Lại nói đến Ngao Bái và Cửu Dương. Cả hai đều không phải hạng võ sĩ tầm thường.
Ngao Bái nhấc chân phải, nện mạnh xuống đất một cái, cả thân hình liền phóng lên cao ba trượng, sau đó lộn một vòng trên không, lao vút về phía Cửu Dương.
Từ trên không, Ngao Bái xuất đao pháp Phi Thiên Giáng Địa. Hai chân gã dang rộng, tay cầm đơn đao giơ lên. Gã bổ thanh đao vừa dài vừa nặng xuống đầu Cửu Dương.
Xoẹt!
Ngoài tốc độ nhanh như gió cuốn, trọng lượng của thanh bảo đao cũng có tới năm mươi cân. Nếu là người khác thì cơ hội sống sót không đến nửa phần.
Nhưng Cửu Dương là truyền nhân chân chính của Võ Thánh nên vận công lực vào nan quạt, vung lên.
Keng!
Ngao Bái bị đánh bật trở về nơi xuất phát.
Mũi chân vừa chấm đất, thân hình Ngao Bái lại vọt tới trước mặt Cửu Dương.
Chiêu thứ hai Ngao Bái đánh ra có tên Hữu Tả Đảo Đao. Ngao Bái lia đao từ phải sang trái, nhắm yết hầu Cửu Dương, chém ngang.
Cửu Dương không chuyển động, lại vung quạt từ phải sang trái, gạt mạnh.
Coong!
Chim chóc làm tổ trên những tàn cây gần nơi hai người đang đánh nghe âm thanh khí giới giao kích, sợ hãi vỗ cánh bay rào rào, kêu lên ríu rít. Xa xa tiếng vượn hú từng hồi vẳng lại phá tan khung cảnh núi rừng tịch mịch.
Nửa canh giờ trôi qua, hai người hãy còn kịch chiến rất quyết liệt, nhưng chưa người nào chiếm được thượng phong.
Ngao Bái có khả năng làm sống dậy cái hồn của các thế đao, còn Cửu Dương lĩnh hội được cái cảnh giới huyền diệu của phương thức “tá lực đả lực.” Khí lực từ thanh đao trong tay Ngao Bái phát ra thật kinh hồn táng đởm nhưng Cửu Dương mượn sức đó nên chiêu thức đáp trả cứ tự nhiên như nước chảy mây trôi.
Thêm một khắc nữa trôi qua.
Ngao Bái ra chiêu cực kỳ xảo diệu, kình đạo lợi hại, mỗi lần vung đao có tiếng kêu vù vù. Thế nhưng chiêu nào Ngao Bái đánh ra Cửu Dương cũng đỡ được, còn tùy thời mà phản kích lại, tung những chiêu lợi hại không kém.
Ngao Bái vừa đánh vừa thầm nhủ, thanh hắc đao trong tay gã ít nhất cũng phải nặng đến năm mươi cân, nhưng chiêu số đánh trả của đối phương vẫn nhanh nhẹn đến xuất thần. Nếu muốn đánh thắng trận này, gã cần phải dụ đối phương vào rừng. Rừng cây này cành lá đan xen rất kín, với y phục đen mà gã đang mặc, chẳng khác nào như có thuật tàng hình. Như vậy gã chẳng cần đợi Huyết Trích Tử vào rừng cùng gã giăng rối thế hợp kích, chỉ với mỗi mình gã lợi dụng bóng đêm cũng có thể thanh trừ kẻ địch.
Ngao Bái nghĩ vậy, bèn càng đánh càng lui sâu vào rừng. Từ bìa rừng, Cửu Dương cũng dần dần bám sát theo Ngao Bái.
Đến gần cuối giờ Dậu, Cửu Dương không còn nhìn thấy rõ bóng dáng Ngao Bái và thanh hắc đao. Thân pháp chàng càng lúc càng yếu dần lại, không còn linh hoạt thần tốc như ban đầu.
Cửu Dương liên tiếp gặp nguy hiểm.
Ngao Bái đương nhiên cũng bị ảnh hưởng bởi bóng tối nhưng do Cửu Dương vận bạch y nên bộ pháp của Ngao Bái vẫn rất nhanh.
Đến cuối giờ Dậu, Ngao Bái hoàn toàn chiếm ưu thế. Gã đang đứng bỗng dưng biến mất trong màn đêm.
Trước mặt Cửu Dương lúc này chỉ còn một vùng đen tối. Chàng cảm giác hệt như đang lạc vào thế giới chết, tứ bề hoàn toàn trống trải.
Ngao Bái bắt đầu triển khai tuyệt kỹ đao pháp có tên Song Hắc Phong Đao. Trước tiên, gã tách thanh đơn đao làm hai thanh đao mỏng, ném đi.
Hai cây đao xoay mòng mòng như hai bánh xe gió, nhưng lạ là khi hai thanh đao bay đi không hề phát ra tiếng động, dầu kình lực mạnh mẽ đến mười phần.
Soạt!
Cửu Dương bị một “bánh xe gió” chém trúng bả vai trái, còn đang giật mình, “bánh xe gió” khác tiếp tục chém một lằn xéo vào bả vai phải.
Trong đầu Cửu Dương thầm than khổ không ngớt, vì chỉ bằng đơn đao, võ công Ngao Bái đã đạt tới cảnh giới xuất quỷ nhập thần rồi. Chàng còn chưa biết khắc chế đơn đao thế nào, giờ lại có thêm một thanh hắc đao.
Sau khi hai “bánh xe gió” đánh trúng bả vai Cửu Dương, quay trở về tay Ngao Bái.
Ngao Bái đón lấy cặp đao bằng động tác hết sức gọn gàng và thuần thục, lại một lần nữa, tiếp tục phóng song đao đi.
Lần này thật là tinh vi! “Bánh xe gió” thứ nhất bay đi trước lại hóa đến sau, còn cái ném ra sau lại tới trước!
Chiêu thức này năm xưa đã làm nên danh tiếng cho Ngao Bái, bởi các hảo thủ giang hồ đều chỉ chờ đón đỡ “bánh xe gió” thứ nhất, không ngờ thanh đao mỏng thứ hai bay sau mà tới trước!
Ngao Bái nhếch môi cười khi “bánh xe gió” thứ nhất còn cách ngực Cửu Dương khoảng chừng một thước, thì đột ngột chìm xuống, để làn gió khác ở khía cạnh khác, hướng tới yết hầu Cửu Dương với tốc độ vô cùng mãnh liệt.
Máu chảy ròng ròng xuống hai cánh tay Cửu Dương, nhưng chàng lâm nguy mà không loạn.
Cửu Dương dùng La Hán Công, công pháp nội trạng chuyên luyện xúc giác của phái Thiếu Lâm để định hướng đường đi của song đao. Khẩu quyết La Hán Công là tâm thần bất loạn, trạng thái phải yên tịnh như đang thiền, vì yếu chỉ công phu Thiếu Lâm chính là thiền – võ hợp nhất. Mọi tạp niệm đều phải xóa bỏ, như thế giới tự nhiên bên ngoài, thường gọi là tu tâm dưỡng tính. Công pháp La Hán Công chính là thông qua sự quán chú của da, dùng da để cảm giác các đòn thế di chuyển của địch. Trong cơ thể con người có rất nhiều giác quan, mà xúc giác là quan trọng nhất trong số các giác quan, như người không có đèn trong đêm tối vẫn có thể xác định đồ vật cụ thể. Cảm giác giữa vạn vật không còn khoảng cách, chỉ như thế mới hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên.
Cửu Dương khép mắt, cố để đầu óc và thân mình chàng đạt đến cảnh giới toàn thể trống không. Lúc xúc giác chàng cảm giác hai luồng khí lạnh toát ra từ hai thanh kim loại cũng là lúc một trong hai thanh đao đã bay tới nơi.
Thanh đao phóng tới tập kích yết hầu Cửu Dương, chàng ngã người ra sau, “bánh xe gió” liền bay sạt qua mũi.
Ầm! Đao trượt mất đích đến, va vào lòng đất, biến mất trong lòng đất.
Cửu Dương giậm chân trái, thân hình liền vọt lên mười thước. Thanh đao không công kích ngực Cửu Dương được, cũng biến mất trong lòng đất.
Từ trên không, Cửu Dương cuộn tròn thân hình như một trái bóng, lao về phía Ngao Bái.
Ngao Bái mở to mắt nhìn thân hình Cửu Dương đang lao về gã, đột nhiên, thân hình đó tách ra như có phép phân thân.
Gió lồng vào những ống quần Cửu Dương kêu rít lên, những tưởng nếu quật phải đá thì đá cũng tan còn đập vào núi thì núi cũng lở.
Ngao Bái từ thế chủ động trở thành bị động.
Binh!
Một trong chín bóng dáng của Cửu Dương tung cú đá sấm sét vào vai trái Ngao Bái.
Bốp!
Thân ảnh thứ hai xuất cước, tấn trúng vai còn lại.
Thân ảnh thứ ba và tư xuất hai cú đá quét ngang bụng Ngao Bái từ trái qua phải, rồi từ phải qua trái.
Ngao Bái lại lãnh thêm hai cú đá ở hai bên đùi.
Gã hộc một búng máu, khi bàn chân thứ bảy và tám đạp vào hai bên ngực.
Thân ảnh cuối cùng chúi người xuống, cầm quạt đâm mạnh vào đầu Ngao Bái.
Binh!
Chín bóng dáng đáp xuống đất, nhập thành một.
Lần này tới lượt Cửu Dương mở to hai mắt nhìn Ngao Bái.
Đương nhiên, Cửu Dương có nghe giang hồ đồn Ngao Bái có cái đầu cứng như sắt, nhưng chàng vẫn vô cùng kinh ngạc khi chính mắt trông thấy công phu Thiết Đầu Công. Thật sự đây không phải lần đầu Cửu Dương tỉ đấu với hảo thủ sở hữu Thiết Đầu Công. Nhưng những người Cửu Dương từng tỉ thí, chàng chỉ cần đề một ít chân khí vào đầu quạt, thuận tay bổ từ trên cao xuống, đối thủ lập tức bị thương. Còn lần này Cửu Dương không dám khinh suất chút nào, nên đã dồn tất cả chân khí vào đầu quạt, vậy mà đỉnh đầu Ngao Bái vẫn vẹn nguyên.
Thiết Đầu Công của Ngao Bái đúng là đã luyện đến thời kỳ siêu việt rồi, Cửu Dương thầm nghĩ nội công Ngao Bái quả là hơn chàng tưởng tượng nhiều!
Thiết Đầu Công là công pháp ngạnh công thuộc kình lạc dương cương. Thông thường thì đầu trong công pháp được xem là thủ lĩnh các bộ vị, là cơ quan trực tiếp điều khiển tinh thần, kình lực, sự nhanh nhạy, tốc độ và sự biến hóa của tứ chi. Hơn nữa trong thực tiễn chiến đấu đầu còn có tác dụng độc đáo khi công địch. Ví như khi tấn công mặt, sườn, bụng, ngực, lưng hoặc những bộ vị yếu hại của địch, người sở hữu Thiết Đầu Công có thể dùng đòn đánh bằng đầu để phát huy uy lực triệt để.
Tuy rằng đỉnh đầu Ngao Bái không sứt mẻ nhưng những cú đá của Cửu Dương vẫn khiến gã bị thương không nhẹ. Ngao Bái thừa dịp Cửu Dương nhìn cái đầu “thương đao bất nhập” của gã bằng ánh mắt kinh ngạc, gã xoay người, thi triển khinh công bỏ chạy như điên như cuồng.
Cửu Dương không đuổi theo Ngao Bái. Phần vì giao chiến mấy canh giờ nên tứ chi chàng mệt rã, phần vì mỗi lần sử Cửu Ảnh Cước khiến chàng tiêu hao rất nhiều nguyên khí, lại thêm hai vết thương trên vai mất khá nhiều máu, chàng không thể tiếp tục vận La Hán Công.
(còn tiếp)