Thiên Hạ Kỳ Nữ

Chương 32: Ưu quốc



Bầu trời hôm nay chẳng còn rực rỡ những ánh vàng, chỉ còn bảng lảng bóng hoàng hôn. Vần vũ trên cao cũng đang mờ dần như tâm trí của vị Đế vương trong chốn thâm cung rộng lớn.

Lúc bấy giờ, Quý Thiên Quân đang lạnh mặt nhìn lá thư trên tay, cả người lâm vào trầm ngâm tư lự. Chẳng biết trên lá thư nọ viết gì, nhưng có thể khiến cho thái độ của vị Đế vương cao cao tại thượng trở nên nghiêm nghị một cách bất thường như vậy, đủ để thấy phần nội dung trong thư kia có liên quan mật thiết đến an sinh của cả An Hòa quốc tới nhường nào!

Lúc này tiêu cự của Quý Thiên Quân tưởng chừng như đã rơi lạc trên dặm đàng xa xôi diệu vợi, dẫu cho thân thể vẫn còn tại cung điện tráng lệ nguy nga. Người đời luôn nghĩ chốn vàng son lộng lẫy này chỉ toàn những tiếng cười đùa hoan ca, nhưng họ nào đâu thấy được nơi đây cũng có những loại im lặng khiến cho người ta phải nghẹt thở! Vẻ anh linh trên gương mặt Quý Thiên Quân vào giây phút ấy cũng đang dần nhạt nhòa như chính tương lai của An Hòa quốc. Đất nước hắn vừa mới trải qua hai trận chiến lớn, nay lại phải chịu cảnh thiên tai khốc liệt. Mất mát đã quá nhiều, thương vong càng thêm khó đếm, sợ rằng trong năm năm tới, An Hòa quốc mới có thể dần dần khôi phục lại phần nào tổn thất. Nhưng thời gian năm năm nghe sao dài đằng đẵng, chỉ e sẽ có những kẻ không mong nhìn thấy ngày đất nước này được bình yên, thịnh vượng.

– Ngươi đã sắp xếp chỗ ở cho vị Sứ giả của nước họ chưa?

Ngụy Tài công công đứng bên cạnh vội vàng lên tiếng kính thưa:

– Bẩm Hoàng thượng, tất cả đã được sắp xếp ổn thoả!

Quý Thiên Quân nghe xong liền nhẹ gật đầu. Lát sau hắn lại hỏi tiếp:

– Nơi đó, bây giờ sao rồi?

“Nơi đó” trong miệng của Quý Thiên Quân chính là khu vực phía Nam – vùng đất hứng chịu cơn hạn nặng nề nhất của An Hòa quốc. Một năm qua thời tiết vẫn luôn khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến lòng người bỏng rát, sinh khí của dân chúng cũng đang dần bị mài mòn, cạn kiệt. Hạn hán bao trùm lên muôn loài, muôn vật một loại cảm giác ngột ngạt, khó chịu vô cùng. Điều này trong mắt Quý Thiên Quân tựa như một cái gai nhọn khó gỡ đâm vào da thịt. Gai tuy nằm ở trong mắt nhưng nó lại làm vị Thiên tử này rỉ máu, đau thấu đến tận tâm can.

– Bẩm Hoàng thượng, tình hình ở nơi đó hiện tại vẫn không có mấy khả quan. Nguồn nước mà quan phủ tìm được miễn cưỡng coi như có thể đủ cho người dân dùng trong vòng ba tháng. Nhưng nếu ba tháng sau trời vẫn không mưa, nô tài e rằng…

Tới đây Ngụy Tài công công cũng không dám nói tiếp. Ông đương nhiên không dại mà nhiều lời khiến Hoàng đế càng thêm sầu não.

– Ba tháng thôi sao? Chẳng lẽ tất cả cũng chỉ có thể duy trì trong vòng ba tháng?

Ngụy Tài công công nhìn nỗi ưu uất đang ẩn hiện mập mờ nơi đáy mắt của vị Thiên tử, thứ cảm xúc buồn phiền này tựa như sợi lạt mềm đang thít chặt cõi lòng ông. Kỳ thực ông hiểu rõ nỗi lo âu trong lòng Hoàng thượng không chỉ đến từ vấn đề nguồn nước, mà nó còn đến từ phía Đế quốc sài lang bên kia sông. Nhưng giặc đến thì ta có thể thủ, địch bày mưu ta cũng có thể phá giải, duy chỉ có trời cao trách phạt thì dù ta có muốn tránh cũng không thể nào tránh khỏi. Thấy vẻ mặt của Quý Thiên Quân càng lúc càng trở nên khó coi, Ngụy Tài công công mới vội vàng lên tiếng:

– Hoàng thượng xin Người chớ lo lắng quá, tránh ảnh hưởng đến long thể! Nô tài to gan có ý này, chi bằng chúng ta hãy cho mời Tể tướng, các vị Thượng thư Lục bộ(1) và các vị tướng quân vào cung để bàn bạc một chút, thuận tiện tìm ra đối sách để dễ bề xử lý!

Quý Thiên Quân nghe xong cũng không vội đáp lời, hắn chỉ mệt mỏi gật đầu rồi vẫy tay ý bảo Ngụy Tài công công tự xem xét mà lo liệu.

Lúc này ngoài trời nắng nóng như thiêu đốt, Quý Thiên Quân liền uống vội một chén canh lê mật mát lạnh để mong dịu đi cơn hỏa trong người. Nhưng chén canh đã uống hết, song cơ thể vẫn chẳng thấy khoan khoái dễ chịu hơn là bao. Đây là lần thứ hai hắn cảm thấy Đế vị này thật sự vô cùng chông gai nhấp nhô, muốn ngả lưng một chút nhưng nhận ra đâu đâu cũng chỉ toàn là những mũi kim nhọn hoắt. Lần thứ nhất hắn có cảm giác đau buốt đó chính là vào ngày đăng cơ đại điển năm hắn mười tám tuổi. Khi ấy ngai vàng vẫn còn thô cứng quyền thế, long mão vẫn còn nặng trịch kỳ vọng, hắn đã phải vất vả biết nhường nào mới có thể trụ vững được đến ngày hôm nay. Hiện tại vào thời điểm này, hắn lại phải oằn mình gánh trên vai trọng trách cao cả hơn bao giờ hết, đó chính là sự an nguy của bá tánh, sự cơ vong của cả quốc gia. Ngai vàng này thật sự rất biết cách giết chết tinh thần hắn!

Ưu tư gần một canh giờ, ngoài điện lúc này mới chợt vang lên những tiếng bước chân vội vã. Quý Thiên Quân chậm rãi nâng mắt nhìn đoàn người đang nối đuôi nhau bước vào. Hắn nhẹ hít sâu một hơi, điều chỉnh lại tư thế thẳng lưng, ra vẻ uy nghi nghiêm mặt của một vị Hoàng đế cần có.

– Chúng thần tham kiến Hoàng thượng!

Thấy tất cả đã đến đông đủ, Quý Thiên Quân cũng không vòng vo nhiều lời. Hắn lập tức lấy ra lá thư, đưa cho Ngụy Tài công công đem xuống để mọi người cùng đọc. Trong thư chữ viết linh hoạt mà dứt khoát, uyển chuyển mà mạnh mẽ, lại có thêm chút gì đó ngạo nghễ của kẻ bề trên. Ở đây tất cả mọi người đều yêu thích những con chữ đẹp đẽ. Tuy nhiên càng đọc lá thư ấy, sắc mặt của cả đám người càng lúc càng trở nên giận dữ khó coi. Thư viết:

– Gửi đến Vương tử An Hòa! Trời cao tuy có lúc vô tình nhưng lòng người thì luôn luôn có nghĩa! Hay tin một năm qua An Hòa quốc gặp cơn hạn lớn, Trẫm ngồi trong cung Đông quốc mà cũng thấy phiền lòng thay. Nhìn dân chúng bên bờ sông Tô Giang khổ cực trăm bề, phận làm vua một nước há có thể nào chứng kiến nổi? Nay Trẫm viết thư này, mong có thể giúp đỡ người dân ở Thường Xuân châu vượt qua cơn khổ nạn. Chỉ cần xáp nhập Thường Xuân vào Đông quốc, Trẫm đảm bảo sẽ giúp cho bá tánh nơi đây có một cuộc sống an nhàn hạnh phúc. Mong sớm nhận được phản hồi từ Quý Vương! Đông quốc Hoàng đế Ung Vĩ Thành!

Thư kia viết thật hay, đọc lên mỗi câu đều là suy nghĩ cho muôn dân bách tính, nhưng ngẫm kĩ cũng lắm ý mỉa mai đê hèn. Lá thư này rõ ràng là một lời thông báo của Đông quốc đến An Hòa. Tâm cơ và tham vọng của vị Ung Đế nọ xem ra đã chẳng thể nào che giấu được nữa rồi. Mọi người sau khi đọc xong ai nấy đều căm phẫn tới cực độ, nhưng tình hình khốn quẩn của An Hòa ngay lúc này lại khiến họ e ngại chẳng dám phản khánh mạnh mẽ, chỉ có thể nuốt uất ức vào lòng.

– Quá đáng! Thật là quá đáng!

– Đông quốc đúng là quá quắt!

– Bọn chúng thật biết si tâm vọng tưởng!

– Bọn khốn chỉ biết thừa nước đục thả câu…!

Những lời mắng nhiếc cứ như vậy vang lên trong đại điện. Quý Thiên Quân chỉ nhàn nhạt quan sát đám người phía dưới nhưng không có ý muốn ngăn cản. Trôi qua hai khắc, âm thanh la mắng cuối cùng cũng biến mất, thay vào đó là một bầu không khí căng thẳng đến khó thở. Quý Thiên Quân trong lúc này mới cất lên chất giọng vang vang nặng nề:

– Hoàng đế Đông quốc đã tự mình viết thư. Nội dung chính là muốn Trẫm hai tay dâng Thường Xuân châu cho bọn chúng. Hiện tại Trẫm muốn nghe ý kiến của các vị ái khanh là như thế nào!

Câu hỏi vừa dứt, các quan viên đều nhất tề phản ứng lại. Có người đồng ý cắt đất chia cho địch, có người thì phản đối, cương quyết muốn khai chiến với Đông quốc. Cũng có người lại chọn cách dâng cống phẩm lên cho đối phương, nhượng bộ để tránh xảy ra xung đột… Tuy nhiên tất cả các phương án trên Quý Thiên Quân một chữ cũng nghe không lọt. Hắn mệt mỏi thở ra một hơi dài, ngả lưng tựa long ngai, trong lòng dường như đang tìm kiếm một suy tính khác.

Chú thích:

(1) Thượng thư Lục bộ: Là những cơ quan nhà nước trong tổ chức triều đình xưa. 6 bộ gồm Lễ bộ, Lại bộ, Hình bộ, Binh bộ, Công bộ, Hộ bộ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.