Phượng Hoàng Đồ Đằng

Chương 6: Sinh hữu hà hoan [sống, có gì vui?]



Sáng sớm, Trương thị dẫn theo một đám người hầu, bao vây tiểu viện [1] hẻo lánh của Minh Đức. Mụ sai một tên đầy tớ vừa đập cửa rầm rầm vừa la hét ỏm tỏi: “Tiểu thiếu gia [2] còn chưa chịu dậy? Mặt trời lên quá đỉnh đầu rồi! Có ai sung sướng như cậu, mỗi ngày chỉ nhàn rỗi rong chơi mà vẫn được ăn cơm trắng!” 

Trương thị khoác áo lông khôi thử [3] đứng một bên sang sảng ra lệnh: “Gọi to gõ mạnh vào! Bảo người thỉnh lão gia đến xem đứa con ngoan do lão sinh ra!”

Tên đầy tớ nghe vậy càng hăng say đập hét, mãi đến lúc nghe ‘két’ một tiếng, mới thấy Minh Đức khoác một tấm hắc y trường bào, sắc diện vô tình đẩy cửa bước ra, buông một câu: “Thái thái vẫn khỏe?”

Trương thị im lặng đánh giá y từ đầu xuống chân, sắc mặt của y rất khác mọi ngày, bình thường luôn thản nhiên châm chọc, hôm nay rõ ràng có vẻ rất cáu kỉnh (với cả chính thất đại thái thái như mụ). Nhìn kỹ có thể thấy mặt y tái nhợt, trên người lại thoang thoảng một mùi kỳ lạ, tựa như mùi máu tươi.

Trương thị gườm gườm diễu quanh y một vòng, bĩu môi móc mỉa: “Nhìn đại thiếu gia kìa! Trời đã sáng rõ, vẫn trốn trong phòng ngủ kỹ! Đêm qua chắc lại trốn đi ăn chơi trác táng chứ gì? Nhìn con trai ngoan kìa!”

Mụ vừa nói vừa xỉa xói những móng tay đỏ choét vào mặt Minh Đức. Biểu cảm của y càng lúc càng chán ghét, hơi hướng mắt sang phía khác. Cho rằng lòng tự tôn của mình bị tổn hại, mụ bèn sấn sổ nhào tới chụp lấy tay y: “Cái gì đây? Tại sao ngươi lại nặng mùi máu đến vậy? Ra ngoài giết người cướp của à?”

Bàn tay trắng nõn nà của mụ bỗng ướt nhớp nháp một thứ chất lỏng thắm đỏ. Chưa từng gặp qua tình huống này, mụ chỉ biết gào tướng lên: “A! —— Là ngươi tự đâm đầu vào chỗ chết nha!”

Hạ nhân kẻ vội vàng nhào tới đỡ thái thái, kẻ hốt hoảng kêu la rầm trời. Trương thị run rẩy chĩa tay vào mặt Minh Đức, lắp bắp: “Ngươi ngươi ngươi… ngươi dám nhìn ta kiểu đó à?? Ngươi định ăn thịt ta? Ngươi là tên dã chủng [4]phạm thượng tác loạn! Người đâu, mau kêu lão gia! Kêu lão gia tới đây!”

Thượng Quan Thị lang đang nằm phê trên giường tiểu thiếp thì bị đánh thức, hiển nhiên lửa giận phừng phừng bốc cao. Tên người hầu sợ đến mức lạc giọng: “Minh Đức thiếu gia… cậu ấy… cậu ấy…”

Thượng Quan Thị lang một cước đạp hắn văng xuống đất: “Ấy ấy ấy cái khỉ gì?? Rặt một lũ hạ tiện vô dụng!”

Tên người hầu cuống quýt đứng lên nói tiếp: “…Cậu ấy giết… giết người! Máu! Toàn là máu!”

Bản mặt già nua trắng bệch vì sợ, lão cuống cuồng chạy đến từ đường, thấy diện mạo Minh Đức như vậy, chỉ biết ngoạc mồm mà chửi rủa: “Đồ đáng chết! Dám học đòi thói gây rối đánh lộn?! Người đâu, mang gia pháp [5] đến đây! Hôm nay ta phải giáo huấn tên nghịch tử này đến nơi đến chốn!”

Hạ nhân theo lệnh Trương thị, đã sớm đem gậy đến. Thượng Quan Thị lang cầm ‘gia pháp’ trong tay, vận hết khí lực giáng thẳng xuống người Minh Đức, không ngờ y bình thường chỉ trầm mặc lặng lẽ, hôm nay bất thần đưa tay chụp gọn cây gậy.

Lão cố sức giằng ra, nhưng tay y như được đúc bằng thép, không mảy may di động. Thượng Quan Thị lang hai mắt trừng to, giận đến mức mặt tím tái: “Đại nghịch bất đạo! Tưởng ta không dạy nổi ngươi?!!” Tiếp theo lại cố sống cố chết giơ gậy định đánh y.

Minh Đức sắc mặt băng lãnh, chỉ nhẹ nhàng hất tay, ‘cộp’ một tiếng đã thấy cây gậy văng xa tít mù. Thượng Quan Thị lang bị đẩy mạnh, suýt chút nữa mặt thân ái hôn đất, lồm cồm bò dậy vỗ đùi chửi rủa: “Hỗn trướng [6]! Hỗn trướng! Phản loạn! Vô vương pháp! Người đâu, áp giải thằng nghịch tử này đến phòng tạm giam, không cho nó ăn cơm!”

Phòng tạm giam ở ngay cạnh kho chứa củi, bên ngoài bị phong kín bởi một ổ khóa to đùng, bên trong là thạch thất trống huơ trống hoác. Tiết trời tam cửu [7] rét thấu xương, Minh Đức trầm mặc rúc vào một góc, tay cầm vài ba quyển sách, vốn do Thượng Quan Thị lang đưa cho, bảo y đọc để chuẩn bị tham dự xuân vi [8].

Xuân vi… A… Minh Đức mỏi mệt khép hờ hai mắt, cười nhạt trong tâm. Nếu như thi đậu, được ban cho một chức quan bé tí, y sẽ vĩnh viễn rời khỏi nơi này.

Đầu y nhức như búa bổ, những vết thương trên người đau đớn tột cùng. Không có thuốc, không có đồ ăn thức uống, hiện tại y thậm chí hoài nghi liệu mình có thể cầm cự nổi đến ngày khai khảo xuân vi…?

Sinh hữu hà hoan, tử hựu hà cụ?

Đây là câu nói thuở nhỏ y đã đọc được trong một quyển sách. Sống trên đời, có thứ gì đáng để vui? Chết xuống đất, có thứ gì đáng để sợ? Vạn vật trên thế gian vốn không thể vĩnh tồn, vấn đề chỉ là tồn tại được lâu hay mau…

Y từng hỏi Hoàng hậu: “Sống trong đau khổ thế này, vì sao ta không thể chết?”

Hoàng hậu chỉ ngơ ngẩn nhìn y, rồi đột nhiên quỳ xuống, ôm chầm y mà nghẹn ngào mắng: “Nghiệt tử không chí hướng! Minh Duệ Hoàng hậu mất bao nhiêu tâm sức để ngươi được sống, ngươi lại định phí hoài tính mạng của người! Còn dám nói năng kiểu này, coi chừng ta đánh chết ngươi!”

Nói thì nói vậy, nàng vẫn ôm chặt bé con Thượng Quan Minh Đức vào lòng một lúc lâu…

Đôi tay đó quả thật rất ấm áp, nhưng nàng vốn là nữ nhân, cánh tay quá ư yếu đuối. Minh Đức để mặc cho nàng ôm ấp, chỉ yên lặng nhìn chằm chằm vào bộ trang phục vàng chói thêu hoa văn cửu phượng [9], vẻ mặt không chút thay đổi.

…Kỳ thực sống chỉ là một kiểu giày vò hành hạ, sống hay chết vốn không hề khác biệt, không hề tồn tại vui sướng hay sợ hãi.

Minh Đức co ro trong tấm áo khoác mỏng manh, hơi lạnh của tường đá thấm vào tận xương tủy, dù thân thể đã mỏi mệt cùng cực, y vẫn không cách chi dỗ giấc. Thật ra, thạch thất này hoàn toàn không giam cầm nổi y, nếu muốn, y thừa sức bỏ đi bất cứ khi nào nhưng y vốn đang kiệt sức, các khớp xương tựa hồ đã rỉ sét cả, hơi cử động cũng thấy khó khăn.

Không biết đã qua bao lâu, Minh Đức đang mơ mơ màng màng thiếp đi, bỗng nghe trên cửa sổ phát ra tiếng động lạ, rồi thanh âm ai đó vang lên: “…Đang ngủ? Muốn ăn gì không?”

Minh Đức mở mắt, giơ tay chụp chiếc bánh bao bên ngoài ném vào: “Dung đại nhân?”

Dung Thập Bát chỉ đáp gọn: “Mau ăn đi, ăn xong thì theo ta ra ngoài.”

Minh Đức thầm nghĩ, chắc chắn là đồ-không-tốn-tiền-mua, bèn chẳng chút khách khí vừa ngoạm một miếng to vừa hỏi: “Bề trên lại ra mệnh lệnh mới?”

Sắc mặt Dung Thập Bát phút chốc trở nên phi thường cổ quái, lát sau mới thấy gã ấp úng đáp: “Không phải bề trên, là bệ hạ cho gọi ngươi…”

Minh Đức liền ‘à’ một tiếng, loáng cái đã chén sạch bánh bao vào bụng, thản nhiên hỏi tiếp: “Còn nữa không? Ta còn đói.”

Dung Thập Bát hết nhẵn bánh bao, yên lặng dẫn Minh Đức rời khỏi đại môn của Thượng Quan Thị lang phủ đệ, nhưng không đi về phía hoàng cung, mà nhắm hướng ngoại thành thẳng tiến.

Minh Đức trầm mặc rời khỏi cổng thành, mới thấp giọng hỏi: “Dung đại nhân, chúng ta đang đi đâu đây?”

Dung Thập Bát chỉ cười gian giảo: “Tới rồi ngươi sẽ biết.”

Bọn họ rời khỏi cung thành, tiến vào Thị lang phường [10] đông vui náo nhiệt, pháo hoa rực rỡ, tửu lâu chen chúc, người qua kẻ lại tấp nập rộn ràng. Minh Đức theo sau Dung Thập Bát, e dè tựa thiếu niên lần đầu bị huynh trưởng lén lút dẫn đi chơi [gái], dáng điệu vẫn thập phần cao quý ưu nhã, khiến các cô nương to gan trên tú lâu [11] không khỏi chỉ trỏ y, rồi che miệng khúc khích cười.

Minh Đức vờ như không thấy. Y đang rất đau đớn, lại phải đi bộ một quãng đường dài, cơ thể hiển nhiên không chịu nổi may thay Dung Thập Bát đã dừng lại trước một chiếc xe ngựa đậu cạnh tửu lâu, cung kính hạ giọng thưa với người ngồi trong xe: “Gia [12], thần Dung Thập Bát đã đến.”

Minh Đức bỗng thấy rèm che lay động, rồi gương mặt Kiền Vạn Đế lộ ra, thản nhiên như không, nhìn y ra lệnh: “Lên xe đi.”

Minh Đức thoái lui nửa bước, trực giác chỉ muốn quay lưng phất áo bỏ đi, nhưng vừa xoay người đã nghe hắn hỏi: “Ngươi định kháng chỉ?”

Y ngoảnh đầu mỉm cười, ngữ khí châm chọc: “Thần nào dám…”

Đoạn tiến lại gần, vừa vén rèm vừa cúi người dợm bước lên xe. Động tác của y rất nhanh nhẹn, giữa chừng bỗng nhiên bị Kiền Vạn Đế choàng tay ôm chầm lấy, gần như nhấc bổng y ném lên tấm đệm lông khôi thử thêu chỉ vàng óng ả.

“…A!”

Vừa gượng dậy, y lại bị dúi ngã nhào vào lòng Kiền Vạn Đế. Tên nam nhân này khí lực so với y vô cùng lớn, chỉ một bàn tay đã ôm trọn bờ vai mỏng mảnh của thiếu niên, trầm giọng cười hỏi: “Sao vậy, ngã nên đau? Không thể nào, ta đã chọn riêng cho ngươi tấm đệm dày đến thế mà…” 

Minh Đức bị hắn giữ chặt trong lòng ngực, chỉ bình thản trả lời: “Thần sợ hãi.”

Kiền Vạn Đế đã quá quen với kiểu ăn nói của thằng nhóc này, chỉ lẳng lặng một tay đè chặt y xuống, một tay cởi bỏ quần áo y. Thấy Minh Đức bắt đầu hoảng loạn kịch liệt chống cự, hắn cố nén cơn giận đang ngùn ngụt bốc cao trong tâm, dịu giọng trấn an y: “Không sao… ta chỉ muốn xem vết thương của ngươi thế nào rồi…”

Minh Đức đâu hề nghe rõ, chỉ thấy y đột ngột vung tay, ‘chát’ một tiếng tát mạnh vào mặt hắn.

Kiền Vạn Đế sửng sốt, cái tát chẳng chút nương nhẹ, khiến tai hắn lùng bùng, mặt thì đau râm ran. Hắn vốn lên ngôi không hề suôn sẻ, từng gian nan chinh chiến trên lưng ngựa, từng thập phần nhẫn tâm thập phần cường bạo tranh đấu trong cung mới được như ngày nay, vậy mà giờ đây… có kẻ dám tát vào mặt hắn, tát vào mặt đương kim Hoàng đế???

Kiền Vạn Đế trong cơn kích động, vô thức giơ tay định đánh trả. Cánh tay đã giơ lên lưng chừng, bỗng dừng lại.

Một cái tát ‘ăn miếng trả miếng’ thật mạnh, mạnh đến mức khiến thằng nhóc kia bất tỉnh, hắn thừa sức làm.

Nhưng trong phút chốc hắn bỗng nhận ra Minh Đức đang co rúm lại vì sợ, bèn chậm rãi buông tay, cố gắng hòa nhã hết mức: “…Không sao hết… ta chỉ muốn nhìn một chút… Đau à? Nơi này đau à?”

Minh Đức vẫn đang co rúm trong lòng hắn, mà Kiền Vạn Đế ruột gan như lửa đốt, hận không thể bắt y ngước lên cho mình nhìn. Dù gì cũng đã ở bên nhau hai năm, hắn hiểu rất rõ tâm tính của thằng nhóc này, đừng mong dọa nạt được y, kẻ khác bị hù sẽ sợ mất mật, còn y hễ sợ thì sẽ nổi điên lên, như cẩu cấp khiêu tường [13], chuyện gì cũng dám làm.

Kiền Vạn Đế lại thử dỗ dành y: “Ngoan, không sao đâu… Ngươi không cho ta xem cũng được… Ngươi muốn bôi thuốc không? Ta bôi cho ngươi hay ngươi tự làm?”

Những lời trấn an của hắn đại khái cũng có chút hiệu quả, Minh Đức cẩn thận ngước nhìn hắn, rồi mới đáp: “…Ta sẽ tự làm.”

Y cầm chiếc bình bạch ngọc đựng dược cao [14] trong tay Kiền Vạn Đế, nép vào một góc xa nhất trong toa xe, quay lưng về phía Hoàng đế, chậm rãi cởi bỏ trường bào, để lộ một mảng lưng trần gầy guộc mà thanh tú. Tuy vết thương khá dài, nhưng không hề tổn hại vẻ đẹp tuyệt thế của thiếu niên. Vệt máu đỏ thắm làm nổi bật làn da như ngọc, nửa yếu ớt nửa lại mạnh mẽ, khiến một tên nam nhân bình thường không cách chi chịu nổi…

Minh Đức bị ánh mắt đầy ắp dục vọng phía sau ‘chiếu tướng’ đến phát run, vội vàng bôi một ít dược cao lên vết thương rồi mặc áo vào. Áo đang mặc nửa chừng, tay y đã bị người chộp lấy. Chỉ kịp kêu lên nho nhỏ, y đã bị Kiền Vạn Đế ôm chầm lấy, hôn ngấu nghiến.

Nụ hôn thật sâu thật quấn quýt, tựa như con thú đi săn tàn bạo mà cẩn trọng, đời nào chịu buông tha con mồi thơm ngon khoái khẩu trước mắt. Minh Đức trợn to mắt, một tay đặt trên ngực Kiền Vạn Đế, hễ đẩy ra liền bị đè xuống. Những vết thương trên người y lại toạc ra, đau đến choáng váng, trong đầu chỉ có một ý niệm: lần này không dễ dàng sống sót…

Nụ hôn kết thúc, Kiền Vạn Đế vẫn chăm chú nhìn y bằng đôi mắt ngầu đỏ tia máu, thoạt trông có thể khiến thiên hạ chết khiếp. Nhưng hắn chỉ im lìm như vậy lâu thật lâu, mắt thì ngắm y, tay vẫn khư khư ôm chặt thân thể của y.

Ngón tay Minh Đức thảy đều run rẩy khó kiềm chế, toàn thân lại cứng đờ trong vòng tay kẻ kia. Xe ngựa xóc nảy, y cỏ thể cảm nhận rõ ràng khí quan nóng bỏng của Kiền Vạn Đế bên dưới thân mình đã ngóc dậy… tư thế này quả là cực kỳ nguy hiểm, khiến trái tim nhỏ bé của y kinh hãi tới mức chỉ chực vọt lên cổ họng…

CHÚ THÍCH:

[1] tiểu viện: chái nhà, nơi trú ngụ, căn phòng nhỏ

[2] nguyên bản dùng “ca nhân”: tiếng gọi thiếu kính trọng một nam nhân bằng tuổi

[3] khôi thử: một loại động vật to cỡ con sóc, sống ở Tân Cương, lông mềm như nhung, màu vàng sáng có bụi đen li ti [nên mới gọi là khôi (tro bụi) thử (con chuột)], thường dùng làm áo khoác hoặc khăn quàng cổ, cực kỳ quý báu

Minh họa “áo khoác bằng lông khôi thử” – một cảnh trong phim “Hồng lâu mộng”: 

[4] dã chủng: thứ/đồ thô lỗ, ngang ngược

[5] gia pháp: hình cụ để cha mẹ trừng phạt con cái [hoặc chủ nhân trừng phạt đầy tớ] thời phong kiến

[6] hỗn trướng: tiếng chửi, tương tự “vô lại, vô liêm sỉ, khốn nạn…”

[7] tam cửu: Theo cách tính toán thời tiết của nông lịch Trung Quốc, trong mùa đông có “cửu cửu” ngày (9 x 9 = 81 ngày), tính từ ngày Đông chí (ngày bắt đầu mùa đông, thường rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng 12 Dương lịch), 9 ngày tiếp theo gọi là “nhất cửu”, 9 ngày tiếp theo nữa gọi là “nhị cửu”… cứ thế mà tính đến “cửu cửu” thì xem như mùa đông kết thúc, mùa xuân lại về. Dân gian có câu “Sổ cửu hàn thiên, lãnh tại tam cửu” (đếm cửu cửu ngày lạnh, rét nhất chính là tam cửu). “Tam cửu” thường bắt đầu từ ngày 9 đến ngày 17 tháng Giêng (Dương lịch)

[8] xuân vi: kỳ thi mùa xuân/kỳ thi Hội. Thời phong kiến có ba kỳ thi lớn: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi Hội là kỳ thi về Nho học do bộ Lễ của triều đình phong kiến tổ chức ba năm một lần tại các trường trung ương để tuyển chọn người có tài, học rộng. Đậu kỳ thi Hội thì mới được phép dự thi Đình. Kỳ thi Hội thường được tổ chức vào mùa xuân nên còn được gọi là “xuân vi” [theo Wikipedia]

[9] cửu phượng: phượng đại diện cho Hoàng hậu, tương tự như rồng đại diện cho Hoàng đế, người Trung Quốc tin rằng số 9 [cửu] tượng trưng cho sự vĩnh cửu và trường tồn của đất trời, thế nên những gì thuộc về vua chúa cũng đều gắn với số 9…

[10] Thị lang phường: “phường” là khu vực thị dân tụ họp buôn bán, ở đây có thể hiểu “Thị lang phường” là “khu vực xung quanh phủ đệ của [Thượng Quan] Thị lang”

[11] tú lâu: tú: việc thêu thùa – lâu: nhà có lầu

[12] gia: tiếng tôn xưng chủ nhân hoặc người bề trên

[13] cẩu cấp khiêu tường: [thành ngữ] chó nổi khùng cũng có thể leo tường [QT đại nhân dịch là “chó cùng rứt giậu”, rất là hay, rất là sát ý, xin hoan hô QT đại nhân! ^O^]

[14] dược cao: thuốc đun cho đặc sệt lại, để giữ được lâu


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.