Chiến tranh loạn lạc, nhà nhà ly tán, dân lầm than. Lúc này, Lăng Ngụy Châu chỉ mới ngoài hai mươi, anh minh thần võ, triệu tập hiền tài đấu tranh thống nhất đất nước giúp dân chúng an cư. Trong đó có hai vị, một văn là Nhan Thu, một võ là Diệp Giang, tận lực giúp đỡ Lăng Ngụy Châu, vào sinh ra tử. Không bao lâu sau, giặc loạn dẹp yên, tứ quốc phân chia, phía nam bao la rộng lớn, tài nguyên phong phú được Lăng Ngụy Châu xưng đế, lấy hiệu Cảnh Thái đế, hai vị kia trở thành công thần khai quốc, Cảnh Thái đế ngồi trên ngai vàng, luận công ban thưởng, phong Nhan Thu làm thừa tướng đương triều, Diệp Giang làm trấn Quốc đại tướng quân, một văn một võ phò tá đại Lăng, cho phép nhi tử kế thừa quan vị. Cảnh Thái đế vô cùng tín nhiệm đối với hai gia tộc này, bắt đầu xây dựng đất nước, Lăng Quốc dần phát triển ổn định, trở thành một trong hai quốc gia cường thịnh nhất trong tứ quốc.
Một đế quốc khác sánh ngang với Lăng Quốc là Bắc Thần quốc, quốc chủ là Bắc Thần Tung, quân chủ anh minh, quốc gia hưng thịnh.
Hai đế quốc còn lại là Yến Quốc và Tần Quốc. So về binh lực, yếu hơn Lăng quốc và Bắc Thần quốc nhưng cũng là tài lực dồi dào, hàng năm đều cống nạp cho hai quốc gia còn lại. Ngoài ra còn một số quốc gia nhỏ và bộ tộc khác.
Năm Cảnh Thái đế thứ 27, Cảnh Thái đế băng hà, dưới gối có năm vị hoàng tử và bảy vị công chúa. Bảy vị công chúa đều đã được gả đi, chỉ còn lại năm vị hoàng tử, do chưa lập thái tử nên khi hoàng đế băng hà làm Lăng Quốc dấy lên một trận gió tanh mưa máu để tranh giành ngôi vị.
Cuối cùng, nhị hoàng tử Lăng Thiên Dực văn võ song toàn, tài đức hơn người, được hai lão đại thần tiền triều Nhan Thu cùng Diệp Giang phò trợ lên ngôi. Đại hoàng tử, tứ hoàng tử cùng ngũ hoàng tử tranh quyền đoạt lợi bất thành đều bỏ mạng. Chỉ riêng tam hoàng tử Lăng Thiên Ân là thân đệ chung phụ tử với tân đế, tâm cũng không đặt tại ngôi vị, chỉ một lòng muốn cầm binh đánh giặc, giữ vững giang sơn đại Lăng. Sau khi giúp đỡ hoàng huynh lên ngôi, Lăng Thiên Ân được phong Ngụy Vương, ban đất phong ở gần vùng biên giới với Tần Quốc, lãnh binh bảo vệ 1 vùng bờ cõi để Lăng Thiên Dực an tâm trị vì quốc gia.
Sau khi Lăng Thiên Dực lên ngôi, lấy hiệu Cảnh Lăng đế, miễn thuế 3 năm, ban hành nhiều chính sách cai trị mới khiến dân chúng mừng rỡ trông chờ vào vị minh quân mới của đất nước. Lúc này, hoàng hậu của Cảnh Lăng đế là Diệp Khuynh nữ nhi của Diệp Giang trấn quốc đại tướng quân, cũng là thanh mai trúc mã bên cạnh Cảnh Lăng đế cùng nhau lớn lên, tình cảm sâu đậm.
Năm Cảnh Lăng đế thứ 2, hoàng hậu mang long thai, hạ sinh đại công chúa của Lăng Quốc. Cảnh Lăng đế vui mừng khôn xiết đặt tên nàng là Lăng Thiên Vũ, hoàng đế vô cùng sủng ái. Hậu cung ba nghìn giai nhân, cũng cấp hoàng đế lần lượt các hoàng tử cùng công chúa kéo dài huyết mạch hoàng gia.
Năm Cảnh Lăng đế thứ 4, hoàng hậu lại mang thai. Khi chuẩn bị đợi hài tử chào đời thì nhận được tin phản tặc phản loạn ở vùng Giang Nam, giết hại bá tánh vô tội, là phe cánh còn xót lại của các vị hoàng tử. Cảnh Lăng đế nổi giận, tự tay dẫn binh hướng Giang Nam tiêu diệt phản tặc.
Khi Cảnh Lăng đế gần như dẹp yên phản tặc thì lại bị ám sát, trúng tên độc. May nhờ gặp được Tử Dương chân nhân, đây là người nổi danh giang hồ, trên đoán thiên mệnh, dưới tinh thông y-võ chữa trị, cứu được một mạng.
Một đêm trước ngày quay về hoàng cung, Tử Dương chân nhân tìm đến gặp Cảnh Lăng đế
“Ta xem qua quẻ tượng, thấy trước tai ương của Lăng Quốc cũng như tứ quốc, bình yên mấy mươi năm, gió tanh mưa máu lại sắp bắt đầu rồi”
“Ý của người là Lăng quốc sắp gặp hoạ?”
“Ân, nhưng sẽ có người giải trừ mối nguy, người đó lại là một nữ nhân mang trong người thiên mệnh, giúp Đại Lăng tai qua nạn khỏi”
Cảnh Lăng đế bất ngờ không thôi, thầm nghĩ:”không biết nữ nhi nhà ai lại như thế tài ba hơn người”.
Như đọc được suy nghĩ của Cảnh Lăng, Tử Dương chân nhân như có như không phun ra bốn chữ:
“Nữ nhi của ngươi”
Tâm Cảnh Lăng đế chấn động. Lại nghĩ thầm:”tư chất thông minh, văn thao võ lược, không lẽ là đại công chúa Lăng Thiên Vũ”.
Tử Dương chân nhân lại liếc mắt khinh thường:
“Chẳng qua bây giờ nàng vẫn còn chưa tới, người nhớ, thân phận của nàng phải là nam tử, nàng đúng năm tuổi ta sẽ vào cung đón nàng theo ta lên núi học đạo”
Cảnh Lăng lúc này vẫn chưa hiểu, chỉ nhớ kĩ lời dặn của Tử Dương chân nhân, quay đầu định hỏi gì đó nhưng người kia đã mất dạng. Phản tặc đã dẹp yên cũng là lúc nên trở về hoàng cung, lúc này hoàng hậu đang lâm bồn. Cảnh Lăng lại nhớ đến lời của Tử Dương chân nhân, khi tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang lên, Cảnh Lăng vội vàng chạy vào cầm tay hoàng hậu:
“Vất vả Khuynh nhi”
sau đó nhìn sang hài tử, là một nam hài. Tuy không như lời nói của Tử Dương chân nhân nhưng cũng không kìm nén được vui sướng trong mắt Cảnh Lăng đế. Tứ hoàng tử được ban tên Lăng Thiên Minh, phong làm đông cung thái tử. Cả Lăng Quốc vui mừng khi có người kế thừa đại Lăng.
Nhan gia và Diệp gia cũng có người kế thừa tước vị, do Nhan Thu và Diệp Giang tuổi đã cao nên lui về phía sau, nhường bước cho hậu bối tiếp tục phò tá Cảnh Lăng đế xây dựng quốc gia hưng thịnh. Thừa tướng đương triều được truyền cho trưởng tử của Nhan Thu là Nhan Dương Bình, người này quan minh lỗi lạc, trẻ tuổi đã thể hiện được là bậc hiền tài, tướng mạo xuất chúng, là nam tử hoàng kim trong mắt nữ tử Lăng Quốc, đáng tiếc hắn đã lập chính thê tên Dương Cẩn Lan, là nữ nhi của lại bộ thượng thư.
Về phía Diệp gia, người kế thừa là nhị công tử, tướng quân Diệp Trạch. Thừa hưởng của phụ thân một thân võ nghệ cùng tài đức. Có thể nói thế hệ sau không thua gì thế hệ trước nên khiến Cảnh Lăng đế hài lòng không thôi.
Lúc bấy giờ, ở Bắc Thần quốc, quốc chủ Bắc Thần Tung băng hà, tân vương kế nhiệm cũng đã được 1 năm, là thái tử Bắc Thần Vận, cũng là một vị minh quân, năm cảnh Lăng đế thứ 5 thì dưới gối cũng đã có nữ nhi đầu lòng là trưởng công chúa Bắc Thần Ảnh Nguyệt.
Yến quốc, quốc vương hiện tại là Triệu Tử Dương, người này tuy cai trị quốc gia phồn thịnh nhưng dần dần sa vào mỹ nhân chốn hậu cung, bỏ bê triều chính, làm cho triều đình nổi lên phân tranh, chia bè kết phái. Đại hoàng tử Triệu Tử Nhiên cùng tam công chúa Triệu Tử Mẫn, do hoàng hậu sinh, được ân sủng vạn phần do phía sau có thế lực hoàng hậu chóng lưng.
Riêng Tần Quốc, sau khi tiên đế băng hà, quốc gia rơi vào tay hôn quân Tần Chấn Nam. Hôn quân vô đạo, dân chúng lầm than. Trước sau cũng sẽ trở thành miếng mồi béo cho ba nước còn lại.
Năm Cảnh Lăng đế thứ 7, hoàng hậu hạ sinh tiểu công chúa. Trên trời đột nhiên ba đạo thiên lôi xuất hiện giữa trời quang, Lăng Quốc xuất hiện thiên tượng. Cảnh Lăng đế nhớ tới lời dặn của Tử Dương chân nhân, báo hỷ cho toàn Lăng Quốc hoàng hậu sinh hạ thất hoàng tử, do có thiên mệnh trên người, Cảnh Lăng liền đặt tên nàng là Lăng Thiên Hàm ý nghĩa thiên mệnh trời ban. Hạ chỉ miễn thuế ba năm, cả nước vui mừng. Việc nàng là nữ nhi chỉ có hoàng đế, hoàng hậu, nhũ mẫu, một cung nữ và một thái giám được phân phó luôn đi theo bên người Lăng Thiên Hàm biết.
– —————————-
tác giả: kể nhiều quá cuối cùng nữ chủ cũng xuất hiện ←(>▽<)ノ