Phi Yến dùng vàng bạc lấy được ở sơn trại đưa hết cho Cửu Dương, số tiền không nhiều cũng không ít. Chàng trao phần lớn cho Nghiêm Hồng Đạt để khắc bản in Văn Vận Phủ, phần còn lại dùng để mua gạo, lương thực, áo ấm, và xây thêm lều cho các cống sinh.
Một buổi chiều Tiểu Tường tìm Nghị Chánh để khoe bài thơ nàng mới vừa làm:
-Sóng gió phong ba thổi tình ta đi mất
Cảm tình thân mật phút chốc hoá hư vô
Thôi đành duyên thuận theo thiên ý
Tiếc rằng hồng nhan tri kỷ trong đời gặp mấy khi?
Nhớ xưa ở chốn Kinh kỳ
Chia ly nước mắt bề mi lệ tràn
Hẹn Người ở chốn quan san
Trùng phùng tao ngộ giờ chàng nơi đâu?
Nghị Chánh thấy Tiểu Tường trong một thời gian ngắn mà tiến bộ vượt bật, gật gù bảo:
-Bài này cũng tạm đó, muội đã khá hơn xưa nhiều rồi!
-Thật không?
-Ừ!
Tiểu Tường vui mừng ra mặt, từ độ theo chàng học làm thơ nàng nhìn Nghị Chánh với cặp mắt khác hẳn, có thiện ý hơn.
-Vậy nhé, buổi học hôm nay kết thúc được rồi, huynh có dịp phải xuống núi một lát.
Nghị Chánh đi rồi, nàng hớn hở định tìm Cửu Dương để đọc chàng nghe, bỗng thấy Phi Yến kéo tay Phi Nhi vòng ra đằng sau lu nước. Bộ dạng hai người lấp ló, Tiểu Tường lấy làm lạ, nấp mình sang bên lắng nghe.
Phi Nhi nói:
-Tỉ đang bận lắm, muội kêu tỉ ra đây có chuyện gì?
Thấy Phi Yến cứ ngập ngừng mãi, Phi Nhi sốt ruột lại nói:
-Không phải muội bảo có chuyện quan trọng muốn nói sao, nếu tỷ không nghe thì tỷ không quan trọng rồi!
Phi Yến ấp úng:
-À… à… muội đây…. muốn hỏi là… cái gì mình biết nó ở đâu thì có cho là mất không ạ?
Nãy giờ phải chứng kiến cảnh muội muội khác hẳn ngày thường, ăn nói sao mà lâu lắc, mà Phi Nhi vốn đã bận nên cũng bực, nghe vậy không cảnh giác, liền miệng nói:
-Sao muội hỏi lẩn thẩn quá? Đã biết nó ở đâu rồi lại còn gọi là mất thế quái nào được!
Phấn khởi còn hơn “lụm” thỏi vàng, Phi Yến vinh lý này mà nhanh nhảu thưa:
-Hú vía! Thế thì cây quạt của huynh ấy không bị mất, muội biết nó nằm ở đâu đó trong sơn trại đấy, khi rời khỏi muội lỡ tay làm rớt!
Phi Nhi nghe vậy biến sắc, không tin vào tai nàng:
-Hả! Muội vừa bảo sao?
Phi Nhi bắt đầu căng thẳng. Không khí đang vui vì sắp xuất bản Văn Vận Phủ, hóa ra nặng nề.
-Cây quạt muội làm rơi trong sơn trại – Phi Yến tỉnh bơ nói – Chắc đã bị lửa thêu trụi rồi.
-Úi! -Phi Nhi nghe vậy giật mình lần nữa, kêu lên một tiếng, thiếu điều sắp xỉu tới nơi.
Như thế là lớn chuyện rồi! Phi Nhi nơm nớp nghĩ. Trong một lúc, nàng bần thần hình dung ra cảnh Cửu Dương đuổi hai chị em nàng đi, nàng và chàng từ đây sẽ sống mỗi người một ngả, thấy sự chia ly quả là đau khổ biết chừng nào. Chỉ tưởng tượng thôi mà ruột nàng đã muốn thắt lại.
Tiểu tường nghe được, có dịp lên mặt:
-Cái con én bay này! Ngu sao mà ngu lạ!
Hai chị em giật thót quay lưng nhìn, Tiểu Tường bước ra khỏi chỗ nấp. Phi Yến bình tĩnh đáp lại:
-Cô nói ai ngu? Kế này là do cô nghĩ ra, nếu huynh ấy buột tội tôi cô cũng có phần!
Phi Nhi nhìn cả hai cô gái, chẳng biết nên giận hay không nghĩ tới nghĩ lui. Mãi một lúc, Phi Nhi mới tìm ra lời an ủi:
-Chuyện đã lỡ – Phi Nhi thở dài – Có trách hai người cũng không được gì, để ta suy nghĩ một chút đã.
Tiểu Tường nhìn Phi Nhi, ngập ngừng:
-Làm một cây quạt khác, được chăng?
Nói xong đâm ra nghĩ ngợi, rồi nhìn sang hỏi Phi Yến:
-Không biết sẽ mất bao nhiêu thời gian đây?
Phi Yến chưa biết tính sao, Phi Nhi nói:
-Chẳng những làm một cây quạt mới, mà còn làm cho nó thành một thứ binh khí tân tiến hơn thế nữa.
Rồi quay qua Tiểu Tường, Phi Nhi lo lắng:
-Tôi nghe nói ở trong phủ huyện tỉnh kế bên có thỏi nam châm gọi là nam châm vĩnh cửu, nghe nói rất quý giá, được một trang trại vô tình đào được khoảng hơn tháng nay, đang chuẩn bị tiến kinh.
Phi Yến nhìn Tiểu Tường chưa hiểu, thì sư tỉ nàng lại tiếp:
-Nhưng mà… vào trong phủ huyện là một vấn đề, ở đó binh sĩ trùng trùng, e là chúng ta khó mà lọt qua cửa chứ đừng nói chi đánh cắp.
Tiểu Tường tuy ăn nói cộc cằn nhưng cũng hết lòng tìm cách giúp cho Phi Yến, hôm nàng nhìn thấy Phi Yến được tặng hoa, lòng nàng cũng buồn cũng ganh. Nhưng khi nghe Cửu Dương giải thích, chợt thấy không còn ghen còn ghét cô ấy nữa, bởi vì… Tự nhiên nàng quay sang trách chàng, người đào hoa như chàng, đi đến đâu reo rắc tình cảm đến đó… Nhưng mà, trái tim nó có lý lẽ riêng của nó. Bất quá chàng cũng không thể sai khiến nó theo ý chàng được.
Càng nghĩ càng buồn, cố tìm cách để giúp Phi Yến, cuối cùng Tiểu Tường nói:
-Đến nước này rồi đành đánh liều vậy, nếu mà thành công, đây có thể gọi là loại vũ khí độc nhất vô nhị, dùng để thu hút lấy binh khí kẻ khác.
—oo0oo—
Ba nàng chờ trời tối lẻn vô phủ huyện, phân công Tiểu Tường bám cột trèo lên nóc nhà của đại sảnh quan sát mọi thứ, hễ thấy có biến động là tìm cách đánh lạc hướng binh lính hoặc báo động cho Phi Nhi. Phi Nhi thì ở trên hành lang tiếp ứng trong khi Phi Yến đi tìm kho bạc.
Phủ huyện rất rộng, từ nhà trước ra nhà sau phải đi qua một khoảnh sân đất đỏ, hai bên sân là phòng ngủ của đám người ở và binh sĩ.
Phi Yến thấy một con nô tì tóc rẻ ngôi thắt hai bím bưng trà đi từ hướng đại sảnh ra sân, liền đánh ngất rồi kéo nó giấu bên dưới một băng ghế trong sân, mặc đồ nó vào.
Có một toán binh lính thường trực đi tuần, Phi Yến lấy vẻ bình thản cuối chào họ.
“Đây rồi! Đây rồi! Cuối cùng cũng tìm ra mi!” Đi lòng vòng một hồi ở khu nhà trước cuối cùng cũng tìm ra kho bạc, Phi Yến hứng khởi nhủ bụng. Nàng nấp mình đằng sau cây cột ghé mắt nhìn, thấy cửa vào đó đã bị canh phòng nghiêm ngặt, Phi Yến quyết định đành phải lẻn vào bằng đường cửa sổ.
Phi Yến nhẹ nhàng mở cửa sổ bay vào trót lọt. Nhưng vì quá lụp chụp nên lúc bay vào Phi Yến đã không ngừng kịp, đụng người vào tấm bình phong, làm tấm bình phong đổ, lại kéo thêm mấy cái bình cỗ ngã. Ðám lính gác bên ngoài nghe tiếng đổ rầm rầm loảng xoảng trong phòng, biết có trộm vội vàng chạy vào. Thế là sự hiện diện đông người làm Phi Yến giật mình, lấy được thỏi nam châm giấu vào tay áo xong, nhưng bước đi loạng choạng thế nào mà như chiếc cây đổ, ngã nhào xuống đất. Phi Yến vừa lồm cồm ngồi dậy, thấy đám lính chạy tới chĩa gươm thẳng vào người nàng, sợ quá khoác tay:
– Không phải trộm! Không phải trộm đâu! Là ta đây mà!
Tụi binh lính không nhận ra Phi Yến trong quần áo của một đứa nô tì, giận dữ:
– Tiểu Xảo! Ngươi lại làm gì? Tại sao phá cửa sổ nhảy vào đây? Có biết phép tắc là gì không chứ?
Phi Yến cười giả lả, bỗng con nô tì thắt hai bím tóc chạy tới nói:
-Trộm! Mau bắt lấy!
Nó vừa nói xong là tụi binh lính vây lấy Phi Yến, nàng nhanh như sóc phóng mình qua cửa sổ chạy ra hành lang. Ném thỏi nam châm về hướng Phi Nhi, Phi Nhi chụp lấy rồi theo kế hoạch bỏ chạy ra khỏi phủ. Tụi binh lính chỉ biết phi thân đuổi theo Phi Yến chứ không phát hiện có thêm trên trộm khác là Phi Nhi. Phi Yến thấy tình hình nguy cấp quá, cũng muốn chị gái thoát khỏi an toàn nên cũng đánh lạc hướng bọn truy binh. Phi Yến gia tốc chạy nhanh hơn. Nhảy qua hòn giả sơn rồi nhảy qua hồ nước trong sân.
Ðâu phải chỉ có bọn binh lính, mà cả bọn người ở cũng được lệnh ra bắt én nhỏ lại. Thế là cả phủ huyện người với người, chưa bao giờ lại ồn ào một cách bát nháo như thế.
Phi Yến chạy vòng ra một góc trong hậu viên, nhảy xuống giếng khoảng chừng hai thước đứng dang hai chân hai tay bám trụ vào vách giếng như con sao biển, trốn dưới đó.
Hai tên bộ đầu vội dẫn đám lính xông vào hậu viên, quan huyện cũng vừa đến. Quan huyện nói: – Dám lẻn vào phủ ta thì quả là to gan thật, phải bắt cho được con này.
Binh lính xem xét từng căn phòng một trong hậu viên vẫn không trông thấy bóng tên trộm đâu. Điều đó làm bọn chúng lạ lùng vì chúng biết rõ từng ngõ ngách vậy mà tên ăn trộm đã chạy đâu?
Hồi sau cùng chia nhau lục soát vẫn không có kết quả. Một tên bộ đầu nói:
– Lạ thật! Thấy cô ta chạy vào rõ ràng mà, sao lại mất tiêu?
Quan huyện trách:
– Tụi bây là lũ ăn hại cả! Đông người thế này mà chỉ một tay ăn trộm lại bắt không được, thật đáng xấu hổ!
Tên bộ đầu nói:
-Dạ bẩm đại nhân, tay trộm này thân pháp cực kỳ nhanh nhẹn chắc hẳn phải thuộc hàng cao thủ.
Quản gia thắc mắc:
– Lạ thật, huyện này lại không có cửa hậu, chẳng lẽ tay trộm đã tàng hình? Hay là thừa lúc bọn ta xông vào lục lọi chẳng để ý đã lẻn được ra ngoài?
Tên bộ đầu nói:
– Không thể được! Tôi đã xem xét rất kỹ, cô ả mà thoát được chỉ có nước là tàng hình thôi.
Khi này tụi lính sắp đi tới giếng nước, Phi Yến đã mỏi chân lắm rồi, chỉ mong bọn chúng đi ngang cho mau để mà trèo trở lên. Ngờ đâu gã bộ đầu hất hất đầu nói với một tên lính:
-Ngươi qua đó xem coi.
-Dạ.
Tiểu Tường trên nóc nhà đại sảnh thấy Phi Yến sắp bị nguy hiểm, liền dặm chân đạp lên mái ngói rầm rầm cố để bọn lính nghe được.
Bọn lính cùng quan huyện bỏ hậu viện mà chạy ra sân, thấy Tiểu Tường trên mái nhà, giương cung lên bắn. Tiểu Tường liên tục nhảy tránh. Phi Yến cũng thừa dịp này nhảy ra khỏi miệng giếng, rồi dùng một sợi dây dài mà nàng đeo vòng quanh hông, ở đầu dây có cái móc như năm ngón tay, ném qua bức tường ở hậu viên, trèo tường trốn ra khỏi phủ.
Khi này tụi binh lính có người đã leo được lên tới mái nhà. Tiểu Tường vừa phải nhảy nhót như một vũ công tránh mũi tênh bên này xong tránh mũi đao bên kia, tả xung hửu đột với cả chục người. Phi Yến đứng bên ngoài trông thấy không khỏi lo lắng.
Nhưng Tiểu Tường không phải là tay yếu. Tiểu Tường thừa cơ đoạt được một thanh đao của một tên lính, ánh thép trong tay nàng vung lên, gạt phăng những lưỡi gươm và tênh kia đi. Những lưỡi đao tứ phía vừa bị dạt ra đã bủa tới, nên Tiểu Tường phải ứng phó cật lực. Có điều nàng nghe nói quan huyện này cũng khá thanh liêm, nên đường gươm nàng chỉ có tính cách chống đở, chứ không muốn sát thương một ai. Trong khi các binh sĩ kia thì lại quyết tâm hạ thủ, vì vậy cuộc chiến khá ác liệt. Tiểu Tường đã phải chống trả một cách cực nhọc, càng lúc càng ở vào thế hạ phong.
Thêm một lúc nữa thì “toạt” một tiếng, vai áo của Tiểu Tường đã bị rách một miếng, nhưng may là chưa chạm vào da thịt trên vai. Vũ khí trên tay nàng cũng bị một tên lính đá rơi xuống. Phi Yến đứng ngoài phủ sợ hãi không biết tính sao.
Một tên lính khác đứng phía sau Tiểu Tường đá một cú vào lưng nàng, thế là nàng mất đà lại té xuống. Nhưng nàng chẳng chịu thua, vừa chạm mình xuống mái nhà nàng đã lộn một vòng, rồi nhặt lấy thanh đao rơi dưới đất, tiếp tục chiến đấu.
Có điều… Mảnh hổ nan dịch quần hồ. Một vạt áo của nàng lại bị kiếm đâm toạt, bấy giờ Tiểu Tường xanh cả mặt. Lúc hai chân hai tay nàng mõi nhừ rồi thì chợt có tiếng lao đi vun vút, cấm phập xuống mấy miếng ngói ngay dưới chân nàng, rồi tiếng Phi Yến la lên:
-Bên này!
Tiểu Tường nhìn xuống chân, thấy có một sợi dây được buột vào một cái móc hình bàn tay năm ngón đang quặp lại. Hóa ra Phi Yến buột sợi dây thừng vào một thân cây cổ thụ mọc bên ngoài phủ, rồi ném đầu còn lại của sợi dây đó về hướng Tiểu Tường. Tiểu Tường nhanh nhẹn cúi nhặt sợi dây lên, từ trên nóc nhà đu dây bay đi.
Phủ huyện nằm giữa thị trấn, ngõ hẻm chằng chịt như lạc vào thiên môn trận, Phi Yến Tiểu Tường cứ chạy, chạy mãi, vòng qua ngõ này quẹo sang ngõ kia, cuối cùng trời thương hai nàng cũng ra khỏi trấn. Họ ngẩng lên nhìn thấy sao lác đác, bây giờ đã là canh một.
Tụi binh sĩ cũng chạy ra khỏi phủ tìm kiếm khắp nơi. Thấy hai cái bóng đang chạy như ma đuổi về phía tây, chúng liền xách binh khí hè nhau đuổi gấp.
Tiểu Tường Phi Yến chạy được mấy dặm, phía trước có một đám ruộng bỏ hoang, cỏ bông lau mọc khá cao, hai bóng người vừa chui vào ruộng đã mất tích không thấy đâu nữa. Tụi truy binh phải chui vào theo, vừa quát tháo vừa đuổi. Đi hết ruộng cỏ lau, phía trước lại là một khu rừng vừa rậm rạp vừa tối đen, hai cô gái chạy một mạch vào trong rừng.
Lúc đó Phi Nhi đã nhảy tót lên cây tuyết tùng, thấy bóng Tiểu Tường và Phi Yến chạy tới thì từ trên cây thòng dây nói xuống:
-Nắm lấy tôi kéo lên! Mau mau!
Phi Yến Tiểu Tường chạy thục mạng nãy giờ đuối sức lắm rồi, may là có người kéo lên chứ bắt họ trèo họ không đời nào lên đó được.
Một đám binh lính đuổi theo họ vô rừng. Ba cô gái nấp trên cây, nhìn những đóm đuốt lập lòe lúc ẩn lúc hiện như nhóm lửa ma trơi làm cho họ run rẩy. Phi Yến đưa mắt nhìn vào bóng tối dày đặc chung quanh, không biết phải làm gì.
Tiểu Tường nói với Phi Yến:
-Cảm ơn cô lúc nãy cứu tôi.
Phi Yến nói:
-Là cô cứu tôi trước, bằng không bọn chúng đã phát hiện ra tôi dưới giếng rồi hu hu.
Hai cô gái nắm lấy tay nhau. Phi Yến khóc thút thít.
Phi Nhi định trấn an em gái thì Tiểu Tường nói:
-Đừng lo, trên này rất cao, tàng cây rậm rạp, sẽ không ai phát hiện ra chúng ta đâu.
Phi Nhi tự nhiên thấy thương cô bạn gái này quá. Nàng biết Tiểu Tường đang rúng động trong lòng nhưng vẫn cố trấn an hai chị em nàng. Lời đó nghe như ngọn lửa ấm truyền sang nàng, và nàng dịu dàng nói:
– Thôi, trời cũng khuya rồi, theo đà này bọn lính có lẽ sẽ truy tìm cả đêm, và chắc cũng đang còn đứng canh ở bìa rừng, chúng ta không trở ra cũng không đi sâu vào được, đành ngủ một giấc lấy sức vậy.
Đoạn nàng chỉ hai cành cây to và chắc, nói:
– Có lẽ phải chia ca trực, cứ hai người ngủ một người thức.
Phi Yến ngước nhìn lên trời, cố tìm một ngôi sao lấp lánh nhưng chẳng thấy gì, có lẽ mây đen kéo đến hoặc những cành cây tuyết tùng đang giăng kín bầu trời, biết rằng cho dù ba người nàng có muốn đi cũng không thấy đường mà đi, nàng cũng hy vọng tối nay không mưa.
Phi Nhi bình tĩnh phân công:
– Bây giờ tôi sẽ trực ca đầu tiên, hai người ngủ đi, khi tôi mệt rồi tới phiên Tiểu Tường, tôi sẽ đánh thức cô dậy. Sau đó đến Yến muội. Mọi người đồng ý không?
Không biết tự lúc nào cả bọn mặc nhiên coi Phi Nhi là thủ lĩnh.
– Ðồng ý! – Hai cái miệng kia cùng nói.
Phi Nhi cẩn thận dặn dò:
– Trong phiên trực của mình, ai phát hiện binh lính từ xa phải lập tức đánh thức cả bọn dậy, mọi người đều phải đề cao cảnh giác.
Nàng nói xong, Phi Yến tự động nằm vắt vẻo trên một cành cây to, Tiểu Tường thì cũng sửa soạn chỗ nằm. Phi Nhi kéo hai tàng lá lại làm mềnh đắp lên mình Phi Yến và Tiểu Tường. Tuy là ba người đang gặp nạn, nhưng có bạn đồng hành cũng đỡ cô đơn.
Trời sáng.
Truy binh còn chưa rút ra rừng, lại còn dẫn thêm một đàn chó vào lục tung từng bụi cây bụi cỏ. Khu rừng rất rộng, ba cô gái sợ bọn chó săn đánh hơi được bèn dùng sợi thừng ném từ ngọn cây này sang ngọn cây kia, đu dây mà bay đi, tới khi không còn nghe tiếng chó sủa nữa mới dám dừng chân lại.
Phi Yến cả đêm qua rồi sáng này chưa có gì bỏ bụng, đói lắm rồi, ngồi xuống ôm bụng mếu xệch miệng không chạy trốn được nữa.
Tiểu Tường dìu Phi Yến đứng lên, dỗ dành:
-Én bay này, cô ráng một chút đi, về tới khu trại rồi tôi gói há cảo cho cô ăn đã đời luôn.
Phi Yến nghe đến há cảo, mà lại là há cảo chính Tiểu Tường làm thì nước bọt ứa ra, nuốt đánh ực một tiếng, nói:
– Nhưng biết đường đâu mà về?
Tiểu Tường nghe hỏi giật mình, phân vân. Lát hồi lấy lại bình tĩnh, đáp:
– Tối qua tụi mình chạy vô rừng này, mà khu rừng lại nằm hướng tây, bây giờ phải đi ngược lại theo hướng đông.
– Làm sao biết hướng nào là hướng đông? – Phi Yến vẫn thấp thỏm – Mình đâu có đem theo la bàn, có một cái thì đang ở khu trại trên Đồng Sơn rồi.
Tiểu Tường cười xòa:
– Én bay ơi là én bay, cô sao mà ngốc quá! Bộ không biết nhìn mặt trời để coi hướng hả?
Rồi nàng bỉu môi:
– Thế mà cũng đi lại giang hồ đấy!
Lúc nói câu ấy Tiểu Tường đâu có hay nàng cũng sẽ không thể nào phân biệt hướng nào là hướng nào. Tiểu Tường nhìn lên trời, nỗi cụt hứng khiến gương mặt của nàng xìu xuống như một cọng bún.
Phi Yến cũng phát hiện điểm này, ngửa cổ ngẩn lên trời, rồi khóc tồ tồ. Vì chẳng biết tự bao giờ bọn họ lọt vào một khu rừng dày, các tàng cây rậm rạp trên đầu gần như giao nhau, che khuất mất mặt trời, chỉ có vài giọt nắng lốm đốm lọt keo kiệt qua kẽ lá.
-Có phải chúng ta sẽ chết ở đây không? Tỉ tỉ ơi, muội sợ quá, hu hu…
Tiểu Tường cũng muốn khóc theo Phi Yến quá, song chỉ đưa mắt nhìn Phi Nhi, mặt Tiểu Tường méo đi không nói được tiếng nào.
– Ðừng lo! Chúng ta sẽ tìm cách khác! – Phi Nhi dùng tay áo lau nước mắt cho em, nói – Bây giờ chắc cũng đã trưa, mặt trời nằm ngay đỉnh đầu, nếu nhìn thấy, tụi mình cũng không xác định phương hướng được đâu! Mà đi hướng đông thì chỉ dẫn chúng ta trở ra khỏi rừng này, trở về hướng phủ huyện tự sa vào lưới thôi. Chúng ta nên đi hướng Nam kia.
Tiểu Tường gật gù nói:
– Chợ Hồ Lô nằm ở hướng nam, nhưng làm cách gì để tìm ra hướng Nam?
– Nhìn thân cây. Phía nào ẩm ước nhiều là hướng bắc. Vì mặt trời không đi qua hướng này, rồi từ đó tính ra.
Tiểu Tường nhìn quanh, bất giác buông một tiếng thở dài:
– Thua rồi. Trong khu rừng dày như thế này, lại đang là mùa đông, tôi nghĩ thân cây có lẽ ẩm ướt cả bốn phía.
Mấy cô gái tiếp tục động não suy nghĩ.
Phi Yến hai mắt đỏ hoe, hiển nhiên nàng đã khóc rất nhiều, bỗng nàng nghĩ ra được gì đó, chớp chớp mắt xen vào:
– Thế thì chúng ta phải tìm chòm sao Bắc Ðẩu…
Phi Nhi rành tánh em gái mình, biết Phi Yến thiên chất ngây thơ nên không nỡ mắng, mà Phi Nhi khi này đang rầu thúi ruột, nghe nói vậy cũng phải lắc đầu cười. Chỉ có Tiểu Tường là cốc đầu Phi Yến một cái cốp.
-Úi da! Sao cô đánh tui?
Tiểu Tường nói:
-Bây giờ trời đang sáng trưng, ở đó mà Bắc Ðẩu với Nam Tào! Mà dẫu có là ban đêm, cành lá um tùm thế kia, có tài thánh mới hòng nhìn thấy nổi!
Giả tỷ hôm trước Phi Yến mà nghe câu này tất không khỏi nổi giận, nhưng bây giờ tự nhiên thấy thân thiết Tiểu Tường, lại nữa đúng là nàng ăn nói không chịu suy nghĩ thiệt, Phi Yến lỏn lẻn cười:
-À há!
Ðể mặc hai người kia tranh cải, Phi Nhi đi lòng vòng quanh gần đó lặng lẽ quan sát.
Hai cô gái nhìn theo Phi Nhi, vẻ mặt hy vọng như nhìn một vị cứu tinh. Họ hy vọng không phải là không có lý. Phi Nhi có tư chất thông minh, đang cúi lom khom, nghiêng nghiêng ngó ngó,
trầm ngâm một lúc rồi quyết định chủ ý rồi, nàng đứng thẳng người dõng dạc hô:
– Tìm thấy rồi!
Nàng chỉ tay ra tứ phía, giọng hân hoan:
– Hướng này là bắc, hướng này là đông. Vậy hướng này là nam. Tụi mình đi về hướng này.
Phi Yến vẫn hoài thắc mắc:
– Làm sao tỉ tỉ biết được vậy hở?
– Thường thường kinh đô hay thị trấn đều xây cửa chính của các ngôi miếu, đình, tháp hướng về phía Nam. Muội muội cứ nhìn tháp Hoa và đình Mẫu Tử ở đằng kia thử xem.
Quả thật Tiểu Tường và Phi Yến nhìn theo tay chỉ của Phi Nhi, ở đằng xa xa thấy thấp thoáng cái chóp nhọn của tháp Hoa và nóc nhà của đình Mẫu Tử, tất cả hướng về cùng một phía. Hai nơi này là gần chợ Hồ Lô.
Phi Nhi nói thêm:
– Muội muội đừng lo. Hướng đó chắc chắn là Nam, vì tỉ có tìm thêm chi tiết quan trọng nữa để xác định.
– Chi tiết gì vậy?
– Lúc nãy tỉ đã đi quanh nơi này tìm tổ kiến bởi bọn côn trùng sâu bọ thường làm tổ hướng về Nam…
-Cô thật là thông minh!
Tiếng reo của Tiểu Tường không dấu được nỗi vui mừng.
Trước khi rời khỏi khu rừng, ba cô gái quyết định từ đây dẹp bỏ những chuyện đố kỵ ganh ghét lẫn nhau sang bên, cùng nhau… theo hầu tình lang, bái thiên bái địa kết nghĩa làm tỉ muội. Trên có lá cành, dưới có đất đai làm chứng. Tiểu Tường bẻ ba cây que tượng trưng cho nhang cắm xuống đất, rồi ba cô gái quỳ trước bàn hương án tạm lập giữa trời, nhìn lên trời nói:
– Trên có Ngọc Hoàng Thượng Đế, dưới đất có Diêm Vương và tất cả những cây cỏ thú rừng đang sống quanh đây, xin hãy chứng giám cho Tiểu Tường này. Bắt đầu từ hôm nay xin thề với trời đất Thánh Thần nguyện cùng song Lộ Phi nương kết nghĩa tỉ muội. Từ nay có ăn cùng ăn, có mặc cùng mặc, cư xử nhau như tỉ muội ruột thịt. Nếu phản bội lời thề, phải chết thảm với gươm đao, hoặc bị đám ngựa phanh thây!
Tiểu Tường vái xong, quay qua Phi Yến Phi Nhi:
-Bây giờ đến phiên hai cô đấy!
Phi Nhi cũng thành khẩn bái:
– Trên có trời dưới có đất, tôi Lộ Phi Nhi xin được cùng Tiểu Tường…
Vừa nói đến đây, Phi Nhi chợt nhớ ra, quay sang hỏi:
– Tiểu Tường cô năm nay bao nhiêu tuổi? Sinh tháng nào?
– Tôi sinh năm Nhâm Tuất, năm nay mười bảy tuổi, vào tháng mười một.
– Hai tỉ muội chúng tôi cũng sinh năm Nhâm Tuất, ngày sinh là mùng bảy tháng tám. Vậy giữa ba đứa ta, cô là muội muội rồi?
Nhưng Phi Yến vội vã giành làm út, nói:
– Muội muốn làm tiểu tam cơ.
Tiểu Tường nghe vậy phá lên cười. Phi Nhi thì cũng khe khẽ lắc đầu, nàng thấy em gái lại dụng sai từ trong câu nói nữa rồi nhưng không có thời gian chỉnh lại, chỉ nói:
-Vậy đâu có được, muội đây lớn hơn Tiểu Tường mà.
Phi Yến phụng phịu.
Tiểu Tường vừa cười vừa nói:
-Không sao đâu, tôi cũng không muốn làm cô út, thôi thì Phi Nhi làm chị cả, tôi là chị hai, còn én bay là cô út vậy!
Thế là ba người đồng lòng bái thiên bái địa, vái lại:
– Trên có trời, dưới có đất. Ba đứa chúng tôi cảm thấy tâm đầu ý hợp nên xin kết nghĩa tỉ muội. Bắt đầu từ đây, có phước cùng hưởng, có nạn cùng chia, có chồng… cùng cung phụng, bất luận số mệnh của mỗi người thế nào, phúc họa ra sao cũng không bỏ nhau! Lời thề này chung cho ba người, xin thánh thần chứng giám.
Lễ kết nghĩa kết thúc, Tiểu Tường nhẹ nhàng nói với Phi Yến:
-Yến muội, muội đói bụng và mệt quá không đi nổi nữa thì lên đây tỉ cõng cho.
Phi Yến cảm động rơi nước mắt, riu ríu nói:
-Cám ơn chị hai.
Ba cô gái ứa lệ nhìn nhau, lòng ngập đầy tình cảm.
-Hay quá, chúng mình đi thôi!
Tiểu Tường vừa nói vừa khom người xuống cho Phi Yến leo lên lưng.
Phi Yến được cõng đi, từ trên lưng Tiểu Tường hoan hỉ hỏi:
– Chị cả, chị hai, bọn mình bình yên vô sự thật rồi ư?
Phi Nhi mỉm cười gật đầu, như thường lệ, trách nhiệm của một thủ lĩnh là vọt lên trước mở đường.