Phế Đô

Chương 23



Ngưu Nguyệt Thanh đi đến nhà Uông Hy Miên lấy tiền mặt, cứ sợ tiền nhiều nguy hiểm nên đã bảo Liễu Nguyệt cùng đi. Hai người lại thay quần áo cũ, Ngưu Nguyệt Thanh xách cái làn rau, bên dưới là tiền, bên trên xếp một số lá cải trắng. Liễu Nguyệt không đi sóng đôi mà lui lại đàng sau ba bước, không gần cũng không xa, tay lăm lăm một hòn đá, nắm chặt tới mức mồ hôi chảy ra ướt rượt.

Cứ đi bộ một mạch như thế, đi qua đại lộ Đông, đi đến cổng bưu điện Gác Chuông, ở đó treo một tấm bảng quảng cáo, trên đó viết: “Tạp chí Tây kinh số mới nhất, lần đầu tuyên bố chuyện bí mật tình yêu của nhà văn nổi tiếng Trang Chi Điệp”. Ngưu Nguyệt Thanh nhìn thấy, chợt sững lại, liền cúi xuống đặt làn rau giữa hai chân, vội vàng sai Liễu Nguyệt vào mua một cuốn, đem ra xem tại chỗ, bồn dưng thở hổn hển, mồm mặt tái xanh. Liễu Nguyệt không biết trong sách viết những gì, cũng không dám hỏi. Về đến nhà Trang Chi Điệp đi vắng. Ngưu Nguyệt Thanh tự vào giường nằm. Liễu Nguyệt hoảng quá không biết làm cơm nào ngon, liền vào buồng hỏi, Ngưu Nguyệt Thanh đáp “Tuỳ ý!”. Tùy ý là cơm gì? Liễu Nguyệt đành làm món bánh chiên mà mình hay làm, xào một đĩa khoai tây, nấu một nửa nồi cháo gạo tẻ táo tàu. Nấu xong cơm, nhìn sắc trời tối dần, ngồi một mình trong phòng khách, lại cảm thấy buồn chán, vừa ra ngoài cổng thay đổi không khí, thì Trang Chi Điệp đẩy xe máy “Mộc lan” đi vào. Trang Chi Điệp đưa cuộn phim đã chụp cho một cửa hàng rửa ảnh để rửa, bởi cần hai tiếng đồng hồ, liền ra cạnh phố xem bốn bà già chơi bài. Bà nào cũng đeo kính gọng cứng, vừa chơi bài, vừa noi chuyện với một người đàn bà ở chênh chếch bên kia phố. Người đàn bà ấy vục vịch, gò má cao, mồm lại vẩu đang phơi bánh quả hồng trên một cái chiếu trước cửa. Trang Chi Điệp thầm nghĩ, người đàn bà này phơi bánh quả hồng, không có vị ngọt, chỉ có mùi thối. Một bà già thấy Trang Chi Điệp nhìn người đàn bà kia, nháy mắt bảo:

– Anh thấy chị ta khổ sở phải không? Nhưng chị ta là bà chủ lắm tiền, ngày thường rảnh rỗi chơi bài, tiền nhét trong áo ngực, móc một cái ra cả xấp!

Trang Chi Điệp hỏi:

– Chị ấy làm gì mà lắm tiền thế?

Bà già đáp:

– Người ở mãi núi Chung Nam, thuê mặt phố bên này bán bánh quả hồng, suốt ngày dùng bột đá trắng tẩm lên bánh quả hồng, giả làm bột khô.

Trang Chi Điệp nói:

– Sao lại làm chuyện thất đức thế, ăn vào chẳng đau bụng hay sao?

Bà già đáp:

– Ai mà quản lý được? Anh cần hỏi chị ấy không?

Bà già liền cao giọng gọi sang cửa hiệu chênh chếch bên phố.

– Mã Hương ơi, đồng chí này nói chuyện với chị đấy!

Người đàn bà xấu xí đứng nguyên tại chỗ, nhìn Trang Chi Điệp đi sang, hỏi:

– Mua bánh quả hồng hả?

Trang Chi Điệp hỏi:

– Bánh quả hồng này bột trắng như thế, có lẽ không phải bột đá sống đâu nhỉ?

Người đàn bà xấu xí hỏi:

– Anh ở đâu vậy?

Trang Chi Điệp đáp:

– Ở hội nhà văn.

Người đàn bà xấu xí cứ tưởng là thợ làm giày, bởi vì hai chữ làm giày đồng âm với hai chữ viết tắt hội nhà văn, đều đọc là “zùo xíe”, nên chị ta kêu lên:

– Ồ làm giày hả, có nhà các anh làm giày mới làm đồ dỏm, đôi giày này tôi mới mua được một tuần, thì mũi đã há toác ra!

Trang Chi Điệp nói:

– Đâu có phải làm giày? Viết văn đấy! chị có biết toà báo không? Gần giống như toà báo ấy mà!

Người đàn bà xấu xí lập tức bưng bánh quả hồng phơi khô, quay người đi thẳng vào trong nhà, đóng cửa lại. Các bà già chơi bài đều cười. Một bà nói:

– Cái gì mà không giả kia chứ? Anh có tin rằng mình cắn được tai mình không?

Trang Chi Điệp đáp:

– Nếu có cái thang thì tôi tin.

Bà già nói:

– Anh cũng dí dỏm đáo để, tôi cắn cho anh xem nhé!

Bà nhe răng há mồm một cái, hàm răng trắng phau phau, đột nhiên được lưỡi đẩy lên, cả hàm răng giả kia nằm gọn trong tay bà. Bà liền khoác bộ răng giả lên mang tai. Trang Chi Điệp chợt hiểu ra, vui cười ha hả. Bà già nói:

– Bây giờ đang chạy theo mốt làm đẹp, lông mày có thể giả, mũi có thể giả, nghe đâu có cả vú giả, mông giả. Đầy đường khắp phố, đâu đâu cũng có con gái đi lại, quả tình anh không biết ai thật ai giả đâu!

Thấy bà già nói chuyện hóm hỉnh và thú vị, Trang Chi Điệp ngồi lại lâu lâu, lúc nhìn đồng hồ đã quá hai tiếng đồng hồ, liền cáo từ trở lại hiệu ảnh. Vừa đi khỏi, thì bà già liền bảo:

– Chưa biết chừng người này cũng giả.

Trang Chi Điệp nghe thấy, bất giác cũng đâm ra nghi ngờ, nghĩ tới chuyện tằng tịu với Đường Uyển Nhi, lơ mơ như cõi mộng, trong phút chốc cũng chẳng biết mình có phải Trang Chi Điệp thật hay không? Nếu phải, thì con người ngày xưa nhút nhát này, tại sao dám làm cái việc tày đình như thế? Nếu không phải thì bản thân mình là ai? Đứng sững dưới mặt trời hút thuốc như thế, lần đầu tiên Trang Chi Điệp phát hiện khói thuốc nhả ra in bóng xuống mặt đất không phải màu xám đen, mà là đỏ sẫm. Chợt quay đầu một cái, thì lại thấy một người, thân bỗng dưng bị kéo dài ra mấy thước, liền nhảy đến chân tường, sợ dúm người lại, toàn thân nổi gai ốc. Khi nhìn kỹ lại, thì ra mình dang đứng trước một cửa hàng, cánh cửa kính của cửa hàng ấy bị người ta đẩy một cái, cái bóng của mình qua tấm kính dưới ánh nắng đã phản chiếu lên bức tường tối ở bên kia. Trang Chi Điệp không sợ thần không sợ ma, song lại bị chính cái bóng của mình doạ cho một mẻ hú vía, vội vàng ngó bốn chung quanh, không có ai chú ý đến cảnh thảm hại vừa rồi của mình, liền đi ra hiệu lấy ảnh. Nhưng khi nhìn vào bức ảnh chụp chung của mình với Ngưu Nguyệt Thanh và Đường Uyển Nhi, Trang Chi Điệp lại không khỏi ngạc nhiên. Phòng nhà khách của tấm ảnh chụp chung rõ mồn một từ cái bàn cái ghế, thậm chí nhìn rõ cả bức tranh chạm ngọc trên tấm bình phong, song hình người như có như không, nhất là Ngưu Nguyệt Thanh và Đường Uyển Nhi hoàn toàn không nhìn thấy người chỉ có hai cái đầu lâu lờ mờ trên một bên vai. Lại lấy các tấm ảnh khác ra xem, thì tất cả mọi người đều như vậy. Trang Chi Điệp sợ quá, hỏi người trong hiệu ảnh rửa làm sao lại thế, thì lại bị người ta cự nự, họ bảo phim chụp thế này cũng đem đến rửa, chẳng phải cố ý bôi nhọ thanh danh của cửa hiệu người ta? Trang Chi Điệp không dám hỏi nhiều, nổ máy “Mộc lan”, song không sao nổ lên được, đành đẩy xe mơ mơ màng màng đi về nhà.

Ở cổng của khu nhà Hội văn học nghệ thuật, Liễu Nguyệt vừa nhìn thấy Trang Chi Điệp, liền hỏi đi đâu. Trang Chi Điệp bảo đi rửa ảnh, Liễu Nguyệt liền đòi xem hình của cô, cô bảo xưa nay chụp ảnh cô thường bị thiệt. Triệu Kinh Ngũ cũng nhắc nhở cô: sau này tìm hiểu ai, nhất định phải bảo người đàn ông đến xem mặt không được chỉ dựa vào ảnh chụp. Thấy Liễu Nguyệt ráo riết đòi xem ảnh như vậy, liền không muốn đưa tấm ảnh ra, nói dối chưa rửa xong, đánh trống lảng cho qua.

Liễu Nguyệt tiu nghỉu nhưng đã hạ thấp giọng kể lể chị Thanh đã mua một quyển tạp chí, bực tức như thế nào, một mình đi nằm ra sao, Trang Chi Điệp bỗng chốc càng thấy bủn rủn chân tay, gác chuyện phim ảnh sang một bên, đi lên gác cầm quyển tạp chí, vào phòng sách đọc lại một lần nữa, sau đó đi ra, mỉm cười với Liễu Nguyệt, khe khẽ bảo:

– Gọi chị ra ăn cơm.

Liễu Nguyệt nói:

– Em không dám.

Trang Chi Điệp cúi đâu suy nghĩ, rồi đi vào buồng ngủ. Ngưu Nguyệt Thanh đắp cái chăn len nằm nghiêng trên giường, chiếc quạt hương bồ che mặt, Trang Chi Điệp lay lay, bảo:

– Sao lại ngủ lúc này? Dậy ăn cơm chứ em?

Ngưu Nguyệt Thanh nhắm mắt tỉnh bơ, Trang Chi Điệp lại lay người đánh thức. Ngưu Nguyệt Thanh nằm ngửa người như một súc gỗ, song mắt vẫn nhắm chặt. Liễu Nguyệt liền bịt mồm cười trộm ở cửa buồng ngủ. Trang Chi Điệp gọi:

– Nguyệt Thanh, Nguyệt Thanh, em giả vờ ngủ cái gì thế?

Ngưu Nguyệt Thanh vẫn không động đậy, nằm trong tư thế ngủ. Trang Chi Điệp cố ý lấy tay thử thử trước miệng và mũi vợ. Ngưu Nguyệt Thanh đột nhiên ngồi dậy. Trang Chi Điệp liền cười và bảo:

– Anh thử xem, không thấy có hơi nóng, cứ tưởng em đã đi rồi.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

– Anh chỉ mong tôi đứt hơi, chết quách đi cho xong chứ gì?

Trang Chi Điệp bảo:

– Liễu Nguyệt ơi, em ra xem thời tiết bên ngoài thế nào, tại sao trời đang nắng ráo thế, lại nổi gió mưa rào nhỉ?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

– Có chiếc ga trải giường phơi trên ban công đấy!

Liễu Nguyệt phì cười thành tiếng, lao người vào trong bếp. Bây giờ Ngưu Nguyệt Thanh mới biết dụng ý của Trang Chi Điệp, bất giác cũng cười lên một tiếng, rồi thay đổi sắc mặt, mắng:

– Anh đáo để lắm, một đống phân không thối hay sao, mà còn khuấy lên để mà ngửi. Anh cứ tưởng chuyện trước kia của anh vẻ vang lắm hả? Anh định lấy sự phóng đãng của danh nhân để minh chứng lối sống tự nhiên, khoáng đạt của mình chứ gì?

Trang Chi Điệp hỏi:

– Em xem bài của Chu Mẫn viết phải không? Trong đó toàn là láo toét bậy bạ, chuyện giữa anh với Cảnh Tuyết Ấm em chẳng rõ rồi sao?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

– Thế sao anh để cho Chu Mẫn viết như vậy?

Trang Chi Điệp nói:

– Anh đâu có biết hắn viết những thứ đó! Em cũng đã rõ xưa nay anh đâu có đọc những bài văn loại này, chỉ bảo hắn vừa mới đến còn chân ướt chân ráo muốn có chỗ trên văn đàn thì cũng có thể lấy anh làm tư liệu để đăng bài của hắn. Nếu biết viết như vậy, thì anh đã dẹp đi ngay từ đầu.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

– Hắn vừa mới đến, thì làm sao biết được những chuyện đó?

Trang Chi Điệp đáp:

– Có thể là bọn Vân Phòng thêu dệt, bịa đặt ra, lan truyền đi.

Ngưu Nguyệt Thanh vặn hỏi:

– Vậy thì chắc chắn anh ra ngoài cũng bốc đồng khoác lác với bọn họ, người ta là con em cán bộ cao cấp, nói chuyện với Cảnh Tuyết Ấm sẽ dễ đề cao giá trị của mình chứ gì?

Trang Chi Điệp nói:

– Anh bây giờ cần gì dựa vào họ để đề cao mình cơ chứ?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

– Vậy thì em rõ rồi, mối tình xưa của anh với Cảnh Tuyết Ấm chưa dứt, nên anh mới nói ra như thế để hưởng thụ tinh thần chứ gì?

Ngưu Nguyệt Thanh nói tới mức giận dỗi lên, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Liễu Nguyệt đang ở trong bếp nghe thấy anh chị chủ cãi nhau, sốt sắng chạy vào khuyên:

– Chị cả ơi, chị đừng giận nữa, giận làm cái gì, thầy giáo Điệp là “danh nhân”, danh nhân thiếu sao được những chuyện ấy, mà thế thì có sao đâu kia chứ!

Trang Chi Điệp nói:

– Liễu Nguyệt này, em nói như thế, chẳng hóa ra tôi có chuyện ấy thật à?

Ngưu Nguyệt Thanh cũng cười, kéo Liễu Nguyệt vào lòng bảo:

– Liễu Nguyệt mới đến, đáng cười bọn tôi cũng cãi nhau đấy nhỉ!

Liễu Nguyệt nói:

– Răng thường cắn vào lưỡi, nhà nào mà không to tiếng cơ chứ! Gia đình em coi trẻ, anh chủ ra ngoài có bồ bịch, có người nói với chị vợ, chị ấy bảo, cuối cùng thì kiếm được tiền, anh ta cất vào tủ nhà tôi, chứ không cất vào chỗ khác là được.

Ngưu Nguyệt Thanh lại cười, véo vào mồm Liễu Nguyệt.

Liễu Nguyệt nói:

– Thôi nhé, hết giận rồi bây giờ thì đi ăn cơm.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

– Chị thì chẳng sao, có điều tổn thương đến thanh danh của thầy giáo em. Nhưng nghĩ lại, thì chị cũng biết thầy giáo em chẳng phải hạng người ấy. Anh ấy có lòng ăn cắp, nhưng không có gan ăn cắp, cũng chẳng có sức ăn cắp. Người ta bảo anh ấy thế này thế nọ, chị không tin chỉ hận là hận ở chỗ đi ra ngoài, hễ hăng tiết vịt lên là cứ nói liên thiên, chỉ biết nói cho sướng miệng, không lường đến ảnh hưởng của lời nói đã đem đến.

Nói xong, chị ta lau nước mắt. Liễu Nguyệt nghe xong lại cảm thấy mới lạ, đang định nói gì đó, thì có người gõ cửa. Ngưu Nguyệt Thanh vội vàng lau nước mắt, ra hiệu cho Trang Chi Điệp tránh vào phòng sách, vừa hỏi to:

– Ai đấy?

Bên ngoài có tiếng trả lời:

– Em đây, Chu Mẫn đây.

Cửa đã mở ra, Ngưu Nguyệt Thanh cười, hỏi:

– Đi làm hết giờ không về à? đến đúng lúc thế, cùng ăn cơm một thể.

Chu Mẫn bảo, anh đi làm về sớm, đã về nhà ăn cơm rồi, vốn lẽ sáng chiều nào cũng đi dạo tường thành, tiện chân rẽ vào đây trước. Trang Chi Điệp cũng từ phòng khách đi ra gặp Chu Mẫn. Anh vui vẻ vì Chu Mẫn đến đúng lúc, liền mời Chu Mẫn ăn một cái bánh rán. Chu Mẫn vẫn không ăn. Trang Chi Điệp liền cho băng vào máy cassette nghe để Chu Mẫn thưởng thức âm nhạc, còn mình, Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt ngồi ăn cơm. Băng từ phát bản nhạc “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài”. Chu Mẫn liền hỏi:

– Thầy Điệp thích âm nhạc dân gian ư?

Trang Chi Điệp mồm đang ăn bánh rán, gật đầu đột nhiên bảo:

– Mình có một cuộn băng, ghi không được rõ nét, cậu thử nghe xem, vị hay đáo để.

Trang Chi Điệp thay băng, một thứ âm thanh thâm trầm lắng mềm mại như nước âm vang. Chu Mẫn hỏi ngay:

– Đây là nhạc huyên, thầy giáo ghi ở đâu vậy?

Trang Chi Điệp tỏ ra đắc ý:

– Cậu có chú ý không? Sáng nào tối nào cũng có người thổi huyên trên tường thành. Mình đã từng có một đêm ra chỗ xa xa ghi trộm, ghi không được rõ lắm, nhưng cậu hãy nhắm mắt thưởng thức ý cảnh này chầm chậm, sẽ có cảm giác như đang ở trong cõi hồng hoang có một bầy quỷ oan đang nức nở, có một đốm lửa lân tinh đang lập loè cậu như đang bước đi trong rừng thông tối om, nghe thấy một giọt sương đang từ từ trượt ở cành cây sau đó chực rơi xuống mà không rơi, đột nhiên rơi xuống vỡ tan, cậu cảm thấy một nỗi khủng khiếp, một sự thần bí, lại không sao ghìm được, một niềm đam mê trỗi dậy muốn khám phá xem rút cuộc là thế nào, cậu càng đi càng xa, càng đi càng sâu, cậu đã nhìn thấy từng đụn, từng đụn chướng khí đùn lên, lại nhìn thấy cái gai chợt ngắn chợt dài bởi ánh nắng rọi qua cành cây và chướng khí. Nhưng cậu lại chẳng thể nào tìm được lối.

Trang Chi Điệp cứ nói, cứ nói, cũng không kìm nổi bản thân, liền đặt bát cơm xuống. Liễu Nguyệt bèn cất tiếng:

– Thầy giáo Điệp đang đọc thơ trữ tình đây này.

Nhưng Trang Chi Điệp lại thấy Chu Mẫn cúi đầu xuống, liền hỏi:

– Chu Mẫn ơi, cậu có cảm thấy như thế không?

Chu Mẫn đáp:

– Thầy giáo Điệp ạ, em thổi huyên đấy!

Trang Chi Điệp “a” lên một tiếng, cứ há hốc mồm, không ngậm lại được. Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt cũng dừng cả lại. Chu Mẫn nói:

– Em thổi vớ vẩn ấy mà, chỉ là để giải buồn, nào ngờ thầy giáo đã nghe được. Nếu thầy thích nghe thật, thì hôm nào em sẽ ghi một băng nghiêm chỉnh đem đến tặng thầy giáo. Nhưng em không rõ hiện nay thầy giáo là danh nhân, muốn gì được nấy, lòng nghĩ là việc thành, mà lại thích nghe huyên là vì sao?

Nói xong, từ túi khoác lấy ra một vật màu đen giống như lọ gốm nhỏ, bảo đây là cái huyên.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.