Vì quỹ thời gian eo hẹp nên Hoàng Phi muốn dành hết hai tuần cho Thoại Uyên. Gia đình hai bên đều đã nhìn ra anh thật sự có tình cảm với cô. Chị hai Thoại Khanh từng phản đối nhiều nhất, giờ thấy sự chân thành của Hoàng Phi cũng đã thay đổi cái nhìn.
Hiện tại chỉ còn mỗi dì út của Thoại Uyên thích chống đối bà ngoại, nên ghét luôn người cháu rể do bà chọn. Thêm nữa dì út đang qua lại với người đàn ông kia và con trai vị này có cảm tình với Thoại Uyên, đương nhiên dì út phải ủng hộ người phe mình.
Hoàng Phi cũng biết dì út không chào đón nhưng anh phải bảo vệ tình cảm của mình, sẽ không để ai có cơ hội nhảy vào phá đám. Con đường tình anh đi xem ra không hề suôn sẻ. Ngoài chuyện bị dì út ghét bỏ, nỗi khổ sầu khác lớn hơn là anh có tình, còn cô gái khờ khạo kia hoàn toàn vô ý.
Cho đến giờ phút này Thoại Uyên vẫn hành xử theo cảm tính. Biết anh chiều chuộng nên đôi lúc nhõng nhẽo, nhưng tình cảm của cô chỉ dừng lại ở mức độ anh trai và em gái, hoàn toàn không phải kiểu cô gái nũng nịu với người yêu, hay tận dụng quyền lợi bạn gái để đòi hỏi bạn trai.
Thoại Uyên cũng không thích hành hạ anh. Mỗi lúc đi học cô đều muốn tự mình chạy xe. Tất nhiên Hoàng Phi không thuận theo. Anh về Việt Nam vì cô, giờ cô đi học bỏ anh, điều này sao có thể. Hơn nữa anh đã mua xe và nó dùng để đưa đón cô, không phải để trùm mền. Thế nên lúc nào Thoại Uyên đi học ở trường hay ở trung tâm, anh đều xuất hiện trước nhà cô.
Hôm nay Hoàng Phi đưa Thoại Uyên đến trường học hai tiết cuối. Và thay vì về nhà nghỉ ngơi thì anh lại ngồi quán café gần trường chờ cô tan học. Hoàng Phi thấy mình như mấy ông bố Việt Nam đang sinh sống và làm việc bên Mỹ. Chỗ các bé học xa nhà nên họ thường nằm ngoài xe chờ rước về để đỡ phải di chuyển.
Thật ra Hoàng Phi không cần đợi giống họ. Từ trường Thoại Uyên về nhà cũng gần, chỉ là anh như không muốn xa cô nên mới ngồi ở trường chờ cô. Điều này vô tình biến anh thành người anh trai tận tụy. Thêm một nguyên nhân khiến Hoàng Phi tình nguyện chịu khổ là anh rất thích nhìn Thoại Uyên mỗi lúc chạy ra cổng trường dáo dát tìm xe anh.
Dù biết Thoại Uyên vội vàng chỉ vì ngại anh đợi, nhưng biểu hiện của cô khiến Hoàng Phi vui vì tự huyễn hoặc rằng cô cũng đang nôn nao gặp anh. Rõ ràng tâm tư của cô hoàn toàn trong sáng, nhưng Hoàng Phi lại không phiền. Tương lai cô sẽ là vợ anh, chuyện này đã được định, Thoại Uyên có chạy đằng trời cũng không thể thoát.
Hoàng Phi uống xong ly cà phê cũng sắp đến giờ Thoại Uyên tan học. Đợi thêm vài phút đã thấy bóng dáng thân thương xinh xinh chạy ra cổng trường. Chưa kịp nói lời yêu chiều thì anh phát hiện sau lưng Thoại Uyên còn có ba cô gái khác.
Thoại Uyên nhoẻn miệng cười tươi với anh phút trước, rồi một giây sau bắt đầu ngập ngừng như muốn xin gì đó mà chưa dám. Kiểu này chắc chắn cô lại gặp rắc rối. Quả nhiên như anh dự đoán, Thoại Uyên lúng túng mở miệng:
“Anh Phi ơi, nhờ anh gọi ngoại xin cho em ăn trưa ở ngoài được không? Bữa nay Uyên phải học nhóm với bạn. Giảng viên mới cho bài tập để ngày mốt thuyết trình trước lớp. Tụi em không còn nhiều thời gian. Nếu bây giờ về nhà ăn cơm là ngoại sẽ không cho ra ngoài và em không học nhóm được. Anh Phi giúp Uyên đi.” Thoại Uyên níu tay Hoàng Phi vô cùng tự nhiên.
Cô nhỏ này luôn luôn như vậy. Chỉ khi cần cầu cứu gì đó mới chịu va chạm anh. Hành động thân mật vô trách nhiệm này đã trở thành thói quen của Thoại Uyên. Lúc này Hoàng Phi đang tựa người vào xe, Thoại Uyên đứng cạnh tiếp tục lôi kéo. Ba cô bạn phía sau kín đáo ngó anh tò mò. Trong lòng họ đang ôm một bụng thắc mắc.
Thoại Uyên không có anh trai, vậy người thanh niên soái ca này ở đâu ra? Sao lại xuất hiện ở cổng trường đón Thoại Uyên. Kiểu cách của hai người không hề giống người yêu, cũng chẳng phải anh trai em gái. Nó lạ lùng thế nào rất khó giải thích. Các cô chỉ cảm nhận được là nụ cười của người này dành cho Thoại Uyên có chút cưng chiều. Và Thoại Uyên dường như cũng rất ỷ lại vào anh ta.
Ba đứa chơi thân với Thoại Uyên mấy năm nay và hiểu Thoại Uyên trẻ con luôn bị bà ngoại mình quản thúc, làm sao có người yêu cho được. Hơn nữa đời bây giờ có mấy ai thích yêu trẻ con? Anh chàng này không lẽ là người anh họ trong truyền thuyết của Thoại Uyên?
Nhưng anh họ thường không chiều em họ đến mức này. Trời đang nắng đổ lửa mà ông anh vẫn chịu khó đứng chờ Thoại Uyên tan học, thái độ chẳng hề mất kiên nhẫn. Thoại Uyên lại nhõng nhẽo với anh, kiểu hành xử của cô như một thói quen giao tiếp hằng ngày giữa hai người.
Ba cô tiếp tục tò mò ngó hai người, đặc biệt là Mỹ Phượng. Cô đã nhìn ra Hoàng Phi là Việt kiều. Cách ăn mặc của anh dù bình dị, nhưng lại sang trọng. Trên người phảng phất mùi nước hoa rất dễ chịu, không giống mấy bạn trai cô từng quen, lúc nào cũng nồng nặc hương thơm rẻ tiền.
Chưa cần Thoại Uyên khai thì Mỹ Phượng đã đoán được người đàn ông này là anh bà con Thoại Uyên từng khoe lúc trước. Tự nhiên Mỹ Phượng vượt lên đứng cạnh Thoại Uyên rồi gật đầu chào Hoàng Phi. Hành động của cô rõ ràng ép Thoại Uyên phải giới thiệu mình với anh.
Hoàng Phi gật đầu chào Mỹ Phượng nhưng rồi hai mắt của anh lại tập trung vào Thoại Uyên: “Uyên muốn học nhóm cũng được, nhưng phải ăn trưa trước.”
“Thì em ăn với bạn rồi mới học mà. Học xong em sẽ tự đón xe về. Anh Phi về trước xin ngoại giúp em nha.” Thoại Uyên dài giọng năn nỉ.
“Anh sẽ gọi điện thoại xin ngoại. Em cứ lo học. Anh đợi em học xong rồi chở về.”
“Ồ như vậy đâu có được. Uyên học chẳng biết khi nào xong. Anh Phi chờ sẽ mệt. Với lại Uyên ngại anh Phi chờ.”
Lần này không phải mỗi Mỹ Phượng lăn tăn suy nghĩ, hai cô bạn còn lại là Hằng Nga và Thùy Linh cũng nghi ngờ Hoàng Phi và Thoại Uyên chẳng phải anh em họ. Đến anh ruột còn chưa kiên nhẫn với em gái đến mức này nói chi anh họ. Ba cô tiếp tục nhìn hai người khó hiểu.
Hoàng Phi vẫn chỉ để ý Thoại Uyên: “Anh không sao, nhưng em định ăn gì trưa nay?”
“Dạ tụi em mua cơm hộp. Ba đứa vào trường tìm một góc ngồi xuống ăn rồi học nhóm luôn.”
“Ăn cơm hộp làm sao đủ sức.” Hoàng Phi không hài lòng. “Để anh gọi xin ngoại trước, rồi đưa mấy đứa đi ăn.”
Thùy Linh và Hằng Nga ngại nên từ chối: “Dạ thôi, tụi em mua cơm hộp ăn được rồi ạ.”
Thoại Uyên cũng sợ phiền Hoàng Phi nên ra sức bàn ra, chỉ một mình Mỹ Phượng im lặng. Hoàng Phi không nghe các cô dông dài, chỉ tập trung bấm điện thoại xin phép bà Lan: “Ngoại ơi, ngày kia Thoại Uyên thuyết trình nên hôm nay phải ở trường học nhóm. Con cũng ở đây đợi cô bé học xong rồi đưa về. Ngoại cho phép tụi con ăn bên ngoài luôn ạ.”
Người già đôi khi rất kỳ lạ. Rõ ràng lúc trước bà Lan kiểm soát Thoại Uyên vô cùng chặt chẽ, không có chuyện thả cô đi rong sau khi tan học. Giờ có Hoàng Phi bảo kê, bà chẳng những không cấm cản mà còn vui sướng giao Thoại Uyên cho anh, cứ như có cháu rể song hành thì cháu gái sẽ được an toàn.
“Vậy con để ý Thoại Uyên cho ngoại nhé Phi, đừng cho con bé chạy loạn.” Bà Lan dặn dò thêm vài câu rồi hài lòng gác máy.
Thật tình mấy lời của bà Lan nghe vào tai rất lạ, cứ như Thoại Uyên là trẻ lên ba cần phải có người bên cạnh chăm bẵm, nếu không cô sẽ xảy ra chuyện. Bà Lan bảo bọc quá mức, chẳng trách Thoại Uyên không lớn được.
“Ngoại đã cho phép chưa anh Phi?” Thoại Uyên nhìn anh nôn nóng.
“Ngoại cho phép rồi nhưng giờ chúng ta phải đi ăn.” Hoàng Phi cười cưng chiều: “Ăn xong Uyên muốn học bao lâu cũng được.”
Thái độ của anh không cho Thoại Uyên mặc cả. Anh quay sang nhìn ba cô bạn còn lại cất giọng lịch sự: “Giờ anh đứa mấy bạn đi ăn. Ăn xong rồi học.”
Thoại Uyên vẫn áy náy: “Nhưng trời nắng quá, anh Phi về nhà nghỉ đi mà. Tụi em học nhóm rất mất thời gian, anh chờ mệt lắm đó.”
Hoàng Phi không nghe Thoại Uyên. Anh nhìn ba cô bạn còn lại hỏi ý: “Mấy bạn thích ăn gì? Khu vực quanh đây có quán nào ngon không? Anh không rành lắm, mấy bạn cứ cho ý kiến nhé.”
Thái độ của Hoàng Phi thân thiện thoải mái khiến Hằng Nga và Thùy Linh không còn gò bó nữa. Hai cô tự nhiên có hảo cảm với anh. Mỹ Phượng nãy giờ vẫn kín đáo nhìn Hoàng Phi. Trên người anh đang mặc áo sơ mi xanh nhạt thanh lịch nhẹ nhàng, phối với quần Jean màu ghi. Bộ cánh tuy bình thường, nhưng cô thấy nó thật sang trọng. Mấy bạn nam trong lớp cũng kết hợp như vậy mà cô lại thấy chẳng có gì đặc sắc.
“Hay là anh Phi gửi xe rồi mình cùng đi bộ qua nhà hàng gần trường?” Mỹ Phượng đề nghị.
“Thôi trời nắng lắm, vô căn tin trường ăn đại đi.” Thùy Linh sợ tốn kém. Giả sử Hoàng Phi trả tiền cô cũng cảm thấy ngại, tự nhiên ăn chùa của người ta.
Hằng Nga thì sợ nắng nên con nhỏ cũng phản đối việc đi bộ ra nhà hàng. Thoại Uyên cũng không muốn Hoàng Phi mệt nên nhỏ nhẹ thương lượng:
“Hay mình cứ vô căn tin trường. Trong đó cũng có nhiều đồ ăn, đỡ mất công di chuyển, chúng ta sẽ có nhiều thời gian học nhóm hơn.”
Biểu quyết theo số đông, cuối cùng cả đám quyết định đi vào căn tin trường. Đây là lần đầu tiên Hoàng Phi tiếp xúc với bạn của Thoại Uyên. Dù hiện giờ chỉ có mình anh là nam nhưng anh lớn hơn các cô nhiều tuổi, do vậy có thể xem các cô như em út trong nhà. Tất nhiên sự đối xử này chỉ với ba người kia, còn Thoại Uyên không thể là em gái và chắc chắn anh phải chăm sóc chu đáo hơn.
Tánh tình Hoàng Phi dễ chịu nên được một lúc là thân với các cô. Thoại Uyên không kiểu cách màu mè và cũng không muốn anh quan tâm o bế mình hơn bạn. Hoàng Phi thấy cô nhường bạn rất nhiều. Thật sự Thùy Linh và Hằng Nga cũng dễ thương, nhưng Mỹ Phượng có gì đó là lạ mà Hoàng Phi chưa giải thích được. Cô hình như không vô tư.
Hoàng Phi có cảm giác Mỹ Phương muốn nổi trội hơn các bạn, nên cư xử hơi điệu đà kiểu cách. Lúc này ở trong quán, năm người chiếm một bàn hình chữ nhật. Hoàng Phi ngồi ở vị trí đầu bên phải, Thoại Uyên đương nhiên ngồi cạnh anh. Hằng Nga định ngồi đối diện Hoàng Phi thì Mỹ Phượng đã giành trước. Cô giả vờ tự nhiên đẩy Hằng Nga xuống ghế bên cạnh đối diện Thoại Uyên. Thùy Linh theo đó cũng ngồi xuống.
Trong lúc ăn, Thoại Uyên, Hằng Nga và Thùy Linh trò chuyện sôi nổi về việc học, còn Mỹ Phượng dường chỉ tập trung gây sự chú ý của Hoàng Phi. Cô gắp thức ăn vào chén anh và hỏi han về cuộc sống bên Mỹ. Hoàng Phi cũng không nghĩ nhiều, chỉ xem cô như bạn của người mình thích và vẫn trò chuyện cởi mở.
Ăn trưa xong, cả bọn uống nước nghỉ ngơi một chút cho tiêu thực, rồi học nhóm. Cô bé của anh ở trước mặt gia đình thì làm ra vẻ trang nghiêm, giờ không có ai kiểm soát bắt đầu lòi tật xấu. Lúc Hoàng Phi tính tiền xong, cả bọn chuẩn bị đi vào trường tìm một góc ngồi xuống thì Thoại Uyên ngáp một cái bất cần hình tượng. Cô còn nằm dài xuống bàn, miệng mồm than thở:
“Buồn ngủ quá đi, học nhóm không nổi. Hay là tụi mình kiếm chỗ ngủ chút đi.”
Điệu bộ, cử chỉ này không nên có đối với cô gái con nhà gia giáo như Thoại Uyên, bởi vì nó có chút thô thiển. Và lẽ ra Hoàng Phi nên phản cảm, nhưng mà lạ thay anh chẳng thấy bài xích gì. Trái lại Hoàng Phi còn thấy đáng yêu và rất muốn đưa tay ngắt gò má trắng trẻo mịn màng của cô.
“Uyên lười quá nha. Còn một ngày rưỡi chuẩn bị thôi đó. Sáng mốt thuyết trình rồi, bồ muốn điểm kém sao?” Hằng Nga kéo Thoại Uyên về thực tại.
“Ai muốn điểm kém hồi nào? Giờ đi tìm chỗ học.” Thoại Uyên ráng gượng đứng dậy.
“Uyên mệt thì chợp mắt 5 – 10 phút rồi hãy học.” Hoàng Phi nhìn cô săn sóc.
“Em không sao. Chúng ta vào trong kia đi anh Phi.” Thoại Uyên kéo tay anh, rồi không biết nghĩ thế nào cô lại nói: “Hay anh Phi về nhà nghỉ trưa đi. Học nhóm xong Uyên tự về.”
Hoàng Phi không nghe cô, anh dẫn đầu đi ra khỏi quán. Mỹ Phượng vượt lên song song cùng anh. Ba cô còn lại chỉ có thể bước theo hai người.
Hoàng Phi không ngờ Thoại Uyên bình thường có vẻ thong dong lười biếng, kỹ năng đối phó với cuộc sống yếu kém và chuyện học chắc không có gì nổi bật. Một người được bao bọc trong nhung lụa thì thường lười phấn đấu. Nhưng hình như anh đã sai. Thoại Uyên cực kỳ thông minh và hiếu học. Nãy giờ ngồi một góc quan sát nhóm bốn cô thảo luận có thể thấy Thoại Uyên và Hằng Nga trội hơn hẳn hai cô còn lại.
Cô bé của anh ngày thường rụt rè. Bà ngoại chỉ cần liếc một cái liền trốn sau lưng người khác, vậy mà ở trong nhóm lại có khiếu lãnh đạo. Nãy giờ Thoại Uyên toàn đưa ý tưởng cho các bạn. Đề cương thoáng một cái cô đã lập xong, sau đó phân nhiệm vụ cho từng người. Thoại Uyên học hăng say đến quên luôn người anh đáng kính của mình, cũng không cảm nhận được nãy giờ anh vẫn đang lặng lẽ ngắm nhìn cô. Lúc nãy buồn ngủ không gượng dậy nổi mà giờ học thì tập trung hẳn ra.
“Bây giờ chốt lại, Uyên nhận phần đầu. Còn lại ba phần mấy bồ tự chia nhau.” Thoại Uyên lấy bút gạch xuống phần một.
“Thôi Phượng mở đầu cho.” Mỹ Phượng giành trước vì sợ mấy phần sau quá dài.
Thùy Linh không đồng tình: “Để Thoại Uyên mở đầu đi. Bồ tưởng phần giới thiệu ngắn lắm hay sao mà giành? Với lại để nhỏ Uyên nói trước, sau đó nó mới có thời gian ghi xuống mấy câu bọn kia hỏi, rồi chúng ta phản biện. Nhóm mình có ai nói siêu và nghe giỏi như Thoại Uyên đâu. Nó luôn gánh team còn gì.”
Thùy Linh không thích Mỹ Phượng, lúc nào cũng chỉ muốn chơi gác người ta, giành phần lợi cho mình mới chịu. Ở trong nhóm Thoại Uyên trội nhất và thành thật mà nói một mình nó có thể làm nên chuyện. Nó đã gồng hết cho nhóm, vậy mà không biết điều.
Nếu có thể Thùy Linh thật sự muốn đá Mỹ Phương ra khỏi nhóm. Tiếc là điều này không thể. Bọn cô học chung ba năm, mọi thứ đã định hình nên khó thay đổi. Mấy bạn khác trong lớp cũng đã quen nhóm họ, đâu ai muốn thu người mới.
Hằng Nga cũng nhất trí và chọn nói phần hai. Phần ba và kết sẽ do Thùy Linh và Mỹ Phượng đảm nhiệm. Sau đó ba đứa sẽ cùng Thoại Uyên trả lời các câu hỏi phản biện của lớp và giảng viên.
Lần đầu tiên Hoàng Phi biết môi trường học của sinh viên Việt Nam cũng năng động như vậy. Ngày Thoại Uyên thuyết trình Hoàng Phi xin theo cùng. Lớp đại học nên giảng viên cũng chẳng quan tâm anh là ai.
Hoàng Phi ngồi một góc xem các nhóm đấu đá. Đến lượt nhóm ai thì họ sẽ đi lên bàn đặt song song với bục giảng. Nhóm có thể có bốn hoặc năm người ngồi trên bàn dài, bắt đầu phần thuyết trình. Giờ học hào hứng vô cùng. Cả lớp thảo luận sôi nổi chặt chém không thương tiếc.
Hoàng Phi thật thích không khí lớp học như vậy. Nó khiến anh nhớ lại thời sinh viên ngày xưa. Anh cũng học hành siêng năng, chỉ là không có vụ thuyết trình nhiều như lớp hiện tại của Thoại Uyên. Có lẽ các cô là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, nên có nhiều đề tài để thảo luận. Nhóm trên bục vừa kết thúc xong phần phản biện thì đến nhóm Thoại Uyên lên thớt.