Crắc crắc ——
Tiếng thanh cửa cuốn bằng kim loại cọ vào nhau không phải âm thanh nổi bật giữa phố xá ồn ào náo nhiệt, mà chỉ là một thoáng chát chúa ngắn ngủi.
“Anh bảo này, Chấn Hoành, ngày nào chú cũng mở quán muộn như thế, chú tưởng kiếm tiền dễ lắm hay sao?”
Trước cửa tiệm chỉ rộng chừng 2 mét, một người đàn ông đang khom lưng kéo cửa cuốn. Ông chủ cửa hàng tạp hóa kế bên ngậm que tăm xỉa răng đi ra khỏi quán mình, chào hỏi anh rất đỗi thân quen.
“Kiếm lắm tiền để mà làm gì hở anh? Đủ ăn đủ uống là được rồi ạ.” Người đàn ông nọ nghe vậy thì cười nhẹ, đứng thẳng dậy, chất giọng khàn khàn đượm vẻ tùy tiện, “Ngủ no thì mới sống lâu được chứ.”
“Hầy, chú nói vậy cũng có cái lý của nó đấy!” Chủ tiệm tạp hóa là một ông chú trung niên mập mạp. Chú ta vỗ bụng mình, ra chiều hâm mộ, “Mụ nhà anh mà cũng nghĩ được như chú thì đời anh ấm! Ngày nào cũng hú anh dậy từ sáng sớm tinh mơ, ung cả thủ.”
“Vương Kim Bảo! Ông không dậy thì ai trông hàng? Hả!?” Một người nữa lại chui ra khỏi tiệm tạp hóa, kéo tai ông chủ tiệm béo quay, cất giọng đay nghiến, “Bà đây phải đi nhập hàng ở mãi vành đai Ba từ khi trời còn chưa rạng, ông thì chổng mông ngủ thêm hai tiếng ròng vẫn chưa thấy đủ hả!?
“Ông thấy mình chưa đủ nhàn, thì đổi chỗ cho tôi nhé?”
“Ấy ấy ấy, nhàn chớ nhàn chớ, anh có chỗ nào không nhàn đâu!” Ông chủ béo vẫn còn quý cái mạng mình lắm, ôm tai nhận lỗi ngay, “Tại anh ngủ trễ quá nên cái thủ nó mới ung, chứ không liên quan đến mình, không liên quan đến mình mà… Vợ vất vả rồi, mau vào nhà ngủ một lát đi, để anh trông hàng ngoài này cho!”
“Hừ! Bị ông làm cho tức quá tỉnh hết cả người rồi, ngủ nghê cục kít gì nữa!”
Bà thím nọ điệu nghệ quấn mái tóc dài chấm vai thành một búi trên đỉnh đầu, giây trước còn ác ôn đanh thép, vừa quay qua cậu hàng xóm nhà bên là mặt đã tươi ngay, “Tiểu Nhiếp đến đấy à, ăn sáng chưa?”
Giờ đã qua 10 giờ, thêm tí nữa là ăn trưa luôn được rồi.
“Em chào buổi sáng chị Trương,” Nhiếp Chấn Hoành gật đầu với người phụ nữ nọ, “Em chưa ăn ạ, em mở tiệm đã, rồi lát đi mua.”
“Hầy dà, không phải chị lắm điều đâu nhá, nhưng tụi trẻ các chú ấy, cứ ỷ không có ai quản mà tự tung tự tác! Ăn ba bữa một ngày chấm chớ là không tốt cho sức khỏe đâu,” Trương Thúy Phương khuyên nhủ, “Theo chị Trương này thì, bây giờ chú còn thiếu một người tri kỷ biết săn sóc san sẻ đấy!”
“Chị Trương, em đã ba mươi mấy rồi mà,” Nhiếp Chấn Hoành vừa nghe chị Trương làu bàu là lại hơi đau đầu, vội nói, “Chị cứ yên tâm, em biết cái gì tốt cái gì xấu mà.”
Cửa được cuốn hết lên, Nhiếp Chấn Hoành bật công tắc đèn trên tường, bắt đầu dọn dụng cụ ra ngoài.
Giờ đang là mùa Xuân, người đàn ông chỉ mặc một chiếc áo ba lỗ màu xám, cơ bắp làm lớp vải áo căng phồng, hai cánh tay trần cũng rắn chắc cuồn cuộn.
Anh cao ráo khỏe mạnh, xách chiếc máy sửa giày bằng kim loại lên cũng chẳng có vẻ gì là tốn sức. Có điều, tướng đi của anh có vẻ kỳ cục, chân phải luôn bước trước một bước, rồi chân trái mới lết theo sau, người hơi cà giựt.
Trương Thúy Phương thấy Nhiếp Chấn Hoành cúi đầu bận rộn, nên cũng không nói gì nữa mà xoay người về tiệm mình. Dù gì họ cũng chỉ là hàng xóm, tán dóc vài câu thì được, chứ lắm điều lại phiền người ta ra.
“Hầy, Tiểu Nhiếp tốt đủ đằng, mỗi tội bị cái chân kia, ôi, tiếc thật.”
Có vẻ đề tài ban nãy vẫn chưa thỏa mãn được cơn hóng hớt của bà chủ, sau khi vào tiệm tạp hóa, Trương Thúy Phương còn thì thào cảm thán mấy câu với chồng.
“Mình cứ lo vớ va vớ vẩn!” Hễ nhắc đến chuyện này là Vương Kim Bảo lại cứng cổ, “Người ta có nhà cửa có công việc, không phải người ta không có mối, mà là không muốn tìm ấy!”
Trương Thúy Phương bĩu môi, “Đứa cháu gái họ hàng xa nhà em tốt nghiệp trường y ra, giờ đang làm điều dưỡng trong viện tỉnh, người ngợm cũng ra gì phết. Nếu không biết tường tận Tiểu Nhiếp là đứa tử tế, thì em còn mối con bé cho một thằng thọt như chú ấy chắc?!”
“Mình be bé cái mồm thôi!” Vương Kim Bảo lườm thím ta, “Tiểu Nhiếp chỉ hơi bị tật ở chân, đừng có đâm chọc vào nỗi đau của người khác!”
Chú ta lại phẩy tay, “Huống hồ Tiểu Nhiếp đã bảo mấy lần là trước mắt chú ấy không có ý định lập gia đình, cũng không muốn làm lỡ làng người khác, mình đừng rước thêm phiền cho người ta nữa.”
“Biết rồi, vậy nên em mới nói kín thế còn gì!”
Tình cờ có một khách hàng tới mua thuốc lá, nên Trương Thúy Phương cũng ngậm miệng lại, đi lấy thuốc lá.
Nhiếp Chấn Hoành không biết mình đã trở thành đề tài bàn tán của hàng xóm.
Anh dọn những dụng cụ bình thường cần dùng để sửa giày ra, để ở bậc thang bên ngoài, rồi kéo chiếc ghế gỗ của mình tới, đặt nó cạnh máy sửa giày.
Chiếc ghế gỗ kia là do tự tay anh đóng.
Lúc sửa giày, dụng cụ về cơ bản đều để trên mặt đất, nên bình thường thợ sửa giày toàn ngồi trên ghế đẩu, để tiện thao tác lúc cầm giày dép. Nhưng Nhiếp Chấn Hoành cao to, khung xương cũng lớn, ghế đẩu mua bên ngoài không đủ chỗ chứa mông anh, ngồi cực kỳ khó chịu, nên anh dứt khoát cầm cưa sắt tự đóng một chiếc ghế gỗ mới cho mình.
Ghế mới có tay vịn chân dựa, chân ghế cao đúng tới cẳng chân, lưng ghế có thể điều chỉnh được độ nghiêng. Lúc làm việc thì dựng thẳng lên, bao giờ hết khách thì có thể ngả lưng xuống để anh đánh một giấc nhanh, thoải mái hơn nhiều.
“À đúng rồi Chấn Hoành, sáng nay có một bà cụ qua nhờ chú sửa giày, nhưng lúc ấy tiệm chú chưa mở, nên để nhờ ở quán anh đây.”
Vương Kim Bảo suýt thì quên mất chuyện này, ông chú xách một cái túi nilon đỏ lên từ kế quầy thuốc lá, đưa cho Nhiếp Chấn Hoành, “Bả nói bên ngoài bị tróc, nhờ chú dính lại cho.”
Nhiếp Chấn Hoành cảm ơn rồi nhận túi, mở ra coi thử.
Đó là một đôi xăng đan đã đeo lâu ngày.
Hai quai đằng trước, một quai đằng sau, quai dép thậm chí còn không phải da thật, mà chỉ là PU bình thường, vừa nhìn đã biết đây là hàng vỉa hè.
Nhưng Nhiếp Chấn Hoành không chê bai ghét bỏ gì, anh tháo đế trước của cả hai chiếc ra xem, mặt da đã bong tróc ở nhiều mức độ khác nhau. Không khó sửa, việc này chỉ là muỗi với anh.
Anh khoác chiếc áo da đen mình chuyên mặc lúc làm việc vào, lấy một cái chậu nhựa để không ra từ góc, đoạn đi vào buồng trong. Lúc đi ra, chậu đã đầy non nửa, một chiếc khăn khô ráo xám xịt, đã không còn nhìn rõ được màu sắc ban đầu đang vắt trên thành chậu.
Nhiếp Chấn Hoành kéo ghế ngồi xuống, kẹp dép giữa đầu gối. Anh lấy một chiếc lược từ cái túi da treo cạnh cửa, nhấc lớp da bọc ngoài lên bằng một tay, phủi hết cát sỏi và bụi bặm ở lớp lót và mặt trong đế dép đi. Đoạn, anh nhúng khăn vào nước, quấy cho ướt, rồi vớt lên vắt khô, cẩn thận lau chùi lớp da ngoài của chiếc xăng đan.
Tiết trời đầu Xuân đang ấm dần, chẳng bao lâu sau hơi nước bên ngoài đã tan sạch sẽ. Nhiếp Chấn Hoành lấy một chiếc ống mềm màu trắng to chừng nửa bàn tay ra từ mặt bên của hộp dụng cụ. Anh lắc nó, vặn cái nắp nhòn nhọn, bóp keo vào trong đế dép, rồi lại lấy một chiếc bàn chải bé hơn từ chiếc túi da treo tường, trét keo thật đều.
“Anh bảo, mắc gì chú phải làm vội thế,” Nhân lúc vợ đang bận việc trong nhà, Vương Kim Bảo chuồn ra ngoài rít thuốc lá, tiện thể đưa một điếu cho Nhiếp Chấn Hoành, “Có được mấy đồng đâu, ăn cơm trước đã.”
“Thì anh bảo em đấy là người già mà,” Tay Nhiếp Chấn Hoành vẫn còn dơ, anh nhận điếu thuốc giắt lên tai trước, vừa cầm miếng ép ấn cho mặt ngoài thật phẳng, vừa nói, “Có mấy phút bọ, biết đâu lát nữa cụ lại qua lấy, em làm xong sớm để người ta sang là đeo được ngay.”
“Thôi chú đừng giải thích nữa, chủ yếu là cái bụng chú nó tốt thôi,” Vương Kim Bảo giơ ngón tay cái lên, “Giá cả cũng phải chăng, nếu không làm sao lại có lắm khách quen như thế!”
“À, đấy là vì quanh khu này có mỗi em sửa giày đó chứ.”
Nhiếp Chấn Hoành thuận miệng chê mình một câu, khóe léo lanh lẹ thực hiện những bước vừa rồi với bên kia, dán nốt chiếc dép còn lại, đặt cả hai lên giá cho khô keo.
Rửa tay xong, anh lấy điếu thuốc xuống ngậm trong miệng, xin Vương Kim Bảo tí lửa, rít một hơi thật sâu.
Hai ông chú đứng trên bậc thang hít mây nhả khói. Tiếng rao hàng vang lên hết đợt này đến đợt khác xung quanh, như vô số tháng ngày bình thường khác, ồn ào và náo nhiệt.
Nơi họ ở là một ngõ nhỏ tại khu dân cư cũ kế vành đai Hai của Dung Thành. Nghe nói cả khu này có hơn 10 ngàn dân sinh sống, gồm hơn mười tổ cả mới lẫn cũ, có trường học có siêu thị và cả chợ tạm nữa, dân cư vô cùng tấp nập.
Chẳng qua hồi trước có tin đồn khu nhà cũ không xa đây lắm sắp bị phá bỏ, nên nhiều hộ ở đây lâu được con cái khuyên chuyển qua nơi khác mà sống, may thay chỗ ấy còn cách đây một đoạn.
Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng rõ cửa tiệm này của mình còn tồn tại được bao lâu, dù sao mở được ngày nào thì hay ngày đó vậy.
Đường trong ngõ của khu này hẹp hơn phố xá ngoài kia, ngang dọc đan xen, xung quanh đều là những căn nhà cũ có tuổi thọ 3-4 chục năm.
Con đường rộng 4-5 mét bọ nên gần như chẳng có ô tô riêng nào đậu đỗ, ngoài phần giữa để lại cho người đi đường, thì hai bên đều bị các quán hàng rong chiếm cứ.
Hàng bán gạo dầu, người buôn đồ khô, kẻ làm ngũ kim, cắt tóc đắp móng rao thức ăn. Dân đi tay không, xuyên qua con ngõ nhỏ này là có thể mua được đủ hết hàng hóa ăn mặc ngủ nghỉ đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Rất nhiều sạp thức ăn không vào được chợ tạm nên dứt khoát ngồi rao hàng bên đường luôn. Đám đông ngồi sít cạnh nhau, náo nhiệt đáo để.
Vẫn như lệ thường, Nhiếp Chấn Hoành lơ đãng phóng mắt nhìn cảnh tượng huyên náo trước mặt. Bỗng dưng, một vạt màu xám bạc lướt qua mắt anh.
Đó là một cậu thanh niên mặc comple, người cao dong dỏng.
Có vẻ không hợp với con phố này.
Tại ngã tư nơi hai con hẻm ngang dọc giao nhau ở khu tập thể này, có một tiệm quà sáng đã mở hơn chục năm rồi, bình thường Nhiếp Chấn Hoành cũng hay ăn sáng ở đấy.
Lúc này, cậu thanh niên kia hình như vừa mới gọi đồ mang về, đang xách một túi bánh bao và sữa đậu nành, tính bỏ đi. Chợt, cậu ta bị một nhân viên văn phòng đang vội vã đi làm va phải, khiến cậu ta ngã dúi dụi ra cầu thang.
Nhiếp Chấn Hoành híp mắt lại, tuy đứng cách đó hơi xa, nhưng sau khi cậu thanh niên ngã ngồi ra đất, anh vẫn thấy được gương mặt vô cảm với những đường nét đẹp đẽ kia.
Thoạt trông cậu ta có vẻ vô cùng lạnh lùng, nhưng nhìn lâu lại thấy hơi lơ ngơ.
Nhân viên văn phòng đang sốt sắng chạy đi bắt buýt cũng nhận ra mình vừa va phải người ta, vội vàng qua đỡ, nhưng cậu trai nọ lại né tay anh ta, mím môi nhấc người dậy.
Cậu thanh niên nhìn túi quà sáng cũng đập xuống đất trong tay mình, không khỏi liếc mắt về phía thùng rác ngoài cửa hàng, như thể muốn vứt nó đi. Nhưng không biết nghĩ đến điều gì, cuối cùng cậu ta lại không vứt, chỉ móc một chiếc khăn ra khỏi túi áo khoác, lau bụi bặm dính ngoài túi quà sáng.
Tới lúc cậu chàng chậm chạp đứng dậy được, thì khách trong tiệm quà sáng đã thay đổi mấy lượt rồi.
Nhiếp Chấn Hoành thấy cậu ta nhìn đồng hồ, bước mấy bước xuống cầu thang rồi dừng lại. Cậu ta không đi tiếp nữa, mà gượng gạo nhấc chân lên, liếc đế giày mấy lần.
Biểu cảm trên gương mặt kia bỗng trở nên sinh động hơn hẳn, ra chiều bối rối lắm.
Sau đó, Nhiếp Chấn Hoành lại thấy cậu ta nhìn quanh quất, cuối cùng dừng mắt lại chỗ mình.
Sau đó cậu ta nhấc chân bước tới đây.
—
Nha Đậu:
Các cưng trên Trường Bội ơi, lâu lắm hem gặp nè!
Quyển thứ 3 trong series Chuyện Phố Phường nhe, hi vọng mình với các ấy có thể cùng đi qua những ngày Xuân và ngày Hè ấm áp.