Thiên Thần - Barbara Taylor Bradford

Chương 2



Khi bước ra ngoài, khí lạnh phà vào mặt nàng. Nàng run lẩy bẩy, lấy tay kéo chặt áo vét lại và ngước mắt nhìn lên trời.

Bầu trời âm u lạnh lẽo, mây đen giăng khắp nơi. Mặc dù đang còn buổi chiều, nhưng trời đã mờ mờ tối, kiểu trời ban ngày mùa đông ở nước Anh mà nàng đã quen sống.

Trong gió có phảng phất mưa phùn, nàng không khỏi phân vân tự hỏi, trẻ con ở Anh sẽ làm gì nếu trời mưa.

Hôm nay là ngày 5 tháng mười một. Họ gọi đêm nay là Đêm lửa trại. Tuần trước trong một bữa cơm. Aida đã nói cho nàng nghe ngày ấy, thậm chí nhà sản xuất phim đã đọc lên một câu thơ cũ đã được truyền tụng hằng mấy thế kỷ nay, câu thơ nàng đã được học khi còn tấm bé: “Nhớ nhé, nhớ nhé, ngày 5 tháng 11; súng nổ, phản bội và âm mưu”. Aida tiếp tục giải thích rằng vào năm 1605, một người tên là Guy Fawkes đã cố cho nổ tung các tòa nhà Quốc hội và giết Vua James I. Trước khi ra tay hành động công việc động trời này, ông ta bị phản bội và bị bắt, Fawkes bị kết án phản quốc, và bị đem ra hành quyết. Từ đó về sau, người Anh lấy ngày 5 tháng 11 để kỷ niệm, gọi là ngày lễ Guy Fawkes, để ăn mừng.

Đêm nay khắp các nơi trên quần đảo nước Anh đều tổ chức lửa trại, người ta sẽ tung những hình nộm của Guy Fawkes vào lửa, người ta sẽ đốt pháo bông, sẽ nướng khoai, nướng hạt dẻ để ăn theo truyền thống – miễn là trời đừng mưa, tất nhiên thế rồi.

Vào hôm thứ ba vừa rồi, khi ăn trong nhà hàng của phim trường, Aida đã nói với nàng rằng:

– Mọi việc đều suôn sẻ, chúng ta chắc sẽ hoàn tất bộ phim vào ngày mồng năm. Nhưng tôi sợ chúng ta không đốt được lửa trại, rõ ràng là vì có nhiều lý do chính đáng. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta có thể nghĩ ra một cái gì thích hợp – để ăn mừng Đêm lửa trại khi xong bộ phim.

Nàng không thể nghĩ ra “cái gì thích hợp” như Aida đã nói, nhưng nàng và mọi người chắc rồi sẽ biết thôi. Buổi tiệc liên hoan bộ phim hoàn tất sẽ được tổ chức trong vài giờ nữa.

Rosie nhìn quanh khi vội vã đi qua lô đất vắng vẻ phía sau các phòng quay của hãng Shepperton, để về phòng làm việc của nàng nằm trong tòa nhà sản xuất phim. Nàng đã làm việc ở đây chín tháng rồi, cho nên mảnh đất này rất quen thuộc với nàng, bây giờ nàng xem như nhà mình. Nàng lại còn cảm thấy vui thú khi làm việc với Aida và đoàn làm phim, tất cả đều là người Anh, những người nàng cảm thấy thoải mái dễ chịu ngay khi mới bắt đầu làm việc với họ.

Nàng không ngờ lại sắp đến ngày chia tay với hãng Shepperton và với những người gắn bó với bộ phim. Mọi khi nàng không cảm thấy như thế này, thỉnh thoảng nàng còn thấy nhẹ nhõm cả người và vui mừng vì bộ phim sắp chấm dứt để nàng có thể cao chạy xa bay mà không luyến tiếc gì. Nhưng tình bạn giữa các diễn viên đóng trong phim, các nhân viên trong đoàn và những người sản xuất phim đã trở thành quá mặn nồng trong bộ phim Kingmaker (Người làm ra Vua), và trải qua nhiều tháng trời cùng nhau làm việc, tình cảm thân thiết chân tình giữa mọi người đã biểu hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Được như thế này có lẽ là do việc sản xuất bộ phim đặc biệt này đã gặp phải nhiều trắc trở ngay từ khi mới bắt đầu, và có kết quả là do mọi người đều nỗ lục phấn đấu vượt qua trở ngại để đi đến thành công. Nàng tin chắc là như thế. Trong nghề điện ảnh, một bộ phim khó khăn cuối cùng đi đến chỗ hoàn hảo, được chiếu lên màn hình, thì đây quả là một thành quả hết sức vui sướng.

Họ đã làm việc cật lực, vượt quá cả nhiệm vụ đòi hỏi, ngay cả khi quá mệt mỏi không còn sức làm việc được nữa, họ vẫn tìm cách để làm. Còn Gavin, anh để hết tâm trí vào vai Bá tước Warwick, anh đã diễn rất tài tình, có khả năng đoạt giải Oscar lắm. Ít ra thì đây cũng là ý nghĩ của nàng, chỉ là ý kiến của cá nhân nàng, nặng phần thiên kiến.

Đẩy hai cánh cửa gương trước tòa nhà sản xuất phim ra, Rosie đi theo dãy hành lang hẹp, đến phòng làm việc của mình. Sau khi đóng cửa văn phòng lại, nàng đứng tựa vào cửa một lát, đưa mắt nhìn khắp phòng: những bức tranh treo trên tường, những giá móc quần áo, cái bàn khổng lồ chất đầy vải vóc và nhiều thứ phụ liệu khác nàng dùng để tạo mẫu.

Suốt thời gian chín tháng làm việc ở đây, nàng đã tích trữ rất nhiều thứ, và nàng lo sợ khi nghĩ đến vài hôm nữa lại phải thu dọn gói ghém đống sở hữu của mình. Nàng vui mừng vì đã có hai người phụ tá, đó là Val Horner và Fanny Leyland, họ sẽ giúp nàng lên danh sách các bức vẽ, gói chung lại với số áo quần nàng muốn lưu giữ ở nơi lưu trữ, và đóng vào thùng số sách vở, hình ảnh nàng dùng để nghiên cứu.

Bản phác thảo chính và số y phục dành cho Gavin được găm trên bức tường dài trong văn phòng, nàng bước đến đứng nhìn vào các bản vẽ một hồi, nhìn kỹ các mẫu mã, đầu nghiêng về một bên. Thế rồi nàng gật dầu một mình: Gavin đúng thật, bộ phim Kingmaker quả là một bộ phim có yêu cầu rất cao, không phải chỉ vì kích cỡ đồ sộ của nó, vì tính chất phúc tạp của nó và vì số nhân vật được phân công rất nhiều, mà còn vì tính chất, tráng lệ và lễ nghi, cùng nhiều yếu tố lịch sử trong kịch bản nữa, nàng đã phải đọc nó rất kỹ và kịch bản đương nhiên đã gây ảnh hưởng nhiều đến mẫu mã của nàng. Thật là một thử thách lớn. Thế nhưng, nàng đã đáp ứng được những thử thách này, chúng đã làm phát sinh trong nàng nhiều mẫu mã tuyệt vời. Mặc dù đã gặp nhiều khó khăn và phải làm việc cật lực, nhưng nàng rất vui mừng vì đã có cơ hội dự phần vào một bộ phim có tầm cỡ lớn và đồ sộ như thế này.

Ngay khi mới bắt đầu quay bộ phim, Rosie đã rất phấn khích, nàng hăng hái và năng nổ làm việc.

Chủ yếu là nàng nhắm vào Gavin, người được phân vai đóng Warwick. Vị Bá tước này là người có uy quyền nhất trong lịch sử nước Anh suốt hai thập niên thế kỷ XV. Ông là người có dòng máu hoàng tộc ở Yorkshire, hậu duệ của Vua Edward III, là vị Bá Tước hàng đầu của Anh vào thời đại ông, là nhà đại tư bản và là người chiến binh lỗi lạc nhất xưa nay – theo truyền thuyết. Chính Warwick đã đưa người em họ của mình là Edward Plantagenet lên ngôi báu ở Anh trong thời gian nội chiến giữa hai gia đình hoàng tộc ở York và ở Lancaster, cuộc chiến được mọi người gọi là chiến tranh Hoa Hồng, vì Hoa Hồng trắng là biểu tượng cho hoàng tộc ở York, còn Hoa Hồng đỏ là biểu tượng của hoàng tộc ở Lancaster. Warwick đã đóng một vai chủ yếu trong cuộc chiến này. Chung cuộc, ông ta có nhiệm vụ đánh bại hoàng tộc ở Lancaster sau nhiều trận ác chiến đẫm máu và đem lại lãnh thổ cho Edward ở York, người thừa kế hợp pháp.

Vì Warwick là người có uy quyền núp sau ngai vàng, và là vị cố vấn chính của người ông bảo vệ mới 19 tuổi, Vua Edward IV, cho nên người đương thời đã đặt cho ông cái tên Người tạo ra Vua (Kingmaster). Cái tên này đã duy trì suốt bốn thế kỷ, và bây giờ được lấy làm nhan đề cho bộ phim. Nhà viết truyện phim đoạt giải Oscar là Vivienne Citrine đã xoáy trọng tâm vào nhân vật Warwick vào năm 1461, năm ông ta 33 tuổi và đang ở đỉnh cao quyền lực suốt hai năm liền, và bộ phim đóng lại ở năm 1463.

Mối quan tâm chính của Rosie là tạo ra y phục cho Gavin, không những chỉ đúng với kiểu mẫu vào thời trung cổ thôi, mà còn phải cho hợp với anh nữa, làm cho anh vừa ý và trông được trong bộ phim, làm cho anh mặc vào thoải mái và hoạt động dễ dàng.

Như mọi khi, mục đích của nàng là làm cho áo quần phải đúng với lịch sử để bảo đảm tính chân thực. Nàng tin rằng y phục cũng như cách dựng phim, phải tái hiện lại một giai đoạn của đời sống thật rõ ràng lên phim nhựa, cho nên phải làm sao cho phim ảnh thể hiện được tính trung thực đáng cho người ta tin tưởng. Nàng nổi tiếng là người rất khéo léo, rất có tài trong việc này, và đây là bí quyết thành công của nàng trên chức danh một nhà tạo mẫu sân khấu. Y phục Rosalind Madigan tạo ra đã được đánh giá là có ý nghĩa độc đáo với từng giai đoạn của lịch sử, hoặc là trong quá khứ hoặc là hiện tại, và nàng bảo đảm áo quần đã nói lên hoàn toàn đầy đủ tính cấp bậc, tính giai cấp và quốc tịch của các nhân vật trong một bộ phim hay là một vở kịch.

Nàng nghiên cứu y phục cho bộ phim “Người tạo ra Vua” hết sức kỹ lưỡng, nàng đã nhận thấy nàng đã làm công việc này hết sức căng, hơn bất cứ bộ phim nào trước đó, hay là hơn cả nhu cầu cần thiết phải làm nữa. Nhưng nàng làm thế là vì Gavin thôi. Bộ phim là do sáng kiến của anh, và do anh vạch ra kế hoạch. Anh là một trong những nhà sản xuất chính, anh góp vốn để làm nên bộ phim này. Hollywood không muốn dự phần vào, mặc dù Gavin là một ngôi sao lớn như Costner, Stallone và Schwazz Enegger, và được xếp vào danh sách những diễn viên hàng đầu có doanh thu lớn. Thực vậy, Gavin đã gặp phải trường hợp giống như Kevin Costner khi nữ diễn viên này cố kêu gọi các hãng phim ở Hollywood quan tâm đến bộ phim Dances With Wolves (Khiêu vũ với Sói). Không có hãng nào muốn tham gia vào phim này, thế là Costner tách ra để thực hiện một mình, nhờ sự giúp vốn của Jake Ebert, một nhà sản xuất phim độc lập được Châu âu tài trợ.

Quan điểm của Gavin về bộ phim Kingmaker rất thực tế, anh hết sức tin tưởng mọi người quanh anh sẽ nhiệt tình ủng hộ anh.

Anh rất say mê lịch sử, từ lâu đã bị hình ảnh của Warwick chi phối, rồi đến khi anh đọc được cuốn tiểu sử đời ông thì cuộc đời hấp dẫn, thành đạt, huy hoàng và trọn vẹn của ngài Bá tước đã chiếm trọn vẹn tâm trí anh. Trí tưởng tượng của anh bừng lên mãnh liệt, hứng cảm trỗi dậy, anh chọn lựa một vài năm then chốt của đời ông, thời gian danh tiếng của Warwick lên đến đỉnh cao, để phác thảo một câu truyện làm nội dung cho cuốn phim. Anh thuê Vivienne Citrine viết thành truyện phim. Cả hai cùng làm việc với nhau hơn một năm trời, cho đến khi Gavin cảm thấy hài lòng, cảm thấy truyện phim đã hoàn toàn đến độ đem ra quay thành phim được.

Ngay từ đầu, Rosie đã bị kế hoạch của anh chi phối. Thoạt tiên, Gavin đem chuyện làm phim ra thảo luận với nàng khi đến thăm anh ở Beverly Hills vào cuối năm 1988, rồi vào năm ngoái, khi anh quyết tâm thục hiện cho kỳ được bộ phim, thì nàng cảm thấy hưng phấn vô cùng.

Trước khi họ khởi sự quay bộ phim tại Anh một thời gian khá lâu, nàng bắt đầu nghiên cứu về y trang, đọc những cuốn tiểu sử về Warwick và Edward IV, cũng như đọc những cuốn lịch sử về nước Anh và nước pháp vào thời Trung cổ. Nàng nghiên cứu nghệ thuật và kiến trúc ở thời đại này để có một tầm nhìn tổng quát của thời đại, và khi tới London, nàng đến nghiên cứu nhiều giờ tại các phòng trưng bày áo quần xưa trong nhiều viện bảo tàng.

Khi người trợ lý đạo diễn, người thiết kế sản xuất phim, người quản lý sản xuất, cùng nhiều thành viên khác trong đoàn và Gavin rời phim trường để đi quan sát địa điểm đóng phim, nàng cùng đi với họ.

Thoạt tiên họ đi thăm lâu đài Middleham ở cánh đồng hoang Yorkshire, nơi từng là căn cứ phía Bắc hùng hậu của Warwick, căn cứ này vẫn còn nhưng đã đổ nát tiêu điều, những tháp pháo đài sụp đổ và những phòng ở hư nát trống trải phơi mình trước nắng mưa sương gió. Nhưng Gavin lại cảm thấy rất cần vào thăm lâu đài và mảnh đất mà Warwick đã lớn lên và đã sống một khoảng đời lâu dài.

Nàng cùng Gavin đi qua một khoảng rộng trống trải một thời gọi là đại sảnh. Bây giờ nơi này không có mái che, đều sụp đổ hư nát. Dưới bầu trời xanh ngắt, họ đi qua nền nhà lát đá một phần đã bị cỏ mọc phủ đầy, những đám hoa dại nhỏ nở vào mùa xuân vươn lên giữa các chỗ nứt nẻ. Mặc dù tòa lâu đài đã bị sụp đổ, nhưng cảnh trí vẫn đầy ấn tượng và gợi trí tưởng tượng của nàng rất lớn, cũng như Gavin. Sau đó, hai người lái xe ra các cánh đồng hoang hùng vĩ, nơi Warwick đã giao chiến nhiều trận quyết liệt.

Cuối chuyến đó, họ đi xa hơn về hướng bờ Đông. Gavin muốn thăm York Minster, giáo đường xây theo kiểu Gothic tráng lệ trong thành phố cổ có tường bao bọc ở York. Chính ở đây Warwick Edward IV đã đi diễu hành trong cảnh chiến thắng và vinh quang, họ cưỡi ngựa đi ngang qua thành phố, ăn mặc sang trọng, dẫn đầu đoàn quân hùng hậu, cờ xí bằng lụa bay rợp trời, hai vị anh hùng của toàn cõi nước Anh. Nhà Vua còn trẻ dũng mãnh và Người tạo ra Vua. Với Rosie, đây là một trong những cảnh nghi lễ đầy màu sắc, gây ấn tượng nhất trong chuyện phim, và nàng say sưa tạo mẫu áo quần cho bộ phim.

Giữa nhiều chuyến đi đến Yorkshire nữa, và trải qua nhiều giờ hơn nữa giam mình trong các thư viện và bảo tàng viện, cuối cùng nàng thu thập được đầy đủ kiến thức để khởi sự tạo mẫu, nàng tin chắc rằng nàng biết về nước Anh thời Trung cổ hơn bất cứ người nào.

Đúng như nàng đã lo âu từ trước, vấn đề khó khăn duy nhất mà Rosie gặp phải là tạo mẫu các bộ áo giáp. Bây giờ nhớ lại nỗi lo âu lúc ấy, nàng lại đua mắt nhìn vào bộ áo giáp treo trong một góc phòng, nàng nhấp nháy mắt. Nàng không bao giờ quên được sự phấn đấu kinh khủng của nàng khi tạo bộ áo giáp đúng theo nguyên mẫu.

Trong truyện phim có miêu tả một cảnh đánh nhau lớn, mà, mặc dù dựng lại thành phim rất khó khăn và tốn kém, nhung Gavin vẫn quyết định duy trì trận này cho bằng được. Cho nên nàng không còn cách nào khác hơn là phải cố gắng tạo mẫu bộ áo giáp vào thời Trung cổ.

Cuối cùng, nàng đã có khả năng vượt qua được nhiều vấn đề khó khăn về áo giáp, nhưng phải nhờ vào Brian Acklant Snow. Brian là người trang trí phòng quay đại tài của họ, một người đoạt giải Oscar nữa – nhờ bộ phim Room With a View (Phòng Vọng cảnh) – Lúc này ông ta nhận lãnh nhiệm vụ làm sống lại đời sống của xã hội Anh vào thế kỷ XV ở phim trường Shepperton.

Theo chỗ Rosie biết thì Brian là một thiên tài, và nàng tin chắc nàng đã mang ơn ông ta suốt đời. Ông ta giới thiệu nàng đến một nhà sáng chế áo quần lặn dưới nước, ông này đã làm bộ đồ giáp của nàng bằng cách dùng một lớp cao su rất bền và rắn chắc, bên trên phủ một lớp bạc trông rất giống sắt thép dùng trên áo giáp của thời Trung cổ. Chất cao su tổng hợp này nhẹ và khi mặc vào rất dễ chịu, êm ái, nhưng khi quay thành phim thì trông giống như áo giáp thật vậy.

Rosie quay lại, đi đến cái bàn lớn kê ở đằng cuối phòng, nàng phải định giá trị những đống đồ nghiên cứu khổng lồ chất ở đấy.

Nàng chợt nhận ra nàng phải cần đến sáu cái vali lớn mới chứa hết các thứ này. Ngoài sổ sách, số bản phác thảo và ảnh, còn nhiều loại mẫu vải nhuộm đặc biệt, như là vải tuýt, len và hàng len đan mỏng; những mẫu da lộn và da láng dùng làm ủng, quần, áo chẽn; những miếng lông thú, thêm một dãy nhiều vải nhung và lụa. Những cái giỏ và khay đựng một số nữ trang dùng trang hoàng trên áo quần lóng lánh rất đẹp: những chiếc ghim cài áo, nhẫn, vòng cổ, hoa tai, vòng đeo tay, cúc, thắt lưng và vương miện bằng kim loại mạ vàng. Tất cả những thứ để dùng trong các buổi lễ lộng lẫy uy nghi cần đến để đóng một bộ phim lịch sử.

Nàng lấy làm lạ khi nghĩ đến việc sản xuất bộ phim này, quá tốn kém, quá tỉ mỉ và phức tạp ngoài sức tưởng tượng khi mới bắt đầu. Và luôn luôn bị căng thẳng vì lo âu. Người ta dễ nổi cáu lên, rồi tức tối cãi cọ nhau, và ít có cảnh hòa thuận nhau, đó là chưa kể đến những vấn đề khó khăn họ gặp phải: thời tiết xấu và bệnh tật, chỉ hai việc này thôi cũng đã làm trì hoãn công việc và gia tăng phí tổn. Mặt khác bộ phim nhằm mục đích gây hấp dẫn cho người xem – phải dùng từ ngữ này mới đúng sự thật – thì quả sản phẩm ra đời là một tác phẩm lộng lẫy tuyệt vời, trước đây nàng chưa thích tác phẩm nào như thế, và chắc rồi đây cũng không có tác phẩm nào làm nàng say mê bằng.

Bất cứ khi nào có dịp là nàng lại cùng Gavin đến xem những đoạn vừa đóng xong – những khúc phim mới quay vào ngày hôm trước và đã được tráng ban đêm trong phòng tối. Mỗi cảnh nàng xem trên màn hình trong phòng quay đều làm cho nàng nghẹt thở. “Cảnh” hiện ra trên màn ảnh, rõ ràng sinh động đến ngộp thở; chuyện phim diễn ra trên màn ảnh làm nàng say mê, tài diễn rất tuyệt vời.

Gavin thường lo lắng về bộ phim; tất cả mọi người đều lo, bằng cách này hay cách khác. Nhưng mới cách đây một lát thôi, khi cảnh cuối của bộ phim quay xong và bộ phim hoàn tất, nàng tin chắc họ đã thành công mỹ mãn. Đúng, chắc chắn là như thế. Nàng tin chắc Gavin đã làm được bộ phim có chất lượng, có tầm cỡ và quan trọng như bộ The Lion in Winter (Con sư tử mùa đông), và thế nào bộ phim cũng đoạt đoạt nhiều giải Oscar.

° ° °

Cuối cùng Rosie choàng tỉnh, nàng thấy tâm trí nàng bận suy nghĩ đến công việc, đến bộ phim mà quên mất nàng còn rất nhiều việc phải hoàn tất trong ba ngày sắp đến.

Nàng bèn ngồi vào bàn làm việc kê trước cửa sổ rồi kéo máy điện thoại đến gần, quay số. Máy điện thoại bên kia reo, reo mãi cho đến khi có người nhấc ống nghe. Một giọng con gái non nớt quen thuộc cất lên:

– Xin chào Rosalind, xin lỗi đã trả lời chị chậm trễ. Em đang đứng trên thang sắp xếp những cái thùng của chị trên kệ cao.

– Sao em biết chị gọi? – Rosie hỏi, nàng cười.

– Chị Rosalind ơi, đừng ngây ngô đấy nhé, không ai gọi điện thoại cho em bằng số điện thoại này đâu, chị biết rồi chứ.

– Đúng thế thật. Chị quên ba mươi giây. Mà này, Yvonne, em khỏe chứ?

– Khỏe, và mọi người đều khỏe. Nhưng Collie và Lisette đi ra ngoài rồi. Chị có muốn nói chuyện với chị Collie không?

– Muốn, muốn chị rất muốn. Chị vừa lãnh tiền, chị muốn báo cho em và Collie biết chị đã gởi hai tấm ngân phiếu vào đêm qua rồi. Một cho em, một cho Collie.

– Xin cám ơn chị, Rosalind.

– Mà này, cưng này, chị sẽ rời New York và thứ bảy và chị …

– Chị đã nói với em rằng chị đáp máy bay vào hôm thứ sáu, khi chúng ta nói chuyện vào ngày hôm kia mà! – Yvonne la lên, giọng cất cao the thé.

– Chị đã định thế, nhưng hiện có quá nhiều đồ đạc chị phải thu dọn gói ghém, cho nên chị sẽ đi vào sáng thứ bảy. Có việc này chị nhờ em, chị sẽ gởi mấy thùng hàng cho em, em giúp chị chất hết vào một góc trong phòng làm việc của chị khi hàng đến. Khi nào chị về, chị sẽ lo liệu thu xếp sau.

– Khi nào chị về?

Thấy giọng cô gái chợt có vẻ ta thán, Rosie bèn nói để trấn an cô.

– Tháng mười hai. Chị sẽ về vào tháng mười hai. Cũng không còn lâu la gì.

– Chị hứa chắc không?

– Chắc.

– Từ khi chị đi, ở đây không còn như trước nữa. Và em nhớ chị lắm.

– Chị biết, chị cũng nhớ em lắm. Chị sẽ về chóng thôi. Rosie lại ngần ngừ một chút mới nói tiếp. –

Nhân thể chị hỏi em, Guy đã về chưa?

Về rồi, nhưng anh ấy không có mặt ở đây, anh ra ngoài với Collie và Lisette rồi, cả bố anh nữa.

Rosie ngạc nhiên, nàng hỏi lớn:

– Họ đi đâu thế?

– Họ đi thăm bà Kyra. Hôm nay sinh nhật bà ấy.

– Ồ! – Rosie dừng lại một lát rồi hắng giọng nói tiếp – Nhờ em chuyển lời chị chào tất cả, còn em, Yvonne à, chị gởi em vô vàn tình thương. Cám ơn em đã coi sóc đồ đạc của chị, thật chị nhớ em rất nhiều. Không có em, chị không biết làm sao.

– Có gì đâu chị Rosalind. Được giúp chị em rất thích. Hai người chào tạm biệt. Rosie ngồi yên nhìn mông lung thầm nghĩ đến Guy. Gã đi thăm bà Kyra cùng với những người khác thì cũng lạ thật. Hoàn toàn không đúng với bản chất của gã. Thật nàng không hiểu được lý do tại sao gã đi thăm bà ta. Gã thật bí ẩn, nàng nghĩ gã luôn luôn là con người khó hiểu, thật vậy. Nhưng có một điều nàng cảm thấy nàng hiểu rõ về gã. Đó là gã làm ra vẻ lễ phép với Kyra để che giấu thái độ hằn học căm thù bà ấy mà thôi. Dĩ nhiên là gã ghen. Nàng phát hiện ra thái độ khốn nạn này của gã từ lâu rồi. Gã ghen với Kyra, và đã ghen tình bạn giữa bố gã với người phụ nữ Nga này, gã ghen tình cảm sâu đậm giữa bố gã với bà ta.

Rosie ngồi tựa lưng vào ghế, đưa mắt nhìn bức ảnh chụp Guy, Lisette và Collie để trên góc bàn. Nàng đã chụp tấm hình này vào mùa hè năm ngoái và nàng thấy họ có vẻ vô tư, sung sướng khi đứng cho nàng chụp, cho nên nàng đã đem bức ảnh phóng to rồi lồng khung. Nhưng đằng sau những nụ cười vô tư lự đã ẩn chứa nỗi khổ đau, bất hạnh. – Ít ra những tình cảm này cũng đã hiện ra ở Guy và Collie, nàng biết chắc như thế. Lisette thì còn nhỏ quá, mới 5 tuổi, cho nên nó không biết được những nỗi khổ đau này. Guy là người gây ra khó khăn, nàng thấy rõ ràng như thế, không còn nghi ngờ gì nữa. Không những gã chỉ căm thù trách cứ bố gã thôi, mà gã trách cứ cả mọi người, nhất là trách cứ nàng và Collie, gã trách cứ một cách vô lý vì gã cho là nàng và Collie đã gây cho gã nhiều chuyện đau buồn.

Gavin đã cho Guy là “một kẻ khác đời”. Anh không ưa gã, anh thường nói gã đã sống theo nếp sống của bọn híp- pi ở Ashbury vào thập niên 1960.

– Anh chàng vô công rồi nghề này là một tên lập dị, sống lạc lõng, không hòa đồng được với thời đại. – Mới ngày hôm kia đây anh đã nói với nàng như thế, giọng anh chua chát gay gắt. Nhận xét của Gavin đã có phần nào đúng sự thật, mà thực ra còn đúng hơn thế nữa. Nhưng nàng không thể làm gì hơn để thay đổi được Guy; lắm lúc nàng nghĩ là đang trên đường tự hủy hoại mình.

Tuy nhiên, cho dù Gavin có nói gì về Guy và những người khác đi nữa, thì họ “vẫn là” gia đình của nàng, và nàng phải sống với họ, nàng không thể không lo lắng chăm sóc họ. Thậm chí nàng còn lo lắng cho Guy nhiều thứ hơn mặc dù gã đáng được như thế.

Nàng thở dài thất vọng. Guy rất tệ ở chỗ gã không thấy được lòng tốt của mọi người, nếu không thì chắc gã đã vui vẻ sống hòa đồng với bố gã, với Collie và với nàng rồi. Hình như càng lớn tuổi, gã càng vô trách nhiệm; nàng biết gã là con người yếu đuối nhưng càng về sau nàng càng tin gã là người ích kỷ nhất trên đời.

Nàng đưa mắt nhìn sang một bức ảnh khác để trên bàn. Bức ảnh giống với bức để trên bàn trang điểm của Gavin, thậm chí cái khung của nhà hàng Tiffany cũng giống nhau. Nell đã tặng mỗi người một bức vào dịp Giáng sinh cách đây đã lâu, và nàng giữ theo bên người một bức.

Nàng nghiêng người tới trước, nhìn vào mặt Nell. Trông cô ta mảnh mai làm sao, nét mặt thanh tú như được một bàn tay nghệ sĩ lành nghề chạm trổ, mái tóc óng ánh màu bạc và cặp mắt xanh biếc mơ màng như màn trời mùa hè trong sáng. Mặc dù người nhỏ thó, xương cốt mảnh mai nhưng cô lại khỏe mạnh, khỏe mạnh nhất trong số bạn bè của nàng, lắm lúc Rosie cảm thấy như thế. Cô ta gan dạ, ý chí sắt đá, từ lâu nàng đã đánh giá bản chất cô Nell Nhỏ như thế.

Người cười trong bức hình là cô bạn Sunny xinh đẹp, cô gái tóc vàng của họ. Tóc cô cũng đẹp như tóc Nell, nhưng có màu vàng đậm, cô lại cao hơn, người vạm vỡ hơn với dáng dấp của dân miền Slave, trông cô rất đẹp. Cặp môi xếch có hình trái hạnh, đôi gò má cao và hai hàm vuông vức. Sunny vạm vỡ khỏe mạnh, với nước da trắng hồng mềm mại tươi mát, cặp mắt độc đáo có màu hổ phách điểm đốm vàng, trông đầy sức sống. Nhìn bề ngoài, người ta nghĩ ngay có lẽ cô ta xuất thân từ giới nông dân, mà quả thật đúng thế, bố mẹ cô là người Mỹ thuộc thế hệ đầu tiên khởi nghiệp từ Ba Lan. Tội nghiệp cho Sunny. Té ra cô được cấu tạo bằng thủy tinh đúc mong manh và dễ vỡ. Đúng thế, Sunny tội nghiệp đúng như thế thật. Sống trong một môi trường kinh khủng, trí óc cô bay bổng đi tận đâu đâu, rời xa khỏi họ, tách khỏi thực tại trước nhất.

Kevin đứng bên cạnh Gavin. Da ngăm đen trông thật đẹp trai, đôi mắt đen nòi Ailen ánh lên vẻ cười cợt và nghịch ngợm. Cuộc sống của anh lênh đênh trôi nổi, lăn lộn giữa cuộc đời tàn bạo, chạy từ vùng nguy hiểm này đến vùng nguy hiểm khác, len lỏi trong giới cặn bã của xã hội, để đến ngày anh đạt được kết quả trong cuộc đời.

Rồi đến Mikey, anh đứng chen vào giữa Kevin và Sunny trong bức ảnh, anh là một nạn nhân nữa của kỷ nguyên họ sống, một người nữa họ đã mất đi. Trong bức ảnh này, tóc anh nhìn có màu vàng nhạt, trông như ánh hào quang lóng lánh quanh mặt anh, nàng luôn luôn cho rằng Mikey là người đẹp nhất, anh dễ chịu và thân thiện. Anh đẹp nhờ phong thái trầm tĩnh, tế nhị, và anh đứng cao nổi bật lên trên, hai vai rộng.

Họ không biết Mikey hiện ở đâu. Anh ta biến mất, nói cho đúng là anh tạm đi, và mặc dù Gavin đã cố hết sức, anh vẫn không tài nào có được tin tức rõ ràng về anh ta hay là nghĩ ra được anh ta ở nơi nào. Những thám tử mà Gavin thuê đi tìm cũng không biết được chút gì.

Nàng và Nell với Gavin hóa ra là những người đã gặp được suôn sẻ trong cuộc đời, đã vươn lên thành công, đã đạt được những ước mơ của tuổi thanh xuân. Tuy nhiên, người anh trai của nàng, Kevin, lại không đồng ý chỉ có ba người họ thành công. Kevin Madigan cũng thành công, theo con đường của anh ta. Nàng nghĩ chắc anh ấy đang theo đuổi con đường ao ước, và đang làm tốt công việc của mình.

Rosalind đưa tay cầm bức ảnh, nhìn kỹ từng khuôn mặt một hồi lâu. Họ đã từng chơi với nhau rất thân thiết, đã từng thương yêu nhau, lo lắng cho nhau, cuộc đời của họ đã gắn bó mật thiết với nhau.

Một hồi sau, mắt nàng nhìn vào Gavin trong tấm hình. Bây giờ khuôn mặt này nổi tiếng biết bao – khuôn mặt xương xương cân đối, hai gò má sắc sảo, cằm chẻ lún sâu vào. Đôi mắt màu xanh nhạt trong veo như mặt phiến đá, hai mắt sâu nằm cách nhau một khoảng rộng. Nàng thấy cặp mắt ấy lạnh lùng làm sao. Sau hàng mi dài, đôi mắt nhìn thẳng dưới cặp lông mày đen giống màu tóc. Đôi mắt thẳng thắn, chân thật không nao núng, khiến cho những ai có lòng dạ bất chính đều không dám nhìn thẳng vào. Miệng anh khêu gợi, rất dịu dàng, và nụ cười tinh quái kỳ cục, nụ cười trứ danh như gương mặt của anh vậy, nàng biết rất rõ như thế – nói tóm lại, nụ cười của anh quả là một nhãn hiệu cầu chứng.

Nhiều phụ nữ đã đắm đuối say mê khuôn mặt ấy, có thể vì nó rất trữ tình, một khuôn mặt mang dấu ấn của nỗi lòng tan nát và của đau khổ, một khuôn mặt lãng mạn. Và phải chăng đó là khuôn mặt của thời trung cổ? Nàng suy ngẫm, tự hỏi phải chăng nàng thấy anh như thế là vì anh bị vai trò của nhân vật trong phim, ảnh hưởng đến, rồi nàng nghĩ không phải thế. Gavin quả có gương mặt của các nhân vật trong tranh được các họa sĩ thế kỷ XV vẽ. Những bức tranh của cựu thế giới, của châu âu. Điều này cũng không có gì lạ, vì mẹ anh là người Ailen, anh mang tên bên mẹ, còn cha của anh là người Ý, anh mang họ cha là Ambrosino, anh mang họ này cho đến khi làm diễn viên mới thay đổi đi chút ít.

Mặc dù bây giờ đã thành đạt, có tiền tài danh vọng, nhưng lòng Gavin vẫn không có gì thay đổi, nàng biết chắc như thế. Xét về nhiều mặt, anh vẫn là chàng thanh niên như thuở họ mới gặp nhau năm 1977. Khi ấy nàng mới 17 tuổi, cùng tuổi với cô bạn Nell, Gavin đã 19, Kevin và Mikey thì 20, còn Sunny là người nhỏ nhất trong nhóm, mới 16, lần đầu tiên họ tạo thành một nhóm vào một buổi tối tháng chín đẹp trời, khi đi dự một lễ hội San Gennaro của người Ý tổ chúc ở đường Mulberry trong khu nước Ý nhỏ ở hạ Manhattan.

Đã lâu quá rồi, nàng nghĩ. Mười bốn năm rồi, chính xác như thế. Bây giờ nàng và Nell đã 31 tuổi, Gavin 33, anh nàng, Kevin, 34. Trong những năm dài lao lung dã có biết bao chuyện xảy ra cho họ…

Có tiếng gõ cửa mạnh khiến Rosie giật mình, nàng ngồi thẳng người lên ghế, và chưa kịp trả lời, nàng đã thấy cửa phòng mở ra, người phụ tá cho nàng, Fanny Leyland, bước vào.

– Xin lỗi cô tôi không đến đây được khi chúng ta xong việc! – Fanny nhanh nhẩu nói, cô bước vội đến bên nàng, váy xống tung lên phất phới. Người nhỏ thó, yểu điệu và sạch sẽ như một cái kim găm còn mới, cô xinh xắn, có tài, quyết tâm và năng nổ.

Fanny rất tận tụy với Rosalind. Vẫn giữ nụ cười hối lỗi trên môi, cô ta nói tiếp: – Tôi chậm trễ vì một nữ diễn viên gặp “khó khăn! . Cô không cần tôi làm việc gì chứ? – Cô ta vẫn đứng yên trước bàn của nàng, có vẻ hơi bối rối lo âu.

– Không, thật mà, nhưng ngày mai thì tôi cần đấy Rosie đáp. – Chúng ta phải tháo những thứ tôi nghiên cứu xuống và cho hết vào thùng.

– Không khó khăn gì. Val và tôi sẽ phục vụ cô chu đáo, chúng tôi sẽ cho vào thùng gọn ghẽ vào cuối ngày.

– Tôi không lo chuyện này – Rosie đáp, nàng cười – Tôi chỉ sợ sẽ nhớ bộ mặt tươi cười của cô thôi, sẽ nhớ nghị lục vô bờ và tính vui vẻ của cô, Fanny à. Không làm sao nói hết khả năng của cô. Tôi đã quen làm việc với cô rồi, và hãy nhớ đấy, cô đã làm cho tôi hư nết mất rồi.

– Không, tôi không nghĩ thế, mà tôi cũng nhớ cô lắm. Rosalind, khi nào cô làm bộ phim hay vở kịch nào khác, xin cô vui lòng nghĩ đến tôi với nhé. Bất kỳ cô ở đâu, tôi cũng sẽ có mặt ở đấy trong vòng 30 giây tôi sẽ đi đến tận chân trời góc bể để làm việc lại với cô đấy.

Rosie cười với người thiếu nữ. Nàng nói:

– Fanny, dĩ nhiên là cô sẽ làm việc với tôi ở chương trình khác nữa. Và cả Val nữa, tôi thích thế. Hai người là những phụ tá tuyệt vời nhất của tôi mà.

– Ồ, lạy Chúa, thật cám ơn, cô thật tuyệt vời! Quá tuyệt vời! Nhân tiện, xin nói với cô lý do tôi không đến đây sớm hơn, để đợi phục vụ cô khi cô xong việc về đây, là vì cô Margaret Ellsworth đấy. – Fanny nhăn mặt rồi nói tiếp, – cô ấy nhất quyết đòi giữ cái áo dài ấy, cái áo cô ta mặc để diễn cảnh đăng quang ở Westminster Abbey. Cô ta sẵn sàng “liều mạng” để giữ cho được cái áo ấy, thực thế đấy.

Rosie quá kinh ngạc, nàng chau mày hỏi:

– Lạy Chúa, tại sao lại có người muốn mặc cái áo thời trung cổ? Cái áo ấy đẹp đẽ gì cho cam, có lẽ đấy là cái mà tôi không vừa ý nữa là đằng khác, cho dù tôi đã vẽ mẫu nó.

– Nữ diễn viên là nữ diễn viên, nòi của họ như thế. Mà thôi, ít ra cũng có những người khó khăn như thế, Fanny lắp bắp nói, rồi cô ta cười tươi với Rosie – nhưng dĩ nhiên là có những người rất đặc biệt, những người khốn khổ như cô Maggie Ellsworth trên cõi đời này cũng đông lắm.

– Quả đúng vậy, Rosie đồng ý – Nhưng dù sao, tốt hơn là cô nên đem chuyện này nói với bà Aida. Nếu hãng phim muốn bán cái áo hay là cho Maggie, thì tôi bằng lòng ngay. Cái áo ấy không phải của tôi, mà tôi cũng không muốn để vào phòng lưu trữ. Tại sao cô không đến hỏi ý kiến của Aida đi? Đến thu xếp với bà ấy đi, rồi quay về đây nhanh. Tôi muốn bắt đầu lên danh sách những bản vẽ ngay chiều hôm nay.

– Tốt thôi. Tôi sẽ quay về liền, còn Val cũng đang ở phòng y phục sắp đến đây rồi đấy, vậy xin cô đừng lo, cả ba người cùng làm thì công việc sẽ chóng xong thôi. – Nói xong, Fanny quay người bước nhanh ra ngoài, vô ý đóng mạnh cánh cửa đến nỗi cái ổ cắm điện kêu lên lách cách.

Vừa mỉm cười vừa lắc đầu, Rosie đưa tay lấy điện thoại. Tính tình của Fanny là thế đấy, chắc nàng sẽ nhớ cô ấy, và nhớ cả Val nữa. Mở cuốn sổ ghi địa chỉ, nàng tìm điện thoại của những nhà sản xuất ở Broadway đã tiếp xúc với nàng bàn về vở nhạc kịch mới, và nàng nhìn đồng hồ tay.

Ở nước Anh bây giờ là ba giờ rưỡi chiều. Giờ ở nước Anh và New York cách nhau 5 tiếng, thế là ở New York đúng 10 rưỡi sáng. Đúng là thời điểm lý tưởng để nàng gọi điện thoại.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.