Lại nói đến Tân Nguyên, một canh giờ trước khi xa giá rời Ngọ môn, nàng bảo Tiểu Điệp đánh xe đưa nàng đến cô nhi viện.
Tân Nguyên xuống xe nhìn vào trong sân, dãy nhà này hồi trước xập xệ nhưng hai năm trước nàng đã hỗ trợ tiền xây dựng lại toàn bộ. Mảnh đất phía sau nhà được Cửu Dương và Nghị Chánh trồng trà mang vào bán trong chợ Đông Thành, nhờ vậy mà cuộc sống của bọn cô nhi không còn chật vật, tình trạng thiếu đói không còn diễn ra nữa.
Tân Nguyên đẩy cổng bước vào trong sảnh, thấy sảnh giữa vắng tanh vắng ngắt, biết bọn trẻ còn chưa ngủ dậy. Ở cuối sảnh đặt một chiếc bàn thờ, trên bàn là tấm bài vị của Lộc lão. Chắc ông ấy cũng bình thản an nghỉ nơi chín suối nếu biết được sau khi ông đi rồi, bọn trẻ gặp nhóm người Cửu Dương và được bọn chàng chăm nom. Tân Nguyên tiến lại trước bàn thờ thắp một nén hương cắm vào cái bát trước bài vị. Đoạn, nàng nghe từ chái sảnh có tiếng nước chảy vẳng sang bèn bước sang bên ấy, bắt gặp Cửu Dương đang xay trà.
– Để ta giúp huynh thêm nước.
Tân Nguyên cười nói.
Cửu Dương gật đầu, cũng cười vui vẻ với nàng.
Tân Nguyên cầm bát nước lên. Mấy năm nay nàng đã quá quen với công việc làm bột trà. Mỗi khi rảnh rỗi, nàng thường đến giúp chàng rửa sạch lá trà, sau đó loại bỏ bớt các gân lá rồi cho lá vào cối xay, thêm nước, và xay nhuyễn. Sau khi xay xong thì cho tất cả hỗn hợp đã xay vào một miếng vải lọc vắt lấy nước cốt trà đem phơi nắng.
Cửu Dương vừa quay cối vừa khẽ nhìn Tân Nguyên. Chàng nhận thấy sáng nay ánh mắt nàng vẫn đẹp nhưng có những tia buồn bã, như sắp sửa mất một thứ gì đó rất quý giá. Nhưng, Cửu Dương vẫn như thường lệ, không buồn lên tiếng thắc mắc. Đôi khi nhìn sang nàng, chàng thấy nàng mỉm cười với chàng, khóe miệng Cửu Dương cũng nhếch một nụ cười đáp trả lại nàng. Trước đây cũng vậy, khi chạm mặt nàng, chàng không biết nói gì, cũng không có gì để nói. Trong khi đó mấy năm nay thái độ nàng đối với chàng mỗi ngày một thân mật.
Tân Nguyên thấy Cửu Dương mải mê làm việc, chẳng nói chẳng rằng, lấy một đóa hoa trà nằm lăn lóc trên bàn, thảy vào trong cối xay. Nàng muốn xem thử phản ứng của chàng ra sao?
Cửu Dương nhìn Tân Nguyên. Nàng nói:
– Hóa ra huynh không phải hồn phách trên mây! Ta còn tưởng mớ lá trà trong chiếc cối có huyền cơ chi đó, khiến mặt mày huynh ngớ ngẩn. Ta cứ tưởng huynh bị mớ lá biến cho thành hồ điệp mất rồi ấy chứ!
Cửu Dương nhặt đóa hoa trong cối ra, để lên bàn.
– Nếu ta biến thành hồ điệp đã băng rừng trở về Hàng Châu lâu rồi.
Câu trả lời của Cửu Dương khiến Tân Nguyên chùng lòng.
– Huynh ở đây lâu vậy, vẫn muốn trở về Hàng Châu à?
Nàng hỏi, dùng giọng bình thản nhất có thể.
Cửu Dương gật đầu:. Đam Mỹ Hay
– Nhưng ngày nào muội ấy vẫn còn chưa được ra ngoài ta sẽ ở lại kinh thành này để chờ.
– Nhỡ nàng ấy ra ngoài nhưng nội tâm không hướng về Hàng Châu thì sao?
– Ta sẽ ở lại nơi này và tiếp tục chờ.
– Nếu nội tâm nàng ấy một năm không muốn theo huynh về Hàng Châu?
– Ta sẽ chờ một năm.
– Nếu mười năm không về Hàng Châu?
– Ta sẽ chờ mười năm.
– Vậy nếu cả đời…
– Ta sẽ chờ cả đời.
Trái tim Tân Nguyên tiếp tục đau nhói như bị bóp chặt. Nàng im lặng, không nói gì nữa.
Một hồi sau lá trà đã được xay khá nhuyễn, hai người bèn nghỉ tay một chút. Cửu Dương như thường lệ đi pha mấy bình trà đem lại giúp Tân Nguyên phân biệt chất lượng của các loại trà.
Tân Nguyên bưng một bình trà lên rót ra chén, uống thử, nhăn mặt. Cửu Dương mỉm cười. Sang bình trà thứ hai, Tân Nguyên không rót ra chén mà giở nắp bình lên nhìn thoáng bên trong, nàng lắc đầu:
– Trà này chất lượng kém, các cánh hơi to, ngắn dài không đều và mức độ xoắn không được chặt vào nhau. Trà tốt thường có các cánh nhỏ dài, xoắn chặt, và tương đối đồng đều.
Cửu Dương lại mỉm cười, xong vẫn không nói năng gì. Tân Nguyên lại nhìn vào bình trà kế bên.
– Trà này nước vàng nâu, đục lờ lờ.
Nàng nói, rót sang bình trà thứ tư, nếm thử, lại lắc đầu:
– Không chát lắm, không có hậu vị ngọt.
Sang bình trà thứ năm, Tân Nguyên vừa rót ra chén đã kêu:
– Trà thật thơm!
Nàng nếm thử một ngụm, gật gù:
– Có vị chát nhưng dịu và dư vị về sau hơi ngọt.
Đoạn giở nắp bình trà ra nói:
– Màu nước xanh biếc, tươi sáng và trong, vị chát dịu, có dư vị ngọt, thơm, lá trà mở nhỏ, mỏng, gân lá nhỏ. Bình này đắt nhất!
Cửu Dương gật đầu, nụ cười tản rộng cả mặt chàng, coi như nàng đã có tiến bộ rồi. Tân Nguyên cũng mỉm cười với chàng.
Hai người lại rơi vào im lặng. Một chốc sau, Tân Nguyên cầm bình trà mà nàng bảo là chất lượng không tốt cho lắm, rót ra chén, nói:
– Trà này đắng nhưng ta lại thích vị đắng này, đắng có ý vị. Người nếm trà từ mùi vị của trà mà thưởng thức vị đắng của đời người. Đời người có bao nhiêu nỗi khổ?
Tân Nguyên nói rồi nâng chén trà nhấp một ngụm, sáng nay nàng đến đây với mục đích nhờ vả, cho nên lúc ngồi trong xe ngựa nàng đã soạn sẵn lời thoại, lựa lời mà thương lượng.
Cửu Dương chờ Tân Nguyên uống trà xong, nàng hạ chén xuống, chàng điềm đạm bảo:
– Ta hiểu cách cách muốn nói gì nhưng từ nhỏ ta không thích nghe chuyện quốc sự, khi lớn lên càng không muốn tham gia việc quốc sự, năm xưa chỉ vì tình nghĩa mà theo giúp sư thái thôi.
Tân Nguyên nhìn Cửu Dương, chàng có cặp mắt như có thể nhìn thấu mọi chuyện trên đời, chàng cũng rất thẳng thắn với mọi người, nhất là với nàng. Tân Nguyên bất giác đâm bối rối. Nàng khẽ mím đôi môi anh đào, xem ra nàng không thể nhờ chàng đi theo trợ giúp đoàn binh Chính Bạch Kỳ đến Chiêu Tây Lăng rồi. Nhưng Tân Nguyên mau chóng lấy lại nét mặt bình thản vì nàng đã tìm được người đến nhờ vả chàng.
Cửu Dương ngồi nán lại trong chái sảnh một chút nhìn Tân Nguyên:
– Cách cách ngồi chơi nhé, ta đi phơi trà.
Chàng dứt lời đứng lên khỏi ghế.
Tân Nguyên biết Cửu Dương muốn tránh mặt nàng, lúc nào cũng vậy, nên không gạn giữ. Nàng ngồi yên lặng, thừ người ra. Nửa khắc sau đúng là Tân Nguyên không thấy Cửu Dương quay trở vào chái sảnh, nàng bèn đứng dậy rời khỏi cô nhi viện.
Khi Cửu Dương quay lại chái sảnh, chàng vừa bước qua ngưỡng cửa liền khựng đứng lại. Bên chiếc bàn đặt cối xay trà, chàng thấy một gương mặt thân thuộc, nhìn chàng. Người con gái đó nở nụ cười tươi rói với chàng.
(còn tiếp)