Chu Mẫn sốt ruột đạp xe thẳng đến trụ sở hội văn học nghệ thuật phố Bắc Đại. Xe đi được nửa đường thì dừng lại, đi bộ để trấn tĩnh tâm tư tình cảm căng thẳng. Khi đến Hội, thấy khá nhiều người ở đó, lại không sao nén được hồi hộp, liền ngồi xổm ở một bên xa xa nhìn vào. Cổng cơ quan bằng sắt, không to, có một người đàn bà dắt một con bò sữa lưng vằn, vừa nói chuyện với người bên cạnh, vừa cầm cốc sứ vắt sữa dưới bụng bò. Trong sân có một người kéo dép lê đi tốt, dáng lùn, tóc dài dựng ngược loà xoà, mặc một áo lót đen, có in chữ cái phiên âm màu vàng ở cả đàng trước trước ngực và sau lưng. Con bò sữa đột nhiên rống lên một tiếng. Mọi người đều nói:
– Bò gọi anh đấy!
Rồi cười ầm lên.
Người kia bảo:
– Bò gọi tôi là sợ các anh uống hết sữa. Mình đề nghị dắt một con bò đến bán sữa, nhưng ngụm sữa đầu tiên bao giờ các anh cũng uống trước.
Người đàn bà nói:
– Cả tháng nay không thấy anh đâu, con bò này dọc đường cứ ì ra, sữa cũng ít. Hôm nay vào thành phố, nó không chịu dừng ở đâu, cứ đi thẳng tới đây tôi nghĩ lạ quá chắc là anh đã về rồi thì phải? Quả nhiên anh về thật. Tại sao anh gầy rộc đi thế?
Người đó trả lời:
– Không có sữa chẳng gầy đi thì sao?
Người đàn bà nói:
– Nhưng bụng thì phệ ra.
Người đó cười, vỗ vỗ vào bụng, liền cúi xuống dưới bụng bò, ngửa cổ lên ngậm mồm vào nụ hoa, lấy tay bóp sữa bú. Chu Mẫn ở bên này nhìn sang cảm thấy buồn cười, các vị văn nhân ở trụ sở hội văn học nghệ thuật quả là kỳ quặc, vắt sữa xong uống tại chỗ, không cần nấu kể cũng lạ, làm gì có chuyện ngậm vú bò mà bú thế kia! Lại nghe thấy những người bên cạnh bàn tán chuyện bụng phệ của người đó. Họ bảo:
– Đương nhiên bụng đã phệ ra, chị thử hỏi xem anh ấy đi đâu?
Người đàn bà nói:
– Đi đâu ăn sơn hào hải vị thế? Ca dao ở ngoài phố nói “Người loại tám làm tuyên truyền dăm ba hôm một bữa giải cơm thèm” anh lại đi họp gì vậy?
Người bên cạnh nói:
– Chị nhìn áo của anh ta kia kìa, chữ phiên âm trên áo là gì nhỉ? Ở ngực là “Bia Hanci”, ở lưng là “Hanci Bia”, bụng nào mà chẳng phệ ra kia chứ?
Chỉ nghe một tiếng “phì”, người đang bú sữa dưới bụng bò, bật cười, sữa trắng phau phau bắn cả vào mặt vào cổ, cũng thôi bú, đứng dậy trả tiền, lại cười nói vài câu, rồi lẹp kẹp dép đi vào. Người đàn bà đếm tiền, bảo trả thừa xin hoàn lại, người đứng cạnh nói:
– Anh ấy bú có lẽ nhiều đấy, hơn nữa người khác phải vắt ra bán, còn anh ấy bú trực tiếp, giá đương nhiên cao hơn.
Người đàn bà bảo:
– Hôm nọ có một cậu ở phổ Nam mua sữa, bảo người ta bú được thì cậu cũng bú, kết quả bú không ra sữa, trái lại bị con bò đái cả vào đầu tanh ngòm.
Người đứng cạnh nói:
– Thế còn tốt đấy, nếu cậu ta nhầm, không khéo bú vào cái gì khác của con bò cũng nên.
Một trận cười rộ lên, người đàn bà giơ nắm đấm thụi vào cái mồm đáng ghét kia rồi dắt bò đi. Những người mua sữa cũng tự giải tán. Chu Mẫn thấy người đàn bà dắt bò đi, người mua sữa cũng mỗi người một ngả, liền đứng lên táo bạo bước tới. Giữa lúc ấy có một bà già gác cổng đi ra đóng cửa sắt đưa mắt nhìn chằm chằm vào anh. Vừa may có ai đó phóng xe đạp, phanh cực nhanh, đỗ xịch ngay trước cổng, bà già ngăn lại hỏi:
– Anh làm gì thế?
Người ấy đáp:
– Tôi tìm Vương An, ông ấy là nhạc sĩ, nhà ở gác đàng sau.
Bà già bảo:
– Anh ở cơ quan nào?
Người ấy đáp:
– Tra hộ khẩu à?
Bà già nóng nảy:
– Tra hộ khẩu thì sao nào? Nước có phép nước, nhà có nội qui. Tôi gác cổng chính của Hội văn học nghệ thuâ. Đây là trách nhiệm của tôi.
Người ấy nói:
– Vâng, vâng, tôi ở Nhà văn hoá Tháp Yên, họ Lưu tên là…
Bà già bảo:
– Tôi chẳng cần biết tên anh là gì. Tôi gọi ông ấy đến.
Bà đi vào phòng thường trực ở cổng thổi phù phù vào micrô, quay đầu hỏi:
– Có tiếng không?
Chu Mẫn đáp:
– Có tiếng.
Bà già nói:
– Mời thầy giáo Vương Anh xuống có khách. Mời thầy giáo Vương Anh xuống có khách!
Bà gọi ba lần, tiếng dội vang cả ngôi nhà. Bà già thò đầu ra bảo:
– Người đi vắng, lúc khác đến nhé!
Tiếp theo bà hỏi Chu Mẫn có việc gì. Chu Mẫn định nói cần gặp Trang Chi Điệp nhưng đột nhiên quyết định không gặp nữa, nghĩ bà già này gọi như vậy, y hệt mụ chủ nhà chứa thời xưa, nếu quả thật gọi Trang Chi Điệp xuống tiếp khách, mình sẽ giới thiệu bản thân thế nào, lại đứng ngay ở cổng, một hai câu nói sao hết được? Chu Mẫn liền quay về nhà Mạnh Vân Phòng, may sao Mạnh Vân Phòng vừa về, định dẫn anh cùng đi. Chu Mẫn vẫn còn căng thẳng trong lòng, liền bảo cứ chờ tạp chí ra đã, đưa bài viết cho Trang Chi Điệp xem, sẽ dễ ăn dễ nói hơn.
Khi về nói lại với Đường Uyển Nhi, Đường Uyển Nhi liền mắng xơi xới:
– Anh còn cầu kỳ định tìm thế giới nào nữa! Anh mới là thằng ngốc! Trang Chi Điệp đã trở về thành phố, anh mau mau đi gặp, định chờ anh ấy đi đến chỗ Cảnh Tuyết Ấm trước, lộ hết mọi chuyện nổi giận lên ư?
Chu Mẫn hối hận cứ vỗ đầu bồm bộp, Đường Uyển Nhi nói:
– Thế này vậy, nhờ sự phú quý của người ta, tại sao mình không sắp cỗ mời anh ấy đến nhà?
Chu Mẫn bảo:
– Anh ấy không chịu đến đâu?
Đường Uyển Nhi nói:
– Nhờ thầy Mạnh Vân Phòng đi mời. Đầu tiên nói rõ lý do, sau đó nói đến chuyện bài báo. Nếu sự việc suôn sẻ, anh ấy sẽ đến. Nếu không đến, chuyện đến toà soạn coi như chấm dứt, cũng khỏi phải đến chỗ người ta rách việc.
Chu Mẫn hấp tấp đi gặp Mạnh Vân Phòng, Mạnh Vân Phòng đi nói với Trang Chi Điệp, trả lời đồng ý đến ăn cỗ, hai anh chị mừng quýnh, bắt tay ngay vào sửa soạn cho bữa tiệc, định vào ngày mười ba tháng này.