Quyến Luyến Phù Thành

Chương 35



Ngày hôm sau, Bạch gia đãi tiệc cánh hoàng yến tại nhà hàng Đại Tam Nguyên, chiêu đãi Tuần Cảnh Doanh và Tiêu Cảnh Phong, Phòng Doanh và một số quan viên cao cấp trong Tân Quân Quảng Châu phủ, thiếu đông gia Bạch Kính Đường thay cha đón khách. Đêm đó, tiệc rượu tại Đại Tam Nguyên ăn uống linh đình, khách chủ đều hết mình, mà sẩm tối giờ Dậu, Nhiếp Tái Trầm trước một khắc đã sắp đến Bạch gia Tây Quan.

Tây Quan từ thời Minh triều đã là đoạn đường phồn hoa nhất của thành Quảng Châu, tới hiện tại, nơi này chẳng những cửa hàng san sát, mà ở góc Tây quan, nhà cao cửa rộng cùng với biệt thự cao cấp ở Tây Quan rất dễ bắt mắt. Sống ở nơi này đều là danh môn vọng tộc có tiền có thế, quan lại cự giả tại Quảng phủ cùng với môi giới tân quý mới nổi.

Bạch trạch là tòa biệt thự cao cấp kết hợp giữa Trung Quốc và Tây Phương. Đằng trước là tòa nhà gỗ ba tầng độc đáo kiểu Quảng Đông, mặt tiền rất rộng, bên trong có tất cả các loại thiết bị hiện đại kiểu mới như đèn điện điện thoại, đằng sau là đại trạch kiểu Trung Quốc, sâu bảy tiến, toàn bộ khóa viện phải trái, thính, hiên, hoa viên đều đủ, chung quanh đều có cây cối xanh tươi rậm rạp, người ở gần không ai không biết. Nhiếp Tái Trầm hỏi đường mấy đứa trẻ chơi ngoài đường, rất nhanh đã tìm được đến nơi.

Lưu Quảng dẫn người làm đã chờ sẵn, từ xa thấy Nhiếp Tái Trầm đang đi đến đây thì vội xuống bậc thềm để đón, dẫn người vào.

Nhiếp Tái Trầm đi vào phòng khách, bước chân chợt dừng lại một chút.

Một chiếc đèn pha lê phương Tây khổng lồ treo trên trần nhà của phòng khách Bạch gia, bên ngoài trời chưa tối hẳn, nhưng đèn vẫn bật, ánh sáng rực rỡ, chiếu lên sàn gỗ tếch và đồ nội thất bằng gỗ gụ quý giá. Cuối hành lang đối diện với cổng lớn có một cầu thang hình quạt dẫn lên thẳng tầng hai. Đại sảnh rường cột chạm trổ, trang trí kết hợp phong cách Trung Tây, mang đến một cảm giác rất tương xứng, cách cục trang trọng, nhưng lại không mất đi khí phái xa hoa.

Ở góc phòng khách đứng bảy tám người hầu Bạch gia, thiếu phu nhân Trương Uyển Diễm cũng chờ trong đó, mặt mày tươi rói ra đón.

– Nhiếp đại nhân đã tới rồi! Lão gia đã chờ cả trưa, vừa nãy còn hỏi tôi đã tới đâu rồi đấy. Mau mời ngồi!

Chị ta nhiệt tình tiếp đón Nhiếp Tái Trầm, sai người hầu châm trà, đồng thời cũng cho người đi thông báo với Bạch Thành Sơn.

Bạch Thành Sơn đang ở cùng con gái và cháu nội A Tuyên ở trong thư phòng tầng hai.

Tối qua Bạch Cẩm Tú về nhà, nghỉ ngơi một đêm, tinh thần cũng đã hồi phục. Nằm mãi cũng chán bèn thay chiếc váy giản dị, vào thư phòng giúp cha kiểm tra bài học cho A Tuyên.

A Tuyên đang đọc đoạn trích “Đằng Vương Các Tự”, hai ngày qua bởi vì chuyện cô út mà cậu cũng chẳng có lòng nào đọc sách, mấy bài thuộc lòng trước kia vì dựa vào chút thông minh mà nhớ cũng đã quên hết sạch, giờ thì vò đầu bứt tai đọc tới đoạn “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”, lòng không phục, kêu lên với Bạch Cẩm Tú:

– Cô ơi có phải cô từng thuộc rồi không? Nếu cô thuộc, cháu sẽ học thuộc.

Bạch Cẩm Tú cười đọc:

– “Ngư chu xướng vãn, hưởng cùng bành lễ chi tân; nhạn trận kinh hàn, thanh đoạn hành dương chi phổ”.

Lại kéo bím tóc của A Tuyên,

– Phục chưa hả! Khi còn nhỏ giống cháu, cô còn học chẳng ít hơn cháu đâu. Đừng lười nữa, còn một đoạn thôi.

A Tuyên làm nũng kêu gào, không đọc sách nữa, chạy đến trước mặt Bạch Thành Sơn, lắc cánh tay ông.

– Ông ơi, cô toàn bắt nạt cháu. Vừa rồi ông nghe thấy rồi đấy, chú Nhiếp cũng đã cắt tóc rồi. Cháu cũng muốn cắt.

Bạch Thành Sơn trách con gái đôi câu, bảo con gái sau này không được động vào bím tóc của cháu nữa.

Bạch Cẩm Tú nói:

– Được rồi, sau này cô không động vào bím tóc của cháu nữa, được chưa? Đi chơi đi, cho tạm nghỉ học.

A Tuyên không tin, miệng chu lên, dáng vẻ đáng thương.

Bạch Thành Sơn thấy con gái lúc nói chuyện mà mắt cứ nhìn về chiếc đồng hồ Tây Dương, liền nói:

– Sắp đến giờ rồi, chắc là khách cũng sắp đến rồi nhỉ?

Bạch Cẩm Tú lặng thinh.

– Cậu thanh niên họ Nhiếp này là ân nhân của Bạch gia chúng ta. Chờ cậu ấy đến, cha cũng không biết cảm ơn người ta thế nào. Tú Tú con nói xem, chúng ta nên cảm ơn người ta thế nào nhỉ?

Bạch Cẩm Tú cố gắng điềm tĩnh nói:

– Cha hỏi con, con làm sao biết? Tự cha nghĩ cách đi.

Bạch Thành Sơn gật đầu:

– Vậy được, nếu muốn cảm ơn thì phải thành tâm. Cha sẽ tặng thứ quý nhất của mình cho cậu ấy vậy.

– Ông ơi, thứ quý nhất của ông là gì vậy ạ? – A Tuyên tò mò hỏi.

Bạch Thành Sơn nhìn con gái, chỉ cười mà không nói gì.

Bạch Cẩm Tú hơi sững người lại, chợt hiểu ra, mặt thoáng đỏ lên.

– Cha có ý gì vậy?

Bạch Thành Sơn hắng giọng, thần sắc nghiêm túc, nói:

– Tú Tú à, cha nói thật với con, lần trước tuy các con gây chuyện, làm cha nổi giận. Nhưng sau đó, cha nghĩ nghĩ, cậu thanh niên này rất được. Cha định nhân lần này, nhận cậu ấy làm con rể, con thấy sao?

Tim Bạch Cẩm Tú đập mạnh liên hồi, vành tai trắng nõn vì xấu hổ mà đỏ lên.

– Lão gia, Nhiếp đại nhân đến rồi, đang ở phòng khách dưới lầu ạ.

Đúng lúc này bên ngooài có tiếng bẩm báo của hầu gái.

– Nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo đến.

Bạch Thành Sơn cười cười đứng lên,

– Con im lặng chắc đồng ý đúng không. Vậy lát cha sẽ đi nói.

– Cha xấu quá. Không được không được. Không được đâu.

Bạch Cẩm Tú dậm chân, bưng mặt, chạy đi trong tiếng cười khà khà của ông cụ.

Nhiếp Tái Trầm ngồi ở phòng khách dưới lầu, trò chuyện với Trương Uyển Diễm.

– …Tối nay Kính Đường đãi khách ở Đại Tam Nguyên, không thể trở về ngay được, cậu Nhiếp không phiền lòng chứ…

Anh đang định trả lời, lại nghe cuối hành lang lầu hai có tiếng cười nói tiếng bước chân, nhận ra là Bạch Thành Sơn và Bạch Cẩm Tú, thoáng thất thần, ngước lên, thấy Trương Uyển Diễm đang mỉm cười nhìn mình, ánh mắt mang nhiều ý nghĩa thì vội thu lại tâm tình, đáp:

– Là tôi quấy rầy mới phải, thiếu phu nhân quá lời rồi.

Trương Uyển Diễm cười nói:

– Cậu đừng khách sáo. Cậu đã cứu cô út chúng tôi, Bạch gia chúng tôi vô cùng mang ơn cậu, chỉ mong có thể báo đáp. Chờ gặp lão gia rồi, cậu muốn gì cứ việc nói là được. Đừng ngại. Tối qua Kính Đường đã nói với tôi rồi, bảo nhất định phải báo đáp cậu.

– Không dám ạ. Thiếu phu nhân quá lời rồi.

Nhiếp Trái Trầm đáp lời, thấy bóng dáng Bạch Thành Sơn xuất hiện ở bậc thang lầu hai thì vội đứng lên đón.

Bữa cơm tối nay khách chính là Nhiếp Tái Trầm. Ngoài anh ra, Bạch Thành Sơn cũng có mời mấy vị trưởng bối tông tộc, một người là Tiền Đạo đài đã cáo lão về quê, một người từng là Quốc Tử giám Tế tửu, mấy người còn lại cũng đều là những nhân vật có máu mặt trong Quảng phủ. Khi ngồi theo vị trí xếp sẵn, Bạch Thành Sơn muốn Nhiếp Tái Trầm ngồi ở vị trí chính, mọi người cũng bởi công lao của anh mà ra sức mời mọc.

Trước mặt các vị bô lão, Nhiếp Tái Trầm làm sao dám ngồi ghế chính, lấy lý do mình bối phận thấp mà từ chối. Nhường qua nhường lại, Bạch Thành Sơn cũng không ép nữa, mời mọi người ngồi vào chỗ, Nhiếp Tái Trầm ngồi vào vị trí tiểu bối.

Xếp chỗ trên bàn cơm là chuyện nhỏ nhặt, nhưng từ việc nhỏ lại biết việc lớn, Nhiếp Tái Trầm có công lớn, Bạch Thành Sơn và mấy vị trưởng bối Bạch gia đều rất hài lòng về anh, ngồi vào bàn rồi, mọi người nhìn nhau, đều gật đầu.

Nữ quyến của Bạch gia không ngồi cùng bàn, chỉ có A Tuyên được gọi tới ngồi cùng. Cậu vẫn bím tóc kia, mặc bộ mã quái nhỏ, áo lót ngựa mặt đen màu xanh lục, trên đầu đội mũ quả dưa lụa xanh chóp có nạm bích ngọc, trên người như tròng lên cái ống đủ màu sắc, nghiêm trang khoan thai đi vào phòng ăn, hành lễ tiết kiểu cũ với các vị trưởng bối Bạch gia, sau đó chen vào ngay chỗ ngồi bên cạnh Nhiếp Tái Trầm, ngồi xuống, ghé sát vào tai anh thì thầm:

– Chú Nhiếp ơi, chú xong đời rồi. Ông cháu muốn gả cô út cho chú đấy. Cô út khó hầu lắm, lúc nào cũng nghịch tóc của cháu. Ông cháu mắng cũng chẳng ăn thua.

Trong lời nói của A Tuyên mang theo chút ấm ức.

Nhiếp Tái Trầm như không thể tin nổi vào tai mình.

– A Tuyên, trước mặt người lớn, chú ý lời nói và tư thái. – Bạch Thành Sơn nói.

A Tuyên vội ngồi thẳng lên, lè lưỡi với Nhiếp Tái Trầm, lại đánh ánh mắt thương cảm với anh.

Lưu Quảng cho người bưng món ăn lên.

Gia yến tối này chính là “Mười món lớn”. Đây là quy cách đãi tiệc tối cao đương thời nhà giàu phái cũ Quảng phủ thường đãi khách. “Mười món lớn” là “Cánh lớn ngân hà”, “Uyên ương treo lò vịt”, “Bào ngư thái lát Côn Luân”, “Tôm he Mẫu đơn kẹp”, “Đôi chim cuộn hồ voi”, “Gạch cua ngọc tú cầu”, “ cùng với “Chân gấu hầm chá cô”, “Hoa quả tươi tuyết sữa”…Thịnh yến hào môn, các món ăn trân quý đầy bàn, màu sắc và chế biến tỉ mỉ hấp dẫn, bồ đồ ăn mạ vàng mạ bạc, sáng lên dưới ánh đèn. Tâm trạng của Bạch Thành Sơn nhìn rất tốt, trò chuyện vui vẻ với mọi người. Không khí trên bàn cơm rất dễ chịu vui vẻ.

Nhiếp Tái Trầm đang trả lời  những hỏi han của các vị chú bác Bạch gia, thoáng thất thần, bỗng nghe có người gọi tên của mình thì bừng tỉnh.

– Chú Nhiếp, Tam công bá của cháu vừa hỏi chú, chuyện hôm qua lúc cây cầu bị cháy sắp đứt rồi, chú nghĩ sao mà chạy qua vậy ạ?

A Tuyên nhắc lại.

Nhiếp Tái Trầm lấy lại bình tĩnh, nhìn sang Tam bá công ngồi đối diện, nói:

– Hôm qua tình huống quá khẩn cấp, cháu cũng không nghĩ nhiều, qua được cầu, toàn bộ là do may mắn ạ.

Vị Tam bá công “ôi” một tiến, lắc đầu tỏ vẻ không tán đồng:

– Hôm qua lúc về Kính Đường có kể lại cảnh lúc đó, lão hủ tuy không tận mắt chứng kiến, nhưng cứ có cảm tưởng bản thân ở trong đó, nhìn thấy Tái Trầm cậu vượt qua biển lửa qua khe cốc đầy dũng cảm như nào! Bội phục, bội phục.

Ông ấy cười khà khà quay sang Bạch Thành Sơn:

– Từ xưa anh hùng xuất thiếu niên. Tái Trầm thân thủ giỏi thì thôi, nhưng khí phách và can đảm bực này, thứ cho tôi kiến thức hạn hẹp, thật sự là quá nửa đời người đây mới là lần đầu tiên mới gặp. Theo tôi thấy, hành trình ngày sau của Tái Trầm ắt vươn cao bay xa.

Tam Bá công vừa dứt lời, mấy vị chú bác còn lại của Bạch gia tán đồng liên tục.

A Tuyên mở to mắt nhìn Nhiếp Tái Trầm, trong mắt ngập vẻ sùng bái và kinh ngạc, lòng chỉ hận hôm qua mình không lén đi theo để được chứng kiến cảnh tượng tuyệt vời kia.

Nhiếp Tái Trầm được các vị chú bác Bạch gia khen ngợi đến nóng cả tai, vội đứng lên:

– Chỉ là may mắn thôi ạ, không dám được khen ngợi trước mặt các vị trưởng bối đâu ạ.

Tam Bá công ra hiệu anh ngồi xuống.

Bạch Thành Sơn không nói gì cả, nhưng nhìn người thanh niên này, càng nhìn càng thấy thuận mắt, ý nghĩ đang nhen nhóm trong lòng càng trở nên mãnh liệt, nhớ lại dáng vẻ của con gái khi nãy mình thử lòng con bé, như là không bằng lòng, nhưng rõ là miệng nói một đằng lòng nghĩ một nẻo. Tức khắc thì trong lòng càng gấp rút muốn định sẵn chuyện này, tránh bị người khác giành mất. Bữa tiệc kết thúc, tiễn mấy vị trưởng bối đi rồi, nói với Nhiếp Tái Trầm đang xin phép ra về:

– Tái Trầm, cậu vào thư phòng với tôi.

Trương Uyển Diễm cũng ra tiễn khách, nghe bố chồng giữ người lại thì cũng khẽ giật mình.

Trước mặt bố chồng, chị ta cũng không dám biểu lộ thái độ, chỉ mỉm cười nói với anh:

– Cậu Nhiếp, hai ngày qua cô út bị bắt cóc, cha tôi lo lắng mà suýt nữa đổ bệnh, hôm qua cô ấy bình an trở về, cha tôi vui mừng biết bao nhiêu. Cậu là ân nhân của Bạch gia, chúng tôi dù cảm tạ thế nào cũng không đủ đâu.

Nhiếp Tái Trầm chỉ biết mỉm cười, gật đầu với chị ta, theo Bạch Thành Sơn lên tầng hai, đi vào thư phòng.

Bạch Thành Sơn bảo anh ngồi xuống, nhìn anh, hỏi:

– Tái Trầm à, cậu thấy con gái tôi thế nào?

Nhiếp Tái Trầm đáp

– Bạch tiểu thư rất tốt ạ.

Bạch Thành Sơn hiển nhiên không hề thỏa mãn với câu trả lời của anh, nhưng cũng không hỏi tiếp. Trầm ngâm một lát, nói:

– Lần này con gái tôi bình an trở về đều là công lao của cậu, tôi vô cùng cảm kích. Tú Tú cũng thế,  hôm qua khi về nó đã nhắc liên tục trước mặt tôi chuyện cậu đã cứu nó.

– Không có các anh em đồng tâm hiệp lực thì cháu cũng không làm được đâu. Bạch tiểu thư bình an trở về, không phải mỗi công lao của riêng cháu đâu ạ.

Bạch Thành Sơn nhìn anh, đứng lên, tay chắp sau lưng, chậm rãi đi qua đi lại, cuối cùng dừng bước:

– Tái Trầm à, bác cũng không muốn vòng vo nữa, Bạch gia còn thiếu một cậu con rể. Bác vẫn luôn thưởng thức cháu. Lần này cháu lại cứu Tú Tú, cũng coi như là cơ duyên đi.

– Bác muốn gả con gái mình cho cháu. Ý cháu thế nào?

Ông nhìn Nhiếp Tái Trầm, mặt mày tươi cười.

Nhiếp Tái Trầm đứng bật lên:

– Được Bạch lão gia yêu quý, Tái Trầm vô cùng cảm kích. Nhưng tự thấy không xứng với Bạch tiểu thư, cháu thật lòng không dám đón nhận ạ.

Nụ cười trên mặt Bạch Thành Sơn cứng lại.

Ông làm ăn buôn bán và lăn lộn trong quan trường hơn nửa đời người, đối phương lời nói là thật lòng hay khách sáo, làm sao không nhận ra cơ chứ. Cũng không phải ông tự đề cao mình quá cao, mà đích xác vị trí con rể của Bạch gia ngay từ khi con gái ông mười sáu tuổi thì đã có người cạnh tranh rồi. Người muốn làm con rể Bạch gia, ngoài con cháu hào môn phú hộ ra, cũng không thiếu vương tôn công tử, danh môn thế gia.

Ông không ngờ rằng, đối mặt với cơ hội mình chủ động đưa ra này, mà cậu thanh niên không có chút bối cảnh này lại tức khắc cự tuyệt không chút do dự.

Ông do dự, nói tiếp:

– Cháu nghĩ kỹ chưa? Bác cũng không gấp, chỉ là rất thưởng thức cháu, cháu cũng không cần phải trả lời ngay. Trở về suy nghĩ cho kỹ, nghĩ xong rồi trả lời bác cũng không muộn mà.

Nhiếp Tái Trầm cúi người hành lễ thật sâu với Bạch Thành Sơn, cung kính nói:

– Được Bạch lão gia thưởng thức, Tái Trầm không có gì báo đáp, làm trái lòng tốt của bác, cháu cũng vô cùng hổ thẹn. Nhưng Tái Trầm thực không xứng với Bạch tiểu thư, không dám mang ý bất kính nào ạ.

Bạch Thành Sơn đã hiểu, người thanh niên này vô duyên làm con rể của mình rồi.

Trong lòng ông giờ này ngoài sự thất vọng và ngạc nhiên ra thì còn có chút khó hiểu. Yên lặng một lát, gật đầu:

– Thì ra là tôi hiểu sai. Thôi, nếu cậu không muốn, tôi cũng không ép. Có điều là…

Ông nhìn vào mắt anh,

– Tôi cho rằng cậu cũng có tình cảm với con gái tôi, nên mới mạo muội ngỏ ý gả con gái cho cậu. Nếu đã như vậy, chuyện ngày hôm qua chẳng liên quan gì tới cậu, cớ gì cậu lại mạo hiểm tính mạng cứu nó về? Tôi nghe Kính Đường nói, tình hình lúc ấy ngàn cân treo sợi tóc, chỉ cần cậu sơ suất một chút thôi thì hậu quá khó mà tưởng tưởng nổi.

– Hồi ở Cổ thành, cháu có điều không đúng, có lỗi với Bạch lão gia. Bạch lão gia không trách cháu, còn theo lời đã hứa mà giúp cháu thăng làm Tiêu thống. Ơn dìu dắt không có gì báo đáp, Bạch tiểu thư gặp nạn, cháu làm sao không dốc hết mình?

Giọng anh bình tĩnh, nhưng Bạch Thành Sơn lại vô cùng ngạc nhiên, không kìm nén nổi phải kêu lên.

– Không phải rồi. Lần đó bác tuy có nhắc tới việc này, nhưng cháu lại từ chối, về sau bác cũng không hề đề cập với tướng quân gì cả. Tướng quân thăng cháu làm Tiêu thống, không hề liên quan tới bác đâu.

Nhiếp Tái Trầm kể lại mọi chuyện.

Bạch Thành Sơn nghe giải thích của anh thì thấy vô cùng hợp tình hợp lý, không kìm được than thở:

– Thì ra là thế. Là hiểu lầm thôi.

Ông lắc lắc đầu, rồi lại thở dài than ngắn, mãi sau mới khôi phục lại bình thường, trầm ngâm nói:

– Tuy đây chỉ là hiểu lầm, nhưng con gái bác là do cháu cứu. Công lao của cháu, Bạch Thành Sơn bác không thể thiếu nợ cháu được. Cháu muốn gì cứ nói, bất kể là bác có thể làm được, bác nhất định sẽ sẵn lòng.

Giọng ông rất chân thành.

Nhiếp Tái Trầm gật đầu:

– Cháu cứu Bạch tiểu thư là điều nên làm, cũng là để báo đáp ơn dìu dắt của Bạch lão gia, không có mong muốn gì cả. Mà tấm lòng của bác, Tái Trầm ghi nhớ trong lòng. Ngày sau nếu có điều cần nhờ, cháu nhất định sẽ đến làm phiền bác.

– Cũng được. Vậy cứ thế nhé.

– Cám ơn bữa cơm hôm nay của Bạch lão gia, Tái Trầm không dám làm phiền nữa. Cháu xin phép.

Bạch Thành Sơn mỉm cười gật đầu:

– Nếu có rảnh thì thường xuyên đến đây nhé.

Nhiếp Tái Trầm cảm ơn lần nữa. Bạch Thành Sơn tiễn anh xuống lầu, bảo Lưu Quảng đích thân tiễn khách, mình thì đứng ở sảnh một lúc mới quay lại thư phòng.

Bữa cơm tối nay, Bạch Cẩm Tú tuy không lộ diện nhưng có kêu A Tuyên quan sát tình hình hộ mình. Nãy nghe A Tuyên nói vừa xong bữa cơm, các ông các chú các bác đi rồi, ông nội có gọi Nhiếp Tái Trầm ở lại vào thư phòng thì trong lòng bắt đầu thấp thỏm mãi. Người trong phòng như trái tim thì căng thẳng, thất thần rất lâu, khi cánh cửa bị đẩy ra, A Tuyên lao vào reo lên:

– Cô ơi, chú Nhiếp vừa đi rồi. Ông nội về thư phòng rồi.

Bạch Cẩm Tú tim đập liên hồi, đứng lên hỏi:

– Biết họ nói gì không cháu?

A Tuyên lắc đầu:

– Không ạ. Thế mà cô không bảo cháu đi nghe lén.

Bạch Cẩm Tú đứng hình.

– Nhưng cháu thấy ông cười tươi lắm. Chú Nhiếp cũng rất vui vẻ. Ông còn bảo chú Nhiếp sau này rảnh thường đến đây nhiều hơn.

Bạch Cẩm Tú nhớ đến câu nói mà lúc ở thư phòng cha có nói với mình, bụng nghĩ khéo mà hôn sự đã bị cha quyết định luôn rồi.

Cô tim đập như hươu chạy, cả người cũng ngây dại cả ra, không biết mình nên làm gì mới phải đây.

Cô thấy mình không hề ghét người họ Nhiếp kia, thậm chí còn thích cảm giác được ở bên anh.

Nhưng cứ vậy mà gả cho anh, cô lại thấy sai sai thế nào ấy.

Người này á, phong độ nhẹ nhàng chẳng có, cũng chẳng bác học tài hoa, ngay cả chút tinh thần nam nữ cùng công khai theo đuổi cũng chẳng có. Nếu như trò chuyện với anh về nghệ thuật phục hưng Châu Âu, chỉ sợ anh ngay cả Da Vinci là ai cũng không biết í chứ. Cái này còn chưa tính, hai người ở bên nhau, nếu cô không chủ động nói chuyện, có khi cả một ngày anh cũng chẳng nói một câu, chứ nói gì đến dỗ dành mình để mình vui. Con người như khúc gỗ chẳng có gì thú vị như thế, hoàn toàn không phải đối tượng lý tưởng về tình yêu và hôn nhân mà mình mong muốn.

– Cô ơi, cháu đã giúp cô rồi, lần sau đọc bài, nếu cháu quên, cô nhớ nhắc cháu nhé.

A Tuyên báo cáo xong thì lập tức đòi thù lao.

Bạch Cẩm Tú sực tỉnh, gật đầu, đuổi thằng nhóc đi, tâm tình càng rối rắm.

– Nếu cha tìm mình nói chuyện, mình nên đồng ý hay phản đối đây?

Cô đi đi lại lại trong phòng, rối rắm vô cùng, cứ có cảm giác khó chịu vô cùng.

Hết chương 35


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.