Mấy tháng đầu, Tiết Sơn và người thân sống trong hai ngôi nhà khác nhau trên cùng một ngọn đồi, thi thoảng vẫn gặp mặt.
Về sau, không hiểu vì sao họ bị tách ra, mẹ già và vợ chồng Tiết Hải bị Dương Lạc Bình đưa đến một vườn cao su, làm việc lặt vặt ở đó – giấu ma túy vào thành phẩm cao su.
Trong vườn cao su, đại bộ phận công nhân đều là người nghiện, bán ma túy để hút, một vòng tuần hoàn ác tính.
Mặc dù biết rõ thân phận của Dương Lạc Bình, để bà Tiết và vợ chồng Tiết Hải đi theo Dương Lạc Bình, Tiết Sơn không mấy yên tâm. Ngày tháng trôi qua, anh ngày càng cảm thấy, người có biệt danh Sơn Ưng được coi là cảnh sát ngầm, mục đích không hề đơn giản.
Anh vẫn nhớ lời Cát Gia.
“Làm công việc này, chạy giữa biên giới thiện ác lâu rồi, rất dễ quên thân phận của mình, quên mất mục đích ban đầu mình phải đảm nhiệm. Chưa nói đến những người không phải cảnh sát có nhiệm vụ đặc biệt như cậu. Cho dù là cảnh sát thực thụ đi chăng nữa, nằm vùng quá lâu, không bị nhiễm nghiện thì cũng bị tha hóa, bị tiền tài, lợi lộc, bị thuốc phiện ngăn trở, cả đời không thoát ra nổi. Cho nên Tiết Sơn, ngoại trừ công việc – tôi chỉ có một yêu cầu đối với cậu – không được quên chí hướng ban đầu, bình an trở về”.
Nói thì đơn giản nhưng hiểu được và làm được dễ vậy sao?
Chưa kể gia đình anh đều ở đây, một khi xảy ra chuyện, họ chính là yếu điểm lớn nhất của anh.
Thời gian lưu lại càng lâu, nỗi tuyệt vọng trong lòng anh cũng ngày càng lớn.
Còn Tiết Hải khi ấy, đã hoàn toàn bị tê liệt.
Hàng ngày, Tiết Hải hoàn thành công việc, trở về nhà, như không có chuyện gì chơi đùa với Đồng Đồng, sau đó ăn cơm, đi ngủ.
Ngày hôm sau, tiếp tục lặp lại quỹ đạo của ngày hôm trước.
Vào buổi đêm vắng lặng, Tiết Hải cũng suy nghĩ – vì sao cuộc đời mình lại biến thành như vậy?
Khi Tiết Hải biết công việc của mình có liên quan đến giao dịch thuốc phiện, cậu ấy từng do dự.
Thế nhưng, không phải Tiết Sơn vẫn bình yên vô sự đó sao? Còn nữa, mỗi chuyến hàng đều có lợi nhuận rất cao, sau một hai lần nếm trải ngọt ngào, Tiết Hải nhanh chóng sa vào, càng lún càng sâu.
Tiết Hải chỉ không thể ngờ rằng, sẽ có ngày hôm nay.
Tiết Hải biết mình muôn đời muôn kiếp không thể quay trở lại, không thể rơi vào tay cảnh sát, dù cho phải trốn chui trốn lủi đoạn tuyệt nhân thế trong núi rừng mãi mãi cũng không sao. Nhưng Đồng Đồng chưa được hai tuổi, con bé đáng yêu như thế, sao có thể lớn lên trong một môi trường như vậy?
Nhưng Tiết Hải không còn cách nào khác.
Tiết Hải nghĩ, cuộc đời mình từ lúc bắt đầu cho tới bây giờ, luôn là một vở kịch chứa đầy đau khổ.
***
Mưa tạnh được một lúc, lại bắt đầu dấy lên.
Mỗi lần nhắc đến Tiết Hải, trong giọng nói của Tiết Sơn luôn ẩn chứa sự bi thương, bất lực và tiếc nuối.
Ký ức tựa như con đường mịt mù, không cách nào quay trở về, chỉ biết vô vọng đặt phần đời còn lại trong vùng tối.
Dường như nói đã mệt, Tiết Sơn im lặng thật lâu.
Trần Dật khẽ hỏi: “Anh mệt à?”.
Tiết Sơn lắc đầu nhè nhẹ: “Em thì sao?”.
“Em hơi mệt”. Trần Dật đáp: “Ngủ đi, ngày mai còn thời gian mà”.
Ôm lấy cô, Tiết Sơn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, hơi thở đều đều.
Đêm dần trở lạnh, nhưng trái tim nóng hổi, vòng tay ấm áp.
Trần Dật chậm rãi ngẩng đầu, nương theo ánh sáng lờ mờ trong phòng, nhìn bóng dáng mơ hồ trước mặt, mãi không ngủ được.
Sáu tuổi, mười sáu tuổi, hai mươi sáu tuổi, cuộc đời cô đã trải qua không biết bao nhiêu thay đổi.
Hai giai đoạn đầu, những năm tháng trưởng thành, cô cầu nguyện rất nhiều lần, hy vọng mọi ký ức khổ cực sẽ chỉ là một giấc mộng, mơ một lúc rồi tỉnh.
Cô ước, ngày hôm sau, khi mặt trời ló dạng, lúc tỉnh dậy, cô đã là người lớn. Miễn sao có thể thoát khỏi những đau khổ không thể nào quên, thì dù ba mươi tuổi, hay bốn mươi tuổi, cô cũng nguyện ý.
Duy lúc này đây, cô vô cùng cảm kích vận mệnh.
Vì cực khổ, khiến cho họ tìm thấy nhau.
***
Không biết ngủ bao lâu, bên ngoài có tiếng động cửa, sau đó là tiếng bước chân sột soạt.
Trần Dật ngủ không sâu, nghe thấy tiếng động cô liền mở mắt, dỏng tai nghe ngóng. Nghĩ là Đồng Đồng nửa đêm dậy đi vệ sinh, cô lại khẽ khàng nhắm mắt.
Nhưng vài giây sau, cửa phòng bị gõ.
Tiết Sơn vừa mở choàng mắt thì người trong lòng anh đã cẩn thận ngồi dậy, sờ soạng tìm chiếc áo khoác để ở tủ đầu giường, đi ra mở cửa.
Trần Dật vừa bước xuống, sau lưng “tách” một tiếng. Âm thanh vang lên, ánh đèn sáng tỏ.
Cô giơ tay che ánh đèn lóa mắt, quay đầu nhìn người trên giường: “Anh dậy đấy à?”.
Tiết Sơn đáp lời: “Đồng Đồng gõ cửa à?”.
“Chắc vậy. Anh đừng dậy, để em ra xem”.
Cửa mở, Đồng Đồng đứng một mình bên ngoài, chỉ mặc bộ áo ngủ mỏng màu hồng nhạt, nước mắt rưng rưng nhìn người ra mở cửa.
Trần Dật ngồi xổm xuống, nắm chặt cánh tay con bé, nhẹ giọng hỏi: “Sao vậy? Cháu gặp ác mộng à?”.
Con bé miệng méo xệch, gật đầu.
Tiết Sơn cũng đứng dậy, khoác thêm áo đi ra. Trần Dật quay sang bảo anh: “Gặp ác mộng, chắc bị dọa rồi”.
Tiết Sơn ngồi xuống, giơ tay lau nước mắt trên mặt Đồng Đồng, xoa đầu, khẽ ôm con bé vào lòng.
Quãng thời gian vừa trở về, con bé thường xuyên gặp ác mộng, nửa đêm tỉnh dậy khóc.
Tiết Sơn lo lắng, liên tục để con bé ngủ với mình. Sau đó, Đồng Đồng dần ổn định, anh thấy cần luyện cho con bé thói quen tự lập trong sinh hoạt, cộng thêm con bé mỗi lúc một lớn, suốt ngày ngủ cùng bố không tốt nên đã làm cho con bé một phòng riêng.
Trần Dật nhìn con bé tội nghiệp đứng tựa vai Tiết Sơn, cô liền xoa đầu an ủi: “Không sao, tỉnh mộng rồi, không phải sợ nữa”.
Nói xong, cô hỏi con bé: “Cháu có muốn ngủ cùng cô không?”.
Đồng Đồng chậm rãi ngước lên, liếc mắt hết nhìn Trần Dật rồi quay sang Tiết Sơn, khẽ gật đầu, nhưng cánh tay vẫn bám chặt lấy cổ Tiết Sơn.
Tiết Sơn dường như hiểu ý con bé, nói với Trần Dật: “Đi ngủ thôi, chúng ta sẽ ngủ cùng với con”.
Trần Dật gật đầu, hai người đứng dậy, nắm tay con bé dắt vào giường.
Nhìn con bé ngoan ngoãn leo lên giường, chui vào chăn, nằm chính giữa, mong đợi hai người lên cùng, Trần Dật bỗng nhiên có cảm giác “gia đình”.
Tiết Sơn khẽ kéo tay cô: “Sao vậy?”.
Cô quay lại, nắm lấy bàn tay dày rộng của anh, đáp: “Không có gì, ngủ sớm thôi, muộn rồi đấy”.
Trời đêm tĩnh mịch, hơi thở ba người dần lan tỏa khắp căn phòng, ổn định mà nhu hòa.
***
Sáng sớm ngày hôm sau, đồng hồ báo thức của Trần Dật chưa kêu, Tiết Sơn đã tỉnh.
Mưa nhỏ tí tách cả đêm, bầu không khí sớm mai tươi mát khác lạ, đồng thời mang theo hơi lạnh.
Trần Dật nghiêng người ngủ, mặt hướng về phía Đồng Đồng, cánh tay để lộ ra bên ngoài. Tiết Sơn khom người, nhẹ nhàng nhét tay cô vào trong chăn.
Điện thoại không khóa, Tiết Sơn tắt báo thức của cô đi, định để hai cô cháu ngủ thêm một lát.
Anh rón rén rời giường, mặc quần áo, rửa mặt, sau đó nấu cháo, rán trứng.
7h30″, anh gọi hai cô cháu dậy.
Trần Dật nhìn giờ, thở dài: “Thôi xong, 8h20″ Đồng Đồng vào học, sao chuông lại không kêu nhỉ?”.
Tiết Sơn đưa mắt nhìn mái tóc rối bù của Trần Dật, không nhịn được cười: “Không phải vội đâu, anh tắt đi đấy”.
Trần Dật vừa mặc quần áo, vừa lườm anh, làm như đang oán trách nhưng cuối cùng không nói gì.
Bên cạnh, Đồng Đồng cũng tự mình mặc xong quần áo.
Tiết Sơn ôm con bé xuống giường, dắt con bé vào phòng khách chải tóc, nói với Trần Dật đang xỏ giày sau lưng: “Bữa sáng trên bàn, em rửa mặt xong ăn luôn cho nóng”.
Trần Dật khẽ “vâng”.
Lúc ngước lên, bóng hai cha con đã biến mất.
Ánh nắng yếu ớt chiếu vào phòng, cô lẳng lặng nhìn hướng họ rời đi, khóe môi hơi giương lên.
Cảm giác gia đình.
Trần Dật đến bên bàn ăn, phát hiện có món trứng không bỏ hành.
Tiết Sơn vẫn nhớ khẩu vị của cô, bình thường nấu cơm anh đều đặc biệt quan tâm đến cô, nấu nướng tuyệt nhiên không cho hành.
Bồn hoa trong sân nhỏ trồng mấy nhánh hành lá, có lẽ hàng ngày Tiết Sơn vặt ở đó.
Trần Dật ngồi ăn cơm hướng mặt ra sân, nhìn đám hành lá ngày càng tươi tốt, thoáng mỉm cười.
***
Hôm nay Trần Dật được nghỉ, ăn sáng xong, hai người cùng đưa Đồng Đồng đi học.
Nhìn bóng lưng nho nhỏ của con bé khuất giữa biển đồng phục học sinh màu xanh, Trần Dật nhẹ nhàng nắm tay Tiết Sơn: “Đi thôi, em tin Đồng Đồng sẽ không sao đâu”.
Cả hai quay về viện trước, chuyện ở ký túc của Trần Dật vẫn đang chờ được xử lý.
Cửa ký túc có khóa nhưng Trần Dật chưa bao giờ dùng tới. Trước đêm rời đi, bọn họ tìm chiếc khóa cũ rỉ sét ngoắc vào.
Đồ đạc của Trần Dật không nhiều, cô đóng gói quần áo, thu dọn sách vở.
Tiết Sơn nhìn mấy quyển sách dày chừng 5cm trong tay Trần Dật, tò mò hỏi: “Sách của em đều dày thế à?”.
Trần Dật không dừng tay, cô xếp sách vào thùng, phủi lớp bụi trên bìa, rồi mới quay lại nhìn Tiết Sơn, cười đáp: “Toàn là sách chuyên ngành, không vất đi được, phải giữ lại”.
Cất sách xong, Tiết Sơn lại gần bê thùng giấy gần 30kg lên, nhìn Trần Dật, bật cười: “Quả là sức nặng của tri thức”.
Tiết Sơn chạy hai chuyến xe, chở gần hết mọi thứ. Đến chuyến cuối cùng, Trần Dật đứng bên đường chờ anh, dưới chân là chiếc va li màu xám bạc.
Chiếc xe lướt đi, cuốn theo bụi đất, cô đưa tay che mũi, ho nhẹ vài tiếng.
Ánh mặt trời ấm áp rọi vào lưng Trần Dật, mái tóc đen mềm mại phủ một lớp nắng vàng nhàn nhạt.
Một cơn gió thổi qua, Trần Dật đưa tay vén mái tóc xõa trước mắt, ống tay áo sơ mi trắng theo động tác của cô, lỏng lẻo rơi xuống cổ tay.
Cô thích mặc sơ mi, màu trắng, màu be, màu xanh đậm. Tiết Sơn nhớ được mấy mẫu, đều là những kiểu đơn giản thuần một màu trắng.
Trời vào thu, hai bên đường chỉ còn vẻn vẹn mấy hàng cây, lá dần úa vàng.
Gió không ngừng, thả những phiến lá khô héo xuống con đường nhựa màu xanh đen, nhẹ nhàng lăn về phía trước, phát ra âm thanh loẹt xoẹt dưới nền đất.
Thấy Tiết Sơn lái xe lại gần, Trần Dật quay đầu mỉm cười với anh. Cô luôn cười như vậy, nhàn nhạt đấy, dịu dàng đấy, như thể trời sinh mang một cỗ cảm giác xa cách.
Một chút ký ức, bỗng cuồn cuộn trào ra khỏi đại não.
Một ngày trước, Trần Dật hỏi anh, sao nhớ được người đưa đơn chính là mình.
Tiết Sơn nói: Bởi vì chỉ có em mới mỉm cười với anh.
Nhưng anh đã không nói cho Trần Dật biết, thật ra, anh không chỉ nhớ mỗi lúc đó.
Anh nhớ sau này, mỗi lần bước vào phòng khám methadone, trong lúc mọi người lạnh lùng chăm chú quan sát anh, thì anh thấy trên gương mặt của Trần Dật luôn xuất hiện một nụ cười nhẹ.
Anh không biết cô gái trước mặt thương xót hay đồng cảm.
Nhưng nụ cười của cô, đã kéo anh ra khỏi lòng sông tăm tối, mang đến cho anh niềm an ủi và hy vọng.
Khiến con đường anh tiến về phía ánh sáng không còn quá mức cô độc.