Thì Thầm Và Chuộc Lỗi

Chương 10: C10: Hệ Thống Phúc Lợi Phượng Hoàng



Hệ thống Phúc lợi Phượng Hoàng.                                       

Một hệ thống giám sát quy mô thành phố sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn.

Năm 2018, VinaLink đề xuất quy hoạch một hệ thống phúc lợi với mục đích khuyến khích công dân Phượng Hoàng thực hiện những việc làm tốt, có ích cho sự phát triển của thành phố để đổi lại những lợi ích nhất định phù hợp với những cống hiến của họ.

Và với đó, một hệ thống mới được nghiên cứu phát triển và được áp dụng rộng rãi vào ngày 4/2/2020 với tên gọi “Hệ thống Phúc lợi Phượng Hoàng”.

Để có thể tham gia vào hệ thống này, mỗi công dân sẽ được phát một chiếc vòng tay điện tử đặc biệt được đồng bộ hóa với tài khoản công dân cũng như mọi giấy tờ tùy thân khác.

Loại vòng tay này cho phép đơn giản hóa mọi hoạt động thanh toán, quét mã, xác minh ID và kết nối, trao đổi giữa các công dân với nhau.

Vậy hệ thống Phúc lợi Phượng Hoàng hoạt động như thế nào?

Đây là một hệ thống thăng hạng cấp độ dựa trên việc tích lũy điểm kinh nghiệm (exp).

Hệ thống này bao gồm 7 tier và giữa mỗi tier bao gồm 10 level.

Nhiệm vụ của người sử dụng chính là thu thập exp đến khi đạt đủ một số lượng nhất định để có thể nâng cấp lên tier hay level cao hơn.

Có hai cách chính để thu thập exp.

Cách đầu tiên, đồng thời là cách được khuyến khích nhất, chính là làm việc “tốt”.

Việc “tốt” ở đây là những công việc giúp ích cho cộng đồng cũng như sự phát triển của thành phố. Trải dài từ những việc làm đơn giản như nhặt rác cho đến những việc cao cả như đóng góp vào nền tri thức chung của nhân loại. Với lượng điểm cộng tương được với mức độ của việc làm.

Tuy nhiên, nếu như công dân vi phạm pháp luật hay có những hành động không chuẩn mực, công dân sẽ bị trừ điểm…

Rồi sau đó đoạn clip chuyển đến cách thứ hai.

“Ủa, đợi đã…”

“Nhắc vài chữ thôi không nói gì thêm hả!!!”-Nhân thắc mắc

Điểm trừ, đó là thứ Nhân quan tâm nhiều hơn.

Từ khi Nhân mới biết rằng hệ thống này áp dụng chính sách thưởng phạt, cậu đã cảm thấy ngờ ngợ. Nhân vẫn không rõ họ trừ qua những tiêu chí nào, cậu đã tìm kiếm trên khắp internet và không thấy bất kì thứ gì liên quan.

Như thể không ai biết về nó,

Hoặc ai đó đã kiểm duyệt chúng…

Và cách thứ hai chính là điểm cộng hằng ngày.

Đây là cách đơn giản nhất, công dân không cần phải làm gì vì mỗi ngày, một số điểm nhất định sẽ được cộng vào tài khoản.

Và để dễ dàng quản lí lượng điểm cộng này, hệ thống đã áp dụng một ngăn chứa hạng hai. Đây là ngăn chưa ảo vì nó không thật sự chứa bất kì exp nào.

Mục đích của ngăn chứa hạng hai này là để ghi nhận sự thay đổi lượng exp trong ngăn chứa gốc, dựa trên một tiêu chí xác định. Ngăn chứa này chỉ tăng điểm tương ứng với điểm cộng hằng ngày. Và chỉ giảm xuống mỗi khi lượng điểm này được tiêu thụ để nâng cấp tài khoản.

Với dung lượng tương đương hai level của tier hiện tại, một khi ngăn chứa này đầy, người dùng sẽ không được nhận thêm điểm cộng hằng ngày cho đến khi nâng cấp.

Tính năng này được tạo ra với mục đích khuyến khích công dân nâng cấp tài khoản mỗi khi đủ điểm. Vì việc sở hữu tier hay level cao hơn sẽ đem đến rất nhiều quyền lợi cho công dân. Như việc được hưởng những chính sách ưu đãi của VinaLink, được tiếp cận với những dịch vụ hỗ trợ công dân Phượng Hoàng cao cấp hơn, giảm chi phí sử dụng dịch vụ công cộng,…

Hơn hết, lợi ích lớn nhất của điều này chính là việc exp có thể được sử dụng như một hình thức thanh toán và chuyển đổi được trực tiếp sang tiền với 1 exp tương đương 1 đồng Việt Nam.

Với mỗi tier cao hơn, số exp mỗi ngày và điểm thưởng cho mọi việc làm “tốt” sẽ tăng nhiều hơn theo cấp số nhân.

Và ở cấp độ cao nhất, người dùng có thể nhận được lượng điểm cộng mỗi ngày lên đến 10000 USD không giới hạn dung lượng ngăn chứa hạng hai.

Câu nói này đã làm rất nhiều người thích thú.

Nó nghe quá tốt để trở thành sự thật.

Và có lẽ là như vậy…

“Dù có thật đi nữa thì chắc cũng không đến lượt mình đâu”-Cậu nghĩ

Với vô vàn những lợi ích và điều lệ như thế, sau năm năm áp dụng, thành phố Phượng Hoàng đã đạt được những gì?

Việc áp dụng hệ thống này đã biến thành phố Phượng Hoàng thành nơi đáng sống nhất ở Việt Nam. Một xã hội “không tiền” thật thụ khi tất cả mọi giao dịch dân sự đều được thực hiện qua hệ thống Phúc lợi Phượng Hoàng.

Với chất lượng dân trí cao nhất, tỉ lệ tội phạm thấp nhất và một cộng đồng hăng hái trong các hoạt động tình nguyện và từ thiện nhất, chung tay xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn.

Đoạn clip kết thúc.

Ngay sau khi câu nói cuối cùng của đoạn clip được thốt lên, một số học sinh bắt đầu vỗ tay. Nhân thì khác, cậu cố nắm tay để trước miệng, giữ bản thân lại để không phì cười ra tiếng.

Nhân thoáng liếc mắt về cái ghế trống bên trái và nghĩ về một cảnh tượng khác.

“Giờ mình hiểu tại sao ông Vĩ cười không ngừng rồi!”

“Tưởng tượng ổng ngồi đây mà nghe được câu này…”

Sau tất cả những gì Vĩ đã nói cậu về thành phố này, cậu không thể không cảm thấy như thế.

Sau khi xong đoạn clip, rất nhiều người đã thắc mắc. Nhưng mọi câu hỏi thầy đều từ chối trả lời. Vẫn còn quá sớm để làm việc này, chúng ta còn thứ khác quan trọng hơn, lý do tổ chức toàn bộ buổi “hội nhập” này.

Thầy lấy từ dưới ngăn bàn ra một chiếc vali.

Một chiếc vali đen huyền bí ẩn đã thu hút sự chú ý của mọi người. Với những đường nét góc cạnh, hùng hổ, nó nhìn như một chiếc vali quân sự, thứ được dùng để chứa đựng những gì tối tân và quan trọng nhất.

Và ai cũng đoán được nó là gì.

“Bây giờ…” -Thầy thông báo lên lớp

“Thầy muốn các từng người một hãy lên đây…”

“Và lấy đúng vòng của mình”

Mọi người lần lượt đi lên.

Bên trong chiếc vali này là hàng chục chiếc vòng đặt ngay ngắn với nhãn tên cho từng học sinh.

Chiếc vòng của Nhân có màu đen matte. Không tồi nhưng, nhìn nghĩ lại thì, có lẽ cậu nên chọn màu đen bóng lúc đăng kí.

Khi tất cả học sinh đều đã nhận vòng của mình, thầy đi ra giữa bục, với một chiếc vòng mô phỏng.

“Ghi nhớ kĩ mọi thứ thầy nói và làm nhé!”-Thầy nhấn mạnh

Cách sử dụng nó là như sau:

-Chiếc vòng này không có nút bấm, không có ổ cắm, nó chỉ có một cái đèn duy nhất ở trên mặt có thể chớp sáng.

-Chiếc vòng này có bộ cảm ứng để biết được sự co giãn trên gân cổ tay. Hay nói cách khác, nó luôn biết được bàn tay đang ở trong tư thế nào. Và để sử dụng nó làm những tác vụ khác nhau, người dùng chỉ cần đưa bàn tay làm nhưng cử chỉ nhất định.

-Ở trên mặt trên của chiếc vòng này có một bề mặt phản quang rất sáng. Đó là mã công dân, mỗi khi muốn thực hiện những việc như quét mã, chỉ cần hướng mặt này về phía máy quét.

-Ở mặt dưới của chiếc vòng là một cơ chế nhận dạng sinh trắc học. Mỗi khi sử dụng chiếc vòng này để thực hiện giao dịch giữa công dân với nhau, công dân phải đặt tay cách nhau không quá nửa mét. Sau khi xác định thứ muốn trao đổi, công dân phải đặt một ngón tay từ bàn tay còn lại vào quét vân tay để kích hoạt. Chiếc đèn trên bề mặt sẽ phát sáng để thông báo và sẽ chớp liên tục ngay khi trao đổi thành công.

Tất cả những việc trên đều yêu cầu người dùng phải ghi nhớ một loạt những động tác tay khác nhau. Nên lúc đầu, việc này có thể trông hơi lố bịch và rườm rà. Nhưng về sau, khi mọi người nhớ rõ rồi, nó sẽ rất đơn giản.

Loại vòng này được bao hành trọn đời, có thể chống lại hầu hết yếu tố tự nhiên. Và gần như không bao giờ hết pin vì cái vòng này có chức năng sạc không dây, nó tự động sạc mỗi khi nằm trong phạm vi 20m với bất kì một bốt sạc trong hàng nghìn cái khắp thành phố.

Nghĩa là người dùng cũng hoàn toàn không phải lo về việc bảo trì.

Như dự đoán, hướng dẫn xong cách sử dụng, gần như cả lớp đều giơ tay lên. Ai cũng có một câu hỏi nào đó sau khi tiếp nhận một tràng thông tin như thế.

Nhân cũng vậy, cậu cũng muốn hỏi. Nhưng vì lý do nào đó, thầy không thèm để ý mà gọi đến. Nên cậu đã mỏi tay và bỏ xuống.

Cả buổi Q&A này diễn ra khá sôi động với rất nhiều câu hỏi thú vị. Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp, không có vấn đề gì.

Đó là, cho đến khi…

“Thưa thầy!”

Một học sinh giơ tay lên.

Vẫn chưa đến lượt cậu ta, nhưng lúc này có lẽ nó chẳng quan trọng nữa.

Cậu ta cứ đứng dậy, đập hai tay lên bàn rồi nghiêng người về trước. Tỏ một thái độ đầy nghi vấn.

“Sao càng nghe thầy nói…”

“Em càng thấy nó giống cái hệ thống… “

“Tín dụng công dân vậy?”

Cả lớp im lặng bất chợt.

Câu hỏi này đã phá vỡ toàn bộ bầu không khí vui tươi lúc này. Nhân có thể cảm thấy một sự căng thăng trong lớp.

Mặc cho những lời hoa mĩ mà cậu đã nghe, đó vẫn là một hệ thống giám sát mọi thứ người khác làm để đánh giá việc làm, hành động của họ.

Vậy hệ thống này theo dõi những gì?

Nó có ghi âm, định vị người dùng mọi lúc mọi nơi không?

Những thông tin này bán cho ai? Cho công ty nước ngoài? Cho chính phủ?

Cả lớp trở nên mất trật tự. Mọi người đồng loạt hỏi, gây ồn ào, náo loạn.

Tuy nhiên, thầy vẫn tỏ ra bình thản, không một cảm giác áp lực. Thầy dường như vẫn chăm chú lắng nghe mọi câu hỏi cùng lúc mà không bị rối trí.

“Thôi được rồi”

“Cả lớp trật tự!”

“Thầy sẽ trả lời tất cả các em”

Thầy im lặng một lúc, đi vòng quanh trên bục để nghĩ ngợi. Sau đó thầy hít một hơi rồi nói liên tục, từ tốn.

“Hệ thống Phúc lợi Phượng hoàng…không hề giống hệ thống Tín dụng công dân”

“OK, câu trả lời này khá hiển nhiên rồi. Vậy nó không giống chỗ nào?”

“Cái tên nói lên tất cả!”

“Đây, là hệ thống “phúc lợi” chứ không phải “tín dụng”!”

“Không có ai đánh giá hay cho ai tín dụng cả”

Thầy nói cụ thể hơn:

“Sở hữu cấp độ tối đa không thể nói lên được người dùng có phải công dân gương mẫu hay không. Vì như đã giải thích trong đoạn clip lúc nãy, exp và tiền có thể chuyển đổi qua lại. Các em chỉ cần nạp tiền vào là nâng cấp lên được rồi”

“Mặc khác!”-Thầy nhấn mạnh

“Sở hữu số điểm bằng KHÔNG hoặc thậm chí ÂM điểm cũng không ảnh hưởng gì đến đời sống cá nhân cả”

Tất nhiên, nếu âm điểm nghĩa là các đang nợ nên cũng chẳng ai muốn rơi vào tình trạng đó.

“Việc cộng và trừ điểm và phân tầng cấp độ chỉ là để giúp nâng cao nhận thức công dân và khuyến khích làm việc tốt thôi. Và khi các em làm việc tốt, các em sẽ góp phần tạo nên một thành phố tốt đẹp hơn và đồng thời nhận lại những lợi ích phù hợp từ hệ thống”

“Đó là mục đích cốt lõi của hệ thống Phúc lợi Phượng Hoàng”

“Tạo ra những phúc lợi”

“Vậy hệ thống này theo dõi những gì?”

Thầy cố tình giữ im lặng vài giây để giữ mọi người hồi hộp rồi mới trả lời.

“Mọi việc em làm…”

“Mọi lời em nói…”

“Mọi nơi em đi đến…”

“Mọi hoạt động của các em ngoài xã hội cũng như trên Internet”

Về cơ bản…

Mọi thứ!

Cả lớp tiếp tục im lặng. Họ không nói nên lời, bàng hoàng và sợ hãi. Họ không hiểu ý thầy là sao khi nói thế. Hay đúng hơn là, họ không muốn hiểu, họ vẫn chưa sẵn sàng cho thứ mình sắp dấn thân vào.

Thấy thế, thầy nhận ra đã đến lúc mình nói nửa còn lại.

“Được rồi…”

“Có lẽ thầy hù các em hơi quá!”-Thầy trấn an mọi người.

“Mọi công dân Phượng Hoàng luôn bị “theo dõi” mọi lúc mọi nơi. Nhưng đó chỉ là một phần của bức tranh thôi”

“Thực chất đời tư các em có bị xâm phạm không?”-Thầy hỏi

“…”

“Không…”-Thầy lắc đầu nhẹ nhàng

“Vì hầu hết chúng, ngoài chính các em ra, không một ai khác trên thế giới có thể biết được, kể cả hệ thống”

Thầy cho ví dụ thế này:

“Mọi lời các em nói, đều sẽ được ghi âm qua chiếc vòng tay, phân tích thời gian thực. Với nhiệm vụ ghi nhận bất kì từ nói tục, chửi thề nào và trừ điểm tương ứng. Nó sẽ thông báo với người dùng và xóa đoạn ghi âm ngay sau đó, không một dấu vết”

“Không ai biết các em đã nói gì ngoài chính các em”

“Hệ thống an ninh công cộng của thành phố có thể đánh giá mọi hành động của các em vì chiếc vòng tay luôn kết nối với ít nhất một bốt sạc để thông báo sự hiện diện của người dùng. Còn camera sẽ định vị chính xác và theo dõi cho phù hợp”

“Tuy nhiên!”

“Đây…cũng không phải là xâm phạm”

“Vì mọi chiếc vòng đều sử dụng nhiều lớp mã hóa và một địa chỉ ảo khác nhau mỗi khi kết nối để đảm bảo bí mật danh tính người dùng. Và hệ thống cũng không thể nhận diện khuôn mặt. Nó chỉ biết là phải theo dõi một người nào đó và gửi thông tin về địa chỉ ảo”

“Bản thân hệ thống theo dõi công dân còn chẳng biết người nó đang theo dõi là ai đấy!”-Thầy nâng cao giọng

“Tất cả mọi người, đều ẩn danh như nhau!”

Tất cả mọi thông tin về người dùng chỉ lưu hành trong nội bộ VinaLink, không một bên thứ ba nào được phép biết đến, kể cả chính phủ. VinaLink cam kết chỉ sử dụng thông tin này vì mục đích giáo dục, nghiên cứu và pháp lý.

Có thể nói, trong hệ thống này, bảo vệ quyền riêng tư của công dân là yêu sách hàng đầu.

Qua buổi hội nhập này, mỗi học sinh sẽ chính thức tham gia hệ thống Phúc lợi Phượng Hoàng. Điều đó đồng nghĩa việc họ sẽ mở khóa được quyền truy cập tất mọi thứ trên website chính thức của thành phố và mọi trang web liên quan, bằng tài khoản công dân của mình.

“Chính sách hoạt động của hệ thống Phúc Lợi Phượng Hoàng cũng như tất cả mọi văn bản, thông tin liên quan đến thành phố, đều có thể xem trên website thành phố. Các em có thể đọc mọi thứ để xác nhận”

“Và nếu các em thật sự nghi ngờ mọi điều thầy nói, các em không cần phải tin thầy”

“Nhưng thầy sẽ nói một thứ…”

“Toàn bộ hệ thống Phúc Lợi Phượng Hoàng là mã nguồn mở”

“Nếu cần thiết, các em có thể xem từng dòng lệnh để tự đánh giá”

Kết thúc câu trả lời, cả lớp vẫn ngồi im lặng.

Họ vẫn chưa khỏi hoang mang sau tất cả những thông tin “chấn động” này. Đây không hẳn là điều họ mong đợi sẽ biết khi đi vào buổi học này. Nhưng hầu hết đều hài lòng với câu trả lời họ nhận được.

Tuy nhiên, có một người vẫn chưa hài lòng. Người đã giơ tay từ đầu buổi mà không được gọi, Chính Nhân.

Trong lúc mọi người vẫn chưa hỏi thứ gì, cậu đã nhanh chóng đưa tay lên.

Và thầy đã thấy!

“Em ngồi cuối lớp, em có câu hỏi gì?”

“Yes, gọi rồi!”-Nhân mừng thầm trong lòng

“Dạ cho em hỏi…”

“Vậy trong thành phố có gắn camera gián điệp hay thiết bị nghe lén nào không?”

Từ nãy đến giờ, thầy chỉ nhắc đến hệ thống camera an ninh sẵn có, mà không hề nói gì về sự tồn tại của một hệ thống ngầm. Liệu thầy có biết điều gì khác không?

Đây không phải là câu hỏi lúc đầu của Nhân.

Việc này, nếu bình thường, có thể rất nguy hiểm, như việc cậu lỡ nói cho Vĩ lúc nãy. Nhưng trong lúc mọi người trở thành “thuyết âm mưu gia” như thế này, đây có thể là cơ hội hoàn hảo để cậu hỏi mà không bị nghi ngờ gì.

Nhân tưởng tượng việc này chỉ giống như mấy câu hỏi thái quá hồi nãy thôi, mọi người đều chung chí hướng với nhau mà!

Nhưng không!

Mọi người quay mặt về tròn mắt nhìn cậu. Như thể đây là một thứ gì đó lạ lắm. Thầy cũng thế, nhìn cậu một cách khó hiểu. Nó làm Nhân lo thấp thỏm.

Cậu không biết tại sao họ lại như thế!

Mình hỏi sai gì à?

Nãy giờ ai cũng hỏi vậy mà?

“Điều gì khiến em nghĩ vậy?”-Thầy hỏi

Câu nói này làm Nhân nín thin, cậu không biết phải trả lời sao.

Cậu không thể suy nghĩ thấu đáo được, khi tất cả mọi người đều lườm mình.

“D-Dạ…Không!”-Nhân ấp úng đáp

“H-hỏi…cho vui thôi…”

Nhân ngồi thụp sau lời đáp.

Cậu vờ ngáp và vươn vai.

Uốn tay, xoay lưng, cong vòng như tượng múa.

Bên ngoài nhìn ổn, trong lòng như ngượng chúa.

Có lẽ Nhân vẫn chưa nhận ra rằng cậu nắm bắt tình huống quá muộn, mọi ngươi đều chuyển qua chủ đề khác rồi.

Nhưng tất nhiên, thầy không thể nào bỏ ngơ cậu. Nên thầy chỉ đáp lại:

“Thầy…không biết về cái này!”

“Nhưng với hệ thống Phúc lợi này rồi thì việc theo dõi bất hợp pháp như em nói có lẽ quá thừa thãi”

“Thầy không nghĩ có khả năng đó”

“…”

“Ok, ai có câu hỏi nào khác không?”

Sau việc này, buổi Q&A trở về trước. Hầu hết những câu hỏi nghiêm trọng trước đó đã được thầy trả lởi rồi nên lúc này mọi thứ đều trở nên bình thường. Không quá đặc sắc nhưng cũng không hẳn là nhàm chán.

Riêng, chỉ có Nhân ngồi úp mặt xuống bàn không muốn nhìn lên nữa.

Cậu thấy quá đủ rồi! Đây là lần cuối cậu hỏi về nó!

Nhân không hề quan tâm họ hỏi gì nữa cả. Cậu không còn hứng thú với việc đó. Cậu muốn làm gì đó khác.

Thế là cậu dành cả khoảng thời gian còn lại cắm mặt chơi game nông trại trên con máy chơi game cầm tay Raspberry Switch của mình để giết thời gian.

Và cứ thế, toàn bộ tiết học dần trôi qua.

Cuối cùng, đồng hồ cũng điểm mười giờ mười lăm.

Từ xa xa, một tiếng chuông vang lên, một tiếng chuông dài và lắng đọng.

Một âm thanh không lẫn vào đâu được. Nó khác biệt, nó đáng nhớ, nó da diết và thanh thoát, khác hẳn với mọi tiếng chuông điện tử mà Nhân nghe đến chán mỗi ngày.

Cái tháp chuông của trường…nó đã vang lên.

“Đến giờ rồi à”-Thầy nói

Thầy quay mặt về phía nguồn của tiếng chuông. Đứng đó bất động vài giây như đang nhớ ra điều gì đó, một thứ quan trọng mà thầy chưa kịp nói ra. Để rồi nhanh chóng quay mặt về phía lớp, thông báo:

“Thầy có một lời khuyên nho nhỏ nhé”-Thầy nói nhẹ xuống lớp

“Nếu có em nào định về quê thì có lẽ nên dời sang ngày mốt hẳn đi”

“Vì các em sẽ muốn đến trường ngày mai đấy”

“Lớp giải tán!”

Thầy không nói gì thêm và cũng từ chối trả lời mọi thắc mắc có liên quan.

Nhưng thầy có gợi ý rằng tối nay mọi người sẽ biết. Một điều bất ngờ đang chờ đợi để được vén màn. Dù có là gì, đây cũng là một thứ đáng trông đợi.

Tiết học này đã xong, mọi người tụ tập lại, giao du, trò chuyện rồi lũ lượt đi về.

Còn thầy, thầy chỉ kiên nhẫn ngồi đó chờ đợi, dõi theo khi học sinh cuối cùng bước ra, bỏ lại thầy ngồi một mình trong căn phòng này.

Im lặng và yên tĩnh, không còn ai trong lớp, thầy lấy ra một xấp hồ sơ từ trong cặp. Đó là hồ sơ học sinh của lớp học này. Thứ mà, khi xem xong, thầy chỉ nhếch môi, gật gù và nói:

“Năm nay sẽ thú vị lắm đây!”

Khi tiếng chuông vang lên, nó mang đến một thông điệp, một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng. Rằng mọi điều tốt đẹp cũng sẽ phải đi đến hồi kết.

Ngày khai giảng đã kết thúc. Để lại biết bao những ấn tượng đầu khó phai, những kí ức đẹp mà sau này con người ta sẽ cảm thấy ngậm ngùi nỗi nhớ mỗi khi nghĩ về.

Ít nhất…

Đó đáng lẽ là điều phải xảy ra.

Nhân có đủ tất cả mọi yếu tố để làm nên một ngày tuyệt vời. Cậu có không thiếu những ấn tượng khó phai, những giây phút trào dâng và ngưỡng mộ.

Nhưng…không. Nó đã rẽ theo một hướng mà cậu không bao giờ ngờ tới.

Những gì đã xảy ra ở sân vận động…

Những cảm giác ấy…

Hình ảnh ấy…

Nhân không muốn nghĩ gì thêm về việc này. Cậu chỉ muốn ra khỏi đây.

Ngay khi lớp giải tán, Nhân đứng dậy, xách cặp đi thẳng ra cửa.

Không thèm nhìn lại. Không chút bận tâm. Không một suy nghĩ.

Và đó là ngày khai trường đầu năm “đáng nhớ” của cậu!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.