Thanh Quỳ Mộc Dương

Chương 1



Tên của Mục Anh và Mục Lan đều là do ông nội đặt cho. Nếu bạn cho rằng chủ nhân của hai cái tên này là hai chị em, thì bạn đã sai rồi, thật ra bọn họ chính là hai anh em đó… Mục Anh là anh trai, Mục Lan là em gái, hai người hơn kém nhau tám tuổi.

“Cái gì?” Bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên, “Anh trai sao lại được đặt tên con gái như thế?”

Vâng, đại khái là ngoại trừ ông nội Mục, thì tất cả mọi người đều nghĩ như vậy. Bà nội Mục là người luôn mong muốn cháu trai mình thành long thành phượng so với bất cứ ai, năm đó vừa nghe thấy ông nội Mục đặt cho đứa cháu đích tôn tam đại đơn truyền một cái tên “Hoa hoa” như thế, lập tức liền mắng to… “Lão Mục chết tiệt, chưa già đã hồ đồ rồi sao! Mục Quế Anh cho dù có lợi hại thì cũng là con gái! Đặt cho cháu trai mình cái tên này, ông có lòng dạ gì hả?!”

“Mẹ! Không phải Mục Quế Anh, là Mục Anh!” Con trai của bà cũng chính là ba của Mục Anh vội làm sáng tỏ.

“Thì cũng chỉ kém có một chữ thôi!”

“Kém một chữ này, thì ý nghĩa khác nhiều lắm đó.” Ông nội Mục là một ông giáo về hưu, đối với cái tính nóng nảy của bà bạn già này, từ trước đến nay mặc kệ là có lý hay vô lý thì đều cứ làm ầm ầm trước đã, cho đến khi ông tỉ mỉ kỹ càng giải thích ra… anh tài, anh kiệt, anh hào…đều là khí phách nam nhi cả, thì lúc này bạn già hùng hổ này mới chịu hành quân lặng lẽ rút lui.

Nhưng mà, ba mẹ Mục Anh cũng đồng dạng không hài lòng về cái tên, lại chưa bị thuyết phục cho lắm… tuy nhiên họ nổi tiếng là con trai con dâu hiếu thảo trong thôn, đương nhiên không muốn bởi vì một cái tên mà chọc đến lão Mục không vui.

Ông nội Mục đặt tên cho cháu gái là Mục Lan, đơn giản bởi vì ông thích hoa lan. Cái tên này thì lại hợp ý cả nhà. Ông nội Mục và ba Mục đều hy vọng đứa con gái này huệ chất lan tâm; bà nội Mục và mẹ Mục đều không hiểu, nhưng cũng mặc kệ có ý nghĩa nhiều như thế nào thì bọn họ chỉ hi vọng đứa con gái này xinh đẹp như hoa lan.

Lúc Mục Anh còn trong tã lót, có chút thiếu cân, bà nội Mục cho rằng đây là do chất lượng sữa của con dâu không tốt mới tạo thành như vậy. Nhưng sau khi cai sữa đứa cháu bảo bối của bà cũng không béo hơn chút nào, y như một đứa bé sinh thiếu tháng, bà nội Mục không hiểu và cũng không thừa nhận đây là do gen di truyền mà ra, lại cổ hủ mê tín, cho rằng cháu trai mình bị cái tên vốn là thường dùng cho một cô bé làm ảnh hưởng… đương nhiên sẽ yếu đuối như con gái rồi. “Ba tuổi không thành lừa, đến già cũng chỉ là ngựa con.”

Bà nội Mục cho rằng nếu muốn xoay chuyển càn khôn, phải nhanh chóng đổi tên! Ông nội Mục cảm thấy bản thân mình không thể gánh vác nổi cái tội danh đặt tên sai cho cháu, vì thế suy xét mãi, quyết định đổi chữ “Anh” thành “Ưng” là con diều hâu. Còn chưa kịp đợi ông nội Mục giải thích ý nghĩa to lớn đại triển hoành đồ, giương cánh bay cao, thì bà nội Mục đã vỗ đùi: “Diều hâu quắp gà con! Tên này tốt đó!”

Sau khi Mục Anh đi học, vì ngại chữ “Ưng” viết ra quá phức tạp, tự chủ trương lại đổi thành “Anh”. Từ khi radio phát tiết mục đọc truyện dài kỳ tác phẩm nổi tiếng《 Dương gia tướng 》, thì có bạn học nghịch ngợm dứt khoát gọi hắn là Mục Quế Anh. Dù là vậy, Mục Anh cũng không muốn đổi tên nữa… Mục Quế Anh thì Mục Quế Anh, chỉ cần dễ viết là được.

Bà nội Mục không biết chữ ( theo các bà tự trêu mình là “Có mắt như mù”) cho dù đem tên Mục Anh viết lên sách vở, bài tập đặt ngay dưới mí mắt, thì bà cũng sẽ không biết đứa cháu cưng đích tôn này đã vi phạm ý muốn của bà tự đổi trở lại thành cái tên đầy nữ tính kia.

Trong nhà những người khác đương nhiên là không thể không biết tình huống này, ông nội Mục âm thầm khoái chí đứa cháu trai quả là anh hùng có chung ý kiến với mình, cho nên giả câm vờ điếc; ba mẹ Mục Anh vì lo lắng bà nội Mục và thằng nhóc trời con Mục Anh sẽ cãi nhau ầm ĩ, vì thế cũng ngoảnh mặt làm ngơ.

Sau này khi Mục Anh thi đậu đại học, bà nội Mục bị lừa gạt hơn mười năm vẫn còn tự tuyên dương bản thân với hội bạn già hàng xóm, nói là may mắn lúc trước bà buộc lão già kia đổi “Anh” thành “Ưng”, nếu không khó mà nói được, đứa cháu đích tôn của bà hôm nay có thể bay ra khỏi cái thôn nhà nông này hay không.

Lúc Mục Anh còn nhỏ ba ngày hai hôm lại sinh bệnh, dì Lý nhà bên còn hoài nghi nhà họ Mục có chỗ mạo phạm thần linh, liền chỉ bọn họ đi mời bà đồng cốt.

Mẹ Mục Anh cũng muốn đi mời, nhưng bà nội Mục lại không tin chuyện này, ngang ngược ngăn cản.

Có một lần, Mục Anh phát sốt nói mê sảng, mẹ Mục Anh sợ hãi, mặc kệ mẹ chồng có đồng ý hay không, cũng đi mời bà đồng cốt đến. Bà nội Mục cũng không ngồi nhìn, tự mình đi mời bác sĩ đến. Bên này, bác sĩ kim chích truyền dịch, bên kia, bà đồng cốt thắp hương cầu nguyện, dưới sự hợp lực của bọn họ, Mục Anh rất nhanh liền có chuyển biến tốt đẹp.

Bà nội Mục tuy rằng không tin thần thánh, nhưng lại tin mệnh số. Năm Mục Anh sáu tuổi, bà nhờ thầy bói tính một quẻ cho đứa cháu bảo bối của mình. Thầy bói kiến nghị bọn họ nhận cho Mục Anh một người anh em kết nghĩa, bà nội Mục nói gì nghe nấy, lựa chọn một gia đình họ Lý ở thôn bên cạnh.

Nhà họ Lý có con trai bằng tuổi Mục Anh tên là Bỉnh Nam, hai nhà đồng ý với nhau, cho hai đứa bé kết nghĩa anh em. Sau này nhà họ Lý lại sinh thêm hai đứa con trai, đứa thứ hai tên là Bỉnh Huy, lớn hơn Mục Lan một tuổi, đứa thứ ba bằng tuổi Mục Lan, tên là Bỉnh Lân.

Bà nội Mục sinh được sáu đứa con gái, tuy rằng chỉ có ba Mục Anh là con trai, nhưng cũng không nuông chiều từ bé. Bà nội Mục thường nói chiều chuộng sẽ dạy ra con hư, nhưng đối với đứa cháu trai đích tôn thì lại tìm mọi cách o bế… ngậm trong miệng sợ tan, ôm trong lòng sợ vỡ. Mục Lan trong lòng bà nội không quý giá bằng anh hai, nhưng được ông nội coi như hòn ngọc quý.

Bởi vậy, khi cô còn nhỏ bất kể là đối với trong nhà hay là ngoài ngõ gì, thì cũng thường thanh minh rằng… bà nội là của anh hai, ông nội mới là của cô. Tính cách Mục Lan có chút dễ dãi, rất ít khi so đo bà nội bất công, nhưng có đôi lúc cũng không khỏi ghen tỵ một chút, oán trách bà nội trọng nam khinh nữ. “Con gái là người nhà khác nhờ nuôi giúp, sớm muộn gì cũng về nhà người ta.” Bà nội Mục nói năng hùng hồn đầy lý lẽ, biện hộ cho tư tưởng và hành vi của mình, “Con trai thì ngược lại, có thể mang thêm người về cho gia đình, là trụ cột trong nhà!”

Ông nội Mục sợ tâm hồn bé nhỏ của cháu gái mình sẽ bị thương tổn, cho nên đã len lén giải thích với Mục Lan, rằng sở dĩ bà nội Mục có loại tư tưởng này, là vì có bóng ma tâm lý ở nhà cha mẹ đẻ.

Thì ra bà nội Mục ở nhà mẹ đẻ là con gái lớn, bên dưới còn có tám đứa em gái nhưng lại không có anh em trai, vì vậy cả nhà cứ bị người ta kỳ thị, ức hiếp. Mục Lan sau khi biết rõ chuyện này, tuy rằng vẫn tranh cãi cùng bà nội, nhưng không lôi chuyện trọng nam khinh nữ ra để nói nữa.

Là con gái lớn trong gia đình, bà nội Mục ở nhà mẹ đẻ có thể nói là vênh mặt hất hàm sai khiến đám em gái, sau khi về nhà chồng, lại chỉ có thể nghẹn nghẹn khuất khuất nhìn sắc mặt mẹ chồng mà làm việc… bà cố Mục tuy không tính là khắc nghiệt, những câu cái tiếng là mẹ chồng, cũng đủ làm người ta phải cam chịu.

Cho đến sau khi bà cố qua đời, bà nội Mục mới chân chính tự mình lập nghiệp. Bà nội Mục tuy rằng cường thế nhưng cũng thông tình đạt lý, cho dù không xem mẹ Mục Anh như con gái mà đối đãi, nhưng cũng không giống một số bà mẹ chồng, lấy những uất ức năm đó khi mình còn làm dâu, trút lên trên đầu con dâu của mình…đương nhiên, thời đại bây giờ đã khác rồi… ngẫm lại bà nội Mục Anh cũng là một người bất hạnh, chịu đựng mẹ chồng suốt nửa cuộc đời, sau khi lên chức mẹ chồng thì thời thế lại thay đổi, nửa cuộc đời sau lại phải chịu đựng con dâu.

Mẹ Mục Anh cũng là người hiểu lý lẽ, hơn nữa tính tình cũng tương đối, cho nên mẹ chồng nàng dâu cũng coi như hòa hợp.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.