Phán Quan

Chương 11



Nhưng, Văn Thời nhanh chóng phát hiện sự thật hoàn toàn không phải thế…

Vì con rối trên giường đã chết thật rồi.

Cụ già xốc chăn lên, tay chân bé trai đã biến thành nhánh cây khô héo, vỏ cây màu nâu tro thay thế hơn phân nửa làn da của nó, chỉ có phần bụng trở lên là còn tạm giữ được dáng vẻ con người thôi.

Quá trình này gọi là ‘khô hóa’, có nghĩa là con rối đã chết.

Có vậy mà đã chết rồi à?

Văn Thời khá ngạc nhiên.

Anh nhớ rất rõ là mình không hề đâm thủng ngực của bé trai, không đến nỗi lấy mạng của nó, sao lại đột nhiên khô hóa thế này?

Nhưng trong chớp mắt, anh hiểu ra, cảnh tượng này không phải màn tiếp diễn sau khi mình làm tổn thương đứa nhỏ, mà là chuyện từng xảy ra trong hiện thực.

Chuyện này luôn tồn đọng trong trí nhớ của cụ già, không những thế mà ấn tượng còn rất sâu đậm. Chuyện xảy ra trong lồng khá giống với những gì từng phát sinh ngoài đời thực, vì thế cảnh tượng này mới ùa tới.

Đây không phải là hư ảo, nó là chuyện đã qua.

Bé trai trên giường nhắm hai mắt, vùi người trong đệm chăn, trông không có chút sức sống nào. Dấu vết vỏ cây xù xì còn đang từ từ lan rộng, tựa như một vết mực bị dây ra, phần da ngày càng ít đi.

Sau một lúc, dấu vết khô hóa đã tràn tới trước ngực.

Con dấu trên ngực nó trắng lên như đốm mốc trên nhánh cây, vẫn khó thể nhận ra.

Văn Thời nhìn chằm chằm vào con dấu rối đó, hơi nhíu mày.

Bỗng nhiên nghe có ai đó trầm giọng mở lời, hỏi anh: “Ngẩn người làm gì?”

Anh chợt hoàn hồn, quay đầu thấy Tạ Vấn đã đi tới.

Không gian trong gương lạ lùng lắm, nó đối ứng với những gì ngoài gương, cũng có một chiếc bàn đọc sách, một khung cửa sổ, nhưng tất cả đều rất mơ hồ, tựa như bị bao phủ bởi một lớp sương trắng xoá.

Tạ Vấn đang đứng dựa người lên bàn đọc sách giữa sương mù.

Hắn vẫn còn cầm trong tay nhánh cây từ lúc vào lồng đến giờ, tạm thời không ném đi đâu được, nên luôn bày ra dáng vẻ có nó cũng được, không cũng chẳng sao như một tên nhà giàu lười biếng.

“Anh qua đây làm gì?” Văn Thời nói, giọng trong gương cũng rất khẽ, nếu không lớn tiếng thì không thể truyền ra ngoài.

“Tôi không thể tới đây?” Sự kinh ngạc của Tạ Vấn cũng có vẻ rất nhạt nhòa, một giây sau lại trở về với vẻ mặt bình thường: “Việc gì cũng có thứ tự đến trước tới sau, không thôi chúng ta tính thử ai là người giành địa bàn chiếc gương này trước nhé?”

“…”

Đã bao nhiêu tuổi rồi, ai thèm giành địa bàn với ông chứ?

Văn Thời không thèm để ý đến hắn, liếc một cái rồi đưa mắt về.

Một lát sau, anh bỗng nói: “Anh biết gì về khô hóa không?”

“Hả?” Tạ Vấn đứng thẳng người dậy và đi tới, lia qua bé trai trên giường, lập tức hiểu ra, “À, đương nhiên là biết rồi.”

Văn Thời lại nhìn hắn với một ánh mắt hoài nghi.

“Vẻ mặt gì đây, bộ tôi không nên biết à?” Tạ Vấn nói.

“Không phải.”

Nên biết, nhưng không nên có vẻ mặt này.

Quá trình ‘khô hóa’ của một con rối bình thường luôn xảy ra trong chớp nháy, giây trước còn sống sờ sờ, giây sau đã rơi xuống đất và biến thành một đống cành khô lá úa kèm theo sợi bông trắng.

Kiểu khô hóa chầm chậm như thế này đồng nghĩa với việc kẻ làm rối có trình độ cực cao, cao đến mức hiếm thấy trên đời, chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Đừng nói là người thường, chỉ có vài Phán Quan từng thấy một con rối như thế, nhất là đám Phán Quan đời sau. Thoạt nhìn, người thường sẽ không thể hiểu được đây là quá trình ‘khô hóa’, còn tưởng bé trai có vấn đề gì khác nữa.

Nên khi Tạ Vấn trả lời nhanh chóng bằng giọng điệu bình thản như vậy, anh lại thấy rất kỳ quái.

Nhưng hắn cũng nhanh chóng hiểu được lòng nghi hoặc của Văn Thời, giải thích: “Trương gia có rất nhiều sách chứa, trình độ gà mờ như tôi đây chưa từng nhìn thấy chúng ngoài đời thực, phải xem nhiều trên sách vở để tránh bị mất mặt vì nguồn kiến thức hạn hẹp ——”

Tạ Vấn cười nói: “Tôi dễ tự ái lắm, nhất là trước mặt người nhỏ tuổi hơn mình.”

Văn Thời: “…”

Nếu lời này thốt ra từ miệng một cụ già thì còn nghe lọt tai được tí tẹo.

Tạ Vấn trông chỉ mới 28, 29 tuổi, riêng vẻ ngoài cũng lớn hơn Văn Thời hai hoặc ba tuổi thôi, nói lời này nghe lại chẳng ra gì.

Huống chi…

Mi biết ông bao nhiêu tuổi rồi không?

Văn Thời nghiêm mặt, thầm nói trong lòng nếu biết rồi chắc mi chỉ có khóc thôi.

Cụ già không nghe thấy tiếng người trong gương, chỉ tập trung chú ý đến con rối kia.

Ông giơ tay sửa lại mái tóc của bé trai, ngồi lặng im một hồi, sau đó bưng chén tro nhang đó lên, lấy một nhúm nhỏ rồi bôi lên tay chân đã khô hóa của nó.

Cụ già xoa một lớp rất dày lên lòng bàn tay, lòng bàn chân và rốn, song lại lấy ngón trỏ móc một xíu, chấm sơ lên khóe mắt phải, chóp mũi và cuối cùng là nửa tim bên trái của bé trai, ba điểm vừa khéo tạo ra một đường.

Thấy vậy, trong lòng của Văn Thời đã dạt dào sự kinh ngạc.

Vì anh hiểu được động tác của cụ già —— đây không phải cách cứu người dân gian đơn giản, mà là ông ta đang độ linh.

Là mạnh mẽ tách một chút linh tướng của mình và dẫn vào trong cơ thể của con rối, nhằm kéo dài tính mạng cho nó. Đây là một phương pháp trong rối thuật, nhưng gần như chẳng ai dùng đến cả.

Thứ nhất, kéo dài được tính mạng của một con rối chỉ có nghĩa là hiện tượng ‘khô hóa’ đã được làm chậm lại thôi. Chỉ với điểm này cũng đủ hiểu tại sao đa số người không sử dụng phương pháp trên.

Thứ hai, dù thật sự đụng phải một con rối như thế, cũng chẳng ai lại làm vậy hết. Suy cho cùng, mất một con rối thì vẫn có thể nặn ra con mới, còn người thì không.

Trên thực tế, thuật pháp được công nhận là ‘chẳng được đách gì’ này đã bị vứt bỏ từ lâu. Văn Thời cũng biết vài chuyện, nhưng chỉ kể lại cho đồ đệ như đang tán dóc thôi.

Cụ già này biết được cách này từ đâu, cũng đọc được trong sách như Tạ Vấn sao?

Văn Thời thấy càng lúc càng sai…

Cụ già vẫn bận chuyện của mình. Ông cầm lấy một chiếc hộp nhỏ màu đen từ trên tủ đầu giường, trong hộp là một dãy dao gỗ kích cỡ khác biệt.

Ông chọn ra một con dao, cúi đầu cứa một đường nhỏ trên ngón trỏ của mình.

Khe tủ quần áo bỗng truyền tới một tiếng hít vào khẽ khàng, có vẻ là Hạ Tiều không nỡ nhìn cụ già cứa tay như thế.

Máu tươi lập tức ngưng tụ thành giọt và chảy dọc xuống theo ngón tay. Cụ già vội đưa tới trước mặt bé trai, vẫn nhỏ lên khóe mắt phải, chóp mũi và nửa tim bên trái, mỗi nơi một giọt.

Sau đó… ngón trỏ của ông ta lơ lửng bên môi của bé trai.

Đây là bước cuối cùng của độ linh, phải cho máu của kẻ độ linh vào miệng rối.

w●ebtruy●enonlin●e●com

Nếu nuốt xuống, con rối sẽ mở mắt ra lần nữa. Nếu không nuốt xuống, thì bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển, chút linh tướng bị tổn thất cũng sẽ không quay về.

Cụ già lại không hề do dự nặn ngón tay, giọt máu đầu tiên lọt vô miệng bé trai.

Vết đỏ thắm đó nhanh chóng thấm vào môi. Một giây sau, bé trai bỗng rùng mình một cái.

Cơ thể của cụ già cũng căng theo, có thể thấy được sự chờ mong và khẩn trương của ông.

Nhưng Văn Thời trong gương biết rằng chiêu này sẽ không thành công.

Vì kẻ tạo ra con rối này quá mạnh. Nếu so ra, cụ già chỉ là một rối sư bình thường, cùng lắm chỉ là một người xuất sắc trong những rối sư bình thường thôi.

Khoảng cách giữa hai người quá lớn, lại không có vấn vương dính líu gì tới nhau. Linh tướng hoặc máu của cụ già cũng chỉ có thế, chúng sẽ có tác dụng cực nhỏ với con rối này, nói chung là không cứu nổi nữa.

Quả nhiên, bé trai không hề nuốt giọt máu đó, cũng chẳng mở mắt ra, chỉ giãy giụa dữ dội như một con ác quỷ không thể áp chế.

Cụ già thở dài.

Chỉ mới cho đi một giọt máu, ông đã già hơn trước một tí, ngón tay cũng tiều tụy và gầy gò hơn.

“Đau hả? Nhịn chút thôi, nhịn chút thôi con.” Cụ già nói giọng từ tốn mà dịu dàng, vừa nắm tay bé trai vừa vỗ về nó.

Rất lâu sau, bé trai mới ngừng lại, mặt mày vẫn đầy tử khí.

Cụ già ngồi đó một lát, thoáng thở chậm ra một hơi như mới đi đường xa.

Một lát sau, ông lại duỗi tay ra, nặn giọt mới thứ hai bên môi bé trai.

Bé trai vẫn không nuốt xuống, lại ngọ nguậy dữ dội lần nữa, ngón tay đã khô hóa khó chịu chà lên da đầu của cụ già rất nhiều lần, hơi chậm tí là có thể đâm vào da đầu, nhưng cụ già vẫn dỗ dành: “Nhịn chút xíu, nhịn một chút thì sẽ tốt thôi con nhé.”

Không lâu sau đó, bé trai ngừng giãy giụa và nằm lại giữa đệm chăn, cả người vẫn tràn đầy hơi thở chết chóc.

Cụ già lại càng già hơn.

Ông ta vẫn ngồi đó một lát, mới sửa lại góc chăn cho đứa nhỏ rồi nặn ra giọt máu thứ ba.

Tiếp theo là giọt thứ tư.

Giọt thứ năm.

Văn Thời chưa từng nghĩ tới cảnh mình sẽ không làm gì, đứng lặng trong một cái lồng lâu đến vậy. Thực ra, bây giờ là lúc tốt nhất để giải lồng, nhưng không hiểu sao anh lại không muốn ngắt ngang động tác của cụ già này.

Anh nhìn đối phương ngày càng già đi, gầy nhom và lưng khòm, bỗng tìm thấy một cảm giác quen thuộc.

Ngày đêm trong lồng vẫn luân phiên rất nhanh, thời gian cũng chẳng hề bình thường.

Không biết đó là lần thứ mấy cụ già đã nặn máu, con dấu trên nửa tim bên trái của bé trai chợt có chút màu đỏ, tựa như cây khô gặp xuân.

Nó còn đang giãy mạnh, cành khô lỡ gãi trúng đôi mắt cụ già khi ông đang ngây người.

Cũng may là ông chụp lại kịp, không cho nó cào những chỗ khác.

Ít lâu sau, trái cổ của bé trai nhúc nhích một cái và nuốt xuống giọt máu ấy.

Cây khô màu nâu tro từ từ rụt khỏi người nó, tay chân cuối cùng cũng có thịt lại, làn da cũng không hề hiện lên màu tro trắng xanh nữa.

Có lẽ từ đó đến giờ tính cách của cụ già vẫn luôn trầm tĩnh như thế. Ông vẫn ngồi ở mép giường, lẳng lặng nhìn biết bao nhiêu nỗ lực ngày đêm của mình dần biến thành một kết quả.

Ông không động đậy, chỉ có tay là đang run, không biết do quá vui hay vì quá ngạc nhiên, cũng có thể là… có phần khổ sở. Người cao tuổi thường thế đó, vui đến cực hạn thì sẽ bắt đầu thấy khổ sở, chẳng vì lý do gì cả.

Lúc bé trai mở mắt ra, ánh mắt vẫn hơi trống rỗng, nhưng có lẽ do từng chết một lần rồi lại nuốt máu của cụ già, nên dường như có thêm vài điểm khác lạ…

Tóm lại là có chút hơi thở của người.

Nó chớp mắt mấy cái, giọng điệu vẫn không lên xuống một cách quá rõ ràng, nhưng câu đầu tiên lại là: “Ông ơi.”

“Ôi.” Cụ già nhét chăn lại, nói chậm rãi: “Ông đây.”

“Sao con lại nằm không nhúc nhích được thế này?” Nó hỏi trong sự mờ mịt, có vẻ đã quên mất đi rất nhiều chuyện, tựa như một đứa trẻ vừa chào đời.

Cụ già nói: “Ngã bệnh.”

“Hình như búp bê của con sống dậy.”

“Đó chỉ là ác mộng thôi con.” Cụ già kiên nhẫn giải thích.

“Con sợ quá.” Bé trai nói thế. Ngón tay của người bên cạnh bóp chặt như đang bị co rút, tựa sắp làm ra chuyện gì nguy hiểm vào giây tiếp theo.

Nhưng cụ già lại duỗi thẳng ngón tay của mình ra và bảo: “Sợ thì có thể khóc, có thể nói với ông, ông luôn ở bên cạnh con mà.”

“Mắt con hơi đau.” Bé trai chớp mắt phải.

Nơi đó có một vết máu bị ứa ra vì nó đã gãi trong lúc giãy giụa.

“Ông già rồi. Hình như ông lỡ đập con trúng đâu đó lúc ôm con lên giường.”

Cụ già nói, vớt chiếc khăn lông từ trong bồn nước ấm ra, vắt đi nước thừa rồi từ từ lau mặt cho bé trai.

Văn Thời nhìn cụ già rất lâu. Khi ông giơ tay áo lên, anh thấy một vết phỏng quen thuộc trên khuỷu tay của ông ta.

Anh lại đưa mắt về lại trên người bé trai.

Nhìn con dấu trên ngực bé trai ngày càng nhạt đi, gần như mất tiêu. Nhìn vết tro nhang và máu trên chóp mũi đó cũng dần biến mất, một nốt ruồi nhỏ lại nổi lên. Nhìn vết cào trên khóe mắt của nó nhanh chóng kết thành sẹo.

Giống hệt như của Hạ Tiều.

Cửa tủ quần áo bị gió thổi mở ti hí, để lộ một con búp bê đang trừng to đôi mắt. Đèn trắng chiếu lên hạt bi thủy tinh, trông như nó từng khóc.

“Con ngã bệnh thì ông sẽ không cần con hả?” Bé trai hỏi.

“Không đâu.” Cụ già nói: “Ông và con có duyên với nhau, ông muốn nhìn con lớn lên.”

HẾT CHƯƠNG 11 („• ֊ •„)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.