Phần 3/3
9.
Bọn họ không hề cho tôi thời gian hay cơ hội phản kháng.
Kế hoạch đã được lên sẵn hết, thậm chí bọn họ còn căn cả thời gian!
Quy tắc số một —— Không được chụp ảnh.
Quy tắc số hai —— Không được làm việc tốt.
Vừa nghĩ tới sắp vi phạm hẳn hai trên ba quy tắc, tôi lập tức hoảng hốt không yên.
Nhưng tay mẹ ghì chặt trên vai tôi. Trương Thần không biết đã ngồi cạnh tôi từ bao giờ, đang dùng cánh tay vặn vẹo của mình ấn chân tôi xuống.
Tôi bị bọn họ ‘ghim’ tại chỗ không có đường trốn, mà cũng không trốn nổi.
Cánh cửa một lần nữa khép lại, phóng viên và người quay phim lần lượt đi vào.
Bố, mẹ và chồng tôi vẫn đang giữ nụ cười copy paste y chang nhau trên mặt. Chỉ mình tôi nhìn thấy dáng vẻ kinh khủng của anh ta, cũng chỉ mình tôi cảm nhận được sự kỳ dị đáng chết của bầu không khí này!
“Nghe nói bố mẹ ruột của cô đều qua đời sau khi có cô phải không?”
“Nói chính xác hơn thì, bố ruột cô mất vào ngày thứ hai, còn mẹ ruột thì mất vào ngày thứ ba cô chào đời nhỉ?”
“Người ta bảo cô khắc chết bố mẹ, bản thân cô thấy thế nào về cách nói này?”
“Có phải cũng vì nguyên nhân này mà mãi đến bảy tuổi vẫn chưa có ai nhận nuôi cô từ trại trẻ mồ côi không?”
“Nhà họ Trương đồng ý nhận nuôi cô, giờ chắc cô phải biết ơn họ lắm nhỉ?”
“Cô kết hôn với anh Trương Thần đây là vì yêu hay vì cô thấy người nhà họ Trương quá lương thiện nên muốn làm quỷ hút máu ăn bám họ cả đời?”
“Nghe nói hiện tại tài chính trong nhà đều nằm trong tay cô, liệu điều này có phải nói lên rằng trận chiến ‘tranh của’ đã nổ ra rồi không?”
……
Từng câu hỏi liên tiếp kéo tới, dồn dập đến mức sau đó tôi thậm chí không nhìn rõ nổi mặt của ả phóng viên mà chỉ có thể nhìn thấy đôi môi đỏ tươi kia mấp ma mấp máy, giữa hai hàm răng bén nhọn trắng bóc ngập ngụa máu thịt.
Máu thịt của tôi.
Những câu hỏi của ả ta cào cấu cắn xé cơ thể tôi…
Tâm lý sụp đổ biểu hiện ra thân thể, mồ hôi lạnh không ngừng chảy dọc theo hai bên thái dương tôi. Cứ mỗi lần tôi cảm thấy mình không thể chịu đựng nổi nữa thì câu hỏi tiếp theo của ả luôn có thể đẩy tôi ngã sâu hơn vào Địa Ngục.
Cho đến khi…
“Cuộc phỏng vấn của tôi hôm nay đến đây là hết, tiếp theo xin mời chụp một tấm hình gia đình làm lưu niệm nhé.”
Đúng rồi.
Ả không cần tôi phải trả lời.
Những câu hỏi này không cần đáp án.
Bởi vì người hỏi đã tự có đáp án trong lòng rồi.
Thứ bọn họ muốn nhìn chưa bao giờ là chân tướng. Dáng vẻ chật vật khốn đốn của tôi mới là mục đích bọn họ hướng đến.
Máy ảnh giương lên giữa không trung. Trong khoảnh khắc người quay phim ấn xuống nút chụp ảnh, tôi đã dùng hết sức bình sinh vùng ra khỏi sự trói buộc.
“Tách ——”
Chụp xong rồi.
10.
Ảnh gia đình một nhà ba người, nhìn thật ấm áp mỹ mãn làm sao.
Đúng vậy, là gia đình ba người Trương Thần, trong đó không có tôi.
Phóng viên, người quay phim, Trương Thần, bố, mẹ…tất cả mọi người đều im lặng.
Bọn họ trừng mắt nhìn tôi chằm chặp không rời, ánh mẳt đầy oán hận và nguyền rủa.
Khung cảnh xung quanh nháy mắt thay đổi.
Căn hộ xa hoa rộng rãi biến trở về phòng nhỏ xập xệ ẩm thấp ngày xưa.
Con ngõ nhỏ chật hẹp đầy rác rến hôi thối và ruồi bọ bay loăng quăng. Ngay đến cánh cửa cũng hằn chi chít vết dao băm.
Phóng viên mất lớp ngụy trang, hóa thành bà lão chanh chua, người quay phim thì là ông già hám lợi.
Bọn họ nhìn tôi bằng những con mắt đỏ hằn học chất kín vẻ tham lam và khát vọng.
Không đúng!
Không phải bọn họ đang nhìn tôi!
Thứ bọn họ đang nhăm nhe là kinh mạch là cơ thể của tôi, nói đúng hơn là mệnh cách của tôi!
Họa từ phúc mà ra, phúc cũng nằm trong họa.
Mệnh của tôi đã ‘cứng’ lại còn ‘quý’!
Cả gia đình nhà họ Trương trước đây từ già đến trẻ: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bố, mẹ,… đều sống bằng nghề đoán mệnh.
Không giống như người ta, bọn họ chỉ bói mệnh của người đã khuất.
Người bói mệnh cho người đã khuất dễ phất nhưng cũng dễ gặp đại nạn!
Sau khi ông ngoại đột tử thì bà ngoại tôi lập tức nghỉ hưu, không dính dáng đến ngành này nữa.
Nhưng người nhà họ Trương không cam tâm. Bọn họ từng kiếm được rất nhiều tiền. Phàm là những kẻ đã trải qua ngày tháng phú quý thì sao có thể chịu đựng cảnh nghèo khó mà sống qua loa tạm bợ được?
Bọn họ đuổi bà ngoại tôi đến căn nhà kho chứa cỏ khô, sống chết gì cũng mặc bà.
Bọn họ càng mong bà ngoại tôi chết rồi chắn tai, chịu nạn thay cho cả dòng họ!
Còn tôi là cọng rơm cứu mạng, là hy vọng của bọn họ.
Trên đường rời khỏi cô nhi viện, vẻ mặt tươi cười của bố mẹ mới và sự quan tâm tỉ mỉ của anh trai mới làm tôi tưởng mình sắp đến bến bờ của hạnh phúc. Cô bé ngây thơ bảy tuổi năm ấy đâu có ngờ trong khoảnh khắc cánh cửa nhà đóng lại thì toàn bộ khung cảnh Địa Ngục cũng hiện ra trước mắt.
“Tiểu Vận, chúng ta đang làm việc tốt. Chúng ta đã giúp con, đúng không nào?”
“Hành thiện tích đức rồi con sẽ mang phúc về báo đáp cho chúng ta, nhỉ?”
“Mệnh của con cũng là của chúng ta, đúng chưa?”
Những lời này từ nhỏ đến lớn tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần.
Người nhà họ Trương giỏi nhất là ngụy trang. Bọn họ lá mặt lá trái thành thạo vô cùng!
Người đời ai cũng nói tôi là quỷ hút máu bám chặt nhà họ Trương không chịu buông. Đâu ai biết sự thịnh vượng nhà họ Trương có được đều nhờ công người phúc lộc tràn đầy là tôi đây.
Bọn họ đồng ý giao toàn bộ tài chính cho tôi đâu phải vì coi trọng hay yêu quý gì, chẳng qua là nằm trong tay tôi thì tiền của nhà này mới có thể tiền mẹ đẻ tiền con thôi!
Trương Thần là một con ma cờ bạc. Cá cược, chơi gái,… cái gì anh ta cũng giỏi cũng hay, riêng có cái nghề gia truyền thì không học được.
Mấy năm nay những vị khác trong dòng họ liên tiếp chịu báo ứng, sống không bằng chết. Có người thì toàn thân chảy mủ hôi thối đau đớn đến không thể tự xử lý các sinh hoạt ngày thường, người khác thì ngày nào cũng gặp ác mộng tinh thần suy sụp đến phát điên.
Tính đi tính lại, hoá ra chỉ có bà ngoại, người từng chữa bệnh tiêu trừ tai hoạ cho tôi, là được ra đi một cách yên bình nhất.
Hôm đó là một ngày đông tuyết rơi trắng xoá, bà nằm trong đống cỏ khô chậm rãi nhắm mắt rồi cuối cùng không tỉnh lại nữa.
Tôi nhớ rồi.
Nhớ lại hết rồi!
Theo ký ức quay về, không gian quanh tôi cũng thay đổi ngược dòng quá khứ.
Tôi đứng trước cửa phòng, trơ mắt nhìn bản thân khi xưa đã từng bị bọn họ thượng cẳng chân hạ cẳng tay thế nào, bị bọn họ rút máu để thực hiện thuật pháp ra sao.
Ngôi nhà bọn họ ở càng lúc càng lớn, lòng tham của bọn họ cũng thế!
‘Hành thiện tích đức’?
Hay cho câu ‘Hành thiện tích đức’!
Việc tốt bọn họ làm không xuất phát từ sự lương thiện trong lòng, mà bởi vì bọn họ đã làm quá nhiều chuyện thất đức nên tiêu tiền mua sự yên ổn tâm hồn, coi như bù đắp cho lỗi lầm của bản thân!
Kiểu tốt này tính ra vẫn là tốt ư?
“Cây ác nở hoa thiện thì đó là thiện thật hay là giả nhân giả nghĩa?”
Tôi lớn tiếng gặng hỏi, đến tận khi không gian xung quanh lại trở nên hư ảo lần nữa.
11.
Gian phòng khôi phục như lúc ban đầu, ảnh chụp rơi xuống bên chân tôi…
Tất cả đều đang nhắc nhở rằng tôi đã trở về hiện thực rồi.
“Tiểu Vận, vì sao mày không chụp ảnh?!”
“Sao mày lại phản bội chúng tao!”
Bố như phát điên lao tới gần tôi nhưng mới đi được nửa đường thì ông ta đã đau đớn kẹp chặt hai chân và quỵ xuống run rẩy thở dốc.
Tôi biết, đây là triệu chứng phát bệnh.
Trương Thần học ai mà trêu hoa ghẹo nguyệt khắp nơi, quen thói quan hệ bậy bạ với hết người này đến người khác? Đương nhiên là học tấm gương ‘tốt’ của bố anh ta rồi!
Tôi thương hại nhìn lão già tóc đã bạc phơ đang đau đớn rên rỉ co rúm người trên đất, ghê tởm đến mức phải bịt mũi bịt miệng tránh ra thật xa.
Cơ thể của ông ta đã bắt đầu thối rữa bốc mùi, kể cả bên ngoài có ăn mặc là lượt hơn nữa cũng không che nổi bản chất thối nát bên trong.
Lại thêm một tấm ảnh xuất hiện dưới đất, đấy là hình ông ta thời trẻ.
Tự phụ kiêu ngạo, lúc nào cũng mang vẻ mặt miệt thị khinh khỉnh.
Hồi vẫn còn ở phòng nhỏ xập xệ, ông ta luôn lấy vị trí chủ gia đình ra làm cớ, nói rằng ‘quân tử phải tránh xa nhà bếp’ nên phải có người cơm bưng nước rót hàng ngày.
Trước kia là bà nội và mẹ hầu hạ ông ta, sau đó đến lượt tôi…
Phụ nữ trong nhà như người hầu con ở phục dịch ông ta, còn bị ông ta mạt sát.
Thật nực cười!
Ý nghĩa thật sự của câu ‘Quân tử tránh xa nhà bếp’ là để khơi gợi nhân tính, khuyên người ta đừng sát sinh.
Đến miệng ông ta thì câu ấy lại thành cái cớ để trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ trong gia đình.
Ông ta đã từng ngạo mạn như vậy, bây giờ lại đáng thương chật vật thế này.
Ông ta tự xưng là ‘Quân tử’ và coi thường phụ nữ, cuối cùng…
À không, thay vì nói là cuộc đời ông ta bị hủy hoại dưới chân phụ nữ thì chẳng bằng nói là bị hủy hoại bởi dục vọng của chính mình.
“Á ——”
“Á!!!”
Giọng mẹ vẫn luôn the thé như xưa, chỉ là bà ta đã không còn phát âm rõ ràng từng chữ được nữa.
Đầu lưỡi của bà ta còn đó nhưng đã nát bươm rồi.
Thứ bà ta tự hào nhất chính là cái ‘miệng sinh tài’ này. Cái miệng này từng tiết lộ biết bao thiên cơ, nói xấu đặt điều biết bao chuyện, nguyền rủa biết bao người… hiện tại đã không nói nổi được chữ nào, chỉ có thể phát ra những tiếng gào thét.
Những vết cào không ngừng xuất hiện trên mặt bà ta. Làn da được chăm sóc kỹ càng giờ bị xé rách toạc, đầm đìa máu me.
Bà ta tốn không ít tiền dưỡng da, trong số tiền này liệu được mấy đồng tiền sạch sẽ?
Trong suốt khoảng thời gian lúc vừa mới vào cái nhà này, con bé ngây thơ là tôi đây đã từng nghĩ bà ta cũng là một kẻ đáng thương, bà ta bị bố ép nên mới bất đắc dĩ phải làm ra những chuyện xấu xa kia.
Khi đó tôi tưởng nhầm rằng bà ta cũng là người bị hại.
Mãi đến sau này tôi mới hiểu được, người bị hại mà biến thành kẻ độc ác thì chỉ có ra tay đáng sợ và biến thái hơn thôi!
Bà ta là tay sai, là nanh vuốt, cũng là kẻ thực thi tội ác!
Động cơ của bà ta là lòng ghen tỵ và khoái cảm khi phát tiết được sự âm u độc ác trong tâm hồn. Bản thân bà ta khúm núm thì cũng phải kéo người khác vào vũng bùn chung mới chịu!
Tôi có một bông ‘hoa’ nhỏ trên má phải. Đó là do bà ta dùng dao rọc giấy khắc từng nét mà ra.
Bà ta nói: “Tao không cần mặt mũi, tao cũng không có ý định tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Bởi vì tao là một công cụ, chỉ là một công cụ thôi.”
Bà ta bấm móng tay thật sâu vào vết thương đang chảy máu trên mặt tôi, móc sâu đến tận xương.
Tôi nhìn tấm ảnh của bà ta trên mặt đất, cảm thấy vô cùng châm chọc.
Trong ảnh, người phụ nữ xinh đẹp sang trọng cười đến là dịu dàng, cầm chiếc cúp ‘Nhà từ thiện’ trong tay. Đằng sau bà ta có bậc thầy thư pháp nổi tiếng đang căng tấm liễn viết bốn chữ ‘Tế nhược phù khuynh’* lớn.
(*nguyên gốc 济弱扶倾: giúp đỡ kẻ yếu, hỗ trợ người gặp khó khăn
Điều thú vị nhất chính là, bà ta mặc váy khoét sâu phía sau, lộ ra hình xăm năm chữ to trên lưng —— ‘Ôn lương cung kiệm lượng’*.
(*bắt nguồn từ sách Luận ngữ của Khổng Tử: ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, rộng lượng)
12.
Tôi mệt mỏi quá.
Gian phòng trống rỗng nồng nặc mùi hôi thối và tiếng kêu như quỷ khóc sói gào.
Mùi hôi thối đến từ Trương Thần và bố. Tiếng khàn khàn quái dị phát ra từ mẹ. m thanh cào cấu xô đẩy là của ông nội bà nội đang lạc trong ‘ác mộng’, hai người họ cắn xé lẫn nhau.
Dây đỏ đã xuất hiện trên cổ tay bọn họ.
Đều ở bên cổ tay phải, không có ngoại lệ.
Xưa nay tôi không biết mình tứ cố vô thân đến độ này.
Thế giới này không có ai để tôi tin tưởng được cả.
Cũng phải thôi, với họ tôi chỉ là một công cụ, sao bọn họ có thể
yêu thương một công cụ thật lòng?
Tôi co quắp trong góc phòng khách, lẳng lặng mà xem màn kịch trước mặt, nhìn những tấm thân tàn tạ và những linh hồn thối nát lộ ra sự độc ác và tham lam của mình.
Không biết đã trôi qua bao lâu.
À không!
Thời gian không còn quan trọng nữa rồi.
Tôi mãi mãi mắc kẹt trong khoảnh khắc kim giờ chỉ vào số mười hai này.
Vĩnh viễn không thoát được.
Mệt mỏi, khó chịu, kiệt sức…
Tôi chậm rãi nhắm mắt lại. Nhìn những thứ xấu xa này bao năm nay, tôi đã phát chán từ lâu rồi.
Đúng giây phút tôi sắp sửa vùi đầu vào khuỷu tay và từ bỏ hy vọng một cách triệt để thì đột nhiên cảm giác có một đôi bàn tay già nua, gầy khô nhưng ấm áp nhẹ nhàng đỡ trán mình.
“Đã qua cả rồi.”
“Con yêu ơi, con sẽ vượt qua được mà.”
“Bà ngoại sẽ cùng con vượt qua, đừng sợ nhé.”
Nghe thấy thanh âm quen thuộc trong trí nhớ đã phủ bụi, nước mắt của tôi tự nhiên cứ thế chảy xuống.
Không bi thương, không thống khổ, không mừng rỡ, thậm chí không hề có cảm xúc gì… Nước mắt rơi chỉ như một loại phản ứng bản năng của cơ thể.
“Bà ngoại.”
“Bà ngoại…”
“Bà ngoại ——”
Tôi có rất nhiều điều muốn nói nhưng lại chẳng nói nổi nên lời.
Thôi, không quan trọng.
Riêng hai chữ này đã bao hàm ngàn từ vạn ngữ rồi.
Thì ra, đây mới thật sự là cảm giác quyến luyến không muốn xa rời.
Tôi choàng tỉnh, hai con mắt mờ đi vì đẫm lệ. Tôi bắt gặp ánh mắt xót xa của bà ngoại.
Thì ra, đây mới thật sự là dáng vẻ hiền từ như Bồ Tát.
Tôi nhìn thấy bà ngoại, cũng nhìn thấy…
…sợi dây màu đỏ trên cổ tay trái của bà.
13.
Màn kịch gia đình bên kia vẫn đang tiếp tục diễn ra, tựa như bức tranh ‘Địa Ngục đồ’ ngoài đời thực.
Tôi lẳng lặng tựa trong lòng bà ngoại, tham lam tận hưởng cảm giác ấm áp mà bao năm nay tôi tìm kiếm.
Bà ngoại nhỏ nhẹ thì thầm, giọng của bà có năng lực đặc biệt khiến cho người nghe an tâm. Tôi như được đưa vào cõi tịnh tâm khói nhang lượn lờ.
“Cả đời này, bà ngoại chỉ đoán mệnh cho duy nhất một người.”
“Người đó chính là con.”
Nghe bà ngoại nói vậy, tôi hơi ngạc nhiên.
Chuyện này!
Sao có thể thế được?
Dòng họ nhà này rõ ràng đều chỉ tính cho người đã khuất…
“Cả đời này, bà chỉ làm sai đúng một chuyện —— Bà yêu sai người.”
“Giây phút nhìn thấy ông ấy bà không cần tính quẻ cũng đã biết trước đời này định sẵn bà sẽ không được chết tử tế rồi.”
“Sai một li đi một dặm, thế nhưng bà nguyện tiếp tục sai cùng ông ấy, chỉ cầu mong bà có thể san sẻ chút nghiệp của ông ngoại con.”
Nghe đến đó thì rốt cuộc tôi cũng hiểu rõ rồi. Không phải bà ngoại ngừng làm chuyện sai trái mà là nghiệp của bà đều do truyền từ ông ngoại sang.
Không đúng.
Còn tôi nữa.
“Dáng vẻ năm con bảy tuổi đứng ngơ ngác trước cửa phòng thật khiến người ta xót xa.”
“Khi đó ông ngoại con vừa qua đời không lâu, bà vốn định đi theo ông ấy thì bị một tiếng ‘Bà ngoại’ của con níu chân.”
“Sau đó bà dạy con viết chữ, dạy con cách cư xử.”
“Đương nhiên, cũng tính một quẻ duy nhất cho người sống trong đời bà, tìm phương pháp hoá giải khốn cảnh ngày hôm nay cho con.”
Phương pháp hoá giải khốn cảnh? Tôi có chút ngu ngơ, đây đâu gọi là giải thoát, rõ ràng là đang nhốt tôi lại thì có.
Ngừng thời gian tại mười hai giờ khuya.
“Kiếp nạn hôm nay của con là bà cầu xin trời ban.”
“Chỉ cần hóa giải được kiếp nạn hôm nay thì tương đương với hoá giải toàn bộ khó khăn cả đời con.”
“Qua được hôm nay thì đường đời sau này của con sẽ chỉ toàn bình an vui vẻ.”
Bà ngoại vừa nói vừa đặt sợi dây đỏ trên tay trái vào lòng bàn tay tôi.
“Con yêu ơi, đừng buồn.”
“Thế giới này vẫn còn người con có thể tin tưởng.”
“Những người này ấy à, đều đang chờ con ở tương lai phía trước đó.”
“Họ sẽ rất thẳng thắn, khoan dung nhân từ, sẵn lòng trợ giúp, thân thiện chào đón con.”
Sợi dây đỏ giữa lòng bàn tay chìm dần vào trong cơ thể tôi, bà ngoại đang đứng trước mắt cũng dần tan biến.
Tôi vươn tay níu lại nhưng cuối cùng chỉ bắt được một nắm không khí.
14.
“Tích tắc ——”
Kim giây chuyển động.
Tôi lại đứng trước gương một lần nữa.
Ba quy tắc ban đầu đã biến mất không chút tăm hơi, chỉ còn một hàng chữ duy nhất.
‘Không ai mang được thứ gì theo mình cả đời, chỉ có nghiệp là tùy thân.’
(Hoàn)