“Tạm biệt thầy Lâm nha!”
“Thầy Lâm, ngày mai gặp ạ.”
“Bye bye, thầy Lâm!”
Một buổi chiều cuối tuần bình thường, một đám con nít 6-7 tuổi nối đuôi nhau đi ra từ căn hộ ở tầng 2 của khu chung cư cũ. Những tiếng ríu ra ríu rít vang lên không ngớt, khiến tòa nhà cũ dường như cũng trẻ ra nhiều.
Lũ trẻ con đều đeo bảng vẽ to khác hẳn dáng người nhỏ thó của chúng trên vai, vừa nhìn đã biết chúng đi học gì.
“Tạm biệt.”
“Mai gặp nhé.”
“Bye bye em.”
Trong căn nhà để ngỏ, chàng trai tuấn tú mặc áo khoác chống bẩn màu trắng đang chào tạm biệt lũ trẻ. Cậu nghiêm túc đáp lại từng câu của các bé, cho đến khi thấy đứa trẻ cuối cùng rời khỏi tầm mắt mình, cậu mới khép cửa lại, nhẹ nhàng thở hắt ra.
“Mệt à?”
Còn một người đàn ông nữa ở trong phòng, anh đang cúi người dọn giá vẽ, lau sạch những vết màu bẩn xung quanh. Nghe thấy tiếng thở dài nho nhỏ của Lâm Tri, anh không khỏi đi đến cạnh cậu ôm lấy cậu.
“Hơi hơi ạ.” Lâm Tri đặt cằm mình lên vai người đàn ông, lẩm bẩm cảm thán, “Nói chuyện mệt quá.”
Nhiếp Chấn Hoành không nhịn được cười, “Vậy hay là mình đừng dạy nữa?”
“Phải dạy chứ!” Lâm Tri vội vàng ngước đầu lên, “Các em đều thích vẽ tranh mà!”
“Rồi rồi rồi, dạy dạy dạy.”
Nhiếp Chấn Hoành cũng chỉ trêu bé con nhà anh thế thôi, thấy Lâm Tri nghiêm túc, anh vội cứu vãn lại lời mình, “Thầy Lâm nhà ta giỏi giang thế này, được các học trò yêu quý nhường ấy, nhất định phải dạy tiếp rồi, không thì lại là tổn thất lớn cho giới Nghệ thuật mất!
“Nhưng mà ấy, Tri Tri toàn quan tâm đến tụi con nít thôi… anh ghen đó.”
Trai già mà đã làm nũng, thì chẳng coi ai ra gì nữa.
Còn Lâm Tri thì cũng hùa theo vở kịch của Nhiếp Chấn Hoành, tặng anh một cái hôn thật kêu.
“Đừng ghen mà!”
Ánh mắt của chàng trai đã hiểu chuyện trưởng thành lên rất nhiều qua mấy năm qua vẫn ngây thơ như cũ, cậu nghiêm túc hứa hẹn với anh Hoành nhà mình, “Em chỉ thích anh Hoành thôi!”
Hôn xong một cái, cậu lại hôn cái nữa, “Em thích anh Hoành nhất!”
Nhiếp Chấn Hoành nghe cậu nói vậy thì ấm lòng lắm, cúi đầu tăng thêm độ ngọt ngào cho cái hôn giữa hai người, hôn mãi mới hài lòng nhả ra.
Anh thỏa mãn nói: “Ừ, anh Hoành biết.”
Năm nay Lâm Tri đã hai mươi tám tuổi, vừa nhận được chiếc cúp thứ ba trong sự nghiệp hội họa của mình —— tác phẩm màu nước “Tiệm giày” của cậu, đã đạt giải thưởng Ưu Tú trong triển lãm nghệ thuật cấp quốc gia.
Sau khi được báo chí địa phương tuyên truyền, hiện giờ cậu cũng có thể coi là một nghệ sĩ có chút danh tiếng. Bà con xóm giềng xung quanh lại càng coi Lâm Tri như bộ mặt khu phố, mỗi lần đi đâu tán dóc với bạn bè, họ đều hay tự hào đề cập đến cậu, bảo là họ có quen một họa sĩ tài năng lắm!
Bắt đầu từ năm ngoái, danh họa Lâm đã đưa ra một quyết định, đấy là mở một lớp học để dạy các bé nhập môn vẽ tranh.
Quyết định này có sự trợ giúp của Nhiếp Chấn Hoành, hai người cùng cân nhắc rồi mới đưa hướng đi ấy.
Mấy năm nay, Lâm Tri dồn hết tâm sức vào vẽ vời, Nhiếp Chấn Hoành thì lo liệu tiệm sửa giày, tiện thể liên lạc với những đầu mối kinh doanh và quan hệ bên ngoài giúp bé con nhà anh. Triển lãm tranh do khu phố tổ chức năm nào đã rất thành công. Từ đó, Lâm Tri cũng bắt đầu lọt vào mắt đại chúng. Dân sưu tầm bản địa và những người yêu tranh lần lượt tới tìm tận nơi.
Bất kể họ đến mua tranh, giao lưu học hỏi, hay là thỉnh giáo, thì đều khiến cuộc sống của Lâm Tri trở nên muôn màu muôn vẻ hơn, cũng thôi thúc Nhiếp Chấn Hoành bắt đầu chủ động tìm hiểu những kiến thức liên quan đến giới nghệ thuật.
Trong số đó, Hà Bội Bội, bà chủ gallery đã từng từ chối Lâm Tri, có thể coi là người liên hệ thường xuyên nhất với họ.
Không biết chị ta thấy áy náy hối hận, hay là thực sự đánh giá cao tương lai của Lâm Tri, nhưng chị mua khá nhiều tác phẩm của Lâm Tri về với giá cao, còn giảng giải cho Nhiếp Chấn Hoành rất nhiều quy tắc ngầm trong giới nghệ thuật, và cả cách làm sao để một họa sĩ có thể tồn tại trong thị trường bây giờ.
Chẳng qua chị không biết rằng, cả Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri đều không muốn kiếm bộn tiền nhờ vẽ tranh.
Đối với Lâm Tri mà nói, hội họa là sở thích của cậu.
Còn với Nhiếp Chấn Hoành thì, chuyện quan trọng nhất trong mắt anh là Lâm Tri được sống vui.
Cho nên những thứ xây dựng hình tượng hay marketing mà Hà Bội Bội nói đến, Nhiếp Chấn Hoành đều không có ý định làm theo. Anh chỉ giúp Lâm Tri đăng ký tham dự một số triển lãm tranh và cuộc thi, dùng hành động để cổ vũ bé con nhà anh thực hiện ước nguyện của cậu ——
Treo tranh ở một nơi đủ rộng, để thật nhiều người có thể chiêm ngưỡng.
Đôi lúc vận mệnh thích trêu ngươi con người.
Càng cố gắng làm chuyện gì, thì càng dễ dàng thất bại. Ngược lại cứ thuận theo tự nhiên, kết quả lại khiến người ta mừng rỡ bất ngờ.
Qua mấy lần Lâm Tri đoạt giải, những bức tranh mà cậu từng không bán nổi cũng được đẩy giá lên. Ngay cả mấy cửa hàng cậu từng tặng tranh cũng có đông đảo khách đến hỏi mua tranh. May mà mọi người đều quý trọng tấm lòng Lâm Tri gửi tặng mình, nên không nỡ bán đi.
Chẳng những thế, còn có nhiều phụ huynh tìm tới tận nơi, dò hỏi xem Lâm Tri có nhận học trò không, họ sẵn sàng trả tiền. Họ cũng chẳng cần Lâm Tri dạy dỗ kỹ thuật vẽ tranh phức tạp cao siêu gì, mà chỉ mong có một giáo viên dạn dày kinh nghiệm dẫn dắt học trò nhập môn mà thôi.
Đây là điều mà ban đầu Nhiếp Chấn Hoành không dự đoán được. Nào có ai ngờ, cậu học việc ngày xưa ở tiệm anh lại sắp nhận những người học việc mới.
Đương nhiên, đấy là đùa vậy thôi. Nhiếp Chấn Hoành cẩn thận hỏi ý Lâm Tri, phát hiện em người yêu cũng không ghét ý tưởng tiếp xúc với trẻ con lắm, thậm chí còn có vẻ hơi nóng lòng muốn thử.
Nhiếp Chấn Hoành hỏi cậu tại sao.
Câu trả lời của Lâm Tri rất xúc động.
“Bởi vì… vẽ tranh rất tuyệt.
“Hồi em còn bé, chính nhờ vẽ tranh nên em mới vui lên được.
“Nếu bây giờ có thể giúp thêm nhiều bạn nhỏ vui vẻ, thì tốt quá rồi.”
Vì thế Nhiếp Chấn Hoành cải tạo lại căn hộ tầng hai đã không còn tác dụng gì sau khi hai người ở chung thành một studio vẽ tranh.
Những món nội thất từng được sắp đặt tỉ mỉ được dời lên tầng trên, còn tầng 2 lại quay về như thời đầu Nhiếp Chấn Hoành từng thấy —— chẳng có gì cả, vừa rộng rãi vừa thoáng đãng.
Chắc hẳn chính bà Lâm cũng không ngờ được rằng, chỗ ở mà ngày xưa mình để lại cho con trai, cuối cùng sẽ trở thành một nơi thế này đâu nhỉ?
Mang theo niềm hạnh phúc của con trai bà, chở cả những kỳ vọng và tình yêu thương mà bà dành cho con nữa.
Đồng thời, còn trĩu nặng thời thơ ấu của nhiều đứa trẻ, sau này sẽ ngày một trở nên tươi đẹp và ấm áp hơn.
Dọn dẹp studio xong, Nhiếp Chấn Hoành bèn đưa Lâm Tri xuống lầu.
“Không mở cửa hàng ạ?”
Lâm Tri phát hiện cửa tiệm ở dưới nhà họ hôm nay không mở, một tờ giấy trắng được dán trên cánh cửa cuốn đóng chặt, hình như có chữ gì trên đấy.
“Không mở cửa hàng một hôm cũng chẳng sao.”
Nhiếp Chấn Hoành ôm bé con đi về hướng nhà ga, “Chẳng phải hồi trước em muốn xem một bộ phim à? Phim có gấu trúc ấy. Anh đã mua vé xong rồi, lát mình vào siêu thị mua chút đồ ăn, rồi lại đi xem. Chỗ đấy còn có một nhà hàng lẩu cay mới mở, xem xong tối mình đi ăn nhé!”
Sự chú ý của Lâm Tri lập tức bị hút vào những chuyện mà cậu thấy thú vị hơn, cậu vui vẻ gật đầu: “Em muốn ăn bắp rang!”
“Rồi rồi rồi, anh mua cho em. Mua hộp to, nửa bắp rang, nửa khoai tây chiên nhé.”
“Muốn cả Coca nữa.”
“Uống ít Coca thôi, không tốt cho sức khỏe đâu. Mình mua nước trái cây đi.”
“Vâng ạ. Em muốn vị quýt!”
Hai người vừa cười đùa vừa bước về nơi xa. Tựa như những cặp tình nhân vợ chồng ta có thể thấy khắp nơi trên con phố cũ, thân mật và thoải mái hưởng thụ thời gian thuộc về hai người.
Tiệm sửa giày duy nhất trên con phố đóng chặt cửa nẻo, chỉ có một tờ thông báo viết tay nhẹ nhàng đong đưa dưới ánh nắng lười biếng, mô tả cuộc sống hạnh phúc của ông chủ ——
【 Ra ngoài hưởng thụ thế giới hai người với người yêu, hôm nay không mở cửa! 】
—
Nha Đậu:
Không tin nổi đúng khum, vẫn còn đó! Hì hì~
[HẾT NGOẠI TRUYỆN 8]