Phò Mã Gặp Nạn

Chương 9: Tỉ thí



Ở Tập Hiền điện càng là khuôn viên bề thế và sang trọng, không hổ danh là nơi tiếp đón sứ giả của quốc gia. Vua Thuận Thái ngồi trên long tòa ở chính điện tiếp sứ, vương tử Chân Lộc cùng hai sứ thần hộ tống ngồi ở hàng bên dưới. Tô thừa tướng, Hồ thái sư và thái tử Triệu Thành ngồi đối diện sứ thần Chân Qua quốc. Phía dưới nữa là các vị quan khác. Minh Anh cùng các thí sinh và các quan nhỏ hơn còn ở phía hông điện chờ lệnh. Minh Anh trộm nhìn vào bên trong, không thấy bóng dáng của Tĩnh vương Triệu Khánh đâu thế nhưng nhìn nhìn một hồi lại để nàng phát hiện ra một nhân vật không ngờ tới.

– Là hắn, Điền Trí!

Nàng có chút không tin nổi nhìn Điền Trí thế nhưng đứng ở hàng hộ vệ của vương tử Chân Lộc kia. Còn vương tử Chân Lộc kia thoạt trông bộ dạng cũng hơi bị mỹ mạo quá đấy! Hắn đường đường là một vương tử mà thân thể bé nhỏ, lọt tỏm giữa bao nhiêu hộ vệ vây quanh. Hắn một thân kim quang triều phục lại không thấy chút nào vẻ oai vệ như một vị vương thân. Trái lại còn mặt nhỏ, mũi cao, môi đào chúm chím. Nếu không phải hắn có bộ râu xồm xoàm bên mép, Minh Anh cũng dám đoán hắn là nữ nhân cải nam trang chứ nam nhân gì mà uyển nhu được đến như thế!

Còn cái tên Điền Trí đứng sau lưng Chân Lộc ấy, hắn mới thật sự ra vẻ làm sao. Trong lúc vương tử và sứ giả nói chuyện với Thuận Thái đế, hắn lại âm thầm để ý quan sát từng chút kiểu như đặc vụ trong các phim hành động của Mỹ mà Minh Anh đã xem. Thần thái của Điền Trí kia cực kì nghiêm túc, hơn nữa thái độ của Chân Lộc dường như cũng có chút ỷ lại, xem trọng Điền Trí lắm.

Thuận Thái đế cùng sứ thần nói qua vài câu, liền chỉ đạo cho Lê công công chuẩn bị khai yến. Vương tử Chân Lộc nhấc chung kính vua Thuận Thái rồi ôn tồn nói:

– Chân Lộc có nghe qua Nam Thiên quốc trù phú phồn vinh, lại là một đất nước lễ nghĩa tri thư, nhân kiệt như mây, anh tài đông đúc cho nên từ lâu đã đem lòng ngưỡng mộ. Nhân hôm nay, được biết là ngày hoàng thượng chọn người tài vào khoa bảng, Chân Lộc cố ý đến xin diện kiến cũng nhân đấy muốn được cùng tân khoa tài tử của hoàng thượng tỉ thí, không biết ý của hoàng thượng có phản đối không?

Gã Chân Lộc đấy còn rất trẻ, là người ngoại quốc Chân Qua nhưng hắn nói tiếng Nam Thiên rõ ràng rành mạch đến thế kia, thật đúng là một nhân vật không tầm thường. Lại nữa, hắn kí giao kèo với vua Thuận Thái là đấu vũ kĩ, diễn xướng và nhạc thuật. Những lĩnh vực ấy thiên về xướng ca vô loại trong mắt các vị đại thần của vua Thuận Thái nên chính ngài cũng cảm thấy lo lắng vì không được đông đảo quần thần đồng thuận ủng hộ. Nay Chân Lộc lại chính miệng nói muốn cùng tài tử kim bảng của ngài tỉ thí, đây phải chăng là Chân Qua quốc kiêu ngạo quá, muốn trêu vào thế mạnh của Nam Thiên quốc hay sao? Nhưng vua vẫn thận trọng hắng một tiếng rồi nhìn thẳng Chân Lộc và các sứ thần Chân Qua, hỏi lại lần nữa:

– Ý của vương tử và hai vị sứ thần đây là muốn cùng tân khoa kì này của trẫm tỉ thí? Ại! Nhưng chẳng phải chúng ta đã nói là diễn xướng, nhạc thuật và vũ kĩ đấu sao? Tân khoa của trẫm là nhân sĩ Nho sinh, ngoài những kiến thức trong tứ thư ngũ kinh, các khanh ấy cũng chỉ biết sơ yếu cầm kì thi họa. Cũng không phải là kĩ nghệ tài tử, sao có thể đứng ra thi đấu? Không được, không được. Trẫm tự có Xướng hí phường chuyên trách về kĩ xướng. Các khanh muốn đấu thì cùng kĩ nhân, xướng sứ của trẫm đấu. Đã là tương đấu phải đúng tầm đối thủ mới là một cuộc đấu sãng khoái chứ? Đúng không?

– Hoàng thượng, ý của Chân Lộc là từ xướng kĩ ca vũ đấu nâng lên thành Mưu dũng kì phùng tương đấu.

– Thế này?…

Sau đó, hai vị sứ thần cùng Chân Lộc cùng vua Thuận Thái đàm luận thêm một hồi về điều khoản thi đấu. Cuối cùng, Chân Lộc đồng ý giao thêm ba ngàn gánh thóc cùng một ngàn con gia súc, ba mâm vàng nén và hai trăm cân thuốc quí vào giao ước, vua Thuận Thái mới đồng ý để thể thức thi đấu được nâng lên. Thể thức tỉ thí thay đổi, đối với triều thần vua Thuận Thái cũng dễ ăn nói hơn. Tuy nhiên bây giờ gánh nặng của vua đã sang qua ba vị tân khoa. Là sứ giả Chân Qua điểm mặt chọn ba vị tân khoa ra ứng thí. Nếu thắng thì chính là vinh quang tột đỉnh nhưng nếu thua, ba người chính là tội nhân thiên cổ, làm mất mặt thiên tử, còn mất đi năm trăm dặm giang sơn. Tất nhiên ba người đều rất căng thẳng. Trong ba người thảm nhất phải chính là Minh Anh. Nàng thật sự gặp nạn rồi đây! Nàng chữ cổ chẳng biết được bao nhiêu, kinh sử văn hóa nàng biết được cũng chỉ là mức độ tham khảo sách sử ghi lại thôi. Mà sử biên thì chỉ có thể nói là tương đối. Huống hồ chi khoa thi này khuyết bảng nhãn, trạng nguyên. Có lẽ nào đấy không phải khuyết mà là tử. Là hai người sẽ không may oan uổng đoản mạng trong tỉ thí lần này. Ôi, tình huống thế này có thể nào không áp lực, không hoảng sợ được đây?

Sau khi nghe được bên ngoài hoàng thượng quyết định xong, ở bên trong Hứa Du Nhiên và Phan Đình Vũ đã lấy hết tinh thần, bình tĩnh tập trung chuẩn bị ứng thí. Chỉ có Minh Anh là đang loạn đến nhũn não. Nàng thật sự sợ đấy, sợ đến run rẩy, đứng không vững luôn rồi. Hồ thái sư là ông ngoại của Hứa Du Nhiên, trong lúc đến động viên cháu trai bước ngang Minh Anh nhìn bộ dạng nàng chỉ khẽ hừ một tiếng. Hứa Du Nhiên và Phan Đình Vũ cũng cảm thấy hết sức khinh thường kẻ gọi là đồng môn đồng thí này. Hứa Du Nhiên không nhịn được chán ghét, buột miệng buông một câu:

– Nếu Lưu huynh tự thấy bản lĩnh không đủ để thi, có thể bẩm với thừa tướng đại nhân để ngài thỉnh với quân vương đổi Hà giải nguyên thay huynh ứng thí, như vậy thì không phải lo thất bại sẽ bị trị tội. Huynh nghĩ sao?

“Ý hay đó!” Minh Anh suýt tí nữa tán thành ra mặt. Nhưng vừa ngay lúc đấy lại nghe bên ngoài vương tử Chân Lộc lại nói thêm:

– Nhân đây, Chân Lộc cũng khẩn thỉnh hoàng thượng ban thêm một đặc ân. Nếu Nam Thiên quốc thua cho Chân Qua, ngoài năm trăm dặm giang sơn, thỉnh hoàng thượng cho phép Chân Lộc liên hôn cùng Vĩnh Ninh công chúa!

– Vĩnh Ninh công chúa!

Minh Anh vừa nghe đến tên ấy liền không kịp nghĩ đã bật miệng kêu ra. Chao ôi, nếu như vậy cuộc thi này thua thì Vĩnh Ninh công chúa sẽ phải gả đi Chân Qua sao? Ui! Nhưng trong lịch sử không hề ghi chép nàng ấy đã từng gả đi xa, cũng không nói nàng ấy từng gả cho ai. Ấy nhưng tình huống này…Minh Anh cũng cảm thấy nghi ngờ tính chân thật của lịch sử. Không phải. Nên nói là nàng nghi ngờ bởi vì không biết nàng xuyên không có đúng thật sẽ diễn ra như lịch sử, khi mà bao nhiêu điều nàng biết lúc này trở nên sai lệch, khác hẳn với những gì đang diễn ra? Thế nhưng công chúa Vĩnh Ninh là vị nữ nhân nàng ngưỡng mộ và si mê, đem nàng ấy làm thần tượng từ tấm bé. Nàng nhớ lúc nhỏ nghe mẹ kể chuyện, trong truyện miêu tả Vĩnh Ninh là một công chúa xinh đẹp tuyệt trần lại dịu dàng từ ái, hòa nhã với muôn dân. Nàng sống gần gũi với dân, cứu nạn cho dân mỗi khi gặp thiên tai lũ hoạn. Trong truyện cổ ấy kể Vĩnh Ninh công chúa như một vị bồ tát, mỗi lần xuất hiện đều như hiển hào quang. Hơn thế nữa khi mà triều đình rơi vào đại họa, bao nhiêu vị hoàng tử ban đầu bản lĩnh tranh đoạt lẫn nhau lúc đấy lại trở nên nhu nhược vô năng, rốt cuộc chỉ có một mình Vĩnh Ninh khí phách đứng ra thống lĩnh tư binh xông vào cung tiêu diệt loạn thần tiếm ngôi bảo toàn triều cuộc. Rồi qua bao nhiêu năm nàng tôn thờ thần tượng, vì si mê mà tìm tòi thu thập bao nhiêu sử liệu nói về nàng ấy. Bằng tâm, bằng nguyện cuối cùng nàng vì nàng ấy mà viết nên một bộ kịch bản, đem hết tất cả những gì nàng biết xây dựng, khắc họa cho ra một nàng công chúa vĩ đại nhất để làm thành phim công chiếu cho mọi người xem. Bây giờ phim thì không thể làm xong nhưng Vĩnh Ninh công chúa có thể ở ngay trong tầm mắt nàng thôi. Trước mắt, nàng không thấy mình có hi vọng thắng được Chân Qua nhưng nếu như có thể nhìn thấy được dung mạo của Vĩnh Ninh, cũng coi như chết không đáng tiếc? Nghĩ nghĩ, tự nhiên Minh Anh sinh can đảm. Nàng nhìn thẳng Hứa Du Nhiên và Phan Đình Vũ rồi nhìn sang Chân Lộc, vua Thuận Thái ở bên ngoài kia, tự ám thị trong lòng: “Chết thì chết sợ cái gì chứ? Trước khi mình đến đây mình đâu có nghĩ mình sẽ ở đây? Nếu có thể gặp được công chúa Vĩnh Ninh, đúng là rùa mù trên biển gặp phải bọng cây. Quá là vạn hạnh luôn, có gì phải hối tiếc?”

Ở bên ngoài bắt đầu điểm chuông khởi thí. Ba người Hứa Du Nhiên, Phan Đình Vũ và Minh Anh được lệnh bước ra. Đứng giữa đại điện toàn là nguyên thủ quốc gia, Minh Anh phải cố hết sức trấn an tinh thần, lấy lại bình tĩnh. Trong đại điện không khí căng thẳng trịnh trọng lại không ai biết bên ngoài cũng có một người vô cùng lo lắng đang vội vã chạy đến Tập Hiền điện xem cuộc đấu diễn ra. Đấy là một cô nương tuổi chừng đôi tám, dung mạo tinh xảo lung linh. Nàng mặc một bộ cung y màu vàng nhạt, trang sức tinh tế nổi bật ra vẻ quí phái và trang trọng thêm cho thân phận nàng. Trên đầu nàng cài hai chiếc trâm vàng kim loan ngân phụng, là biểu tượng quyền quí của hoàng thân vương triều Triệu thị. Thế nhưng nàng đang trong tư thế cực kì khiếm lễ đối với một nữ nhân nơi cung nghi. Vâng, một nữ nhân mặc cung y lộng lẫy thế kia nhưng lại bỏ mặc lễ nghi tác phong đang xoắn tay áo, nắm chân váy gia tăng cước bộ chạy thật nhanh đến Tập Hiền điện xem đấu. Phía sau nàng là một cung nữ cũng hớt hơ hớt hãi chạy vội theo, miệng gấp gáp hô:

– Công chúa! Xin người chậm một chút! Chờ nô tì với!

Người vừa gọi là cung nữ Thanh Nhi, người theo hầu cận công chúa Vĩnh Ninh, viên bảo ngọc minh châu trân quí vô biên của hoàng đế Thuận Thái. Vĩnh Ninh công chúa gấp gáp như vậy đến Tập Hiền điện một phần là bởi vì hiếu kì muốn xem trận đấu, phần là bởi vì nghe trận đấu thắng thua sẽ có liên quan đến vận mệnh, tương lai hạnh phúc của nàng. Mà hơn nữa, Thanh Nhi còn biết công chúa nóng lòng đi đến là bởi vì trong số thí sinh dự đấu có người mà công chúa mong nhớ. Hứa Du Nhiên, tài tử phong lưu nhất Trấn Bắc kinh đô, cháu ngoại của thái sư, là người mà Vĩnh Ninh thầm ngưỡng mộ bấy lâu. Trước đây, nàng thường dẫn theo Thanh Nhi lén xuất cung đến nhờ vã phủ của tứ hoàng huynh An Định Vương Triệu Vinh, mượn ngự tứ gấm bào của hoàng huynh, cải nam trang để bước vào Quốc Tử Giám nhìn trộm Hứa Du Nhiên để thỏa lòng thầm mến. Nàng và Hứa Du Nhiên đã âm thầm ước định nếu Hứa Du Nhiên đạt trạng nguyên vị sẽ thỉnh cầu hoàng thượng ban hôn. Bây giờ đến thời khắc quan trọng lại đột nhiên xuất hiện đoàn sứ giả Chân Qua. Vĩnh Ninh làm sao có thể không khẩn trương? Cũng không biết phụ hoàng của nàng có tâm tư ra sao, nhưng nàng chỉ biết nàng muốn cho Hứa Du Nhiên. Nếu hôm nay Hứa Du Nhiên ở đại điện thua cho thái tử Chân Qua kia, nàng cũng sẽ ương bướng không nghe, khước từ định ước thà chết cũng không gả cho bọn người ngoại bang ấy. Tiếng tăm Vĩnh Ninh công chúa ương ngạnh bướng bỉnh, cả kinh thành ai ai cũng biết. Lần này còn là vì tương lai hạnh phúc cả đời của nàng, nàng càng không thể không thể hiện hết mình.

Vốn là Vĩnh Ninh đang nhiễm phong hàn, từ sáng sớm đã thấy trong người khó chịu, luôn phải hắt hơi. Lúc này, vì vội vã chạy đi, nàng cũng không kịp phủ áo choàng thêm, gió lạnh thấu xương cho nên lại tiếp tục hắt hơi, tình huống vô cùng khó chịu. Đúng lúc cần kíp nhất, chiếc khăn trên tay của Vĩnh Ninh lại bị gió bay. Nàng còn chưa biết tìm đâu thì cung nữ Thanh Nhi ở phía sau nhanh tay nhặt lên cái khăn ở trong chậu cây ở ven hành lang đưa cho công chúa. Vĩnh Ninh cũng không kịp nhìn rõ, cầm lấy khăn bịt mũi để ngăn gió lạnh tạt vào mặt rồi thật nhanh hướng đến Tập Hiền điện.

Ở bên trong điện, phía Chân Qua bắt đầu ra đề mục. Đầu tiên chính là một bức tranh chữ với mấy câu đối hết sức khó hiểu:

– Cao không tưởng, rộng không lường, xa không nhìn thấu, lại gần trong tâm tư. Đây là chữ gì? – Sứ giả Chân Qua đứng bên phải vương tử Chân Lộc đứng lên tuyên nói.

Cả vua quan triều thần Nam Thiên quốc đều căng thẳng suy nghĩ. Rốt cuộc là chữ gì mà có hình dung kì lạ như vậy? Toàn bộ triều thần của Nam Thiên nhất thời đều lộ ra kinh sợ, bâng khuâng tột độ. Vua Thuận Thái cũng là một bậc anh minh tinh thông thiên tự thế nhưng nhất thời cũng không nghĩ nổi đáp án sẽ ra chữ gì? Đã cao còn rộng, đã xa còn gần nhưng lại chỉ một chữ ư? Chữ nào mới có thể hội đủ các yếu tố đó? Đây quả nhiên là một câu đố khó. Đám người Chân Qua thật là quỉ quyệt. Chỉ mới một câu đầu đã kì quái như thế, xem ra họ đến là đã nắm chắc phần thắng trong tay. Vua Thuận Thái hận chết mình vì một lúc vui say mà bị người ta gài bẫy, ép cho bản thân làm ra quyết định hồ đồ như vậy. Lần này e rằng không chỉ thua năm trăm dặm non sông mà còn thua cả danh dự, thua cả anh uy của một thiên tử mà ngài đã cố gắng một đời kiến tạo.

Đang lúc vua một bụng ăn năn, áy náy, ánh mắt buồn rầu uể oải nhìn về phía các đại thần, rồi nhìn về phía ba vị khảo sinh hít một ngụm dài, trầm giọng hỏi ra:

– Các vị ái khanh, các khanh có đáp án không?

Ba người Hứa Du Nhiên, Phan Đình Vũ và Minh Anh cũng căng thẳng thận trọng nặn óc nghĩ suy. Hứa Du Nhiên nhìn sang hai vị đồng thi, thấy cả hai đều lặng im không chút động tĩnh. Hắn liền sinh kiêu ngạo, bước lên một bước, vẻ tự tin trấn tỉnh nhìn thẳng bức tranh và mỉm cười với vua Thuận Thái đáp:

– Bẩm hoàng thượng, vương tử sứ thần và các vị đại nhân, học trò Hứa Du Nhiên mạo muội đoán ra, đáp án của câu hỏi trên là một chữ Thiên.

– Thiên? – Chân Lộc nhướng mi hỏi lại.

– Cao không tưởng, rộng không lường, còn chữ nào cao rộng hơn “thiên” sao? Xa không nhìn thấu, gần trong tâm tư. Có ai biết được Thiên xa tận đâu, nhưng hễ nghe nói đến chữ Thiên lại còn có ai không hiểu? – Hứa Du Nhiên tự nhiên giải nghĩa, ngữ khí khẳng khái, phong độ vô cùng.

Vương tử Chân Lộc và các sứ thần của mình nhìn nhau, sau đó Chân Lộc cười lên, hướng đến vua Thuận Thái gật đầu ngợi khen.

– Quả nhiên Nam Thiên quốc linh khí hội tụ, anh tài như mây! Chân Lộc kính phục Thuận Thái bệ hạ! Chúc mừng bệ hạ đã thắng hiệp đầu tiên.

Vua Thuận Thái nghe nói xong, hả hê cười vang. Hứa Du Nhiên lập công đầu tiên, cũng được nhà vua ưu ái dành cho ánh mắt tán thưởng. Quần thần cũng thở phào một tiếng, vừa mừng vừa hứng khởi vì Nam Thiên quốc lại có thêm một tài tử tinh anh. Chỉ có Phan Đình Vũ và Minh Anh ở phía sau Hứa Du Nhiên vẻ mặt cũng không chút thoải mái đâu. Nếu như Phan Đình Vũ là cảm thấy trong bụng không vui vì oai phong trong đại điện hôm nay cư nhiên đã bị Hứa Du Nhiên giành hết. Còn Minh Anh thì lại cảm thấy dường như phía Chân Qua có gì đó kì quái. Theo như nàng quan sát, ánh mắt và thái độ của Chân Lộc và Điền Trí dường như chín phần đã buông thả cho đáp án của Hứa Du Nhiên đoán đúng. Đấy là cuộc cược thí, thắng thua còn có giá trị đến như thế nhưng Chân Lộc có thể điềm tĩnh đến mức vô ưu vô nghi, sợ rằng khó khăn thật sự mới là ở phía sau.

Đúng như ý nghĩ của Minh Anh, phía Chân Qua chuẩn bị hiệp đấu thứ hai. Lần này, phía Chân Qua trưng ra một bức tranh thêu trên nền một loại tơ lụa óng ánh lung linh. Nhưng đáng chú ý nhất ở bức tranh là nét thêu một con cá không mắt. Sứ thần Chân Qua đàn lên một nhạc khúc rồi hỏi đấy là ám chỉ nhân vật nào? Là một câu hỏi về kinh sử, thế nhưng gợi ý mơ hồ như thế, đừng nói ba vị khảo sinh không thể nào tin nổi, mà cả triều đình Nam Thiên quốc đều không nghĩ ra. Người thì đoán sự tích Khương Tử Nha câu cá đợi Chu Văn vương. Người thì đoán sự tích cá chép vượt vũ môn, người thì nghĩ truyền thuyết táo quân…Thế nhưng chẳng một ai dám chắc với đáp án của mình nên không dám công bố nói. Ba người Hứa Du Nhiên, Phan Đình Vũ, Minh Anh cũng đều như vậy. Minh Anh cũng cố gắng suy nghĩ nhưng thật sự câu đố quá khó hiểu. Điển tích gì mà có nói đến con cá không mắt? Còn nữa, bài nhạc kia nghe chẳng hiểu làm sao! Nhưng nếu như Minh Anh đoán không sai, âm điệu của bài nhạc dường như là kiểu âm tiết dân ca của vùng Tây Nam nước Việt cổ?

Nghĩ đến đó, Minh Anh chợt phát hiện con cá có điều khác biệt. A! Là một con cá với đường nét bút vẽ uyển chuyển rất đẹp. Cả một bức tranh to lớn, con cá lại chỉ nằm trầm xuống nép gọn mình về phía tây, vẻ mặt tràn đầy tâm tư nhưng bởi vì thiếu mắt cho nên mọi người nhìn vào chỉ chú ý mỗi một chi tiết này thôi. Thế nhưng càng nghĩ càng phân vân, Minh Anh cũng không dám chắc chắn mình nghĩ đúng. Nàng nhìn sang vẻ mặt của Điền Trí và Chân Lộc. Điền Trí tâm tư kín đáo nhưng nàng nhìn được trong mắt Chân Lộc lúc này tràn đấy kiêu ngạo. Mấy vị cổ nhân này thật sự khó hiểu quá đi! Thần thần bí bí, ra câu hỏi đã hốc búa mà thái độ của bên ra câu hỏi càng khiến cho người ta hoang mang. Minh Anh không có bản lĩnh kinh sử thiên văn cho nên không dám mạnh miệng như họ Hứa kia, nhưng nàng không muốn để thua cuộc thi là bởi vì Vĩnh Ninh công chúa. Cho nên nàng không chủ động đưa ra đáp án mà ở bên cạnh âm thầm dùng độc tâm thuật để ý từng động tĩnh của Chân Lộc và cả những sứ thần Chân Qua chờ cơ hội để hỗ trợ cho Hứa Du Nhiên giành chiến thắng.

Đang lúc mọi người còn chưa dám chắc đáp án, tiếng chuông báo hiệu hết giờ đã đến, thái tử Chân Lộc nhìn về phía vua Thuận Thái chờ ý. Vua Thuận Thái mới nhìn sang ba vị khảo sinh của mình hỏi:

– Ba vị khanh gia đã có đáp án chưa?

Hứa Du Nhiên nhìn về phía hai vị đồng thí với mình, thấy cả hai đều vẻ mặt trơ trơ, ngơ ngác làm sao! Họ Hứa liền nảy sinh ý nghĩ kiêu căng, hất tay áo ra sau bước lên một bước nhìn thẳng bức tranh rồi bẩm với vua Thuận Thái:

– Bẩm hoàng thượng, học trò suy đoán bức tranh đấy là điển tích Chuyên Chư sát tử Ngô vương Liêu. Tương truyền, thời chiến quốc, Ngô vương Liêu là một hôn quân tham dục bất nhân, có những thú ăn uống vô cùng tàn bạo và đầy u mê. Ví như con cá không mắt trong tranh kia. Cho nên công tử Quang đã dùng đến Chuyên Chư, một sát thủ ẩn danh dưới thân phận đầu bếp, làm một món cá ngon dâng lên cho Ngô vương, nhân đó hành thích Ngô vương.

Chân Lộc quay sang nhìn hai vị sứ giả đi cùng với mình rồi lại nhìn sang vua Thuận Thái, mới đứng lên hỏi lại Hứa Du Nhiên lần nữa:

– Không biết vị này là…

– Học trò là Hứa Du Nhiên. – Hứa Du Nhiên hiên ngang lẫm lẫm đáp lời với thái tử Chân Qua.

Chân Lộc gật gật rồi lại nhìn sang cả ba người tân khoa Hứa, Phan, Lưu trên đại điện, hỏi lại lần nữa:

– Tức là Nam Thiên quốc đoán bức tranh này ám chỉ Ngô vương Liêu, phải không?

Vua Thuận Thái nhìn thái độ đắc chí của Chân Lộc rồi lại nhìn về các vị bá quan của mình sau đó mới nhìn về ba vị khảo sinh, ánh mắt tràn đầy ưu tư. “Chân Lộc có thái độ kia, không lẽ là Hứa Du Nhiên đoán sai? Nhưng nếu không phải Ngô vương Liêu, không lẽ Chân Lộc lại ra câu hỏi dễ dàng như vậy, là Khương Tử Nha?”

Vẻ mặt vua bâng khuâng nhìn nhìn về phía Phan Đình Vũ và Minh Anh, mong chờ hai người sẽ có đáp án gì hay ho. Nhưng hai kẻ thế kia lại gục mặt thật sâu, không dám nhìn vào ánh mắt vua. Chân Lộc nhìn ra thái độ của vua, hắn mới bước lên giở bức tranh ra chuẩn bị công khai đáp án:

– Quả nhiên tân khoa của Nam Thiên quốc là những bậc anh tài am hiểu kinh thư sử sách cổ kim. Bức tranh này của một họa sĩ vô danh sống ở Ngô quốc nhưng năm chiến quốc vẽ ra. Đúng thật là có nhắc đên một điển tích về một vị quân vương u mê lầm lỡ nên mới để kẻ gian có cơ hội thiết lập mưu làm nguy cho đất nước. Nhưng vị quân vương trong bức tranh ám chỉ không phải là Ngô vương Liêu. Dựa vào âm tiết trong nhạc khúc, không lẽ các vị không nhận ra là âm điệu của vùng nào sao?

Chân Lộc đã nói đến đây, Minh Anh liền sáng tỏ. Nói như vậy, hẳn là nàng nghĩ đúng. Đây là cơ hội trong khoảnh khắc, nàng không thể bỏ lỡ, liền nhanh miệng vọt lên nói ngay:

– Ý của Chân Qua vương tử ngài đây là đang nói đến Ngô vương Phù Sai? Âm tiết bài nhạc kia là giai điệu dân ca của nước Việt. Còn con cá mù mà bức tranh của vương tử muốn ám chỉ, ý là đang nói đến Trầm ngư mỹ nữ Tây Thi của nước Việt phải không?

Chân Lộc trợn tròn to đôi mắt nhìn nàng. Có chút bất đắc dĩ, nhưng gã cũng khéo léo che đậy tâm tư, nhíu mày vuốt cằm nói:

– Vị đây là…

– Ta…À. Học trò Lưu Kì Anh.

– Lưu Kì Anh! – Chân Lộc lẩm nhẩm tên nàng xong, lại nói – Ngươi có thể nhìn vào tranh thêu mà đoán nhân vật là Tây Thi, ngươi chính là người thứ hai trên thế gian. Bẩm hoàng thượng, hiệp thứ hai Chân Lộc xin chịu thua!

– Giỏi lắm! Lưu Kì Anh, ngươi thật thông thái! Ghi cho ngươi một công! Vương tử, tiếp tục đi! – Vua Thuận Thái phấn khích khoa tay.

Chân Lộc mỉm cười liếc nhìn Lưu Kì Anh, rồi lại nhìn sang Hứa Du Nhiên. Không biết trong đầu gã nghĩ gì kia, thế nhưng sau đó người của gã mang ra một chậu nước. Chân Lộc thản nhiên như không bước đến nhúng tay vào nước rửa tay rồi quay sang vua quan triều đình Nam Thiên nói:

– Tiếp theo đến lượt tiểu vương tự mình xin được thử sức với ba vị hiền tài của quí quốc. Vừa qua đã dùng tranh vẽ để thử tài các vị hiền nhân đủ thấy các vị hiểu biết sâu xa, am tường tinh tế về họa kĩ. Nhân đây, Chân Lộc cũng muốn học hỏi một chút tinh túy họa pháp của Nam Thiên quốc. Mong các vị tận tình chỉ dạy cho!

Thuộc hạ mang lên giá vẽ, giấy, bút, nghiên mực màu chờ sẵn. Chân Lộc quay sang ba người Hứa, Phan, Lưu, thấy cả ba đều vẻ mặt căng thẳng đứng sát cạnh nhau. Gã cười khì rồi nghiêng đầu, nhìn ba vị tân khoa kia, sau đó lại nhúng tay vào chậu nước lần nữa, mới nói:

– Không biết ba vị đây sẽ cử vị nào ra cùng bổn vương thí hay là… cả ba người cùng ta tỉ thí?

Thái độ Chân Lộc đầy châm chọc. Ba kẻ khảo sinh cũng không dám tùy tiện bước lên. Thứ nhất là bởi vì tài tử bản lĩnh nhất trong họ Hứa Du Nhiên văn sử tinh thông, anh tài kinh bang tế thế nhưng lại không chuyên sâu về họa kĩ. Phan Đình Vũ vẽ khá hơn Hứa Du Nhiên một chút, nhưng đây là một cược thí quan trọng, hơn thế nữa lại là đấu với đích thân vương tử phiên quốc, người có thân phận tương lai sẽ thừa kế Chân Qua quốc. Tuy không biết bản lĩnh thật sự của Chân Lộc đến đâu, gã lại dùng phần cược lớn như vậy, còn tự mình đứng ra tỉ đấu thì hiển nhiên gã đã có chuẩn bị. Để cho Nam Thiên quốc thắng hai trận, trận thứ ba này chắc chắn không dễ dàng thắng được. Hai người đồng thi Hứa Du Nhiên, Lưu Kì Anh đã giành được thắng lợi, nếu như đến lượt Phan Đình Vũ hắn thua cuộc, khác nào hắn tự mình chuốc nhục, không thể ngẩng đầu lên sao?

Còn trong mắt của Hứa Du Nhiên, hắn cũng tự biết bản thân họa pháp chẳng bằng ai. Nhưng thay tin tưởng Lưu Kì Anh một kẻ xuất thân bần hàn, hèn mọn nhát gan, hắn thà tin tưởng trao trọng trách cho Phan Đình Vũ, tài tử xuất sắc Đông Kinh. Vì thế, hắn hất cằm bảo Phan Đình Vũ bước lên. Phan Đình Vũ ngần ngại nhìn sang vua Thuận Thái và các vị thượng quan phía trên. Thật lòng, hắn biết lần thí này hắn không thể thoái thoát rồi. Chỉ mong vua và các vị triều thần gật đầu khích lệ hắn một cái, để hắn an tâm, lỡ như có thua trận cũng sẽ không bị xử tội hắn.

Trước mắt, thấy Phan Đình Vũ vẫn chần chừ không chịu đứng ra ứng thí. Phía Chân Lộc cũng bắt đầu nôn nóng, hướng nhìn vua Thuận Thái như muốn thúc giục. Minh Anh thấy vậy mới bước đến rỉ tai Phan Đình Vũ nói:

– Hai vị huynh đài, nếu như vương tử Chân Qua không chấp nhất, hay là cả ba chúng ta…

– Nhảm nhí! – Hứa Du Nhiên gắt giọng cắt ngang lời của Minh Anh. – Lí nào Nam Thiên quốc chúng ta không có tiết tháo đến như vậy, chỉ là vẽ một bức tranh mà đến ba người dụng công. Thế thì có thắng thì cũng chẳng hay ho gì!

Minh Anh còn muốn nói gì đó nhưng Hứa Du Nhiên đã mặc kệ nàng, kéo Phan Đình Vũ bước ra đến trước mặt Chân Lộc. Chân Lộc nhìn lướt Phan Đình Vũ rồi quay sang vua Thuận Thái nói:

– Tiểu vương nghe nói Nam Thiên quốc lấy Bạch Liên Tử làm quốc hoa, tôn vinh sự thanh khiết, tôn quí của liên hoa. Như vậy, chúng ta vẽ liên hoa đi!

– Liên hoa?

Cả triều đình Nam Thiên quốc đều kinh ngạc nhìn nhau. Lí nào lại dễ dàng đến như vậy? Vương tử Chân Lộc này giàu có quá mức đem sản vật và đất đai ra đánh cược như một trò đùa thế sao? Gã đã thua hai cuộc rồi vẫn không chút nao núng, bây giờ còn hào phóng đến mức lấy họa tích quốc hoa của Nam Thiên quốc để thí với tài tử Nam Thiên ư? Tất cả mọi người hồ nghi nhìn nhau. Hứa Du Nhiên thấy vậy, mới huých nhẹ vào vai Phan Đình Vũ, trấn an:

– Với tài nghệ của Phan huynh, một đóa liên hoa sẽ giúp huynh lưu danh thiên cổ. Huynh còn e ngại gì nữa?

Phan Đình Vũ lúc này mới gật đầu nhấc bút. Hứa Du Nhiên giúp hắn mài mực, châm màu. Phía vương tử Chân Lộc gật đầu một tiếng, Lê công công dùng nén nhang cắm xuống định thời gian thí, đồng thời gõ một hồi chuông bắt đầu. Vương tử Chân Lộc lại một lần nữa nhúng tay vào chậu nước của gã, sau đó ấn cả bàn tay lau nhẹ trên mặt giấy, rồi lại thổi khô. Động tác của gã rất nhanh, nhìn vào cứ như hắn đang dùng tay miết nhẹ vuốt phẳng giấy vẽ thôi.

Minh Anh rất tinh mắt, bắt đầu ngờ ngợ sự bất thường trong chậu nước của Chân Lộc rồi. Ấy nhưng hai tên đồng thí xem thường nàng quá. Mà lúc này, nàng cũng không thể tiếp cận Tô thừa tướng hay đại thần nào để nói ra nghi vấn của mình. Thôi! Dù sao thì cũng chỉ là một nhân vật phụ, Minh Anh cũng không để tâm thái độ của mọi người. Họ không nhìn đến nàng, nàng càng có thời gian để quan sát và suy đoán tình huống ấy chứ!

Với tầm nhìn của một nhà biên kịch, Minh Anh bắt đầu suy đoán động cơ, thái độ, ý đồ của Chân Qua trong cuộc thi quái lạ này. Trên đời làm gì có thứ nào miễn phí? Trong thiên hạ cổ đại này, khi mà tướng sĩ phải ngày đêm ở chiến trường tranh chấp từng chút tấc đất cho quê hương, Chân Lộc này lí nào lại điên khùng mang cả năm trăm dặm đất đai dâng ra cho Nam Thiên quốc như một trò đùa như thế? Chắc chắn là có mưu đồ. Nếu như vậy, gã nhất định cũng có bày bố âm mưu quanh đây. Minh Anh nhìn nhìn xung quanh một lượt Tập Hiền điện, nhìn đám hộ vệ xung quanh vua Thuận Thái và thái tử Triệu Thành, sau đó mới nhìn lại quanh Chân Lộc, nhìn đến Điền Trí liền sực nhớ ra gã này mấy hôm trước đã mờ ám bí mật đi lại trong kinh thành. Quả nhiên là không đơn giản rồi! Nàng bắt đầu xăm soi từng động thái Điền Trí và cả hai vị sứ thần Chân Qua đứng cùng hắn ta. Lại nữa, nàng cũng không quên chậu nước kì lạ mà Chân Lộc nhúng tay liên tục ấy. Hay là chậu nước này có gì đó?

Nàng lại nghĩ đến chiếc khăn chứa thuốc bột mà Tĩnh vương Triệu Khánh đưa cho nàng hôm trước sau đó mới vỡ lẽ ra. “Ha! Ta biết rồi! Hôm đó, Điền Trí đi cùng ta đến Tụ Oanh Các. Trùng hợp Tĩnh vương Triệu Khánh cũng ở đó. Nhất định là Triệu Khánh cấu kết với Điền Trí. Triệu Khánh muốn lợi dụng mình tay với hai người Hứa, Phan này. Vậy còn phía Điền Trí và Chân Lộc không biết còn thủ đoạn gì đây?”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.