Thái Châu Ký

Chương 14



Mười ba tháng giêng, là ngày lễ tế biển lớn của ngư dân Cao Sơn đạo.

Là gia chủ Hàn gia, mỗi năm vào lúc này, Hàn Sơn Ngọc sẽ đích thân đến bãi ngọc trai lớn nhất ở Thanh Sa Tự.

Thanh Sa Tự ở phía Nam biển Chu Nhai, đi thuyền mất hai ngày mới đến nơi.

Ngày xuất phát, cũng là ngày có trận khởi binh lớn nhất trong năm của Hàn gia.

Mười chiếc thuyền lớn, đội ngũ hơn tám nghìn người, di chuyển trên biển, bảo vệ chiếc Hải Cốc ở giữa. Hải Cốc là chiếc thuyền thần kỳ nhất mà ta từng thấy, giữa sóng to gió lớn, nó chưa bao giờ nghiêng ngả, một đường di chuyển bằng phẳng.

Khoang thuyền có dựng vách bằng da trâu, thêm tường chắn cao nửa người, bố trí lỗ châu mai có thể dùng để tấn công.

Nơi Hàn Sơn Ngọc ở, luôn luôn canh phòng nghiêm ngặt và cẩn thận.

Đây là lần đầu tiên ta theo hắn đến bãi ngọc trai ở Thanh Sa Tự.

Trước kia hắn luôn nói trên đảo sóng to gió lớn, lễ tế biển không có gì đẹp, ta tuổi còn nhỏ, không thích hợp với loại trường hợp đó.

Hầu như mỗi năm, huynh ấy đều từ chối đưa ta đi.

Cho đến khi ta mười hai tuổi, đáng thương cầu xin huynh thật lâu, huynh mới đồng ý.

Ta chưa từng ngồi chiếc thuyền nào cao lớn nguy nga như vậy, cũng chưa từng nhìn thấy một đội thuyền khổng lồ đồng loạt di chuyển bao giờ, suốt dọc đường nhìn đâu cũng thấy mới lạ, lúc rảnh rỗi ta liền chạy lên boong tàu ngắm cảnh.

Hàn Sơn Ngọc thì rất ít khi ra khỏi khoang thuyền.

Tháng giêng, biển có gió lớn, thật sự rất lạnh.

Ta đứng ở trên boong tàu hóng gió đủ rồi lại cảm thấy lạnh cho nên đã trở về khoang thuyền, uống chút trà nóng Gia Nương pha.

Hàn Sơn Ngọc trông vẫn luôn lạnh lùng xa cách như vậy, huynh ấy đang ở trong khoang thuyền có lò than, mặc áo choàng lông cáo, cầm một quyển sách, không ngẩng đầu lên mà dặn dò: “Đừng chạy lung tung, cẩn thận rơi xuống biển.”

Ta ngẩng mặt lên, cười đắc ý với huynh: “Không rơi xuống biển được đâu, muội biết bơi mà.”

Khoảnh khắc tiếp theo, quyển sách trong tay huynh đã gõ lên đầu ta: “Còn dám cãi, cho dù muội biết bơi, không có người cứu cũng khó mà sống sót.”

Ta bị huynh ấy đánh một cái, vừa định nói với huynh là ta sẽ không c.h.ế.t đuối, nhưng cuối cùng vẫn không nói ra miệng, chỉ bực bội đáp: “Ồ, muội biết rồi.”

Gia Nương đứng bên cạnh cười, rót thêm trà nóng vào chén của ta.

Hàn Sơn Ngọc ngẩng đầu nhìn ta, vô thức cong khóe miệng: “Đi luyện chữ đi.”

Ôi trời ơi, ngay cả trên thuyền mà huynh ấy cũng không quên giám sát ta luyện chữ, ta bất đắc dĩ thở dài.

Ta vốn tưởng lễ tế biển là giống như người dân chài chúng ta bày biện đồ cúng, dập đầu quỳ lạy trước biển cả, vậy là xong.

Không ngờ lễ tế biển ở Thanh Sa Tự lại được tổ chức trên thuyền lớn ngoài khơi, kinh tâm động phách như vậy.

Hàn tứ gia đã mấy năm không gặp cũng dẫn theo rất nhiều thị vệ có mặt ở đó.

Từ ngư dân trên đảo đến người mò ngọc trai, tất cả hầu như đều có mặt.

Tiếng trống vang trời, tế bái thần biển, trước tiên phải thắp hương, đốt giấy sớ, gọi là “hành văn thư”.

Hành văn thư xong phải “trả lễ vong hồn”, đem động vật sống tàn nhẫn đẩy xuống biển, nhìn chúng bị sóng cuốn xuống đáy biển.

Ta cuối cùng cũng hiểu vì sao Hàn Sơn Ngọc nói cảnh tượng tế biển không thích hợp với trẻ con rồi.

Tiếng kêu của những con trâu bò dê cừu kia, trong nháy mắt thậm chí còn át cả tiếng trống, bi thảm đến cùng cực.

Gia Nương vội lấy tay che mắt ta lại.

Nàng cũng giống như Hàn Sơn Ngọc, luôn xem ta như một đứa trẻ, theo bản năng muốn che chở, bảo vệ ta.

Tuy trong lòng kinh hãi, nhưng ta cũng không quá sợ hãi.

Bởi vì ta từng nghe cha và tộc nhân kể lại, trước kia ở Cao Sơn đạo, mỗi lần đến kì tế biển, người ta thường dùng người sống để tuẫn táng. Hơn nữa, những người bị đem ra làm vật tế phần lớn đều là nô lệ xuất thân từ người Đản. Nay dùng súc vật để tế u hồn thay cho người sống, xem như đã mở cho chúng ta một con đường sống.

Bước cuối cùng của lễ tế biển ở Thanh Sa Tự, là dựng lên “Thái Bình phường”.

Cái gọi là Thái Bình phường, chính là một tấm ván quan tài nặng trịch. Người ta gọi nó là Thái Bình, với mong muốn mỗi một ngư dân ra khơi đều có thể bình an trở về, có mồ yên mả đẹp làm nơi an nghỉ cuối cùng.

Sau khi mọi việc kết thúc, Hàn Sơn Ngọc sẽ dẫn đầu mọi người hướng về phía biển cả làm lễ bái lạy.

Gia chủ Hàn gia đi đến đâu cũng được bảo vệ nghiêm ngặt, hiện trường còn có Hàn tứ gia đích thân tọa trấn, trước nay chưa từng xảy ra sự cố gì.

Thế nhưng hôm đó, trên đường trở về, trong đám người bỗng nhiên xảy ra một trận xao động, xen lẫn những tiếng chửi rủa, la hét ầm ĩ, hình như có người đánh nhau.

Sự chú ý của mọi người đều bị thu hút, một tên ngư dân đứng ở bên cạnh bỗng nhiên thừa dịp đám thủ vệ không đề phòng, rút đao dài xông về phía Hàn Sơn Ngọc!

Sự việc xảy ra quá nhanh, tên kia lại có vẻ như biết võ công. Hàn Tranh là người phản ứng lại đầu tiên, còn ta, vì đứng gần Hàn Sơn Ngọc nhất, nên đã sợ hãi đến mức hét lên thất thanh, theo bản năng chắn trước người huynh ấy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.