Lệ Ngọc và Dương Quang cũng đã kết hôn. Chỉ là Lệ Ngọc cũng phải dẫn về để ra mắt người nhà của mình. Trước kia họ đã từ cô, dù sau này nhận lại, tình cảm cũng đã nhạt nhẽo, nhưng thường nói, cây có cội người có nguồn, cô có chồng cũng không thể không dẫn về ra mắt được.
Ở trong nhà, Lệ Ngọc là con út, trên còn có hai anh trai và một chị gái. Họ đều cũng đã có gia đình của riêng mình. Thậm chí chị hai của cô cũng đã ngồi sui rồi.
Hôm nay cô về cũng đã gọi điện trước, cho nên, khi Dương Quang vừa lái xe vào cổng nhà thì đã thấy một đại gia đình từ già tới trẻ tụ tập đông đủ. Làm hắn cũng có chút hồi hộp.
Nhưng khi hắn bước vào nhà thấy cha mẹ vợ và anh chị vợ đều niềm nở tiếp đón trong lòng cũng nhẹ nhõm hơn nhiều. Thậm chí chị hai Lệ Ngọc còn cười nói.
– Chà! Dượng Út nó đẹp trai quá trời luôn.
Rồi lại quay sang Lệ Ngọc nói.
– Mày lượm ở đâu ra vậy mậy?
Mọi người đều cười rộ lên làm Dương Quang cũng vừa vui vừa ngại. Lệ Ngọc cũng vừa đùa vừa thật đáp.
– Em lượm ở trong sách.
Dương Quang âm thầm thở phào nhẹ nhõm. Cứ tưởng Lệ Ngọc sẽ nói lượm hắn trong trại tâm thần hoặc chuồng chó nào đó chứ.
Lệ Ngọc mà biết suy nghĩ của hắn chắc chắn cô sẽ nói.
– Trong mắt anh em tệ thế à?
Cô bây giờ đã là vợ của hắn. Làm hắn xấu mặt trước người khác thì được lợi gì đâu. Trêu chọc hắn lúc chỉ có hai vợ chồng là được rồi.
Với Dương Quang, gia đình Lệ Ngọc không có gì để chê. Cần sắc có sắc, cần tài có tài, cần tiền có tiền, lại cũng chưa từng có đời vợ nào. Đối với Lệ Ngọc đúng là cô có phước.
Nhưng ngược lại, cũng khiến cho cha mẹ Lệ Ngọc cảm thấy hơi tiếc nuối. Giá như Lệ Ngọc chưa từng có một đời chồng thì có lẽ họ đã có thể tổ chức một đám cưới thật linh đình cho cô, khiến gia đình nở mày nở mặt. Còn bây giờ, bất quá cao lắm cũng chỉ là một cái lễ Thú phạt* mà thôi. Lại nghĩ, phải chi năm xưa đừng gả Lệ Ngọc thì tốt quá. Chỉ vì một lời hứa của đôi bạn thâm giao mà khiến Lệ Ngọc lỡ dở tuổi thanh xuân. Cũng may Lệ Ngọc biết tự thoát ra, nếu không thì bây giờ cũng giống như chị hai của cô rồi.
*Lễ Thú phạt (hay lễ phạt, lễ; phú phạt, đều đúng): là một buổi lễ nhỏ với sự hiện diện của hai gia đình và những người họ hàng ruột thịt. Nhà trai cậy nhờ một người có uy tín trong thân tộc, am tường nghi lễ, có tài ăn nói làm chủ lễ. Buổi lễ không thể thiếu mâm trầu rượu, vàng vòng, cặp vịt, rồi cùng cô dâu, chú rể sang bên nhà gái. Thường thì là do có những đôi trai gái yêu nhau nhưng không được gia đình (một hoặc hai bên) tán thành. Hai người quyết định sống như vợ chồng với nhau. Khi mọi chuyện đã rồi, nhà trai tìm người kết nối nhà gái tổ chức một tiệc nhỏ để hợp thức hóa cho đôi trẻ. Hoặc trường hợp thứ hai là do cô dâu đã có một đời chồng, không tiện tổ chức lễ lớn. (Bây giờ thì nhà ai sợ bị nói cố tình tổ chức đám cưới cho một đứa nhiều lần để lấy tiền mới làm cái lễ này. Còn không ngại thì cứ linh đình thôi. Mà cha mẹ Lệ Ngọc thuộc dạng sĩ diện nên sẽ dùng cái lễ Thú phạt này. Hi hi).
Chị hai Lệ Ngọc là Lệ Thu, khi xưa cũng theo lời cha mẹ mà lấy chồng. Nhưng lại bị nhà chồng và chồng hành hạ đánh đập rất nhiều. Vậy mà mỗi lần về nhà khóc đều bị cha mẹ la mắng, nói do chị không làm tốt bổn phận làm vợ, làm dâu. Nhiều khi muốn như Lệ Ngọc ly hôn cho rồi, nhưng vì đã có hai mặt con và thấy Lệ Ngọc bị cha mẹ từ, rồi đuổi ra khỏi nhà một cách không thương tiếc, chị cũng không dám. Nhưng mấy năm sau khi Lệ Ngọc rời đi, chị bị đánh đến suýt nữa mất mạng, cũng may bà con hàng xóm ở gần đó thấy chướng mắt nên báo công an đưa chị vô bệnh viện, chị mới có thể sống sót. Hai đứa con chị thì chạy sang nhà ngoại, quỳ lạy van xin ông bà ngoại cứu mẹ mình. Lúc đó ông bà mới biết con gái mình khổ sở đến vậy.
Hối hận nhất cũng chính là mẹ Lệ Ngọc, năm xưa bà lấy cha Lệ Ngọc cũng do cha mẹ sắp xếp đấy thôi. Nhưng bà lại được cha Lệ Ngọc rất mực thương yêu, nên bà nghĩ hôn nhân của con mình được họ sắp đặt cũng sẽ hạnh phúc. Nào ngờ…
Hai ông bà mới kéo dòng họ sang bên chồng Lệ Thu nói chuyện. Lại nghe hàng xóm ở gần đó nói chồng Lệ Thu dắt vợ nhỏ về nhà ở chung cũng mấy tháng, bắt Lệ Thu hầu hạ vợ nhỏ. Bữa đó, Lệ Thu không chịu giặt đồ cho vợ nhỏ hay gì đó mà bị đánh tàn nhẫn. Không có người đi ngang phát hiện thì chắc ông bà hôm nay sang đây là nhặt xác con gái.
Nghe mà tức lắm thay. Có lẽ những việc này từ miệng Lệ Thu nói, ông bà cũng không tin. Nhưng nay được chính người khác nói làm sao có thể không tin cho được. Đúng là đau lắm thay. Cũng may là chồng của Lệ Thu đã bị bắt, nếu không, chắc chắn sẽ bị hai đứa em của Lệ Thu đánh cho chết. Nhưng mà cha mẹ chồng của Lệ Thu vẫn còn đó mà. Vậy là cha mẹ Lệ Thu kéo dòng họ sang nhà họ mắng cho một trận, bắt con gái và cháu ngoại về. Từ đó về sau cắt đứt tình nghĩa.
Từ vụ của Lệ Thu, hai ông bà mới nghĩ đến sự việc của Lệ Ngọc. Cho nên cũng tìm hiểu lại mọi chuyện. Kết quả, ba năm làm vợ làm dâu, Lệ Ngọc cũng khổ không thôi. Họ hối hận muốn tìm Lệ Ngọc trở về, nhưng cô đã bặt vô âm tín. Hơn nữa, tính cô quật cường như vậy, liệu khi họ tìm được cô, cô có nhìn lại họ không cũng là vấn đề. Mà một phần cũng do sĩ diện, xưa nay con cái xin lỗi cha mẹ, chứ có bao giờ cha mẹ phải hạ mình xin lỗi con cái. Dù họ biết họ sai, họ cũng sẽ không xin lỗi đâu. Vì thế mà họ chỉ hy vọng một ngày cô sẽ trở về, chứ không có đi tìm.
Có đôi khi Lệ Ngọc cũng tự hỏi là, lỡ mà cô chết ở đâu đó thì lấy đâu mà về. Chẳng lẽ cả đời họ cũng sẽ không tìm sao?
Mà thôi! Dù sao ông bà cũng đã trên 70 tuổi, sắp xuống lỗ hết rồi. Cũng đã thay đổi rất nhiều, bớt cổ hủ hơn. Phận làm con cũng không thể trách cha mẹ. Nếu không có cha mẹ thì sao có mặt cô trên đời. Cứ mặc kệ đi! Làm gương cho con cháu sau này vậy.