Lâu lắm rồi núi Tùng Vân không lạnh thế này.
Tuyết bắt đầu rơi dày đặc từ đêm qua.
Sân luyện công dưới sườn núi nháy mắt bị tuyết phủ trắng xóa, chỉ lộ ra góc đá xanh cực mỏng giống như một khối ngọc to lớn. Đường núi và rừng tùng cũng phủ đầy tuyết, có mỗi ô cửa sổ và mái ngói là giữ được màu sắc ban đầu.
Bởi vì trong phòng đốt một chậu lửa suốt cả đêm nên trận tuyết lớn còn chưa rơi xuống mái hiên thì đã tan thành một làn sương mù ẩm ướt.
Chậu được làm từ đồng nguyên chất, trọng lượng nặng khủng khiếp, mặt trong và ngoài chậu đều được khắc kín chữ Phạn.
Lần đầu Chu Húc nhìn thấy nó là vào ba ngày trước, khi Văn Thời xuống tới sườn núi, lôi cái chậu đồng từ trong ngăn tủ cũ ra kê xuống đất.
Vang “kịch” một tiếng nặng nề.
Chim chóc trong núi giật mình bay tán loạn, Chu Húc yên lặng rụt lại cái chân vừa bước qua ngưỡng cửa của mình.
“Trời….” Nó quan sát mấy giây, nặn ra nốt chữ “**”, sau đó đon đả hỏi Hạ Tiều: “Cái chậu này có phải vật sống không, trông cứ quái gở thế nào ấy.”
Hạ Tiều tức giận bảo: “Sao anh mày biết được.”
Đáng lẽ cậu phải vào phòng trợ giúp anh Văn của cậu, thế mà lại bị Chu Húc ngáng chân ở đây.
Nhưng điều Chu Húc lo lắng thật ra cũng không phải chuyện dở hơi ăn cám lợn, cái chậu đó đúng là giống y vật sống. Chỉ vỏn vẹn mấy giây, chữ Phạn trên thân chậu đã chớp tắt mấy lần rồi, nhịp điệu lên xuống như đang lặng lẽ hô hấp vậy.
Hạ Tiều dễ tính nên mặc kệ Chu Húc níu kéo mình. Cậu tính đợi đối phương thích ứng thì sẽ cùng vào phòng giúp anh Văn sau.
Ai dè lát sau Chu Húc ngồi thụp xuống bên ngoài cửa, quyết định sắm vai một người qua đường thích hít drama với tiêu chí “Không tới gần, không động tay”.
Hạ Tiều: “…..”
Chu Húc nhỏ giọng bảo: “Anh đừng kéo em, thấy chữ viết trên chậu không?”
Hạ Tiều: “Không nhìn thấy, nhìn thấy thì cũng không biết. Trên đồ cổ toàn thích khắc chữ Phạn, anh mày có học đâu mà biết.”
Chu Húc nói: “Em biết.”
Hạ Tiều: “?”
Khi cậu sắp nhìn nó bằng cặp mắt khác xưa thì Chu Húc lại bảo: “Ngại ghê ngại ghê, biết chút chút thôi.”
Từ khi lão tổ Bốc Ninh nương nhờ cơ thể nó, thỉnh thoảng nó lại bắt chước giọng điệu nho nhã kiểu này, ban đầu là vì trêu chọc Bốc Ninh. Giờ Bốc Ninh đã quay về ao dưỡng linh được một năm, thế mà nó lại vẫn không đổi.
Hạ Tiều đã quen cái cảnh thằng nhóc này giây trước còn “Ái dồi ôi mẹ sư”, giây sau lại tỏ vẻ “kẻ hèn tài mọn”, dần dà cậu chẳng mấy kinh ngạc nữa.
Cậu chỉ vào chậu đồng Văn Thời đang loay hoay hỏi: “Thế mày dịch thử cái xem nào, bên trên viết gì?”
Đây cũng là lần đầu tiên Hạ Tiều thấy Văn Thời dùng cái chậu này nên cậu khá tò mò về tác dụng của nó.
Ngờ đâu Chu Húc nheo mắt nhìn tổng thể cả cái chậu rồi bảo: “Cái chỗ đang phát sáng kia kìa, có một dòng chữ dài ngoằng ấy, nhìn thấy chưa? Đó nghĩa là “Linh”, còn trên cùng, đấy thấy nó chưa? Đó nghĩa là “chết”, bên cạnh nó hình như ý là “thả vào”.
Hạ Tiều gật gù: “Rồi sao nữa?”
Sau đó Chu Húc không thể tìm được chữ thứ tư mà nó biết.
Chữ Phạn khắc chi chít trên thành chậu ít thì cũng phải hơn nghìn chữ, thế mà nó nhận mặt được có ba. Dựa vào ba phần nghìn chữ còn đòi dịch trọn ý nghĩa đoạn văn, đúng là chuyện ma cũng chẳng dám làm.
Ấy thế mà Chu Húc lại dám.
“Ghép hai ký tự đầu tiên với nhau thì chính là chỉ “ban chết linh tướng”. Chu Húc rủ rỉ: “Rõ như ban ngày còn gì, anh của anh chắc là định phù phép làm thịt con yêu quái khó xơi nào rồi.”
Hạ Tiều: “……Mày còn dám nói toẹt ra như thế?”
“Không phải à, thế anh phân tích đê.” Chu Húc còn đang liến thoắng cái mồm: “Anh nhìn trạng thái mấy ngày gần đây của anh nhà anh xem, không cảm thấy có gì đó khang khác à? Để em nói cho mà nghe ——–“
Hạ Tiều ghé tai nghe, thấy nó thì thầm bảo: “Chủ nhật vừa rồi em được nghỉ bèn tới tìm anh chơi. Vừa khéo gặp được anh của anh vội vàng mở cửa trận rời đi, lúc đó anh ấy giơ tay nên em thoáng thấy có mấy vệt đỏ trong tay áo, ở chỗ cổ tay í.”
“Đỏ á? Cái gì đỏ?”
“Động tác nhanh quá em có thấy rõ đâu, nói chung là rất mảnh. Nhưng đỏ thì còn cái gì đỏ được nữa, bị thương chứ sao.” Chu Húc nói, “Mặc dù có vẻ không đau không ngứa nhưng có thể gây thương tích cho lão tổ Văn Thời thì chắc chắn là một con yêu quái khó xơi. Lần trước không phải tổ sư gia cũng bảo rồi à, Huệ Cô bên phía Ngũ Lũng đột nhiên gây ra tai họa. Anh thử liên tưởng với cái chậu này đi, có phải sáng tỏ rồi không?”
Hạ Tiều cũng không dám “sáng tỏ” bừa.
Cậu nghĩ ngợi hỏi: “Anh Văn hôm đó mở cửa trận ở đâu?”
“Ngay cửa núi.” Chu Húc nói, “Em sang biệt thự nhà họ Thẩm trước, không thấy anh mới mò sang đây. Lúc em tới anh của anh vừa đi xuống đường núi.”
Hạ Tiều: “Cho nên ý của mày là anh tao ngủ trưa xong thì đi từ trên núi xuống, cổ tay chảy máu.”
Chu Húc: “Ò….”
Ủa có gì đó không đúng lắm.
Hai thằng ngốc đang trong mạch suy nghĩ chợt ngẩng đầu, trông thấy Văn Thời ngồi quỳ một chân bên cạnh chậu đồng, con mắt đen láy lẳng lặng nhìn bọn họ.
Hạ Tiều: “…..”
Hạ Tiều biết quả này toang đời ông giáo rồi.
Nhưng Chu Húc vẫn muốn thử tự cứu mình.
Nó hỏi dò Văn Thời: “Lão tổ, sao anh tự dưng nhóm lửa làm gì.”
Văn Thời mặt không cảm xúc đáp: “Giết người.”
Giết Trần Bất Đáo trước, sau đó giết nhân chứng.
Đừng đứa nào mong được sống.
Đi kèm với tiếng nói là một tiếng “xoẹt” nhỏ.
– —– Tay Văn Thời cầm một hộp diêm nhỏ, ngón cái gảy một que ra. Hắn châm lửa que diêm ném vào trong chậu đồng, chỉ nghe “tách” một cái, ngọn lửa nhanh chóng bùng lên trong chậu, bốc cháy rừng rực.
….
Đúng là mùi vị của nhà tang lễ.
Ban nãy Chu Húc còn to gan đoán mò ý nghĩa của chữ Phạn “thả vào” kia. Nó chắc như đinh đóng cột rằng Văn Thời muốn làm thịt ai thì sẽ thả đồ của người đó vào trong chậu.
Chỉ vài phút sau, nó tận mắt nhìn thấy Văn Thời móc ra một tờ giấy vàng có hoa văn viết hai chữ “Chu Húc”, hắn không hề do dự ném thẳng vào trong chậu lửa.
***
Trần Bất Đáo cầm ba cành mai trắng đi tới từ con đường núi, chưa bước vào cửa đã thấy hai thằng ngốc Chu Húc và Hạ Tiều quỳ khóc trong nhà. Còn ai đó đang ngồi xổm bên cạnh chậu đồng, mặt mũi lạnh tanh thả thêm giấy vào trong lửa.
Lần này trên giấy viết “Trần Bất Đáo”.
Trần Bất Đáo hơi nhíu mày, cúi đầu bước vào phòng.
Chỉ vỏn vẹn mấy bước chân, Văn Thời đã lại ném vào ba tờ “Trần Bất Đáo” nữa.
“Ai giải thích cho tôi nghe chút.” Trần Bất Đáo bước đến bên cạnh Văn Thời, thưởng thức hành vi “kính yêu sư phụ” của ai kia một lát rồi ngoảnh đầu hỏi hai đứa đang quỳ khóc: “Rốt cuộc là ai trong hai đứa chọc vào vị tổ tông này rồi?”
Chu Húc ngoan ngoãn gọi “tổ sư gia”, nó tranh thủ liếc Văn Thời một cái rồi mới khai báo: “Hình như em nói sai á.”
Hạ Tiều: “Mày tự tin lên tý, bỏ từ hình như đi.”
Trần Bất Đáo: “Nói gì rồi, kể tôi nghe thử.”
“Em bảo ——” Chu Húc đang định mở miệng thì bị Hạ Tiều bịt mồm.
“Tính mạng quan trọng hơn.” Hạ Tiều nói.
Chu Húc ngẫm nghĩ, cảm thấy rất có lý, thế là nó gật đầu ngậm miệng quyết định khóc tiếp.
Cùng lúc đó, Trần Bất Đáo bị ai đó vỗ chân một cái.
Anh quay đầu thấy Văn Thời đang chìa tay với mình, vừa ném tờ giấy “Trần Bất Đáo” thứ sáu vào trong chậu lửa vừa không ngẩng đầu đòi đồ anh: “Nhánh cây của em đâu.”
Trần Bất Đáo đập nhẹ ba cành mai trắng kia vào lòng bàn tay hắn, nhưng lại rụt về trước khi Văn Thời bắt trúng.
Văn Thời rốt cục ngửa mặt lên: “???”
“Chuyện cành cây lát tính sau.” Anh vén vạt áo ngồi quỳ một chân xuống bên cạnh Văn Thời, dùng nhánh hoa chọt nhẹ vào má hắn, từ tốn nói: “Nói về chậu lửa trước đi, em chiếm dụng thời gian ngủ trưa của tôi, sai tôi ra sau núi chọn cành mai cho em, đã không nhớ điểm tốt của tôi, lại còn ngồi xổm ở đây làm chuyện xấu.”
Trần Bất Đáo chỉ hai thằng nhóc bên cạnh nói tiếp: “Tục ngữ bảo oan có đầu nợ có chủ, đứa nào nói sai thì em đốt đứa đấy đi, sao cứ nhìn chằm chằm tôi mãi.”
Chu *oan có đầu nợ có chủ* Húc ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa: “Tổ sư gia ngài không định cứu tụi em à?”
Trần Bất Đáo: “E là không cứu nổi, tính tình em ấy thế này tôi cũng chẳng dám chọc vào, hung dữ lắm, cáu đến mức cả tên mình cũng có thể ném vào đốt luôn ấy.”
Trong lúc nói chuyện, Văn Thời đang viết phỏng lại tờ giấy vàng mới.
Chu Húc và Hạ Tiều ngó xem, thấy trên tờ giấy đúng là viết hai chữ Văn Thời to đùng.
Trần Bất Đáo: “Thấy chưa.”
Văn Thời thấy anh duỗi ngón trỏ sang, khẽ khàng gõ lên mặt giấy.
Trần Bất Đáo: “Đây chính là tức phát khùng rồi, chuẩn bị chết cả nút.”
Văn Thời: “…..”
Đường đường là tổ sư gia mà không lo chuyện chính, chỉ toàn ở đây nói hươu nói vượn dạy hư con cháu.
Văn Thời hất đầu ra dấu về phía cửa, tiễn anh bằng một chữ: “Lượn.”
“Em hung dữ quá đi.” Trần Bất Đáo bật cười, mặc cho Văn Thời rút mất ba cành mai trắng kia.
“Ai nuôi thì trách người ấy.” Văn Thời lầu bầu, tiếng nói nhỏ đến mức Hạ Tiều và Chu Húc không nghe thấy.
Hắn cầm ba cành mai trắng kia hơ qua hơ lại trên ngọn lửa ba lần.
Nếu là mai trắng bình thường cộng với lửa bình thường thì bây giờ đã héo khô rồi. Nhưng ba cành cây trong tay Văn Thời lại được phủ một lớp linh mỏng dính như một cái màng tỏa ra ánh sáng ấm áp trong chậu đồng rực lửa.
Hắn rút cành cây ra, đang định tiến hành bước tiếp theo thì Trần Bất Đáo thò tay sang.
“Anh —–” Văn Thời còn chưa kịp ngăn cản thì anh đã cầm mất ba cành cây kia.
Khi cành cây rơi vào trong tay Trần Bất Đáo, lớp linh bao bọc kia chuyển thành màu đỏ như nhuộm máu.
“Lúc trước đã bàn bạc rồi cơ mà, chích máu cũng để em làm.” Văn Thời cau mày tóm lấy tay Trần Bất Đáo, “Đưa tay đây em xem.”
“Đó là do em chơi xấu chứ, tôi nói đồng ý chưa.” Trần Bất Đáo ngoan ngoãn xòe bàn tay. Lòng bàn tay anh có một vết đỏ bị cành cây cứa rách, nó đang biến mất với tốc độ có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vỏn vẹn mấy giây đã lành lặn.
Hạ Tiều với Chu Húc ở bên cạnh thoáng sửng sốt nhưng không dám xen mồm hay nhúng tay vào. Thứ nhất là bọn họ không hiểu hai vị lão tổ này đang làm gì, thứ hai là vẫn đang chìm trong cú sốc “Văn Thời chơi xấu” không thể tự thoát ra được.
Đợi hai người sực tỉnh thì nghe thấy Trần Bất Đáo bảo: “Em cũng chỉ mới ra khỏi cửa Vô Tướng hơn một năm, va chạm một tý thôi mà hai ba ngày mới tan vết bầm, chích máu cái gì.”
Anh thả bàn tay đã lành lặn xuống, hất cằm về phía cành cây vừa dỗ dành vừa giục Văn Thời: “Quấn dây đi.”
Mãi đến bước quen thuộc này, Hạ Tiều và Chu Húc mới hiểu bọn họ đang làm gì ——
Giấy vàng, cành cây, máu và dây rối.
Liên kết tất cả những điều trên, với người biết thuật rối thì đúng là quá rõ ràng rồi, đây là đang nặn rối còn gì.
Chính xác thì là một con rối đặc biệt.
Nó khác với Đằng Xà của Văn Thời hay đại bàng Kim Sí của Trần Bất Đáo, cũng không phải dạng từ con rối trở thành người như Hạ Tiều. Đây là loại thứ ba, trước kia chưa từng có ai nặn thành công.
Bọn họ muốn tạo ba bộ xác rỗng.
Thứ nhất là xác rỗng cần phải có linh tính, phải giống hệt như những người sống trên đời này thì mới có thể kết dính hoàn toàn với linh tướng, không đến nỗi xuất hiện tình trạng bài xích lẫn nhau.
Mặt khác, xác rỗng cũng không thể liên hệ bằng linh tướng với người điều khiển rối, nhất định phải độc lập hoàn toàn, nếu không thì dù giống người sống đến mấy cũng vẫn không phải người mà là con rối chịu sự điều khiển của chủ rối.
Hai phương diện này gần như đối lập nhau, đây vốn là chuyện không thể thực hiện trong mắt trong mắt hầu hết người điều khiển rối trên đời này.
Nhưng vì có sự tồn tại của Văn Thời nên nó không còn là hy vọng xa vời như thế nữa.
Dẫu sao hắn cũng tạo ra được một Hạ Tiều.
“Cho nên cái chậu này không phải dùng để trừ tà làm thịt người đâu chứ gì?” Chu Húc lượn quanh một vòng, dồn hết sự chú ý vào cái chậu đồng kia.”
“Vớ vẩn, tất nhiên là không phải.” Văn Thời đáp.
“Thế mấy tờ giấy viết tên bị ném vào trong thì sao?”
“Đều có ích cả.”
Trần Bất Đáo cung ứng trực tiếp cho toàn bộ núi Tùng Vân và ao dưỡng linh, Văn Thời là khôi lỗi sư cung cấp xác thịt, Chu Húc có một nửa linh tướng của Bốc Ninh, thế coi như là mối liên kết trung gian. Còn cả cái chậu lửa này chính là lửa hồn của Bốc Ninh, Chung Tư và Trang Dã.
Lửa này cháy bao lâu, xác thịt cũng phải đợi bấy lâu.
Văn Thời quấn dây rối cho ba cành cây kia. Thái độ của hắn trở nên trái ngược, ngoan ngoãn làm theo tất cả trình tự quy tắc trong sách, mỗi vòng đều quấn hết sức cẩn thận như lúc mới theo Trần Bất Đáo học thuật rối năm nào.
Trong thuật rối cổ xưa nhất có một câu nói ít được người ta nhớ đến, bởi vì không sát với thực tế nên phần lớn thời gian không có tác dụng gì mấy.
Kể rằng: tiên không thể nặn người, quỷ không thể nặn người, chỉ có người mới có thể trở thành người.
– —– Ngươi đã từng chứng kiến biết bao cảnh sinh li tử biệt trên thế gian, không thành tiên, không thành quỷ, vẫn có tình cảm bao la và buồn vui sâu sắc nhất, vẫn có khoảnh khắc liều lĩnh hoặc phấn đấu quên mình nào đó. Khi ấy “Người” do ngươi nặn may lắm mới có khả năng trở thành người thực sự.
May sao Văn Thời cũng coi như là một trong số đó.
Hắn là khôi lỗi sư mẫn cảm nhất, từng chứng kiến khoảng thời gian thăng trầm trong suốt một nghìn năm. Sau khi linh tướng trở về cơ thể, hắn nhớ lại gần như tất cả mọi chuyện trong quá khứ. Nhưng khi quấn dây rối lên cành cây dài, hắn lại không nhớ nổi bất cứ chuyện hoàn chỉnh nào, chỉ có hình ảnh của vô số khoảnh khắc tràn ngập trong tâm trí mà thôi.
Hắn nhớ Trang Dã sợ độ cao thuở nhỏ thả người nhảy một phát từ trên đỉnh núi cao, sau đó tóm lấy chiếc đuôi dài của con rối lớn lao xuống theo cơn gió, cười ầm lướt nhanh về phía họ.
Nhớ Chung Tư ngày bé trước giờ không trồng sống nổi hoa cỏ vừa tung mười hai lá bùa vàng ra, hoa mơ lập tức nở rộ khắp núi Thái Âm hoang vắng suốt trăm năm.
Cũng nhớ lần say rượu duy nhất của Bốc Ninh luôn luôn nhã nhặn đứng đắn, hắn dùng ba trăm mười hai viên đá trận “chuyển” bầu trời đầy sao xuống dưới chân bọn họ.
……
Đây đều đã từng là sự tồn tại sống động nhất, là những người chí tình chí nghĩa. Nhưng vì nhiều lý do mà vắng bóng nghìn năm trong dòng chảy của thời gian.
Giờ đây cả núi Tùng Vân ấp ủ lửa hồn, lẳng lặng chờ bọn họ trở về