, đến khi ngẩng đầu thì đã chẳng thấy bóng dáng cô gái đâu.

Cuộc sống ở Tokyo khá thuận tiện, dưới nhà trọ có ba cửa hàng tiện lợi cùng hai siêu thị bán đồ ăn là chính.

Chọn giải quyết vấn đề ăn uống ở đây, chủ yếu là vì cân nhắc đến vị trí địa lý và thiết kế lắp đặt tường kính thủy tinh: gần đường phố thông suốt không trở ngại, dễ dàng thoát thân bất cứ lúc nào; đứng ở ngoài cửa là có thể thấy rõ tình hình trong phòng, loại bỏ nguy hiểm ẩn giấu bên trong – dù ngày nào cũng ăn uống như nhau, nhưng cô không hề thấy khổ.

Cô ở tầng hai nhà trọ, căn phòng nằm gần hành lang nhất, cũng thông với lối chạy thoát thân. Trên bệ cửa sổ ngoài cửa lớn có mấy chậu cây xanh tinh xảo, trong phòng trang trí đơn giản ấm áp.

Trên thảm chân có lớp bụi mỏng, nếu không nhìn kỹ thì không phát hiện được. Giả dụ có người từng viếng thăm, ắt sẽ lưu lại dấu vết.

Nương theo ánh đèn đường quan sát chốc lát, sau khi chắc chắn không có vấn đề gì, cô mới lấy chìa khóa ra mở cửa.

Tiện tay bật sáng đèn trong phòng, đá rơi giày cao gót trên chân, xoay người đi vào nhà vệ sinh, cởi quần áo rồi đồng thời bật nước để tắm.

Từ cần cổ trơn nhẵn đi xuống, một vết sẹo dữ dằn nằm ngang sống lưng, lại có mấy vết đạn như ẩn như hiện không nhìn rõ. Trên thực tế, bị thương không ảnh hưởng gì đến hành động của cô, mỡ cơ thể còn săn chắc hơn cả cơ thể cân đối, dưới đường cong cơ bắp hàm chứa sức bật cường độ cao.

Chỉ có huấn luyện kiên trì lâu dài lấy thực chiến làm mục đích thì mới có thể giữ được trạng thái như vậy.

Chỉ một chốc bồn tắm đã đầy nước, vặn tắt vòi nước, bốn phía lại lần nữa chìm vào im lặng. Nhắm mắt lại, phạm vi thính lực mở rộng đến ngoài vách tường, trực giác như động vật hoang dại loại bỏ dần nguy hiểm ẩn bên trong.

Tới khi chắc chắn không có bất cứ tiếng động lạ nào, cô mới gỡ xuống phòng bị, thả người vào trong làn nước.

Ngày mai còn có rất nhiều chuyện phải làm, tối nay phải nghỉ cho lại sức.

Cô đã quen với giấc ngủ nông, rất ít khi năm mơ, không cần lo vì nói mớ mà tiết lộ bí mật. Nhưng vào giây phút đèn điện tắt đi lúc này, bốn phía rơi vào hỗn độn, cảnh tượng trên bến tàu sáng nay lại lần lượt lướt qua trước mắt.

Tàu gỗ mục nát, khoang tàu u ám, cùng con ngươi màu xám tro.

Con người là động vật có tính xã hội, lênh đênh trên biển thời gian dài, so với các nhu cầu cơ bản như ăn uống thì nghĩ cách giữ được tỉnh táo lại càng khó khăn hơn.

Cô độc, sợ hãi, tuyệt vọng, giãy giụa, đủ để xé nát lý trí thành từng mảnh vụn.

Dưới vẻ bề ngoài đầu bù xù mặt dơ bẩn ấy, cô rất chắc chắn người còn sống đó không những không suy sụp, trái lại còn có ý chí kiên định —— ánh mắt bình tĩnh không gợn sóng là bằng chứng tốt nhất.

Dẫu cho thiếu dinh dưỡng mà rất yếu ớt, nhưng dáng người thon dài cùng tư thế phòng bị vẫn chứng minh được người đàn ông này có thân thủ bất phàm.

Trong bóng tối, cảm giác đè nén phong bế như bóng với hình, ngay cả cô cũng bị ép phải vùng vẫy phản kháng, song lại chẳng thế nào xé được màn sương mù dày đặc trước mắt.

Đây là trận chiến không có điểm cuối, trừ khi bó tay chịu trói, nếu không phải xuất ra toàn thủ đoạn bản lĩnh.

Tiếng đại bác, tiếng rên rỉ, xương gãy, máu thịt đầm đìa, đủ mọi tạp âm vang vọng bên tai, nhưng trước sau vẫn không thấy rõ tình hình bên cạnh; cảm nhận được đau đớn, hít thở khó khăn, cơ thể bị kiềm chế, công kích bị đón đỡ, phản kháng không hiệu quả, chỉ còn lại tiêu vong cùng tuyệt vọng vô biên.

Cuối cùng, khi nhẫn nại đến cực hạn thì dứt khoát buông tay, để mặc cơ thể rơi vào bóng tối bất tận. Ở nơi sâu nhất, ý thức bị ánh mắt mãnh liệt của người nào đó chụp lấy, lúc ngoái đầu lại thấy được đôi mắt trầm tĩnh như biển.

Mồ hôi đầm đìa ngồi bật dậy, đồng hồ trên đầu giường đã chỉ sắp năm giờ, ánh sáng mờ mờ ngoài cửa sổ xuyên qua rèm cửa, bắt đầu một tiếng tập đồng hồ không dụng cụ.

Phương pháp rèn luyện này được gọi là ‘tập thể dục kiểu tù nhân”, chủ trương dựa vào trọng lượng để thách thức cực hạn của cơ thể, từ đó đảm bảo mỗi một cơ bắp đều có thể dùng để phát lực và tấn công, chứ không phải chỉ là chiêu thức võ thuật nhìn cho đẹp.

Quá trình tập luyện cụ thể vừa đau đớn lại tàn khốc, gần như là khiêu chiến bản thân bằng những khả năng không tưởng. Đối với cô mà nói, đây là hành hạ mà cũng là nhắc nhở, là thứ mình cần nhất trước mắt.

Kết thúc thời gian tập luyện, tắm rửa thay quần áo, TV được chuyển qua kênh tiếng Hàn, cô vừa dọn dẹp nhà cửa vừa luyện tập thính lực.

Khi vầng thái dương hoàn toàn ló rạng từ chân trời, đồng hồ đầu giường chỉ đúng số “7”.

Trước khi ra khỏi cửa, cô nhón lấy một nhúm đất ở chậu hoa trên bệ cửa, đầu ngón tay nhẹ nhàng nghiền nát, lúc khóa cửa đồng thời rải đất lên trên thảm chùi chân.

Cây trong chậu lay động rồi nhanh chóng đứng yên lại lần nữa – thì ra đấy chỉ là hoa giả được làm rất chân thực.

Dù đã chắc chắn không có ai theo dõi, cô vẫn hòa vào dòng người đi làm giờ cao điểm, đổi liên tục mấy chuyến tàu. Đến chín giờ, cô mới lên chuyến tàu Shinkansen đi về thành phố Kobe.

Sau trận động đất Hanshin xảy ra vào năm 1995, thành phố nằm tại tâm địa chấn đã tắm lửa sống lại. Trải qua nhiều năm xây dựng, quy mô thành phố và dân số đều đã vượt qua tiêu chuẩn trước động đất, được cho là thành phố đáng sống nhất ở Nhật Bản.

Đến trưa, cô tới trước bia tưởng niệm vụ động đất ở trong công viên Higashi Yuenchi.

Trận động đất đã cướp đi hơn sáu nghìn tính mạng con người, trong đó có không ít phụ nữ và trẻ nhỏ. Trên bia tưởng niệm khắc chằng chịt những con chữ, tên họ của những người gặp nạn được sắp xếp lần lượt theo tuổi tác lớn nhỏ.

Nghiêm túc cúi mình vái lạy, cô ngẩng đầu nhìn phần cuối của bia tưởng niệm, bên dưới “Suzuki Keiko” của quận Hyogo là một nạn nhân ở quận Chuo lúc đó chỉ mới năm tuổi – “Higashi Toda”.

Không quá do dự, cô xoay người rời khỏi công viên, đi về văn phòng quận Chuo ở đối diện đường cái.

Nhân viên đón tiếp rất nhiệt tình, thân thiết hỏi có cần giúp đỡ gì không.

Hai tay đưa danh thiếp ra, cô nhẹ nhàng lịch sự nói: “Có một khoản bảo hiểm tín thác vừa đến kỳ hạn có hiệu lực, nhưng người thụ hưởng đã qua đời trong trận động đất cách đây 20 năm. Để bố mẹ có thể kế thừa khoản tiền này thì cần phải làm giấy khai sinh và giấy khai tử.”

Mặc dù quy mô công ty Saito không lớn, lại có lịch sử lâu đời, nhưng phần lớn người Nhật Bản đều biết đến nó.

“Xin chờ một lúc ạ.” Nhân viên đón tiếp rút hai tờ đơn ở trên tủ xuống, “Điền xong rồi đưa tới trước cửa sổ là được.”

“Cám ơn.”

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân chính phủ phổ biến “chế độ cấp số chứng minh nhân dân”, đánh thuế mạnh theo đầu người. Sau cuộc chiến, xã hội Nhật Bản cực kỳ nhạy cảm với chế độ phân biệt thân phận, không thể nào thống nhất được công tác quản lý hộ tịch của công dân, cũng không có mạng lưới liên lạc giữa hệ thống thông tin ở các nơi.

Văn phòng chính phủ là chính quyền địa phương cơ bản nhất, thường xuyên đảm nhận các công việc kiểm tra như thế này ở trong khu vực quản hạt. Giấy khai sinh và khai tử của “Higashi Toda” nhanh chóng được in ra rồi lần lượt đóng dấu.

“Đã làm phiền cô rồi.” Nhân viên kiểm tra bảo hiểm nở nụ cười, cúi người chào rồi xoay người rời đi.

Trên đường ngồi Shinkansen trở về, cô vào nhà vệ sinh dặm lại lớp trang điểm, xé nát tờ giấy khai tử rồi ném vào bồn cầu, để nó trôi theo dòng nước.

Có giấy khai sinh là có thể xin thẻ cư trú ở Tokyo.

“Thẻ cư trú”* là một tờ giấy A5 không dán ảnh chân dung, bên trên ghi rõ thông tin cá nhân của công dân, là chứng nhận thân phận nguyên thủy nhất của quốc dân Nhật Bản – quan trọng hơn là, tờ giấy này chỉ có thể xin được khi có giấy khai sinh.

(*Thẻ cư trú hay còn gọi là thẻ Juminhyou, là một loại thẻ giống như sổ hộ khẩu ở Việt Nam do tòa thị chính của thành phố tại Nhật Bản cấp.)

Khó mà tưởng tượng nổi, một quốc gia có nền văn minh công nghiệp và nền kinh tế thị trường phát triển cao như Nhật Bản lại còn dùng phương pháp nguyên thủy này để quản lý dân số.

Nhưng cân nhắc đến tâm lý bài ngoại nghiêm trọng của Đại Hòa dân tộc*, cùng quan hệ tông tộc và thân tộc kéo dài từ thời Minh Trị, thì những người ngoại lai không nói tiếng Nhật thuần, không sinh ra lớn lên trong nền văn hóa hay thiếu thân phận hợp pháp thì chẳng các nào hòa nhập vào xã hội bản xứ được, cuối cùng rồi vẫn bị cảnh sát để mắt tới.

(*Đại Hòa dân tộc hay là người Yamato là tên cho nhóm dân tộc bản địa ở Nhật Bản. Thuật ngữ xuất phát từ cuối thế kỷ 19 để phân biệt với cư dân ở nội địa với các nhóm dân tộc nhập cư cư trú các khu vực ngoài Nhật Bản.)

Có điều đối với cô mà nói, có thẻ cư trú là đủ rồi.

Nhờ vào giấy khai sinh, thẻ cư trú của “Higashi Toda” có được dễ như trở bàn tay, những giấy chứng nhận khác cũng được xin một cách hợp pháp: bằng lái xe, thẻ bảo hiểm, hộ chiếu…

Ngoại trừ trình độ học vấn không cách nào giải quyết được trong chốc lát ra, thì mọi thứ khác đều rất suôn sẻ.

Đây không phải lần đầu tiên cô lấy hộ chiếu hay thẻ bảo hiểm, sau khi mở tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng thì thẻ tín dụng cũng có hạn mức cơ bản.

Muốn lấy được bằng lái xe ở Nhật Bản thì có hai cách, một là đến trường học rồi thi; một cách khác là tự học rồi đến đồn cảnh sát thi. Để tránh có những nghi ngờ không cần thiết, cô chọn cách đăng ký vào trường như đại đa số mọi người, giả vờ không có bất cứ kinh nghiệm lái xe gì.

Ba tuần sau, cú điện thoại đến từ tỉnh Ishikawa vang lên lúc đang đi học.

“Xin chào, xin hỏi có phải là cô Suzuki ở công ty Saito không?”

Mặc dù thân phận “Suzuki Keiko” đã bị bỏ đi, nhưng điện thoại dưới tên cô vẫn giữ thông – mục đích chính là để nhận được cuộc gọi bây giờ.

Cách ống nghe, giọng đối phương truyền tới rõ ràng, dù thái độ phải phép, nhưng vẫn có thể nghe ra cảm xúc lo âu mơ hồ.

Cô hắng giọng, đi đến hành lang ngoài phòng học, thấp giọng trả lời: “Đúng thế.”

“Tôi là người ở bệnh viện Trung ương tỉnh Ishikawa.” Người nọ thở phào một hơi thấy rõ, vội giải thích, “Tháng trước ở bến tàu có đưa đến một nạn nhân gặp nạn trên biển, quản lý bến tàu để lại thông tin liên lạc của cô, nói là có vấn đề gì thì có thể liên lạc.”

“Không sai.”

“Tốt quá rồi… Ở chỗ chúng tôi xảy ra chút chuyện, e là phải phiền cô đến một chuyến.”

__

Lời của tác giả: Quả thật Nhật Bản không có chế độ hộ tịch nghiêm khắc, chế độ thẻ căn cước ban đầu được thực hiện bởi chính phủ Abe vào tháng 1 năm 2016 cũng đang phải đối mặt với việc thẩm tra không hợp hiến. Còn về cụ thể thủ đoạn ngụy tạo thân phận, các bạn có thể tham khảo tác phẩm “The Day Of The Jackal” của Frederick Forsyth, trong đó có miêu tả cách lấy hộ chiếu Anh Quốc giả.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.