Giờ ra chơi, tôi vẫn ngồi trong lớp, giở cái cuốn nhật ký bí mật nhất trên thế giới này ra mà viết hý hoáy.
Cuốn nhật ký này tôi tự đặt tên là Ý. Cái tên Ý này nó vô cùng ý nghĩa mà. Tôi luôn tự hào tại sao mình có thể nghĩ ra một cái tên hay như vậy đó.
Trong Ý, tôi ghi chép lại rất nhiều sự việc xoay quanh cuộc đời tôi. Từ lúc lớp một, tôi đã biết viết nhật ký rồi. Đây cũng như là một bài tập mỗi ngày, một thói quen thường nhật, một việc không thể không làm.
Nhờ chăm chỉ viết nhật ký mà câu từ của tôi có chút hay ho hơn mấy đứa bạn cùng lớp khác. Hồi trước, cô giáo thường khen tôi là có tài viết văn, những câu chữ của tôi đều rất ngây ngô và thuần khiết, chạm đến lòng người.
Tôi đâu có biết mình giỏi như vậy. Cái này là cô giáo lớp ba của tôi nói lại đó. Từ lúc đấy, tôi bắt đầu tự tin vào tài năng thiên phú của mình hơn một chút. Tôi cũng bắt đầu tập viết vài đoạn tản văn ngắn ngắn.
Mặc dù đôi khi đọc lại, tôi thấy mình già đời quá nhưng mà, cứ kệ đi.
Đang viết được vài dòng thì Như ở đâu đi đến, ngồi vào chỗ bên cạnh. Tôi cứ ngỡ Như ra ngoài chơi với mọi người rồi cơ.
Dừng bút, tôi ngước mặt lên nhìn Như một cái rồi mỉm cười:
” Ủa, Như không đi chơi hả?”
Như cầm trong tay là một bịch bánh snack khoai tây lát mỏng vị bò bít tết. Trên bàn là một ly nước ngọt có hai cái ống hút khác màu. Như nhìn tôi, chìa bịch bánh ra trước mặt tôi rồi nói:
” Phi ăn không?”
Tôi nhìn bịch bánh, không trả lời là ăn hay không, chỉ nghiêm túc nói:
” Gọi tớ là Ý đi.”
Như bị tôi chỉnh, vẻ mặt bạn ấy có hơi ngượng ngùng cùng với ấm ức. Như để bịch snack lên bàn, cũng nghiêm túc nhìn tôi.
” Phi, sao cậu không lấy tên thật của mình? Tớ gọi đúng tên của Phi mà.”
Nhìn thấy Như quá là ấm ức rồi, chắc điều tôi nói nó vô lý dữ lắm. Tôi suy nghĩ một lát rồi mới thở dài:
” Ý kể chuyện cho Như nghe, rồi Như quyết định nha.”
Tôi chớp đôi mắt nhìn Như, thấy Như gật đầu đồng tình, tôi liền vui vẻ cười một cái.
Từ nhỏ đến giờ, tôi ngoan lắm đó. Tôi rất hiếm lần bật khóc. Không khóc khi vòi vĩnh, không khóc khi bị mắng, không khóc khi bị đánh. Tôi không có hay khóc đâu.
Một sinh linh khi được sinh ra thì đã cất tiếng khóc chào đời. Đúng là như vậy. Nhưng sau đó, sinh linh ấy cần phải sống một cách mạnh mẽ và hạnh phúc.
Cho nên tôi thường cười nhiều hơn là khóc. Đặng lắm tôi mới phải khóc thôi. Vả lại, cuộc sống của tôi đang rất ổn mà, sao tôi phải khóc chứ?
Tôi có bộ óc này, tôi có sắc này, tôi có gia đình nữa. Mặc dù bạn bè đối với tôi có hơi hiếm, vì bọn nó thường bảo tôi quái gở nhưng tôi không quan tâm đâu.
Ít ra bây giờ, tôi còn có Như làm người bạn cùng bàn nè, cùng trò chuyện nữa.
Thôi thì tôi bắt đầu kể chuyện cho Như nghe đây.
” Lúc còn nhỏ, tớ rất thích chơi những món đồ chơi nhẹ nhàng và đáng yêu. Tớ thích lựa chọn y phục cho búp bê, thích tự phối đồ phối màu, thích tết tóc cho chúng. Tớ thường chơi cùng với mấy đứa con gái trong xóm đó. Xin bọn nó chơi chung nhưng đôi lần bị bảo là bệnh hoạn… À, quên nữa. Điều này quan trọng nè.”
Tôi hít sâu một hơi, ” Ý, là cái tên ông trời đã quyết định cho tớ đó. Tớ cảm thấy mình đáng lẽ phải là một đứa con gái. Tớ nhìn vào gương, và luôn thấy được điều đó. Tớ luôn thấy có một bé gái thật xinh xắn đang hiện lên trong gương. Tớ cười thì nó cười, tớ bĩu môi thì nó bĩu môi. Tớ giơ tay nó cũng giơ tay. Nó, đứa bé gái đó chính là tớ đó. Và rồi, tớ bỗng dưng nghĩ đến việc mình trong hình hài con trai là không đúng. Ý trời định, tớ phải trong hình dạng con trai mặc dù tâm hồn của tớ là một đứa con gái. Đó là ý trời định. Từ đó, cái tên Ý xuất hiện trên cõi đời này.”
Tôi dừng lại, thấy Như cực kỳ tập trung nhìn tôi.
Như nghe xong mà không bỏ chạy, tôi đã mừng lắm rồi.
Lúc học lớp hai, tôi bắt đầu tập vẽ vời trên giấy. Lần đó tôi ngồi nửa ngày trong phòng ngủ để vẽ một bức tranh thật đẹp, thật ý nghĩa.
Tranh của tôi là một đứa bé gái đang bận một chiếc đầm màu tím. Tóc bé gái đó thật dài, màu đen óng mượt, đang xõa qua vai. Tôi cẩn thận vẽ đôi mắt, quệt một vết làm mũi, sau đó là một đường vòng cung, thể hiện nụ cười.
Tô màu xong, tôi hý hửng đem bức tranh khoe với mẹ mình.
Mẹ tôi đang may đồ trong phòng khách. Tôi chạy đến, ngồi tựa vào mẹ, chìa bức tranh ra.
Mẹ tôi nhìn vào đó, cũng dịu dàng xoa đầu tôi rồi hỏi:
” Con vẽ đó hả Phi?”
Tôi khi đó không chú ý đến tên của mình, lúc đó tôi chưa là Ý. Tôi gật đầu một cái, chỉ vào bức tranh:
” Mẹ, thấy đẹp không mẹ?”
Mẹ tôi vẫn còn tiếp tục đan len, cũng thuận theo tôi mà nói:
” Ừa, rất đẹp. Con vẽ ai thế? Chị của con à?”
Tôi nhìn vào bức tranh của mình, lắc đầu thành thật nói:
” Mẹ, sao mẹ không nhận ra được? Đây là con đó.”
Tôi không biết mình đã nói gì sai, nhưng mẹ tôi lập tức bỏ đồ đan len xuống ghế, quay sang đánh vào mông tôi một cái.
” Con nói bậy bạ cái gì vậy Phi? Không được nói như vậy nữa, hiểu không?”
Tôi xoa mông, vẫn kiên quyết lắc đầu:
” Không, mẹ không nhận ra con thật sao? Đây là con đó. Mẹ, mẹ có thấy xinh không?”
Mẹ tôi hình như càng lúc càng giận dữ hơn. Mẹ giành lấy bức tranh của tôi, rất tàn nhẫn mà xé rách nó thành từng mảnh nhỏ, sau đó vò lại ném vào thùng rác.
Tôi ngẩn người nhìn bức tranh tự họa của mình bị xé không thương tiếc. Lúc đó, tôi bỗng bật khóc.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy buồn như thế. Buồn đến mức tôi phá vỡ luật của mình, khóc rất nhiều.
” Mẹ, sao mẹ lại xé tranh của con? Mẹ, mẹ không thấy con xinh đẹp sao? Mẹ, đó là con mà…Mẹ…”
Kèm theo từng lời nỉ non của tôi là những cái đánh vào mông thật mạnh. Mẹ tôi ôm lấy tôi đặt sấp xuống đùi, đánh từng cái mạnh thật mạnh vào phía sau.
Mẹ rất giận dữ, ” Con hư, con hư. Không có nói như vậy nữa! Con là con trai. Đâu có phải con gái? Về sau không được nói linh tinh nữa!”
” Mẹ, đau con, đau con. Mẹ, con biết lỗi…con biết lỗi…”
Mẹ tôi dừng tay, ôm lấy tôi vào lòng.
” Biết lỗi thì phải sửa lỗi, hiểu chưa Phi? Con là con trai của mẹ, có nghe chưa?”
Tôi vì đau mà cứ thút thít mãi. Tôi ôm lấy cổ mẹ, ra sức gật đầu.
Ngày hôm đó, tôi vẫn rất buồn. Tôi khóc không đơn thuần vì bị đánh, mà là vì mẹ đã không thể nhận ra tôi trong bức tranh đó.
Tối hôm đó, tôi đã lục lọi bức tranh bị vò nát trong thùng rác, đem vào trong phòng của mình. Tôi vuốt từng mảnh giấy nhỏ, cố gắng vuốt thật thẳng, sau đó cất chúng vào một cái hộp nhỏ.
Tôi phải cất giữ hình ảnh của mình thật cẩn thận.
Hồi tưởng xong, tôi mới nhìn thấy Như đang hoảng hốt nhìn tôi. Như đứng dậy, vội vã xoa xoa mặt tôi, còn lau lau cái gì đó.
” Ý, Ý, đừng khóc mà.”
Sao cơ?
Như bảo tôi đừng khóc kìa.
Như còn gọi tôi là Ý nữa.
Tôi thất thần đưa tay chạm lên mặt mình, ướt đẫm. Như lúc này lấy ra một miếng khăn giấy, lau giúp tôi mấy giọt nước mắt kia.
Không ngờ tôi lại khóc khi hồi tưởng về ngày hôm đó. Tôi còn nghĩ, khi mình kể xong thì sẽ cười thật tươi, nói với Như là:
” Tớ có khiếu vẽ lắm đó. Sau này tớ vẽ cho cậu một bức.”
Thế nhưng tôi đã khóc mà không biết phải nói gì.
Hình như việc làm của Như và sự mất bình tĩnh của tôi đã khiến cho những người khác rất tò mò. Bọn họ nhìn tôi đầy giễu cợt và mỉa mai.
” Trời ạ, con trai mà để con gái dỗ hả? Xấu hổ quá.”
Tôi không thấy xấu hổ khi bị trêu như vậy. Tôi chỉ quay sang nhìn bọn họ một cái, chấp nhận những ánh mắt mỉa mai kia đang chỉa về phía mình.
Rồi tôi nhìn Như, ” Cảm ơn Như nha. Kể chuyện nhập tâm quá nên mới như vậy.”
Như đưa cho tôi thêm một tờ khăn giấy nữa, rồi mới cúi thấp mặt như suy nghĩ gì đó. Hồi lâu, tôi lau xong nước mắt rồi, còn đang định cầm bút viết tiếp nhật ký thì Như mới nói:
” Sau này tớ sẽ gọi cậu là Ý. Đừng lo, tớ sẽ ở bên cạnh cậu.”
Tôi nghe mấy lời của Như nói, trong lòng cảm động muốn chết đi được. Đâu có phải ai cũng chấp nhận tôi là Ý, đâu có phải ai cũng chấp nhận mấy câu chuyện khi nãy tôi kể.
Như chính là người chấp nhận chuyện đó.
Tôi quay qua, vỗ vai Như, ” Cảm ơn cậu nha.” Rồi tôi liếc nhìn ly nước ngọt, ” Tớ có thể uống cái đó không?”
Như chớp mắt, cầm lấy ly nước ngọt lên, ” Ừa, uống đi.”
Tôi vui vẻ cầm lấy ống hút màu xanh dương, hút một miếng nhỏ. Nuốt xuống, mát rượi, thoải mái.
Thở ra, tôi lại đặt lên bàn cuốn sách Ngữ Văn.
Tôi là một con người đơn giản, đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn được nữa.
Như bảo sẽ ở bên cạnh tôi, tôi rất vui. Có điều, tôi sẽ chỉ có thể tin tưởng, ngày hôm nay cậu ấy sẽ ở bên cạnh tôi. Còn ngày mai, hãy để ngày mai đến rồi mới quyết định tiếp được.
Có bạn, tôi vẫn là Ý. Không có bạn, tôi vẫn là Ý.