TÔI ĐUỌC GỌI LÀ “KELEBEK”
Phần 1
Tôi thấy đám đông hỗn loạn và biết bọn Erzurum bắt đầu tàn sát những nhà tiểu họa dí dỏm chúng tôi.
Siyah cũng ở trong đám đông đó và đang theo dõi cuộc tấn công. Tôi thấy anh ta cầm một con dao găm đi chung với một nhóm người có vẻ kỳ cục, Esther người bán quần áo ai cũng biết và những phụ nữ khác đeo túi vải. Lòng tôi thôi thúc tôi trốn đi sau khi chứng kiến cơ ngơi này bị phá hoại một cách thô bạo và những người uống cà phê bị đánh đập tàn nhẫn khi họ cố chạy đi. Lát sau, một đám đông khác, có lẽ là binh lính, xuất hiện. Bọn Erzurum dụi tắt đuốc rồi bỏ chạy.
Không có ai ngay lối vào tối đen của quán cà phê, và không có ai nhìn. Tôi đi vào bên trong. Mọi thứ đều đổ nát. Tôi bước lên đống tách, đĩa, ly, chén vương vãi. Một cái đèn dầu treo ở cây đinh cao trên tường không tắt trong cơn hỗn loạn nhưng chỉ soi sáng được những đốm bồ hóng trên trần, để cho bóng tối phủ khắp sàn nhà vương vãi đầy những mảnh băng ghế gỗ vỡ, bàn gãy và những thứ tàn tích khác.
Xếp chồng những chiếc nệm dài lên nhau, tôi với lấy chiếc đèn dầu. Trong vòng ánh sáng của ngọn đèn, tôi thấy có nhiều xác nằm trên sàn. Khi nhìn thấy một khuôn mặt bê bết máu, tôi quay đi và bước tới xác kế tiếp. Xác thứ hai đang rên rỉ, và khi thấy ánh đèn của tôi, liền phát ra một tiếng động như trẻ con.
Có ai khác bước vào. Thoạt tiên tôi cảnh giác, dù tôi cảm thấy đó là Siyah. Cả hai chúng tôi cúi bên xác thứ ba nằm sải tay trên sàn. Khi tôi hạ đèn xuống sát đầu người đó, chúng tôi thấy điều mình đã nghi ngờ: Họ đã giết người kể chuyện.
Không có vết máu trên khuôn mặt trang điểm như phụ nữ của ông ta, nhưng chiếc cằm, chân mày và cái miệng tô son hồng thì bị đập nát, và nhìn cổ ông ta đầy những vết thâm tím, chúng tôi biết ông ta bị bóp cổ. Hai bàn tay ông ta bị vặn ngược qua hai bên đầu. Không khó để hình dung ra rằng một người trong số họ đã vặn ngược hai cánh tay ông già này ra sau lưng trong khi những tên khác đập vào mặt ông ta trước khi bóp cổ ông. Tôi tự hỏi, phải chăng chúng đã nói, “cắt lưỡi hắn đi, để hắn không bao giờ vu khống Đức ngài thuyết giáo Hoja Kính mến nữa”, rồi sau đó tiến hành làm như thế chăng?
“Đem đèn lại đây,” Siyah nói. Gần bếp lò, ánh sáng ngọn đèn rọi lên những cối xay cà phê vỡ, những chiếc rây, cân, những mảnh tách cà phê vỡ nằm trong đống cà phê đổ lênh láng. Trong góc nơi người kể chuyện treo các bức tranh của ông ta mỗi đêm, Siyah đang tìm đồ nghề của ông ta, khăn thắt lưng, khăn tay và gậy của nhà ảo thuật. Siyah nói anh đang tìm kiếm những bức tranh và đưa chiếc đèn anh lấy từ tay tôi lên soi mắt tôi: Phải, dĩ nhiên tôi đã vẽ hai bức trong số chúng vì tình cảm anh em. Chúng tôi chẳng tìm được gì ngoài cái mũ chỏm Ba Tư mà người chết đã trùm lên cái đầu trọc lóc của ông ta.
Không thấy ai khác, chúng tôi đi ra ngoài trong bóng đêm qua một ngõ hẹp dẫn ra từ cửa sau. Trong cuộc đột kích hầu hết đám đông và các họa sĩ bên trong chắc hẳn đã thoát ra bằng lối này, song những chậu hoa bị đá vỡ và những túi cà phê vung vãi khắp nơi cho thấy rằng ở đây cũng có một cuộc ẩu đả.
Việc quán cà phê bị đột kích và ông thầy kể chuyện bị giết, kết hợp với bóng đêm khủng khiếp, đã đưa Siyah và tôi đến gần nhau hơn. Đây cũng là điều khiến cả hai chúng tôi im lặng.
Chúng tôi băng qua hai con phố nữa, Siyah trả đèn lại cho tôi, rồi anh ta rút dao găm ra kề cổ họng tôi.
“Ta sẽ về nhà anh,” anh ta nói. “Tôi muốn lục soát ở đó để được yên tâm.”
“Nó đã bị lục soát rồi.”
Thay vì bực mình với anh ta, tôi cảm thấy muốn chọc ghẹo anh ta. Việc Siyah tin vào những lời đồn đại xấu xa về tôi không chứng tỏ rằng anh ta ghen tỵ với tôi sao? Anh ta giữ con dao găm mà không tự tin lắm.
Nhà của tôi ở ngược hướng con đường dẫn chúng tôi rời quán cà phê. Chúng tôi rẽ phải rồi trái theo những con đường trong khu này và băng qua những khu vườn trống trải có mùi ẩm ướt và những hàng cây đơn độc trong khi đánh một đường vòng ngược về phía nhà tôi. Chúng tôi đi được hơn nửa đường thì Siyah dừng lại nói:
“Suốt hai ngày Sư phụ Osman với tôi đã xem xét kiệt tác của các bậc thầy huyền thoại trong Quốc khố.”
Lát sau, gần như thét lên, tôi nói, “Sau một tuổi nào đó, cho dù một họa sĩ dùng chung bàn làm việc với Bihzad, nhũng gì ông ta thấy có thể làm vui mắt ông ta và đem đến cho linh hồn ông ta sự thỏa mãn và kích động, nhưng nó sẽ không nâng cao tài năng của ông ta, bởi vì người ta vẽ bằng bàn tay chứ không phải bằng đôi mắt, mà bàn tay thì, ở tuổi của tôi chứ đừng nói ở tuổi thầy Osman, không dễ gì học được những điều mới.”
Tin chắc rằng người vợ xinh đẹp đang chờ tôi, tôi nói thật to để nàng biết tôi không về một mình mà tìm cách tránh mặt Siyah – chứ không phải tôi ngán thằng ngốc tội nghiệp đang lăm lăm con dao này.
Chúng tôi đi qua cổng vào sân, và tôi nghĩ mình thấy ánh sáng của ngọn đèn di chuyển trong nhà, nhưng ơn Thượng đế, tất cả giờ đã chìm trong bóng tối. Quả là một hành động vi phạm sự riêng tư của tôi khi tên cục súc này cầm dao xông vào ngôi nhà thiên đàng của tôi, nơi tôi đã trải bao tháng ngày, trên thực tế là toàn bộ thời gian của tôi trong việc tìm kiếm và vẽ lại những ký ức của Allah cho đến khi mắt mệt nhoài – rồi tôi làm tình với người yêu dấu của tôi, người phụ nữ đẹp nhất thế gian – một sự vi phạm quá thô bạo đến độ tôi thề sẽ trả thù hắn.
Hạ thấp ngọn đèn, anh ta xem xét những trang giấy của tôi, một trang tôi mới hoàn tất được phân nửa – những tù nhân bị kết án đang van xin Đức vua tha nợ cho họ và nhận lòng nhân đức của Ngài – thuốc mầu, bàn làm việc, dao, bàn cắt sậy, cọ mọi thứ quanh bàn viết của tôi, rồi lại tới giấy tờ của tôi lần nữa, những viên đá đánh bóng, dao gọt bút, và những khoảng trống giữa những hộp đựng viết và giấy; anh ta nhìn vào các tủ, rương, bên dưới nệm, một trong những kéo cắt giấy, bên dưới tấm nệm đỏ mềm và một tấm thảm trước khi quay trở lại, đưa đèn sát hơn nữa tới từng món và xem xét lại chính những nơi đó lần nữa. Như anh ta đã nói khi lần đầu tiên lôi vũ khí ra, anh ta sẽ không lục soát cả nhà tôi, mà chỉ lục soát phòng làm việc thôi. Thực tế, tôi không thể đem giấu vợ tôi – thứ duy nhất tôi muốn giấu – trong căn phòng mà từ đó nàng đang theo dõi chúng tôi sao?
“Có một bức tranh cuối cùng vốn dành cho cuốn sách mà Enishte của tôi đang làm,” anh ta nói. “Tên nào giết ông ấy đã đánh cắp bức tranh đó.”
“Nó khác những bức tranh khác, tôi nói ngay. “Enishte của anh, cầu cho ông ta yên nghỉ, bảo tôi vẽ cái cây ở một góc trang. Trong hậu cảnh đâu đó… rồi ở giữa trang, trên tiền cảnh, sẽ là phần tranh của ai đó, có lẽ là chân dung Đức vua. Cái khoảng trống này, tôi có thể nói thêm là rất lớn, chưa được vẽ kín. Bởi vì những vật thể ở hậu cảnh thì nhỏ, như theo phong cách châu Âu, nên ông ta muốn tôi vẽ cái cây nhỏ hơn. Khi bức tranh phát triển, nó tạo ấn tượng như ta nhìn thế giới này qua một cửa sổ, chẳng có gì giống một bức tranh minh họa cả. Đến lúc đó tôi mới hiểu rằng trong một bức tranh được vẽ theo phương pháp phối cảnh của người Tây vực, những đường viền và phần mạ vàng thay thế cho một khung cửa sổ.”
“Zarif Kính mến chịu trách nhiệm làm những đường viền và mạ vàng.”
“Nếu anh muốn hỏi vụ đó, thì tôi đã nói với anh là tôi không giết anh ta mà.”
“Kẻ sát nhân không bao giờ thừa nhận tội ác của hắn,” anh ta nói nhanh, sau đó hỏi tôi đang làm gì ở quán cà phê trước cuộc đột kích đó.
Anh ta đặt cây đèn dầu ngay cạnh tấm nệm tôi đang ngồi, sao cho nó soi sáng khuôn mặt tôi cùng những tờ giấy của tôi và những trang tôi đang minh họa. Bản thân anh ta đang nhốn nháo quanh phòng như một cái bóng trong bóng tối.
Ngoài việc nói với anh ta những gì tôi đã kể với các vị, rằng tôi thực sự là một vị khách không thường xuyên của quán cà phê và chỉ tình cờ đi ngang qua đó, tôi cũng lặp lại rằng tôi đã vẽ hai bức tranh vốn được treo trên tường ở đó – dù tôi thực sự không tán đồng những sinh hoạt kỳ cục ở quán cà phê. “Bởi vì,” tôi nói thêm, “nghệ thuật hội họa chỉ đi tới chỗ kết tội và trừng phạt chính nó khi nó mượn sức mạnh từ lòng khao khát kết tội và trừng phạt những cái xấu của cuộc sống thay vì từ tài năng của người họa sĩ, tình yêu nghệ thuật và ước muốn tiếp nhận Allah của anh ta… bất chấp kẻ bị kết án đó là nhà thuyết giáo xứ Erzurum hay là chính Satan. Quan trọng hơn, giá như đám đông trong quán cà phê đó không nhắm vào dân Erzurum thì có thể nó đã không bị đột kích tối nay.”
“Cho dù vậy thì anh vẫn đến đó,” tên khốn nạn đó nói.
“Phải, vì tôi thấy vui khi ở đó.” Liệu hắn có ý niệm mơ hồ nào về mức độ thành thực của tôi không? Tôi nói thêm: “Dù đã biết điều gì đó là xấu và sai, bọn con cháu Adam chúng ta vẫn tìm được lạc thú đáng kể từ đó. Và tôi xấu hổ mà nói rằng tôi cũng thấy đỡ buồn với những tranh minh họa rẻ tiền đó, trò bắt chước và những câu chuyện về Satan, đồng tiền vàng và con chó ấy, vốn được người kể chuyện kể một cách thô sơ không chút vần điệu.”
“Cho dù thế, sao anh vẫn đặt chân vào hang ổ của bọn vô thần đó?”
“Được rồi”, tôi đáp, chấp nhận tiếng nói nội tâm của mình, “nhiều lúc cũng có một con sâu nghi ngờ gặm nhấm tôi: Suốt từ khi tôi được không chỉ thầy Osman mà ngay cả Đức vua công khai thừa nhận là người khéo léo và tài năng nhất trong những thợ cả ở xưởng, tôi bắt đầu khiếp sợ lòng đố kỵ của người khác đến độ, nhiều lúc tôi đã cố đến những nơi họ đến, đánh bạn với họ và rập khuôn theo họ để họ không đột ngột tấn công tôi trong lúc nổi máu trả thù bất chợt. Anh có hiểu không? Và từ khi họ bắt đầu xếp tôi là một tay â��Erzurum,’ tôi đã đi đến ổ của bọn vô thần đồi bại đó để người ta bớt quan tâm đến tin đồn này.”
“Sư phụ Osman nói anh thường hành động cứ như đang biện bạch cho tài nghệ và kỹ năng của anh.”
“Thầy ấy còn nói gì nữa về tôi?”
“Rằng anh đã vẽ những bức tranh cực nhỏ, ngớ ngẩn trên hạt gạo và móng tay để những người khác tin chắc rằng anh hy sinh cuộc sống vì nghệ thuật. Ông ấy nói rằng anh luôn cố làm vui lòng người khác bởi vì anh bối rối trước tài năng vĩ đại mà Allah đã ban cho anh.”
“Thầy Osman ngang hàng với Bihzad,” tôi nói một cách thực lòng. “Còn gì nữa?”
“Sư phụ liệt kê những khuyết điểm của anh liền một mạch,” tên khốn đó nói.
“Vậy kể tôi nghe những khuyết điểm ấy đi.”
“Sư phụ nói rằng, bất chấp tài năng phi thường của mình, anh vẫn vẽ không phải vì tình yêu nghệ thuật, mà để làm vui lòng người khác. Tỉ như động cơ thúc đẩy anh trong khi vẽ là tưởng tượng ra niềm vui mà người ta sẽ cảm thấy khi xem tranh; trong khi lẽ ra anh phải vẽ vì niềm vui của chính việc vẽ tranh.”
Lòng tôi bị tổn thương vì thầy Osman đã thẳng thừng nói ra những gì ông nghĩ về tôi với một kẻ có tâm hồn nhỏ nhen như thế, một kẻ đã hiến đời mình không phải cho nghệ thuật mà để làm một viên thư ký, viết những lá thư và lời nịnh hót sáo rỗng.
Siyah nói tiếp:
“Những bậc thầy vĩ đại thời xưa, như Sư phụ Osman tuyên bố, sẽ không bao giờ từ bỏ những phong cách và phương pháp mà họ đã xây dựng qua việc hy sinh thân mình cho nghệ thuật chỉ vì quyền lực của một ông vua mới, những ý thích của một ông hoàng mới, hoặc thị hiếu của một thời đại mới; vì vậy, để tránh bị buộc phải thay đổi phong cách và phương pháp, họ đã dũng cảm tự làm mù mình. Trong khi đó anh lại nồng nhiệt và nhục nhã bắt chước những bậc thầy châu Âu vì những trang trong cuốn sách cho Enishte của tôi, với lý do rằng đó là ý muốn của Đức vua.
“Vị Trưởng ban Minh họa vĩ đại, Thầy Osman chắc chắn là không có ý xấu khi nói thế.” tôi nói. “Cho phép tôi pha cho anh tách trà chanh nhé, anh bạn thân mến.”
Tôi bước vào phòng kế bên. Người vợ yêu của tôi trùm lên đầu tôi chiếc áo ngủ nàng đang mặc, mà nàng mua của Esther người bán quần áo, rồi nhại giọng tôi, “Cho phép tôi pha cho anh tách trà chanh nhé, anh bạn thân mến,” và thò tay vào dương vật của tôi.
Tôi lấy ra thanh gươm có chuôi bằng mã não giấu trong những tấm vải có mùi hoa hồng ở đáy rương trên sàn gần tấm nệm cuộn của chúng tôi, mà nàng đã trải ra một cách đầy hy vọng, và rút vũ khí khỏi vỏ. Lưỡi nó quá sắc đến độ nếu bạn ném một khăn tay lụa lên nó thì khăn sẽ bị cắt dễ dàng; nếu bạn đặt một miếng vàng lá lên nó, những vết cắt sẽ thẳng tắp như cắt bằng thước kẻ.
Giấu thật kỹ thanh gươm, tôi trở lại xưởng làm việc. Siyah Kính mến hài lòng với việc thẩm vấn tôi đến độ anh ta vẫn đi vòng quanh tấm nệm đỏ, dao găm trên tay. Tôi đặt bức minh họa đã hoàn tất một nửa lên chiếc nệm. “Nhìn bức này coi,” tôi nói.
Anh ta quỳ xuống vì tò mò, cố hiểu bức tranh.
Tôi bước ra sau lưng anh ta, rút gươm ra, và bằng một động tác tôi vật anh ta xuống đất, lấy thân mình đè cứng người anh ta. Con dao găm của anh ta văng ra. Chộp tóc anh ta, tôi đè đầu anh ta sát đất và kề thanh gươm vào cổ anh ta từ dưới lên. Tôi đè thân hình mảnh khảnh của Siyah và ép anh ta úp mặt xuống sàn bên dưới thân hình nặng nề của tôi, dùng cằm và bàn tay còn lại của tôi nhấn đầu anh ta cho nó chạm sát lưỡi gươm bén ngót. Một tay tôi nắm mớ tóc bẩn thỉu của anh ta, tay kia giữ lưỡi gươm sát làn da cổ họng mỏng manh của anh ta. Khôn ngoan, anh ta không động đậy, bởi vì ngay lúc đó tôi có thể kết liễu mạng anh ta. Việc kề sát mái tóc xoăn của anh ta, cái gáy anh ta – mà giá vào lúc khác có lẽ tôi đã cho một cái bợp sỉ nhục – và gần gụi đôi tai xấu xí của anh ta đã khiến tôi giận điên hơn bao giờ hết. “Tôi hết sức kiềm chế để không lấy mạng anh ngay lúc này,” tôi thì thầm vào tai anh ta như thể đang tiết lộ một bí mật.
Việc anh ta lắng nghe tôi như một đứa trẻ ngoan ngoãn mà không hề kêu rên một tiếng nào khiến tôi hài lòng: “Anh sẽ nhận ra truyền thuyết trong pho Shahnameh,” tôi thì thầm. “Vua Feridun, do sai sót, viết di chúc để lại những vùng đất xấu nhất của ông cho hai con trai lớn còn vùng đất tốt nhất, Ba Tư thì cho Iraj, con út. Tur quyết tâm trả thù, bèn lừa gạt em trai mình, Iraj, kẻ mà anh ta ghen tỵ, trước khi cắt cổ Iraj, anh ta nắm tóc em mình giống như tôi đang làm và nằm đè lên em trai. Anh có thấy người tôi nặng không?”
Anh ta không trả lời, nhưng từ đôi mắt của anh ta, nhìn thẫn thờ giống như đôi mắt của con cừu bị tế thần, tôi có thể nói rằng anh ta đang lắng nghe và tôi thấy hứng khởi: “Tôi không chỉ trung thành với những phong cách và phương pháp Ba Tư trong việc vẽ mà cả trong việc chặt đầu. Tôi cũng đã chứng kiến một phiên bản khác vẽ cảnh tượng dễ thương mô tả cái chết của vua Siyavush này.”
Tôi giải thích với Siyah đang im lặng lắng nghe về chuyện Siyavush chuẩn bị cho việc trả thù những anh em của ông ta ra sao, thiêu rụi toàn bộ lâu đài cùng tất cả tài sản và đồ đạc của mình thế nào, rồi ông ta khoan thai chia tay vợ ông ta, leo lên ngựa và ra trận, sau đó ông ta bị bại trận và bị nắm tóc lôi đi dưới đất trước khi bị đè nằm sấp “như anh bây giờ,” với một con dao kề sát cổ họng, rồi ở đó nổ ra cuộc tranh luận giữa những người bạn và kẻ thù của ông ta về việc liệu họ nên giết hay nên thả ông ta ra, và vị vua bại trận đó, mặt cắm xuống đất, lắng nghe những kẻ bắt giữ mình. Rồi tôi hỏi anh ta, anh có thích bức minh họa đó không? Geruy xuất hiện sau lưng Siyavush, như tôi làm với anh đây, đè lên ông ta, kề gươm sát cổ ông ta, nắm một túm tóc của ông ta và cắt cổ ông ta. Máu đỏ của anh rồi sẽ chảy ra, làm bụi đen dấy lên từ đất khô, nơi mà sau này một bông hoa sẽ nở.”
Tôi im lặng, và từ những đường phố xa xôi chúng tôi có thể nghe tiếng bọn Erzurum gào thét trong khi chạy. Nỗi khủng khiếp bên ngoài lập tức khiến hai chúng tôi, vẫn đang nằm đè lên nhau, xích lại gần nhau hơn.
“Nhưng trong các bức tranh đó,” tôi nói thêm, giật tóc Siyah mạnh hơn, “người ta có thể cảm thấy cái khó của việc vẽ sao cho đẹp, hai người đàn ông vốn khinh miệt nhau nhưng thân thể họ, giống như thân thể chúng ta, đã trở thành như một. Có vẻ như cõi hỗn mang của sự phản bội, lòng đố kỵ và trận chiến xảy ra ngay trước thời điểm xử trảm tráng lệ và ma quái này đã quá thấm đẫm những bức tranh đó. Ngay cả những bậc thầy vĩ đại nhất của Kazvin cũng khó lòng vẽ được hai người đàn ông nằm lên nhau; họ làm đảo lộn mọi thứ. Trong khi anh và tôi, hãy nhìn xem, chúng ta ngăn nắp và tao nhã hơn.”
“Lưỡi gươm đang cứa vô,” anh ta thì thào.
“Tôi cảm ơn anh vì những lời lịch sự của anh, anh bạn thân mến, nhưng nó không gây chuyện gì như thế đâu. Tôi hết sức cẩn thận. Tôi sẽ không làm bất cứ điều gì phá hỏng tư thế đẹp của chúng ta: Trong những cảnh về tình yêu, cái chết và chiến tranh, trong đó những đại sư phụ thời xưa vẽ những cái xác xoắn lấy nhau như thể chúng là một, chúng chỉ có thể moi được những giọt nước mắt của chúng ta thôi. Hãy nhìn xem: Đầu tôi nằm trên gáy anh như thể nó là một phần của thân thể anh. Tôi có thể ngửi thấy mùi tóc và cổ của anh. Chân tôi, nằm hai bên chân anh, duỗi ra hài hòa với chân anh, đến độ người ngoài nhìn vào có thể lầm chúng ta với một con thú bốn chân tao nhã. Anh có cảm thấy sức nặng của tôi chia đều trên lưng với mông anh không?”
Một khoảng im lặng nữa, nhưng tôi không đẩy lưỡi gươm lên, bởi vì nó có thể đã thực sự cứa vào cổ họng anh ta. “Nếu anh không nói, tôi có thể muốn cắn tai anh đó,” tôi nói, thì thầm vào đúng cái tai đó.
Khi tôi nhận ra trong mắt anh ta rằng anh ta sắp nói, tôi nhắc lại câu hỏi đó: “anh có cảm thấy sức nặng của tôi chia đều trên lưng với mông anh không?”
“Có.”
“Anh thích không?” Tôi hỏi. “Chúng ta đẹp không?” Tôi hỏi. “Chúng ta có đẹp như những anh hùng truyền thuyết giết chết nhau với vẻ tao nhã như thế trong những kiệt tác của các đại sư phụ xưa không?”
“Tôi không biết,” Siyah nói. “Tôi đâu thấy được mình trong gương.”
Khi tôi tưởng tượng vợ tôi nhìn chúng tôi từ căn phòng bên kia dưới ánh sáng cây đèn dầu của quán cà phê đặt trên sàn cách đó không xa, tôi nghĩ mình thực sự có thể cắn tai Siyah vì kích động.
“Siyah Kính mến, anh, người đã dùng vũ lực vào nhà tôi, phá rối sự riêng tư của tôi, với dao găm trên tay, để cật vấn tôi,” tôi nói, “bây giờ anh có cảm thấy sức mạnh của tôi không?”
“Có, tôi cũng có cảm giác anh quả thực ở phía lẽ phải.”
“Vậy thì, một lần nữa, hãy cứ hỏi tôi những gì anh muốn biết đi.”
“Hãy mô tả Sư phụ Osman thường vuốt ve anh thế nào.”
“Khi còn là thợ học việc, tôi thanh tú, mịn màng và đẹp hơn bây giờ nhiều, và thầy thường cưỡi lên tôi như kiểu tôi đang cưỡi lên anh. Thầy hay vuốt ve cánh tay tôi, nhiều lần thậm chí thầy làm tôi đau, nhưng bởi vì tôi rất kính nể kiến thức tài năng và sức mạnh của thầy, nên việc thầy làm khiến tôi thấy thích, và tôi không bao giờ nuôi dưỡng bất cứ ý xấu nào đối với thầy, bởi vì tôi yêu thầy. Việc yêu Thầy Osman giúp tôi yêu nghệ thuật, màu sắc, giấy, cái đẹp của việc vẽ tranh và minh họa cùng mọi thứ được vẽ ra, và qua đó yêu chính thế giới này và Thượng đế. Thầy Osman còn hơn một người cha đối với tôi.”
“Sư phụ có thường đánh anh không?” anh ta hỏi.
“Trong vai trò một người cha, ông ta đánh tôi với ý thức thích hợp về lẽ công bằng; trong vai trò một người thầy, thầy đánh tôi thật đau để tôi rút ra được bài học từ hình phạt đó. Nhờ đau và sợ cây thước gõ lên móng tay mà tôi học được nhiều thứ nhanh hơn và tốt hơn so với khi chỉ có một mình. Vì vậy thầy không nắm tóc tôi và dập đầu tôi vào tường khi tôi là thợ học việc. Tôi không bao giờ làm đổ thuốc màu, không bao giờ lãng phí lớp sơn lót vàng của thầy, ghi nhớ nhanh, chẳng hạn như nét cong ở chân trước của con ngựa, cố che giấu những sai sót của họa sĩ chạy nét, rửa sạch cọ thường xuyên và tập trung hết tinh thần vào trang giấy trước mặt. Vì nhờ những trận đòn tôi mới có được sự tinh thông và tài năng, nên đổi lại tôi đánh các thợ học việc của tôi mà không thấy lương tâm cắn rứt. Hơn thế nữa, tôi biết rằng ngay cả một trận đòn không có lý do chính đáng, nếu nó không làm suy sụp tinh thần người thợ học việc, thì rốt cuộc sẽ có lợi cho anh ta.”
“Cho dù thế, anh hiểu rằng trong khi đánh một thợ học việc đẹp như thiên thần, có đôi mắt dịu dàng, thỉnh thoảng anh bị kích động bởi chính niềm vui trong việc đó, và anh biết rằng Sư phụ Osman có lẽ cũng trải qua chính cảm giác đó với anh, đúng không?”
“Đôi khi thầy lấy cục đá cẩm thạch dùng để đánh bóng mà gõ thật mạnh sau tai tôi đến độ nó bị ù đặc trong nhiều ngày, và tôi quay mòng mòng choáng váng. Đôi khi thầy vả tôi quá mạnh đến độ trong nhiều tuần má tôi vẫn còn đau, đủ khiến tôi chảy nước mắt liên tục.Tôi sẽ không bao giờ quên, nhưng tôi vẫn yêu thầy.”
“Không,” Siyah nói, “anh rất giận sư phụ. Anh trả thù cho sự giận dữ vốn đã lặng lẽ tích tụ sâu trong lòng anh bằng cách làm minh họa cho cuốn sách bắt chước bọn Tây vực của Enishte của tôi.”
“Ngược lại mới đúng kìa. Những trận đòn mà một nhà tiểu họa trẻ nhận từ thầy mình đã ràng buộc anh ta vào người thầy với lòng tôn trọng sâu sắc cho đến ngày anh ta chết.”
“Việc cắt cổ họng Iraj và Siyavush từ phía sau một cách độc ác và phản bội, như anh đang làm với tôi, xuất phát từ sự kình địch giữa anh em ruột, và sự kình địch giữa anh em ruột, như trong Shahnameh luôn luôn do một người cha bất công gây ra.”
“Đúng.”
“Ông bố bất công của những nhà tiểu họa các anh, người đã khiến các anh lao vào cắt cổ lẫn nhau, giờ đang chuẩn bị phản bội anh,” anh ta nói một cách trâng tráo. “A, tôi van anh, nó đang cứa tôi đây anh ta rên rỉ. Anh ta khóc hồi lâu trong đau đớn. Rồi anh ta tiếp tục, “Sự thực thì việc cắt cổ họng tôi và để máu chảy ra như một con cừu tế thần sẽ chỉ là một việc làm trong chốc lát. nhưng nếu anh làm chuyện này mà không lắng nghe những gì tôi sắp giải thích – dù sao thì tôi cũng không nghĩ anh sẽ làm, ái, thôi đủ rồi – thì mãi mãi anh sẽ thắc mắc không biết tôi sắp nói những gì. Làm ơn nhích lưỡi gươm ra một tí đi.” Tôi làm thế. “Sư phụ Osman, người theo sát từng bước chân và từng hơi thở của anh từ nhỏ, người sung sướng theo dõi tài năng thiên phú của anh phát triển thành nghệ thuật giống như một bông hoa mùa xuân dưới sự chăm sóc của ông ta, giờ đã quay lưng lại với anh để cứu họa xưởng của ông ta và phong cách của nó, thứ mà ông ta đã dâng hiến cả cuộc đời.”
“Tôi đã kể ba dụ ngôn cho anh vào ngày chúng ta chôn Zarif Kính mến để anh có thể biết thứ mà họ gọi là â��phong cách’ thực sự đáng kinh tởm như thế nào.”
“Những câu chuyện đó liên quan đến phong cách cá nhân của một nhà tiểu họa,” Siyah nói một cách thận trọng, “trong khi Sư phụ Osman quan tâm đến việc bảo tồn phong cách của cả xưởng vẽ.”
Anh ta giải thích, Đức vua cho rằng việc tìm ra kẻ giết Zarif Kính mến và Enishte của anh ta mang một tầm quan trọng lớn lao đến thế nào, Ngài thậm chí còn cho phép họ xem xét Quốc khố vì mục đích này, và Thầy Osman sử dụng cơ hội này để phá hủy cuốn sách của Enishte của anh ta và trừng phạt những kẻ phản bội thầy qua việc bắt chước người châu Âu. Siyah nói thêm rằng, dựa vào phong cách, Thầy Osman nghi ngờ Zeytin là tác giả vẽ con ngựa có cái mũi bị rạch, nhưng trong vai trò trưởng ban Trang trí, thầy tin chắc rằng tội ác là của Leylek và sẽ giao tay này cho bọn đao phủ. Tôi có cảm giác anh ta đang nói thật dưới sức ép lưỡi gươm của tôi, và tôi thấy muốn hôn anh ta bởi vì anh ta say sưa với những gì anh ta đang nói như một đứa trẻ. Những gì nghe được không khiến tôi bận tâm, việc Leylek bị loại ra có nghĩa là tôi sẽ trở thành trưởng ban Trang trí sau khi Thầy Osman mất – cầu Thượng đế cho thầy sống lâu.
Tôi không xao động vì những gì anh ta nói có thể xảy ra, mà ưu tư vì rất có thể nó sẽ không xảy ra. Suy đoán những gì đàng sau lời kể lể của Siyah, tôi có thể hình dung rằng Thầy Osman sẵn sàng hy sinh không chỉ Leylek mà cả tôi nữa. Nghĩ tới khả năng khó tin đó, tim tôi đập liên hồi và tôi tới gần nỗi kinh hoàng của tình trạng bị bỏ rơi hoàn toàn mà một đứa trẻ cảm thấy khi bất ngờ bị mất cha. Mỗi khi nghĩ đến điều này, tôi phải cố dằn mình không cắt họng Siyah. Tôi không muốn tranh luận điều này với Siyah hay bản thân tôi: Tại sao việc chúng tôi vẽ vài bức minh họa ngu ngốc theo phong cách các bậc thầy châu Âu lại đưa chúng tôi xuống ngang hàng những kẻ phản bội? Một lần nữa, tôi nghĩ rằng đằng sau cái chết của Zarif là Leylek và Zeytin, và những âm mưu của họ nhằm chống lại tôi. Tôi thu thanh gươm khỏi cổ họng Siyah.
“Mình hãy đến nhà Zeytin, rồi lục soát từ trên xuống dưới,” tôi nói. “Nếu bức tranh cuối cùng có ở đó, ít nhất chúng ta cũng biết mình phải sợ ai. Nếu không có, mình sẽ kéo anh ta theo để ủng hộ và đột kích tiếp vào nhà Leylek”.
Tôi bảo anh ta hãy tin tôi và rằng con dao găm của anh ta là thứ vũ khí đủ cho cả hai chúng tôi. Tôi xin lỗi vì thậm chí không mời được anh ta một ly trà chanh. Khi tôi cầm cái đèn dầu lên, cả hai chúng tôi nhìn một cách đầy ý nghĩa tấm nệm mà trên đó tôi đã đè anh ta. Tôi xách đèn bước đến gần anh ta, nói với anh ta rằng vết cắt nhẹ trên cổ họng anh ta sẽ là một dấu hiệu cho tình bạn của chúng tôi. Anh ta chỉ chảy máu một chút xíu.
Tiếng huyên náo do bọn người Erzurum và những kẻ đuổi theo họ gây ra vẫn còn nghe thấy được trên đường phố, nhưng không ai chú ý đến chúng tôi. Chúng tôi nhanh chóng đến nhà Zeytin. Chúng tôi gõ cổng ngoài sân, cửa nhà, và nôn nóng gõ lên những tấm rèm cửa sổ. Không có ai ở nhà; chúng tôi gây ồn ào đến độ chắc chắn là không phải anh ta đang ngủ. Siyah nói ra điều cả hai chúng tôi đều nghĩ: “Có nên vào trong không?” Tôi dùng sống dao găm của Siyah vặn cái khoen khóa cửa, sau đó nhét dao vào khoảng trống giữa trụ cửa và cánh cửa rồi cả hai dùng hết sức bẩy nó ra, chúng tôi đã phá được khóa. Chúng tôi gặp phải mùi hôi của sự ẩm thấp, bụi bặm và sự cô đơn đã tích tụ qua nhiều năm. Dưới ánh đèn, chúng tôi thấy chiếc giường bừa bộn, những chiếc khăn thắt lưng ném trên nệm, áo chẽn, hai cái khăn xếp, áo lót, cuốn tự điển Ba Tư của Nakshibendi, một cái giá gỗ để máng khăn xếp, một tấm nỉ, kim và chỉ, một cái chảo đồng nhỏ đầy vỏ táo, khá nhiều nệm, một tấm khăn trải giường bằng nhung, thuốc màu, cọ và tất cả đồ dùng của anh ta. Tôi định lật xem qua xấp giấy viết, từng lớp từng lớp giấy Hindustan được cắt tỉa cẩn thận, và những trang đã minh họa trên chiếc bàn nhỏ, nhưng tôi dằn lại vừa bởi Siyah hăng hái hơn tôi, vừa bởi tôi biết rất rõ một nhà tiểu họa tài hoa sẽ gặp phải xui xẻo ra sao nếu anh ta lục lọi đồ dùng cá nhân của một nhà tiểu họa kém tài hơn.
Zeytin không tài năng như người ta nghĩ, anh ta chỉ được cái nhiệt tình. Anh ta cố che đậy tài năng kém cỏi của mình bằng cách sùng kính những bậc thầy xa xưa. Tuy nhiên, những truyền thuyết xưa chỉ khơi dậy trí tưởng tượng của người nghệ sĩ; chính bàn tay mới làm việc vẽ tranh.
Trong khi Siyah tỉ mỉ lục soát các rương và hộp, rồi kiểm tra tới đáy những chiếc rổ đựng quần áo giặt, tôi không chạm vào bất cứ thứ gì mà chỉ nhìn những cái khăn tắm Bursa của Zeytin, chiếc lược gỗ mun, khăn rửa tay cáu bẩn, những lọ nước hoa hồng, tấm vải thắt lưng lố bịch với mẫu in khối kiểu Ấn Độ. những áo khoác độn bông, áo choàng phụ nữ bẩn thỉu dày cộp có một vết rách, chiếc khay bằng đồng bị mẻ, những tấm thảm nhớp nhúa cùng những đồ dùng khác quá rẻ tiền và luộm thuộm so với số tiền anh ta kiếm được. Zeytin hoặc quá keo kiệt và cất giấu kín tiền bạc hoặc anh ta phung phí nó theo kiểu nào đó… “Đích thị là ngôi nhà của một tên sát nhân,” sau đó tôi nói. “Thậm chí không hề có một tấm thảm cầu nguyện.” Nhưng đây không phải là điều tôi nghĩ. Tôi tập trung đầu óc. “Đây là đồ dùng cá nhân của một người không hề biết làm sao để được hạnh phúc…” tôi nói. Nhưng trong thâm tâm, tôi buồn rầu nghĩ sự khốn khổ và gần gũi với Quỷ sứ đã nuôi dưỡng hội họa như thế nào.
“Dù biết cần phải có gì để được toại nguyện, người ta vẫn thấy đau khổ như thường,” Siyah nói.
Anh ta đặt trước mặt tôi một loạt những bức tranh được vẽ trên giấy Samarkand thô, lót bằng những tờ giấy dày mà anh ta lấy ra từ đáy một cái rương. Chúng tôi nghiên cứu những bức tranh: một con quỷ Satan thỏa mãn mãi tận xứ Khorasan vừa chui từ dưới đất lên, một cái cây, một mỹ nữ, một con chó và bức tranh Thần chết mà tôi đã vẽ. Đây là những bức minh họa mà người kể chuyện vừa bị giết đã treo mỗi đêm khi ông ta kể những câu chuyện bôi bác của mình. Bị câu hỏi của Siyah thúc đẩy, tôi chỉ ra bức tranh Thần chết tôi đã vẽ.
“Trong cuốn sách của Enishte của tôi cũng có những bức này,” Siyah nói.
“Cả người kể chuyện lẫn chủ quán cà phê đều hiểu sự khôn ngoan trong việc nhờ các nhà tiểu họa vẽ minh họa mỗi đêm. Người kể chuyện sẽ nhờ một người trong chúng ta vẽ nhanh một bức trên loại giấy thô này, hỏi chúng ta một chút về câu chuyện và về những câu nói đùa của chúng ta, sau đó thì cộng thêm vào một ít chất liệu của ông ta, rồi bắt đầu buổi biểu diễn tối hôm đó.
“Tại sao anh vẽ cho ông ta cùng một bức tranh Thần chết mà anh đã vẽ cho cuốn sách của Enishte của tôi?”
“Theo yêu cầu của người kể chuyện, đó là nhân vật duy nhất trên trang giấy. Nhưng tôi không vẽ với sự chú tâm và nỗ lực như tôi đã vẽ cho cuốn sách của Enishte; tôi vẽ nó nhanh lắm, theo kiểu mà tay tôi muốn vẽ. Những người khác, có lẽ do muốn tỏ ra khôn ngoan, đã vẽ cho người kể chuyện theo kiểu đơn giản và thô thiển hơn những gì họ vẽ cho cuốn sách bí mật đó.”
“Ai vẽ con ngựa với lỗ mũi mở hoác đó?” anh ta hỏi.
Hạ đèn xuống, chúng tôi xem xét con ngựa với vẻ ngạc nhiên. Nó giống hệt con ngựa được vẽ cho cuốn sách của Enishte, nhưng nó nhanh hơn, cẩu thả hơn và dành cho một thị hiếu đơn giản hơn, như thể ai đó không những đã trả cho nhà minh họa ít tiền và bảo anh ta vẽ nhanh, mà còn buộc anh ta vẽ một con ngựa thô hơn và, tôi tin chắc rằng vì lý do này mà nó giống con ngựa thực hơn.
“Leylek sẽ biết rõ ai vẽ con ngựa này,” tôi nói. “Anh ta là một tên ngốc tự phụ, kẻ không thể sống được một ngày mà không lắng nghe chuyện tầm phào về các nhà tiểu họa, đó là lý do tại sao anh ta đến quán cà phê đó hàng đêm. Phải, hầu như chắc chắn Leylek đã vẽ con ngựa này.