Giấc này của Văn Thời ngủ thẳng đến khi mặt trời nhô cao.
Kỳ lạ là trong cuộc đời dài đằng đẵng của hắn, hơn 900 năm trước không hề biết cảm giác “ngủ một giấc thật ngon” là như thế nào chứ đừng nói tới một đêm không mộng mị đến tận bình minh. Nhưng hai năm này, thường là mở mắt thì trời đã sáng choang, hệt như bù đắp cho những gì còn thiếu trong quá khứ vậy.
Ngày xưa hắn ngủ rất ít, chỉ cần một tiếng động khẽ như là cơn gió thổi mở cửa sổ thôi, hắn cũng sẽ mở bừng mắt.
Giờ đây tỉnh dậy phát hiện mình gối đầu lên chân Trần Bất Đáo hoặc đè lên nửa bên vai anh, hắn không nhớ nổi sao lại thiếp đi như thế nữa.
Mới đầu Văn Thời còn hơi xấu hổ. Tỉnh dậy là trở mình, định che giấu sự thật rằng mình ngủ rất ngon bằng vẻ mặt lạnh lùng hờ hững.
Trần Bất Đáo nuôi hắn hơn một năm mới rèn được thành thói quen không thèm nể nang kia.
Hiện giờ, ít nhất hắn mở mắt sẽ không vội rời giường ngay, thỉnh thoảng mệt rã rời còn cựa mình nâng cùi chỏ che bớt ánh nắng, sau đó im lìm một lúc.
Mãi cho tới khi Trần Bất Đáo duỗi ngón tay khều nhẹ cằm dưới của hắn hỏi: “Giờ em đang nũng nịu hay là chơi trò lừa gạt vậy?”
Hắn ậm ờ đáp lại, sau đó chống người ngồi dậy.
Chẳng hạn như lúc này đây.
Văn Thời hừ nhẹ, cảm giác cổ họng mình khàn ghê gớm. Thế là hắn lặng lẽ cầm chén trà nguội trên bàn vừa uống vừa cụp mắt đánh giá bản thân.
Hắn khoác một tấm áo choàng, còn không phải là áo của hắn. Áo lỏng lẻo mở toang đến eo, nào có che được gì đâu, trái lại còn lộ ra khá nhiều….ừm….dấu vết.
Trên cổ chắc cũng có, đã vậy hôm nay còn là Đông chí, dựa theo lệ cũ, hắn phải ăn một bữa cơm với các sư huynh.
Văn Thời xoa cổ, bắt đầu truy tìm nguyên nhân gốc rễ trong đầu, rõ ràng tối qua chuẩn bị tinh thần đánh một trận, sao cuối cùng mất luôn cả quần áo.
Đang ngẫm nghĩ thì thấy Trần Bất Đáo duỗi tay cầm cái chén trống không của hắn, sau đó thuận tay nhấc ấm trà rót đầy, trả lời như thật: “Vì hôm qua em mặc nguyên cây đen ngột ngạt quá, cởi ra vừa mắt hơn.”
Văn Thời: “….”
Xạo nó quen.
Lý do quái đản này cũng chỉ có Trần Bất Đáo mới thản nhiên nói ra được thôi.
Hắn uống chén trà thứ hai cho nhuận họng, trầm giọng đáp: “Ai thèm nói chuyện với anh.”
Sau đó bị anh nhéo mặt.
Văn Thời: “?”
Dù sao cũng là lão tổ thuật rối, tiếng ác đồn xa. Trên đời này người dám nhéo mặt hắn ———-
…
Thôi được, ai đó đúng là dám nhéo lắm.
Trần Bất Đáo đẩy cửa bước ra ngoài gọi lão Mao và đại Triệu tiểu Triệu tới dặn dò vài việc, giọng anh từ tốn loáng thoáng vọng vào trong. Hễ là người thì đều nghe ra tâm trạng của tổ sư gia hôm nay rất tốt.
Văn Thời lại rót cho mình chén trà nguội thứ ba, đến khi chắc chắn cổ họng không khàn nữa mới đi tới góc phòng kéo mở tủ quần áo.
Trong ngăn tủ xếp một đống áo bào, hắn duỗi tay về phía bộ đồ màu xanh trắng rồi lại rụt về như ma xui quỷ khiến.
….
Mãi lâu sau, Trần Bất Đáo ngoài phòng đã dặn dò xong xuôi mọi việc, đại Triệu tiểu Triệu sắp sửa xuống núi, cửa phòng khép hờ bỗng kêu “kẽo kẹt”.
Trần Bất Đáo dựa thân cây quay đầu, thấy vị khôi lỗi sư nào đó đã sửa soạn gọn gàng, nhấc chân bước ra ngoài.
Suối tóc dài của hắn buộc gọn kỹ càng, cổ áo kéo cao, cánh môi mím nhẹ trông khá mỏng và lạnh dưới ánh mặt trời….
Tóm lại, mọi thứ đều không khác gì ngày thường cho lắm.
Chỉ khác mỗi là bộ đồ màu đen.
Trần Bất Đáo hơi nhíu mày.
“Ơ? Sao bỗng dưng anh ấy đổi sang mặc màu đen vậy?” Đại Triệu tiểu Triệu vốn sắp rời đi phanh chân lại, ló đầu ra ngó.
Hai cô không nghe thấy lời Trần Bất Đáo nói khi ở trong phòng nên đương nhiên không hiểu rõ ngọn ngành.
Còn Trần Bất Đáo cũng không có ý định để mấy cô suy nghĩ nhiều.
Anh quay đầu hất cằm ra dấu về phía con đường đá dài khúc khuỷu, nói với đại Triệu tiểu Triệu: “Mau xuống núi đi.”
…
Nói chung, khi toàn thể sư môn ngồi lại với nhau đã là lúc xế chiều.
Lão Mao trổ tài nấu một nồi đồ ăn đầy ắp, đại Triệu tiểu Triệu còn nấu chè trôi tàu trắng phau.
Trong sách cổ viết, Đông chí còn gọi là Lữ tràng, tức khởi đầu của vạn vật. Nếu tề tựu đông đủ cùng ăn một bữa cơm thì sẽ mang ý nghĩa sum vầy và đầm ấm dài lâu.
Tính đúng ra thì đây là lần đầu tiên tất cả mọi người trên núi Tùng Vân cùng ngồi đón Đông chí với nhau.
Mặc dù trước đây rất lâu, khi bọn Trang Dã còn chưa tròn hai mươi xuống núi, họ cũng chẳng sum họp đầy đủ như ngày hôm nay.
Ngày ấy Trần Bất Đáo không bao giờ tham gia sự kiện này, bởi vì anh biết chỉ cần có người thầy như anh ngồi bên cạnh, mấy nhóc đồ đệ kiểu gì cũng sẽ khoanh tay bó gối, không dám quậy thả ga.
Cũng may mỗi năm Đông chí đều tới đúng hạn. Bọn họ bỏ lỡ rất nhiều lần trong quá khứ, nhưng vẫn chờ được lúc này đây.
Theo một ý nghĩa nào đó, cũng coi như là ở hiền gặp lành.
Chắc do uống ngụm canh nóng, trà rượu đôi ba chén.
Chung Tư là người nghiêng ngả đầu tiên. Hắn chống một tay xuống đất, tay còn lại miết chén nhỏ sứ men xanh. Sương chiều lãng đãng, hắn bần thần một lúc, chợt nói: “Sư phụ, con nhớ hồi đó khi bản thân mới vừa lên núi. Trận hỏa hoạn trên núi Thái Nhân….”
Trần Bất Đáo tiếp lời: “Cháy hừng hực mười ba ngày.”
Năm đó một vùng núi Thái Nhân nổi lửa, cháy ròng rã mười ba ngày. Người dưới núi đa phần vùi mình trong biển lửa, may mắn sống sót thì thành dân lưu lạc. Chung Tư là đứa trẻ nhỏ nhất trong số đó, chưa đầy bốn tuổi.
Thật ra hắn đã chẳng còn nhớ rõ chuyện ngày trước nữa rồi, chỉ nhớ có người đưa hắn tới một ngọn núi khác rồi bảo rằng: “Đi dọc theo thềm đá lên trên có thể sống sót.”
“Sư phụ vẫn nhớ ư?” Chung Tư thoáng ngạc nhiên.
“Nhắc tới mới nhớ lại.” Trần Bất Đáo nói.
Anh luôn nói vậy nhưng Văn Thời biết anh vẫn nhớ rõ.
Trần Bất Đáo không thích nhớ chuyện cũ, nhưng khi có người trò chuyện về đôi điều chẳng biết đã trôi qua bao lâu, kiểu gì anh cũng sẽ đáp lại một hai câu. Như thể anh chỉ khẽ liếc nhìn thôi, mọi việc đều khắc ghi vào trong tim.
Trang Dã sinh ra ở Tiền Đường, năm ấy ba tuổi mắc bệnh nặng không khỏi nên bị vứt ở bên chân cầu. Lúc mới vừa lên núi còm nhom như con khỉ con, ăn gì cũng chẳng thêm được mấy lạng thịt. Khoảng chừng hai năm mới trông có dáng vẻ của một cậu nhóc.
Quê nhà Bốc Ninh ở Thanh Châu, xuất thân cũng không tệ lắm nhưng lại khổ sở vì linh khiếu trời sinh kia. Có người bảo hắn mắc bệnh điên từ trong bụng mẹ, cũng có người bảo sau này hắn lớn chắc cũng sẽ ngu dại thôi. Khi hắn lên núi là khoảng cuối xuân, khoảnh khắc thấy chim chóc bay lượn khắp núi, trong mắt đong đầy ánh sáng.
Chung Tư được một người dân lưu lạc đưa tới, lúc ấy Trần Bất Đáo đang ở núi Thái Nhân tiễn đưa vong linh trong núi, vừa khéo bỏ lỡ mất. Nếu không có người tiều phu thường vào núi chăm sóc hai ngày thì có khi không có người đồ đệ này rồi.
Còn Văn Thời nhỏ tuổi nhất được anh dắt về từ trong núi thây biển máu, nuôi dưỡng dưới chân núi suốt một năm.
Ngày lên núi là 16 tháng 11. Anh nấu rượu trên bếp lò, lò lửa cháy đượm hồng, ngoài trời sương tuyết phủ kín núi tùng.
…
Thực ra Trần Bất Đáo nhớ kỹ tất cả mọi chuyện.
Chẳng qua ban đầu làm những chuyện này toàn dựa vào duyên phận ý trời chứ chưa bao giờ nghĩ mấy người học trò sẽ theo bước anh trên con đường dài này lâu như vậy.
***
Khi lão Mao dụi lò lửa, trận tuyết cũng vừa ngừng, ánh trăng mờ mờ ảo ảo tỏa ánh sáng nhạt như sương.
Mấy thầy trò ngồi quây bên bàn đứng dậy, sửa sang vạt áo, nối đuôi nhau bước ra cửa.
Đông chí giá rét, lại còn là một ngày lễ cúng tế quan trọng, đêm nay bọn họ chẳng ai được rảnh rỗi.
Văn Thời theo sau Trần Bất Đáo bước qua bậc cửa, hắn ngước mắt trông cả núi Tùng Vân, yên tĩnh vắng vẻ như thiếu mất gì đó.
Hắn thoáng ngạc nhiên, bỗng chốc sực nhớ.
Đông chí rất lâu về trước sẽ không yên tĩnh như thế, những thôn làng dưới chân núi Tùng Vân sẽ thả khoảng trăm ngọn đèn trời, nhang khói lễ tế vấn vít lượn lờ, bay tới sườn núi hóa thành sương mù. Thế rồi cả ngọn núi thoảng hương khói lửa nhân gian.
Giờ đây những thôn làng ấy đã mất bóng, dưới núi cũng không có ai thả đèn trời nữa.
Văn Thời ngơ ngác giây lát, bỗng nhiên giật nhẹ ngón tay mấy lần.
Dây rối dài mảnh lẳng lặng dàn trải trong bóng đêm, một giây sau, hai bên đường núi sáng lên ánh lửa vàng óng kéo từ chân núi đến tận đỉnh núi, thoạt nhìn tựa như ánh đèn khắp núi ngàn năm trước.
Trần Bất Đáo quay đầu cười nhẹ nhìn hắn.
Tiếp theo, đám người lại bước trên con đường đá dọc theo ánh đèn.
Bọn họ bước xuyên qua cơn gió của rừng tùng đi xuống con đường núi như mỗi ngày trong quá khứ, sau đó ai đi đường nấy, không hòa mình vào trong biển người, đi làm chuyện bọn họ vẫn làm bấy lâu nay.
Đại bàng Kim Sí hót vang, chớp mắt biến mất trong tầng mây.
Đại Triệu tiểu Triệu hóa thành hai vệt bóng trắng lao vào cánh rừng rậm gió thổi xào xạc.
Chỉ còn ánh lửa lơ lửng khắp núi như ngọn đèn trời, soi sáng con đường trở về nhà.
Rất ít người biết rằng….
Những thôn làng dưới núi Tùng Vân thuở ban đầu không thả đèn đón Đông chí. Phong tục ấy tổng cộng cũng chỉ duy trì khoảng hơn trăm năm.
Nếu có ai đó tìm thấy ghi chép lâu đời nhất của thôn, có lẽ sẽ thấy được một vài manh mối. Ghi chép thôn kể rằng, những ngọn đèn trời ấy thật ra là thả cho người trên núi xem, để tưởng niệm hơn trăm năm nước, ngọn núi vô danh này đón một vị thần tiên ghé tới.
Người nọ lập bia dưới chân núi, định cư trên đỉnh núi.
Từ ấy, ngọn núi vô danh này có tên.
Trên đời này đúng là có một ngọn núi như vậy.
Đỉnh núi thường thổi gió tuyết, khe núi giấu một linh tuyền. Gió lớn lùa vào rừng, tiếng lá reo xa xăm.
Nó được vị tiên đặt cho một cái tên là Tùng Vân.
Tùng, tức hồn núi, tiễn hơi nóng đón giá lạnh.
Vân, tức chúng sinh, muôn dân như biển.