Thu qua đông tới mang theo lớp áo choàng tuyết, tầng tầng lớp lớp trắng tinh phủ lên khắp Nga My Sơn. Những bông tuyết trắng thẩn thơ rơi, luẩn quẩn theo những cơn gió bắc qua lại, rụng xuống lòng hồ Yên Vũ khiến nước hồ khi thường xanh trong màu lục bảo mà nay lại ngả màu biêng biếc lạ kỳ. Đám cá tôm mải trú lạnh dưới đám tảo bẹ nơi đáy hồ, chẳng buồn lên đớp tăm như mọi khi khiến mặt hồ phẳng lặng như gương, đẹp đấy, mà cũng buồn nao lòng. Vĩnh Tình ngồi đong đưa chân nơi ven cầu đá, đầu óc cũng như bông tuyết kia nghĩ vẩn vơ chẳng chuyện nào vào chuyện nào. Lòng cô cũng như lòng hồ kia, yên đấy mà buồn vậy. Từ ngày Vĩnh Niệm theo chân thái sư phụ bôn tẩu giang hồ, Nga My như chẳng còn vui tươi như trước. Hàng ngày cô tỉnh dậy chẳng còn thấy bóng dáng sư tỷ nhẹ nhàng dạo bước hứng sương mai làm trà. Cũng vắng rồi tiếng cười trong trẻo, pha trò lúc cô luyện công vất vả. Và nhất là vắng cả bờ vai tối tối cho cô dựa vào rồi âu yếm chải tóc cho cô trước lúc đi ngủ. Tuy sư phụ nuôi nấng cô suốt tám năm, cũng rất ân cần. Nhưng tính sư phụ nghiêm khắc, dường như giống một người cha hơn người mẹ. Bóng dáng mẹ cô năm nào, Vĩnh Tình tìm thấy trong Vĩnh Niệm, và bóng dáng ấy đã gắn bó với cô suốt tám năm. Vĩnh Tình lẩm bẩm, phụng phịu nói thầm cho mình nghe:
– Chẳng biết sư tỷ đi xa vậy có nhớ mình không. Đi biệt cả nửa năm rồi chẳng ghé lại lấy một lần.
Nhìn sang chậu quần áo đầy ú ụ bên cạnh, Vĩnh Tình bỗng tức khí tung một cước đá bay chậu xuống hồ, hét lớn:
– Muội ghét sư tỷ!
Nhưng rồi cũng nhận ra phen này gây sai lầm lớn rồi. Chậu quần áo đó chẳng những là quần áo của các sư tỷ trong phái, mà còn có cả bộ áo thiên thanh mà Vĩnh Niệm rất thích. Vĩnh Tình vội chạy đi kiếm que khều lại. Nhưng có bộ quần áo đã trôi xa ngoài tầm que với. Trong bụng lo lắng vì bị mắng thì ít mà sợ ánh mắt thất vọng của sư tỷ thì nhiều, Vĩnh Tình quyết định liều mình nhảy xuống hồ, bơi ra vớt quần áo. Nước Yên Vũ Hồ lạnh cóng như dao cắt lên làn da non nới của cô nhỏ mười hai tuổi. Chân vừa chạm nước đã phải rụt nhăn mặt rụt lên ngay. Nhưng nhìn bộ áo thiên thanh trôi ngày một xa, cô nhỏ chẳng nghĩ thêm gì, nhảy ngay xuống hồ, mặc cho cái lạnh hung hãn quấn lấy người, tràn vào ngực, vào cổ cô đau buốt, cô vẫn cắn răng bơi theo để vớt bằng hết số tư trang thất lạc. Khi đã nắm được bộ áo thiên thanh trong tay, cũng là lúc cô thấy toàn thân vô lực. Cái lạnh của nước hồ như hút cạn lấy sinh lực của cô. Tay chân bỗng bị co rút lại, đau đớn khôn cùng. Nhưng nguy hiểm hơn là nỗi lo chết đuối. Đang lúc chơi vơi, bỗng một bàn tay to lớn túm chặt lấy cổ áo cô, nhấc bổng lên. Cô thấy mình lao đi vùn vụt trong không trung rồi nhẹ nhàng hạ xuống bậc đá nơi Yên Vũ Đình. Lại bỗng thấy một luồng nội khí ấm áp truyền từ huyệt Dũng Tuyền nơi bàn chân đi khắp toàn thân, chỉ một chốc mà cái lạnh của nước hồ đã không còn vương vấn chút nào nơi cô nữa. Cô mở to mắt nhìn xem ân nhân của mình là ai thì thấy mái tóc bạc trắng, chòm râu dài như bó cước, và đặc biệt là đôi mắt ân cần của lão tổ sư đang nhìn mình lo lắng. Trương Tam Phong xoa đầu Vĩnh Tình, hỏi:
– Con đã hết lạnh chưa?
Vĩnh Tình vội ngồi dậy, quỳ xuống bái lạy:
– Vĩnh Tình đội ơn lão tổ sư cứu mạng.
Trương Tam Phong mỉm cười, đỡ tay Vĩnh Tình ngồi xuống cạnh mình. Gió vẫn đưa từng cơn lạnh buốt làm rặng trúc oằn mình xào xạc nhưng khi cô ngồi cạnh lão tổ sư, không gian như lặng lại, chỉ còn một luồng khí ấm áp bao quanh cô. Vĩnh Tình ngạc nhiên vươn tay ra ngoài thềm Yên Vũ Đình vẫn thấy gió đang cuồn cuộn thổi mới hay trong đình này là Trương Tam Phong dùng nội công hơn trăm năm thanh thuần cực dương phong bế lại thành nơi trú lạnh cho cô. Tuy hai người cách nhau đến hơn trăm tuổi, là lão tổ sư và đồ tằng tôn, lại mới chỉ gặp nhau có một lần, nhưng Vĩnh Tình thấy lão tổ sư gần gũi thân thiết như cha mẹ, sư phụ và sư tỷ vậy. Trương Tam Phong không nói gì, chỉ lặng lẽ cười, nhìn ngắm Vĩnh Tình. Nếu như Tuệ Phong có nét anh tú của cha nhưng mang tính khí quật cường, có chút ngông nghênh, nổi loạn của Triệu Mẫn ngày trẻ, tựa một cơn gió mát hào sảng đi khắp năm châu bốn bể, tung hoành thỏa chí, thì Vĩnh Tình lại như một bông hoa nhu mì ôm mật ngọt ngào. Cô có nét đẹp rực rỡ của mẹ nhưng tính tình lại rất ôn nhu, mềm mại như Vô Kỵ, đúng như tên cô là kết quả của một mối tình vĩnh viễn trường tồn. Vĩnh Tình cũng lặng lẽ nhìn lão tổ sư, thốt lên:
– Lão tổ sư nhìn đúng y như ông tiên mẹ kể.
Trương Tam Phong bật cười, hỏi:
– Thế mẹ con kể ông tiên như thế nào? Giống ta lắm sao?
Vĩnh Tình hồn nhiên nói:
– Hồi con còn bé xíu, con vẫn nhớ mẹ con kể chuyện rằng ông tiên có mái tóc trắng như cước, râu bạc dài cuốn quanh ba vòng thân tre chưa hết, mắt sáng như sao và ông tiên đặc biệt rất yêu quý trẻ nhỏ.
Trương Tam Phong khẽ vuốt râu thấy quả râu mình cũng đã dài thật. Râu tóc qua tháng năm đã nhuộm màu mây trời, chẳng biết đến khi nào thăng thiên nhập vân nữa. Vĩnh Tình lại nói thêm:
– Mẹ con cũng kể, khi còn trẻ, mẹ cũng gặp ông tiên một lần.
Trương Tam Phong trong mắt ánh lên một tia nhìn thích thú, hỏi:
– Mẹ con đã gặp tiên ông ra sao?
Vĩnh Tình đứng dậy, bắt chước điệu bộ mẹ khi xưa kể chuyện cho cô nghe, chắp tay sau lưng đi qua đi lại, mặt nhìn rất hoạt kê nhưng sống động vô cùng, kể:
– Mẹ con kể rằng ngày mẹ còn bé, có lũ kẻ xấu định bắt mẹ con đi nhưng tiên ông đã hóa phép đằng vân cứu lấy mẹ con. Còn hóa thành sấm sét trừng trị bọn xấu nữa.
Vừa kể cô vừa làm động tác cưỡi mây như Tôn Hành Giả, rồi tay chém chém như sét đánh, miệng kêu đùng đùng thực vui nhộn. Trương Tam Phong mỉm cười, nghĩ bụng:
– Tiên ông này hẳn là Băng Tâm rồi. Năm xưa địch nhân đến ám toán Nhữ Dương Vương phủ, Băng Tâm đã liều mạng cứu được điệt nữ tế.
Vĩnh Tình thấy Trương Tam Phong hứng thú, lại càng thêm thích chí, hăng hái kể thêm:
– Chưa hết đâu nhé, mẹ con còn gặp một tiên ông khác tóc vàng, mắt xanh, tiếng nói vang như sư tử, uy nghiêm vô cùng.
Cô đưa tay xõa xõa tóc cho có vẻ bù xù giống bờm sư tử rồi ưỡn ngực đi lại giống bậc nam nhi, nhìn cũng thấy đôi nét hào khí. Trương Tam Phong biết là kể về Tạ Tốn, nhưng cũng hỏi đùa:
– Lão tổ sư tưởng tiên ông là phải tóc trắng, râu dài cơ mà?
Vĩnh Tình xua xua tay, nói:
– Không phải đâu! Có nhiều tiên ông lắm. Ông tiên này đúng thật như con sư tử thần cơ. Mẹ kể là ông tiên này là người kết tóc xe duyên cho nội tổ phụ và nội tổ mẫu ở đảo gì xa lắm. Sau này rồi cũng nhờ tóc của tiên ông mà cha mẹ con mới lấy nhau, sinh ra con và đại ca.
Trương Tam Phong gật gù, nói:
– Quả nhiên vậy. Ta cũng có biết tiên ông này. Một tiếng nói ra vang xa khắp chốn.
Vĩnh Tình hớn hở, chạy lại nắm tay áo Trương Tam Phong, hỏi:
– Vậy là lão tổ sư cũng gặp tiên ông đó rồi đúng không?
Trương Tam Phong xoa đầu cô, nói:
– Cũng khó mà tính là gặp, nhưng những câu chuyện về tiên ông này, ta cũng có biết đến.
Vĩnh Tình xịu mặt, nhưng rồi lại quả quyết nói:
– Vẫn còn một ông tiên nữa. Ông tiên này giống lão tổ sư cực kỳ. Tóc trắng này, râu dài ơi là dài này, mắt như thiên tinh, giọng như huyền vũ. Ông tiên này là mãi sau này mẹ con lớn rồi mới gặp. Mẹ bảo hồi đó mẹ hư lắm, nhưng ông tiên không giận mẹ, lại tha thứ và nói tốt cho mẹ nữa. Sau này có lão xú quỷ định dùng trống đánh cho mẹ con phát điên. May có tiên ông hóa phép mới giúp mẹ con thoát nạn. Mẹ bảo lúc tiên ông hóa phép, không gian đang ồn ã bỗng nhiên tĩnh lặng, thư thái vô cùng. Nãy con thấy ngoài kia gió lớn, trong đình lại ấm áp, mới nghĩ lão tổ sư hẳn cũng có phép thuật như tiên ông kia.
Trương Tam Phong nghe từng lời trẻ nhỏ nói ra mang theo bao năm tháng khi xưa kéo về. Đôi mắt già đầy nếp chân chim của ông khẽ giật, nhắm lại ngăn một giọt nước mắt ít ỏi rơi. Nhớ lại ngày đó khi Vô Kỵ đưa Triệu Mẫn lên núi. Thế nhân khi đó nói rằng Triệu Mẫn là yêu nữ lừa người, gạt quỷ, dối thần, xảo quyệt vô cùng. Nhưng khi gặp cô, nhìn vào đôi mắt tinh anh ấy, ông không thấy một điểm tối nào. Ông biết Vô Kỵ không chọn nhầm, cũng như ngày xa xưa, đệ tử của ông đã không nhầm khi gửi trái tim mình cho Tố Tố. Cuộc đời sống đến nay hơn trăm năm đã dạy ông có những điều vạn người nói chưa chắc đã là đúng, có những điều chỉ tim mình mách bảo lại chính là chân ý. Đã bao năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in đôi mắt đen láy, sáng trong của Tố Tố và Triệu Mẫn, hai người phụ nữ quan trọng của đệ tử và đồ tôn của ông. Chính vì hai đôi mắt đó mà ông bỏ qua mọi lời nhân thế mà tin vào trực giác bản thân, chúc phúc cho hai cha con Thuý Sơn và Vô Kỵ. Ấy vậy mà thanh thiên ganh ghét hiền nhân, hai đôi phu phụ đẹp đến vậy lại chẳng có mấy thời gian suôn sẻ. Trương Tam Phong nghĩ đến đây trong lòng tự thấy chua chát vạn phần, không kìm được một tiếng thở dài. Vĩnh Tình đang quay lưng về phía ông, đứng dựa cột đình nhìn ra hồ nên không thấy tiếng thở dài đó. Cô rầu rầu nói:
– Nhưng chắc con hư quá nên không được gặp ông tiên. Mà chắc ông tiên cũng không có thật đâu lão tổ sư ạ.
Trương Tam Phong giật mình, hỏi:
– Sao con lại nghĩ vậy?
Vĩnh Tình quay lại, nước mắt đầm đìa, nói:
– Mẹ bảo tiên ông sẽ giúp những đứa trẻ ngoan tìm lại gia đình. Con đã cố gắng ngoan lắm. Hàng ngày con đều chịu khó nghe lời sư phụ luyện công. Mỗi ngày con đều giúp các sư tỷ nấu cơm, giặt giũ, quét dọn. Tối nào con cũng thắp hương cầu sức khoẻ cho cha mẹ, đại ca, sư phụ và các sư tỷ. Con còn cho cả bọn chó mèo hoang ăn cơm nữa. Thế mà tám năm rồi không có ông tiên nào hiện ra đưa con về với cha mẹ, đại ca. Lão tổ sư nói vậy là con chưa ngoan? Hay là tiên ông không có thật?
Trương Tam Phong ôm Vĩnh Tình vào lòng, nghẹn lời nói:
– Con là một đứa trẻ ngoan, rất ngoan. Ta tin sớm thôi, tiên ông sẽ hiện ra và đưa con về với cha mẹ. Ta hứa với con vậy..
Vĩnh Tình tuy lúc đó vẫn còn thổn thức nhưng cũng thoáng nhận ra, có lẽ lão tổ sư đây chính là ông tiên đó chăng. Cô thì thầm:
– Lão tổ sư đúng là ông tiên rồi.
Trương Tam Phong cười vỗ vỗ đầu cô, hỏi:
– Thời gian gần đây võ công con có tăng tiến chút nào không?
Vĩnh Tình lúc đó hồ hởi thi triển hết kiếm pháp cô đã được học. Trương Tam Phong là tôn sư võ học một đời. Kiếm pháp Nga My tuy tinh diệu nhưng cũng chưa vượt được tầm giới quan của ông. Điều ông nhìn thấy là Vĩnh Tình rất có tố chất võ học. Những kiếm pháp cô luyện đều là những chiêu kiếm pháp người thường phải dành hơn hai mươi năm thì mới luyện được tinh thục thì cô nhỏ này chỉ mới luyện có tám năm đã thuần thục đến tám, chín phần. Trương Tam Phong khích lệ:
– Khá lắm! Kiếm pháp của con đã thuần thục hơn nhiều. Nếu tiếp tục luyện, nhất định con sẽ lĩnh ngộ được hết kiếm pháp sở học của Quách nữ hiệp năm xưa.
Vĩnh Tình vui vẻ nói:
– Con sẽ cố gắng. Nhưng có một bộ võ công mà con đọc chẳng hiểu gì. Định hỏi sư phụ nhưng gần đây sư phụ có việc phải tới Minh Giáo. Tiện lão tổ sư ở đây, con có thể hỏi người được không?
Trương Tam Phong vuốt râu, cười:
– Sở học nhân gian cao thâm không ai biết hết. Nhưng con cứ nói thử ta xem, biết đâu ta có thể giải đáp phần nào.
Vĩnh Tình vỗ tay, nói:
– Vậy con đọc một lượt bộ võ công đó, lão tổ sư từ từ giải nghĩa cho con nhé.
Nói đoạn cô từ tốn đọc: Đạo của trời là cắt cái có thừa bù vào chỗ không đủ, cho nên hư có thể thắng thực, không đủ có thể thắng có thừa..
Nghe đến đây, Trương Tam Phong đã thấy giật mình. Đạo lý này quả thực huyền diệu, không có mấy bộ võ công lại có tham ngộ như vậy. Ông lại nghe Vĩnh Tình đọc tiếp: Người luyện võ công này muốn đến mức tam hoa tụ đỉnh phải tự phế nội công, đi từ cái hư không đến hữu thần. Lúc đó nội lực chính là nguyên khí của đất trời, dồi dào vô tận. Chiêu thức lại chính là vận hành của trời đất. Ngộ được điều này, vạn võ công trong thiên hạ cũng chỉ là nguyệt yên nhược thuỷ, chính vô chiêu mới là cảnh giới cao nhất.
Nguyên lai bản Cửu Âm Chân Kinh này vốn không đầy đủ như nguyên bản gốc mà Hoàng Thường truyền lại cho hậu duệ Hoàng gia qua hình xăm huyết long vọng nguyệt, nhưng căn cơ cốt lõi cũng đạt đến bảy, tám phần. Lại nói Trương Tam Phong nghe xong, tuy chưa từng đọc qua Cửu Âm Chân Kinh cũng có thể đoán được Vĩnh Tình vì cơ duyên thiên định mà có được bí tịch võ công thượng thừa trong tay. Ông giờ đã đại giác ngộ, tuy kiến thức võ học bác đại uyên thâm, nghe đọc bí tịch như vậy dẫu chỉ một lần cũng đã tự ngộ đến bảy, tám phần, nhưng lại không hề lưu tâm nhớ. Ông chỉ nói:
– Vĩnh Tình, lời con đọc không sai chỗ nào chứ?
Vĩnh Tình đắc ý cười nói:
– Con có tài là đọc đâu nhớ đó, dẫu chỉ lướt qua một lần cũng không quên một chữ. Nhưng con đọc quyển kinh này thấy chẳng có lí gì cả. Gì mà vô chiêu thắng hữu chiêu, gì mà phải tự phế nội lực mới tu luyện được..
Trương Tam Phong thở dài, nói:
– Đây là thiên ý. Con vô tình có trong tay một bí tịch võ công mà thiên hạ ai ai cũng muốn. Cửu Âm Chân Kinh là tinh hoa võ học, bác đại tinh thâm. Ngay cả ta nghe rồi cũng chỉ hiểu được bảy, tám phần. Nhưng thế gian vì vật hiếm mà loạn lạc. Sau này con chớ tiết lộ cho ai biết con biết Cửu Âm Chân Kinh nghe không.
Vĩnh Tình thấy lão tổ sư giọng nghiêm trọng dặn dò như vậy, tuy chưa rõ đạo lý nhưng nhất định cũng ghi nhớ trong lòng, gật đầu quả quyết:
– Con nhớ rồi. Nhưng lão tổ sư chiết giải cho con chút ít đi.
Trương Tam Phong mỉm cười, nhìn xung quanh thấy trong đình có một chiếc lư đồng nhỏ. Ông nói:
– Con lấy chiếc lư đồng này ra kia múc đầy nước xem.
Vĩnh Tình chẳng hiểu gì nhưng cũng nghe lời lão tổ sư, cầm lư ra múc nước. Cô khệ nệ bê chiếc lư đồng đặt trước mặt Trương Tam Phong. Ông nhẹ nhàng nâng chiếc lư đồng, đổ xuống tưới luống rau cúc tần dại ngay bên đình. Ông lại nói tiếp:
– Con lại lấy giúp ta thêm một lư đầy nữa.
Vĩnh Tình lại nghe lời đi bê một lư nước đầy. Lần này Trương Tam Phong nói:
– Giờ con thử lấy thêm nước vào lư xem.
Vĩnh Tình lắc đầu nói:
– Lư đầy nước rồi mà lão tổ sư, làm sao lấy thêm được.
Trương Tam Phong lại lấy nước đó tưới rau, nói:
– Chẳng phải bây giờ lấy được thêm rồi sao? Nội lực của con người cũng vậy. Khi sinh ra, thân thể chúng ta như chiếc lư rỗng. Qua tu tập, rèn luyện nội công sẽ khiến chiếc lư đó dần đầy lên. Nhưng muốn lấy thêm nhiều nội lực hơn, nhất định phải bỏ đi nội lực đã có trước. Đó là nguyên lý lấy thừa bù thiếu, không đủ thắng có thừa.
Vĩnh Tình vỗ tay, nói:
– Lão tổ sư! Con hiểu rồi. Vậy chúng ta nếu không tự bỏ nội lực thì sao có thể tiếp thu thêm.
Trương Tam Phong chỉ ra hồ Yên Vũ nói:
– Con nhìn nước hồ kia thật lặng phải không? Bao năm qua nước hồ cũng không dâng lên gây lũ, cũng chẳng cạn đi bao giờ, luôn tĩnh như vậy. Nó có thể tĩnh như vậy vì khi mưa xuống nước lên thì nó lại chuyển nước ra sông, ra biển. Khi trời nóng, nước cạn, lại thu nước từ nguồn về. Chính là cực tĩnh sinh động. Lại nói nước kia chảy từ thượng nguồn qua trăm sông đổ ra biển lớn, lại hóa vân vũ mà làm đầy thượng nguồn. Vòng chu chuyển đó là động nhưng lại chính là tĩnh, ổn định qua trăm ngàn năm nay. Chính là cực động hóa tĩnh. Con nên nhớ “Vật Cực Tất Phản”, cái gì khi đến tối cực sẽ sinh ra phản cực đối lập. Nội công tối dương sẽ hóa âm, tối âm sẽ hóa dương. Trong dương có âm, trong âm có dương bất khả tách rời, đó là thiên đạo vậy.
Thế mới nói nội công của Võ Đang vốn là một phần của Cửu Dương Thần Công, thuần dương nhưng võ công phát chế lại theo lối âm nhu, thậm chí như Trương Tam Phong đã đến cảnh giới tối nhu sinh cương, lập lại một vòng tuần hoàn. Nội công có thể tuỳ ý thu phát, hóa dương, biến âm kỳ ảo vô cùng, thế gian không ai có được. Vĩnh Tình sáng dạ, nghe một hiểu mười. Đến khi được lão tổ sư chiết giải nguyên lý xong mới thực giác ngộ, mọi điều trong chân kinh dường như đã sáng rõ hơn hẳn. Cô ôm lấy tay lão tổ sư lắc tới lắc lui, vui sướng nói:
– Con đã hiểu rồi! Lão tổ sư, người thật là thông tuệ, không gì không biết!
Trương Tam Phong cười nhẹ, nhìn ra hồ Yên Vũ nói:
– Ta cũng chỉ là người thường, có chút nhân duyên nên ngộ được chút thiên ý. So với những cơn gió vạn năm ngoài kia, ta đâu có thể sánh được chứ. Nên biết nhân sinh là hữu hạn. So với thiên nhiên, tháng năm của một người chỉ như một hạt mưa trong biển lớn. Nhưng thứ chứa được cả đất trời trong ta, lại chỉ nhỏ nơi ngực này thôi.
Hai người cùng lặng ngắm hồ Yên Vũ thoáng xao động trong cơn gió bắc. Thoáng nghe đâu có tiếng lão tiều hát câu thơ cổ:
Cuồng sa lộ vạn lý
Quan sơn nguyệt mông lung
Tịch mịch tâm cao thủ
Nhất thì câu vô tung
Chân tình thuỳ dữ cộng
Sinh tử khả tương tùng
Nhân sinh tự hữu hạn
Thiên địa đô tại ngã tâm trung
Dịch:
Đường bụi bay vạn lý
Ánh trăng mờ mông lung.
Lòng anh tài tĩnh mịch
Chốc lát chợt khuất bóng.
Chân tình ai chia sẻ
Sinh tử nguyện tương phùng.
Nên biết nhân gian là hữu hạn
Đất trời nằm trọn trong tim ta..
* * *
Ân Thương Tùng mở mắt, thấy xung quanh mình một màu đen đặc kịt. Không một tiếng động, không một tia sáng nhỏ nào. Cậu khẽ cựa quậy nhưng toàn thân vô lực không thể cử động được. Tất cả các giác quan dường như bị phong bế, chỉ còn lại khứu giác ngửi thấy thoang thoáng mùi ngai ngái của đất tươi, cũng có thể là mùi của thạch động. Cậu tự nhủ, có lẽ đây chính là nơi người ta gọi là âm ty đó chăng? Xem ra chẳng có quỷ sứ đánh đập dã man, cũng chẳng có núi đao, biển lửa. Chỉ là ở đây đúng là cô quạnh thật. Chợt cậu giật mình nhớ ra mẹ vẫn đang ở nơi xe lừa chờ cậu và Lâm huynh trở lại. Tên khốn Lý Hữu Tài không biết có làm gì hại đến mẹ không. Càng nghĩ càng nóng ruột, cậu càng cố thử vùng vẫy. Bỗng ánh sáng chan hòa ập đến làm cậu chốc lát lóa mắt chẳng thấy gì, lại nghe tiếng mắng bên tai đến nhức cả óc:
– Thằng điên này! Có nằm im dưỡng bệnh không! Mi cứ giãy nữa là bao nhiêu công ta ghép kinh mạch công toi hết! Ngươi có biết bao lâu rồi ta mới tìm được thêm một mạng để thử nghiệm không?
Đã qua cơn lóa mắt, Thương Tùng hé mắt nhìn về nơi có tiếng mắng, thấy một lão nhân vóc người nhỏ bé, có lẽ chỉ bằng đứa trẻ nhưng tóc đã bạc. Nhìn mái tóc vừa xù vừa bết lại đầy những bụi với rác cũng đủ biết lão nhân này chắc hẳn có đến vài chục năm rồi không tắm giặt gì. Gương mặt hom hem, gầy đến giơ xương, lại còn chột mắt khiến lão thoạt nhìn đâu không khác gì lão quỷ. Thương Tùng gượng hỏi:
– Ta đang ở đâu? Lão là ai?
Lão già kia tay đang khuấy khuấy thức dịch lỏng gì đó sền sệt, nâu nâu mà mùi hôi muốn mửa. Lão vừa phết thứ đó khắp người cậu vừa nói:
– Hạng hậu bối như ngươi thì sao biết ta được. Có từng nghe Quỷ Y chưa?
Thương Tùng lắc đầu. Lão già kia thở dài ngâm, nói:
– Đáng tiếc. Nếu ngươi sinh sớm chừng tám mươi năm hẳn lúc đó nghe danh Quỷ Y ta như sét đánh bên tai, khắp nơi không ai không biết.
Thương Tùng nhíu mày nói:
– Lão nói cách đây tám mươi năm, lão đã thành danh trên giang hồ? Nực cười, chẳng lẽ lão giờ đã hơn trăm tuổi rồi sao?
Quỷ Y cười khẩy, nói:
– Ta nói ngươi hay, ta thành danh muộn. Đến lúc thành danh cũng đã bốn mươi tuổi. Đến giờ ta cũng chẳng nhớ đã bao năm. Chắc cũng phải tầm quá bách niên nhị thập rồi.
Thương Tùng nghĩ bụng:
– Nói khoác lừa ai chứ? Lão mà một trăm hai mươi tuổi chẳng hóa bằng tuổi lão tổ sư sao.
Quỷ Y nhìn mặt cậu biết không tin, chỉ cười nhạt, nói:
– Ngươi không tin thì cứ về hỏi Trương Quân Bảo sẽ hay. Nhưng trước hết hãy ngoan ngoãn ở đây để ta chữa cho đã.
Dứt chữ “đã”, Quỷ Y thẳng tay nắn lại khớp của Thương Tùng nghe rắc một tiếng. Nơi khớp đó như rời ra, Thương Tùng thét lên một tiếng đau đớn, rồi cắn răng, giận dữ nói:
– Ngươi chữa bệnh kiểu gì mà còn đau hơn cả bị ngã núi vậy?
Quỷ Y chăm chú nhìn nơi vừa tháo khớp, tỉ mỉ xem kinh mạch, rồi lẩm bẩm:
– Sao vậy nhỉ? Đúng ra thuốc phải dẫn vào nơi khí huyết không thông chứ đâu phải dẫn vào nơi xương cốt không liền.
Chẳng nói gì thêm, lão lại nắn lại một cái, Thương Tùng lại nghe đau buốt đến tận xương tuỷ nhưng chỉ thoáng qua thôi. Chỗ khớp vừa rồi bị tháo ra lại được lão nối lại như cũ. Cứ vậy lão hết tháo rồi lại nối khớp của cậu cả ngày, chẳng trừ chỗ nào trên người. Đến đêm hôm đó thì cậu đau và mệt quá lại ngất đi. Trước khi ngất cậu loáng thoáng thấy ngoài cửa hang có bóng người thờ ơ nhìn cậu rồi lững thững bỏ đi. Vốn định kêu cứu mà không còn sức. Sang đến sáng ngày hôm sau, cậu mở mắt đã thấy Quỷ Y đang sửa soạn nào đục, nào khoan, trong bụng đã ớn lạnh. Thương Tùng gượng nói:
– Hôm qua ngươi hành hạ ta chưa đủ, hôm nay lại còn bày cưa đục ra giết ta sao?
Quỷ Y ngạc nhiên nói:
– Ta giết ngươi khi nào? Ta không hề muốn giết ngươi. Ngươi là con chuột lang béo của ta, sao ta lại giết ngươi chứ?
Thương Tùng giờ mới biết vốn lão chẳng có ý định gì cứu mình, chỉ là lấy thân thể mình làm các thí nghiệm quái ác. Trong bụng chua xót nghĩ thầm:
– Thế là kiếp này coi như bỏ. Chỉ thương mẹ mới khi nào mất chồng, lại mất con. Mai sau ai sẽ chăm sóc cho mẹ đây.
Chán chường, cậu hỏi vài câu làm thân, biết đâu tí nữa lão già này cho cậu chết nhẹ nhàng hơn một chút:
– Quỷ Y, hôm qua ngươi vẫn chưa nói ta nghe về lai lịch của ngươi. Ta sinh sau đẻ muộn, đúng là không nghe danh Quỷ Y bao giờ thật.
Quỷ Y khục khặc cười, tay thử lấy đục đâm nhẹ vào vách đá. Thấy lực tay đi nhẹ như không mà chỗ đá bị đâm vào sâu hoắm, vết đục ngọt xớt tựa đâm vào đất sét vậy. Bấy nhiêu cũng đủ thấy nội công người này cao hơn Thương Tùng nhiều lắm, có muốn chạy e cũng khó thoát. Quỷ Y nói:
– Nếu ngươi còn có ngày ra khỏi đây, về được Võ Đang mà hỏi Trương Quân Bảo tất sẽ biết Quỷ Y Nhất Sinh Nhị Mạng – Tây Môn Khiết.
Thương Tùng thấy cái hiệu Nhất Sinh Nhị Mạng kì lạ lại hỏi:
– Nhất Sinh Nhị Mạng là sao?
Quỷ Y cười gằn, lấy một cây châm dài châm vào huyệt Túc Tam Lý, làm chân cậu tê đi rồi thong thả nói:
– Ta cứu một mạng sẽ bắt người đó giết hai mạng. Còn không sẽ sống không bằng chết. Đó là lí do có tên là Nhất Sinh Nhị Mạng.
Thương Tùng nghe tên Quỷ Y này tính khí quái gở, cứu một mạng người lại đòi giết hai người, chẳng hóa phi thiên đạo ý lắm sao. Cậu nghiến răng nói:
– Vậy ngươi không cần cứu ta nữa! Cứ giết phứt ta đi! Ta không giúp ngươi giết người đâu!
Quỷ Y nhún vai nói:
– Ngươi thì không cần. Người đưa ngươi đến đây đã giết đủ hai mạng cho ta rồi. Ngươi chịu khó làm con chuột béo cho ta là đủ.
Thương Tùng đến đây mới nhớ ra là cậu bị Lý Hữu Tài đánh rơi xuống núi Võ Đang, nay tỉnh lại ở nơi khác, nếu không phải Quỷ Y cứu nhất định là có người đưa cậu đi. Thương Tùng định hỏi thì Quỷ Y đã đặt khoan lên chân cậu, khoan một mũi nhỏ. Tuy bị bế huyệt Tam Túc Lý, tê dại đi rồi nhưng cậu vẫn thấy cơn đau lan đến tận óc. Quỷ Y nhìn máu từ vết khoan vừa chảy ra đã lại rút lại, ngầm lưu thông dưới vết thương mà không chảy ra nữa, cười thích thú:
– Xem ra thứ cao Kim Thân Thiết Cốt Hoàn này có tác dụng. Rồi ngươi xem, mấy hôm nữa ngươi người sẽ cứng như sắt, đao thương bất nhập, cần gì phải luyện Kim Cương Bất Hoại của Thiếu Lâm chứ.
Thương Tùng quả nhiên thấy đã bớt đau, định thở nhẹ thì thấy Quỷ Y đã dợm định khoan lỗ thứ hai, vội nói:
– Khoan, khoan! Ngươi nói ai đưa ta đến đây?
Quỷ Y chỉ tay ra ngoài cửa động, không thèm nhìn lại, nói:
– Tên câm kia đưa ngươi đến. Hắn cũng là ta cứu đấy. Trước bị ngã núi toàn thân đứt hết kinh mạch. May mà gặp Quỷ Y ta thần thông quảng đại nối được gân cốt, kinh mạch nên mới sống. Chỉ tiếc là năm đó thuật Di Kinh Đổi Mạch của ta chưa đủ cao nên không chữa được bệnh câm của hắn. Hắn từ đó cũng chẳng đi đâu, chỉ ở chung trong cốc này với ta. Đợt trước hắn đi bẵng đâu, quay lại mang theo ngươi đông cứng như miếng thịt lợn đóng đá. May mà tuyết năm nay nhiều nên ngươi mới thoát đấy.
Thương Tùng ngoái nhìn ra cửa, lại chỉ vừa kịp thấy bóng người bỏ đi. Lại nghe chân bên kia bị khoan đau đến lịm người, ngất đi. Cứ vậy mà cậu bị Quỷ Y thử các loại thuốc, bôi đủ loại cao lên người, hết khoan lại đục, rồi tháo rồi cắt, người đau đến chết đi sống lại gần một tuần thì Quỷ Y thả cậu ra. Cậu run run đứng dậy, chưa kịp định thần thì một thanh trảm mã đao đã chém đến. Cậu thoáng lặng người, nghĩ Quỷ Y đã dùng xong nên giết người diệt khẩu. Nào ngờ thanh trảm mã đao to vậy mà chém đến người cậu nghe beng một tiếng toé lửa. Người cậu ngay một vết xước cũng không có mà đao thì mẻ một miếng lớn. Quỷ Y cười lớn:
– Thành công! Thành công rồi! Kim Thân Thiết Cốt Hoàn đã thành công thật rồi! Từ giờ ngươi đao thương bất nhập. Chỉ tiếc là vết sẹo ngang mặt ngươi vì cứu chậm quá nên không chữa được. Nhưng không sao, vẫn còn anh tuấn lắm! Thôi giờ ngươi ở lại đây phụ ta làm thuốc. Ta ở đây lâu cũng tịch mịch, không có chuyện trò.
Thương Tùng ngạc nhiên hỏi:
– Lão thả ta thật ư? Lại cho ta ở lại đây? Nhưng ta phải về cứu mẹ ta. Mẹ ta bị địch nhân uy hiếp, nhất định lành ít dữ nhiều. Đa tạ lão cứu mạng, nhưng ta không thể ở lại được.
Quỷ Y cười khẩy, khoát tay mời cậu ra cửa, nói:
– Vậy ngươi cứ đi. Nếu có đủ bản lĩnh thoát khỏi Vong Nhân Cốc này thì không cần quay lại đây. Nếu có quay lại nhớ lấy củi mang về nhé. Động hết củi rồi.
Thương Tùng bán tín bán nghi, đi cửa ngoài động thấy xung quanh là rừng rậm, lá ken dày khuất ánh mặt trời. Hiếm hoi lắm mới có vài tia sáng yếu ớt soi qua tầng lá mỏng hơn, ánh lên màu xanh nhờ nhờ bàng bạc. Xem ra Vong Nhân Cốc này không phải chỉ có cái tên. Nhưng lòng đã quyết, cậu cứ vạch cây, đạp cỏ mà đi. Lòng vòng đến nửa ngày lại quay lại đúng cửa động. Quỷ Y đã đợi sẵn, cười khẩy:
– Ta ở đây có đến hơn hai mươi năm rồi chẳng tìm được đường ra nữa là ngươi. Thôi mau đi hái củi làm cơm trưa đi. Ta bào chế nốt thuốc.
Thương Tùng nghe lão nói mà rụng rời chân tay, nhưng lòng nghĩ hôm nay do mình nóng vội, nhất định mỗi ngày phải dò đường tìm cách ra. Nghĩ là làm, Thương Tùng lặng lẽ đi vòng dần ra ngoài nhặt củi khô. Đang tìm củi thì bỗng nghe thấy tiếng vút vút của kiếm chiêu quen thuộc. Cậu theo tiếng đó mà lần theo thì đến một trảng cỏ rộng. Một người quần áo rách nát, bẩn thỉu nhưng trong tay cầm một thanh kiếm sáng loáng. Nhìn ánh thép xanh, khẽ nghiêng lại thấy vân đỏ, lưỡi kiếm mỏng, nhẹ mà xem chừng cứng rắn vô cùng, đúng là một thanh kiếm quý. Kiếm tuy quý nhưng kiếm pháp của người này mới thực tinh diệu. Kiếm đi tưởng chậm mà nhanh, khi tiến khi thoái, lúc đảo trước mà đã vòng đằng sau, hư hư thực thực khó lường. Kiếm chiêu đã tinh kỳ, kiếm lực cũng thật tinh tế. Lúc nhẹ thì lướt qua ngọn cỏ không rung, khi mạnh thì cây cổ thụ cũng hằn sâu vế chém. Thế kiếm lúc nhẹ như nước chảy mây trôi, khi nặng tựa như thanh sơn sừng sững. Thương Tùng cứ ngây người ra nhìn không chớp mắt. Đến khi người kia hoàn kiếm, trên nền đất đã vạch xong mấy chữ: “Ngươi xem đủ rồi chứ?”
Ân Thương Tùng toát mồ hôi lạnh, thì ra người này đã biết cậu xem lén đã lâu. Cậu nuốt nước bọt, đánh liều hỏi:
– Có phải tiền bối đã cứu vãn bối phải không?
Người kia không nói gì chỉ gật đầu, đoạn quay người định bỏ đi thì Thương Tùng đã quỳ xuống bái lạy, nói:
– Tiền bối xin lưu danh! Vãn bối nguyện sẽ ghi ân tạc dạ suốt đời!
Người kia chần chừ một thoáng rồi vận kiếm khí, khắc lên tảng đá gần nơi Thương Tùng đang quỳ hai chữ: “Kiếm Ma”..