Ra đến ngoài phố, thấy Trang Chi Điệp đã vui vẻ lên, Triệu Kinh Ngũ liền kể, ở Thập Lý Phố ngoại ô phiá nam có một nhà doanh nghiệp nông dân họ Hoàng giỏi giang lắm, đóng dựng hẳn một nhà máy thuốc bảo vệ thực vật, đã đến tìm anh ba lần, bảo nhất định phải nhờ Trang Chi Điệp viết cho nhà máy của ông ấy một bài, bài viết dài cũng được ngắn cũng được, viết thế nào cũng được, chỉ cần được đăng trên báo. Trang Chi Điệp liền cười, bảo:
– Cậu đã cầm tiền của ông ta rồi, cậu dắt cắp bò, bắt tôi nhổ cọc hả?
Triệu Kinh Ngũ nói:
– Em đâu dám, không giấu gì anh, ông giám đốc này là thân thích trong họ nhà dì em. Trước đây dì có nói với em, em đã từ chối. Ông giám đốc lại đến nhà em xoành xoạch yêu cầu giúp đỡ nên em đã đến tìm anh. Em cũng nghĩ, tại sao không viết cơ chứ? Loại văn này đâu có phải sáng tác, ít đi một ván bài mạt chược là viết xong chứ gì? Nhuận bút em định rồi, trả năm ngàn đồng.
Trang Chi Điệp nói:
– Vậy thì mình ký một bút danh!
– Thế không được – Triệu Kinh Ngũ đáp – người ta cần là cần cái tên ba chữ của anh cơ.
Trang Chi Điệp nói:
– Tên mình đáng giá năm ngàn đồng ư?
Triệu Kinh Ngũ nói:
– Anh cứ thanh cao. Sự đời bây giờ thanh cao chỉ có nghèo thôi, năm ngàn đồng cũng chẳng phải ít, anh viết một truyện dài cũng không hơn số ấy đâu.
Trang Chi Điệp nói:
– Để mình suy nghĩ đã.
Triệu Kinh Ngũ nói:
– Người ta đã hẹn rồi, hôm nay cũng đến nhà em. Anh quyết định đi, không cần nhắc tới tiền, em đòi ông ta đưa tiền mới viết bài. Hiện nay ông chủ này phất to, tiền vào như nước.
Trong khi nói chuyện, hai người tới nhà Triệu Kinh Ngũ. Một chỗ nhỏ nổ ngô dựng lều ở trước cổng, bắc lò nhóm lửa, khói mù mịt, Triệu Kinh Ngũ đạp đổ bếp, chửi:
– Không đâu có chỗ, lại đến cổng nhà người ta hun chồn hả?
Người buôn nổ ngô, tay và mặt đen nhẻm, trợn mắt định đánh lại, sấn đến mấy lần, song vẫn phải nuốt nước bọt dịch bếp sang một bên. Chờ khói tan hẳn, Trang Chi Điệp nhìn biển đề ở cổng, số nhà ba bảy phố Tứ Phủ. Lầu cổng quả thật cầu kỳ, bên trên là máng ngói lăn, nóc có con thú lưu ly, tường gạch ở hai bên xây cao vống lên, thì chạm cảnh sông núi và hình người, chỉ có điều, trên khung cửa đã rơi mất một tấm chắn, hai cánh cửa sơn đen đã tróc, thiếu sáu cái đinh tán, mà trụ cổng thì to quá, dùng đá xanh đục thành mỗi bên chạm nổi một đôi kỳ lân. Trên tường gạch ở cạnh gắn một vòng sắt, bên dưới đặt một tấm đá dài màu tím. Thấy Trang Chi Điệp chăm chú xem, Triệu Kinh Ngũ bảo, vòng sắt này để buộc ngựa, còn dải đá dài màu tím là để đứng leo lên lưng ngựa. Ngày xưa nhà giàu cưỡi ngựa đi phố, có gắn chuông vào yên kêu leng keng, vó ngựa kêu lốc cốc, rất giòn oách như quan chức bây giờ đi xe con. Trang Chi Điệp rất thích trang trí trên đôn cổng, anh bảo trong thành Tây Kinh cảnh vật gì cũng bị người ta đào đi chỉnh lý, chỉ có phù điêu đôn cổng là không ai để ý, mình phải khai thác một vài tấm, hoàn toàn có thể xuất bản một cuốn sách rằng có giá trị. Bước vào cổng một bức tường bình phong đập vào mắt, lại là một cây trúc của Trịnh Nhiếp điêu khắc bằng gạch, hai bên có câu đối. Một bên là “Thương trúc nhất can phong vũ” (một cây trúc xanh trước gió bão), một bên là “Trường niên trực tả thanh vân” (Quanh năm viết thẳng vào mây xanh), Trang Chi Điệp vỗ đùi bảo:
– Mình vẫn chưa nhìn thấy cây trúc đứng một mình của Trịnh Nhiếp đâu nhé. Sao cậu không sớm sớm làm mấy tấm?
Triệu Kinh Ngũ bảo:
– Bây giờ sắp dỡ nhà rồi, em sẵn sàng dỡ toàn thứ này, nếu anh thích anh hãy cất giữ đi.
Trang Chi Điệp nói:
– Hai câu thơ này rõ ràng là hay rồi, nhưng xét cho cùng gắn vào tường bình phong không hợp, không khỏi đem đến cho người ta cảm giác tiêu điều.
Đi được vào sân, phải qua ba đoạn đường tất cả, mỗi đọan đường vào đều có sảnh và hành lang, lắp tấm cửa sổ song có hoa. Nhưng các gia đình ở lung tung đã chia cắt bãi trống của sân rộng, chỗ này dựng một lều, chỗ kia xây một gian nhà thấp lè tè, trước cửa mỗi ngôi nhà đều có một xô nước bẩn và một sọt rác, tắc đến nỗi đường đi cứ vòng vòng vèo vèo. Trang Chi Điệp và Triệu Kinh Ngũ cứ xẹo xẹo xọ xọ đi vào trong, người đi ra đi vào, ai cũng chỉ mặc mỗi cái quần, người thì xào nấu một bên, kẻ thì chống cái bàn nhỏ ra dánh mạt chược ngay trước cửa, quay đầu nhìn khách lạ. Đến sân rộng ở đoạn cuối cùng, càng kinh khủng, dưới gốc cây hương toàn có ba gian nhà to, một cây gậy chống cửa gỗ, cửa ra vào treo rèm trúc. Triệu Kinh Ngũ nói:
– Em ở đây!
Bước vào nhà tối om, một lúc lâu mới nhìn thấy da tường quét vôi trắng gần như lồi cả lên. Dưới cửa sổ, kê một chiếc bàn gỗ đỏ kiểu ngày xưa, sau bàn là giường, trên giường xếp la liệt các loại sách và tạp chí, gầm giường rải một lớp vôi khá dày. Trang Chi Điệp biết rải vôi để chống ẩm. Triệu Kinh Ngũ mời cùng ngồi trên một chiếc ghế lùn. Trang Chi Điệp mới phát hiện chiếc ghế lùn tinh xảo tuyệt vời, cứ tấm tắc khen mãi, nói:
– Mình ở Tây Kinh lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên thực sự bước vào kiểu kiến trúc cũ bốn bên là nhà giữa là sân. Trước đây người ta thường bảo kiểu nhà này dễ chịu thoải mái lắm, thật ra hoàn toàn có một khu sân chung. Cả nhà nhét vào đây chịu sao nổi?
Triệu Kinh Ngũ nói:
– Nơi này trước kia chỉ có một gia đình em. Năm năm mươi, dân nghèo ở thành phố vào ở, vào ở rồi thì không bao giờ ra được, hơn nữa người mỗi ngày mỗi đông, phá hết cái sân rộng.
Trang Chi Điệp nói:
– Nhà cậu đây ư, trước đây chưa hề nghe cậu nói! Có một ngôi nhà to thế này, đời ông cha chắc là gia đình giàu có, lắm tiền phải không?
Triệu Kinh Ngũ nói:
– Nói ra thế nào anh cũng giật mình, đâu chỉ giàu có lắm tiền! Anh có biết đời nhà Thanh liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh, bà Từ Hy thái hậu bốn lần chạy trốn về Tây Kinh do ai bảo vệ không? Ông nội em đấy! Ông nội em là thượng thư bộ hình, là nhà luật lớn tên tuổi lừng lẫy bốn phương. Cả đường phố này toàn là gia đình họ Triệu. Liên quân tám nước đánh chiếm kinh thành, ông là lãnh tụ của năm người chủ trương dánh lại trong triều đình, hơn nữa còn ngấm ngầm ủng hộ Nghĩa Hoà Đoàn. Triều đình chống chọi lại không nổi người Tây, Từ Hy bốn lần bỏ chạy, Lý Hồng Chương ở lại Kinh Đô ký điều ước Tân Sửu với giặc, bọn Tây liền nêu ra phải nghiêm trị phái chủ trương chống lại, đọc tên đòi phải trao ông nội cho chúng treo cổ! Từ Hy không biết làm thế nào, liền hạ thánh chỉ ở Tây Kinh. Thị dân Tây Kinh biểu tình phản đối ở dưới gác chuông đông tới sáu vạn người, tuyên bố nếu trao ông nội em cho giặc, thì Từ Hy không thể ở lại Tây Kinh. Từ Hy một mặt bởi dân tình o ép, một mặt cũng không nỡ giao đại thần của mình cho bọn Tây, nên đã xuống chỉ “ban thưởng chết” ông nội em liền nuốt vàng, nuốt xong vẫn chưa chết, lại sai người lấy giấy nhúng ướt bịt vào miệng vào mũi mà chết, lúc chết năm mươi tuổi. Từ đó về sau, một lũ đàn bà nhà họ Triệu bán dần bán mòn nhà ở của dãy phố để sinh sống, chỉ còn lại một khu nhà này. Anh xem đấy, những thứ để lại cho đời sau em đây, chỉ còn hai chiếc ghế lùn.
Trang Chi Điệp nói:
– Ồ, thì ra cậu có một gia thế hiển hách như vậy. Sáu tháng trước thị trưởng tổ chức người viết cuốn “Tây Kinh năm nghìn năm”, mình phụ trách chương văn học nghệ thuật. Sách viết xong, có một phần viết về thượng thư bộ hình của triều đình nhà Thanh là người Tây Kinh, mình biết câu chuyện này, nào ngờ lại là ông nội cậu, nếu nhà Thanh không đổ, ông nội cậu về già nằm ở nhà chính, thì bây giờ gặp cậu khó lắm!
Triệu Kinh Ngũ cười đáp:
– Vậy thì “bốn cậu ác lớn” của Tây Kinh sẽ không phải là bọn nhóc con hiện nay.
Trang Chi Điệp đứng lên, qua bức rèm trúc, nhìn thấy một người con gái mặc áo đỏ ở bậc đá đối diện, vừa đưa nôi ru cháu, vừa đọc sách, nói:
– Chuyện đời dâu bể. Khu nhà hào hoa ngày nào bao giờ đã thành thế này, mà sắp sửa lại chẳng còn gì nữa. Đồng quan quê mình là cửa lớn số một ở Quan Trung trong lịch sử, đã xảy ra rất nhiều câu chuyện oanh liệt, mười năm trước huyện lỵ rời đi nơi khác, thành phố cũ trở thành đống gạch vụn. Cách đây không lâu mình về thăm, ngồi trên nhà gác của thành phố hoang phế, than thở mãi, về nhà đã viết một bài tản văn đăng trên báo thành phố, không biết cậu đã đọc chưa?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
– Đọc rồi, cho nên em mới mời anh đến đây xem xem, chưa biết chừng tới đây có thể viết được gì đó.
Người con gái mặc áo đỏ ngoài rèm trúc đã thay thế ngồi, mặt quay sang bên này, song vẫn cúi xuống đọc sách, nhìn rõ lông mi mắt đen dài, sống mũi thẳng. Trang Chi Điệp thuận mồm nói một câu:
– Cô bé kia kháu quá nhỉ?
Triệu Kinh Ngũ hỏi:
– Nói ai thế – rồi thò đầu ra nhìn, nói tiếp – coi trẻ cho gia đình đối diện đấy, người Thiểm Bắc. Cái chốn Thiểm Bắc khỉ ho cò gáy chẳng có thứ gì sống nổi, chỉ có đàn bà là được!
Trang Chi Điệp nói:
– Mình cứ định thuê một người trông coi gia đình, song chưa tìm được ai thích hợp, thị trường dịch vụ lao động giới thiệu, thì không yên tâm. Cô gái này thế nào? Liệu có thể bảo cô ấy tìm giúp một người cùng làng cô ấy được không?
Triệu Kinh Ngũ nói:
– Cô bé này nói năng lưu loát, cử chỉ tự nhiên thoải mái, nếu làm người ở trong nhà anh, chắc chắn sẽ tiếp khách được. Nhưng người trong sân xì xầm đằng sau rằng, chủ nhà đi vắng, cô bé đã cho đứa bé uống thuốc ngủ, đứa trẻ ngủ suốt cả buổi sáng. Em không tin đâu, có lẽ cô bảo mẫu ở nhà bên cạnh thấy cô này xinh đẹp, chủ nhà lại giàu có, nên ghen tuông thêu dệt ra đấy thôi!
Trang Chi Điệp nói:
– Thế thì nói láo thật rồi, đàn bà con gái có loại người như vậy sao?
Hai người lại ngồi xuống. Triệu Kinh Ngũ liền khép cửa, bắt đầu mở hòm gỗ lấy ra những đồ cổ anh thu thập cho Trang Chi Điệp xem. Toàn là những tranh chữ cổ, gốm sứ, đồ đồng xanh, tiền đúc, bảng biển, vật điêu khắc. Trang Chi Điệp lại thích mười một cái nghiên mực. Triệu Kinh Ngũ đắc ý hơn cả chính là những nghiên mực này. Nó không chỉ là Nghiên Đoan, Nghiên Triệu, Nghiên Huy, Nghiên Nê, mà trên mỗi cái nghiên mài mực còn khắc tên họ của người dùng nghiên. Triệu Kinh Ngũ đưa từng cái cho Trang Chi Điệp xem, phân biệt màu đá, nhìn bằng mắt, lấy tay sờ xem cảm giác, lại đưa sát tai gõ nghe tiếng kêu. Sau đó nói rõ cái nghiên này đầu tiên ai dùng, sau đó ai dùng, người đó đã từng làm quan mấy phẩm, tranh chữ đã để lại cho đời ra sao, nổi tiếng như thể nào, kể say tới mức Trang Chi Điệp phải ngạc nhiên, hỏi ngay:
– Cậu làm thế nào thu thập được tư liệu đó?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
– Mấy cái nghiên kia thu thập lâu lắm rồi, có cái đổi cho người ta, còn cái này mua ba ngàn đồng.
Trang Chi Điệp nói:
– Những ba ngàn đồng, đắt gớm nhỉ?
Triệu Kinh Ngũ bảo:
– Chứ không ư? Bây giờ đem bán cái này đi, hai vạn đồng em cũng không để đâu. Tháng trước đi viện bảo tàng khu Hồ sen, bởi vì thành phố đã xây bảo tàng lớn, văn vật của các khu đều phải nộp lên, viện bảo tàng của khu vực định xử lý những vật nhỏ đã cất giữ, nhưng chưa cho vào sổ đăng ký để làm phúc lợi cho công nhân viên chức. Em đã đến xem, rất mê cái nghiên mực này, hỏi mua họ quát một vạn đồng, mặc cả mãi, xét cho cùng có người quen vẫn hơn, đưa ra ba ngàn đồng rồi cầm đi.
Trang Chi Điệp nửa tin nửa ngờ, lại cầm cái nghiên ra xem kỹ, quả nhiên nặng hơn vài lần nghiên mực thông thường, cắn vào rằng, để bên tai có tiếng kêu khe khẽ của kim loại, còn ở mặt sau của nghiên mực có hàng chữ nhỏ ghi rõ “Văn Chinh Minh ngoạn thưởng”. Trang Chi Điệp nói:
– Kinh Ngũ này, cậu hiểu nghề này, nếu có chuyện hay như thế này nữa đừng có quên mình là không xong đâu, mình cũng sẽ mặc thây mọi việc của cậu đấy!
Triệu Kinh Ngũ nói:
– Anh cứ từ từ, gần đây có một người tiết lộ với em, con trai Cung Tịnh Nguyên, Cung Tiểu Ất có một nghiên mực đẹp trong tay. Cậu ta nghiện hút thuốc phiện, bảo là chỉ chờ ông bố ra thăm nước ngoài là bán luôn. Để em đến xem đã, nếu là hàng thật sẽ lấy về, chắc chắn thoả mãn ông anh đầu tiên. Em đã bảo phải tặng anh mấy thứ, hai thứ này thế nào?
Trang Chi Điệp nhìn xem, thì ra là hai đồng tiền cổ, lật đi lật lại một lúc, cười hì hì:
– Kinh Ngũ này, cậu ranh ma vừa vừa chứ, bịp ai chẳng bịp lại lừa mình hả? Đồng Hiếu Kiến nặng bốn thù này (thù là đơn vị đo trọng lượng ngày xưa, hai mươi bốn thù bằng một lạng) quý thì quý đấy nhưng đã thay da đổi thịt, thoát thai từ đồng năm thù đời Hán mà ra, còn đồng “Tịnh Khang Nguyên Bảo” này cũng là tiền đúc phổ thông đời Tống.
Triệu Kinh Ngũ ngượng ngùng nói:
– Em thử con mắt của anh một chút đấy, anh đúng là con nhà nghề. Vậy thì em tặng anh đồ thật, thứ này quý hiếm.
Liền lấy ra một gói nhỏ bằng nhung đỏ, mở ra là hai cái gương đồng. Triệu Kinh Ngũ so sánh định chọn ra một cái cho Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp nhận ra một cái là gương đồng có hai con hạc ngậm dải lụa uyên ương có hoa văn khắc chữ, một là cái gương đồng có ngựa trời thiên thu ngựa dải lụa cành loan phượng có hoa văn khắc chữ. Trong lòng hớn hở vô cùng, đưa tay cầm cả hai bảo:
– Rõ ràng đây là một đôi gương, có tặng, tặng cả hai. Cậu thu thập nghiên mực nhiều vào, hôm nào mình cũng tặng cậu một cái, cậu gom đủ một trăm cái nghiên mực thì tốt.
Trong lòng mừng thầm, Triệu Kinh Ngũ đâm ra khó xử, bảo:
– Em cho anh, nhưng anh phải xin Uông Hy Miên cho em một bức tranh cơ.
Trang Chi Điệp nói:
– Vậy thì còn không còn khó à? Hôm nào mình sẽ dẫn cậu đến nhà anh ta, cần cái gì về cái ấy. Anh ta còn chiêu đãi thịt rượu là đàng khác.
Lập tức cầm gương ra trước cửa sổ đứng xem. Lúc này có người gõ cửa. Triệu Kinh Ngũ hỏi:
– Ai đó?
Không có tiếng trả lời, vội đưa mắt ra hiệu, Trang Chi Điệp lập tức cho gương vào trong túi. Triệu Kinh Ngũ cũng khoá hòm gỗ đặt vào một chỗ, xếp lại đống sách báo cũ lên trên, hỏi:
– Ai đấy?
Trả lời:
– Tôi đây!
Triệu Kinh Ngũ kéo cửa ra, liền bảo:
– Giám đốc Hoàng phải không? Sao bây giờ mới đến, thầy giáo Điệp chờ ông đã lâu lắm rồi, cùng đi ăn cơm chứ, bụng chúng tôi réo ục lên đây này.
Trang Chi Điệp nhìn thấy người đó vừa thô vừa lùn, khuôn mặt đen sạm béo tốt, song lại mặc một chiếc sơ mi trắng tinh, thắt cà vạt, tay xách một gói tướng. Trang Chi Điệp đứng lên bắt tay. Giám đốc Hoàng bắt tay lâu lắm, nói:
– Đại danh của ngài Điệp như sét đánh ngang tai, hôm nay coi như đã được gặp. Khi đến đây, tôi bảo đi gặp Điệp tiên sinh, bà xã nhà tôi còn cười bảo tôi nói mơ. Tay này của tôi không rửa nữa, để về nhà bắt tay bà xã, cho bà xã cũng được thơm lây.
Trang Chi Điệp nói:
– Ồ! Vậy thì bàn tay tôi đã trở thành bàn tay của Mao chủ tịch rồi sao?
Ba người cùng cười ha ha. Giám đốc Hoàng nói:
– Điệp tiên sinh rất giỏi pha trò, đúng là người càng to càng bình dị.
Trang Chi Điệp nói:
– Tôi to tát cái gì kia chứ? Làm văn học chẳng qua chỉ nổi cái tên hão, anh mới là người tai to mặt lớn, lắm của nhiều tiền.