Tôi đã nghĩ với tính cách hào sảng phóng khoáng đó, chưởng môn Lại Vân Trường sẽ dễ dãi trong việc rèn luyện. Nhưng không. Tôi lầm, ông trông thế mà kỉ cương đến đáng sợ.
Theo như tôi biết, nếu Khiết Vân là học trò cưng của cha tôi thì Tử Huyên chính là viên ngọc quý Lại Vân Trường đích thân mài. Tử Huyên nhận mệnh từ ông, sáng sớm nào cũng gõ mõ, đẽo tôi dậy.
Nói là sáng sớm mà tôi cũng oan ức đấy. Vì lúc hắn tới lôi tôi ra quảng trường- nơi các đệ tử thường tập luyện, trời còn chưa hửng sáng đâu. Chiếu theo thời đại tôi sống, chắc lúc đó chừng mới bốn giờ.
Hắn lôi tôi dậy rồi bắt tôi chạy bộ và kêu tôi tập thở, luyện phản xạ.
Ngày đầu thì tôi háo hức đấy, tôi có quyết tâm đấy, đó là cho đến ngày hôm sau…
Cả ngươi tôi nhức mỏi, ê ẩm như muốn rụng rời chân tay. Cổ tôi đau tê tái, nghiêng mặt thôi là cũng thấy cổ, xương đòn, vai tôi kêu cót két, than lên những tiếng rống riết.
Tôi cá là Úy Trì Tuyết Nhi chưa bao giờ làm việc gì nặng. Chứ một cơ thể tuổi mười sáu không thể yếu đuối cỡ độ này. Xưa kia tôi tay mơ tập thể dục và kháng lực, ngày đầu cũng không kiệt quệ như cái xác khô giống lúc này.
Tôi run lẩy bẩy như bà đẻ đến bãi tập, giơ con mắt chết ra nhìn Tử Huyên. Phản diện đại nhân vẫn chỉnh chu như ngày thường.
Không thể phủ nhận hắn rất đẹp, bảnh bao lại anh tuấn, có nét rất riêng với sống mũi cao và đôi mắt phượng. Ngũ quan hắn hoàn hảo… Ngoại trừ con mắt đáng sợ, đầy vẻ khinh bỉ đó đang nhìn tôi.
Tôi biết là giờ nếu có ống kính máy quay ở đây, chúng tôi chả khác nào hai phiên bản đối nghịch. Hắn là kế toán những ngày cuối năm, còn tôi là cái xác héo khô bị bòn rút lê lết đến đây xin được tăng lương.
Tôi hóp hai má lại giơ năm ngón tay:
“Huynh đài, à không, đại ca, huynh cho ta xin khất chỉ chạy năm vòng thôi được không?”
Hắn trừng mắt với tôi và nhoẻn miệng cười như Tu La đi lên từ địa ngục:
“Năm mươi vòng!”
Tôi bảo mà! Bảo hắn kiêm phụ trách tôi chính là đày tôi xuống địa ngục trần gian.
Tử Huyên lấy việc “dạy dỗ” tôi làm trò vui với hắn. Buổi học vẽ chú thuật, hắn là người trợ giảng giúp Lại Vân Trường.
Điều đó không lạ khi mà hắn đã đạt tứ đẳng ở tuổi còn rất trẻ, được xem là một trong những kì tài, mũi nhọn của tông môn. Nhưng sự nhiệt tình của chàng “giảng viên” này thực khiến tôi muốn bùng tiết, chui đầu xuống cống.
Hắn nhìn xuống bài tôi, còn cố tình cao giọng:
“Bài này không được. Làm lại.”
“Làm lại.”
“Lại.”
“Này, Úy Trì Tuyết Nhi, bao lâu rồi cô không cầm bút? Cái đó mà cô gọi là chữ à?”
Tôi không quen dùng bút lông được không?
Tôi thẹn quá hóa giận, tức điên, tôi đá chân đập vào mắt cá của hắn. Tử Huyên nhau mày, thấp giọng với tôi:
“Hôm nay cô ăn gan hùm mật gấu?”
Tôi nhoẻn cười đắc chí và tôi biết nụ cười này của mình sẽ không tồn tại lâu. Tôi nghiến răng nói bằng âm bụng:
“Không có, lão sư, ngài nhầm rồi, tiểu nữ đâu có dám cãi giả ngài.”
Hắn cũng cười thật tươi với tôi, mặt hắn đen hơn đít nồi:
“Lát nữa cô ở lại, chừng nào vẽ ra được một đạo chú thuật hoàn chỉnh thì ngưng.”
Tôi có thể mách cha hắn lấy tư xét công không? Mà không được, tôi nuốt ngược cục tức vào trong. Tôi thừa nhận tôi viết xấu thật. Tên khốn phản diện nhà hắn không ôm bụng cười khi nhìn cái mà tôi gọi là chú thuật cũng đã được xem như kì tích.
Tôi vừa viết một cách dằn vặt không can tâm, vừa tưởng tượng về ngày tôi sớm thành tài mà vượt mặt hắn, đến lúc đó tôi sẽ có can đảm gọi thẳng tên hắn, và bắt hắn gọi tôi là “ông cố nội”.
Dù rằng đúng là tôi có than vãn về sự nhiệt tình thái quá của hắn, nhưng cách Tử Huyên truyền đạt rất được. Mấy phương pháp mà sư thúc nói “đặc chế” cho riêng tôi cũng đạt công hiệu nhanh chóng.
Hai ba ngày đầu, quả thực tôi uể oải và cả người tôi lúc nào cũng đau rưng rức. Nhưng một tuần trở đi đã có sự thay đổi rõ rệt.
Tôi thấy người mình nhẹ đi hẳn. Không phải nhẹ về trọng lượng mà là tôi thấy mình giống như được thanh lọc, thanh tẩy.
Hình như cái cảm giác có làn khi man mát đang chạy qua người mình đó gọi là linh lực đúng không? Vi diệu thật, cảm giác như tôi đang được truyền nước ấy, cảm thấy được từng dòng khí lạnh chảy khắp kinh mạch mình.
Dù tôi và phản diện đại nhân ngày ngày diện kiến nhau, lúc nào cũng như nước với lửa song dường như tôi không còn thấy hắn quá xấu tính nữa. Suy nghĩ hắn sẽ giết tôi không còn thường trực xuất hiện trong đầu tôi nữa.
Còn với hắn, chắc hắn vẫn ghét tôi như ngày đầu. Thấy tôi như chó thấy mèo, khi thì mặt lạnh tỏ vẻ chẳng quan tâm tôi, khi thì hắn nhìn tôi mặt nhăn như mặt khỉ, áng chắc hôm đó hắn giẫm phải phân trâu, rất thích bắt nạt tôi, tìm tôi trả đũa, nếu hôm nào chúng tôi không hằn học với nhau một trận thì tôi cá là hôm đấy bão to.