Muốn Lý Tùng Nhất thừa nhận mình đẹp bình thường là chuyện không thể.
Thế nên cậu rơi vào con đường bị bạn gái đạo diễn tùy ý sắp xếp. Nhưng điều khiến cậu tức tối nhất là Phương Hữu Hành, Thai Hành và thậm chí là chị Xuân Lan dễ thương đều ngồi chồm hổm trước mặt cậu như thể đang xem tiết mục “lột xác”. Họ trơ mắt nhìn cậu lên “đoạn đầu đài” thì thôi đi, thế mà còn ngồi rung đùi cắn hạt dưa. Chưa hết, người nào người nấy còn chỉ tay năm ngón trước màn hóa trang của cậu.
“Ô, màu son này nhạt quá. Không đẹp.” Thai Hành phán một câu xanh rờn.
Bạn gái đạo diễn nói trong bất lực: “Tùng Nhất không cho chị dùng son đỏ, nói là nhìn như yêu nữ. Chị đành chọn hồng nude, hợp với màu môi gốc.”
Lý Tùng Nhất tròn mắt: “Dầu gì cũng là ảnh trắng đen, ai quan tâm tôi son màu nào.”
Phương Hữu Hành phê bình thẳng thắn: “Tùng Nhất, cậu nói bậy rồi. Điều quan trọng nhất của làm điện ảnh là phải nghiêm túc. Có nhiều nội dung và tình tiết không xuất hiện trong máy quay, chả nhẽ mình cứ thể bỏ qua? Sai bét! Phải coi mỗi một phân cảnh là một sự kiện thực tế, cậu mới có thể phô bày tác phẩm chân thành nhất, mới có thể cho khán giả biết sự tinh tế của cậu! Nếu cậu diễn chiếu lệ, làm sao có quyền đòi hỏi người khác tôn trọng và tin tưởng?”
Lý Tùng Nhất lòng đau như cắt: “Giờ tôi son, được chưa!”
Bạn gái đạo diễn cười hì hì. Cô đã sẵn sàng, vừa nghe Lý Tùng Nhất đồng ý đã lấy thỏi son bóng màu đỏ quệt lên môi cậu.
Phương Hữu Hành lén lút nháy mắt với bạn gái. Cô gật đầu, ý bảo về nhà có thưởng.
Dưới bàn tay ma thuật của bạn gái đạo diễn, những đường nét nam tính của Lý Tùng Nhất được che đậy đến mức có thể, thay vào đó là tôn lên đường cong mềm mại và duyên dáng. Trang điểm mắt là việc tốn nhiều công sức nhất, áp dụng hơn chục kỹ thuật mới có thể phác họa thành công một đôi mắt thanh mảnh quyến rũ. Nhưng cặp mắt ấy vẫn trong veo và mang nét hồn nhiên của thiếu nữ. Kết hợp với đôi môi đỏ au và làn da nõn nà, đây đích thị là tiểu thư khuôn trăng đài các của thời nhà Thanh.
Nếu Hoàng đế nhìn thấy Lý Tùng Nhất, e rằng đã sắc phong phi tần ngay trong kỳ tuyển tú.
Trên đầu là những đóa tường vi đo đỏ; trang sức thì trân châu, phỉ thúy, đá quý; phục trang Mãn Thanh với họa tiết hoa sen và viền áo thêu bằng chỉ vàng; trên móng tay là hoa văn tinh xảo với chiếc hộ chỉ* màu lam ưu nhã.
[1] Hộ chỉ: Nó còn có tên khác là “hộ giáp” hay “nhẫn móng tay”, là một trang sức bảo vệ móng tay của nữ giới.
Tào Xuân Lan đã mượn những đạo cụ rẻ tiền này từ sân khấu kịch của bà. Chúng chỉ có thể dùng trong một ngày và phải trả lại sau khi sử dụng.
Những đạo cụ rẻ tiền tuồng như phát huy tối đa vai trò của mình trên người Lý Tùng Nhất. Cậu vốn mang thân phận cao quý, dẫu trở thành con tin ở kiếp trước cũng chẳng thể xóa nhòa khí chất hoàng tử nơi cậu. Cậu từng diện kiến Hoàng đế cao cao tại thượng, từng âm thầm giao tranh với Thái tử vô song, từng gặp Công chúa khoan thai dịu dàng, thậm chí từng chứng kiến thời kỳ hoàng kim của một triều đại. Cậu mỉm cười nhìn về phía trước, thái độ kiêu hãnh mà khiêm tốn. Nhưng sức hấp dẫn toát lên từ cơ thể chẳng thề chối từ.
Trong kịch bản, nếu giới quý tộc chỉ sống trong miệng bà cụ như những cái xác khoác trang phục tinh xảo, thì giờ đây Lý Tùng Nhất với linh hồn tôn quý làm sống dậy hình ảnh của một thế hệ giàu sang trước mặt mọi người. Vẻ đẹp ngoạn mục và sự hào nhoáng của vật chất, chẳng trách khi bà lão đã gần đất xa trời mà vẫn canh cánh bên lòng.
“Không thể tin nổi!” Thai Hành lẩm bẩm.
“Công nhận.” Phương Hữu Hành gật gù.
“Không mang dép lê thì hoàn hảo hơn.” Tào Xuân Lan chỉ vào chân của Lý Tùng Nhất.
Lý Tùng Nhất lập tức rút chân về: “Đã nói không cần đi giày. Vả lại giày nhỏ quá, con mang không vừa.”
Mọi người cũng sợ ép Lý Tùng Nhất nổi đóa rồi bỏ diễn, chỉ có thể cố gắng tảng lờ đôi dép lỗi thời dưới chân.
Tấm ảnh chỉ chụp phần thân trên. Lý Tùng Nhất ngồi trên ghế Nanmu*, đôi tay đan vào nhau gác trên tay vịn. Cậu nghiêng người nhìn vào máy ảnh với nụ cười nhẹ. Trong khoảnh khắc này, Lý Tùng Nhất như đưa mọi người trở về thời kỳ cuối cùng khi chế độ quân chủ phong kiến* sắp sụp đổ.
[2] Ghế Nanmu: Là loại ghế thường dùng trong cung điện. Vì gỗ dùng đóng ghế rồng có tên là Nanmu, nên đặt tên là ghế Nanmu.
[3] Chế độ quân chủ phong kiến: là chế độ mà quyền lực tâp trung tuyệt đối, tối cao, trong tay một người (Vua, Hoàng đế, Thiên tử). Và mọi người phải phục tùng tuyệt đối.
Đèn flash lóe lên, đóng băng hết thảy vào tấm ảnh. Đến hậu kỳ chỉnh sửa thành ảnh đen trắng và thêm hiệu ứng cổ trang sẽ khiến vẻ đẹp của khung cảnh càng trở nên mông lung, nhưng lại có sức hấp dẫn đến từ thời kỳ xưa cũ. Ngay cả Lý Tùng Nhất vốn có chút phản kháng cũng phải hết lời khen ngợi khi trông thấy nó. Một khi chấp nhận hóa trang thành phụ nữ, cậu chẳng còn bài xích nữa. Thậm chí, cậu cảm tưởng có thể dựa vào sắc đẹp bình định thiên hạ. Và biểu hiện đỉnh điểm cho sự bành trướng lòng tự tin là khi vào giai đoạn quảng bá, Lý Tùng Nhất đã mặt dày bảo rằng mình đóng hai vai trong tác phẩm lần này.
Đoàn phim xả thân vì nghệ thuật và thu về quả ngọt chín mọng. Thế rồi, ngày tháng trôi nhanh như con chó chạy ngoài đồng.
Thoắt cái mà đã hai tháng.
“Chuỗi thức ăn” bước vào cảnh quay cuối cùng.
Cảnh cuối cùng mang một tầng nghĩa sâu sắc khác, hai kẻ lừa đảo do Lý Tùng Nhất và Thai Hành thủ vai bị đưa ra công lý. Họ gặp nhau trong nhà tù, trăm sông đổ về một biển, chỉ biết khóc chứ chẳng biết nói gì.
Bà cụ tỉnh táo và mẹ của kẻ lừa đảo đến thăm tù. Hai bà lão không quen biết nhau lại trở thành hai người đồng bệnh tương lân, dìu dắt nhau bước ra khỏi nhà tù.
Trong viễn cảnh*, bóng lưng loạng choạng của hai người từ từ bước đi trên con đường thênh thang dưới bầu trời vừa dứt cơn mưa nặng hạt, giọng nói của họ cũng trôi vào không trung.
[4] Viễn cảnh: Ở đây là nói về cảnh quay viễn cảnh (Extreme Long Shot) hay gọi là quay cảnh cực rộng/ quay đại cảnh (tùy theo dịch thuật). Con người xuất hiện trong cảnh quay cực rộng thường không rõ ràng và chỉ mang tính chất tham dự vào như một phần của nó mà không thể biết rõ đó là ai, thậm chí là không có hình ảnh con người.
Bà lão hỏi bà cụ: “Cháu chị phạm tội gì?”
Bà cụ: “Lừa đảo kinh tế.”
Bà lão: “Khéo thế, con trai tôi cũng vậy.”
Bà cụ: “Con trai chị bị kết án bao nhiêu năm?”
Bà lão: “Ba năm.”
Bà cụ: “Còn cháu tôi hai mươi năm.”
Bà lão: “Cháu chị giỏi gớm…”
Tiếng nói nhỏ dần và cho đến khi không còn nghe thấy. Máy quay luôn cố định vào cảnh này, hai bà cụ lớn tuổi trở thành những cái bóng liêu xiêu nơi chân trời. Chiếm phân nửa màn ảnh là vùng đất lồi lõm, cùng cây cối lưa thưa đang không ngừng nhiễu nước. Trên mặt đất là bầu trời với đám mây đen dày đặc, và dường như đang có một tia sáng muốn giãy giụa thoát ra.
Nó thoát được không?
Có lẽ được. Dẫu sao thì, “Chuỗi thức ăn” kết thúc tại đây.
Cả Lý Tùng Nhất và Thai Hành đều cạo đầu đinh. Bạn gái đạo diễn đã dùng tông đơ xén gần hết đầu tóc của hai người, dầu gì kiểu tóc này không đòi hỏi kỹ xảo nên tiết kiệm bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nhìn tóc tai rơi rụng đầy đất, Lý Tùng Nhất thầm thở dài xúc động. Cậu có cảm tưởng như đang thực hiện nghi thức cạo đầu vì nghệ thuật. Và khi nghi thức kết thúc cũng là lúc bộ phim đóng máy, Lý Tùng Nhất thực sự không nỡ xa mọi người.
Bản nhạc chuông điện thoại đã lâu không nghe cắt ngang nỗi thổn thức của Lý Tùng Nhất.
Lúc này, không ai ngoại trừ Khang Kiều vẫn còn nhớ đến cậu.
“A lô, Khang Kiều. Anh tìm tôi có việc gì à?” Lý Tùng Nhất soi gương, sờ mái tóc ngắn cũn cỡn trên đầu.
“Việc lớn!”
Lý Tùng Nhất sửng sốt trước giọng điệu vút cao của Khang Kiều, “Vụ gì? Khoan đã, anh cho tôi mấy từ khóa trước đi. Tôi cần một tín hiệu báo động, sẵn tiện xem thử có nên mua thuốc trợ tim không.”
“Mua liền đi!” Khang Kiều khẳng định.
Mặt cậu biến sắc rõ.
Khang Kiều dừng lại, hít sâu thở ra. Hắn lặp lại vài lần, tuồng như chuẩn bị cho những gì mình sắp phải nói. Tiếng thở lớn đến nỗi Lý Tùng Nhất nghe rõ mồn một thông qua sóng điện thoại. Chuyện tồi tệ cỡ nào mới khiến Khang Kiều bày binh bố trận như thế? Lý Tùng Nhất thật tình không dám tưởng tượng nữa.
“Tùng Nhất, Ủy ban Kiểm soát ma túy Quốc gia mời cậu và Gia Mậu tham gia phim tuyên truyền chống ma túy. Tất nhiên, thù lao bằng không.”
Đôi chân của Lý Tùng Nhất đột nhiên mềm nhũn khi nghe thấy mấy chữ “Ủy ban Kiểm soát ma túy Quốc gia”. Mặc dù cậu chẳng hề liên quan đến ma túy, nhưng làm sao có thể chịu nổi nhiều lời phán xét đang tuần hoàn không ngừng trên mạng. Nhỡ cậu bị kết án sai thì sao?
“Tôi bị oan mà!” Lý Tùng Nhất kêu gào thảm thiết, giọng nói run run. “Gì cơ? Phim tuyên truyền phòng, chống ma túy? Thật hả? Đừng có lừa tôi nha.”
Di chứng đóng phim của Lý Tùng Nhất là xem ai cũng như kẻ lừa đảo.
Khang Kiều hào hứng nói: “Thật, thật, thật! Thật đó! Sáng nay người ta gọi cho tôi. Tôi sợ đến mức không biết làm gì, cuối cùng chạy đến Ủy ban hỏi. Bây giờ mới dám xác định, bên kia muốn mời cậu và Gia Mậu tham gia phim tuyên truyền chống ma túy thật đó!”
“Tại sao vậy?” Tâm trạng Lý Tùng Nhất như lâng lâng trên cõi mây. “Ủy ban không xem tin tức hả?”
“Tôi nghĩ họ xem rồi mới quyết định mời hai cậu.” Khang Kiều sờ cằm. “Kệ. Đừng nghĩ nữa, về rồi tính. Cậu và Gia Mậu về công ty liền đi. Tụi mình họp chút, sau đó đến Ủy ban xác nhận. Hai cậu phải phối hợp cho tốt vào. Đây là bữa cơm miễn phí từ trên trời rơi xuống, không còn cơ hội trở mình nào tốt hơn đâu! Tôi cứ tưởng hai cậu chầu ông bà rồi, ai dè còn có thể đội mồ sống dậy…”
Lý Tùng Nhất cúp điện thoại, tâm trạng vẫn lơ lửng trên mây. Cậu quay đầu nhìn Thai Hành và những người khác, nói giọng tư lự: “Ủy ban Kiểm soát ma túy Quốc gia mời tôi quay phim tuyên truyền chống ma túy. Tất nhiên, không có thù lao.”
Phản ứng của Thai Hành và những người còn lại hệt như Lý Tùng Nhất: “Gì cơ? Phim tuyên truyền phòng, chống ma túy? Thật hả? Coi chừng có người lừa cậu.”
Lý Tùng Nhất nói: “Thật đó. Người đại diện của tôi xác nhận rồi.”
Trí tưởng tượng của Thai Hành rất mực phong phú: “Chả nhẽ cậu đóng vai phản diện? Đại loại như bị chú công an còng tay diễu hành khắp phố?”
Lý Tùng Nhất rùng mình: “Chắc không đâu…”
“Cậu dòm cái đầu mình đi. Y chang phạm nhân lao động trong mấy trại cải tạo. Đúng là thiên thời địa lợi nhân hòa.”
Lý Tùng Nhất soi gương, đoạn mặt mày mếu máo. Biết vậy cạo tóc trễ hơn!
Đây có phải là điềm báo trước không? Kiểu như tín hiệu từ vũ trụ?
Tim gan phèo phổi của Lý Tùng Nhất như loạn cả lên. Cậu vừa quay xong cảnh cuối cùng đã lật đật trở về công ty, ngờ đâu bắt gặp Châu Gia Mậu ở quê mới lên.
Hai người nhìn nhau, rồi đồng thời nhảy dựng. Trong tích tắc, họ đã hiểu như thế nào gọi là “Kẻ sĩ ba ngày không gặp, thì phải đối đãi nhau bằng cái nhìn khác”.
[5] Kẻ sĩ ba ngày không gặp, thì phải đối đãi nhau bằng cái nhìn khác (士别三日当刮目相待): Lấy tích từ Lữ Mông – Một danh tướng của Đông Ngô thời Tam Quốc, dốt chữ từ nhỏ vì nhà nghèo. Sau trận Xích Bích được phong làm Đại Tướng và được Đô Đốc Lỗ Túc (sau khi Chu Du chết) cùng chủ tướng Tôn Quyền khuyến khích học tập. Chỉ một thời gian ngắn đã trở nên văn võ song toàn. Khi Lỗ Túc đến thăm đã phải ngạc nhiên tán thán. Lữ Mông mới nói là: “士别三日当刮目相待.” Có nghĩa là: Kẻ sĩ ba ngày không gặp nhau, thì phải đối đãi nhau bằng cái nhìn khác rồi! Ý muốn nói, chỉ cần ta chịu khó học tập thì chẳng mấy hồi cũng sẽ có được sự tiến bộ vượt bậc. Sau Lữ Mông làm đến chức Đô Đốc của Đông Ngô.
“Tóc cậu sao thế?”
“Sao anh đen vậy?”
Lý Tùng Nhất trả lời: “Cống hiến hết mình cho nghệ thuật điện ảnh.”
Châu Gia Mậu ngớ ra: “Ủa, cậu đóng phim cung đình nhà Thanh mà? Sao còn phải cạo đầu? Nhìn cậu giống phạm nhân trong trại cải tạo quá.”
Lý Tùng Nhất không đành lòng nhìn lại, vội đánh trống lảng: “Còn anh, sao đen thui vậy?”
Châu Gia Mậu vỗ cái “chát” vào đùi: “Từ sau vụ đó, anh đâu có việc gì làm nên về quê. Quê anh gần biển, hơn nữa còn hoang sơ. Cậu biết đó, bây giờ muốn tìm một bãi biển vắng người như hái sao trên trời. Thế nên anh mày ở đó, mỗi ngày câu cá xoa dịu trái tim tan nát.”
Lý Tùng Nhất gật gù: “Quan trọng nhất là anh không xài kem chống nắng.”
Châu Gia Mậu đau đớn: “Anh lười. Nếu không làm thần tượng, anh chả thèm xài kem chống nắng đâu. Anh tưởng ít nhất chừng hai năm mới có phim đóng, thành ra sổ lồng. Ai dè mới mấy tháng…”
Đang vui mừng khôn xiết, Khang Kiều chợt trông thấy hai bản mặt của nghệ sĩ nhà mình thì sợ hãi đến mức câm nín. Thật lâu sau, hắn vẫn chưa tìm thấy đầu lưỡi đâu cả.