Từ buổi sáng, thằng Văn luyện tập tới chiều tối. Cả buổi này nó chỉ tập chạy trên bãi cát. Đã lâu rồi chân nó lại phồng rộp lên như vậy, cả người cũng mỏi nhừ. Nhưng nó vẫn chưa cảm nhận được thứ “nhịp điệu” mà nó muốn tìm.
Nó về nhà. Nhà sáng đèn. Mẹ nó đã về. Nhưng nó còn nghe thấy tiếng cười nói vọng ra từ trong nhà. Hình như mẹ có khách. Nó đã từng thấy những nhà hàng xóm tiếp khách, nhưng từ nhỏ tới giờ nó chưa thấy một vị khách nào tới nhà. Đây là lần đầu tiên. Nó ghé đầu vào.
Trong gian phòng nhỏ, tiếng dao thớt và tiếng xèo xèo phát ra. Một mùi rất thơm. Mẹ vừa nấu nướng vừa nói chuyện. Một người đàn ông vừa nói chuyện vừa giúp mẹ nấu nướng. Giọng ông ta nghe quen quen.
– Con chào mẹ, cháu chào…, a, là bác ban trưa.
– Chào cháu.
– Con gặp… bác ấy rồi à?
– Vâng, hồi trưa con gặp bác ấy ngoài bãi biển, hai bác cháu có nói chuyện với nhau về… về nhiều chuyện lắm mẹ.
Chị Thanh lườm “hắn” đầy ẩn ý, kiểu “tuỳ ông giải thích”, hắn chỉ mỉm cười đáp lại.
– Trùng hợp quá nhỉ. Bác là bạn của mẹ cháu. Hôm nay bác ở lại dùng cơm với hai mẹ con được không?
– Được chứ ạ! – Ngay từ lần đầu gặp mặt, Văn đã rất quý “ông bác” này. Nó cảm giác ông ta rất quen thuộc, và cuộc nói chuyện ban sáng giúp nó nghĩ ra rất nhiều thứ.
– Văn, con sắp bát sắp đũa đi.
Bữa cơm hôm nay có một món thịt rán và một món rau xào. Thằng Văn chả biết là rau gì thịt gì. Nó chỉ biết bữa ăn rất ngon. Mà lại vui nữa, vì hôm nay có thêm một người khách.
– Bác ơi, bác đến từ Kinh thành thật ạ?
– Cháu nghe bạn ở lớp kể Kinh thành to lắm, rộng lắm, rộng gấp nhiều lần Hải Thành.
– Bác ơi, có phải ở Kinh thành nuôi rồng không ạ? Có phải người dân ở Kinh thành ngày nào cũng thấy rồng bay trên trời không ạ? Vì thế nên Kinh thành mới được gọi là Long Thành phải không ạ? Nhưng ở đây người ta chỉ gọi Kinh thành là Kinh thành mà thôi.
– Có phải xung quanh Kinh thành có một bức tường rất to bao quanh phải không ạ? Thế người ta đi vào bên trong kiểu gì ạ? Hay người ta trèo qua ạ? Không biết bức tường ấy có cao hơn nhà cháu không nhỉ?
– Oa, bức tường ấy cao hơn cả ngọn hải đăng ấy ạ? Thế thì… người ta phải trèo qua hay bay qua hả bác? Mẹ cháu còn không cho cháu leo lên ngọn hải đăng chơi, thế thì làm sao người ta trèo qua tường cao như vậy hả bác?
– À, vậy bên dưới sẽ có cửa để đi vào ạ? Vậy mà cháu cứ tưởng… Thế thì Long Thành giống như 1 ngôi nhà khổng lồ ấy bác nhỉ, nhưng không có mái…
…
Thằng Văn cứ ríu rít hỏi chuyện không ngừng. Nhà chỉ có 2 mẹ con, nó lại ít người chơi cùng, nó rất ít khi được trò chuyện với người khác, chưa kể người đó còn mang tới những câu chuyện lạ lùng thoả mãn trí tò mò của trẻ con.
– Văn, trật tự cho bác ăn cơm.
Nó trật tự được một lát.
– Bác ơi, thế bác đã ra nước ngoài chưa ạ?
– Oa, bác đi hết tất cả các châu lục rồi ạ? Các châu lục nằm ở phía bên kia bờ biển phải không bác?
… Thoắt cái đã tới tối muộn. Người khách phải ra về. Thằng Văn cứ nài nỉ ông bác ở lại với nó. Mẹ nó thì nhất quyết không cho. Không đành lòng, nó đòi đi tiễn ông bác cho bằng được.
Hai bác cháu đi qua khu chợ, đi qua bờ biển. Nước đã tràn lên lấp kín bờ cát hồi chiều. Sóng đánh vào bờ đê dữ dội. Hôm nay là ngày 16, bắt đầu từ hôm nay là con nước nhỏ kéo dài đến cuối tháng.
– Hôm nay là con nước nhỏ đó bác. Kéo dài 2 tuần. Sau đó là một con nước lớn, kéo dài một tháng. Đúng dịp Trung Thu luôn. Mà mọi người vẫn gọi là Mãn Nguyệt Triều. Hôm nay chỉ là Khuyết Nguyệt Triều mà thôi.
– Đúng vậy. Cháu có biết vì sao lại có thuỷ triều không?
– Mẹ cháu nói đó là do biển đang hô hấp.
– Khà khà, chắc là mẹ cháu muốn diễn tả theo Văn học mà thôi. Thuỷ triều là do mặt trăng. Mặt trăng càng gần quả đất thì lực hút của nó càng lớn. Khi đó nước biển cũng bị hút mạnh hơn, gây ra thuỷ triều.
Thằng Văn nhìn lên mặt trăng trên trời. Đêm 16 trăng tròn vành vạnh. Vẻ mặt nó hoài nghi.
– Mặt trăng ấy ạ? Cháu chả tin đâu. Mà cháu thấy “biển hô hấp” nghe hay hơn nhiều. Mà tại sao đêm nay là trăng tròn, mà người ta lại gọi thuỷ triều hôm nay là Khuyết Nguyệt Triều ạ?
– Vì đêm nay trăng chưa có được năng lượng mạnh nhất. Khi đến giữa tháng 7 và giữa tháng 8, trăng sẽ sẽ đạt tới viên mãn. Lúc đó, nó được gọi là Mãn Nguyệt. Nhưng, cứ vài năm một lần, mặt trăng còn có thể đạt tới trạng thái mạnh hơn cả khi viên mãn nữa. Cháu có biết không?
– Là trăng máu hả bác?
– Đúng vậy, là Huyết Nguyệt. Khi đó thuỷ triều cũng mạnh hơn bao giờ hết, và nước biển có màu đỏ lòm. Người ta gọi nó là Huyết Nguyệt Triều Cường. Và biển ở đây cũng vì thế mà tên là Xích Hải.
– Xích Hải? Biển đỏ ấy ạ? Cháu chưa nghe bao giờ.
– À, cái tên đó cổ lắm rồi. Giờ ít ai nhắc tới nữa.
– Mà sao bác hiểu rõ về nơi này thế? Bác từng đến Hải Thành rồi ạ?
– Khà khà, đây là lần đầu tiên bác đến Hải Thành. Nhưng không cần tới đây bác cũng biết được nhiều chuyện về nơi này lắm. Vì bác đọc trong sách.
– Sách ấy ạ? Mẹ cháu cũng bảo cháu cần phải đọc sách, nhưng cháu mới chỉ đọc quyển giáo trình của cháu thôi mà đã hoa hết cả mắt rồi.
– Khà khà, sau này lớn lên cháu cần phải đọc nhiều sách hơn.
– Đọc hết giá sách của mẹ cháu đã là nhiều chưa ạ?
– Ha ha, nhiều hơn thế nữa rất nhiều. Có một Đại thư viện, sau này khi cháu lớn bác sẽ dẫn cháu vào xem. Trong đó có gần như đủ mọi quyển sách trên đời, từ thời thượng cổ cho tới ngày nay, và bẳng đủ mọi thứ tiếng.
Thằng Văn nhíu mày lè lưỡi.
– Mọi quyển sách trên thế giới ấy ạ? Thế thì chắc là nhiều lắm bác nhỉ. Không biết đọc bao giờ mới hết. Bác đã đọc hết chưa ạ?
– Ta cũng mới chỉ đọc được một số rất ít trong đó mà thôi. Nhưng ta vẫn cố gắng đọc được nhiều bao nhiêu hay bấy nhiêu. Bởi sách vừa là thầy, vừa là bạn ta. Và sách không bao giờ phản bội ta.
– Kể cả khi sách viết sai ấy ạ?
– Sách viết sai cũng giúp ta biết cái gì là sai. Cũng hữu ích không kém gì sách viết đúng.
– Ừm… Nhưng, thầy và bạn của bác, từng phản bội bác rồi ấy ạ?
– Cháu đã từng bị bạn phản bội chưa?
– Cháu có vài người bạn cùng lớp, cháu từng đi chơi net với các bạn ấy. Nhưng ngày hôm sau, không hiểu vì sao các bạn ấy vây đánh cháu. Cháu không biết như vậy có phải là phản bội không, vì cháu cũng không biết vì sao mình bị đánh nữa. Một thằng to con và khoẻ nhất trong đám còn thách đấu cháu nữa. Chính vì thế mà cháu đang phải tập luyện. Còn thầy thì, cháu chưa được học thầy giáo bao giờ, cháu chỉ học cô giáo thôi. Nhưng cô giáo cháu khinh thường cháu, cô bảo rằng cháu không thể nào tốt nghiệp Tiểu học được, cô bảo cháu đi học chỉ làm gánh nặng cho mẹ…
Thằng Văn càng nói càng nhỏ dần, tiếng sóng biển dần át tiếng nói của nó.
– Khà khà, người thầy là bất cứ ai dạy cho cháu một điều gì đó, dù nam hay nữ cũng đều là thầy, dù bất kể tuổi tác hay địa vị. Nhưng cô giáo như vậy không xứng đáng làm thầy của cháu. Thầy phải là người mà cháu tôn trọng, người thay đổi được cả cách nhìn và cách suy nghĩ của cháu, là hình mẫu mà cháu luôn noi theo.
– Vậy hả bác. Vậy thì mẹ cháu, mẹ cháu vẫn dạy cháu học. Cả bạn Linh nữa, bạn ấy dạy cháu rất nhiều. Cả anh Thiên Anh nữa, anh ấy là người cháu ngưỡng mộ nhất. Anh ấy dạy cháu tập đấm, anh ấy nói cho cháu rằng người tập võ bắt đầu từ đâu không quan trọng, mà quan trọng là tiến xa được tới đâu. Và cháu ngưỡng mộ anh ấy, bởi dù mọi người gọi anh ấy là thiên tài, nhưng cháu biết anh ấy không phải là thiên tài.
– Vì sao cháu lại ngưỡng mộ một người không phải là thiên tài?
– Vì cháu đã từng nhìn thấy anh ấy nỗ lực. Ngày nào anh ấy cũng tập luyện. Cái bao cát cứng lắm đó bác, cháu tập mà đau cả tay. Ngày nào anh ấy cũng chạy bộ nữa. Cháu cũng luyện tập theo cách ấy, nhưng chỉ bằng một chút của anh ấy thôi, nên cháu cảm nhận được luyện tập như vậy gian khổ tới mức nào. Mọi người không nhìn thấy những gian khổ đó, mà chỉ nhìn thấy những thành tích anh ấy đạt được, nên họ gọi anh ấy là thiên tài. Nhưng cháu thấy được, cháu cảm nhận được, nên cháu hiểu anh ấy không phải là thiên tài. Mọi thành tựu anh ấy đạt được đều là do công sức của bản thân. Thiên tài là những người sinh ra đã giỏi phải không ạ? Giỏi một cách dễ dàng như vậy có gì vui đâu ạ. Cháu là một người bình thường, nên cháu rất ngưỡng mộ những người bình thường mà có thể khiến mọi người lầm tưởng rằng mình là thiên tài! Cháu cũng muốn sau này được như anh ấy.
– Vậy thì đó hẳn phải là một người thầy rất tốt.
– Còn bác, bác có được một người thầy tốt không ạ?
– … Bác có, một người thầy rất giỏi, nhưng cũng rất… kì lạ.
– Kì lạ ra sao hả bác?
– Nói sao nhỉ, bác không chắc có thể giải thích dễ hiểu cho cháu. Nhưng, thầy của bác, tất cả mọi người đều gọi ông ấy là Thầy, nhưng ông ấy lại chỉ coi mình bác là học trò. Ông ấy rất thích ra câu đố để làm khó bác. Có vẻ ông ấy rất hả hê khi thấy bác gặp khó khăn. Và, ông ấy rất ưa thích sự hoàn mĩ và hoa lệ nữa. Ông ta thích dàn xếp nên những câu đố, những sự kiện đạt tới tầm hoàn mĩ vượt xa thông thường. Nếu có thứ không hoàn mĩ, ông ta sẽ không thèm để ý tới. Cháu thấy ông ta có kì quặc không?
– Cháu lại thấy ông ấy rất bình thường.
– … Vậy sao?
– Ở trường cháu có một thầy dạy Thể dục, là thầy Kiên. Cháu không đăng kí học Thể dục, vậy nên cháu không phải là học sinh của thầy, nhưng cháu vẫn phải gọi thầy là “thầy”. Và tất cả các bạn khác cũng thế. Rồi cô giáo cháu cũng hay ra bài tập về nhà cho học sinh làm. Bạn Linh cũng đưa cho cháu một tập đề bài dày cộp, rồi bắt cháu về nhà làm. Mà thôi chết, tối nay cháu phải thức làm bài nữa! Rồi thì cả sự yêu thích hoàn mĩ nữa. Bạn Linh cũng bắt cháu phải trả lời đúng ý câu hỏi. Trả lời không đúng là không có điểm. Bạn ấy còn bắt cháu phải viết chữ thật đẹp nữa. Cháu viết chữ xấu là bạn ấy bĩu môi chê bai. Cháu nghĩ thầy của bác, cũng là một người thầy rất bình thường, không có gì kì quặc cả. Hơn nữa, ông ấy thích ra câu đố cho bác, có lẽ không phải vì ông ấy thích nhìn bác gặp khó khăn, mà là vì ông ấy mong chờ bác đưa ra một câu trả lời thật hoàn mĩ. Cô giáo cháu rất vui mỗi khi Linh làm bài tốt. Linh cũng rất vui vẻ mỗi khi cháu làm bài tốt. Chắc người thầy nào cũng vui khi thấy học trò của mình tiến bộ cả!
Một thoáng im lặng.
– Vậy à? Bác hiểu rồi. Đúng là bác nghiêm trọng hoá vấn đề quá nhỉ. Cháu nhìn mọi thứ lại rõ ràng hơn bác. Bác có một cậu em họ ấy, bác cũng coi cậu ta như học trò của mình. Câu đố của thầy giành cho bác, bác lại đem đố cậu ta. Thấy cậu ấy trả lời được gần như tất cả, bác cũng thấy rất vui. Có lẽ thầy bác… cũng đang mong chờ bác trả lời một đáp án khiến ông ấy vừa lòng.
– Cháu cũng nghĩ vậy đó bác. Hơn nữa… đối với cháu, bác cũng vừa là bạn, vừa là thầy của cháu.
– Vậy sao?
– Vâng. Bác đến ăn cơm với mẹ con cháu, bác còn nói chuyện với cháu, như vậy bác là bạn của cháu. Bác cũng dạy cháu rất nhiều điều, nên bác cũng là thầy của cháu.
– Ha ha, vậy à? Cháu làm bác rất vui đó. Vậy trước khi ra về, để ông thầy này dạy cháu một thứ.
– Thứ gì hả bác?
– Cách thức để điều khiển trọng tâm và di chuyển. Căn cơ của toàn bộ võ học trên đời. Tấn Pháp!
————————–
Chương này viết thật dài.