Ngày hôm sau trời vẫn mưa tầm tã, mãi đến cuối giờ Thân mới tạnh, nhưng bầu trời vẫn sầm xuống như bất cứ lúc nào cũng có thể tiếp tục đổ mưa. Cửu Dương bèn bảo Tân Nguyên chàng và nàng nên trú lại hang động thêm một đêm, đợi khi trời sáng mới leo bậc thang nghìn bước lên Nam Sơn Tự.
Trong khi Tân Nguyên lấy nước và bày lương khô trên tảng đá, Cửu Dương đi ra ngoài cắt một mớ cỏ mang vào cho con bạch mã. Chàng vừa ăn lương khô với Tân Nguyên vừa nghĩ đến nhóm sát thủ mà chàng phát hiện tối đêm qua. Cửu Dương đang đắm chìm trong những suy tư, chợt trong khung cảnh im ái ấy vang lên tiếng sói tru, hơn nữa phảng phất một cái gì khác lạ khiến con ngựa đang gằm đầu ăn cỏ phải giật mình.
Tối đó Cửu Dương chờ Tân Nguyên ngủ say chàng lặng lẽ rời khỏi hang động. Bên ngoài trăng sao đã lên nhưng vẫn không xua được màn đêm ảm đạm, cảnh vật âm u ma quái như báo trước điềm bất trắc sắp sửa xảy ra.
Nằm trong địa phận huyện Ngũ Đài thuộc địa cấp thị Hãn Châu tỉnh Sơn Tây, dãy núi Ngũ Đài được chia thành năm đỉnh: Thúy Nham Phong ở giữa, Diệp Đấu Phong phía Bắc, Cẩm Tú Phong phía Nam, Vọng Hải Phong phía Đông và Quải Nguyệt Phong phía Tây.
Núi Ngũ Đài được nhận định là ngọn núi hùng vĩ trong Tứ Đại Danh Sơn, vốn là nơi tu luyện của nhiều vị Bồ Tát nhưng chủ yếu là nơi hiển linh của Bồ Tát Văn Thù. Tương truyền trong nhân gian Văn Thù Bồ Tát hiển linh tại phía Bắc trên ngọn núi mát lạnh và trong lành nên tên của ngọn núi này còn được gọi là Thanh Lương Sơn.
Cửu Dương thi triển khinh công, chốc lát đã tới chân núi Ngũ Đài đưa mắt nhìn ngọn núi cao lớn sừng sững. Tuy ngọn núi này không cao vút tận mây như ngọn Thiên Sơn song phần nguy nga hiểm trở cũng chẳng kém là bao.
Cửu Dương nhớ năm xưa có lần chàng đã triển khai khinh công để lên ngọn Ngũ Đài Sơn, nhưng khác là năm đó mùa đông, đường lên núi càng lúc càng hiểm trở. Chàng đã không dám sơ ý chút nào, vì chỉ e sẩy chân một cái là thịt nát xương tan như chơi. Khi chàng chạy gần đến nơi, đều là băng tuyết đông cứng, rất trơn, không có chỗ để chân mà lên.
May mà hiện thời mùa xuân, Cửu Dương bèn vận lực vào gan bàn chân rồi khẽ rùn gối xuống, phóng đi. Bóng chàng lúc ẩn lúc hiện giữa những mô đá đang chạy lên Thanh Lương Sơn với tốc độ cực nhanh.
Thanh Lương Sơn có đến ba mươi chín ngôi chùa lớn, tám chùa chiền nhỏ. Trong những ngôi chùa đó thì chùa Nam Sơn là lớn nhất, được kiến trúc vào thời nhà Nguyên.
Chùa được xây trên một phiến đá lồi bên vách núi, mặt phiến đá rất nhẵn, vào ban ngày hình dáng của chùa nổi bật trên nền trời xanh thẫm. Cảnh sắc trên đường tới chùa Nam Sơn liên tục thay đổi, ngoài các tán tùng rậm rạp còn có những đám rêu phong bám trên đá, thân cây bách cao chót vót dọc đường đi tạo nên vẻ u tịch cần có của chốn tĩnh tu. Một không gian thật tĩnh lặng, núi đồi yên ả với nhiều cảnh sắc kì thú của vùng đất đai sơn thủy hữu tình làm người ta cảm giác tâm hồn nhẹ nhõm, không còn những mối lo âu căng thẳng hối hả của hằng ngày. Lại nữa quanh năm ở đây nhang khói nghi ngút càng khiến chùa toát lên vẻ trang nghiêm thành kính. Ngôi chùa này là một trong những ngôi chùa hội đủ Tam Thế Phật với huyền thoại đẹp đẽ về đời và đạo. Chùa Nam Sơn là sự kết hợp tài tình giữa cảnh sắc thiên nhiên với quần thể kiến trúc tôn giáo, tạo thành vẻ đẹp hài hòa thật đúng y câu: “Tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này.”
Nhưng bấy giờ là buổi tối nên phong cảnh chùa Nam Sơn chỉ có thâm nghiêm, u tịch, tam quan nội ngoại đều im ỉm.
Cửu Dương đứng trước tam quan, lại vận khinh công, trong chớp mắt chàng đã vượt qua cổng chùa đáp xuống sân. Trên trời trăng hắt những tia sáng vằng vặc xuống các nhành cây, in trên đất tạo nên những hình thù rùng rợn.
Phần đông vật liệu dùng để xây chùa Nam Sơn đều được làm từ tre tranh, mái chùa lợp bằng gạch và ngói đỏ. Chùa hình chữ “công,” có nhà bái đường và chính điện song song nhau. Hai nhà này được nối bằng một khoảnh sân gọi là thiêu hương.
Cửu Dương bước lên bậc thềm vào tiền đường. Hương án còn đang nghi ngút khói. Chàng đi xuyên nhà bái đường, đến thiêu hương, thấy có thứ bột đen mịn chất cao như một cái phễu nằm ngược trong sân. Cửu Dương tiến vào chính điện, ngoài những pho tượng thờ trang nghiêm hoàn toàn không tìm ra bóng dáng của một chú tiểu hay một sư thầy.
Chàng bèn đi sâu vào bên trong chùa, men theo hành lang bên phải chính điện đến nhà tổ hậu đường, trên hành lang dẫn tới nhà tổ hậu đường lại tiếp tục nhìn thấy thứ bột đen mịn nằm phân tán rải rác.
Cửu Dương đứng trước cửa tăng đường, chưa bước vào, chàng đã cảm giác từ bên trong có hàn khí bốc ra.
Quả nhiên sau khi chàng đẩy cửa tăng đường liền trông thấy trên sàn ngổn ngang những đoạn thạch khối đổ nát. Những đoạn thạch khối này là từ những pho tượng thờ Thánh Tăng, Đức Tổ Tây Bồ Đề Đạt Ma, Quan Âm Tống Tử và Quan Âm Tọa Sơn. Góc tăng đường có nhiều tử thi. Cửu Dương bèn chạy đến xem, các vị đại sư đều bị một kiếm xuyên tâm, trên sàn máu chưa khô hẳn chứng tỏ hung thủ ra tay chẳng được bao lâu.
Cửu Dương chạy khỏi nhà tổ tăng đường, định rời chùa thì chợt nhìn thấy từ hướng tam quan có một đám chim đêm bay lên. Chàng biết địch nhân đã thình lình đến tập kích ngoài tam quan, vậy là con đường duy nhất để xuống núi đã bị vây.
– Tân Nguyên!
Có tiếng nữ nhân bên ngoài tam quan vọng tới nhà tổ tăng đường. Cửu Dương nghe cô gái nói bằng giọng Bắc Kinh, rất trong trẻo:
– Tối hôm nay cho dù nhà ngươi có mọc cánh cũng khó mà bay khỏi ngôi chùa này!
Nhà tổ hậu đường và tam quan cách nhau xa như thế, tứ bề lại có gió núi thổi mạnh, cành thông va đập vào nhau ầm ầm như sóng thủy triều dồn về trong màn đêm thanh vắng vậy mà Cửu Dương vẫn nghe được tiếng nói rõ ràng từng tiếng một. Chàng thầm nhủ người có thể kích lên hàng tràng tiếng vọng trong vùng sơn dã mênh mang át cả tiếng gió như thế hẳn phải là một cao thủ võ lâm.
Càng lúc sự biến càng tiến đến sát bên khi Cửu Dương tiếp tục nghe cô gái nói:
– Bên ngoài cổng chùa đã bị bọn ta vây chặt. Trong sân thiêu hương dẫn tới nhà tổ hậu đường cũng có cài đặt hỏa dược cả rồi. Nhưng tam mệnh đại thần thưởng thức bầu trí tuệ của ngươi. Chuyện bản danh sách, ngươi hiểu ý ta mà, phải không?
Thì ra thứ hỗn hợp đen mịn trong sân thiêu hương và trên hành lang chính điện chính là hỏa dược!
– Thế nào hở Tân Nguyên? – Cô gái tiếp – Nhà ngươi còn chần chờ suy nghĩ điều chi? Ta biết nhà ngươi chẳng phải loại người dễ dàng thúc thủ chờ chết nhưng lần này nhà ngươi vô kế khả thi, sắp sửa mất mạng tới nơi rồi. Ngươi chỉ còn một con đường để đi nên đừng hòng tính chuyện chó cùng rứt giậu!
Cửu Dương hoàn toàn giữ im lặng.
Sau khi lấy cái chết ra đe và chờ một chút nhưng không thấy người trong chùa ra hàng, cô gái nói:
– Sau khi ta đếm mười tiếng, nếu ngươi còn không đầu hàng ta đành cho Nam Sơn Tự vùi trong biển lửa!
Cô gái dứt lời đếm “một!”
Cửu Dương bốc một nhúm hỏa dược thảy lên rồi nhìn đám bụi làm từ diêm tiêu, bột than củi, hồng hoàng và lưu huỳnh rơi lả tả trên hành lang, cả mừng khi thấy chàng không phải đang đứng hướng xuôi gió.
Chàng lia mắt nhìn nóc nhà tiền đường. Nóc tiền đường khá cao, với độ cao như thế bọn Huyết Trích Tử khó mà bắn tên lửa vào nhà tổ tăng đường được cho nên bọn chúng chỉ có thể châm mồi lửa vào số hỏa dược trong sân thiêu hương. Chàng lại đang đứng hướng ngược gió, vậy là trước khi ngọn lửa tràn vào từ thiêu hương chàng có một khoảng thời gian để rời khỏi nơi này. Nhưng khoảng thời gian đó cực ngắn, vì với số lượng thuốc nổ nằm trong thiêu hương sức lửa sẽ tràn đi rất nhanh. Thật chẳng khác nào thuyền gặp bão giữa biển khơi, vừa mới thấy triệu chứng bão là mưa to gió lớn đã ập xuống rồi, hoặc như sét đánh chẳng kịp bịt tai, vừa loé sáng đã dậy sấm!
Đêm trước khi Cửu Dương rời khỏi kinh thành chàng đã có coi qua địa đồ chùa Nam Sơn, chùa được xây trên phiến đá chênh vênh lồi ra bên vách núi, dòng nước bên dưới chính là lối thoát duy nhất của chàng trong hoàn cảnh này. Ngoài mực nước đủ sâu để chàng không chạm đáy quá nhanh, dòng nước hoàn toàn không có những tảng đá ẩn và còn dẫn tới dòng suối chảy qua khu rừng tre nơi Tân Nguyên đang ẩn trú.
Sau khi Cửu Dương tìm được cách thoát khỏi hiểm cảnh, chàng ổn định tinh thần lại, nhận ra giọng nói ngoài tam quan. Thì ra trong hàng ngũ của Hiếu Trang đã sớm có nội gián. Người này hẳn là Liên Hoa Sát Thủ, vũ khí tâm đắc của Ngao Bái. Nghe nói ngoài võ nghệ tinh thâm thì nhãn lực của nàng cũng siêu phàm, vượt xa người thường, có khả năng nhìn xuyên đêm hay chí ít cũng xa đến mười trượng nên nếu trước khi thiêu hương phát nổ chàng đứng trên nóc nhà tăng đường nhảy xuống dòng nước sẽ bị phát hiện, tới chừng đó đương nhiên nàng sẽ tìm cách đuổi theo.
Trong lòng Cửu Dương dâng lên một nỗi phiền muộn và hối hận đan xen. Nếu như cái đêm chàng gặp người con gái này trong quán rượu chàng sớm nói với Tế Độ về những nghi ngờ trong lòng chàng, mọi việc sẽ chẳng xảy ra phức tạp như bây giờ. Liên Hoa Sát Thủ ẩn thân trong phủ Định Viễn lâu như thế, thảo nào bao nhiêu năm qua Ngao Bái biết trước đường đi nước bước của Hiếu Trang. Một trận chiến như vậy há còn đánh đấm gì nữa?
Tuy Cửu Dương chưa gặp Ngao Bái lần nào nhưng qua sự kiện gian tế lần này chàng cảm thấy bên Hiếu Trang khó bề đối phó Ngao Bái. Mặc dù Hiếu Trang có Tế Độ oai phong như thần, Trương Anh mưu trí sâu xa, Sách Ngạch Đồ làm việc tỉ mỉ chu đáo nhưng Ngao Bái là người xảo quyệt, già đời, hiểu tâm lí người khác. Hơn nữa Ngao Bái còn sở hữu người đông thế mạnh, thêm vào đó nội ngoại công phu đều đạt đến mức tinh diệu. Hèn gì mà gã có thể hãm hại bao nhiêu trung thần nghĩa sĩ trong chốn quan trường!
Bấy giờ Liên Hoa Sát Thủ đã đếm xong mười tiếng, vẫn không thấy người trong chùa ra hàng.
– Nhà ngươi muốn làm người cứng cỏi mặc cho ta đe dọa và dụ dỗ thế nào cũng không chịu khuất phục phải không? Được, ta cho nhà ngươi đi gặp a mã của ngươi!
Câu nói vừa dứt, cung tên liền bật, một rừng hỏa tiễn bay như sao băng ào ào tới thiêu hương.
Cửu Dương nghĩ đến cảnh chùa Nam Sơn sẽ bị thiêu hủy trong tích tắc nữa đây, trong lòng cảm thấy vô cùng tiếc nuối, nhưng chàng đang bị bọn Huyết Trích Tử vây chặt, chống đỡ đã khó, còn nói gì đến cứu chữa nữa!
Cửu Dương chờ tiếng động đinh tai nhức óc cùng khói lửa bốc lên cuồn cuộn từ thiêu hương chàng mới nhảy lên đứng trên mái nhà tăng đường.
Trên trời trăng sao đều bị mây che khuất, vùng sơn dã phủ ngập bởi một màn đêm đen đặc. Chợt, trăng hiện ra khỏi mây, in trên những nhành cây tạo nên những hình thù rùng rợn, như bầy mãnh thú đang nhe nanh múa vuốt.
Cửu Dương đứng ở nóc nhà tăng đường nhìn nơi chàng sắp sửa nhảy xuống, khoảng cách xa đến nghìn trượng, nếu là người bình thường hẳn đã xây xẩm mặt mày, nhắm nghiền mắt lại không dám nhìn nữa rồi!
Cửu Dương giậm chân phải, người vọt lên hơn một trượng rồi lộn ngược như con diều hâu bổ từ trên lưng chừng trời xuống. Cả ngôi chùa và phiến đá cũng theo Cửu Dương bắn ra khỏi bờ vực thẳm, rơi thẳng xuống dòng nước đang chảy xiết.
(còn tiếp)